Văn hóa dân gian trong di sản văn hóa dân tộc

Tác giả: Giáo sư, Tiến sĩ NGÔ ĐỨC THỊNH

     Nước ta ở khu vực văn hoá Đông Nam Á, mà một trong những nét đặc trưng là vai trò rất to lớn của văn hoá dân gian (VHDG) trong nền văn hoá dân tộc. Đó là truyền thống văn hoá truyền miệng, khác với Trung Quốc và Ấn Độ là truyền thống văn hoá chữ viết.

     Văn hoá dân gian Việt Nam hình thành, và phát triển từ rất lâu đời, bắt nguồn từ xã hội nguyên thuỷ. Đến thời kỳ tự chủ, cùng với sự ra đời và phát triển của văn hoá bác học, chuyên nghiệp, cung đình thì VHDG vẫn tồn tại và giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của văn hoá cũng như xã hội, nhất là với quần chúng lao động.

     Truyền thống lịch sử và xã hội Việt Nam đã quy định những nét đặc trưng của văn hoá nước ta. Đó là văn hoá xóm làng trội hơn văn hoá đô thị, văn hoá truyền miệng lấn át văn hoá chữ nghĩa, ứng xử duy tình nặng hơn duy lý, chủ nghĩa yêu nước trở thành cái trục của hệ ý thức Việt Nam, nơi sản sinh và tích hợp các giá trị văn hoá Việt Nam…

     Bởi thế, trong kho tàng di sản văn hoá dân tộc, VHDG bao giờ cũng đóng vai trò quan trọng, thể hiện trên nhiều phương tiện.

1. Văn hoá dân gian – cội nguồn văn hoá dân tộc

     Nói văn hoá dân gian là cội nguồn của văn hoá dân tộc, là “văn hoá gốc”, “văn hoá mẹ”. Điều đó có nghĩa văn hoá dân gian gắn với các thời kỳ lịch sử lâu đời, là nguồn cội sinh sản văn hoá dân tộc, là nguồn sống tiếp tục nuôi dưỡng văn hoá dân tộc. Nói văn hoá dân gian là “văn hoá mẹ”, “văn hoá gốc” còn vì văn hoá dân gian ban đầu nảy sinh, tồn tại dưới dạng nguyên hợp, các bộ phận gắn bó chặt chẽ với nhau: “Từ thuở sơ sinh, nhạc thơ, múa và kịch đều chung một mâm. Đến khi lớn lên thì các loại hình tách bạch ra nhưng vẫn phải nương tựa vào nhau. Thơ dân gian tồn tại, phát triển và lưu truyền bằng hát đối đáp. Nếu bỏ nhạc thì múa khó thành. Mất sự tích văn học, mất làn điệu, mất múa thì chèo cũng mất. Tranh Đông Hồ cũng phải đi liền với hội tết…”‘.

     – Có con người là có văn hoá, có dân tộc là có văn hoá dân tộc. Mà văn hoá, văn hoá dân tộc trước hết là văn hoá của quần chúng, của nhân dân. Qua văn hoá dân gian, nhân dân lao động “tự biểu hiện mình, tự phản ánh cuộc sống của mình”2.

     Chúng ta có thể dõi theo văn hoá Việt Nam không chỉ từ văn hoá Đông Sơn, mà còn từ cội nguồn xa xưa, khi con người sống trong các thời kỳ văn hoá đồ đá cũ (Núi Đọ, Sơn Vi…), đồ đá mới (văn hoá Hoà Bình Bắc Sơn, Quỳnh Văn, Đa Bút, Hạ Long…)3. Những thành tựu văn hoá vật chất và tinh thần các thời kỳ đó qua phát hiện khảo cổ học mà chúng ta biết được, nói lên con người “tự biểu hiện mình”, “tự phản ánh cuộc sống của mình” như thế nào?

     Thời đại Hùng Vương là thời đại “nhất thành” hình thành dân tộc Việt, hình thành văn hoá Việt, hình thành quốc gia đầu tiên Văn Lang – Âu Lạc, để sau này “vạn biến”, biến đổi tự thân, biến đổi do những giao lưu ảnh hưởng với bên ngoài, nhưng vẫn giữ lại cái “cốt cách”, cái “bản sắc” của người Việt cổ hình thành và định hình từ thời đại Hùng Vương. Văn hoá thời đại Hùng Vương trước hết là văn hoá của nhân dân lao động, văn hoá dân gian.

     Sau một thiên niên kỷ “Bắc thuộc” đất nước ta đã bước vào thời kỳ độc lập tự chủ, xây dựng và phát triển nền văn hoá Đại Việt (từ thế kỷ X – XIX). Đây là nền văn hoá vừa bắt rễ từ cội nguồn văn hoá Đông Sơn, vừa giao lưu, ảnh hưởng với bên ngoài, nhất là văn hoá Trung Hoa, để vươn lên các đỉnh cao: Văn hoá Lý – Trần, văn hoá Lê và đặc biệt là văn hoá Nguyễn.

    Thời kỳ này, trên nền tảng văn hoá dân tộc, văn hoá dân gian .đã nảy sinh và phát triển dòng văn hoá chuyên nghiệp, bác học, văn hoá cung đình. Sự phân hoá giữa các dòng văn hoá kể trên bắt đầu từ thời Lý – Trần, tuy nhiên phải đến thời nhà Lê và đặc biệt thời Nguyễn, với tính chất Nhà nước Trung ương tập quyền phát triển cao, với việc lấy Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống, việc học hành, đào tạo nhân tài, quan lại đi vào nề nếp, thì sự phân hoá giữa hai dòng văn hoá (văn hoá dân gian và văn hoá chuyên nghiệp, bác học, cung đình) càng trở nên sâu sắc và rõ nét hơn. Điều đó cũng đánh dấu một bước trưởng thành và lớn mạnh của nền văn hoá Việt Nam. Từ đây, văn hoá dân gian tồn tại và phát triển trong sự thống nhất và đối lập với dòng văn hoá bác học, chuyên nghiệp, văn hoá cung đình, trong khuôn khổ chung của văn hoá dân tộc Việt Nam.

     Tuy văn hoá dân tộc từ thời kỳ này về sau không còn thuần nhất mà phân hoá thành các dòng văn hoá dân gian, văn hoá bác học chuyên nghiệp, văn hoá cung đình, nhưng giữa chúng vẫn có mối quan hệ tác động qua lại gắn bó. Mối quan hệ đó biểu hiện trên hai phương diện: 1 – Văn hoá dân gian vẫn là cội nguồn nuôi dưỡng nền văn hoá dân tộc, trong đó có văn hoá bác học, chuyên nghiệp, và 2 – Văn hoá bác học chuyên nghiệp, văn hoá cung đình tác động trở lại, góp phần nâng cao và định hình hơn văn hoá dân gian.

     Chúng ta có thể dẫn ra hàng loạt trường hợp và hiện tượng mà văn hoá bác học chuyên nghiệp đã hình thành và phát triển trên nền tảng và cội nguồn văn hoá dân gian. Tiêu biểu hơn cả là truyện Kiều của Nguyễn Du. Ông đã tiếp thu tư tưởng, các quan niệm nhân sinh, các hình tượng và đặc biệt là ngôn ngữ ca dao, dân ca… đưa vào tác phẩm truyện Kiều, khiến truyện Kiều quen thuộc với nhân dân tới mức họ coi đó như là tiếng nói và tình cảm của bản thân mình, đã “dân gian hoá” truyện Kiều, để rồi người ta thuộc Kiều, nảy Kiều, bói Kiều nhưng có nhiều người vẫn không biết ai là tác giả của nó.

     Chúng ta cũng có thể dẫn ra trường hợp nhà danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, mà trong y thuật và các tác phẩm y học của ông chứa đựng nhiều tri thức y học dân gian mà ông để công thu thập, hệ thống và nâng cao.

     Nhìn chung, trong nhiều thành tựu tiêu biểu của văn hoá Đại Việt thuộc dòng văn hoá bác học, chuyên nghiệp, cung đình thì ít nhiều đều có cội nguồn từ văn hoá dân gian. Có thể mượn câu nói của Hoài Thanh để thể hiện mối quan hệ này: “văn nghệ dân gian là cơ sở, là mảnh đất tươi tốt trên đó sinh ra và lớn lên nền văn học, nghệ thuật cổ điển và hiện đại Việt Nam”4.

     Ngược lại, văn hoá bác học chuyên nghiệp đã tác động trở lại văn hoá dân gian, làm cho văn hoá dân gian được định hình và nâng cao hơn. Chúng ta có thể dẫn ra hiện tượng thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thành hoàng và lễ hội ỏ đình, tín ngưỡng tứ pháp, sân khấu chèo, tuồng, ca dao, dân ca, vè,… mà ít nhiều đều có bàn tay “tu chỉnh” của các nhà nho, các tri thức lớn của dân tộc.

     Ngày nay, với xã hội đang trên xu hướng phát triển hiện đại hoá, công nghiệp hoá, thì vai trò của văn hoá bác học, chuyên nghiệp thể hiện ngày một to lớn, tuy nhiên văn hoá dân gian, tri thức dân gian vẫn không mất đi vai trò là cội nguồn tiếp tục nuôi dưỡng nền văn hoá dân tộc.

2. Văn hoá dân gian và bản sắc văn hoá dân tộc

     Khi nói đến bản sắc văn hoá dân tộc, một mặt, chúng ta không thể hồ đồ quy tất cả về văn hoá dân gian, tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vai trò hết sức to lớn của văn hoá dân gian đối với việc hình thành bản sắc văn hoá dân tộc. Vai trò ấy có thể nhận thấy trên các phương tiện sau:

     – Văn hoá dân gian gắn liền với thời kỳ sớm nhất của quá trình hình thành văn hoá dân tộc. Với lịch sử Việt Nam, đó là thời kỳ văn hoá Đông Sơn – thời Hùng Vương dựng nước, thời kỳ mở đầu hết sức quan trọng của lịch sử dân tộc, lịch sử quốc gia và lịch sử văn hoá Việt Nam. Nhiều giá trị văn hoá mang tính bản sắc Việt Nam cũng đã khởi nguồn hình thành từ giai đoạn mở đầu này. Đó là tính cộng đồng, chủ nghĩa yêu nước, tính hài hoà trong ứng xử với môi trường…

     – Người ta đã nói, văn hoá dân gian là “văn hoá gốc”, “văn hoá mẹ”, điều đó có nghĩa văn hoá dân gian là khỏi nguồn, sản sinh và nuôi dưỡng các hình thức văn hoá khác của văn hoá dân tộc, trong đó bao gồm cả văn hoá chuyên nghiệp, bác học, văn hoá cung đình… Do vậy, trong việc tìm hiểu, khám phá bản sắc văn hoá dân tộc, chúng ta không thể không bắt đầu từ văn hoá dân gian.

     – Văn hoá dân gian là văn hoá của quần chúng lao động và do quần chúng sáng tạo, do vậy nó mang tính cộng đồng cao. Tất nhiên, trong quá trình tồn tại và phát triển, văn hoá dân gian chịu sự tác động của dòng văn hoá chuyên nghiệp, bác học, văn hoá cung đình, nó góp phần vào việc nâng cao và định hình văn hoá dân gian. Là văn hoá của quần chúng, do vậy, văn hoá dân gian chứa đựng các giá trị phổ quát của bản sắc văn hoá dân tộc, như lòng yêu nước, tính cộng đồng, tinh thần cần cù và sáng tạo trong lao động, tình thương đồng loại…

     Là văn hoá lâu đời của quần chúng lao động, mang tính bản địa cao, nên văn hoá dân gian có khả năng tiếp nhận và bản địa hoá các ảnh hưởng ngoại lai, tạo nên sức tự cường và bền vững của văn hoá dân tộc. Lòng yêu nước của con người Việt Nam bắt nguồn từ tình yêu gia đình, quê hương đã tiếp nhận tư tưởng Nho giáo, để từ đó hình thành và nâng cao thứ chủ nghĩa yêu nước, một bản sắc, giá trị tiêu biểu của văn hoá Việt Nam.

     Vì những lý do kể trên, chúng ta có thể khẳng định rằng, việc tìm hiểu, khám phá bản sắc văn hoá dân tộc, trước hết và cơ bản nhất là phải từ văn hoá dân gian.

—————————————————-

     Phần tiếp theo xin trích nguyên bản bài viết trong Tạp chí Di sản Văn hóa số 4 (13) -2005.

thanhdiavietnamhoc.com00000161-van-hoa-dan-gian-trong-di-san-van-hoa-dan-toc

     Ghi chú: File PDF (bản cứng) – Nguồn: Tạp chí Di sản Văn hóa số 4 (13) -2005, được đính kèm bên dưới:

Download file PDF (bản cứng): Văn hóa dân gian trong di sản văn hóa dân tộc (Tác giả: GS.TS Ngô Đức Thịnh)

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Bài viết trên, đã được Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com) chuyển thể thành văn bản mềm hoàn chỉnh. Quý độc giả có nhu cầu tải về PDF bản mềm hoàn chỉnh, vui lòng kích chuột vào địa chỉ email: thanhdiavietnamhoc@gmail.com để liên lạc với chúng tôi.

Trân trọng kính chào.