Bà Triều – Tổ nghề Dệt Xăm Súc và các lớp văn hóa, tín ngưỡng hội tụ trong một Mẫu thần

Tác giả bài viết: Tiến sĩ HOÀNG MINH TƯỜNG

     Thị xã Sầm Sơn nằm bên biển Đông đầy nắng và gió, dòng Mã giang từ non cao chảy qua đồng bằng trù phú rồi hoà mình vào đại dương sóng vỗ ở cửa Hội Trào. Miền đất nhỏ nhoi nằm bên bờ sóng không chỉ hút hồn du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên, non nước hữu tình đẹp như bức tranh thuỷ mặc mà còn trầm tích nhiều lớp văn hoá, lịch sử. Riêng di sản văn hoá vật thể, Sầm Sơn có tới 16 di tích, danh thắng nổi tiếng. Trong đó có 5 di tích được xếp hạng quốc gia, 11 di tích cấp tỉnh với các loại hình văn hoá, lịch sử, danh thắng tiêu biểu. Sầm Sơn hội đủ các tôn giáo: Phật – Lão Nho – Thiên Chúa và tín ngưỡng dân gian cùng tồn tại, chung sống. Nói đến miền đất bên bờ sóng Sầm Sơn, từ bao đời nay, trong tâm thức dân gian luôn in đậm biểu tượng đẹp về thần Độc Cước – anh hùng chiến trận, mà các làng chài vùng Lương Niệm tạc dạ ghi lòng, thế nhưng có một biểu tượng bà Triều – bà tổ nghề đan dệt xăm súc vẫn có phần nào còn bị quên lãng giữa cuộc sống thường ngày. Tri ân công đức của tiền nhân, phủi đi lớp bụi của thời gian sẽ thấy dần hiện ra trên đất Sầm Sơn có một bà Triều, tổ sư của nghề đan dệt ngư cụ và các lớp văn hoá, tín ngưỡng tích hợp trong một Mẫu thần.

     Theo truyền thuyết dân gian ở vùng Sầm Sơn, bà Triều vốn là cô gái nghèo có tấm lòng nhân hậu đã được một bà già tốt bụng dạy cho nghề tằm tang canh cửi. Trong truyền thuyết khác, bà trong vai một tiên nữ từ trên thượng giới, cảm thương dân nghèo nên đã hoá thân thành thường dân xuống trần dạy cho cư dân chài lưới nghề dệt xăm súc. Cũng có truyền thuyết cho rằng, bà là công chúa của vua Lý giỏi trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi. Trong một chuyến tuần du cùng vua cha đến vùng cửa sông, đầu biển – dải đất thuộc xã Triều Thanh lộc, tổng Cung Thượng – Sầm Sơn xưa, cảm mến dân tình và cảnh vật nơi đây, bà đã thưa với vua cha cho mình được ở lại để dạy cho dân nghề tằm tang, canh cửi, bà đã được nhà vua đồng ý. Từ đó, nghề dệt lụa lĩnh, lưới xúc đánh bắt cá ra đời và được người khắp nơi tìm về mua bán, đổi chác, khiến cho làng chài nghèo xơ xác bỗng chốc trở nên sầm uất, trên bến dưới thuyền cảnh bán mua chài lưới và hải sản tấp nập. Ghi nhớ công ơn của bà tổ nghề dệt xăm súc, dân làng đã lập đền thờ và gọi bà với tên thân mật: bà Triều. Hội làng Triều Dương thờ bà tổ nghề săm xúc vào ngày mùng 10 tháng 2 (Âm lịch) với cờ hoa lộng lẫy, phấp phới tinh kỳ, mang đậm sắc thái văn hoá miền duyên hải.

     Làng Triều Dương nơi có di tích đầu tiên thờ bà Triều nằm ở cuối sông, đầu biển, ba bề tiếp giáp với thuỷ triều lên xuống, chỉ còn phía Nam neo vào bờ cát. Do ảnh hưởng của dòng chảy sông Mã đổ ra cửa Hội Trào nên làng Triều xưa đã bị nước lũ và biển xâm thực phải dời vào sâu trong đất liền để rồi lập thành Triều Dương nộixã Quảng Tường và Triều Dương ngoại – xã Quảng Cư. Dẫu diên cách địa lý xưa có đổi thay, nhưng trong tâm thức của cư dân Triều Dương tôn vinh và tri ân công đức của bà tổ nghề đan dệt lưới chài đối với họ vẫn không hề thay đổi. Từ ngôi đền cổ bị sóng biển xâm thực, khi chuyển cư tới địa điểm mới, người Triều Dương đã xây lên hai ngôi đền để cùng thờ bà tổ của nghề lưới chài. Đền bà Triều sau khi chuyển dời đã được công nhận là di tích lịch sử năm 1993.

     Trải qua các triều đại, công tích của bà Triều đã được triều đình các đời Lê, Nguyễn đều cho chép lại thần tích lưu giữ tại đền, ban sắc phong, quy định lễ thức và giao việc trông nom, hương khói cho các làng xã phụng thờ. Đáng tiếc, do lụt lội, sóng biển dâng các sắc phong và đồ thờ cổ đã bị cuốn trôi, chỉ còn rất ít thông tin về lai lịch và công trạng của bà tổ nghề. Qua những dòng chữ ghi trên thánh vị cho biết: bà Triều là “vị tổ xây nên cơ nghiệp…” được phong “thượng đẳng thần”. Trong tế lễ, ở một đoạn hát chầu văn ngợi ca về công nghiệp của bà:

Bà là tiên thánh giáng trần,

Dạy nghề đan dệt cho dân làng Triều…

     Từ môi trường cư trú, nguồn gốc cư dân và phương thức sản xuất, thông qua truyền thuyết, di tích và lễ thức thờ bà Triều – bà tổ nghề đan dệt xăm súc ở làng Triều Dương, Sầm Sơn cho thấy:

1. Về nguồn gốc của bà tổ nghề xăm súc

     Nếu vén lên bức màn mờ ảo của huyền thoại bà Triều là vị tiên giáng trần và được lịch sử hoá là công chúa con vua Lý, thì thực chất bà Triều trong nhận thức của cư dân miền biển là hình ảnh liên quan tới người Việt cổ từ rừng theo dòng sông Mã tiến ra vùng đất thấp, rồi chiếm lĩnh biển khơi. Với giác độ khoa học khảo cổ làm cơ sở để xem xét thì có một bộ phận cư dân miền duyên hải xứ Thanh nói chung, cư dân biển Sầm Sơn nói riêng chính là di duệ của những con người tối cổ từ hang Con Moong (Thạch Thành), Mái đá Điều (Bá Thước), núi Đọ (Thiệu Hoá), gò Trũng, Hoa Lộc (Hậu Lộc). Từ phương thức săn bắn hái lượm, theo thời gian họ đã xuống núi khai phá châu thổ sông Mã và tiến ra biển, họ canh tác nông nghiệp trên những cồn cao và đánh bắt hải sản ven bờ.

     Với việc bà Triều dạy cho dân nghề tằm tang canh cửi dệt lụa, rồi đan dệt ngư cụ đánh cá ở làng biển Triều Dương cho thấy: giữa bà Triều và bà Tiên ở dưới chân núi Đọ (di tích cồn Chân Tiên xã Thiệu Tân, Thiệu Hoá) tuy thời gian và lai lịch xuất xứ khác nhau, nhưng họ đều là tổ nghề dạy cho dân biết cách trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt sợi để giúp muôn dân vừa có cái ăn- tôm cá, vừa có cái mặc – vải vóc áo quần, cuộc đời no ấm. Bà Triều chính là hình tượng đẹp trong đời sống và tâm thức của cư dân trong xã hội nông nghiệp gắn liền với việc trồng trọt và nghề thủ công trước khi bà trở thành tổ của nghề dệt đan ngư cụ gắn liền với cuộc sống và tín ngưỡng của cư dân chài lưới miền duyên hải.

2. Trong tâm thức của cư dân Việt cổ tỉnh Thanh, bà Triều là sản phẩm của xã hội nông nghiệp với nghề tằm tang canh cửi

     Từ châu thổ sông Mã, với việc canh tác nông nghiệp, khi tới miền đất cuối sông, đầu biển, những cư dân nông nghiệp dần làm quen với phương thức sản xuất đánh cá. Với môi trường biển khơi, thuỷ hải sản dù có dồi dào nhưng “trông cá cá lặn, trông sao sao mờ”, đòi hỏi phải có công cụ lao động phù hợp để đánh bắt hiệu quả. Chính từ hiện thực đó đã đặt ra cho cư dân vốn xuất thân từ nông nghiệp dần làm quen với ngư nghiệp đã xây dựng nên một bà Triều mới: bà tổ nghề dệt đan xăm súc – ngư cụ tạo thuận lợi cho cư dân làm nghề đánh cá. Biểu tượng bà Triều vừa có sự thống nhất: tổ nghề dệt – khởi đầu của cư dân nông nghiệp, nhưng lại có sự đa dạng: đan dệt ngư cụ – gắn liền với đời sống của cư dân biển. Bà Triều – thông qua truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian – vừa đáp ứng cả về đời sống vật chất, tinh thần và tín ngưỡng tâm linh của dân chúng làm nghề nôngngư từ xưa đến nay.

3. Bà Triều – tổ nghề xăm súc nằm trong hệ thống tín ngưỡng thờ thuỷ thần

     Làng biển Triều Dương thờ bà Triều, ngay địa danh và tên gọi vị Thành hoàng làng đã mang đậm yếu tố biển khơi, chung đúc nên hình tượng thuỷ triều lên xuống và con sóng trào dâng với vầng dương toả rạng.

     Truyền thuyết dân gian vùng Sầm Sơn kể về cuộc thi tài giữa bà Triều và chàng Độc Cước. Vào cuộc thi, thần Độc Cước tung con trâu lên cao và toàn thân nát bét, ngài đã dùng phép thuật nhào nặn lại nguyên vẹn, trong khi bà Triều xé tấm lụa thành trăm mảnh rồi vơ lấy các mảnh vải, hai tay thoăn thắt kéo ra từng sợi, thành dải lụa trắng vừa dài, vừa đẹp. Bà Triều sau khi truyền nghề dệt đã từ biệt dân chài đi vào cõi vĩnh hằng. Những dải lụa trắng dài và đẹp theo bà bay phấp phới trước gió Nồm Nam, bà Triều lướt nhẹ trên những cơn sóng lớn bạc đầu, những con sóng tiếp nối nhau lưu luyến tiễn đưa bà đến tận chốn trùng khơi, nơi gặp gỡ giữa trời xanh bao la và đại dương sâu thẳm…

     Biểu tượng đẹp và xúc động lòng người ấy phản ánh nhận thức và tình cảm về thế giới tự nhiên và cõi nhân sinh mà cư dân miền duyên hải đã xây dựng nên và gửi gắm vào bà Triều.

     Bà là vị thần sông biển, tục thờ này nằm trong nguồn mạch của tín ngưỡng thờ cúng các vị nhiên thần của người Việt cổ tỉnh Thanh. Dòng Mã giang trước khi từ non cao hoà vào biển lớn ở cửa Hội Trào vừa mang theo sa bồi tươi tốt cho đồng bằng xứ Thanh, vừa làm cho những làng quê nơi dòng sông đi qua và làng biển Triều Dương lắng đọng trầm tích các lớp văn hoá và tín ngưỡng có giá trị, phong phú. Có thể tin rằng, tục thờ bà Triều khởi đầu từ tục thờ Mẫu Thoải – Mẫu Nước ở những nơi gặp nhau của các con sông lớn (sông Mã, sông Chu, sông Bưởi), khi đến Triều Dương – làng quê nằm bên bờ biển biếc, tục thờ mẫu Thoải đã được cư dân chài lưới tiếp nhận và khoác thêm cho Mẫu một chiếc áo mới và hoá thân trong hình tượng của bà Triều – vị thần sông biển giúp đỡ và phù trợ cho dân chài ra khơi vào lộng được bình an, đánh bắt được nhiều tôm, cá. Cùng với tôn thờ vị thuỷ thần nơi cuối sông, đầu biển này, làng Triều Dương còn phụng thờ Tứ vị Thánh nương, Đông Hải đại vương, thờ cá Voi… đều là các vị thuỷ thần.

     Từ bà Triều – bà tổ nghề xăm súc, tích hợp các lớp văn hoá, tín ngưỡng những nơi dòng Mã giang đi qua, để rồi về đến Lạch Trào, trở thành thuỷ thần sông biển. Chính là dân chúng nơi đây đã thần hoá bà Triều thành vị thần sông biển.

4. Bà Triều trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu ở tỉnh Thanh

     Bà là tổ nghề, là Mẫu thần sông biển giúp cho mỗi cuộc đời và những con thuyền lênh đênh trên sóng nước, biển khơi, nhân dân đã ghi nhớ công lao, tri ân và tôn vinh công nghiệp của bà.

     Truyền thuyết nơi đây còn lưu truyền câu chuyện về cuộc đọ sức, thi tài giữa thần Độc Cước và bà Triều. Thần Độc Cước có nhiều phép lạ, có tài trừ tà sát quỷ, muốn lấy bà Triều làm vợ…, giữa họ có cuộc thử tài: nếu bà Triều thua thì phải ưng lấy thần Độc Cước và nếu Độc Cước thua thì phải chịu làm em. Cuộc thi diễn ra, hai bên đều vận hết các phép mầu nhiệm để đấu trí, thử tài cao thấp. Khi kết thúc, bà Triều giành phần thắng. Độc Cước phải tôn bà là chị. Từ đấy, trong các cuộc tế lễ hội hè với sự tham gia của đoàn rước kiệu đến từ 8 phường/xã của thị xã Sầm Sơn: kiệu làng Núi rước thánh Độc Cước, kiệu làng Triều Dương rước bà Triều, kiệu Đề Lĩnh làng Lương Trung, kiệu Phật chùa Lương Trung, kiệu Tây phương đại tướng quân làng Cá Lập, kiệu các vị thuỷ thần làng Hới, kiệu tướng quân Nguyễn Sỹ Dũng làng Lộc Trung… thì kiệu bà Triều bao giờ cũng đi trước kiệu thánh Độc. Lễ vật dâng cúng bà không thể thiếu dải lụa trắng trinh nguyên và những cặp bánh dày các cỡ khác nhau.

     Với truyền thuyết, lệ tục và lễ hội nghênh rước hội đồng thần linh ở Sầm Sơn cho thấy, tín ngưỡng thờ Mẫu – bà Triều vẫn nổi trội và chiếm vị trí chủ đạo đối với cư dân biển, duyên hải nơi đây. Điều đó cũng minh chứng: dẫu trên đất xứ Thanh với vương triều Lê, đạo Nho phát triển đến cực thịnh, vị thế của nam giới được đề cao so với nữ giới nhưng với người “kẻ bể” thì Nho giáo vẫn còn mờ nhạt. Với tư duy chuộng thực dụng “chữ nghĩa văn chương không bằng cái xương con cá lẹp”, bởi vậy, bà Triều – Mẫu nghề dạy cho dân đan dệt xăm súc đánh cá có giá trị thiết thực hơn so với những thuyết giáo xa vời, khó hiểu của cửa Khổng sân Trình. Mặc dù về sau có sự “trọng nam khinh nữ”, trọng lực lượng lao động đánh bắt hải sản ngoài biển, nhưng người dân Triều Dương vẫn đề cao vai trò của Mẫu, vừa coi trọng vị thế của phụ nữ vùng biển giỏi lo toan, đảm đang… sánh ngang với nam giới “đàn ông cái giỏ, đàn bà cái ton”.

     Nằm trong dòng chảy của tín ngưỡng thờ Mẫu ở xứ Thanh, bà Triều ở làng biển Triều Dương vừa là biểu tượng của Mẫu nghề tằm tang, đan dệt đối với cư dân nông nghiệp và ngư nghiệp, là Mẫu Thoải của cư dân chài lưới trên dòng sông Mã, lại vừa là thánh Mẫu của biển khơi trong tâm thức của cư dân miền duyên hải.

5. Các lớp văn hoá, tín ngưỡng tích hợp đan xen trong biểu tượng bà Triều

     Qua truyền thuyết, di tích và tín ngưỡng dân gian ở vùng Sầm Sơn tri ân công đức của bà tổ nghề đan dệt xăm súc cho thấy: 

     Bà Triều trước khi trở thành thánh Mẫu thì buổi đầu bà vẫn là một cô thôn nữ làng biển, nhân hậu, đảm đang, cần cù không nề gian khó, hình ảnh cô thôn nữ làng chài ấy mang đậm màu sắc và tín ngưỡng dân gian.

     Từ quan niệm và tín ngưỡng dân dã, trải thời gian và sự đổi thay của lịch sử, bà Triều được Đạo giáo hoá, khoác lên mình cái áo của thiên thần – tiên nữ nhà trời, có nghề dệt vải vóc, tơ lụa, chài lưới để truyền dạy cho dân. Dần dần, bà đã được lịch sử hoá, gắn với nguồn gốc xuất xứ là công chúa nhà Lý giỏi nghề tằm tang canh cửi. Cũng khởi đầu là một bà tổ nghề dệt làng biển Triều Dương đã được thần hoá thành thuỷ thần, thần sông/biển. Với công trạng lớn lao: giúp dân có cuộc sống yên ấm đủ đầy, bà đã được dân gian nâng lên hàng thánh Mẫu – bà mẹ nhân hậu, bao dung, luôn mở rộng lòng bảo trợ, giúp đỡ người dân trong cuộc sống mang đậm sắc thái đạo Mẫu có tích hợp yếu tố Phật – Lão – Nho. Nghề đan dệt xăm súc được khởi đầu ở làng biển Triều Dương, khiến cho nghề chài lưới phát triển đạt tới đỉnh cao thời bấy giờ.

     Thương thuyền các nơi tới làng cửa biển này mua bán ngư cụ và hải sản tấp nập, làng Triều Dương nghèo bỗng trở nên sầm uất, đô hội do sản phẩm hàng xăm súc mang lại. Điều đó chứng tỏ rằng, bà Triều chính là hiện thân của vị thần thương nghiệp đối với ngư dân miền duyên hải Sầm Sơn nói riêng và của cư dân Việt nói chung.

     Suốt một dải ven biển của đất nước Việt Nam có nhiều vị thần được thờ cúng, chiêm bái, nhưng không nơi nào có một tổ nghề với những nét riêng, độc đáo như bà Triều – tổ nghề xăm súc như ở làng biển Triều Dương, Sầm Sơn, tỉnh Thanh này.

     Bà Triều khởi đầu là biểu tượng và là hình ảnh gắn với xã hội nông nghiệp, trồng trọt và nghề thủ công gắn với sản phẩm tơ lụa, vải vóc. Tiến ra miền duyên hải, bà Triều trở thành tổ nghề dệt đan xăm súc – ngư cụ đánh cá, bà trở thành vị thần biển với nhiều quyền năng, làm cho biển lặng, sóng êm, bủa lưới, quăng chài thuận lợi. Bà Triều là biểu tượng đẹp, tích hợp các lớp văn hoá tín ngưỡng mang đậm tính dân dã, nội đạo tuy có những ảnh hưởng nhất định của văn hoá tôn giáo ngoại lai.

     Nghiên cứu tín ngưỡng thờ bà Triều của cư dân miền biển Sầm Sơn rất cần được tiếp tục đào sâu, giải mã để thấy được các lớp văn hoá, tín ngưỡng mà trải thời gian đã kết tinh thành giá trị trong hình tượng vị nữ thần của cư dân làng biển này có những điều khác lạ so với các trường hợp thờ nữ thần, thờ Mẫu khác.

Nguồn: Di sản văn h‚a phi vật thể, số 1 (42) – 2013

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Bà Triều – Tổ nghề Dệt Xăm Súc và các lớp văn hóa, tín ngưỡng hội tụ trong một Mẫu thần (Tác giả: TS. Hoàng Minh Tường)