AN NAM trong mắt LỮ KHÁCH thuở ấy: Từ CẢNH QUAN THIÊN NHIÊN đến ĐỊA LÝ NHÂN VĂN
MAI ANH TUẤN
Bởi là đối tượng sinh động và dễ cảm nhận bằng tất cả các giác quan nhất, thiên nhiên An Nam đã đi vào ghi chép của các lữ khách phương Tây với mật độ khá dày đặc, trở thành một trọng âm chủ đạo với nhiều lời tán dương, cảm xúc thảng thốt chân thực.
x
x x
Chính cảnh quan thiên nhiên và cụ thể hơn là tính chất địa dư, địa lý đặc trưng của mỗi vùng miền, đã dẫn dắt những kẻ “thực dân” đi từ vị thế chinh phục cao ngạo khó tính sang người khám phá trân trọng, yêu mến bản xứ.
Và như mối tình thâm khó lòng giấu giếm, các lữ khách, cuối cùng đều đề đạt nên giữ gìn thay vì can thiệp trái khoáy vào thiên nhiên, cảnh quan vùng đất An Nam xinh đẹp ấy.
Sức hút của những địa danh
Tiếp xúc với An Nam là quá trình trải nghiệm những nơi chốn mà với phần đông lữ khách, tên địa danh hãy còn rất xa lạ, tựa như ban mai thức dậy chưa thể biết ánh nắng hay cơn mưa rơi xuống thế nào. Nhưng những địa danh ấy không chỉ là nơi họ vội vàng ghé chân mà còn là nơi thử thách khả năng mô tả, từ mô tả cảnh quan đến truyền tải các trạng thái cảm xúc.
Khác với thời hiện đại đầy đủ phương tiện kĩ thuật (máy ảnh, quay phim, điện thoại) lưu giữ chi tiết từng cảnh sắc núi non sông nước, các lữ khách thuở xưa chủ yếu chỉ dùng ngôn ngữ, thứ phương tiện đôi khi bất khả dung chứa thật đầy đủ, tường tận mọi điều nhìn thấy song lại cho phép tiếng nói tác giả, vốn không ít chủ quan cảm tính, được bộc lộ theo những cách hồn nhiên, bay bổng nhất.
Cùng viết về Đà Lạt chẳng hạn, A. Yersin, vị bác sĩ trứ danh, người phát hiện ra Lang-Bian, dành những lời đầy dự cảm tươi sáng về một “nơi tốt cho sức khỏe” trong bức thư gửi cho mẹ, rằng “có một vùng bình nguyên bao la, hoang vắng rộng chừng 400km vuông với một ngọn núi mọc lên ở giữa”.
Còn với kí giả P. Munier, Đà Lạt là “xứ sở của hoa”, “xứ sở của thông” và với riêng ông, “thật tuyệt vời khi đi dạo dưới những cánh rừng thông, lồng ngực căng mùi nhựa trong lành […] Qua những thân cây có thể thấy rừng và những miền xa xa xanh dương và xanh lục ở chân trời”.
Trên thực tế, Đà Lạt sớm thành nơi nghỉ dưỡng và chính quyền thực dân lắm tham vọng đã tốn khá nhiều công của để tạo dựng nên đô thị bình yên này. Nhưng những sắc màu thiên nhiên được chăm chút hài hòa trên ngôn từ, rõ ràng, có lẽ vẫn có sức cuốn hút không kém cho bất kì ai.
Vẻ đẹp của thiên nhiên An Nam sẽ đánh bật những ngóc ngách tâm lí thủ cựu. Cả Mario Appelius, kí giả Ý, và Roland Dorgelès, văn sĩ Pháp, đều ít nhiều vin vào sự ưu việt của người da trắng mà tỏ ra thờ ơ, châm biếm trước tình cảnh khốn khổ của người dân da vàng bản xứ. Chỉ đến khi họ được đắm chìm vào cảnh quan, chính xác hơn là được cảnh quan “chỉ dạy” những nghĩa lí của sự đa dạng sinh tồn, họ mới vỡ vạc và thấu hiểu giá trị vùng đất thuộc địa.
Mario Appelius đi xuyên Việt, đủ để tích trữ vô số ngỡ ngàng, khi là “những cơn gió bẻ cong đám cây lau sậy, những làn gió nhẹ gợn trên mặt nước, tia sáng lấp lánh của muối tạo ra một thứ ánh sáng lung linh với những dấu chấm vàng, những dấu phảy bạc biến hóa một cách kì diệu trên vùng đồng bằng rộng lớn” ở Nam Kỳ, khi thì “đất đỏ sẫm phù sa của bờ sông trở nên mềm xốp, hòa vào dòng sông và nhuộm nên một màu đỏ đậm đà hơn.
Những hàng cỏ nến xa hút tầm mắt, quờ quạng những tán lá dài trong gió như thể đang cầu xin chút nắng từ vầng mặt trời không chút mủi lòng sẽ thiêu đốt chúng trong suốt những ngày hè” ở Bắc Kỳ.
Con đường thiên lý từ Nam ra Bắc của Mario Appelius cũng là con đường cái quan mà Roland Dorgelès đi từ Bắc vào Nam. Thật khó có thể ngờ “màu xanh đậm đà của những cây chuối”, những “cây măng cụt, cây mít”, “những con trâu đẹp tuyệt mình đen nhẫy tưởng như xanh đậm”, “những đảo nhỏ mờ sương”, “những cánh buồm nhỏ xíu” lại làm cho họ bớt đi ác cảm về đường sá khó khăn, vất vả.
Cũng giống Roland Dorgelès, Mario Appelius từng du ngoạn Hạ Long “toát lên sự bình yên lạ lùng”, Hòn Gai “ánh mặt trời mạnh mẽ miền nhiệt đới chiếu vào quả đồi và thung lũng nhỏ, làm sáng lên màu khoáng sản”. Sự giàu có trong kho từ vựng tiếng Pháp hay Ý hẳn đã được huy động tối đa nhưng như Roland Dorgelès thú nhận, nó vẫn còn “dở tệ” trước cảnh tượng “bóng xoài đổ nghiêng/ Những cành lá rung rinh chùm quả chín”…
Ngoài những địa danh quen thuộc như Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Thơ, Hà Nội hay Hải Phòng, ngòi bút của lữ khách còn nhắc đến Lạng Sơn, Sóc Trăng, Phan Thiết, Phủ Quỳ (Nghệ An)…
Ở đây, vì là thể loại du kí, kí sự nên các tác giả phải viện đến địa danh nhưng ẩn bề sâu, đó là một chỉ dấu để tiết lộ mối quan hệ giữa con người và xứ lạ. Chúng ta không thể thấu cảm con người khác biệt màu da, ngôn ngữ nếu không bước vào thế giới thiên nhiên nơi họ gắn bó, một thiên nhiên rộng rãi và bao dung hơn rất nhiều so với những đường biên giới quốc gia.
Định hình địa lý nhân văn
Trước khi các lữ khách tiếp xúc An Nam, giới trí thức Nho giáo cũng từng có những mô tả và ghi chép về địa lí, địa dư. Khởi từ Nguyễn Trãi, truyền thống “dư địa chí” kéo dài đến cuối thế kỉ XIX và trở thành nguồn tư liệu quan trọng để các trí thức canh tân đầu thế kỉ XX biên soạn thành sách giáo khoa quốc ngữ giảng dạy ở nhiều bậc học.
Nhưng nhìn chung, chỉ đến khi giới học giả Pháp công bố trước tác, với phương pháp và điều kiện trắc địa hiện đại hơn, An Nam mới bắt đầu hiện hữu trong ngành địa lí nhân văn hiện đại (géographie humaine).
Những mô tả, phân tích về địa hình, khí hậu, con người trở nên mở rộng và liên đới với nhau hơn trong các cuốn sách của E. Bruzon và P. Carton (Khí hậu Đông Dương và bão ở Biển Đông, 1930); của P. Gourou (Xứ Bắc Kỳ, 1931; và Người nông dân châu thổ Bắc bộ, 1936); của Ch. Robequain (Xứ Đông Dương thuộc Pháp, 1929; và Tỉnh Thanh Hóa, 1929); của A. Agard (Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, 1925) hay của Hippoly Le Breton (An Tĩnh cổ lục, 1936)…
Khá nhiều khái niệm và nội dung địa lý nhân văn mới mẻ đã được các học giả đề cập, phân tích. Và nhờ thế, có lẽ đây là lần đầu tiên, chúng ta được nhìn thấy cấu trúc sinh thể An Nam trong một tổng thể kĩ càng đến vậy. Ngoài khí hậu là những kiểu thời tiết, các kiểu và quá trình tiến hóa của địa hình, kiểu cư trú, mật độ dân cư, các nhóm sắc tộc, tổ chức xã hội, cho đến địa lí hành chính, phương tiện sống, loại hình nhà cửa…
Phổ rộng của tri thức địa lí nhân văn, do đó, khác xa với hình dung giản đơn về những thông tin ngắn gọn tên đất tên làng, tên những con sông ngọn núi. Những thao tác “giải phẫu” của địa lý nhân văn khiến An Nam, thêm lần nữa, cho thấy sự giàu có môi trường sống, điều mà hôm nay chúng ta thường xuyên xem nhẹ, là quý giá như thế nào.
Chỉ cần dừng lại trước đôi dòng tuyệt bút của P. Gourou là toàn bộ khung cảnh châu thổ Bắc Bộ đã hiện lên mồn một: “con người là sự kiện địa lý quan trọng nhất của châu thổ. Họ đã nhào nặn nên địa hình bằng đôi tay của mình; ngoài vài ngọn đồi hiếm hoi, những vật nổi lên lớn nhất trên đồng bằng là những con đê […] Cây to rất hiếm: những cây đa trong đền chùa, những cây xoài, vài cây gạo tỏa bóng mát các ngôi miếu […] Đôi khi một đám rước nổi bật trên màu xanh của đồng ruộng với những màu đỏ và màu vàng của các đồ thờ và những chiếc kiệu thần, màu đỏ rực của cờ và áo chít ngang lưng của những người phu khiêng kiệu”.
Tương tự, chỉ qua vài câu mở đầu, Ch. Robequain đã phác thảo địa lý Thanh Hóa khác biệt lạ lùng: “Thế là, dải đá vôi ở Đông Bắc, mốc đá kết tinh ở sông Mã và sông Chu cùng với các nhánh ở Tây Nam là những phần chủ chốt của cái khung nhà hai mái chở che tỉnh Thanh Hóa”.
Quả thật, nếu đọc Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ hay Tỉnh Thanh Hóa, ngay cả những độc giả không hiểu hoặc không thích địa lý, hẳn sẽ hồi hộp đến trang cuối cùng vì nó hấp dẫn chẳng kém gì tiểu thuyết. Nhưng quan trọng hơn, theo tôi, nó cần thiết để chúng ta lắng nghe một số đề đạt thấu đáo.
Về nền văn minh nông dân chẳng hạn, P. Gourou cho rằng người nông dân châu thổ Bắc Kỳ sống trong thiếu thốn nhưng không phải trong tuyệt vọng. Thực tế, người nông dân nghèo túng đó đã tạo ra một nền văn minh phức tạp chung quanh cá nhân trong một mạng lưới các quan hệ gia đình và làng xóm. Đặc biệt, nền văn minh đó đã hòa nhập làm một với môi trường trong đó nó phát triển.
Trái ngược với nhận định rằng nền văn minh này là ngưng trệ và lạc hậu, P. Gourou đề cao sự hài hòa cổ xưa giữa con người với thiên nhiên như là một di sản của vùng địa lí này. “Nếu có một tinh thần yêu nước Việt Nam – P. Gourou nhấn mạnh, thì họ phải dành tất cả sự quan tâm vào việc giữ gìn sự hài hòa quí báu đó giữa thiên nhiên và con người, vì đó là vấn đề tiên quyết, là vấn đề chi phối mọi vấn đề khác dù là kinh tế hoặc chính trị”.
Khi đã có độ lùi thời gian, khi đã chứng kiến hàng loạt biến đổi lớn lao của làng xã Việt suốt mấy chục năm qua, khi đã có thực tế sinh động của công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay, chúng ta càng thấm thía hơn đề đạt sắc sảo trên của P. Gourou. Dường như những yếu tố, đặc trưng truyền thống của châu thổ đang mờ dần đi và khi muốn gọi tên, minh chứng một điều gì cụ thể của làng quê châu thổ, chúng ta lại phải “hồi cố”, phải hạn định mốc thời gian mơ hồ: làng ngày xưa…
Nguồn: An ninh thế giới cuối tháng, ngày 01.4.2020
Mời xem thêm:
XUYÊN QUA NHỮNG MẢNH GHÉP PHONG TỤC, TẬP QUÁN
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)