Ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo và Nho giáo đến bố cục tổng thể chùa Huế thời Nguyễn (1558-1945)

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  NGUYỄN THỊ MINH XUÂN
(Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế)

1. Mở đầu

     Kiến trúc chùa Huế hình thành và phát triển dưới thời Nguyễn với dấu mốc rõ nét khi chúa Nguyễn Hoàng vào khai phá xứ Đàng Trong. Nhất là giai đoạn nhà Nguyễn, với nhiều chính sách và nhiều cuộc trùng hưng lớn đã tạo nên số lượng chùa mât tập, tạo nên diện mạo ngôi chùa Huế đặc trưng về kiến trúc và cảnh quan. Khi chúng ta nhìn nhận về mặt kiến trúc, không dễ nhận thấy như ngôi điện Đại Hùng hay các đường nét hoa văn trang trí trên bề mặt,… nhưng bố cục tổng thể ngôi chùa chính là mô hình biểu đạt tổng quan nhất về mặt kiến trúc, về không gian sử dụng và cả môi trường sinh thái đặc sắc xung quanh ngôi chùa.

     Ngôi chùa thời Nguyễn (1558-1945) chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Phật giáo, tư tưởng Nho giáo và một số yếu tố khác, nhưng Phật giáo và Nho giáo vẫn là chính yếu mang đến giá trị cốt lõi và nền tảng. Trong lĩnh vực kiến trúc, nó tác động đến đường nét khối tích kiến trúc, điêu khắc kiến trúc, hệ thống thờ tự, trang trí hoa văn,… Trong đó, bố cục kiến trúc cũng chịu tác động chi phối cơ sở tạo hình, cách tổ hợp khối tích đến cả bố trí cảnh quan trong bố cục. Điều này vốn là nền tảng văn hóa phương Đông đã xuất hiện trong kiến trúc thời Lý, Trần trước thời Nguyễn. Nhưng đến thời Nguyễn, bố cục chùa vẫn chịu ảnh hưởng Nho giáo nhưng tổ hợp theo tinh thần sắc thái riêng biệt mang đặc trưng riêng. Bài viết đề cập đến sự tác động, ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo và tư tưởng Phật giáo đến bố cục tổng thể ngôi chùa thời Nguyễn.

2. Khái quát tình hình Nho giáo – Phật giáo thời Nguyễn

     Xã hội phong kiến Việt Nam có hai dòng tư tưởng ảnh hưởng sâu sắc đến nền tảng trật tự xã hội và con người, đó là Nho giáo và Phật giáo. Dưới thời Nguyễn, tư tưởng “cư Nho mộ Thích” thể hiện sự hòa điệu giữa Nho giáo và Phật giáo, cả hai dòng tư tưởng đều được coi trọng, nhất là Nho giáo.

     Nho giáo là một tôn giáo hay một học thuyết dạy về nhân đạo, về đạo làm một con người trong gia đình và trong xã hội, đề cao vai trò của người quân tử, hình dung vũ trụ vạn vật được cấu thành từ các nhân tố đạo đức. Nội dung của Nho giáo được thể hiện trong Ngũ Kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu) hay Tứ Kinh (Luận Ngữ, Đại Học, Trung Dung, Mạnh Tử). Ở nước ta, Nho giáo ảnh hưởng mạnh mẽ vào thời Hậu Lê (1428-1527) và thời Nguyễn, trở thành tư tưởng chính thống của giai cấp thống trị. Trong khoảng thời gian tồn tại, nhà Nguyễn tìm cách khôi phục và đề cao những giá trị của Nho giáo, chấn chỉnh lại giáo dục, tổ chức 39 kì thi đại khoa. Tuy nhiên, bước sang các đời vua cuối cùng thì Nho giáo bị xáo động và suy yếu đi do nhà Nguyễn bị mất đi quyền lực.

     Đạo Phật đã có gốc rễ sâu bền ở xứ Thuận Hóa từ trước, dưới thời chúa Nguyễn (1558-1788) với chính sách “cư Nho mộ Thích”, Phật giáo được coi trọng làm điểm dựa tinh thần cho người dân ở vùng đất mới.

     Từ năm 1802 đến 1885 Phật giáo Huế phát triển theo bề mặt và hình thành phong cách, một hệ thống chùa chiền rộng lớn đã hình thành từ việc trùng kiến trùng hưng và xây dựng chùa tháp, đúc chuông, tô tượng1.

     Đến thời các vua Nguyễn, cũng tạo nhiều điều kiện cho Phật giáo phát triển. Triều đình quan tâm đến trùng tu phát triển cơ sở thờ tự, coi trọng nghi lễ Phật giáo, có những chính sách riêng đối với Phật giáo. Mặc dù có những lúc triều Nguyễn thi hành chính sách hạn chế Phật giáo để dành chỗ đứng độc tôn cho Nho giáo, nhưng mặt khác lại tìm cách biện minh cho sự dung hòa Nho – Phật và không thể loại trừ Phật giáo ra khỏi đời sống người dân. Như vậy, Phật giáo như một tư tưởng bổ sung cho Nho giáo trong quá trình cai trị thu phục của triều Nguyễn và cả hai đều có sức ảnh hưởng lớn, chiếm vị trí nhất định trong đời sống tinh thần người dân.

3. Kiến trúc chùa Huế: Bố cục tổng thể và các dạng thường gặp

Bố cục tổng thể ngôi chùa Huế

     Là tổ hợp các hình chiếu bằng mái che các công trình trên khu đất xây chùa, với đầy đủ các hạng mục kiến trúc, sân vườn, đường đi, lối dạo, hồ nước,… với vị trí và tỉ lệ tương đương ngoài thực tế. Bản vẽ bố cục giúp ta nhận biết vị trí, hình dạng khu đất, hướng của ngôi chùa và những công trình khác trong khuôn viên chùa một cách tổng quan.

     Thành phần trong bố cục chùa Huế gồm 2 thành phần chính là các hạng mục kiến trúc và cảnh quan vườn chùa. Hạng mục kiến trúc có khoảng 15 – 16 khối lớn nhỏ gồm: Cổng tam quan, chánh điện (điện Đại Hùng), nhà hậu, tăng xá, khách xá, lầu chuông, lầu trống, nhà bia, nhà ăn, bếp, tháp thờ Phật, tháp tổ, nhà Quan Âm, điện Quan Âm, điện Địa Tạng, nhà thiền, điện thờ Thánh Mẫu,… Tùy vào nguồn gốc, loại hình và điều kiện khu đất cư trú, điều kiện kinh tế mà bố cục bố trí đầy đủ các thành phần kiến trúc ngôi chùa, hoặc chỉ có các khối chính quan trọng. Dù quy mô nhỏ hay bề thế, thì ngôi chánh điện hay điện Đại Hùng là thành phần đóng vai trò quan trọng nhất biểu thị sự linh thiêng của Phật pháp.

– Các dạng bố cục thường gặp

     Theo kết quả khảo sát, bố cục chùa Huế phân loại như sau2:

     + Bố cục theo trục có 2 dạng: theo trục và không theo trục; loại theo trục chiếm số lượng lớn, loại không theo trục chỉ có 1 chùa.

     + Bố cục theo chữ tượng hình: Có 4 dạng là chữ Nhất, chữ Đinh, chữ Khẩu, bố cục không theo chữ. Trong đó, bố cục chữ Khẩu chiếm số lượng lớn nhất, là bố cục đặc trưng và phổ biến thời Nguyễn, chứa đựng nhiều giá trị truyền thống.

4. Ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo đến bố cục tổng thể ngôi chùa Huế

4.1. Ảnh hưởng của triết lý về nhân sinh quan

     Ngôi chùa vốn dĩ là công trình tôn giáo nên nó không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về kiến trúc, mà chứa đựng, thể hiện tinh thần – giáo lý nhà Phật. Thuyết nhân sinh quan Phật giáo chính là nền tảng, là gốc, tác động lớn đến văn hóa, nghệ thuật Phật giáo. Xét riêng về mặt bố cục kiến trúc, phần lớn nhận biết theo sự cảm nhận, tác động đến tâm trí con người khi chiêm ngưỡng và các biểu tượng trang trí thông qua nguồn gốc ý nghĩa của chúng.

     Người tu hành được giác ngộ, đạt tới một trạng thái cao nhất gọi là “Niết bàn”3. Có thể nói Niết bàn là mục đích chính, điểm đến, đích đến cao nhất trong nấc thang của quá trình tu tập.

     Nguyên tắc đạt đến Niết bàn cũng ngầm được vận dụng vào bố cục kiến trúc, chính là dù bố cục sắp xếp thế nào thì hướng của nó vẫn quy tụ về một điểm trung tâm và quan trọng nhất. Nhận thấy đa số tổ hợp bố cục chùa Huế đều có hướng quy tụ về một điểm linh thiêng nhất là ngôi chánh điện thờ Phật. Ngôi chánh điện được ngầm hiểu là “Niết bàn” của bố cục kiến trúc, là điểm quy tụ, điểm hướng tới của bố cục. Vậy nên, nó luôn ở nền cao, thoáng, ở vị trí trung tâm đẹp nhất của tổng thể, ngôi chánh điện cũng tập trung tinh hoa kiến trúc điêu khắc, thu hút mọi hướng nhìn, bên trong thờ Phật linh thiêng. Nhân sinh quan Phật giáo tác động đến bố cục ngôi chùa Việt từ thời Lý, Trần. Thời Lý, Phật giáo được xem như quốc giáo, thời Trần với sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông thành lập cũng ảnh hưởng lớn đến bố cục kiến trúc. Theo Hàn Tất Ngạn:

…Vào thời Trần, bố cục đăng đối và quy tụ vào điểm giữa “Niết bàn cực lạc” được xem là một nguyên tắc bất di bất dịch. Như bố cục dàn trải theo chiều dọc sườn đồi nhưng vẫn có hướng quy tụ vào nơi thờ Phật trên nền thứ ba ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), các lăng vua Trần ở Đông Triều cũng theo quy tắc đó4.

     Một số chùa thời Lý dạng kiểu chùa – tháp thì tháp là bộ phận chính trung tâm nhất, mang ý nghĩa thờ Phật, để an trí xá lợi Phật, tượng trưng cho thời khắc nhập Niết bàn của đức Phật, rất cao quý được các Phật tử chiêm bái. Nên hướng bố cục một số chùa thời Lý lại quy tụ về ngôi tháp thờ Phật chứ không phải chánh điện. Điều này phản ánh rất rõ vai trò quan trọng của thành phần chính nhất của ngôi chùa, nơi mang chức năng thờ Phật là chính, đó là bộ phận trung tâm chi phối cả bố cục.

     Thông điệp nhân sinh quan thể hiện qua các bộ phận trong bố cục, trong cảnh quan vườn chùa. Một số thành phần có ý nghĩa đặc biệt như cổng tam quan, vị trí phân chia giữa không gian trần tục và linh thiêng, biểu thị cho trí huệ, từ bi, là màng lọc, gạt bỏ những hệ lụy của trần tục trước khi bước vào chùa. Bên cạnh đó, các bộ phận trong vườn chùa: Cây cối, tượng Phật, các biểu tượng Phật giáo thể hiện phong phú các triết lý, bài học của đạo Phật. Sân chùa thường có cây bồ đề là biểu tượng sự giác ngộ tuyệt đối theo sự tích đức Phật. Cây bồ đề trước cổng chùa Viên Thông, chùa Từ Hiếu, hay trong sân chùa Từ Đàm là một ví dụ. Dưới cội bồ đề, nơi đức Phật thành đạo tạo một sự linh thiêng trước sân chùa. Ở chùa Từ Đàm, năm 1939 trong một chuyến thăm Huế, một vị thiền sư người Tích Lan đã mang một cây bồ đề có xuất xứ từ cội bồ đề Ấn Độ, nơi đức Phật thành đạo đến trồng ở chùa Từ Đàm tạo một sự linh thiêng và uy nghi trước sân chùa. Nó cũng như một biểu tượng Phật giáo trong bố cục.

     Kế sau cổng chùa, vườn chùa có hồ sen hay hồ bán nguyệt biểu thị sự thanh cao. Cảnh quan vườn chùa hay thiết trí các vườn khô, tiểu cảnh tái diễn sự tích đức Phật. Nổi bật trong đó là mô phỏng “dấu bàn chân Phật”, hay “bảy bước đi của Phật” tượng trưng bảy bước đi đầu tiên của Thích Ca Mâu Ni lúc chào đời ở đường đi vào hay vườn trước chùa, những vị trí khách hành hương dễ bắt gặp và chiêm ngưỡng nhất. Các bàn chân Phật trên đá ở thảm cỏ xanh mướt hay các tượng Phật từ lúc sinh ra đến lúc đắc đạo trên một hồ nước thoáng rộng (chùa Từ Lâm, chùa Trúc Lâm, Từ Hiếu). Dấu bàn chân Phật nhắc nhở về sự hằng hữu của Đức Phật trên cõi đời và con đường thức tỉnh của Ngài. Ngoài ra, các biểu tượng khác như: Bánh xe pháp luân tượng trưng con đường giải thoát đau khổ, hoa sen, chữ Vạn, lưỡng long chầu pháp luân,… với những ý nghĩa và lời răn dạy khác.

     Ngay cả quy mô khối tích chùa Huế cũng chứa đựng triết lý nhân sinh. Ngôi chùa nhỏ nhắn bình dị, khối tích vừa phải tầm 5 – 7 gian, không quá to lớn. Các bậc cấp vừa phải, dãy cột nhỏ nhắn, hàng hiên, cửa chùa rộng mở hài hòa tỷ lệ con người, không gian chánh điện có trần cao vừa phải, thậm chí có chùa trần chánh điện khá thấp như Đông Thuyền,… Đó chính là tinh thần Phật giáo Huế hướng tới sự gần gũi, thân thiện với chúng sinh và đệ tử. Quan hệ giữa Phật và Phật tử là quan hệ nương tựa và gần gũi. Đây cũng chính là điểm khác biệt của tinh thần phật giáo Huế so với các vùng khác.

     4.2. Ảnh hưởng của tư tưởng Thiền

     Tư tưởng Thiền tác động lớn đến vị trí chùa Huế và bố cục cảnh quan hơn là bố cục kiến trúc. Những vị tổ khi xưa đến xứ Thuận Hoá – Phú Xuân hoàng dương chánh pháp thường chọn những vị trí có cảnh quan thiên nhiên vắng lặng xây dựng những ngôi thảo am làm chốn tu tập. Vị trí chùa khá tách biệt với dân chúng, chủ yếu ở các đồi núi, triền núi như núi Hàm Long (chùa Báo Quốc), núi Hoàng Long (chùa Quảng Tế,) núi Ngũ Phong (chùa Diệu Viên), núi Thiên Thai (chùa Thuyền Tôn),… Sau này cùng với quá trình đô thị hóa nên ngôi chùa có khoảng cách gần gũi với dân chúng hơn, khuôn viên chùa gần với nhà dân hơn. Chất thiền đặt tổng thể kiến trúc trong khung cảnh thiên nhiên hữu tình mang tính thoát tục, thoát khỏi đời sống hiện đại, thể hiện tính cởi mở, nhẹ nhàng như là một phần của thiên nhiên để tạo bầu không khí an nhiên và tư tại cho người tu tập lẫn người chiêm bái. Bố cục ngôi chùa gồm: Cổng tam quan, tháp Phật, khu điện thờ Phật, nhà hậu, tăng xá, nhà khách, trai đường, tháp tổ,… không nằm rời rạc mà được liên kết bằng các nhà hành lang, đan xen với các yếu tố thiên nhiên, hay mô phỏng thiên nhiên như cây xanh, vườn hoa, hồ nước, thủy đình, giàn leo, hoa,… để làm kiến trúc bớt khô cứng. Đó là thủ pháp mô phỏng cảnh sắc thiên nhiên với mô hình núi non, sông hồ được thu nhỏ, là cách đưa thiên nhiên đến gần kiến trúc, nhằm tạo ra khoảng không gian thiền vị và thư giãn.

     Đặc biệt, chất thiền thể hiện rõ trong bố cục cảnh quan vườn chùa. Các vườn chùa tùy mỗi vị trí sẽ bố trí các hệ cây và hệ trang trí khác nhau. Vườn cổng bao giờ cũng là nơi đón chào, thường có cổng, hồ sen, hồ nước và cây cổ thụ cao lớn ở phía trước. Bên trong các khu vườn tiền, vườn ngoại có cây cảnh, cây ăn quả, ghế ngồi, hồ nước, hòn non bộ, tượng Phật,… do con người sắp xếp theo một cách mô phỏng gần với tự nhiên nhất, hòa hợp với cảnh quan sinh thái tự nhiên. Đây cũng chính là dụng ý của các vị sư tổ đối với vườn chùa Huế, ít tác động đến môi trường tự nhiên của cảnh quan chùa, hoặc tác động theo xu hướng tự nhiên nhất. Các ao, hồ nước tạo hình theo kiểu tự do như mặt nước tự nhiên, hệ cây trồng ở vườn cổng, vườn ngoại, vườn hậu cũng mang đặc tính của khu vực đồi núi ở địa phương như thông, trúc, tre, tràm,… Chính môi trường cảnh quan chùa thiên về tính tự nhiên, thoát tục, không khô cứng giúp tạo ra môi trường tu tập, sinh hoạt tâm linh, thư giãn tốt nhất.

     Chất thiền và sự thanh thoát, thoát tục rất dễ nhận thấy khi bước chân vào các ngôi tổ đình như: Từ Hiếu, Báo Quốc, Viên Thông, Tây Thiên,… Chùa Từ Hiếu tọa lạc trên một đồi thông xanh mướt bao trùm khắp khuôn viên rộng lớn ở phường Thủy Xuân, như một bức tranh phong cảnh đậm chất thiền. Cảnh quan chùa với hồ bán nguyệt, cây cối xanh ươm, các nhà thủy đình trên mặt hồ rộng nước trong vắt, các cầu gỗ mộc mạc bắt qua hồ, hồ sen tạo dáng uyển chuyển tự nhiên.

5. Ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo đến bố cục tổng thể chùa Huế

5.1. Bố cục và hướng chùa Huế

     Ở Việt Nam, Nho giáo đã ngấm sâu vào hệ tư tưởng của giai cấp thống trị và cả trong quan niệm dân gian để rồi nảy sinh ra các qui định và cách thức riêng cho kiến trúc – mỹ thuật Việt truyền thống. Hệ tư tưởng Nho giáo ảnh hưởng sâu đậm đến trật tự xã hội và ngầm hình thành các quy định thứ tự trong kiến trúc truyền thống, quần thể kiến trúc chứa đựng triết lý sâu xa về quy luật vận hành vạn vật. Cách phân định đẳng cấp thứ tự lớp lang trong xã hội của Nho giáo ảnh hưởng đến các quy định chặt chẽ trong bố cục kiến trúc truyền thống: Có các bộ phận đóng vai trò tiền – hậu và tả – hữu, bố trí đăng đối, đối xứng hai bên trục. Ví dụ chùa chữ Công hay nội Công – ngoại Quốc ở miền Bắc gồm nhiều thành phần tiền – hậu và tả – hữu như: tam quan ngoại, tam quan nội, gác chuông to lớn, lầu trống hay hai hồ nước tròn như hai mắt rồng trước trục (ở chùa Phổ Minh- Nam Định)…

     Trong khi đó bố cục chùa Huế nhìn chung tổ hợp gọn, đơn giản, ít thành phần phụ hơn. Các ngôi chùa có sự linh động và biến hóa hơn. Chùa Huế mang ảnh hưởng Nho giáo rõ rệt phải kể đến chùa Thiên Mụ, vị thế là quốc tự nên có quy mô bề thế, nhiều thành phần. Không gian đầu tiên có các khối tiền – hậu và tả – hữu mang tính chất tưởng niệm và lối kiến trúc đúc cuốn bằng gạch đá tạo sự vững chãi: Tháp Phước Duyên, hai nhà bia, lầu chuông trống,… sắp xếp cân xứng nghiêm ngặt tạo sự uy nghi của ngôi quốc tự. Các chùa thì có khối bố trí tả – hữu là: nhà bia hoặc đài Quan Âm đối xứng phía trước (chùa Thiện Khánh, Trúc Lâm) hay lầu chuông đăng đối với lầu trống (chùa Từ Hiếu).

     Những quy định của thuyết phong thủy trong Nho giáo cũng tác động đến ngôi chùa khi chọn vị trí và thế đất. Có thể yêu cầu phong thủy không nghiêm ngặt như kinh thành Huế, nhưng đất dựng chùa Huế thường nằm trên đồi, sườn đồi, đồi núi nơi kết tụ khí thiêng có địa thế đẹp như núi Hàm Long, Hoàng Long,… Hoặc dựa vào vùng “sơn chỉ thủy giao” như chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê vừa có yếu tố sông bao bọc phía trước và núi làm hậu án. Trong phong thủy, yếu tố mặt nước phía trước có ý nghĩa là tụ thủy, tích phúc được xem như phần âm còn núi đồi mô đất được xem là phần dương. Chùa Huế cũng ưu tiên nhìn về phía mặt nước phía trước (chùa Thiên Mụ nhìn sông Hương, chùa Diệu Đế hướng ra sông Đông Ba, chùa Thiện Khánh hướng ra sông Bồ). Nếu không có sông hồ tự nhiên thì bố cục chùa Huế thường có hồ nước nhân tạo hay hồ sen nhỏ phía trước (chùa Viên Thông có hồ sen, chùa Từ Hiếu có hồ bán nguyệt ở cổng, chùa Trúc Lâm và Diệu Viên có hồ nước phía trước).

     Bên cạnh đó, quan niệm hướng tốt là hướng Nam, Đông – Nam chủ yếu do điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng của khu vực. Những hướng này nhằm đón gió mát và tránh nắng vào mùa hè, tránh gió lạnh, độc vào mùa đông,… Nếu xét về ý nghĩa, hướng xuất phát từ quan niệm trong Nho giáo: “Thánh nhân nam diện nghi thính thiên hạ” nghĩa là “vua nhìn về phương Nam để nghe thiên hạ tâu bày”. Trong kinh dịch, phương Nam thuộc quẻ ly gắn với dương khí nên là vị trí tốt để xây cung điện, đền chùa, phủ đệ,… Thực tế khảo sát 24 ngôi chùa Huế, có đến 10 chùa hướng Đông – Nam, 7 chùa hướng Tây – Nam. Chùa hướng Nam chiếm đa số trong các ngôi chùa Huế. Ngôi chùa cũng dựa vào hướng nhìn đó để phát triển hoàn thiện dần về bố cục qua thời gian.

     5.2. Tổ hợp bố cục theo trục thần đạo

     Yếu tố quyết định và được xem như xương sống định hình cơ thể ngôi chùa đó chính là trục thần đạo. Dạng kiến trúc theo trục xuất hiện khi ý thức hệ Nho giáo xâm nhập vào Việt Nam (ở cung điện là đầu tiên, sau đến các hình thức mộ táng ở thời Lý – Trần,…). Trục thần đạo là tuyến không gian thẳng vô hình nằm giữa những công trình chính có chức năng quan trọng nhất. Ở chùa Huế trục đi qua 3 khối là: cổng tam quan, chánh điện và nhà hậu.

     Kết quả khảo sát là đa số bố cục chùa Huế đều tổ hợp theo trục thần đạo. Trong đó, tự nó biến chuyển thành 2 dạng nhỏ vẫn tuân theo trục nhưng có sự biến đổi để phù hợp từng điều kiện khu đất có diện tích nhỏ hẹp, hình dáng bị vát, giao thông tiếp cận vào ngôi chùa không thuận lợi,… Đó là một dạng cổng tam quan bị lệch trục (chùa Diệu Viên) và một dạng nhà hậu không thuộc trục (chùa Kim Quang, Linh Quang, Từ Đàm). Trong 24 ngôi chùa khảo sát chỉ có 1 chùa không tổ hợp theo trục mà tổ hợp tự do (chùa Thuyền Lâm).

     Thứ hai, bố cục theo trục thần đạo giúp thích ứng tốt với khí hậu nhiệt đới gió mùa Việt Nam. Nhất là thời tiết ở Huế khắc nghiệt, trục thường tổ hợp theo hướng tốt để tránh gió lạnh và độc, đón gió mát, tránh nắng,…Tổ chức theo trục giúp các công trình chính trong bố cục đều được quay mặt về hướng tốt, được đồng hướng và hưởng nhiều thuận lợi hơn. Tất nhiên trong bố cục, một số khối phụ vẫn nhìn về hướng này.

     Trục do quy luật thẫm mỹ trong bố trí hình học tạo cho bố cục sự cân bằng và ổn định, xây dựng theo lối cân xứng, đăng đối. Trục cũng là cơ sở để bố trí giao thông chính – phụ, tạo nên trục cảnh quan chính trong kiến trúc. Ví dụ chùa Thiên Mụ, yếu tố trục được hình thành một phần do địa thế hình dáng khu đất trải dài trên một ngọn đồi cao, tạo chiều sâu cho bố cục chùa, xây dựng các lớp không gian cảnh quan theo chiều sâu của quần thể kiến trúc. Trục thể hiện rõ nét trên bố cục trải dài nên phù hợp tính chất ngôi quốc tự, thể hiện sự uy nghiêm và sức mạnh quyền lực của triều đại phong kiến.

     5.3. Tư tưởng “thiên nhân tương dữ”

     Một trong những tư tưởng tác động mạnh mẽ có tính chất tiên quyết đến tinh thần chùa Huế là “Thiên nhân tương dữ”, một tinh thần tạo nên sắc thái riêng ngôi chùa Huế so với chùa chiền hai miền Nam, Bắc. Đây là một học thuyết của Đổng Trọng Thư5, một trong ba luận thuyết cốt yếu của hệ tư tưởng Nho giáo. Nó nói về tính thống nhất và mối liên hệ khăng khít, sự dung hòa tương hỗ, bổ trợ của thiên nhiên, kiến trúc và con người. Đây cũng chính là hệ luận của tinh thần Phật giáo phương Đông và được xem là cội nguồn phát sinh tâm đạo trong bố cục. Để ngôi chùa không chỉ đơn thuần là một quần thể kiến trúc khô khan gắn với công năng thờ Phật mà phải toát lên cái tinh thần Phật giáo muốn hướng đến.

     Chùa Huế thường tận dụng và không bao giờ ly khai với môi trường sinh thái tự nhiên xung quanh để tôn lên giá trị của đất trời tự nhiên, của tổng thể kiến trúc. Nhận thấy trong các dạng bố cục, chữ Khẩu là dạng truyền tải rõ nét nhất tư tưởng này, thể hiện nét riêng của tinh thần Phật giáo Huế. Các ngôi chùa dạng bố cục khác như chữ Đinh, tự do,… cũng chịu ảnh hưởng, nhưng mức độ ít hơn và không rõ rệt bằng. Các chùa chữ Khẩu hầu như đều phân bố vùng núi đồi có hệ sinh thái và thảm thực vật đa dạng. Đó là các dãy Hàm Long, Hoàng Long, Ngũ Bình, Phú Xuân, Ngũ Phong, núi Thiên Thai,… Nếu quay về thế kỉ XVII-XVIII thì đó là các dãy núi còn hoang sơ và nguy hiểm, vắng người, rừng rậm đầy cọp, beo, và rắn độc,… có lẽ do các vị tổ sư thấm được cái tư tưởng ấy nên đã không ngại hiểm nguy đến dựng thảo am tu tập.

Chùa Huế có sắc thái vô cùng đặc sắc, là hàng trăm ngôi chùa đều nằm trên các mõm đồi hoặc sườn đồi đầy cây cao bóng mát, cảnh trí thiên nhiên u nhàn tĩnh lặng, làm cho chùa Huế trở thành những nơi bảo vệ được môi trường thiên nhiên trong lành, mát mẻ6.

     Đó là môi trường sinh thái xung quanh, còn bố cục kiến trúc ngôi chùa tổ hợp như thế nào để thể hiện tư tưởng trên?

     Thứ nhất, tổng thể kiến trúc là các đơn nguyên kết nối lan tỏa theo phương ngang (trừ chùa Thiên Mụ tổ hợp bố cục phát triển theo phương dọc – chiều sâu khu đất). Sự kết nối để phù hợp với tư tưởng trên cũng rõ nét ở các chùa chữ Khẩu. Cách liên kết bốn khối khép kín, hướng nội nhìn ra khoảng sân trong, ẩn mình giữa không gian xanh. Bố cục khống chế độ cao kiến trúc, không có tháp Phật cao vút như chùa thời Lý, Trần, mà chỉ có hệ thống tháp tổ cao vừa phải tầm 3m đến 5m. Độ cao các khối khác cũng vừa phải, ngay cả ngôi điện Đại Hùng cũng không có ý vươn lên để khống chế thiên nhiên. Các khối thấp tầng và liên kết kiểu phân tán nhưng không riêng rẽ, mà theo từng cụm công trình đi liền với nhau về mặt chức năng. Quy mô khiêm tốn và thấp cũng để phù hợp thời tiết khí hậu ở Huế: Gió mùa lạnh, nắng gắt, mưa dầm, gió Lào hanh khô khá khắc nghiệt.

     Thứ hai, bố cục chùa chú trọng tạo cảnh trong từng không gian, cảnh quan vườn chùa chiếm vai trò quan trọng. Vườn chùa Huế chia thành nhiều vị trí: Vườn cổng, vườn tiền, vườn ngoại, vườn nội, vườn hậu,… Mỗi khu vườn nhỏ có chủng loại, giống cây phù hợp tính chất chức năng từng vị trí. Vườn nội ở chùa chữ Khẩu là mảng sân trong nhỏ bố trí cây cảnh, cây hoa, hòn non bộ,… một cách để đưa cảnh quan thiên nhiên đến từng không gian ngay bên trong ngôi chùa. Các khối phụ phân tán, nhưng giữa chúng cũng tạo các khoảng sân mở, tạo sự thông thoáng, tạo cảnh trong từng không gian, tạo sự hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên. Ở bố cục chữ Khẩu, nhìn chung tỷ lệ diện tích mảng xanh bao phủ lớn hơn tỷ lệ mật độ kiến trúc nếu so với các dạng bố cục khác. Bao giờ không gian ngôi chùa cũng gắn liền với cây cối xanh tươi bao trùm, bao phủ toàn cảnh ngôi chùa và kiến trúc chiếm không gian khiêm tốn hơn. Đó cũng là một phong cách riêng, tinh thần riêng của bố cục chùa chữ Khẩu nói riêng và chùa Huế nói chung, phát sinh từ tinh thần “thiên nhân tương dữ”.

     Thứ ba, ngay cả ngôi chánh điện, thành phần chính yếu nhất và được ưu ái nhất về khối tích cũng khá khiêm tốn. Đa số tổ hợp tầm 3 gian, nhiều nhất cũng là 5 gian nhỏ gọn. Đến chánh điện ngôi quốc tự bề thế như Thiên Mụ, Diệu Đế cũng có quy mô 5 gian 2 chái. Khối tích nhỏ gọn sẽ dẫn đến bàn thờ Phật cũng vừa tầm vừa phải không quá to lớn. Cảm giác khi bước vào ngôi chánh điện tạo một tinh thần nương tựa vào Phật, gần gũi, dẫn dắt tu tập,… chứ không tạo một đức Phật nguy nga, ở trên cao đầy sự ngưỡng vọng như các ngôi chùa miền Bắc có kết cấu đến hàng chục gian to lớn. Ví như, chùa Đông Thuyền có ngôi chánh điện là căn nhà Rường 3 gian 2 chái, gian tiền đường phía trước sâu 2.3m, hàng hiên trước rộng tầm 1.7 m. Không gian này nếu để tín đồ tập trung làm lễ thì khá hạn chế về diện tích, nhưng đó chính là phong cách riêng biệt của chùa Huế và không lẫn vào đâu được, bước vào ngôi điện như bước vào căn nhà dân gian, gian thờ Phật ấm cúng thanh tịnh, không quá uy nghi lộng lẫy. Cả ba cách tổ hợp trên lại cốt yếu lấy chữ “hòa” làm chủ đạo, bố cục kết hợp thêm hệ sinh thái sinh cảnh tự nhiên xung quanh làm bố cục càng hòa hợp với đất trời tự nhiên, hướng đến sự hợp nhất hài hòa theo Nho giáo, theo tinh thần “thiên nhân tương dữ”.

6. Kết luận

     Ngôi chùa Huế, một loại hình kiến trúc – nghệ thuật thời Nguyễn chắc chắn không tách rời khỏi những quan niệm triết lý của Nho giáo đã ngấm sâu vào hệ tư tưởng của giai cấp thống trị. Bên cạnh đó, cũng như chùa Việt truyền thống miền Bắc, chùa Huế mang trong nó tư tưởng giáo lý nhà Phật một cách vừa trực quan vừa ẩn dụ để truyền tải thông điệp đạo Phật tiếp cận đến con người.

     Tóm lại, yếu tố Phật giáo trong bố cục chùa Huế là cách nhìn của thuyết nhân sinh quan Phật giáo, đó chính là hướng toàn bộ bố cục ngôi chùa quy tụ về điểm trung tâm, linh thiêng nhất của bố cục. Các quan niệm giáo lý, lời dạy Phật giáo biểu hiện trực quan qua hệ thống biểu tượng Phật giáo ở cảnh quan vườn chùa,… Bên cạnh đó, dấu ấn Nho giáo phải nói chiếm vai trò chính, chủ đạo tác động đến bố cục kiến trúc, là tư tưởng chính hình thành trật tự phân bố các thành phần kiến trúc qua “trục thần đạo”. Đặc biệt, tinh thần “thiên nhân tương dữ” trong Nho giáo như thổi một sắc thái mới cho ngôi chùa Huế, định hình một phong cách đặc trưng riêng về bố cục so với các chùa ở vùng miền khác. Không chỉ có yếu tố thiên nhiên sinh thái đặc sắc xung quanh, khuôn viên đất đai rộng lớn, vị trí đẹp,… sự lan tỏa thiên nhiên trong từng không gian bố cục mà cách tổ hợp các khối kiến trúc cũng theo một quy cách riêng biệt, nhẹ nhàng lan tỏa, nhỏ gọn, thấp tầng và ẩn mình, dù đó có là ngôi chùa quan bề thế, ngôi tổ đình cổ kính, hay ngôi chùa dân lập khiêm tốn.

     Các yếu tố Phật giáo và Nho giáo đã định hình nên giá trị truyền thống và nền tảng của ngôi chùa. Đây cũng là minh chứng cho sự giao thoa, sự hòa điệu tuyệt vời giữa hai tư tưởng lớn giàu tính triết học và nhân văn được chuyển hóa trong bố cục kiến trúc. Ngôi chùa Huế, vừa là nơi thờ tự của một tôn giáo lớn, vừa có sự chỉn chu quy tắc chừng mực trong bố cục, vừa lại mang trong nó một sức sống rất đời, giữa môi trường thiên nhiên, giúp phát sinh nên cái tâm đạo trong bố cục. Đó là sự hài hòa của vũ trụ, sự gần gũi của mọi vật, cái tâm thanh thản của con người khi ở trong không gian chùa.

_________
1. Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm (2001), Lịch sử phật giáo xứ Huế, Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, tr. 326.

2. Nguyễn Thị Minh Xuân (2021), Nghiên cứu phân loại các loại hình bố cục mặt bằng tổng thể chùa Huế thời Nguyễn, Đề tài nghiên cứu cấp cơ sở Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

3. Niết – bàn là một khái niệm trong Phật giáo, là mục đích chính, cuối cùng của các nhà tu hành. Niết – bàn là một trạng thái tâm linh hoàn toàn thanh thản, yên tĩnh, sáng suốt, diệt được tham ái, sân hận và si mê, xoá bỏ vô minh, từ đó chấm dứt mọi khổ đau và phiền não và đạt đến trạng thái bình lặng tuyệt đối.

4. Hàn Tất Ngạn (2014), Kiến trúc cảnh quan, H.: Nxb. Xây dựng, tr. 41.

5. Đổng Trọng Thư là nhà triết học duy tâm, chính trị gia và nhà văn thời Tây Hán. Theo truyền thống, ông gắn liền với việc đề cao Nho giáo như là hệ tư tưởng chính thức của nhà nước Trung Quốc.

6. Hà Xuân Liêm (2000), Những ngôi chùa Huế, Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr. 14.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Hà Xuân Liêm (2000), Những ngôi chùa Huế, Huế: Nxb. Thuận Hóa.

     Hàn Tất Ngạn (2014), Kiến trúc cảnh quan, H.: Nxb. Xây dựng.

     Lý Tùng Hiếu (2015), “Ảnh hưởng của nho giáo trong văn hóa Việt Nam”, tạp chí KHXH, số 4.

     Nguyễn Duy Phương (2015), “Chính sách đối với phật giáo của triều Nguyễn – khởi nguồn của phong trào chấn hưng phật giáo đầu thế kỉ XX”, tạp chí KHXH, Nhân văn và Giáo dục, tập 5, số 3.

     Nguyễn Hữu Thông (1992), Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế, H.: Nxb. Hội nhà văn.

     Nguyễn Thị Minh Xuân (2021), Nghiên cứu phân loại các loại hình bố cục mặt bằng tổng thể chùa Huế thời Nguyễn, Đề tài nghiên cứu cấp cơ sở Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

     Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm (2001), Lịch sử phật giáo xứ Huế, Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.

     Trần Lâm Biền (1996), Chùa Việt, H.: Nxb. VHTT.

     Ghi chú:
     Hình ảnh minh họa bài viết: Kình mời Quý độc giả xem ở tệp PDF đính kèm bên dưới.

Nguồn: Nghiên cứu Văn hóa miền Trung 2022,
Chuyên đề Di sản Kiến trúc truyền thống, Nhà xuất bản Đại học Huế

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo và Nho giáo đến bố cục tổng thể chùa Huế thời Nguyễn (1558-1945) – Tác giả: ThS Nguyễn Thị Minh Xuân