Hình tượng Rồng trên pháp lam Huế
Tác giả bài viết: Thạc sĩ NGUYỄN THÀNH TRUNG
(Trường Cao đẳng VHNT – DL Nha Trang)
Theo thư tịch thời Nguyễn, Pháp lam Huế bắt đầu xuất hiện vào thời vua Minh Mạng. Pháp lam Huế thể hiện giá trị nghệ thuật trang trí truyền thống mang đậm phong cách thời Nguyễn, từ lúc khai sinh đến khi thoái trào trong khoảng hơn 60 năm. Khi đất nước bước vào thời kỳ khó khăn, kinh tế suy yếu, chiến tranh xảy ra, các lò sản xuất Pháp lam bị ngưng trệ, nguyên liệu Pháp lam phải mua ở nước ngoài. Kỹ thuật chế tác rất phức tạp, trải qua nhiều công đoạn tốn kém, vì thế, kỹ nghệ đặc sắc này không còn được quan tâm nữa dẫn đến thất truyền. Tuy vậy, những gì còn lại của Pháp lam Huế cũng cho thấy những giá trị đặc sắc của nó, góp phần vào các giá trị ấy là hình tượng con rồng, một dấu ấn tiêu biểu của đồ Pháp lam Huế.
Trong quan niệm thẩm mỹ cung đình, con rồng tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng thiên tử, nên trở thành biểu tượng phổ biến nhất trong mỹ thuật cung đình Huế. Nó là điểm hội tụ của ý nghĩa vũ trụ và nhân sinh quan, ngoài biểu tượng cho quyền lực và vương quyền rồng còn là biểu tượng của nền văn minh lúa nước của người Việt. Con rồng thời Nguyễn mang dáng vẻuy nghi, tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng, sức mạnh của triều đại. Hình tượng con rồng luôn được các nghệ nhân tập trung nguồn mỹ cảm để diễn tả sức mạnh tư tưởng cho vương quyền qua nhưng đặc điểm biểu hiện như: sừng dài có chạc vòng cung, mắt lồi dữ dằn, râu và bờm căng đầy, vây lưng chạy dài suốt thân mình, móng rồng diễn tả sắc nhọn, đuôi xoắn trôn ốc loa tròn thể hiện sự đe dọa và chế ngự. Rồng trong Pháp lam Huế thường được trang trí trong các vật ngự dụng, tế tự cũng như trang trí trên các đỉnh nóc các mái cung điện như trên nóc mái điện Hòa Khiêm lăng Tự Đức, hai con rồng được sắp xếp đối xứng qua một trục chính giữa là một hình tượng là hồ lô được gọi là Rồng Chầu Bầu Thái Cực Hay đồ án Long hồi trên gác mái điện của lăng Đồng Khánh… Rồng uốn khúc đăng đối ở hai đầu mái hoặc nằm trọn vẹn trên đường lượn kết thúc mái quyết với kết cấu nhịp điệu nhẹ nhàng, thanh mảnh. Điển hình là các kiểu thức rồng trang trí trên các bờ mái, với dáng mềm mại, uốn khúc sinh động. Song vẫn có hình rồng được thể hiện cứng nhắc có phần cầu kỳ như thời Tự Đức, thân rồng hạn chế trong chất liệu Pháp lam với vân mây tạo mảng đặc Trong đồ ngự dụng,tế tự và trong nội thất, hình tượng rồng xuất hiện với các kiểu thức như: Lưỡng long tranh châu trên các đĩa Pháp lam (đĩa Long ẩn, đĩa Phật thủ thời Tự Đức) trên chóe thời Minh Mạng… diễn tả hai con rồng đang nô đùa với quả cầu lửa, trông rất uyển chuyển, mềm mại bởi các cụm mây điểm vào những tia lửa màu. Kiểu thức này trong trang trí cung đình thường được sử dụng tại các công trình quan trọng như ở giữa các đỉnh mái, tạo sự uy nghi, thể hiện rõ vũ trụ quan và nhân sinh quan của bậc đế vương.
Trước mỗi công trình kiến trúc, các nghệ nhân phải hiểu rõchức năng của kiến trúc đểlựa chọn những đề tài trang trí Pháp lam thích hợp với các công trình đó, thể hiện được chức năng thẩm mỹ mà phải mang lại hiệu quả cao về nghệ thuật – tâm linh – tư tưởng thống nhất. Sự tập trung tinh thần và ý chí vào hình tượng, đề tài trang trí của các nghệ nhân xuất phát từ yêu cầu trang trí của triều đình. Mỗi hình tượng hàm chứa một sức mạnh tâm linh và sự chế ngự tâm lý riêng mà mỗi nghệ nhân phải thuộc lòng, phải hiểu một cách thấu đáo, phải cảm nhận và dồn nén được trong tâm thức thể hiện tư tưởng, triết lý của nhà nước phong kiến.Đồng thời, các nghệ nhân phải biểu thị bằng tất cả các kỹ năng, sự cảm nhận tài hoa về cái đẹp mang màu sắc tâm linh, triết lý nhân sinh. Trong nghệ thuật trang trí cung đình Huế,hình ảnh trang trí đầu tiên mà ta dễ dàng bắt gặp ở các công trình kiến trúc Hoàng thành Huế là hình tượng con rồng, bởi con rồng là biểu tượng sức mạnh quyền uy của nhà vua. Với tính biểu tượng quan trọng đó, các kiểu thức được dùng trang trí Pháp lam trên các công trình kiến trúc, nội thất hay trên các đồ vật ngự dụng và tế tự đều có một vị trí mang một ý nghĩa biểu hiện riêng. Các họa tiết trang trí khá phổ biến, chủ đạo với những ý nghĩa tượng trưng như: kiểu thức Lưỡng Long, là sự giao thoa giữa trời và đất của âm và dương, là biểu tượng cho Thiên Tử, vương quyền. Sự kết hợp kiểu thức Lưỡng Long với một biểu tượng khác như Lưỡng long chầu vào mặt Hổ phù vào bầu Thái Cực bằng Pháp lam là sự tích hợp của nhiều ý nghĩa tâm linh, nhân văn và triết lý vũ trụ nhân sinh quan của nhiều tôn giáo khác nhau. Đồ án Lưỡng long chầu nhật trên6 bộc Pháp lam, nóc mái Thái Bình Lâu, hai rồng và hình ảnh mặt trời đỏ rực với các tia lửa hướng lên trên. Hai con rồng có hình dáng dũng mãnh bay đến, bờm vảy tung bay uy nghiêm, dáng dấp chuyển động như muốn thoát khỏi cái giới hạn chiều ngang để thăng thiên. Đồ án Long-Vân, tức con rồng bay lượn ẩn hiện trong mây, biểu thị long vân khánh hội (rồng gặp được mây) tức cầu chúc được vận hội thuận lợi, may mắn. Hay đồ án Rồng chầu bầu Thái Cực biểu thị cho sự trường tồn, được trời đất che chở, tích tụ sinh khí trời đất là thái bình xã tắc…
Con rồng thời Nguyễn được các nghệ nhân Pháp lam Huế gửi gắm và luôn chứa đựng trong đó những ý nghĩa tượng trưng, các ý niệm, tư tưởng nhất định mang đậm sắc thái tâm linh, cầu mong, mơ ước điều tốt đẹp. Đồ án Lưỡng long chầu bầu thái cực ở nóc mái điện Hòa Khiêm lăng Tự Đức, không nằm ngoài ý niệm tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo, triết lý sâu xa đó. Trong đồ án này các hình tượng trang trí được các nghệ nhân Pháp lam nghiên cứu chọn lọc kỹ lưỡng theo quy ước, chức năng của công trình vận dụng các yếu tố Phong thủy, thuyết Âm dương Ngũ hành, nhằm gửi gắm, cầu mong những ước muốn sâu xa. Theo quan niệm của người xưa, Hồ lô (Bầu Thái cực) còn là tượng trưng của vũ trụ thu nhỏ. Trong Đạo giáo, không gian bên trong là thế giới của thần tiên, là vũ trụ độc lập với bên ngoài, có thể biến to, cũng có thể thu nhỏ, thông với bên ngoài bằng một cửa hẹp: miệng Hồ lô, chứa đựng sự linh diệu trường sinh bất lão. Bên cạnh đó, Hồ lô còn biểu trưng cho sự hài hòa âm dương, nữa trên tượng trưng cho trời, nữa dưới tượng trưng cho đất. Rồng tượng trưng cho Thiên tử, rồng chầu bầu Thái Cực thể hiện ước muốn tâm linh của các bậc đế vươngvào sự trường tồn linh diệu của bầu Thái Cực, che chở, bảo vệ cho triều đại được thịnh vượng, đem lại thái bình cho xã tắc. Các đồ án như: Lưỡng long triều Nhật, Lưỡng long tranh Châu, Long ẩn Vân, Vân hóa Rồng, Long Ngư hý thủy, Long hồi…được trang trí trên các đĩa Pháp lam, Nghi Môn, các vật dụng, đồ tế tự, các Bình, Chóe, đều không ngoài tư tưởng tâm linh, triết lý nhân sinh đó.
Trong nghệ thuật trang trí cung đình Huế, hình tượng con rồng chiếm một vị trí trung tâm, chủ đạo trên các công trình kiến trúc cũng như các vật dụng trong hoàng cung, với rất nhiều kiểu thức trang trí, phong phú và đa dạng với nhiều chất liệu khác nhau như: nề ngõa, gỗ, đồng, khảm sành sứ, Pháp lam… Con rồng trong nghệ thuật Pháp lam Huế được các nghệ nhân sử dụng với các đề tài chủ yếu như:
– Lưỡng long triều nguyệt: Thường được đặt trên đỉnh, chính giữa nóc mái công trình quan trọng.
– Lưỡng long triều nhật:Thường được đặt giữa đỉnh các công trình quan trọng trong Hoàng thành và lăng tẩm.
– Lưỡng long chầu Hổ phù đội bầu Thái Cực: Thường được đặt chính giữa trên mái các cung điện.
– Lưỡng long chầu bầu Thái Cực: Được đặt chính giữa trên mái các công trình quan trọng.
– Lưỡng long tranh châu: Thường được sử dụng trang trí trên các Bình, Chóe, Đĩa, quán tẩy, quả bồng, Hộp đựng trang sức.
– Long ngư hí thủy: Thường được sử dụng trang trí trên các Đĩa, chậu quán tẩy, khay trà.
– Long vân:Thường được sử dụng trang trí trên các Đĩa, chén, khay, Bình, đĩa lót trà.
Nhìn chung, kiểu thức Lưỡng long là kiểu thức mang phổ biến hơn cả và chiếm vị trí chủ đạo trong nghệ thuật trang trí cung đình nói chung và trong nghệ thuật trang trí Pháp lam Huế nói riêng. Rồng trong Pháp lam Huế được các nghệ nhân được thể hiện rất công phu, khai thác tối đa tính biểu cảm của màu sắc, chất liệu đặc trưng của Pháp lam.
Trong nghệ thuật trang trí Pháp lam Huế cũng như các loại hình chất liệu trang trí khác, nội dung đề tài hầu như thường được sử dụng những kiểu thức mẫu mực, phong cách và thủ pháp thể hiện đã được mô hình hóa trong tâm thức của người nghệ nhân. Tùy theo yêu cầu của từng thể loại trang trí công trình kiến trúc hay trang trí trên đồ vật, người nghệ nhân đã vận dụng cách thức thể hiện tài tình giải quyết các vấn đề một cách khóe léo, sáng tạo, phù hợp với các hình thể, mục đích, yêu cầu của từng thể loại trang trí. Yếu tố tả thực trong Pháp lam Huế chủ yếu được các nghệ nhân sử dụng trong đồ nội thất và vật dụng trong Hoàng Cung. Trong đó, hình tượng rồng được các nghệ nhân tập trung tư tưởng, tài năng, sự sáng tạo, trình độ điêu luyện của mình để diễn tả được sắc thái, ý nghĩa uy quyền làm sao đạt cái huyền diệu của hình tượng. Bởi lẽ, hình tượng rồng ngoài chức năng là một motif trang trí mà còn là biểu tượng sức mạnh, quyền lực, uy quyền của nhà vua. Vì muốn diễn đạt được nhiều ý nghĩa triết lý sâu sắc, người nghệ nhân đã vận dụng lối tả thực để thể hiện con rồng một cách cầu kỳ, tỉ mỉ nhưng uyển chuyển, linh hoạt có nhiều tiết điệu sống động. Điển hình như các kiểu thức rồng trang trí trên chóe thời Tự Đức, trên đĩa thời Thiệu Trị,trên đĩa thời Tự Đức, trên Bửu tán điện Thái Hòa, trên Bình thời Minh Mạng. Sự phối hợp hài hòa giữa không gian và các họa tiết đường viền sự vật, được các nghệ nhân chọn lọc một cách tinh vi hoặc khoáng đạt do sự rung cảm của tâm hồn sáng tạo, góp phần tạo nên tính mềm mại, uyển chuyển cho từng mảng tổ hợp trang trí không bị chi phối bởi yếu tố không gian hạn định. Bố cục đường nét uyển chuyển mềm mại theo lối công bút, kết hợp với màu sắc tinh tế tô điểm cho hình tượng một sắc thái hùng mạnh, quyền uy đầy chế ngự của biểu tượng.
Bố cục rồng trong trang trí Pháp lam Huế, khá dạng và phong phú, có nhiều kiểu thức. Các bố cục về rồng được các nghệ nhân sáng tạo dựa theo cảm hứng, cách nhìn của mình và kết cấu công trình hay đồ ứng dụng… Dù ở vị trí nào hình rồng cũng góp phần làm đẹp về bề mặt hình thức, tăng vẻ trang trọng cho công trình hay đồ vật và thể hiện một nội dụng, ý niệm nào đó. Hình rồng được bố cục chặt chẽ theo khuôn hình kiến trúc, vật dụng, kiểu dáng rồng có thể được tạo hình nhìn nghiêng, hay nhìn chính diện, có thể toàn bộ hay chi tiết…song đều có một phong cách nhất định, cách tạo hình mềm mại, các uốn lượn của nhịp thân rồng nhịp nhàng không có sự thay đổi quá đột ngột. Tùy theo yêu cầu, vị trí đã dẫn đến nhiều bố cục rồng khác nhau như: trên đồ ngự dụng, tế tự chủ yếu theo bố cục hình tròn với đồ án Lưỡng long tranh châu, Long ẩn vân… hay trên đỉnh các nóc mái các cung điện thì thể hiện theo bố cục tam giác: Lưỡng long triều nhật, Lưỡng long chầu bầu Thái Cực… Đó là sự tài tình, sự khéo léo của các nghệ nhân trong cách thể hiện, biến đổi trong một khuôn khổ hạn định của không gian trang trí, tạo cho nghệ thuật trang trí kiến trúc cung đình có xu hướng vươn dần theo chiều cao, tương xứng, hài hòa với tổng thể của các công trình lăng tẩm, cung điện ... Tính thực dụng và tính thẩm mỹ nghệ thuật đã hội ngộ giao lưu ngay trên một sản phẩm Pháp lam, đó là sự tài tình của các nghệ nhân Pháp lam thời Nguyễn. Trong những vật dụng, bố cục được cân nhắc tỉ mỉ từ mảng chính lớn, nhỏ đến chi tiết song có tính chất trữ tình và sự giản dị được thể hiện một cách phóng khoáng với tính cách điệu và ước lệ cao, sự mềm mại trong cách xử lý hòa sắc đậm nhạt một cách hài hòa, mang lại giá trị thẩm mỹ cao của nghệ thuật trang trí Pháp lam Huế.Sự phân bổ đường nét trên các bức Pháp lam ở bờ mái, cổ diềm, các ô học…trên các đồ vật dụng hay trên đồ tế tự với những hình tượng hoa lá, bát bửu, tứ quý…được các nghệ nhân thể hiện một cách linh hoạt. Với bút pháp công bút hay y bút, người thợ Pháp lam đã diện tả hình dáng của những con rồng một cách tinh tế, với những nét tròn, nét cong, uốn lượn,
mềm mại…Các họa tiết vừa tinh xảo,cô động và chính xác của từng chi tiết làm cho hình tượng rồng thêm vẻ linh thiêng đầy khí chất, hiện rõthần thái và nội dung cần biểu hiện. Sự hài hòa của màu sắc Pháp lam khi các gammàu thuần chất được làm dịu đi và cường độ được giảm bớt tạo nên một sắc thái riêng, độc đáo. Trong các đồ án trang trí trên các vật ngự dụng và tế tự, các nghệ nhân khéo léo sử dụng các yếu tố tượng phản để làm nổi bật hình thể như yếu tố trang trí chính là gam nóng thì yếu tố phụ được sử dụng gam lạnh và ngược lại, tô điểm và bổ sung cho nhau tạo một hiểu quả thẩm mỹ cao. Đó là nét riêng độc đáo của Pháp lam Huế, sự tương phản của màu sắc Pháp lam mang tính tương đồng, hòa đồng, hòa hợp thuận mắt, nhẹ nhàng tươi mát, không đối chọi mãnh liệt như trong tranh dân gian. Tính chủ động hay ngẫu nhiên trong việc vẽ men lên cốt đồng của các nghệ nhân khi độ nóng nung chảy men màu sản phẩm củng tạo sự đậm nhạt, lung linh, gợi
cảm, tinh tế trong các mảng màu sắc chắc khỏe không thô cứng tạo giá trị biểu cảm cao./.
Nguồn: Thông tin Mỹ thuật Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, số 02/2014
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Downloa file (PDF): Hình tượng Rồng trên pháp lam Huế (Tác giả: ThS. Nguyễn Thành Trung) |