Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đối với khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng
Thạc sĩ VĂN NAM THẮNG
(Học viện Chính trị – Hành chính khu vực III)
Thạc sĩ TỪ ÁNH NGUYỆT
(Đại học Duy Tân. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của các tác giả)
TÓM TẮT
Nền văn minh Ấn Độ có ảnh hưởng sâu sắc đối với các quốc gia Đông Nam Á trên các lĩnh vực tư tưởng, tôn giáo, thiết chế xã hội, chữ viết, văn học, nghệ thuật kiến trúc… Tuy nhiên, ở từng nước riêng biệt với các điều kiện khác nhau thì sự tiếp nhận văn minh Ấn Độ cũng có sự khác biệt. Qua nguồn tư liệu và các di tích để lại trong khu vực, bài viết nhận định dấu ấn của nền văn minh Ấn Độ có ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam, đặc biệt rõ nét ở một số vùng trên đất nước ta như Quảng Nam – Đà Nẵng.
Nói đến các nền văn minh nổi tiếng trên thế giới không thể không nhắc đến Ấn Độ, một nền văn minh phát triển rực rỡ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sức lan tỏa của nền văn minh đó đến nhiều nước xung quanh như Pa-ki-xtan, Nê-pan, Băng-la-đét và khu vực Đông Nam Á gồm Brunây, Cam-pu-chia, Đông Ti-mo, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Lào, Mi-anma, Phi-lip-pin, Xinh-ga-po, Thái Lan và Việt Nam. Người châu Âu thường đánh giá cao những cuộc chinh phục bằng quân sự nhưng những chiến công về quân sự không tạo được dấu ấn, không chứng minh được tính bền vững khi so sánh với những chiến công về truyền bá văn hóa, văn minh. Bằng ảnh hưởng đó, nền văn minh cổ Ấn Độ đã lan tỏa rộng đến nhiều khu vực trên thế giới.
Việt Nam là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nền văn minh Ấn Độ. Qua những tư liệu và các di tích để lại có thể thấy ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam, trong đó có Quảng Nam – một địa phương có vị trí rất đặc biệt bởi sự hiện hữu của Thánh địa Mỹ Sơn, một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời là nơi có di sản văn hóa thế giới duy nhất về loại hình này tại Việt Nam – có nhiều di sản của nền văn minh Ấn Độ. Bài viết này giới thiệu những ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ tới Việt Nam qua những di tích tại Quảng Nam-Đà Nẵng mà đặc biệt là hệ thống đền đài tại Thánh địa Mỹ Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam).
Những ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ tới Việt Nam
Ảnh hưởng về tư tưởng, tôn giáo và thiết chế xã hội
Nói tới ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ tới Việt Nam nói chung và khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng nói riêng, trước hết phải kể đến sự có mặt và ảnh hưởng của đạo Bà la môn (sau này gọi là Ấn Độ giáo) và đạo Phật. Những dấu tích đền thờ thần Brahma (Đấng tạo hóa), Indra (Thần Mặt Trời), biểu tượng thờ cúng Linga của thần Shiva, những tháp cổ, bia đá được tìm thấy ở những vùng có đền tháp Chăm ở miền Trung nước ta như các tháp cổ ở Đồng Dương (Thăng Bình, Quảng Nam), ở Tam An (Tam Kỳ, Quảng Nam), ở Trà Kiệu (Duy Xuyên, Quảng Nam) hay ở di tích tháp Chăm mới được phát hiện ở xóm Cấm, Hòa Thọ Đông (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) được xem là những minh chứng cho ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ tại khu vực này.
Đạo Bà la môn tuy đến sớm nhưng ảnh hưởng không mạnh và sâu rộng ở Việt Nam như đạo Phật, bởi đạo Phật chủ trương bình đẳng giữa mọi người, mở đường giải thoát cho những người bị áp bức, phản đối chế độ đẳng cấp của đạo Bà la môn, vì thế có nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia và Mi-an-ma đã lấy đạo Phật làm quốc giáo. Có thể nói, tư tưởng Phật giáo từ nền văn minh Ấn Độ trong quá trình tiếp biến văn hóa đã trở thành nguồn lực tinh thần chung khi thiết lập các thể chế quản lý xã hội của các dân tộc ở Đông Nam Á.
Ở nước ta, từ thời Lý – Trần, đạo Phật được khẳng định và có sự phát triển mạnh. Tuy nhiên, dù trong lịch sử, người Chăm đã tự nguyện tiếp nhận các tôn giáo lớn của Ấn Độ và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những tôn giáo đó đến đời sống chính trị, văn hóa và xã hội, nhưng cũng ngay từ những buổi đầu hình thành nhà nước, người Chăm đã tạo cho mình một tôn giáo riêng mang màu sắc của văn hóa Chăm bản địa, đó là bên cạnh việc thờ phụng tất cả các vị thần của Ấn Độ giáo như Brahma, Visnu và Shiva, người Chăm còn thờ phụng những vị thần thứ yếu khác, trong đó có thờ phụng Phật giáo, đồng thời bản địa hóa một cách có sàng lọc và sáng tạo những tôn giáo du nhập để phù hợp với phong tục tập quán và tín ngưỡng của người dân địa phương. Người Chăm ngày nay vẫn theo tín ngưỡng đa thần, vẫn giữ các tập tục, những điều kiêng kị. Họ cho rằng nếu không kiêng kị sẽ làm hỏng mối quan hệ giữa thế giới dương và thế giới âm và phải chịu tai họa.
Ảnh hưởng về văn hóa, chữ viết
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, đa dân tộc, do vậy, nền văn hóa dân tộc cũng mang nhiều màu sắc. Văn hóa của dân tộc Chăm ở nước ta có thể coi là đại diện cho nền văn hóa Việt khi tiếp thu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh Ấn Độ. Về chữ viết, ngay từ thời lập quốc, Chămpa đã tiếp nhận các văn tự Ấn Độ và thường là ghi chép trên bia đá. Văn bia được khắc chữ từ thế kỷ IV đến thế kỷ XV bằng cả văn tự Chăm cổ. Nội dung ghi chép phản ánh việc dâng tế thần linh, ca ngợi công đức của các vị vua, ghi lại những biến cố của vương triều. Những dòng chữ ghi trên tấm bia sớm nhất ở Mỹ Sơn (có niên đại khoảng thế kỷ thứ IV) cho biết vua Bhadresvara đã xây dựng một ngôi đền để dâng cúng vua thần ShivaBhadravarman. Việc viết chữ trên bia đá chỉ dừng lại sau này, đến thế kỷ XV người Chăm dùng những vật liệu khác như giấy, tre, vải, da… để viết.
Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ linga. Dạng linga kết hợp với yoni hay còn gọi là Linga-Yoni được coi là biểu tượng sự sáng tạo của thần Shiva. Biểu tượng này được các nước tôn thờ khá phổ biến, trong đó có Chămpa lúc bấy giờ. Mặc dù chịu ảnh hưởng văn hóa, tôn giáo đã tiếp thu được của Ấn Độ giáo, nhưng người Chăm đã đa dạng hóa hình tượng này theo các khối hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn (hiện đang trưng bày ở Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng)… Đa số Linga-Yoni được người Chăm cấu trúc theo ba khối: phần trên là khối hình trụ tròn, phần dưới là khối bát giác, ở phần dưới cùng là khối vuông. Điều này biểu thị ý niệm tôn thờ cả ba vị thần của Ấn Độ giáo (Brahma, Visnu và Shiva) nhưng cũng có ý nghĩa nhấn mạnh yếu tố vương quyền ở Chămpa.
Với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII, Mỹ Sơn trở thành trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Vương quốc Chămpa. Đi theo đó là sự phát triển văn học nghệ thuật Chăm với các truyền thuyết, truyện cổ tích, kho tàng tục ngữ, thành ngữ, ca dao, sử thi, các điệu múa lễ hội phản ánh muôn mặt của cuộc sống trong gia đình, xã hội…
Ảnh hưởng về nghệ thuật điêu khắc
Ảnh hưởng từ văn hóa Bà la môn và Ấn Độ giáo cũng được thể hiện trên các công trình điêu khắc ở tháp Chăm Mỹ Sơn, đặc biệt là các mảng điêu khắc vũ nữ Trà Kiệu, tượng Apsara, các động tác múa có ảnh hưởng từ các điệu múa nghi lễ, múa cung đình Ấn Độ đã được bản địa hóa. Di tích Mỹ Sơn được phát hiện bởi một học giả người Pháp là M.C Paris vào năm 1898. Sau đó, vào những năm đầu thế kỷ 20, hai nhà nghiên cứu Viễn thông Pháp là L. Finot và L. de Lajonquière và nhà kiến trúc sư kiêm khảo cổ học H. Parmentier đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu văn bia và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm. Cho đến những năm 1903-1904, những tài liệu cơ bản nhất về bia ký và nghệ thuật kiến trúc Mỹ Sơn đã được L. Finot chính thức công bố.
Bằng vật liệu gạch nung và đá sa thạch, trong nhiều thế kỷ người Chăm đã dựng lên một quần thể kiến trúc đền tháp độc đáo, liên hoàn: Ðền chính thờ Linga-Yoni, biểu tượng của năng lực sáng tạo. Bên cạnh tháp chính (Kalan) là những tháp thờ nhiều vị thần khác hoặc thờ những vị vua đã mất. Mặc dù thời gian cùng chiến tranh đã biến nhiều khu tháp thành phế tích nhưng những hiện vật điêu khắc, kiến trúc còn lại cho đến ngày nay vẫn còn để lại những phong cách mỹ thuật của giai đoạn lịch sử dân tộc Chăm, những kiệt tác đánh dấu một thời huy hoàng của văn hóa kiến trúc Chăm cũng như của Đông Nam Á.
Mỗi thời kỳ lịch sử, kiến trúc mang phong cách riêng, cũng như mỗi đền tháp thờ những vị thần, những triều vua khác nhau tạo nên đường nét kiến trúc đầy dấu ấn, nhưng nhìn chung tháp Chăm đều được xây dựng trên một mặt bằng tứ giác, chia làm ba phần: (i) Ðế tháp biểu hiện thế giới trần gian, vững chắc; (ii) Thân tháp tượng hình của thế giới thần linh, kỳ bí mê hoặc; (iii) Phần trên cùng là hình người dâng hoa trái theo nghi lễ hoặc hình cây lá, chim muông, voi, sư tử… động vật gần gũi với tôn giáo và cuộc sống con người.
Về mặt kiến trúc thì các đền tháp, lăng mộ ở Mỹ Sơn là nơi hội tụ của các kiểu dáng khác nhau, từ những kiểu cổ đại hay kiểu Mỹ Sơn E1 (thế kỷ VIII, Mỹ Sơn E1 và F1), kiểu Hòa Lai (cuối thế kỷ VIII – đầu thế kỷ IX, Mỹ Sơn A2, C7 và F3), kiểu Đồng Dương (cuối thế kỷ IX – đầu thế kỷ X, Mỹ Sơn A10, A11-13, B4, B12), kiểu Mỹ Sơn A1 (thế kỷ X, Mỹ Sơn B5, B6, B7, B9, C1, C2, C5, D1, D2, D4), kiểu chuyển tiếp Mỹ Sơn A1-Bình Định (đầu thế kỷ XI – giữa thế kỷ XII, Mỹ Sơn E4, F2, nhóm K) và kiểu Bình Định (cuối thế kỷ XI – đầu thế kỷ XIV, Mỹ Sơn B1 và các nhóm G, H).
Nghệ thuật và kiến trúc qua bố cục đền tháp mang ảnh hưởng lớn của phong cách Ấn Độ. Khu thánh địa có một tháp chính (kalan) và nhiều tháp phụ nhỏ bao bọc xung quanh. Các tháp đều có hình chóp, biểu tượng của đỉnh Meru thần thánh, nơi cư ngụ của các vị thần Hindu. Cổng tháp thường quay về phía Đông để tiếp nhận ánh sáng Mặt Trời. Nhiều tháp có kiến trúc rất đẹp với hình những vị thần được trang trí nhiều loại hoa văn. Phần lớn những kiến trúc này hiện nay đã bị hủy hoại, nhưng đây đó vẫn còn sót lại những mảng điêu khắc mang dấu ấn hoàng kim của các triều đại Chăm huyền thoại. Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Shiva – thần bảo hộ của các triều vua Chămpa.
Trong nhiều thế kỷ, thánh địa này được bổ sung thêm các ngọn tháp lớn nhỏ và đã trở thành khu di tích chính của văn hóa Chămpa tại Việt Nam. Ngoài chức năng hành lễ, giúp các vương triều tiếp cận với các thánh thần, Mỹ Sơn còn là trung tâm văn hóa và tín ngưỡng của các triều đại Chămpa và là nơi chôn cất các vị vua, thầy tu nhiều quyền lực. Những di vật đầu tiên được tìm thấy ghi dấu thời đại vua Bhadravarman I (Phạm Hồ Đạt trị vì từ năm 381 đến 413), vị vua đã xây dựng một thánh đường để thờ cúng Linga và Shiva. Mỹ Sơn chịu ảnh hưởng rất lớn của Ấn Độ cả về kiến trúc ở các đền tháp và ở các dòng bia ký bằng chữ Phạn cổ trên các văn bia.
Dựa trên các tấm văn bia khác, người ta biết nơi đây đã từng có một đền thờ đầu tiên được làm bằng gỗ vào thế kỷ IV. Hơn hai thế kỷ sau đó, ngôi đền bị thiêu hủy trong một trận hỏa hoạn lớn. Vào đầu thế kỷ VII, vua Sambhuvarman đã dùng gạch để xây dựng lại ngôi đền còn tồn tại đến ngày nay (có lẽ sau khi dời đô từ Khu Lật về Trà Kiệu). Các triều vua sau đó tiếp tục tu sửa lại các đền tháp cũ và xây dựng các đền tháp mới để thờ các vị thần. Gạch là vật liệu tốt để lưu giữ ký ức của một dân tộc kỳ bí và kỹ thuật xây dựng tháp của người Chăm cho tới nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Người ta vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thích hợp về chất liệu gắn kết, phương thức nung gạch và xây dựng. Những ngọn tháp và lăng mộ có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIV, nhưng các kết quả khai quật cho thấy các vua Chăm đã được chôn cất ở đây từ thế kỷ IV.
Trong nhiều công trình kiến trúc còn lại khi phát hiện vào năm 1898, người ta còn thấy có tháp cao tới 24m. Đó là trong khu vực Tháp Chùa mà các sách khảo cổ, nghiên cứu về Mỹ Sơn có ký hiệu là tháp cổ Chămpa. Tháp có hai cửa ra vào phía Ðông và phía Tây. Thân tháp cao, thanh tú với một hệ thống cột ốp. Xung quanh có 6 tháp phụ, toàn bộ ngôi tháp hai tầng tỏa ra như cánh sen. Tầng trên, chóp đá sa thạch được chạm hình voi, sư tử, tầng dưới, mặt tường là hình những người cưỡi voi, hình các thiên nữ thủy quái. Nhưng ngôi tháp giá trị này đã bị hủy hoại trong chiến tranh vào năm 1969.
Sau khi phát hiện ra khu tháp cổ Mỹ Sơn, người ta thấy có nhiều hiện vật tiêu biểu trong đó đặc biệt là có những tượng vũ nữ, các thần linh thờ phượng của dân tộc Chăm, những con vật thờ, cũng như những cảnh sinh hoạt cộng đồng. Tất cả đều đã được đưa về thành phố Ðà Nẵng đặt tại Bảo tàng điêu khắc Chăm. Tuy không phải là nhiều, nhưng những hiện vật này là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tiêu biểu, nó có giá trị văn hoá của một dân tộc, nhưng hơn thế nữa, nó là những chứng tích sống động, xác thực lịch sử của một trong những dân tộc trong cộng đồng Việt Nam giàu truyền thống văn hoá. Nhìn chung, trong toàn bộ hiện vật, người ta có thể thấy được những nét độc đáo riêng biệt của kiến trúc và điêu khắc Chăm có nguồn cảm hứng từ nghệ thuật Ấn Độ là Ajanta, Badami và Ellora.
Mỹ Sơn đã từng được E.F.E.O (Ecole française d’Extreme Orient – Trường Viễn Đông Bác Cổ) trùng tu trong thời gian từ 1937 đến 1944. Đến năm 1975, trong số 32 di tích còn lại, chỉ có khoảng 20 đền, tháp còn giữ được dáng vẻ ban đầu. Từ năm 1981 đến 1991, Mỹ Sơn được bảo quản và tu sửa từng phần với sự giúp đỡ về chuyên môn của công ty P.K.Z (Ba Lan). Khu di tích Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12/1999.
Ngoài ra, sự ảnh hưởng đậm nét của văn hóa Ấn Độ thông qua văn hóa Chăm còn thể hiện rõ nét với nhiều phong cách khác nhau ở các tháp cổ ở Đồng Dương (Thăng Bình, Quảng Nam), ở Tam An (Tam Kỳ, Quảng Nam), ở Trà Kiệu (Duy Xuyên, Quảng Nam) hay ở di tích tháp Chăm mới được phát hiện ở xóm Cấm, Hòa Thọ Đông (Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
Nếu như các công trình kiến trúc ở Đồng Dương dù có chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ nhưng vẫn có những đặc điểm phong cách của người bản địa với các hình người dân tộc Chăm có các đặc trưng nổi trội như “môi dày, có viền, ria mép dày rậm, nhiều khi liền vào với môi trên, mũi tẹt, cánh mũi rộng…”.1 Còn ở di chỉ Trà Kiệu, các hình người có khuôn mặt tươi tắn, miệng mỉm cười, mắt hình khuy áo không có con ngươi, mũi thon, đầu đội mũ Gia ta; các hình động vật như bò, voi, sư tử được diễn tả tự nhiên, sinh động, ngộ nghĩnh, khỏe khoắn, ảnh hưởng sâu đậm của phong cách Amaravati miền Nam Ấn Độ.
Tóm lại, không phải đến bây giờ các nhà khoa học mới khâm phục trước những bí ẩn với tài nghệ xây dựng bằng vật liệu gạch của người Chăm cổ mà theo PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn thì “ngay từ những thế kỷ V-VI, sử sách Trung Quốc cũng đã phải kinh ngạc và tôn người Chăm là bậc thầy trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gạch”.2
Kết luận
Qua khảo sát các di tích để lại ở khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng, nhất là ở thánh địa Mỹ Sơn, có thể rút ra kết luận sau:
Thứ nhất, văn minh Ấn Độ là một nền văn minh phát triển, những giá trị của văn minh Ấn Độ đã trở thành một bộ phận quan trọng của văn minh nhân loại và có sức lan tỏa rất mạnh mẽ, nhất là lan tỏa tới khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, thể hiện rõ nét ở khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng. Tuy mỗi phong cách kiến trúc tiêu biểu cho một khung niên đại nhất định thể hiện quá trình phát triển rực rỡ hoặc lụi tàn, song văn minh Ấn Độ đã để lại những giá trị mang đặc trưng riêng “bí ẩn nhưng huyền diệu, chân thực nhưng hùng vĩ, tâm linh nhưng lại rất đời thường”.3 Tuy có chịu ảnh hưởng mỹ thuật Phật giáo mang “phong cách Dvaravati” nhưng lại được bản địa hóa với những nét riêng độc đáo của dân tộc Chăm của Việt Nam.
Thứ hai, với chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về dân tộc và tôn giáo, đồng bào Chăm được duy trì tự do tín ngưỡng, khôi phục các lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo góp phần vào việc bảo lưu, gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc Chăm (một nền văn hóa đặc thù còn mang trên mình những màu sắc văn hóa chịu ảnh hưởng từ tôn giáo Ấn Độ). Điều đó sẽ không ngừng thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam – Ấn Độ phát triển trên nền tảng được vun đắp bởi lãnh tụ của hai dân tộc là J.Nehru và Hồ Chí Minh. Những yếu tố của nền văn minh Ấn Độ đã góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam – một nền văn hóa được xem là tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Dương Ninh, Lịch sử văn minh thế giới, Nxb. Giáo dục, 2004.
2. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 2000.
3. Nguyễn Hồng Sơn, Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Chămpa, Nxb. Đà Nẵng, 2008.
4. Ngô Văn Doanh, “Ấn Độ và văn hóa Chăm”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số tháng 4 năm 1994.
5. Phan Xuân Biên, “Tính đa dạng trong văn hóa Chăm”, Tạp chí Khoa học xã hội, số tháng 4 năm 2000.
6. http://www.anninhthudo.vn/Multimedia/Ky-la/Pho-tuong-dongbi-an-o-Phat-vien-Dong-Duong/424766.antd
_________
1. Nguyễn Hồng Sơn, Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Chămpa, Nxb. Đà Nẵng, năm 2008, tr. 42.
2. Nguyễn Hồng Sơn, sđd, tr. 44.
3. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục, năm 2008, tr.43.
Nguồn: Nghiên cứu Quốc tế số 2 (93), 3/62013: 113 209-140
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đối với khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng (Tác giả: ThS. Văn Nam Thắng; ThS. Từ Ánh Nguyệt) |