Âm dương và ngũ hành trong cách tính lịch 12 con giáp của người xưa

Tác giả bài viết: Kĩ sư  NGÔ THẾ LÂN
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

1. Lịch sử của thuyết âm dương, ngũ hành:

     Thuyết âm dương, ngũ hành được đề cập đến trong một tác phẩm thành văn tối cổ Trung Hoa là Kinh Dịch. Tuy vậy, Kinh Dịch của Khổng Tử chỉ là sự thu thập các kiến thức và quan niệm của người xưa từ thời vua Phục Hy lưu truyền đến đời Khổng Tử. Khổng Tử chỉ góp nhặt và suy diễn thêm cho thành một hệ thống và ghi lại thành văn bản cho hậu thế mà thôi.

     Theo truyền thuyết, người đầu tiên nhận thức được lẽ âm dương biến hóa của trời đất, vạn vật là vua Phục Hy (khoảng 44 thế kỷ trước Công nguyên – TCN), người đề cập đến cái dụng của ngũ hành là vua Hạ Vũ (khoảng 22 thế kỷ TCN).

     Đến thế kỷ thứ IIITCN, tại nước Tề (nay là tỉnh Sơn Đông) có học giả Trâu Diễn, căn cứ vào Kinh Dịch, phổ biến hết tinh thần và công dụng của âm dương, ngũ hành không chỉ đối với sự vật thiên nhiên mà còn cả với con người nữa. Do đó, người đời sau coi Trâu Diễn như người khai sáng ra phái âm dương, nguồn gốc của phái lý số do các học giả đời Tống sau này sáng lập.

     Đến đời Hán, học giả Dương Hùng (53-20 TCN) tham bác Kinh Dịch và Đạo đức kinh mở ra lý số học sơ khai qua tác phẩm Thái huyền kinh.

     Đến đời Tống sơ (khoảng thế kỷ thứ X) một nhân vật Đạo gia kiêm Nho gia là Trần Đoàn tự là Đồ Nam, hiệu là Hi Di tiên sinh, tinh thông cả lý số học của các nhà đi trước đã tổng hợp các kiến giải về thái cực của vũ trụ, lấy tượng số mà xét sự vận chuyển của trời – đất, suy diễn ra hành động của vạn vật rồi áp dụng các hệ quả của thái cực vào nhân tướng học để giải đoán tâm tính, vận số của con người mở đầu cho lý số và tướng số học.

     Từ đó về sau, quan niệm âm dương, ngũ hành được áp dụng rộng rãi vào nhân tướng học và thành ra một thành tố bất khả phân trong tướng thuật.

2. Nội dung của thuyết âm dương, ngũ hành

     Theo cổ nhân Trung Hoa, vũ trụ ban đầu chỉ là một khối hỗn độn, không có hình dạng rõ ràng đuợc gọi là thời hỗn mang. Trong sự hỗn mang, có lẽ vô vô linh linh đó được gọi là thái cực. (Sở dĩ gọi là thái cực vì nó huyền bí và vô tận nên không thể xác định rõ bản thể của nó ra sao).

     Tuy nhiên, dẫu không biết được chân tính thực chất của cái lẽ thái cực huyền diệu, song ta có thể dựa vào sự quan sát về tính cách biến hóa của vạn vật mà suy ra được cái tổng thể của thái cực. Căn bản của sự biến hóa được biểu lộ bằng hai trang thái tương phản là động và tĩnh. động gọi là dương, tĩnh gọi là âm. Dương lên đến cực độ thì lại biến ra âm. Hai trạng thái tương đối của cái bản thể nguyên khởi duy nhất (thái cực) cứ tiếp diễn mãi, và hòa hợp với nhau, sinh sinh hóa hóa không ngừng mà sinh ra trời, đất, người cùng vạn vật. Vì âm dương phối hợp, đun đẩy lẫn nhau nên có sự biến chuyển. Sự biến chuyển chính là nền tảng của Dịch. Do đó, trong phần chú giải Kinh Dịch, Khổng Tử đã nói “Âm nhu dương cương, cương nhu tương thôi sinh nhi biến hóa” (Nghĩa là âm thì mềm, dương thì cứng, cứng mềm đun đẩy lẫn nhau chuyển hóa thành thiên hình vạn trạng).

     Theo cổ nhân, mỗi chu trình biến hóa đó gồm 4 giai đoạn:

1) Nguyên: Khởi đầu của sự biến hóa.

2) Hanh: Sự thông đạt, hội hợp các thành tố.

3) Lợi: Sự thỏa đáng các điều kiện cần thiết cho sự tăng trưởng.

4) Trinh: Sự thành tựu chung cuộc của một chu trình sinh ra sự vật.

     Biến hóa là ngoại biểu của thái cực mà đạo Dịch căn cứ trên sự biến hóa của vũ trụ và vạn vật. Do đó, Kinh Dịch mô tả chu trình chuyển hóa đó một cách khái quát như sau:

     “Dịch hữu thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh ngũ hành”. Đạo Dịch có nguồn gốc là thái cực: thái cực sinh ra lưỡng nghi (âm và dương); lưỡng nghi sinh ra tứ tượng (bốn trạng thái tượng trưng bằng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông); tứ tượng sinh ra bát quái (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài) tượng trưng cho: trời, nước, núi, sấm, đầm, gió, lửa và đất); bát quái sinh ra ngũ hành (là năm nguyên tố cấu tạo nên vũ trụ cùng vạn vật hữu hình: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ).

      Khởi đầu của sự biến hóa rất đơn giản, từ cái đơn giản đó mà chuyển hóa dần thành ra hỗn tạp. Vì âm dương là hai thành tố đầu tiên của vũ trụ, nên được Kinh Dịch chọn là biểu tượng căn bản và tượng trưng bằng hai vạch đơn giản:

     Vạch liên tục (——) tượng trưng cho dương. Vạch gián đoạn (──) tượng trưng cho âm.

     Trong phép biến đổi hóa để sinh ra bát quái, hai vạch tượng trưng cho âm dương lần lượt được chồng lên nhau theo nền tảng tam tài mà thành ra tám quẻ căn bản với hình dạng và ý nghĩa tượng trưng sau đây:

1- Càn: tượng trưng cho trời

2- Đoài: tượng trưng cho đầm

3- Ly: tượng trưng cho lửa

4- Chấn: tượng trưng cho sấm

5- Tốn: tượng trưng cho gió

6- Cấn: tượng trưng cho núi

7- Khảm: tượng trưng cho nước

8- Khôn: tượng trưng cho đất

     Đó là tám quẻ nguyên thủy gọi là “Tiên thiên bát quái” do vua Phục Hy (4477-4363 TCN) vạch ra để giải thích cái lẽ âm dương biến hóa của thái cực. Về sau vua Hạ Vũ (2205-2163 TCN) đặt ra cửu trù (chín phép lớn) phối hợp với bát quái và tính số của ngũ hành trong việc giải thích lẽ biến hóa của vũ trụ và vạn vật.

     Tới đời Tây Chu, vua Văn Vương, trong thời gian bị giam ở ngục Dũ Lý (khoảng thế kỷ XI TCN) đã dành thì giờ nhàn rỗi diễn lại các quẻ tiên thiên bát quái của Phục Hy thành tám quẻ, bát quái mới gọi là hậu thiên bát quái với các ý nghĩa thiên về nhân sự để dùng vào việc bói toán và suy ngẫm về người. Con Văn Vương là Chu Công Đán về sau có giải thích thêm đôi chút về ý nghĩa và công dụng của bát quái, nhưng rất ngắn và mơ hồ, chỉ những người có thiên tư đặc biệt tâm truyền mới hiểu được ý nghĩa sâu xa của các quẻ bát quái đó.

     Đến đời Đông Chu, Khổng Tử (511-478 TCN) đem kiến giải của mình bổ sung vào các điều truyền lại của Dịch lý, san định lại và viết thành Kinh Dịch trong đó bao gồm cả âm dương, bát quái và ngũ hành.

    Căn cứ theo ý nghĩa thông thường, cổ nhân gán cho âm dương và ngũ hành, các ý nghĩa tượng trưng sau đây:

– Dương: tượng trưng cho mặt trời, lửa, ánh sáng, sinh động, cứng rắn, ban ngày, đàn ông…

– Âm: tượng trưng cho mặt trăng, tối tăm, nguội lạnh, bất động, mềm nhũn, ban đêm, đàn bà…

– Kim: vàng, bạc, hiểu rộng ra là tất cả các chất thuộc kim loại.

– Mộc: cây gỗ, nói tổng quát ra là mọi thực vật trên mặt đất.

– Thủy: nước và nói rộng ra là các chất lỏng.

– Hỏa: lửa, hơi nóng.

– Thổ: đất đá, nói chung bao gồm mọi khoáng chất trừ kim loại.

3. Âm dương, ngũ hành trong việc định danh 12 con giáp

     Âm lịch mà chúng ta sử dụng có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ và được hoàn thiện, bổ sung bởi thực tiễn kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm thiên văn của dân tộc ta.

     Âm dương ngũ hành gắn liền với tư duy Dịch lý là nền tảng để xây dựng các quan điểm trong đó có thiên văn. Người xưa xuất phát từ quan sát thực tiễn để định dạng sự vật:

     Âm là thái âm tức là mặt trăng

     Dương là thái dương tức là mặt trời

     Ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Là năm hành tinh mà người cổ đại sớm nhận biết được của hệ mặt trời.

     Bên cạnh đó, quan niệm trời = cha, đất = mẹ và quan niệm về một vũ trụ hài hòa cũng đóng vai trò đối với người xưa. Và như vậy trời = thiên là dương, đất = địa là âm, thượng giới và hạ giới được phân định, trật tự của vũ trụ được xác lập và trật tự xã hội cũng theo đó được hình thành. Trong xã hội có quan hệ vua – tôi, quân tử – tiện nhân, nội trị – ngoại giao, trong – ngoài, trên – dưới, trước – sau, phải – trái, đúng – sai, thật – giả. Tất cả đều được quy tụ vào phạm trù âm dương, được quy vào các phẩm chất ngũ hành. Tuy nhiên, sự phân chia âm – dương không phải thuần túy máy móc mà nó xuất phát từ nguyên lý của Dịch học: “Dịch có thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ lượng, tứ lượng sinh bát quái”, nghĩa là trong sự sắp đặt đó đã bao hàm một sự vận động biện chứng, đặc biệt là quan niệm “trong âm có dương, trong dương có âm” trở thành nguyên tắc cấu trúc sự vật.

     Theo sự phân tích của người xưa, mười hai con vật được tuyển chọn, bao gồm cả vật nuôi lẫn thú vật hoang dã, vừa có thật vừa tưởng tượng, đều đáp ứng đúng nguyên tắc âm dương, chẵn lẻ. Ở đây cũng cần nói thêm về dương cơ, âm ngẫu, cơ là số lẻ, ngẫu là số chẵn. Các con vật được chọn đều có phẩm chất mang tính chất chẵn lẻ, mang đặc trưng loài của chúng và được thể hiện qua số ngón chân của chúng. Cụ thể là:

= con chuột = 5 ngón = lẻ = dương.

Sửu = con trâu = 2 ngón = chẵn = âm.

Dần = con hổ = 5 ngón = lẻ = dương.

Mão = con mèo = 4 ngón = chẵn = âm. (Người Trung Quốc lấy con thỏ là biểu tượng)

Thìn = con rồng = 5 ngón = lẻ = dương.

Tỵ = con rắn = 2 ngón = chẵn = âm.

Ngọ = con ngựa = 1 ngón = lẻ = dương.

Mùi = con dê = 2 ngón = chẵn = âm.

Thân = con khỉ = 5 ngón = lẻ = dương.

Dậu = con gà = 4 ngón = chẵn = âm.

Tuất = con chó = 5 ngón = lẻ = dương.

Hợi = con lợn = 4 ngón = chẵn = âm.

     Như vậy, số ngón tối thiểu là 1, tối đa là 5, còn lại số 2 và số 4.

     Tuyệt nhiên không có số 3. Vì số 3 được đưa vào hệ tam tài: thiên – địa – nhân là hệ tọa độ quan trọng mà người xưa xác định nhằm khẳng định vai trò của nó trong vũ trụ. Con người luôn có ý thức dùng kích thước vũ trụ để đo bản thân. Họ đưa các con vật vừa có thực vừa huyền thoại tạo ra sự đúng lúc cho nhân quần, nhưng đồng thời đó cũng là những con vật mà họ thuần hóa hoặc đó là những con vật họ thường gặp và thường gây những nguy hiểm cho họ.

    Như vậy, tiêu chuẩn số chẵn lẻ của các chân đã giúp các loài vật được chọn làm 12 con giáp. Nhưng số ngón chẵn lẻ cũng như cái tên của chúng chưa đủ để đưa chúng vào vũ trụ. Con người lại phải gán cho chúng với các phương vị:

= Bắc

Mão = Đông

Ngọ = Nam

Dậu = Tây

     Và hàng đêm khi quan sát sao Bắc Đẩu, người ta thấy cái đuôi của nó cứ quay đều đặn trên bầu trời theo một vòng tròn, duy có điều nó giống kim đồng hồ quay ngược. Vòng tròn đó được chia theo phương vị 12 cung và 12 con giáp được trấn giữ 12 phương vị này.

     Trong những phát hiện quan trọng của thời cổ đại về việc phát hiện ra đường hoàng đạo và đường dịch chuyển của mặt trời. Vòng hoàng đạo được chia ra phù hợp với 12 tháng của năm. 12 con giáp lại được trấn giữ 12 cung hoàng đạo này. Tuy nhiên số 12 được người xưa chọn không phải là một con số tùy tiện mà là một con số hoàn toàn khoa học và để hiểu được điều đó thì không đơn giản một chút nào.

     Liên quan đến 12 cung hoàng đạo cần phải kể đến ngũ hành: năm hành tinh là: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Trong chu kỳ xoay của sao Mộc mà được người xưa ghi nhận bởi tính đặc biệt của nó. Sao Mộc quay một vòng xung quanh mặt trời vừa tròn 12 năm. Mỗi năm nó xuất hiện ở một phương vị nhất định. Nơi mà một trong 12 con giáp đang trấn giữ. Tên gọi của nó cũng từ đó mà ra, vì thế sao Mộc được gọi là sao Tuế (sao năm), nó là hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời và của các hành tinh mà người xưa quan sát được nên nó còn gọi là sao Thái Tuế. Vòng sao Thái Tuế là một mã thông tin quan trọng trong phép tính lá số tử vi của người xưa.

     Việc chọn 12 con giáp là những quan sát, nhận xét về cuộc sống của những loài vật này. Vào những khoảng giờ nhất định, các loài vật (chúng ta chỉ giới hạn ở 12 con giáp) chịu sự tác động qua lại của các lực trong vũ trụ, chúng đã có các biểu hiện trạng thái sống khác nhau. Các trạng thái xấu nhất cho sự sống còn của chúng được biểu hiện bằng các khoảng thời gian (giờ, ngày, tháng, năm) và được gọi theo tên của chúng.

     Chúng ta thử kiểm nghiệm điều này vì các con vật này không xa lạ gì với chúng ta. Tất nhiên trừ con rồng huyền thoại. Cũng có thể do quan sát đời sống của các loài vật mà con người đi đến chỗ thống kê đặc điểm sinh học của chúng, từ đó khái quát thành 12 con giáp. Đặc biệt người xưa chú ý tới các thời điểm có vấn đề của con vật:

Tháng Tý = tháng mười một: loài chuột hay bị bệnh và chết. Thực tế còn cho thấy đây là tháng bắt đầu lạnh nhiều, đồng ruộng vào vụ cày bừa, con chuột không có ăn và không chống nổi giá rét nên dễ chết.

Tháng Sửu = tháng mười hai: tháng rét đậm với tiểu hàn, đại hàn, cây cỏ tàn lụi. Ăn không đủ mà còn phải kéo cày nữa nên loài trâu dễ sinh bệnh mà chết.

Tháng Dần = tháng giêng: thức ăn của hổ là những loài thú khác. Tháng này các loài ăn cỏ như hươu nai đi kiếm ăn vì cỏ tranh đã nhú mầm. Hổ cũng đi tìm mồi, dẫm phải các mầm cỏ tranh nhọn cứng mà bị thương nên dễ bị bệnh.

Tháng Mão = tháng hai: Mão là con mèo, nhưng trong thiên văn cổ Trung Quốc thì biểu tượng của tháng này là con thỏ. Tiết này là tiết kinh trập (sâu nở) và cùng với sâu là chất độc do sâu thải ra, thỏ ăn vào sẽ dễ bị chết.

Tháng Thìn = tháng ba: Thìn là con rồng được huyền thoại, nhưng khi được xác định (cho dù là tưởng tượng) thì tất yếu nó cũng có đời sống riêng, kể cả ốm đau, bệnh tật và cái chết nhưng tháng này rồng có bị bệnh không thì không ai biết. Nhưng nếu trở lại với cội nguồn huyền thoại thì có thể hiểu được phần nào. Rồng là một con vật được giao phó làm mưa làm gió, phải chăng vì trách nhiệm nặng nề này mà con rồng dễ bị gặp những điều không may xảy ra.

Tháng Tỵ = tháng tư: sau thời kỳ ngủ tránh rét và liền sau đó là mưa rào trời ấm áp, thức ăn dồi dào, rắn lớn lên bằng cách phải lột xác. Trong thời kỳ lột xác, rắn yếu nhất và là miếng mồi ngon cho các loài vật khác.

Tháng Ngọ = tháng năm: mùa hè nóng nực, là thời kỳ thu hoạch mùa màng nên ngựa phải làm việc nhiều, dễ mắc bệnh ốm mà chết.

Tháng Mùi = tháng sáu: loài sơn dương dễ bị mắc bệnh vì thức ăn không còn non nữa, lá cây già cứng, mưa nhiều và thất thường nên khả năng mắc bệnh cao.

Tháng Thân = tháng bảy: tháng mà nhiều loại hoa quả đến lúc chín gặp trời mưa dầm và có bão thời tiết không tốt. Loài khỉ dễ sinh bệnh nên ốm yếu.

Tháng Dậu = tháng tám: đầu tháng lụt lội, nóng bức, cuối tháng lại gió heo may, gà vừa đói lại vừa bị ảnh hưởng của thời tiết, ôn dịch phát sinh và gà chết.

Tháng Tuất = tháng chín: tháng này chó hay bị mắc bệnh. Kinh nghiệm dân gian cho thấy tháng này trùng hợp với mùa mưa phùn có sương, chó rất hay chết.

Tháng Hợi = tháng mười: gió đông bắc về mang theo các mầm bệnh. Do điều kiện vệ sinh không tốt mà lợn được ăn rất nhiều các loại thức ăn thừa của con người thì tất nhiên dễ nhiễm bệnh và chết.

     Tất cả những nhận xét trên đây đều cho thấy sự quan sát tỉ mỉ của người xưa cũng như sự quan tâm tới môi trường, tới thiên nhiên của họ.

     Việc sử dụng mười hai con giáp làm biểu tượng cho thời gian chủ yếu gắn liền với các dân tộc nằm trong vùng ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa cổ. Người Việt Nam chúng ta cũng sử dụng dựa trên sự tính toán này tuân theo các quy luật âm dương – ngũ hành. Họ còn xây dựng một quan niệm về tuổi của con người theo các năm được gán với các loài vật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lược trích sách:Nguyên lý âm dương và ngũ hành trong tường học.

2. Trừ Mê Tín:Dịch học khái quát.

3. Thường Tuấn:Tìm hiểu văn hóa Trung Quốc – văn hóa về 12 con giáp.

4. Lược trích sách:12 con giáp.

5. Lược trích sách:Almanach – Những nền văn minh thế giới.

6. Lược trích: www.khoahoc.net Nguyễn Cung Thông./.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (106) 2011, Tr.13 – 18

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)