Ảnh hưởng của Hinđu giáo đối với văn hóa một số vương quốc cổ Đông Nam Á

HINDUS IMPACT ON CULTURE OF THE ANCIENT COUNTRIES
IN SOUTHEAST ASI

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  NGUYỄN THỊ VÂN
(Khoa Khoa học Xã hội, trường Đại học Hồng Đức)
Người phản biện: Giáo sư, Tiến sĩ  LƯƠNG NINH

TÓM TẮT

     Bài viết trình bày ảnh hưởng của đạo Hinđu đối với văn hoá một số vương quốc cổ Đông Nam Á nhằm làm rõ những vai trò của Hindu giáo trong quá trình ra đời, phát triển cuả một số quốc gia trong khu vực, đồng thời khẳng định bản sắc Đông Nam Á trong quá trình tiếp biến văn hoá.

Từ khóa: Hinđu giáo, văn hóa Đông Nam Á.

ABSTRACT

     The paper focusses on impacts of Hinduism on culture for an ancient countries in Southeast Asia aiming at clarifying the role of Hinduism in the process of formation and development of these countries, and confirming the identity Southeast Asia in the process of acculturation and cultural.

     To clarify matter, the paper first presents the characteristics of Southeast Asian culture before receiving the influence of Hinduism, presentation outlines the formation, development, basic characteristics of Hinduism. Based on that analysis in depth the influence of this religion to a typical ancient countries in Southeast Asia as Champa, Phunam,Chanlap…

Key words: Hindu, Southeast Asia.

x
x x

1. Mở đầu

     Đông Nam Á là khu vực có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử thế giới: là một trong những cái nôi hình thành người Homo Sapien, là khu vực bước vào thời đại đồ đá mới vào loại sớm nhất trên thế giới, là trung tâm luyện đồng nổi tiếng với hiện vật tiêu biểu là trống đồng, cũng là một trung tâm nông nghiệp sớm…. Đông Nam Á có diện tích rộng lớn (khoảng 4,5 triệu km vuông) và nằm chắn ngang tất cả các con đường biển từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, có nhiều hải cảng nổi tiếng, giàu có về tài nguyên thiên nhiên… Với vị thế như vậy, nghiên cứu về Đông Nam Á là cần thiết.

     Trong quá trình phát triển, nhờ vị trí địa lý thuận lợi nên vùng đất này đã tiếp nhận những ảnh hưởng quan trọng từ hai nền văn minh lớn là Ấn Độ và Trung Quốc. Tuỳ từng quốc gia, mức độ ảnh hưởng có khác nhau. Vấn đề này đã được nhiều học giả phương Tây đề cập, điển hình như D.G.E. Hall với tác phẩm Lịch sử Đông nam Á, G. Coedes với tác phẩm Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hoá ở Viễn Đông,… Tuy nhiên, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của Hinđu giáo đối với văn hoá các vương quốc cổ đại Đông Nam Á chưa được các tác giả xác định một cách khoa học, khách quan, còn nhiều mâu thuẫn. Thậm chí, một số nhà nghiên cứu phương Tây còn cho rằng đó là một trong những yếu tố quyết định sự hình thành, phát triển của văn minh khu vực. Vì vậy, nghiên cứu để xác định ảnh hưởng của đạo Hinđu đối với sự phát triển văn hóa các Vương quốc Đông Nam Á cổ đại là vô cùng cần thiết.

     Ở Việt Nam, việc nghiên cứu Đông Nam Á một cách hệ thống đến đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước cũng đã thực sự bắt đầu. Những nhà nghiên cứu có đóng góp lớn trong vấn đề bài viết đề cập như GS.Lương Ninh, GS. Hà Văn Tấn, PGS. TS. Ngô Văn Doanh, PGS. TS. Nguyễn Lệ Thi, PGS.TS. Nguyễn Công Khanh,… Các nghiên cứu này ở những góc độ khác nhau đã làm rõ ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ nói chung, tôn giáo Ấn Độ nói riêng đến văn hoá khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu riêng về ảnh hưởng của tôn giáo trục Ấn Độ đến văn hoá các vương quốc cổ đại Đông Nam Á phân tích, so sánh, đánh giá được chú trọng nhằm làm rõ mức độ ảnh hưởng của tôn giáo này đối với quá trình phát triển của văn hóa Đông Nam Á, từ đó khẳng định vai trò của Hinđu giáo, đồng thời khẳng định bản sắc Đông Nam Á trong quá trình tiếp biến văn hóa.

2. Nội dung nghiên cứu

     2.1. Đặc điểm văn hoá Đông Nam Á trước khi tiếp nhận ảnh hưởng của đạo Hinđu và văn hoá Ấn Độ

     2.1.1. Sự phát triển liên tục của văn hoá bản địa là cơ sở quan trọng nhất của văn minh Đông Nam Á

     Trước đây, khi xem xét về sự hình thành của văn minh khu vực, phần lớn các nhà nghiên cứu phương Tây đều cho rằng, Đông Nam Á là một khu vực trì trệ, chậm phát triển. Họ còn cho rằng văn minh Đông Nam Á được hình thành chủ yếu dựa vào sự tiếp thu hai nền văn minh lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, từ đó có xu hướng đề cao quá mức, thậm chí tuyệt đối hoá ảnh hưởng của hai nền văn minh này. Trong những thế kỷ gần đây, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngành Đông Nam Á học, chúng ta đã có đủ cơ sở khoa học để khẳng định văn minh Đông Nam Á hình thành trước hết và chủ yếu dựa trên sự phát triển liên tục của văn hoá bản địa từ thời đại đá cũ đến sơ kỳ đồ sắt. Đặc điểm quan trọng này quyết định tính chất tiếp biến trong quá trình tiếp nhận những ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ và Trung Quốc của văn minh khu vực.

     2.1.2. Đông Nam Á tồn tại nhiều hình thức tín ngưỡng dân gian nguyên thuỷ trước khi nhà nước ra đời

     Bái vật giáo là hình thức xuất hiện sớm hơn cả. Những ý niệm Bái vật giáo xưa nhất là những ý niệm về sức mạnh siêu nhiên của tự nhiên, ví dụ: Phi rừng, Phi núi, Phi lửa… (người Lào), Phỉ núi, Phỉ Lửa, Phỉ bệnh…(người Thái)…

     Cư dân Đông Nam Á còn tin mỗi người có nhiều hồn vía, tin cuộc sống không chấm dứt khi chết mà chỉ là sự chia tay tạm thời… Chính vì vậy, để tỏ lòng tri ân, thương nhớ, đồng thời mong muốn tổ tiên tham gia phù trợ trong cuộc sống, cư dân Đông Nam Á còn tôn thờ các thần linh bản địa, thờ cúng tổ tiên. Trước khi tiếp nhận ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ, điều này đã trở thành nét đẹp văn hoá trong sinh hoạt của cư dân khu vực.

     2.1.3. Cư dân Đông Nam Á với nền tảng kinh tế nông nghiệp lúa nước có đời sống văn hoá tinh thần phong phú, dòng chảy văn hoá dân gian phát triển mạnh

     Ngay từ khởi thuỷ, lễ hội dân gian đã rất phát triển. Nhìn một cách khái quát, lễ hội truyền thống của các nước Đông Nam Á tương đối giống nhau về nguồn gốc phát sinh, phát triển, hình thức, nội dung cũng như cấu trúc của lễ hội. Lễ hội Đông Nam Á thường có 2 phần: phần lễ và phần hội, gắn liền với chu kỳ nông nghiệp và được tổ chức theo mùa: như lễ hội mùa xuân, lễ hội mùa thu…Đối tượng cầu cúng chính là các vị thần nông nghiệp: thần Đất, thần Nước, thần Lửa…

     Bắt nguồn từ cuộc sống lao động hằng ngày, dòng chảy văn học dân gian của các dân tộc Đông Nam Á cũng rất mạnh mẽ với phong phú thể loại: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, ca dao, tục ngữ…Văn học dân gian gắn liền với phong tục tập quán, phản ánh tình cảm của con người đối với thiên nhiên, đất nước, ca ngợi người lao động… Đó chính là cơ sở quan trọng để văn học viết ra đời sau này. Cư dân Đông Nam Á còn rất thích ca nhạc và múa tập thể…

     2.1.4. Trước khi tiếp nhận ảnh hưởng của Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Nam Á có phong cách nghệ thuật riêng, độc đáo

     Nghệ thuật Đông Nam Á được quy định bởi những yếu tố bên trong như điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hoá tộc người…Ngay từ thời đại kim khí, Đông Nam Á đã có một phong cách nghệ thuật riêng mà các nhà nghiên cứu thường gọi là phong cách Đông Sơn. Phong cách này đã phát triển ổn định trong nhiều thế kỷ và để lại dấu ấn sâu sắc trong nghệ thuật của nhiều dân tộc Đông Nam Á.

     Trên đây là một số đặc điểm của văn hoá bản địa Đông Nam Á trước khi tiếp nhận ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ, Trung Quốc nói chung. Chính yếu tố nội sinh này đã quyết định tính chất tiếp biến văn hoá của văn minh khu vực.

     2.2. Khái lược về sự hình thành, phát triển, đặc điểm của Hinđu giáo

     Người Ấn Độ còn được gọi là người Hinđu, đất nước Ấn Độ gọi là Hinđustan, tôn giáo của người Ấn Độ gọi là Hinđu giáo hay Ấn Độ giáo. Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đến khu vực Đông Nam Á, đại diện là hai tôn giáo lớn Ấn Độ giáo và Phật giáo mạnh mẽ hơn cả. Hinđu giáo đã trải qua ba giai đoạn phát triển cơ bản:

     – Thời kỳ người Aryan mới xâm nhập vào đất nước Ấn Độ họ đã lập ra đạo Vêđa. Giai đoạn Vêđa với những bộ kinh Vêđa là thời kỳ đặt nền móng về thần phả, giáo lý cũng như nghi thức cho đạo Hinđu.

     – Khi xã hội có giai cấp và nhà nước ra đời, để phù hợp với xã hội mới, đạo Vêđa đã chuyển hoá thành đạo Balamôn. Giai đoạn Balamôn được đánh dấu bằng vai trò ngày càng cao của đẳng cấp tăng lữ với các lễ hiến tế, cùng với đó là uy thế và đặc quyền của đẳng cấp này đối với các đẳng cấp khác trong xã hội.

     – Từ thế kỷ VI- TCN, cùng với sự ra đời của đạo Phật, đạo Giaina và các tư tưởng duy vật khác, đạo Balamôn đã bị suy yếu, nhường chỗ cho Phật giáo với một thời kỳ phục hưng xã hội tinh thần, thực hiện cải cách ở Ấn Độ. Đặc biệt, dưới thời vua Asôka, vua Kanixca đạo Phật được tôn làm quốc giáo, đạo Balamôn càng suy yếu hơn nữa. Đến thời kỳ Gupta, nhân lúc đạo Phật suy yếu, đạo Balamôn đã tìm cách phục hưng trở lại. Giai đoạn Hinđu chính là giai đoạn chủ yếu, là hình thức phát triển cao của đạo Balamôn.

     Đạo Hinđu là hạt nhân của văn hoá Ấn Độ, phản ánh thực tế xã hội và thể hiện rõ bản sắc Ấn. Đây là tôn giáo thờ đa thần, trong đó đối tượng sùng bái chủ yếu là ba vị thần: Brama, Visnu, Siva. Không giống các tôn giáo khác, giáo lý chỉ dựa vào một bộ kinh thánh duy nhất, giáo lý của đạo Hinđu là sự tổng hợp của nhiều kinh truyện khác nhau, chủ yếu xoay quanh ba khái niệm liên hoàn: Atman- Braman, Karma- Samsara và Dacma- Moksa. Trong đó, cặp phạm trù Karma- Samsara (Nghiệp báo- Luân hồi) rất quan trọng, có nguồn gốc từ thời Vêđa cổ xưa và đã trở thành những lý thuyết căn bản của nền luân lý phương Đông.

     Hinđu giáo là tôn giáo của xã hội đẳng cấp. Chế độ đẳng cấp khắc nghiệt Ấn Độ đã bị “cốt hoá”, tư tưởng Hinđu giáo phù hợp, thích ứng và là công cụ tinh thần “bảo trợ” cho chế độ này. Đây cũng là một trong những lý do cơ bản lý giải sự “chiến thắng” của đạo Hinđu trong cuộc đấu tranh với đạo Phật dành vị trí tôn giáo chủ đạo ở Ấn Độ trong khoảng 10 thế kỷ.

     Hinđu giáo không chỉ là tôn giáo có tính kế thừa, phát triển mà còn có tính tiếp thu, cởi mở, mềm dẻo, linh hoạt. Bởi vậy, chúng ta không chỉ nhìn thấy ở Hinđu giáo nét truyền thống hàng nghìn năm từ thời Vêđa mà còn thấy khả năng thích ứng của tôn giáo này trong các bối cảnh lịch sử. Khi truyền bá sang khu vực Đông Nam Á, cơ cấu xã hội Đông Nam Á hoàn toàn khác với cơ cấu xã hội đẳng cấp Ấn Độ, nhưng Hinđu giáo vẫn ăn sâu, bén rễ nhanh chóng và góp phần tạo nên sự phong phú của văn hoá khu vực- đó là bằng chứng cho khả năng thích ứng của tôn giáo này.

     Không giống một số tôn giáo khác xem khổ hạnh, ép xác là một hành vi tôn giáo thanh cao, Hinđu giáo rất đời thường, thậm chí đề cao “chủ nghĩa túng dục”. Tôn giáo này lấy sinh thực khí nam giới là một trong những biểu tượng thờ cúng quan trọng, thực chất đó là một trong những biểu hiện của thần Siva… Đông Nam Á tiếp nhận tôn giáo này trên cơ sở tín ngưỡng phồn thực bản địa, bởi vậy đã nở rộ phong phú một nền văn hoá độc đáo, hiếm có trong nền văn minh nhân loại.

     2.3. Ảnh hưởng của Hinđu giáo đối với văn hoá một số vương quốc cổ Đông Nam Á

     2.3.1. Điều kiện, phương thức truyền bá của Hinđu giáo đến khu vực Đông Nam Á

     Theo kết quả của các nhà nghiên cứu, Ấn Độ giáo đến Đông Nam Á vào khoảng những năm đầu công nguyên. Người mang tôn giáo này đến đây trước hết là các thày tu Balamôn (hoặc những nhà sư) đã được mời đi theo các đoàn thuyền buôn làm lễ cúng tế…Họ cũng là các thày thuốc chữa bệnh cho các thuỷ thủ đoàn (1)…Như vậy, con đường truyền bá của Ấn Độ giáo nói riêng, tôn giáo Ấn Độ nói chung đến khu vực Đông nam Á là con đường hoà bình. Con đường này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm tính cách các dân tộc Đông Nam Á (ôn hoà, gần gũi, cởi mở, yêu chuộng hoà bình…), vì vậy, quá trình tiếp nhận tôn giáo diễn ra tự nhiên. Cùng với sự có mặt của Hinđu giáo, văn hoá Đông Nam Á đã tiếp nhận những ảnh hưởng mạnh mẽ, toàn diện. Tuy nhiên, do những điều kiện cụ thể khác nhau, các vương quốc cổ đại trong khu vực đã tiếp nhận ảnh hưởng của Hinđu giáo ở những mức độ khác nhau. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ trình bày ảnh hưởng của tôn giáo này đến văn hoá một số vương quốc tiêu biểu.

     2.3.2. Ảnh hưởng của Hinđu giáo đối với văn hoá một số vương quốc tiêu biểu

     Vương quốc Chămpa hình thành và phát triển trên dải ven biển miền Trung Việt Nam và một phần cao nguyên Trường Sơn. Lúc lớn mạnh nhất trải dài từ Hoàng Sơn, sông Gianh ở phía Bắc đến sông Dinh- Hàm Tân ở phía Nam, đến lưu vực sông Đà Rằng trên Tây Nguyên. Vương quốc Chăm pa là nơi tiếp nhận ảnh hưởng của Hinđu giáo một cách toàn diện, sâu sắc.

     Hinđu giáo, đặc biệt là Siva giáo, từ rất sớm đã trở thành quốc giáo và là tôn giáo chính của vương quốc Chămpa trong suốt quá trình phát triển. Người Chăm thờ các vị thần của Hinđu giáo: Brama, Visnu, Siva, Inđrra…Mặc dù, giai đoạn TKIX- X triều đại Inđrapura (Đồng Dương) theo Phật giáo Đại Thừa nhưng sự sùng tín các vị thần Hinđu giáo vẫn rất đậm đà. Thời kỳ này, người ta vẫn cho rằng đức vua là con của thần Inđra, thần Brama và Visnu; hoàng hậu luôn sẵn sàng kính lạy dưới chân Siva và nhất là kinh đô được mang tên thần đứng đầu các thần là Inđra… Thậm chí về sau, Hồi giáo đến với xã hội Chăm, khi vùng đất này được sáp nhập vào Việt Nam, phần lớn người Chăm ở đây đã theo đạo Hồi thì họ vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ấn độ giáo.

     Tôn giáo là một tác nhân quan trọng chi phối mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực từ văn hoá, kinh tế- xã hội đến phong tục, tập quán… Sự có mặt của Hinđu giáo trong xã hội Chămpa đã làm văn hoá Chăm thêm đa dạng. Tuy nhiên, trước khi đi sâu vấn đề, cần thấy rõ một điều – chính tín ngưỡng dân gian Chăm là nhân tố nội sinh dẫn đến sự biến đổi về chất của Balamôn giáo để trở thành đạo Balamôn “Chăm hoá”. Dưới tác động của tín ngưỡng dân gian Chăm, Hinđu giáo không còn giữ được bản chất nguyên gốc mà mang đậm sắc thái tín ngưỡng dân gian. Từ chỗ ba vị thần chính của đạo chỉ có Siva được đề cao bởi Siva phù hợp hơn cả với tính chất bản địa của người Chăm; trong Siva muôn mặt, trăm tên chỉ có Siva Linga được phổ biến bởi tục thờ cột đá như một dạng của tín ngưỡng phồn thực vốn là truyền thống của cư dân nông nghiệp Đông Nam Á.

     Ảnh hưởng của Hinđu giáo đến văn hoá Chăm được thể hiện toàn diện trên tất cả các mặt. Kiến trúc, điêu khắc là lĩnh vực thể hiện rõ nét. Các công trình kiến trúc nghệ thuật đồng thời chính là những công trình tôn giáo, tiêu biểu là tháp Chăm. Dọc dải đất miền Trung, những khu đền tháp nổi tiếng như Mỹ Sơn, khu đền tháp ở Bình Định, Phú Yên, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận… là những bằng chứng cho nghệ thuật Hinđu giáo ở Đông Nam Á. Đối tượng thờ trong tháp Chăm là các vị thần Hinđu giáo và các vị vua Chăm đuợc hoá thần, tiêu biểu nhất là thần Siva, Visnu, bộ ngẫu tượng Linga- Yoni, thần Ganesha- con trai thần Siva…

      Tuy nhiên, không hoàn toàn giống với tháp Hinđu giáo trên đất Ấn Độ, dấu ấn riêng biệt của người Chăm là tháp được xây bằng gạch với kỹ thuật kết dính đặc biệt. Mặt khác, hình dáng tháp do ảnh hưởng từ kiểu kiến trúc Hinđu giáo – tháp nhọn nhiều tầng tượng trưng cho đỉnh núi thiêng, vì vậy, tháp Chăm đều có dạng hình ngọn núi, nhưng lại là biểu tượng cho thiên nhiên miền Trung. Những tháp mô phỏng hình sinh thực khí nam giới (biến thể của tháp hình núi) là một sáng tạo đặc biệt. Bên cạnh tháp chính hình ngọn núi có thể gặp những kiến trúc phụ có mái cong hình thuyền – đây là dấu hiệu đặc thù trong kiến trúc nhà cửa của cư dân Đông Nam Á. Như vậy, kiến trúc tháp Chăm thể hiện rõ sự tiếp biến văn hoá, trên cơ sở văn hoá bản địa, dân tộc Chăm không chỉ tiếp nhận ảnh hưởng kiến trúc Hinđu mà còn mang đậm màu sắc văn hoá khu vực. Quả thật, “các đền tháp Chămpa đã phản ánh đầy đủ và chân thực hoàn cảnh văn hoá Chăm từ những giai đoạn đầu tiếp thu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ đến giai đoạn thích nghi, tiếp biến và trỗi dậy mạnh mẽ tính bản địa và sự giao lưu thường xuyên về mặt văn hoá… với các dân tộc liền kề”[2].

     Điêu khắc Chămpa được đánh giá là một trong ba nền điêu khắc chịu ảnh hưởng của Ấn Độ đạt tầm cỡ thế giới (cùng với điêu khắc của người Khơme và Giava). Điêu khắc Chăm pa là một mặt không tách rời với các công trình kiến trúc cổ, có hai loại chính là phù điêu và tượng. Chủ đề điêu khắc Chăm là các thần Hinđu giáo: thần Siva, Visnu, Brama, Linga và Yoni…, đặc sắc hơn cả là tượng và phù điêu các vũ nữ. Điêu khắc Chămpa trên cơ sở tiếp nhận ảnh hưởng của Ấn Độ, chi phối bởi Hinđu giáo, có nét riêng đặc biệt, mang tính ấn tượng hơn là tả thực. Bức tiên nữ Apsara đang múa tìm thấy ở Trà Kiệu thể hiện bàn tay to, cánh tay cong… Có thể nói, tính ấn tượng là đặc điểm quan trọng tạo nên vẻ đẹp độc đáo của nghệ thuật điêu khắc Chămpa.

     Về mặt văn tự, chữ Phạn (vốn là ngôn ngữ độc quyền chép kinh Balamôn giáo), đã được Chămpa tiếp thu từ những thế kỷ đầu công nguyên và nhanh chóng trở thành ngôn ngữ học thuật. Trên cơ sở đó, người Chăm đã bổ sung một số ký hiệu mới, sáng tạo một dạng chữ PhạnChăm độc đáo. Bia ký Chăm còn lại đến ngày nay không chỉ là minh chứng cho sự tiếp thu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ mà đó là những văn bản gần như duy nhất thể hiện ý tưởng của vua, triều đình, có giá trị lịch sử vô giá.

      Văn học Chămpa cũng chịu ảnh hưởng rõ nét của Hinđu giáo. Ví dụ: bộ phận văn học quan trọng của Chămpa là sử thi có quan hệ mật thiết với hai bộ sử thi Ấn Độ Mahabharata và Ramayana. Tuy nhiên, các nhà thơ Chăm đã biết sáng tạo cho phù hợp với thực tế lịch sử của mình và được văn bản hoá. Valmiki – người được xem là tác giả của sử thi Ramayana – được người dân Chăm dựng đền thờ, các nhân vật trong sử thi như hoàng tử Rama, Sita… cũng được thể hiện trên các phù điêu.

      Tóm lại, đạo Hinđu đã ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện đến văn hoá Chămpa trong suốt chiều dài lịch sử. Trong quá trình tiếp nhận ảnh hưởng, với sức mạnh nội sinh, Chămpa đã biến Hinđu giáo từ một tôn giáo của xã hội đẳng cấp xa lạ thành một tôn giáo gần gũi, góp phần sâu sắc tạo nên một nền văn hoá Chămpa phong phú, rực rỡ, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á.

     Vương quốc được đánh giá là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của Hinđu giáo trong khu vực chính là Phù Nam. Vương quốc Phù Nam (TK.II- VII) nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long – chủ yếu là miền Tây sông Hậu. Theo Lương thư và được xác nhận trong bia Mỹ Sơn thì một cư sĩ Ấn độ là Hỗn Điền (Kaundinya) đi thuyền đến bờ biển Phù Nam gặp nữ hoàng bản địa kết hôn với nhau, nước Phù Nam hình thành từ đó (từ khoảng TK.I) (3). Sự kiện này thừa nhận nhân tố Hinđu được tôn vinh trong vương quốc Phù Nam, đồng thời khởi đầu chính thức cho việc truyền bá văn hoá Ấn Độ ở đây …

     Theo nhiều nguồn tài liệu, tôn giáo Phù Nam thịnh hành là đạo Balamôn. Có những câu chuyện kể về vị vua của Phù Nam là Jayavarman, gửi thư cho hoàng đế Trung Quốc, qua bức thư người ta thấy rằng tôn giáo chính thức của Phù Nam là Hinđu giáo, phái Siva. Cuốn Lương thư cũng nói thêm rằng, ở Phù Nam, người ta thờ cúng các vị thần trên trời, các vị thần này thể hiện qua thánh tượng bằng đồng, một số có hai mặt, bốn tay, còn một số khác có bốn mặt và tám tay, rõ ràng thể hiện việc thờ cúng Harihara. Hoàng hậu vua Jayavarman và hoàng tử để lại những bản khắc bằng chữ Phạn thể hiện rõ cảm hứng thờ thần Visnu…(4). Như vậy, qua sự mô tả của các sử gia Trung Quốc thì người Phù Nam chủ yếu thờ 3 vị thần Ấn giáo theo tam vị nhất thể.

     Ấn giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hoá của vương quốc Phù Nam. Chữ Phạn được người Phù Nam dùng để khắc các lời chú trên đồ trang sức như nhẫn, mặt dây truyền và để khắc bia. Phù Nam để lại 4 tấm bia chữ Phạn dạng cổ thuộc TK. V có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hoá. Điêu khắc Hinđu giáo cũng phát triển mạnh mẽ với hình tượng thần Visnu, hình tượng thần Siva hình thức nhân dạng, biểu tượng Linga, Linga -Yoni, hình tượng thần Brama,…Hình tượng kết hợp giữa hai vị thần Siva và Visnu – Harihara cùng với các thần Visnu đội mũ tế là dấu ấn sáng tạo đặc biệt của điêu khắc Phù Nam. Mặc dù kiến trúc Phù Nam chỉ còn lại dấu vết nhưng cũng đủ để chúng ta cảm nhận những ảnh hưởng toàn diện của Hinđu giáo đến văn hoá vương quốc cổ này.

     Sau khi vương quốc Phù Nam sụp đổ, Chân Lạp là vương quốc mà Hinđu giáo thịnh hành đặc biệt và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội. Theo truyền thuyết được lưu giữ trong một bi ký ở TK.X thì người mở đầu triều đại Chân Lạp cũng là một giáo sỹ Balamôn tên là Kambu kết hôn với nữ thần Mêra do Siva ban tặng (5). Điều đó chứng tỏ vai trò của đạo Hinđu đối với sự ra đời của vương quốc cổ này. Đến TK.VII, Hinđu giáo phát triển rất mạnh mẽ và chiếm ưu thế trong vương triều của người Khơmer. Bi ký thời kỳ này kể lại việc xây dựng các đền thờ Linga dọc sông Mêkông, điều đó chứng tỏ việc thờ Linga và thần Siva đã trở nên phổ biến tại đây, thậm chí trở thành quốc giáo. Điều đặc biệt là hình tượng thần Harihara (Visnu và Siva kết hợp trong một cơ thể duy nhất) đã xuất hiện ở Chân Lạp…. Đến thời Jayavacman IIngười có công giành lại độc lập cho vương quốc từ tay Java, cũng là người mở đầu cho thời kỳ Ăng – co huy hoàng trong lịch sử Cămpuchia – đã sử dụng một vị giáo sĩ Balamôn làm tu sĩ đầu tiên của triều đình. Ông cũng dùng tôn giáo Vua – Thần làm quốc giáo. Ở đây, sự sùng bái thần Siva đã được đồng nhất với sùng bái vương quyền. Quyền lực của vương quyền coi như ngự trị trong một Linga thần kỳ mà tự tay ông đặt lên đỉnh núi thiêng….Có thể nói, tôn giáo Vua – Thần là một sáng tạo độc đáo của người Khơmer trên cơ sở tiếp thu ảnh hưởng của Hinđu giáo. Ở đây thần Siva đã được nhân cách hoá thành vua còn nhà vua được thần hoá dưới dạng Linga của Siva.

     Trên cơ sở Hinđu giáo phát triển mạnh mẽ, văn hoá Chân Lạp chịu ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo này.

     Về mặt chữ viết, qua bia ký chúng ta thấy rõ thời kỳ đầu chữ Phạn là văn tự chính thức của triều đình. Về sau, trên cơ sở chữ Phạn, người Khơmer đã sáng tạo ra chữ viết riêng của dân tộc … Về văn học cũng vậy, ban đầu văn học viết chủ yếu dựa vào các tác phẩm kinh điển bằng tiếng Phạn, sử dụng nhiều câu chuyện trong hai bộ sử thi Mahabharata, Ramayana và Purana… Nội dung văn học mang nặng tư tưởng Hinđu giáo, các vị thần của tôn giáo này được xem là khuôn mẫu, chuẩn mực của cuộc sống. Trong quá trình phát triển, trên cơ sở dòng chảy văn hóa dân gian phát triển mạnh, xu hướng bản địa hoá đã diễn ra mạnh mẽ trong văn học Khơmer. Các tác phẩm văn học Ấn Độ vào đây đã được Khơmer hoá, được tái sinh trở lại trong dân gian. Những hình tượng, nhân vật, môtuyp… trong các bộ kinh Hinđu giáo đã được sáng tạo lại phù hợp với truyền thống văn hoá bản địa. Trong hai bộ sử thi thì Ramayana có sức lan toả mạnh hơn, hoàng từ Rama được Khơmer hoá trở thành nhân vật Riêmkê gần gũi, Sita trong chế độ mẫu hệ Khơmer cũng được đề cao hơn Rama rất nhiều…

     Kiến trúc Khơmer thời kỳ Chân Lạp mang đậm dấu ấn và phong cách Hinđu giáo. Nổi bật là những đền thờ nhiều tầng có bình đồ vuông được xây bằng gạch, đó chính là nơi thờ phụng các vị thần Hinđu giáo. Về sau, với việcJayavacman II tôn sùng tôn giáo Vua- Thần, kiến trúc Ăngco bắt đầu với những sáng tạo độc đáo- kiến trúc đền núi. Đó thực sự là những kỳ quan của nhân loại, thể hiện sự sáng tạo tuyệt vời của văn hoá Cămpuchia trên cơ sở tiếp nhận ảnh hưởng từ Hinđu giáo nói riêng và văn hoá Ấn Độ nói chung. Hinđu giáo còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến vương quốc Java, các vương quốc cổ của người Môn.

3. Kết luận

     Như vậy, Hinđu giáo- tôn giáo trục của văn hoá Ấn Độ – đã truyền bá và có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hoá nhiều vương quốc cổ đại Đông Nam Á. Với phạm vi bài viết, tác giả tập trung làm rõ ảnh hưởng của Hinđu giáo đối với các vương quốc Chămpa, Phù Nam, Chân Lạp. Trong quá trình thâm nhập vào Đông Nam Á, Hinđu giáo đã thể hiện rõ vai trò đối với sự ra đời, phát triển của các vương quốc trên. Cụ thể: Hinđu giáo không chỉ góp phần thúc đẩy quá trình ra đời của nhà nước mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực văn hoá… Điều đặc biệt là, với sức sống mạnh mẽ của yếu tố nội sinh, Hinđu giáo đã được bản địa hoá, góp phần quan trọng tạo nên những thành tựu văn hoá rực rỡ, độc đáo của văn minh khu vực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1] Vũ Dương Ninh (CB), Đông Nam Á truyền thống và hội nhập, NXB. Thế giới, HN.2007. Tr.54.

     [2] http//vi.wikipedia.org/wiki

     [3] Lương Ninh, Một con đường sử học, NXB. ĐHSP, HN. 2009, Tr.247.

     [4] D.G.E. Hall, Lịch sử Đông nam Á, NXB. Chính trị Quốc gia, HN. 1996, Tr.63.

     [5] G. Coedes, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hoá ở Viễn Đông, NXB.Thế giới, HN.2008,Tr.131.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Hồng Đức – số 6, 2010

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Ảnh hưởng của Hinđu giáo đối với văn hóa một số vương quốc cổ Đông Nam Á (Tác giả: Nguyễn Thị Vân)