Bắc địa tấu từ – Lời tâu về đất Bắc của những người đi khai khẩn đất Điện Bàn (Quảng Nam – Đà Nẵng) dưới thời Lê sơ

Tác giả: HUỲNH CÔNG BÁ*

     Trong quá trình đi điền dã sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở làng Uất Lũy, huyện Điện Bàn (Quảng Nam – Đà Nẵng), chúng tôi tìm được một văn bản mang tên là “Bắc địa tấu từ”, có thể dịch là “Lời tâu về đất Bắc” (của những người đi khai khẩn đất Điện Bàn thời Lê sơ). Văn bản gồm 8 tờ khổ 28 x 24 cm, thuộc loại giấy “long chỉ”, là văn bản Hán có thêm vài chữ Nôm. Những trang nhiều chữ có 12 dòng, mỗi dòng 25 chữ. Bút viết là cọ tre nên nét chữ thô cứng, có phần giống nét chữ khắc trên đồng. Lối chữ bè theo chiều ngang và có xu hướng uốn cong lên theo hai đầu, lõm ở giữa, hơi ngoằn ngoèo, từa tựa lối chữ “bùa chú” của nhà chùa (Mật tông). Nền giấy in hình rồng, mây điểm chữ “thọ” và viền “khung triện”. Ngoài bản “long chỉ”, chúng tôi còn tìm được hai bản giấy thường chữ viết cọ tre, kiểu chữ nghiêng xuống về bên phải, nét chữ thô cứng, gãy góc theo lối hình học, nội dung không đầy đủ bằng bản “long chỉ” (nhưng trong đó có ghi thêm vị Nguyễn Công Lưu). Có lẽ đây là hai bản “tiền thân” của bản “long chỉ” nhưng được viết cách nhau không lâu.

     Qua khảo sát văn bản cho thấy đây là những bản văn ra đời trong những năm 30 của thế kỷ XIX dưới triều Minh Mệnh (sau năm 1830 và trước năm 1841), nhưng nội dung chính của nó là được chép lại từ một văn bản (Tấu từ Thuận ước) lập thời Lê sơ, và có khả năng là dưới triều Hồng Đức (Lê Thánh Tông) và ở bản sao lại này có được bổ sung những địa danh mới xuất hiện vào thời Minh Mệnh thứ 12 (1831). Nội dung Bắc địa tấu từ (bản “long chỉ”) gồm 3 phần chính: I- Bắc địa tấu từ; II- Tông đồ hội tánh; và III – Thuận ước giáp tịch, trong đó phần Tông đồ hội tánh, về nguồn tư liệu gốc, có lẽ được bổ sung sau thời Hồng Đức. Toàn văn Bắc địa tấu từ (bản “long chỉ”) do hai người chép tạo thành hai nửa văn bản có nét chữ khác nhau: phần I khác với phần II, III. Điều này cũng phù hợp với nội dung của văn bản: phần Bắc địa tấu từ bao quát một phạm vi không gian rộng hơn, gần trọn huyện Điện Bàn, còn Tông đồ hội tánh và Thuận ước giáp tịch đi vào cụ thể khu vực xã Châu Minh(1). Như vậy phần I là chép lại từ một văn bản chung đang lưu hành trong vùng, có liên quan đến những con người tại địa phương, hoặc đây là một trong số các bản “nhân bản” thuận ước giao cho mỗi làng lưu giữ (như nội dung Bắc địa tấu từ có nói rõ), và sau đó là phần chép về địa phương (phần II, III).

1.

     Phần Bắc địa tấu từ cho biết lúc bấy giờ có 24 vị thuộc 4 địa phương khác nhau trên đất bắc đã đi vào khai khẩn đất Điện Bàn theo lệnh của nhà vua:

     – Quê Thanh Hóa có 4 vị : Hữu đô thống phủ Công hậu phủ thân hầu phủ đô Đô công Hà Phước Hồ, Tả thống trấn phủ đô Đô khâm sai Đô tướng đốc sứ Hùng doanh trấn đô công Nguyễn Công Lưu, ông Ngô Hưng Khả, ông Huỳnh Vĩnh Nghiêm.

     – Quê Hà Tĩnh có 3 vị: Trần Công Quân, Thân Văn Thống và Nguyễn Văn Chánh.

     – Quê Hải Dương có 5 vị: Đỗ Như Hiển, Đoàn Thế Thân, Đinh Hựu Trân, Trịnh Hồ Xuyên, và Mai Quý Phô.

     – Quê Cao Bằng (Bình) có 12 vị: Tả đô thống trấn phủ Đô thân hầu phủ đô thống Đô tướng công Phan Thanh Hà, ông Huỳnh Tiên Công, ông Tào Công Hảo, ông Đề Thắng Diệu, ông Hồ Đức Câu, ông Hà Ngọc Khánh, ông Hà Đức Hạt, ông Nguyễn Đình Hà, ông Mạc Văn Xảo, ông Tống Minh Hùng, ông Lê Thượng Nhứt, và ông Hà Văn Thụ.

     Ngoài ra còn có 15 người vợ của các ông đi cùng.

Về kết quả khai khẩn văn bản viết:

     “Cộng nhị thập tứ nhân (…) đồng hành nhập tại (…) Trấn Nam doanh, khai hiện cửu xã hiệu, hựu thất xã hiệu: Phong Đại xã nhất hiệu, Phong trung xã nhị hiệu, Ngọc Hoa xã tam hiệu, Châu Minh xã tứ hiệu, Phong niên xã ngũ hiệu, Khả Phong xã lục hiệu. Phụ tòng nhất bách thập nhất xã hiệu: Hạ Nông xã hiệu, Câu An xã hiệu, Câu Nhơn xã hiệu, Mỹ á xã hiệu, Đại Cuộc tam châu, Đông Phố xã hiệu, Quảng Hậu xã hiệu, Quảng Sa xã hiệu, Quảng Ninh xã hiệu, La Đức xã hiệu, Quảng Tuế (?) xã hiệu, Liên Giang xã hiệu. Cộng nhất bách thập bát hiệu. Điền địa nhất bách ngũ thập nhị khoảnh. Phân định xã hiệu: Nhất hiệu ngũ khoảnh, Nhị hiệu tứ khoảnh, Tam hiệu tam khoảnh, Tứ hiệu tam khoảnh, Ngũ hiệu tam khoảnh, Lục hiệu lục khoảnh. Cộng nhị thập tứ khoảnh. Tồn nhất bách nhị thập bát khoảnh phân bình nhất bách thập nhị xã hiệu đồng canh nhất thiên bát bách mẫu lĩnh. Lịch lập đào giang phóng thủy, khai lâm cấm. Dĩ khai phá tứ đình thiết đẳng hội tế (…) Dĩ ư thuận ước, mỗi xã đồng nhất bản kỷ chỉ hiệp giao …

Bách đội đại Vĩnh vĩnh lưu truyền tác chỉ hiệp giao giáp tịch.

Tư tấu !

Lê triều ất Hợi niên ngũ nguyệt thập nhị nhật.

(…) Tứ tỉnh Bắc nhập tại thổ quốc nhân cộng nhị thập tứ nhân đồng hiệu chiếu ký chỉ phụng lập (…).

Phụng thừa sao viễn viễn tôn thập lục thế tôn Hà Phước Hanh (?) …”

     Dịch nghĩa:

     “Tổng cộng gồm có 24 người (…) cùng đến (…) dinh Trấn Nam, và hiện tại đã khai phá được 9 tên, lại thêm 7 tên: Phong Đại, Phong Trung, Ngọc Hoa, Châu Minh, Phong Niên, Khả Phong … Cùng trong vùng có thêm 111 tên khác là: Hạ Nông, Câu An, Câu Nhơn, Mỹ á, Đại Cuộc (3 châu). Đông Phổ, Quảng Hậu, Quảng Sa, Quảng Ninh, La Đức, Quảng Tuế (?), Liên Giang v.v., cộng tất cả là 118 tên. Ruộng đất cả vùng gồm 152 khoảnh. Việc phân chia ruộng đất trong 6 tên (vùng trung tâm Điện Bàn) như sau: Phong Đại 5 khoảnh, Phong Trung 4 khoảnh, Ngọc Hoa 3 khoảnh, Châu Minh 3 khoảnh, Phong Niên 3 khoảnh, Khả Phong 6 khoảnh, cộng tất cả là 24 khoảnh. Còn 128 khoảnh kia phân cho 120 tên khác cầy cấy, gồm 1800 mẫu lẻ. Sau đó lập tức chúng tôi ra sức đốn chặt cây rậm, mở đường sông dẫn nước. Trên vùng đất đã khai phá, chúng tôi lập ra 4 ngôi đình dùng để sinh hoạt hội hè, tế lễ. Dựa vào những điều quy ước đã được chấp thuận, chúng tôi lập ra một bản thuận ước, ký chỉ đầy đủ và giao cho mỗi xã giữ một bản …

Mong đời đời mãi mãi truyền giữ những điều hiệp giao ký chỉ này.

Nay tâu !

Triều Lê năm ất Hợi (1455), ngày 12 tháng 5.

Số người từ 4 tỉnh phía Bắc di cư vào địa phương này là 24 người cùng lập giấy và ký chỉ …

Người cháu đời thứ 16 là Hà Phước Hanh (?) vâng lệnh sao lục…”

2.

     Phần Tông đồ hội tánh chép khái lược tông đồ phổ hệ tiên tổ sinh hạ của các ông Hà Phước Hồ, Nguyễn Văn Chánh, Mạc Văn Xảo, Huỳnh Tiên Công, Huỳnh Vĩnh Nghiêm , Trần Công Quân và Đoàn Thế Thân. Có lẽ ở đây người ta chỉ chép tông đồ những vị (tộc) còn con cháu lưu hạ tại xã Châu Minh. Phần này chiếm 2 tờ, nhưng chỉ có tên người nên xin không trích dẫn.

3.

     Phần Thuận ước giáp tịch chép nội dung thuận ước thừa nhận chung của xã trưởng và đại diện nhân dân trong xã Châu Minh, trong đó có đoạn viết “Tam danh lập xã hiệu Châu Minh xã địa bộ” là Tào Công Minh, Ngô Hưng Lạp (?) và Nguyễn Phước Trung và ở đoạn cuối văn bản chép:

     “Lê Thánh Tông Quý Hợi niên, Nguyễn Phước Trung, Tào Công Minh, Hà Phước Dương, Hà Ngọc Cách, Đoàn Thế Đàm, Đỗ Như Ân, Hà Đức Kê, bát nhân khai địa, lập đình sở (…). Điền địa tam khoảnh lập đồng canh, lập tự điền, ước bách mẫu linh. Định xã hiệu, khai điền kiến bộ, đạc vi bạn, lập đào giang phóng thủy, kiến lập đề bạn hạn, lệ tịch định, lập thuận ước. Nguyễn Phước Trung, xã trưởng Đàm, chấp tịch Dương, lãnh công Cách, giáp sai Kế tác chỉ giáp tịch.

Tào Công Minh điểm chỉ.

Ngô Hưng Lạp (?) điểm chỉ.

Nguyễn Phước Trung điểm chỉ.

Chấp tịch Hà Phước Dương điểm chỉ.

Hà Ngọc Cách điểm chỉ.

Xã trưởng Đoàn Thế Đàm điểm chỉ.

Đầu sự Đỗ Như Ân điểm chỉ.

Giáp sai Hà Đức Kế điểm chỉ.

Thuận ước giáp tịch”

     Xin dịch đoạn đầu:

     “Lê Thánh Tông, năm Quý Hợi(2). Chúng tôi gồm: Nguyễn Phước Trung, Tào Công Minh, Hà Phước Dương, Hà Ngọc Cách, Đoàn Thế Đàm, Đỗ Như Ân, Hà Đức Kế, (Ngô Hưng Lạp) cả thảy 8 người cùng tham gia khẩn đất, lập đình sở (…). Đất đai khai phá được cả thảy là 3 khoảnh dùng để canh tác và đặt ruộng thờ cúng, có tất cả khoảng 100 mẫu lẻ. Chúng tôi cùng đặt ra tên (Châu Minh), kê khai ruộng đất lập địa bạ, đo đạc bờ bạn, đào sông dẫn nước, dựng đặt mốc giới, định điều lệ ghi vào sổ sách, lập ra quy ước. Trong đó Nguyễn Phước Trung, xã trưởng Đàm, Chấp tịch Dương, Lãnh công Cách và Giáp sai Kế cùng đứng ra lập văn bản thuận ước này”. (Đoạn sau là phần ký và điểm chỉ của 8 ông: Tào Công Minh, Ngô Hưng Lạp (?), Nguyễn Phước Trung, Hà Phước Dương, Hà Ngọc Cách, Đoàn Thế Đàm, Đỗ Như Ân, Hà Đức Kế (3) ).

*
* *

     Qua nội dung cho thấy Bắc địa tấu từ vốn là những điều thuận định kê khai, phúc trình của những người đi khai phá đất Điện Bàn và xã Châu Minh thời Lê để gửi lên chính quyền cấp trên, đồng thời cũng là những điều thuận ước xác nhận, kể rõ các việc đã làm của những người Việt tiền phong trên vùng đất này hồi đầu thế kỷ XV, về sau nó đã trở thành tư liệu lịch sử, lịch sử lập làng, trở thành “hành trạng” của các vị Tiền hiền khai khẩn tại địa phương, trở thành “thần tích” ở đình. Theo ghi chú dặn dò được chép trong văn bản có nói là phải “niêm trong bọc ngoài” cẩn thận (bì niêm ngoại bao) và “từ nay về sau không được mở xem cái bì trong” (tự hậu bất khả khán bì trong)(4). Chính nhờ tính chất “Thần bí” này mà Bắc địa tấu từ đã được giữ gìn cẩn thận, trải qua bao năm chiến tranh, và ngày nay chúng ta có được một tư liệu để nghiên cứu về lịch sử khai khẩn Quảng nam, về tổ chức làng xã ở miền Trung ngày trước, về tín ngưỡng Tiền hiền ở vùng đất phương Nam v.v.

26/9/1996
Người biên tập: Mai Xuân Hải

     Chú thích:

(1). Trong Ô Châu cận lục (1553), Dương Văn An có chép một tên xã ở huyện Điện bàn là xã Minh Châu.

(2). Có lẽ là năm Kỷ Hợi (1479), vì dưới thời trị vì của Lê Thánh Tông không có năm Quý Hợi.

(3). Đối chiếu với “Tông đồ hội tánh”, các ông này là con cháu của các ông có tên chép ở phần I.

(4). Trong văn bản có 3 chữ “Cái bì trong” được viết bằng chữ Nôm: ***.

Nguồn: Viện Nghiên Cứu Hán Nôm

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)