Ảnh hưởng của Pháp tới vấn đề đào tạo nguồn nhân lực Đại Nam tại Huế đầu thế kỉ XX

INFLUENCE FRANÇAISE SUR LA FORMATION DES RESSOURCES
HUMAINES DAI NAM À HUÉ AU DÉBUT DU XXE SIÈCLE

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  TRẦN ĐÌNH HẰNG
(Phân Viện trưởng, Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật
Quốc gia Việt Nam tại Huế)

TÓM TẮT

     Trong chiến lược phát triển xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn, công cuộc tái phục cơ đồ triều Nguyễn, vai trò và ảnh hưởng tích cực của các nước phương Tây là rất quan trọng. Trong lịch sử Đại Nam thời trung – cận đại, ảnh hưởng đó vẫn chi phối mạnh mẽ. Từ cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, sự thay đổi chiến lược của hoàng đế Thành Thái đã dần dần chuyển hóa mối quan hệ Pháp-Việt từ đối trọng căng thẳng sang hữu hảo, cải tổ, thể hiện rõ trong vấn đề giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc canh tân xứ sở. Đáng chú ý là xu hướng du học Pháp và mở ra những ngôi trường tân tiến tại Kinh đô Huế, về sau lan rộng khắp Trung Kỳ, tiêu biểu như Trường Quốc học, Trường nữ bản xứ rồi Trường nữ Đồng Khánh, Trường Bách Công – Kỹ nghệ thực hành. Nhờ vậy, quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa văn minh Việt – Pháp tại Huế và công cuộc canh tân xứ sở Trung Kỳ đã đạt được nhiều kết quả to lớn.

Từ khóa: Triều Nguyễn, vua Thành Thái, Trường Quốc Học, Trường nữ bản xứ, Trường Đồng Khánh, Trường Bách Công, Trường Kỹ nghệ Thực hành, thất thủ Thuận An, thất thủ Kinh đô.

RÉSUMÉ

     Dans la stratégie de développement de la RégionDang Trong des seigneurs Nguyen, la reconstruction de la dynastie Nguyen, le rôle et l’influence positifsdes pays occidentaux sont très importants. Dans l’histoire moyen aage et moderne du Dai Nam, cette influence dominait encore fortement.De la fin du XIXe siècle au début du XXe siècle, le changement de stratégie de l’empereur Thanh Thai a progressivement transformé la relation franco-vietnamienne d’un contrepoids tendu à une relation amicale, réformée, évidente en questionl’éducation et formation des ressources humaines pour le renouveau de l’Annam.Notamment, la tendance à étudier à l’étranger en France et à ouvrir des écoles modernes dans la, s’est ensuite répandue dans tout le pays d’Annam, typiquement Ecole Nationale (Quốc Học), Ecole des Jeunes filles Indigènes, Ecole des Jeunes filles Dong Khanh, Ecole Professionnelle – Ecole Pratique d’Industrie.Grâce à cela, le processus d’échange et d’acculturation de la civilisation Vietnamienne-Française à Hué et la rénovation d’Annam ont obtenu de nombreux grands résultats.

Mot-clé: Dynastie Nguyen, Empereur Thanh Thai, Ecole Nationale Ecole des Jeunes filles Indigènes, Ecole des Jeunes filles Dong Khanh, Ecole Professionnelle – Ecole Pratique d’Industrie, Perdre Thuận An, Perdre capitale de Hué.

x
x x

1. Chiến lược xây dựng, bảo vệ đất nước của các vua Nguyễn và bước ngoặt trong chiến lược canh tân thời Thành Thái

     Xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn giàu mạnh nhờ hậu cứ Nam bộ được thiên nhiên ưu đãi, đất mới hào sản, trượng nghĩa, nhất là tầng lớp đại điền chủ. Nhờ vậy, Nam châu nơi nơi ủng hộ, sẵn sàng trợ giúp, cứu nguy chúa tôi họ Nguyễn lúc bôn tẩu, thậm chí tỵ nạn láng giềng. Trong cơn bĩ cực, chúa tôi họ Nguyễn bằng mọi phương sách để tái lập lại vương triều, kể cả cầu viện, nên sau thất bại từ Xiêm La, người Pháp đã bén duyên với Đại Nam. Câu chuyện bắt đầu từ Giám mục Bá Đa Lộc, Hoàng tử Cảnh.., làm cho ảnh hưởng của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, văn minh Đông – Tây đã có sự lan tỏa, phát huy rõ nét.

     Huế – Trung Kỳ là Kinh đô Đại Nam nên vai trò, ảnh hưởng qua lại giữa phía Pháp và Nam triều đã tạo nên nhiều hệ quả, dấu ấn đặc trưng. Vua Gia Long chịu ơn và trả nghĩa cho người Pháp trong chuyện trợ lực để giải quyết vấn đề Tây Sơn, đặc biệt là với tư cách của bậc thiên tử, lại được nuôi dưỡng bởi khí chất trượng nghĩa, hào sảng trong môi trường văn hóa Nam bộ. Xu hướng mở rộng thuộc địa, tìm kiếm thị trường từ phương Tây ngày càng nổi bật và phương Đông có những điểm đến hấp dẫn cần công phá trước tiên, dưới nhiều danh nghĩa, lớp áo thương mại, tôn giáo, chuyển giao khoa học công nghệ v.v. Cuộc đụng độ văn minh Đông – Tây với nhiều sự khác biệt đến cách biệt, đã giúp vua Gia Long nhìn thấu được nguy cơ làm phương hại vận mệnh đất nước và ông đã chọn lựa đồng minh truyền thống thiên triều phương Bắc. Các vị ân nhân, chuyên gia Pháp sau cuộc khải hoàn, được ban thưởng trọng hậu mà hoàn toàn không được trọng dụng, lần lượt muốn trở về mẫu quốc. Bi kịch Hoàng tử Cảnh gắn liền trọng án liên quan tới các đại công thần Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt có thể coi là điển hình cho vấn đề này. Thế ứng xử đó, dần có sự gia tăng rạch ròi trãi qua các triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị, từng bước cứng rắn với vấn đề truyền giáo (cấm đạo, sát đạo), đỉnh điểm ở thời Tự Đức. Tất cả, trở thành duyên cớ cho người Pháp can thiệp vũ lực vào Việt Nam, từ năm 1858, có sự phân định chiến lược, chính sách cụ thể đối với ba miền Đại Nam, theo từng cấp độ là xứ thuộc địa, xứ bảo hộ. Ngay chính trong xứ bảo hộ, cũng có sự khác nhau căn bản giữa Bắc Kỳ, với quyền hành rộng lớn của Phủ Thống sứ, so với Trung Kỳ, vẫn hiện diện Nam triều, trong tương quan vai trò khiêm tốn hơn của Tòa Khâm sứ.

     Khi triều đình Nguyễn khủng hoảng trên nhiều phương diện, người Pháp càng tăng cường ảnh hưởng chính trị lên khắp Trung Kỳ, nhất là ở Kinh đô Huế. Nội tình phân hóa chủ hòa – chủ chiến càng làm cho tình hình thêm phức tạp. Người Pháp ở thế thượng phong nên sự trỗi dậy của quân Nguyễn càng làm kích động hơn nữa tâm thế thực dân khai hóa của họ, dẫn tới kết cục bi thảm. Đó chính là vấn đề then chốt trong sự biến thất thủ Kinh đô.Khuya 4/7/1885 (đêm 22, rạng 23/05/Ất Dậu), Tôn Thất Thuyết chia quân doanh làm hai đạo đánh đồn Mang Cá nhỏ, vượt sông Hương đánh úp Tòa Khâm sứ. Bị đánh bất ngờ, quân Pháp hết sức hoảng loạn, nhưng do vũ khí quân Nguyễn thô sơ, gươm đao giáo mác cận chiến, đại bác chỉ làm cháy vài trại lính quanh Tòa Khâm, còn lại rơi xuống sông, nên họ đã sớm củng cố lực lượng phản kích (Delvaux, 1997, tr.75-76).

     Pernot chỉ huy quân Pháp, chia làm 3 đoàntấn công Kinh Thành. Từ Tiểu Trấn Bình Đài, thủy lục quân Pháp đánh thẳng lên khu Tam Tòa, Lục Bộ, tiến vào cửa Hiển Nhơn, đánh thẳng Đại Nội. Gặp sự kháng cự của quân triều đình, Pháp quay sang đánh chiếm và treo cờ Tam Tài lên Kỳ Đài. Đạn pháo từ tàu chiến Pháp cũng bắn vào Đại Nội. Quân triều đình dưới sự chỉ huy của Đề đốc Hộ thành Trần Xuân Soạn, Hữu quân Đô thống Hồ Văn Hiển phải tử thủ trong thành. Đến 9 giờ sáng, Hoàng thành thất thủ, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi cùng triều thần theo cửa Chương Đức xa giá khỏi kinh thành, lên căn cứ Tân Sở chuẩn bị cho phong trào Cần Vương.[2] Quân Pháp chiếm được kinh thành, ra sức đốt phá, cướp bóc, bắn giết. Trong hoàn cảnh rối ren đó, dân chúng hoảng loạn tìm đường chạy trốn, nên ngoài những người bị súng đạn của giặc giết chết, phải kể đến tình trạng nhiều người chết do chen chúc chạy trốn, dẫm đạp lên nhau, rơi xuống hồ ao, tường thành…: 11 giờ ngày 5/7/1885, tướng Roussel de Courcy điện cho Chính phủ Pháp: “Ngôi thành đã ở trong tay chúng ta cùng với 1.100 khẩu đại bác. Quân đội chúng ta tuyệt vời. Thương vong không đáng kể” (…). Tướng Prudhomme báo cáo: “Xác của 1.500 người Annam cho thấy những thiệt hại của kẻ thù ít nhất cũng phải gấp đôi thế, vì theo tập quán họ đã mang đi rất nhiều, và mang tất cả những người bị thương đi, vì họ sợ chúng ta sẽ cắt xẻo hay đối xử tàn nhẫn… Do không thể chôn cất hết những người Việt đã chết, người ta đã vứt một phần vào các kênh đào, và phần còn lại thì đem hỏa thiêu. Nhưng sự thối rữa của một số lượng lớn xác chết như vậy, lại do thời tiết nóng làm cho thối rữa mạnh hơn, đã làm ô nhiễm cả thành phố và trong một thời gian dài nữa, người ta đã phải hít thở một thứ không khí sặc mùi hôi thối. Tình hình thật tang thương, như một đại tang tập thể, gây chấn động mạnh, để lại nhiều di chứng trong tâm thức Huế. Hai năm sau (1887), Lanessan còn ghi lại và nhấn mạnh việc “quân đội của chúng ta triệt phá các nhà dân trong thành trong 5 ngày, những cuộc bắn giết kèm theo với đốt nhà, trục xuất 30.000 người bản xứ sinh sống ở quanh hoàng cung và Lục bộ” (Devillers, 2006, tr.272-373, 375).

     Vì vậy, khắp Kinh Thành bao trùm một nỗi oan khuất, thảm thương sau sự biến kinh thiên động địa này. Một năm sau, lời tâu của Phủ Phụ chính cho biết tình hình chi tiết hơn: kể từ ngày đó, dịch khí lan tràn, vẫn chưa yên ổn, xin ban sắc cho hai bộ Lại, Binh lập danh sách những người bị giam cầm oan ức sau sự biến Kinh thành (hoặc rủi ro trúng đạn, hoặc vì việc bị xử tử, hoặc bỏ mạng nơi rừng rú, hoặc đang bị giam cầm), chước lượng gia ơn giải oan, cùng nhau đổi mới. Chuẩn cho các quan văn võ vì việc mà chết đều được truy tặng thêm một trật, quân binh thì ban tiền tuất gấp đôi. Lại sắc cho các nha môn thuộc bộ Hình ngoài những trọng phạm đều phải tuỳ việc mà phân xử, không được qua loa bắt giữ giam cầm hành hạ. Lại thân cho các phủ thần quan tỉnh đều tuân theo dụ trước mà làm, hết lòng tính toán chẩn tế, tới đền miếu thành kính cầu khấn để được yên ổn. Vấn đề này được lặp lại nhiều lần, cho thấy tầm quan trọng của sự biến và ảnh hưởng của nó đối với triều đình Huế về sau, nổi bật vai trò của bộ Lễ, với những tấu sớ thuyết phục, làm cơ sở cho việc định hình nên một đài tưởng niệm đặc biệt trong tâm thức Huế: đàn Âm hồn, gắn liền đại lễ cúng tế 23/5/Ất Dậu (Quốc sử quán triều Nguyễn¸2011, tr.107, 126)

     Sự biến thất thủ Thuận An (Quý Mùi – 1883), Thất thủ Kinh đô (Ất Dậu -1885) là đỉnh điểm sự vỡ ra của xã hội truyền thống trước sự can thiệp vũ lực của phương Tây. Xã hội phân hóa rõ rệt chủ chiến – chủ hòa, thủ cựu – canh tân. Thực tế cuối thời Nguyễn, các biểu hiện chủ chiến đều dẫn đến kết cục bi thảm (lưu đày viễn xứ, máu nhuộm, những cái tang tập thể…). Những biến động đó càng ảnh hưởng sâu rộng, rõ nét trong tâm thức Huế, làm nên thế ứng xử đặc trưng trong giai đoạn chuyển tiếp này. Không phải ngẫu nhiên mà các vị hoàng đế Thành Thái, Khải Định, Bảo Đại lại nổi lên khát vọng canh tân mở cửa, từ giáo dục, dù muộn mằn. Các trường Canh Nông, Hậu bổ, Kỹ nghệ thực hành, Trường Quốc học, Trường nữ học bản xứ, Trường Đồng Khánh, Trường Pháp-Việt v.v. ra đời, với khát vọng mở đầu cho công cuộc canh tân, từ chính vấn đề con người – đào tạo nhân lực, để theo kịp thời đại (Hằng, 2013; Quang & Hằng, 2016).

     Âu hóa, Tây học, từ đây trở thành khía cạnh nổi bật trong lịch sử và văn hóa Việt Nam, gắn liền với những nhân vật, gia thế cụ thể, tiêu biểu như trường hợp Thân Trọng Huề, Hoàng Trọng Phu. Vấn đề bản sắc và ý thức dân tộc, bản lĩnh quốc gia, càng có cơ hội để thử thách, thể hiện và phát huy, từ cả hai phía Việt – Pháp. Một văn bản thời Thành Thái đã đề cập đến vấn đề này khi Phủ Phụ chính gửi Toàn Quyền Đông Dương và được chấp nhận, yêu cầu các quan Pháp tôn trọng lễ tục nước Nam khi đến các nơi lăng tẩm miếu điện của bản quốc (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2011, tr.216).

2. Nhu cầu canh tân xứ sở và vấn đề đào tạo nguồn nhân lực

     Trong bối cảnh tiếp xúc và giao lưu văn minh, cả hai phía Việt – Pháp đều nhận ra nhu cầu nguồn nhân lực cấp thiết để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa từ phía Pháp và kiến thiết quốc gia từ phía Đại Nam. Nhờ đó, tất cả đã tạo nên tác động hỗ tương tích cực, từ việc kế thừa những ngôi trường, giáo trình đào tạo truyền thống (Hành nhân, Quốc tử giám, giáo dục gia đình…) để thiết lập nên những thiết chế quan trọng, định hình cơ chế vận hành để đào tạo đội ngũ quan lại, học sinh và những người thợ lành nghề, theo đúng tinh thần kết hợp hài hòa tân-cựu, tiêu biểu là Trường Quốc học, Trường Bách công và trường nữ học bản xứ – Thành Nội – Đồng Khánh…

     2.1. Trường Quốc Học

     Quốc Học không chỉ là biểu tượng Tây học đầu tiên của Huế, của cả đất nước Đại Nam, xứ Trung Kỳ, được đặt tại Huế. Từ những nền tảng đầu tiên với trọn vẹn ý nghĩa bước ngoặt lớn lao đó, tính chất tân – Tây học tiên phong, cộng với di sản cựu – Hán học tinh hoa, Quốc Học trở thành biểu tượng nổi bật cho truyền thống khoa bảng Việt Nam thời cận hiện đại, vượt khỏi địa giới hành chính vùng Huế, mang tầm quốc gia và quốc tế, với lớp lớp thầy và trò tài năng, từ cả nước hội tụ về.

     Trong bối cảnh xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX – đầu XX, sự xung đột, va chạm văn minh Đông – Tây trở thành vấn đề then chốt, nổi rõ ở khía cạnh cựu học và tân học.

     Trước đây, Khâm sứ Trung Kỳ Brière từng bàn việc học sinh Quốc Tử giám nên học và thi thêm Pháp văn nên triều đình hội đồng bàn bạc. Đến tháng 12/Bính Thân (Thành Thái 8 – 1896), nhà vua ban dụ “bắt đầu đặt trường Quốc Học chữ Tây”, trong đó nhấn mạnh: “Học không có thầy nhất định, cốt phải học rộng. Việc dạy ắt phải lập cho sự học được rộng. Đại khái ngoài cái học sáu kinh, còn có Lục thư, việc giao thông giữa các nước trọng chuyện từ lệnh, duy việc học có rộng thì sau có thể theo phương mà dùng cho phù hợp, việc dạy có chuyên thì về sau có thể tinh nghiệp mà thành người tài năng, đó đều là việc cần thiết hiện nay không thể coi thường. Nước ta từ Quốc Tử giám ở Kinh sư, tới các tỉnh phủ huyện không đâu không học Nho học, đã tinh tường lại đầy đủ, nhưng về cái học Thái Tây vẫn còn nhiều khiếm khuyết… Nay chuẩn đặt trường, gọi là Trường Quốc học để dạy tiếng và chữ Đại Pháp, tham khảo dạy thêm chữ Hán…, việc giao thiệp hiện nay thì hiểu rõ ngôn ngữ thông suốt tình lý đang là điều cốt yếu, các viên chưởng học đều nên cẩn thận theo đúng khóa trình gia tâm đào tạo để người học thông hiểu cả chữ Tây chữ Hán, trẻ em thành người đều được ích lợi, ngõ hầu làm việc xử thế đi sứ đều được người xứng đáng để không phụ thành ý đặt trường học dạy nhân tài” (Quốc Sử quán triều Nguyễn, 2011, tr.264-267).

     Theo đó, học trò phải là người từ 15 đến 20 tuổi, là “công tử tôn thất, ấm tử quan viên, ai đã thông Nho học và sinh viên Quốc tử giám cùng học đường các tỉnh…”. Còn học trò Ty hành nhân, học trò ưu tú con nhà dân phải thông hiểu chữ Hán và phải qua sát hạch, sẽ được cấp học bổng. Riêng những người từ 8 – 12 tuổi, phụ huynh trình với Chưởng giáo cho vào lớp đầu tiên.

     Về giáo quan, chuẩn đặt 01 Chưởng giáo, 04 Đốc học trợ giáo, 01 Giáo tập trẻ em, đều chiểu hàm chi bổng và cấp thêm lương tháng có thứ bậc. Ngoài ra, còn có 02 Kiểm Khán (hay Khán học – Giám thị) và 01 Từ hàn, 01 Điển thủ.

     Về nhân sự, có ba cấp độ phân công rõ ràng, cụ thể: [1] Chưởng giáo, trước tiên do quan Khâm sứ cùng Cơ Mật viện chọn cử và do Toàn quyền Đông Dương chuẩn y, được cấp ấn quan phòng và kiềm nhỏ, theo kiểu thức của Quốc Tử giám. Mọi việc liên quan đến Toà sứ và viện, bộ, các nha đều được toàn quyền tư báo để coi trọng trách nhiệm; [2] Các viên giáo chức do Viện Cơ Mật cùng Khâm sứ Trung Kỳ uỷ nhiệm cho hội đồng sát hạch những người am tường. Tất cả đều ở lại trong trường để chuyên việc giáo tập; [3] Các viên Từ hàn, Điển thủ, cho bộ Lại chọn bổ.

     Việc xây dựng trường học, phòng ốc và nhà ở của nhân viên giáo chức Giám thị, lương bổng chi phí cho trường…, đều trích từ quốc khố Nam triều. Việc phân định nhật kỳ dạy học, mọi việc trường qui sĩ số, xét bổ niên hạn chi cấp lương bổng, chuẩn cho Chưởng học và nha sở quan bàn định, trình Cơ Mật viện xem xét bàn bạc với Khâm sứ Trung Kỳ duyệt lại, rồi mới cho thi hành.

     Về sau, Toàn quyền Đông Dương có văn bản giới hạn lại một số nội dung, như bãi bỏ Trường Hành nhân, lấy Trường Quốc học thay thế. Học trò, ngoài sinh viên Quốc Tử giám và học trò trường Hành nhân thì định rõ những người từ 15 – 20 tuổi mới cho vào học; Công tử, Công tôn, ấm sinh, học trò trường hành nhân, sinh viên Quốc Tử giám theo lệ được vào trường thì do Nam triều chi cấp học bổng; học trò am hiểu chữ Hán, qua khảo hạch, có thể cho vào học. Riêng trẻ em từ 8 tới dưới 15, do phụ huynh trình với Chưởng giáo, cho vào học ở một lớp riêng.

     Quan chức trong trường, nên đặt bốn hạng giáo chức (một, hai, ba, tư), mỗi hạng một người, 01 Giáo tập trẻ em, 02 Giám thị. Chưởng giáo do quan Khâm sứ và Cơ Mật viện chọn cử, quan Toàn quyền bổ nhiệm, theo lệ được bổ hàm tương đương với quan viên người Việt, mọi việc có liên quan với toà, viện, bộ, nha, thì được toàn quyền tư báo. Các chức giáo tập do Toà sứ uỷ quan hội đồng sát hạch bổ nhiệm.

     Các viên Chưởng giáo, giáo chức ngoài việc được chiểu hàm chi bổng theo lệ, được cấp thêm cho Chưởng giáo mỗi tháng 50 đồng, giáo chức hạng nhất 25 đồng, hạng hai 20 đồng, hạng ba 15 đồng, hạng tư và Giáo tập trẻ em 10 đồng. Các viên Chưởng giáo, giáo chức đều phải cư trú trong trường. Lương bổng, học bổng của quan chức, học sinh trong trường, đều do ngân sách Nam triều chi cấp.

     Giờ giấc dạy học, nghỉ ngơi của trường, nội qui trong trường cùng số hiệu học trò và tất cả các việc cần làm…, trước tiên phải trình rõ cho các quan coi việc giáo tập khắp Nam Kỳ, Bắc Kỳ xem xét góp ý, sau đó mới phải trình lên Cơ Mật viện và Toà Khâm sứ cùng duyệt, “lấy Thái Thường tự khanh Ngô Đình Khả làm Chưởng giáo, định rõ từ trung tuần tháng giêng năm sau khai trường”.

     Đến tháng 3/Đinh Dậu (Thành Thái 9-1897), đặt các chức Đốc học và Trợ giáo tiếng Pháp ở Trường Quốc học: Hồng Lô tự Thiếu khanh Nguyễn Hữu Mẫn sung Đốc giáo, Thị giảng Nguyễn Tiến Cương – Trợ giáo hạng hai, Cung phụng Nguyễn Tương – Trợ giáo hạng ba, Tu soạn Nguyễn Văn Phiếm – Trợ giáo hạng tư; đặt các chức Giáo quan và Trợ giáo chữ Hán: Quản giáo Nguyễn Văn Mại, Trợ giáo Hoàng Thân. Thêm vào đó, định lệ phụ cấp cho Trợ giáo hạng nhất 25 đồng, hạng hai 20 đồng, hạng ba 15 đồng, hạng tư và Giáo tập trẻ em đều 10 đồng.

     Tháng giêng/Mậu Tuất (Thành Thái 10-1898), định lệ cấp bổng cho Trợ giáo chữ Hán trường Quốc học, cho công bằng với các Trợ giáo chữ Tây: Mỗi tháng Quản giáo 25 đồng, Trợ giáo hạng hai – 20 đồng, hạng ba-15 đồng, hạng tư – 10 đồng, hạng năm – 6 đồng. Tháng 3, định lệ cấp bổng cho quan chức trường Quốc học. Toà Khâm sứ tuyển bổ Thương biện Nordeman làm Chưởng giáo, lương tháng do ngân sách bảo hộ chi cấp; 1 Phó Chưởng giáo quan Nam dạy tiếng Pháp 90 đồng/tháng; 02 Trợ giáo hạng I – 35đ; 02 Trợ giáo hạng II – 30đ; 02 Trợ giáo hạng III – 20đ; 01 Phụ giáo thí sai – 12 đ; 01 Quản giáo chữ Hán – 40đ; 01 Trợ giáo hạng I – 25đ; 01 Trợ giáo hạng II – 20đ; 01 Trợ giáo hạng III – 15đ; 02 Từ hàn – 4đ 5 hào. Điểm đáng chú ý là tất cả quan viên nói trên đều do Chưởng giáo chọn cử nhưng không được kiêm chức ở Bộ và không có phụ cấp. Còn lại sinh viên cũng theo lệ cấp lương, chi phí trường vụ mỗi tháng 80 đ, đều do ngân sách Nam triều chi cấp.

     Học trò Trường Quốc Học đã có sự bổ sung, thay đổi thành phần, đối tượng qua thời gian. Từ tháng 2/Mậu Tuất (Thành Thái 10-1898), bỏ Ty Hành nhân, chỉ chọn lưu lại 02 người, lệ vào Cơ Mật viện, còn lại cho qua học tập ở Trường Quốc Học. Đến tháng 10 thì bắt đầu phái các Tiến sĩ, Phó bảng theo trường Quốc học học tập chữ Tây (Tiến sĩ hàng tháng cấp 10đ, phó bảng 8đ). Tháng 5 năm sau (Kỷ Hợi-1899), bắt đầu chọn những người trẻ tuổi, có tư chất, cho vào học Trường Quốc học.

     Đến tháng 2/Bính Ngọ (Thành Thái 18-1906), triều đình cho bãi bỏ cấp sơ học ở Trường Quốc Học, chỉ dạy bậc toàn phần, chuyển cấp sơ học qua cho Trường Sơ học Pháp-Việt phủ Thừa Thiên. Tháng 4/Tân Hợi (Duy Tân 5-1911), khi Trường Hậu bổ được thành lập thì bỏ Phòng Khoa Mục ở Quốc Học, chuyển số “chỉ định mức 30 suất, tuổi từ 24-34, chỉ Tiến sĩ, Phó bảng được tới 40 tuổi” và “sắp có trách nhiệm coi dân, làm việc giao thiệp đều phải hiểu biết tiếng Pháp” sang trường Hậu Bổ.

     Ở đây, có thể đơn cử một số nhân vật lịch sử đã góp sức tạo nên bóng dáng Quốc Học nổi tiếng như Chưởng giám Ngô Đình Khả thời kỳ đầu tiên, Tham tri bộ Lễ Hoàng Trọng Phu sung Đốc học từ tháng 3/Canh Tý (1900), Quản giáo Trần Đạo Tiềm, sau được sung duyệt quyển Khoa thi Hội tháng 3/Tân Sửu (1901),… Qua đó, có thể thấy được tính chất điển hình tiên phong, trên qui mô toàn xứ Đông Dương – Đại Nam, đại diện tiêu biểu cho môi trường giáo dục Tân học trên đất Huế (Hằng, 2013, tr.16-18).

     2.2. Trường nữ học

     2.2.1. Trường nữ bản xứ

     Trong xã hội truyền thống Nho giáo phụ quyền, nam học là đương nhiên nên hầu như ít ai để ý đến nữ học, vốn mang nhiều nét riêng biệt mà ở Kinh đô Huế, nó lại được quan tâm đặc biệt, nhất là với Trường nữ đầu thế kỉ XX, để lại dấu ấn lịch sử văn hóa đậm nét xuyên thời gian.

     Ở xứ Kinh kỳ, công đức thầm lặng của người phụ nữ đã góp phần quan trọng tạo nên nét quí phái, sự phồn hoa đô hội của đời sống cung nội cho đến dân gian. Trong bối cảnh giao lưu Đông – Tây cuối thế kỉ XIX đầu XX, môi trường gia giáo truyền thống dành cho người phụ nữ đã được mở rộng, bổ sung, phát huy vai trò bởi sự ra đời của trường nữ học mà ở Huế, có thể coi Trường nữ bản xứ, rồi Trường nữ Đồng KhánhTrường nữ Thành Nội sau này (1966) là trường hợp điển hình cho cả nước, nhờ phát huy truyền thống tinh hoa, phẩm giá cao quí của người phụ nữ Việt Nam, để bổ sung nguồn nhân lực nữ cho nhu cầu canh tân đất nước đương thời, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

     Từ đầu thế kỉ XX, sự thương thảo Pháp – Nam đã đưa đến sự thành lập tại Huế ngôi trường Pháp “hỗn hợp” (École mixte francaise de garçons et filles à Huế), theo đề nghị của Khâm sứ Trung Kỳ Auvergne (Phủ Toàn quyền Đông Dương, 1904, tr. 533). Theo đó, phụ trách trường là bà Dewost (Marie-Angèle-Joséphine), người vùng Caroulle, tốt nghiệp cao đẳng, là giáo viên tập sự tại Trung Kỳ, được hưởng lương 3.000F mỗi năm, tính từ ngày 1/7/1904. Do nhu cầu xã hội cấp thiết nên đến đầu năm 1906, Trung Kỳ đã có đợt cải cách giáo dục qui mô để “sửa chữa học qui”, bãi bỏ cấp sơ học ở Trường Quốc Học, chuyển Trường Sơ học Pháp-Việt phủ Thừa Thiên dạy. Các xã thôn không có điều kiện lập riêng trường nữ thì những bé gái đến tuổi có thể vào trường Ấu học.

     Phát xuất từ nhu cầu xã hội và hoàn cảnh lịch sử đặc trưng trong bối cảnh giao thời đó mà giáo dục nữ tiểu học Pháp-Việt được chính thức đặt ra từ năm 1907, để rồi lần lượt lập nên 6 ngôi trường nữ ở Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Huế, Quảng Ngãi và Phan Thiết. Từ đó, Ecole des Jeunes filles indigènes de Hué (trường nữ sinh bản xứ Huế) được thành lập, nằm trong khuôn viên Đại Lý Tự, sát Nha Hộ Thành về phía đông – đông nam (thuộc khuôn viên trường PTTH Nguyễn Huệ hiện nay). Tại Kinh đô Huế, nhiều nữ sinh con nhà quan lại thế gia có nhu cầu học tập nên trường nữ học hoạt động rất mạnh, bước đầu do một nữ hiệu trưởng, một nữ trợ lý người Pháp, và về sau có bổ sung 4 giáo viên hướng dẫn người Việt vốn cũng từng tốt nghiệp trường này. Sách Trường học Trung Kỳ cho biết rõ ngôi trường này được thành lập ngày 1/3/1908, trong tòa nhà cổ kính của một cơ quan triều đình Nguyễn (Direction générale de l’Instruction publique – Gouvernement général del’Indochine, 1931).

     Tới tháng 6/Mậu Thân – Duy Tân thứ 2 (1908), do trường nữ học đặt ở Đại Lý tự trong thành quá chật hẹp nên thuận bàn, cho dời tới nơi ở của Hưng Nhân quốc công Bửu Kiêm (Khiêm, Liêm?), bèn chuẩn cấp tiền công 7.000 đồng dời qua xây ở phủ đệ (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2011, tr.504-505). Cũng có tài liệu cho rằng giai đoạn này, vua Thành Thái đã ban cho ông hoàng Bửu Liêm một phần đất trong khu vực Thương Bạc làm phủ (Hòe, 1997, tr.34-35).

     Có lẽ đó là một ngôi trường nhỏ ba gian hai chái, thấp và tối, tất cả được chống đỡ bởi 16 cột, nên lớp học có phần chật chội. Sàn nhà được tráng xi măng, cửa ra vào và cửa sổ bằng kính, lớp học được đặt ở giữa, được trang bị tiện nghi với bàn ghế cho học sinh, bàn giáo viên, tủ quần áo, một bảng đen, một vài tranh tường. Dù vậy, từ khi mở trường, có tới 47 học sinh. Cô hiệu trưởng người Pháp dạy tiếng Pháp, toán và may vá; các trợ giáo người Việt dạy Quốc ngữ, chữ Hán và tự vị Pháp. Bên ngoài có hai người lính Nam triều đảm trách việc bảo vệ và quét dọn vệ sinh.

     Đến năm 1909, phòng đơn được ngăn làm hai phòng học bởi một bức tường bùn đất, một trong những nữ sinh xuất sắc được thăng làm giáo viên. Sau năm 1910, triều đình cho xây dựng trường nữ học hiện đại hơn dù bên ngoài đơn giản nhưng rộng rãi, ở ngay vị trí Nhà Giảng tập (dạy các hoàng tử) và trường Paul Bert, với 5 phòng học (khu vực trường Phú Hòa hiện nay).

     Do qui mô khiêm tốn, khả năng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội nên nhu cầu đặt ra cấp thiết là phải xây dựng một trường nữ học lớn hơn. Báo cáo của Đốc học Trung Kỳ gửi Khâm sứ Trung Kỳ ngày 3/11/1917 về Dự án Xây dựng Trường Nữ sinh tại Huế nhấn mạnh do qui mô Trường nữ học Huế chỉ có khoảng 150 học sinh mà nhu cầu học tập trong xã hội rất lớn. Trường nữ học trong Nội thành qui mô nhỏ, không đáp ứng được nên có thể chuyển sang ngôi trường mới ở bờ Nam, để học sinh có thể thụ hưởng nhiều lợi ích từ cơ sở vật chất trang thiết bị, cơ cấu giảng dạy và nhân sự điều hành của một ngôi trường tân tiến. Từ đó, Trường nữ học Đồng Khánh đã được thành lập năm 1917. Đáng chú ý là từ năm 1917, Trường nữ học bản xứ (Thành Nội) vẫn tiếp tục duy trì hoạt động, song hành với trường nữ Đồng Khánh, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng, cho nhu cầu chấn hưng đất nước về giáo dục, y tế và nữ công gia chánh trong bối cảnh đương thời. Tinh thần đó còn được kế thừa và phát huy bởi mô hình Trường Nữ trung học Thành Nội giai đoạn sau này, được thành lập từ năm 1966.

     2.2.2. Trường nữ Đồng Khánh

     Trong cuộc tiếp xúc văn hóa, văn minh Đông – Tây ở Huế từ nửa sau thế kỉ XIX, vấn đề canh tân đất nước luôn được quan tâm, với nhiều giải pháp thăng bằng, hướng tới đào tạo con người để canh tân xứ sở. Những cây cầu, con đường, ngôi trường và sách báo, tạp chí… đóng vai trò tiên quyết, gắn liền chủ trương canh tân giáo dục nước nhà của vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định. Từ cuối thế kỉ XIX, nếu như trường Quốc Học hoàn bị tính chất cựu học – tân học cho sĩ tử tinh hoa để phục vụ quan trường, canh tân đất nước từ tầng lớp quan lại thì trường nữ bản xứ, trường nữ Đồng Khánh ra đời nhằm phát huy truyền thống tinh hoa, phẩm giá cao quí của người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là ở kinh đô Huế, để bổ sung nguồn nhân lực nữ cho đất nước, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế…      Văn bản số 1978 ngày 3/11/1917 của quan Đốc học Trung Kỳ gửi quan Khâm sứ Trung Kỳ báo cáo về Dự án Xây dựng Trường Nữ sinh tại Huế cho thấy rõ điều đó (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Đà Lạt). Khi nhu cầu nhân lực ngày càng cao cho việc xây dựng và phát triển xứ sở tới đầu thập niên 1920, cần cung cấp đủ một lượng học sinh có được bằng Tiểu học, để có thể theo đó mở các lớp trình độ cao hơn, bao gồm cả việc học tiếng Pháp ngày một tốt hơn. Hơn nữa trong tương lai, phải tính đến việc tổ chức cấp giáo dục bổ túc cao hơn, nhu cầu đặt ra cấp thiết là phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực nữ cho hai ngành nghề đặc trưng, phù hợp với tố chất, thế mạnh riêng có của những cô gái xứ Thần kinh, là giáo dục và y tế, gắn liền phẩm giá, kỹ năng nữ công gia chánh của họ.

     Xã hội rất cần tới những cô giáo người Việt trong tương lai bởi trường dành cho nữ sinh tại địa phương vẫn chưa đủ, chưa phát triển như mong đợi. Ngành y tế cũng sẽ đòi hỏi trình độ cao hơn đối với đội ngũ y tá và nữ hộ sinh, nên xã hội càng cần có nhu cầu cao hơn đối với nguồn nữ học sinh. Không chỉ có vậy, xu hướng xã hội hiện đại là nhiều gia đình sẽ đầu tư cho con gái tiếp tục học lên cao hơn sau khi đạt được bằng Sơ học hay Tiểu học. Những gia đình giàu có sẽ tự trang trải chi phí học tập, và với những gia đình còn khó khăn thì học sinh học giỏi sẽ được cấp học bổng.

     Lễ đặt đá khởi công xây dựng Trường nữ sinh Đồng Khánh lại diễn ra lúc 17 giờ ngày 27/5/Khải Định 2 (15/7/1917), với sự hiện diện của Hoàng đế Khải Định, Toàn quyền Đông Dương Sarraut cùng nhiều quan chức cao cấp và đông đảo dân chúng thành phố Huế (Orband, 1997, tr.313-314). Phải chăng nghi lễ khởi công có trước văn bản đề nghị thành lập Trường thể hiện sự tôn trọng phong tục tập quán truyền thống và cũng thêm phần long trọng với sự hiện diện của hoàng đế Đại Nam và Toàn quyền Đông Dương.

     Phát huy tối đa sở trường, giảm thiểu sở đoản từ trong di sản truyền thống, kết hợp hài hòa tinh hoa văn minh phương Tây một cách phù hợp, tất cả nhằm mục đích canh tân đất nước từ giáo dục, để tạo nên nguồn nhân lực nữ đặc trưng, hoàn bị. Đó chính là sứ mệnh, đặc điểm then chốt và là bài học lịch sử cốt yếu làm nên diện mạo đặc biệt của trường Đồng Khánh nổi danh trăm năm qua.

     2.3. Trường Bách công

     Khởi nghiệp gắn liền thực nghiệp, đó là mục đích tôn chỉ của trường Bách công – Kỹ nghệ thực hành Huế xưa nay. Trong cuộc tiếp xúc văn minh Pháp-Việt từ cuối thế kỉ XIX, nhà Nguyễn nhận ra sức mạnh quân sự của Pháp, nảy sinh nhu cầu canh tân đất nước bằng con đường văn hóa – giáo dục, nhất là từ thời vua Thành Thái (1889-1907). Sau bao nạn binh đao, triều đình Huế càng thấy được nhu cầu cải tổ triều chính, canh tân xứ sở từ vấn đề con người để tự cường dân tộc một cách hữu hiệu.

     Nhờ đó, triều đình hội tụ được nhiều nhân vật canh tân tài năng, cùng phía Pháp chủ trương mở trường Quốc Học để đào tạo quan lại phù hợp với thời đại (tinh hoa cựu học kết hợp với tân học, như hành chánh, ngoại ngữ…), mở trường Bách Công để chuẩn hóa đào tạo ngành nghề tinh xảo cho sứ mệnh canh tân xứ sở. Xem xét sự ra đời của Trường Bách Công mới thấy nhu cầu đào tạo nhân sự các ngành kỹ nghệ để xây dựng đất nước rất cấp thiết, đậm tính chiến lược của triều đình Huế đương thời.

     Ngày 27/10/Kỷ Hợi (29/11/1899), vua Thành Thái ra đạo dụ thành lập trường Bách công (Ecole professionnelle), nằm ở khu đất gần đối diện đình Tứ Phương và Bình An đường (đường Đặng Thái Thân – Đoàn Thị Điểm – Phùng Hưng hiện nay). Theo Khâm sứ Trung Kỳ Boulloche khi nhấn mạnh nhu cầu xây dựng cấp thiết, rất “cần nhiều loại thợ, nên lập một trường học tập kỹ nghệ để ngày sau gặp việc ứng biện có người mà dùng”. Cơ Mật Viện đề xuất, vua Thành Thái ban dụ giao cho nha môn Vũ khố trích tiền công xây Trường Bách công trong kinh thành để chuyên dạy các nghề thợ sắt, thợ mộc, thợ rèn. Trường có qui mô khoảng 200 học trò, mỗi tháng cấp học bổng 3 đồng, việc dạy học chia ra từng bậc, mỗi bậc đều có mức tay nghề riêng. Ở đây, thầy giáo chỉ dạy việc kỹ nghệ mà không nói tới văn chương chữ nghĩa, học trò lười biếng và bị tố cáo việc khác thì sẽ bị đuổi học, ai phạm lỗi thì do quan coi trường khiển trách, giám thị trừng phạt. Qua các kỳ thi tay nghề, ai có kết quả tốt được cấp một sổ thợ, một tấm bằng, sau khi học nghề xong thi đỗ ra trường, có thể xin làm công ở Sở Đốc công hoặc làm cho tư nhân. Việc điều hành nhà trường do một hội đồng được lập nên bởi Bộ Binh cùng các quan Pháp, trong trường còn có 1 Chưởng vệ và 100 kinh binh túc trực chờ sai phái. Cơ sở của trường bao gồm hai tòa nhà rường và để mở rộng tuyển dụng ở các tỉnh xa, một cơ sở nội trú được thành lập năm 1917 cho các học sinh được miễn phí ăn ở (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2011, tr.334).

     Theo chuẩn định tháng 3/Canh Tý (1900), Trường có 13 Trợ giáo, 151 công nhân và 72 học trò, với học bổng mỗi tháng tổng cộng là 897 đồng, lại trích 100 giản binh sung dịch, nay giảm bớt chính binh, giản binh, giao cho viên Quản giáo của trường chọn lấy 28 người lính thợ khéo léo giữ lại trong trường để đủ người dạy dỗ. Học trò từ 72 người, thêm 28 người cho đủ 100, khi xin vào học, trong một tháng phải tự nguyện ghi tên vào sổ học tập trong ba năm, xong sẽ cho điền bổ chỗ khuyết, hoặc về nhà lập xưởng riêng hay ra ngoài làm công cho tư nhân. Trong cơ cấu nhân sự của trường giai đoạn này, triều đình có qui định số lượng người và lương tháng cụ thể: thợ vẽ và kiểm tra máy móc đều 1 người, lương tháng đều 20 đồng; thợ cưa gỗ 1 người lương tháng 30 đồng; Trợ giáo 10 người lương tháng đều 6 đồng, học trò 100 người lương tháng 3 đồng hoặc 2 đồng (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2011, tr.343).

     Hoạt động lớn mạnh nên đến tháng 4/Đinh Mùi (1907), nhà trường được mở rộng học qui, từ chỗ chỉ để chuyên dạy kỹ nghệ, Trường Bách công đã trở thành một sở ứng dịch. Đặc biệt là những người thợ tay nghề cao cũng có thể làm việc máy móc nhưng do nhu cầu xe lửa tàu máy cùng nhiều xưởng máy, cần tu chỉnh mở rộng, “dạy thêm kỹ nghệ bách công để về sau giỏi nghề chuyển đi nơi khác dạy khắp cho quốc dân”. Triều đình cử Thượng thư bộ Công sung Cơ Mật Viện đại thần Nguyễn Hữu Bài làm hội viên, cùng Khâm sứ Trung Kỳ, các quan Pháp bàn bạc tiến hành (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2011, tr.477-478). Từ đây, trường đào tạo nhiều ngành nghề theo nhu cầu xã hội như thợ rèn, đóng móng ngựa, làm yên ngựa và đồ da, thợ nguội, thợ tiện, thợ làm xanh chảo, thợ sắt tây, thợ khuôn, thợ mộc, thợ mộc làm nhà rường, thợ chạm, thợ đóng xe, thợ nề, thợ đẽo đá, thợ chạm trổ kim hoàn, thợ sơn, thợ vẽ…

     Nhà trường kịp thời cung cấp nguồn nhân lực tay nghề cao cho xã hội, như ngành đường sắt, công chánh. Trường có thể làm nhiều việc, từ khảo sát qui mô lớn để trang trí cung điện cho đến chế tạo tiền đồng, xây dựng, tu sửa tàu đáy bằng, làm đồ kim hoàn tinh xảo, xây dựng văn phòng dịch vụ hành chính khô khan, làm các khung nhỏ trang trí nghệ thuật đặc sắc, vận chuyển và lắp đặt nồi hơi bề thế, máy móc thiết bị nhà máy điện. Những năm 1914 – 1918, trường có 400 công nhân được gửi sang Pháp, chủ yếu làm việc về khí tài, trong nước thì nhu cầu trùng tu nhà rường luôn cấp thiết.

     Nhờ vậy, theo khoản 5 của Nghị định ngày 9/11/1921, Toàn quyền Đông Dương đã tiếp nhận ngôi trường từ Nam triều, đổi thành Trường Kỹ nghệ thực hành (Ecole pratique d’industrie) và chuyển sang bờ Nam Sông Hương, ở vị trí hiện nay. Quá trình xây dựng được tiến hành liên tục, dần tạo nên nhiều công trình trường học, nhà xưởng, kho bãi cũng như sân vườn rộng rãi, trên khuôn viên rộng 25.400m2 (Phủ Toàn quyền Đông Dương, 1921).

     Nhờ đáp ứng được nhu cầu nhân công lành nghề của thực tiễn xã hội theo đúng phương châm Bách Công – Kỹ nghệ thực hành mà Trường càng lớn mạnh, thu hút học sinh các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, trở lại thiết thực đóng góp cho các địa phương, theo đúng tinh thần thực nghiệp, một vấn đề luôn nổi bật tính khoa học và thực tiễn xuyên thời gian.

     2.4. Xu hướng sang Tây du học

     Ở đây, có thể thấy nhu cầu rất lớn của triều đình lẫn các thành phần xã hội trong việc đầu tư cho việc sang Tây du học. Từ rất sớm, triều đình Nguyễn đã cử người sang Tây du học để về kiến thiết đất nước. Trước tiên, có thể kể đến những nhân vật đầu tiên được triều đình chính thức cho du học tại Paris (Pháp) là Lê Văn Miến (1888 – Sau ông làm tới chức Đốc giáo Trường Hậu bổ, rồi Tế tửu Quốc tử giám), rồi Thân Trọng Huề (con cố Tổng đốc Thân Văn Nhiếp) và Hoàng Trọng Phu (con Kinh lược đại thần Hoàng Cao Khải) từ năm Thành Thái I (Kỷ Sửu-1889). Đến tháng 7/ Ất Mùi (1895), họ trở về nước, được bổ làm Hàn lâm viện Biên tu, thuộc Cơ mật viện, sau đó sung làm Thị thư ở điện Quang Minh, luân phiên tiến giảng, mỗi ngày thứ bảy thì sung làm thông dịch hội thương (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2011, tr.234).

     Thậm chí từ thời Tự Đức, nhu cầu đó đã được chú trọng, như tháng 8/Canh Ngọ [1870], triều đình chính thức chọn cử 15 người thợ thuyền trẻ tuổi biết chữ ở Hộ vệ, Cảnh tất, Thần cơ, Đốc công, đến đô thành nước Pháp, nước Anh học tập đóng tàu, đúc súng và học tiếng, học chữ (3 năm hoặc 1 – 2 năm tinh xảo được việc, sẽ cất nhắc không theo thứ bậc) (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, tr.1261). Thời Thành Thái, triều đình cũng chú trọng việc chọn cử nhân tài cho sang Tây du học, như sự kiện tháng 12/Ất Tỵ (1905), Cơ mật viện dâng danh sách mười người được tuyển qua Tây du học lên cho hoàng đế ngự lãm (bao gồm Nguyễn Viết Thông, Nguyễn Duy Trách, Nguyễn Đình Hiến, Tạ Thúc Kiện, Trần Văn Nẫm, Lương Doãn Nguyên, Đặng Cao Đệ, Đinh Xuân Trạc, Ưng Dự, Tôn Thất Cung) và nhận được lời phê yêu cầu “Chọn cho cẩn thận mới nên” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2011, tr.446).

     Tuy nhiên, có một xu hướng “du học tự do/tự túc” đã diễn ra mà do thiếu tài liệu, chúng ta chưa thấy hết được vấn đề, nhất là càng về sau, đối với vùng đất Nam bộ, đã cho thấy rất rõ. Ở đây chúng tôi xin đơn cử trường hợp Ông Sáu Máy (tên thật là Bùi Chu) vào nửa sau thế kỉ XIX, người lính từng tham gia kháng Pháp bất thành, sẵn khí chất hảo hán Nam Kỳ, giỏi võ nghệ, thích phiêu bạt và học hỏi, đã xuống tàu sang Paris hoa lệ, học nghề cơ khí và tiếng Pháp. Ngày nọ, nước Pháp bán “trọn gói” một tàu thủy cho Đại Nam và ông về Huế đào tạo chuyển giao cho triều đình nhà Nguyễn. Sau đó, thấy chí nguyện chưa thành, ông ngao du xứ Quảng, ngược sông Thu Bồn, đến núi Đài xứ Hà Tân xin lập nên ngôi chùa để tu đạo, hoằng dương Phật pháp.

     Bùi Chu là người Gia Định, từ nhỏ ít có điều kiện học hành, lại đam mê võ nghệ, thích giao du và có thể nói được tiếng Tiêm, Lào và Cao Miên. Sau khi Pháp đánh Nam Kỳ, ông tòng quân đánh giặc nhưng việc không thành nên theo quan Pháp đến Paris học nghề cơ khí, tiếng Pháp cùng một số tiếng Tây Âu. Về sau, ông về đến Hương Cảng rồi “tiện đường về nước lái tàu hơi nước Thuận Tiệp, người ở kinh sư gọi là ông Sáu Máy”. Không rõ vì lý do gì, khi “có việc” thì ông thầy trở về Nam và “trong lòng u uất, bất đắc chí, thường hận cuộc đời không theo chí mình. Những lúc nghĩ quẩn có ý muốn xuất gia nên lang thang đến các danh sơn tìm nơi yên tĩnh để tụng kinh tu thân”. Mùa hè năm Giáp Ngọ (1894), ông đến rồi ở lại Hà Tân (nay thuộc Đại Lãnh, Đại Lộc), khi đó ông ước chừng 50 tuổi, tướng mạo phương phi. Ở trong thôn được chừng 5 – 6 tháng, nhận thấy nhiều người bệnh tật, ông khóc lóc cầu đảo, cho thuốc men và bỗng nhiên phát sinh tâm Phật, mọi vướng mắc trong lòng trước nay chưa được giải tỏa, những giận dữ khi gặp bất bình, bản tướng bất giác lộ ra, từ đó sám hối, kìm nén đau khổ lẫn sự ngạo mạn. Ông bèn lên núi Đài lập thảo am mà ở. “Núi ở phía nam xã Hà Tân, tường đá tiếp nối, cây cối um tùm. Nước khe chảy va vào đá nghe rì rào, vị ngọt mát. Khi người dân ở đây đua nhau lên núi xin thuốc, gặp thầy ngồi xếp bằng niệm Nam vô Phật, Nam vô Phật mấy câu, tiếng vang khắp hang núi, rồi lầm rầm tụng kinh khuyết trì”.

    Không chỉ vậy, thầy lấy dao sắc gọt gỗ tùng làm đồ dùng, trông rất tinh xảo, lại khuyên làm người phải giữ cho được cái nghề, rồi chỉ hang đá cạnh am, nói đó là chỗ hậu thân của thầy, đã dọn dẹp sạch sẽ. Thầy ngồi xếp bàn dưới gốc tùng, uống nước suối, hoặc nằm gối đầu lên đá, không vướng chút trần tục. Ngày nọ xuống núi, gặp viên tuần bổ tên Quản Sơn qui thầy là tội phạm với lời lẽ hỗn xược. Thầy nổi giận phóng tấm thân già nua đến đánh, vốn là Cử nhân võ mà Sơn cũng không địch lại được, đành chạy về báo Bùi Chu làm phản. Quan tòa phái lính đang đêm lên núi Đài vây bắt, thầy không sợ nguy hiểm, từ tốn cùng bộc bạch tấm lòng. Quan tòa biết là hiểu lầm, bèn cho đưa thầy về lại núi. Từ đó thầy không tiếp đón ai, ngày ngày ngồi thiền mong giải thóat, ban đầu thì bữa cơm trắng vào đúng ngọ, sau chỉ ăn cháo loãng. Ở trên núi được 2 năm, thân gầy còm mà tinh thần thanh thóat, bước đi nhẹ nhàng và không lâu sau, thầy tuyệt thực mà chết.

     Sử sách ghi nhận thời Từ Đức, để “đề phòng mặt biển” triều đình đặt mua ba “cơ khí đại đồng thuyền” là Mẫn Thỏa (tháng 8/Ất Sửu -Tự Đức thứ 18, 1865), Thuận tiệp (Bính Dần – 1866), và Đằng Huy (Canh Ngọ -1870). Thương bạc gửi thư cho phía Pháp nhờ chuyển đến Tòa lãnh sự Pháp ở Hạ Châu liệu tính, rồi sai Hoàng Văn Xưởng cùng thợ cả nước Pháp là Du-sơ-điu đến Hương Cảng thuê đóng tàu mới. Hoàn tất, thuê ba hoa tiêu, ba người thợ Tây dương coi máy cùng 34 người Thanh, Chà Và. Sau khi thành thục “sẽ không thuê nữa”. Riêng tàu Thuận Tiệp được mua về tháng 5/Bính Dần (1866), thân thuyền bọc đồng 2 tầng, 1 ống khói, 2 cột buồm, cùng khí cụ kèm theo là 6 khẩu đại pháo, 15 khẩu điểu sang, 5 khẩu mã sang và 8 buồng ở. Nguyên giá tiền mua tàu và thuê các lái thuyền, thuỷ thủ, mua vật liệu phụ tùng lên tới 134.300 đồng bạc. Tất cả giao cho Tham tri bộ Hộ Nguyễn Chính, Biện lý bộ Công Lê Văn Phả, Biện lý bộ Hộ Trần Thiện Chính sang Hương Cảng cùng chủ hiệu Phố Na thương thuyết, thuê người chánh phó hoa tiêu và chánh phó khán tiêu, chánh phó khán cơ đều 2 người, trong đó có 1 người Pháp làm chánh hoa tiêu, 3 người Anh cùng 38 người khác, “Hạn trong 1 năm, để dạy bảo lính, thợ tập quen cho thạo nghề thì thôi” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, tr.948, 999). Có lẽ ông Sáu Máy Bùi Chu đảm trách một trong các chức vụ chánh phó khán cơ (thợ máy) tàu Thuận Tiệp để chuyển giao cho Thủy quân triều đình Huế ở Thuận An – sông Hương.

     Sau năm 1860-1962, ông đã lên tàu sang Pháp học nghề, rồi mùa hè năm 1866 mới có thể tham gia đợt “chuyển giao” tàu thủy hiện đại giữa phía Pháp và triều đình Huế trong vai trò là một thợ máy. Nếu quá trình chuyển giao hoàn thành trong 1-3 năm thì sau đó, ông đã có quá trình hành tẩu trên dưới 25 năm, vào ra Nam Kỳ, để đến năm 1894 mới ngược dòng Thu Bồn đến Hà Tân, viết nên câu chuyện độc đáo này (Đà Sơn tăng truyện, trong Quảng Nam tỉnh tạp biên; Hằng, 2020, tr.12-14).

3. Kết luận

     Trong chiến lược mở cõi về Nam của các chúa Nguyễn, rồi công cuộc tái phục cơ đồ triều Nguyễn, vai trò và tác động ảnh hưởng tích cực của các nước phương Tây là vấn đề rất quan trọng. Trãi bao thăng trầm, ảnh hưởng đó vẫn chi phối xuyên suốt lịch sử Đại Nam thời trung cận đại. Từ cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, sự thay đổi chiến lược của hoàng đế Thành Thái đã dần dần chuyển hóa mối quan hệ Pháp-Việt từ đối trọng chiến tranh căng thẳng sang hữu hảo, cải tổ, thể hiện rõ nét trong vấn đề giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc canh tân xứ sở, kể cả chuyện Tây du lẫn mở ra nhiều trường lớp tân tiến tại Kinh đô Huế, sau lan rộng khắp Trung Kỳ. Nhờ vậy mà quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa văn minh Việt – Pháp tại Huế và công cuộc canh tân xứ sở Trung Kỳ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nổi bật.

     Vấn đề quan trọng nổi bật xuyên suốt mang đậm giá trị khoa học lẫn thực tiễn sâu sắc ở đây là sự khẳng định chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trong việc canh tân xứ sở, trên nền tảng kế thừa, phát huy những giá trị tích cực tinh hoa từ di sản truyền thống, kết hợp hài hòa, phù hợp với những giá trị tinh hoa văn minh phương Tây. Tất cả đã góp phần thiết thực mang lại một sinh khí mới, diện mạo mới từ những ngôi trường, giáo trình đội ngũ giáo viên và chất lượng đào tạo nổi bật để phục vụ công cuộc kiến thiết quốc gia đương thời, đặc biệt là trên các lĩnh vực có thế mạnh đặc trưng là đội ngũ quan lại hành chính, nguồn nhân lực nữ cấp thiết cho ngành giáo dục, y tế, đội ngũ thợ lành nghề (mộc, nề, cơ khí…). Đó cũng là bài học thiết thực cho Huế hôm nay, trong tâm thế của một trung tâm giáo dục đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình hiện thực hóa Nghị quyết 54 của Bộ chính trị nhằm xây dựng Thừa Thiên Huế thành đô thị sinh thái, đô thị di sản đặc trưng.

_________
[2] Ngự đạo mà Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi là từ cửa Chương Đức, theo Cửa Hữu ra khỏi Kinh Thành, qua cầu Bạch Hổ (cầu Kim Long), lên chùa Linh Mụ, vòng qua Trường Thi (làng La Chữ) ra Quảng Trị. Sau đó Tôn Thất Thuyết đưa vua lên Tân Sở, kết hợp với các lãnh tụ Văn Thân, ban dụ Cần Vương, kêu gọi toàn dân đánh Pháp (De Pirey, 1997, tr. 224-234).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Đà Sơn tăng truyện, trong Quảng Nam tỉnh tạp biên, mục A.3116a-5, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tài liệu VICAS Huế, Lê Minh Khiêm dịch.

     2. De Pirey, H. (1997). “Một thủ đô phù du: Tân Sở” (B.A.V.H. 1914). Trong Những người bạn Cố đô Huế. Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr. 224-234.

     3. Delvaux, A. (1997). “Phái bộ Pháp ở Huế và những phái viên đầu tiên” (B.A.V.H. 1916). Trong Những người bạn Cố đô Huế. Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr. 75-76.

     4. Devillers, Philippe (2006). Người Pháp và người Annam là bạn hay thù?. TP HCM: Nxb. Tổng hợp TP.HCM.

     5. Direction générale de l’Instruction publique – Gouvernement général del’Indochine (1931), Exposition colonialinternationaleParis 1931 – Annam Scolaire: de l’enseignement traditionnel annamite à l’enseignement moderne franco-indigène, Hanoi: Imprimerie d’Extrême-Orient.

     6. Hằng, T.Đ. (2013). “Sự ra đời của Trường Quốc Học Huế: sự chuyển đổi từ cựu học sang tân học”. Tạp chí Xưa & Nay (H.: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam). Số tháng 10/2013. tr. 16-18.

     7. Hằng, T.Đ. (2020). “Chuyện tàu Thuận Tiệp bình ba biển Đông thời Tự Đức”, Tạp chí Thế giới di sản (Hội Di sản văn hóa Việt Nam). Số 10 (169), tr. 12-14.

     8. Hòe, N.Đ. (1997). “Lịch sử trường Hậu Bổ” (B.A.V.H. 1915). Trong Những người bạn Cố đô Huế. Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr.34-35.

     9. Orband, P. (1997). “Lịch biến cố An Nam” (B.A.V.H. 1917). Trong Những người bạn Cố đô Huế. Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr.313-314.

     10. Phủ Toàn Quyền Đông Dương (1904), “Nghị định 230, ngày 5/7/1904 của Toàn quyền Beau về việc thành lập trường Pháp [cả nam lẫn nữ] tại Huế”, Công báo Đông Dương, số 7/1904, tr. 533.

     11. Phủ Toàn quyền Đông Dương (1921). Nghị định ngày 9/11/1921 của Toàn quyền Đông Dương chuyển thành Trường Kỹ nghệ thực hành (Ecole pratique d’industrie) (Công báo Đông Dương 1921).

     12. Quang, L.Đ., & Hằng, T.Đ. (2016). Kinh thành Huế đầu thế kỉ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau. Huế: Nxb. Thuận Hóa.

     13. Quốc sử quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục, tập 7. H.: Nxb. Giáo dục.

     14. Quốc sử quán triều Nguyễn. (2011). Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên (Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu). S.: Nxb. Văn hóa – Văn nghệ.

     15. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt), Hồ sơ tài liệu mã số RSA 3786 về dự án xây dựng trường nữ sinh tại Huế

Nguồn: Hội thảo Quốc tế giáo dục Pháp-Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX,
Nhà xuất bản Đại học Huế, năm 2021

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Ảnh hưởng của Pháp tới vấn đề đào tạo nguồn nhân lực Đại Nam tại Huế đầu thế kỉ XX (Tác giả: TS. Trần Đình Hằng)