BÁCH KHOA THƯ VĂN HOÁ CỔ TRUYỀN các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

TẠ VĂN THÔNG
(PGS TS, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)

1.

     Theo cách hiểu chung nhất, bách khoa thư (BKT) là loại sách (“thư”) trình bày những tri thức về một lĩnh vực (ngành) hay toàn bộ các lĩnh vực. Bách khoa thư văn hoá cổ truyền (BKTVHCT) là loại sách chuyên về một lĩnh vực, dùng để tra cứu tìm hiểu các tri thức về vốn văn hoá từ xưa truyền lại (“cổ truyền”), của một hoặc các cộng đồng.

     Văn hoá cổ truyền (VHCT) có thể được xem là cái làm nên bản sắc của một dân tộc. Nó là một hệ thống gồm nhiều thành tố. Mỗi thành tố vừa mang những đặc điểm chung của văn hoá, vừa có những đặc điểm riêng.

     Việt Nam là nơi cư trú của rất nhiều dân tộc thiểu số (ngoài người Kinh): Tày, Thái, Mường, Khơ-me, Hmông, Nùng, Hoa, Dao, Gia-rai, Ê-đê, Ba-na, Sán Chay, Chăm, Cơ-ho, Xơ-đăng, Sán Dìu, Hrê, Ra-glai, Mnông, Thổ, Xtiêng, Khơ-mú, Bru – Vân Kiều, Cơ-tu, Giáy, Ta-ôi, Mạ, Giẻ – Triêng, Co, Chơ-ro, Xinh-mun, Hà Nhì, Chu-ru, Lào, Kháng, La Chí, Phù Lá, La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cơ Lao, Bố Y, Cống, Si-la, Pu Péo, Rơ-măm, Brâu, Ơ-đu. Đây phần lớn là các dân tộc ít người (thiểu số), cư trú tản mạn ở những vùng sâu vùng xa và xen kẽ với các dân tộc khác, trình độ học vấn thấp, đời sống khó khăn, do vậy vốn VHCT đang đứng trước nguy cơ mất mát hoặc sai lệch.

     Việc biên soạn và công bố các BKTVHCT hiện nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới rất cần thiết, đặc biệt ở các quốc gia đa dân tộc và đặc biệt đối với các dân tộc thiểu số (DTTS). Điều này xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu, mở mang tri thức và hiểu biết lẫn nhau của các dân tộc, cũng như nhu cầu hiểu biết về chính mình trong lòng tự hào và ý thức bảo tồn, phát triển những nét bản sắc riêng của cộng đồng, trong hoàn cảnh giao lưu, tiếp biến văn hoá cũng như toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Có thể nói hiện nay ở Việt Nam, việc biên soạn và xã hội hoá những công trình tra cứu về VHCT của các DTTS, vừa có ý nghĩa khoa học vừa có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc.

     Ở Việt Nam, những BKT về VHCT của các DTTS không nhiều, thậm chí rất hiếm gặp. Trong các công trình đã biên soạn, có thể thấy chủ yếu chỉ về dân tộc Kinh và một vài dân tộc khác; các tri thức về VHCT của các DTTS thường chỉ xen kẽ, không đa dạng, phong phú và không có tính hệ thống. Ngoài ra, chúng (những BKT nói trên) không theo một khuôn mẫu nhất định, thường không đẳng cấu và không nhất quán, không đầy đủ về lượng tri thức, trong cùng một quyển và so các quyển với nhau. Điều đó có thể đã không thoả mãn cho độc giả, đồng thời phản ánh sự khó khăn của các tác giả. Cho đến nay, ở nước ta chưa có một công trình tra cứu nào được biên soạn với mục đích tập hợp và giới thiệu đầy đủ những tri thức bách khoa về VHCT của các DTTS ở Việt Nam.

     Bài viết này nhằm hướng tới những cuốn BKTVHCT của các DTTS ở Việt Nam, qua sự hình dung khái quát về loại công trình này và cái cốt lõi tạo nên những tác phẩm như vậy: bài mục (còn gọi là “mục”), tức là về cấu trúc vĩ mô (danh sách các đầu mục được tuyển chọn theo những quy ước và sắp xếp theo một thứ tự nhất định, tạo thành một cấu trúc mang tính hệ thống trong một chỉnh thể công trình) và cấu trúc vi mô (cấu trúc thông tin trong mỗi mục).

2. Nguyên tắc biên soạn, quy trình biên soạn, kết cấu công trình, các loại bách khoa thư văn hoá cổ truyền

     2.1. Nguyên tắc biên soạn

     – Căn cứ vào sự phân loại khoa học đối với các thành tố trong văn hoá. Coi trọng quan điểm hệ thống trong việc xây dựng cấu trúc (vĩ mô và vi mô) của công trình.

     – Theo quan điểm biện chứng (nhìn nhận vốn VHCT của các DTTS một cách khách quan, hợp với quy luật luôn vận động và phát triển, có tính đến những hoàn cảnh lịch sử – xã hội cụ thể ở mỗi cộng đồng chi phối hoặc ảnh hưởng đến nó). Trình bày các tri thức chủ yếu theo cách miêu tả cái vốn có, tránh sự đánh giá ngẫu hứng, thiên kiến hoặc suy diễn chủ quan, không nêu vấn đề để tranh luận (như trong các công trình khoa học khác).

      – Giới thiệu những tri thức cơ bản về VHCT các DTTS, theo phương châm: chuẩn mực – đặc sắc – hấp dẫn. Hướng tới lợi ích và sự thuận tiện tìm kiếm tra cứu, chủ yếu cho độc giả có trình độ trung học phổ thông trở lên.

     2.2. Quy trình biên soạn

– Soạn thảo đề cương.

– Tổ chức đội ngũ biên soạn, biên tập, mạng lưới tác giả.

– Soạn thảo các nguyên tắc và thể lệ biên soạn.

–  Tuyển chọn xác lập bảng (khung) đầu mục; thiết kế kết cấu trúc vi mô các loại mục.

– Điều tra, tập hợp tư liệu (xây dựng ngân hàng dữ liệu).

– Viết một số bài mục đại diện cho các loại làm mẫu.

– Tổ chức biên soạn các bài mục.

– Biên tập và hoàn chỉnh bản thảo.

     2.3. Kết cấu công trình

– Phần Mở đầu (giới thiệu chung về cuốn sách: DTTS đang nói đến; nguyên tắc thể lệ biên soạn; quy định chính tả và chữ viết tắt; cách tra cứu,…).

– Phần chính: các mục (xếp theo thứ tự abc; hoặc phối hợp theo các chủ đề tri thức và theo abc).

– Phần dẫn (còn gọi là “sách dẫn” và “bảng chỉ dẫn” – Index).

     2.4. Các loại bách khoa thư văn hoá cổ truyền của các dân tộc thiểu số

     – Các BKTVHCT của các DTTS phân biệt theo khu vực cư trú – vùng miền, địa phương. Ví dụ: BKTVHCT của các DTTS ở vùng Tây Bắc hay vùng Đông Bắc miền Bắc Việt Nam; BKTVHCT của các DTTS ở Cao Bằng; BKTVHCT của các DTTS ở Gia Lai – Kon Tum; BKTVHCT của các DTTS ở Việt Nam.

     – Các BKTVHCT phân biệt theo đối tượng – các DTTS được đề cập đến. Ví dụ: BKTVHCT của người Hà Nhì – La Hụ – Cống – Si-la – Lô Lô; BKTVHCT của người Ê-đê – Gia-rai – Chăm – Ra-glai – Chu-ru; BKTVHCT của người Dao; BKTVHCT của người Mnông,…

      – BKTVHCT phân biệt theo phạm vi VHCT được đề cập đến, về toàn bộ tri thức về VHCT, hoặc về một hay một vài trong số các thành tố văn hoá. Ví dụ: BKTVHCT về lễ hội; nghề thủ công; ẩm thực; trang phục; tín ngưỡng tôn giáo; ngôn ngữ,…

3. Đặc tính của bài mục trong bách khoa thư văn hoá cổ truyền của các dân tộc thiểu số

      3.1. Yêu cầu chung

Cũng như trong bất kì cuốn BKT nào, bài mục (“mục”) trong BKTVHCT của các DTTS phải có những đặc tính như sau:

      – Mỗi mục được xác định trên cơ sở sự phân loại trong bảng đầu mục chung gồm các chủ đề tri thức thuộc VHCT theo các tiêu chí phân loại. Chúng thuộc một chủ đề tri thức nhất định.

     – Mỗi mục được xem là một tiểu chủ đề tri thức độc lập (còn gọi là “đơn nguyên cơ bản” – yếu tố đơn giản nhất, trọn vẹn, trong một chỉnh thể chung) về VHCT.

     – Nói chung, các tri thức về VHCT được đề cập đến trong các mục phải đã được đa số các thành viên trong cộng đồng thừa nhận hoặc đã được kiểm chứng.

      – Các mục có nội dung tri thức và cách trình bày mang tính chất tương đối quy phạm và thống nhất (xét về tổng thể hoặc từng loại), triệt để theo những thể lệ nhất định: về số lượng các mục trong mỗi chủ đề, tính hài hoà, độ dài, về phạm vi tri thức, ngôn ngữ miêu tả, cách đặt tên đầu mục, sự thể hiện bằng hình ảnh, lối chuyển chú, chính tả, cách phiên chuyển từ ngữ gốc DTTS, cách ghi và thông tin về tài liệu tham khảo, cách trích dẫn, các DTTS được nói đến,…

     3.2. Cấu trúc vĩ mô

     3.2.1. Cơ sở để thiết lập bảng đầu mục

     – Căn cứ vào sự phân loại khoa học hiện đang phổ biến đối với cấu trúc, các hình thái và thành tố VHCT. Từ đó, có được sự hình dung khái quát về chuyên ngành Văn hoá học và dự kiến phân loại đối với các tri thức bách khoa thuộc vốn VHCT.

     – Căn cứ vào các ấn phẩm đã công bố (từ điển, sách khảo cứu, giáo trình, các đề tài nghiên cứu khoa học, khoá luận, luận văn, luận án,… về VHCT các DTTS).

     – Căn cứ vào tư liệu thực tế qua các cuộc điền dã ở vùng DTTS tại địa phương.

     Từ các cơ sở trên, việc tuyển chọn các đầu mục (xương sống của một cuốn BKT) khác nhau được tiến hành, từ đó có bảng phân loại chung gồm các mục về VHCT được sắp xếp theo các chủ đề. Tiếp theo là dùng các từ hoặc cụm từ đặt tên cho các đầu mục này. Từ đây, chúng đã có tư cách đứng trong các cuốn BKT.

      3.2.2. Bảng phân loại bài mục trong bách khoa thư văn hoá cổ truyền của các dân tộc thiểu số

      Việc phân loại các mục đem lại một cái nhìn tổng quan và có hệ thống về tri thức văn hoá được đề cập đến, giúp hình dung được cấu trúc vĩ mô của toàn công trình và mối quan hệ giữa các chủ đề nhỏ trong công trình. Kết quả của việc phân loại nói trên là bảng phân loại các mục.

     Các loại bài mục chính (trong thiết kế tổng thể bảng đầu mục):

– Loại mục chung về các khái niệm chung trong VHCT của các cộng đồng.

     – Loại mục về văn hoá vật thể (hữu thể): di tích về văn hoá, kiến trúc, lịch sử, khảo cổ; danh lam thắng cảnh; trang phục; ẩm thực;… do cộng đồng sáng tạo ra hoặc ở khu vực sinh sống của cộng đồng.

     – Loại mục về văn hoá phi vật thể (vô thể): lễ hội, nghề thủ công, văn nghệ dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ, lối sống,…

     – Loại mục về các tác phẩm tiêu biểu (ấn phẩm hoặc truyền miệng) trong VHCT của cộng đồng.

      – Loại mục về các sự kiện văn hoá đáng ghi nhớ.

      – Loại mục về các danh nhân văn hoá hoặc các nhân vật (huyền thoại hoặc có thực),… được biết đến hoặc truyền tụng trong cộng đồng.

      Mỗi loại mục đã nói ở trên, do tính đặc thù của các thông tin được đề cập đến của mỗi loại, cần được biên soạn theo những thể lệ (đề cương) riêng.

      3.3. Cấu trúc vi mô

      3.3.1. Các yếu tố trong một bài mục

      Nhìn chung, mỗi mục thường có ba phần: phần định nghĩa hoặc định tính; phần nội dung cơ bản; phần tư liệu bổ sung.

     Trong BKTVHCT của các DTTS, mỗi mục hoàn chỉnh gồm các yếu tố (trình bày theo thứ tự) như sau:

      – Tên đầu mục: yếu tố đại diện hoặc mang tính khái quát cho nội dung của khái niệm hoặc chủ đề tri thức được đề cập đến trong mục. Là chìa khoá để tra cứu trong cuốn BKT.

      – Văn bài: yếu tố chính cung cấp thông tin, nội dung tri thức trong mỗi mục. Đây thường được xem là phần “da thịt” tạo nên hình hài sinh động cho tác phẩm. Gồm: định nghĩa (giới thiệu chủ đề tri thức hoặc khái niệm); nguồn gốc hoặc quá trình lịch sử hình thành (của khái niệm hoặc của chủ đề tri thức); những nội dung tri thức cơ bản được đề cập đến hoặc có liên quan đến chủ đề; những nội dung tham khảo (bên cạnh nội dung tri thức cơ bản nói trên); tranh ảnh, bản đồ minh hoạ (trong trường hợp cần thiết);… Trong văn bài của một mục lớn có thể trình bày khái quát các chủ đề nhỏ hơn (cấu trúc thành các bậc) nhằm chi tiết hoá nội dung tri thức của chủ đề lớn, hoặc đề cập đến các tri thức có liên quan trực tiếp đến chủ đề lớn.

      – Thư mục tham khảo (trong trường hợp cần thiết): yếu tố giúp độc giả hiểu xuất xứ (nguồn) của những tri thức đã trình bày trong mục, đồng thời giúp độc giả tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề.

     – Tên tác giả (theo quy định hoặc trong trường hợp cần thiết).

      3.3.2. Đề cương một số loại bài mục

     1/ Loại mục về tục lệ. Ví dụ: lễ chia của (mắng sấy; Lô Lô); ăn hỏi (kin tháp; Tày); săn bắn (tức thấu; Tày); lễ cúng bản (gà ma thú; Hà Nhì); cấp sắc (Dao); tục thu vía cho trâu (khoán vài; Tày), cúng ma buồng (quơ chưng; Pà Thẻn), cúng ma nhà (xên skưl ziang; Xinh-mun); lễ mừng lúa mới (trum trak; Chăm); lễ ăn trâu (Cơ-ho, Ê-đê, Gia-rai); cúng bố thí (nầy sàng; Lô Lô); cúng trăng (ok om Bok; Khơ-me)… Các nội dung:

     –   Tên đầu mục: tên tục lệ.

–   Tính chất, thời gian và địa điểm phát sinh.

–   Những người đã và/hoặc đang làm theo tục lệ. Khái quát về cộng đồng có tục lệ.

–   Miêu tả tục lệ.

–   Tác dụng và ảnh hưởng đối với văn hoá cộng đồng.

      2/ Loại mục về nhân vật hoặc các nhân thần (nhân vật huyền thoại), nhiên thần (thần linh),… Ví dụ: Nông Trí Cao (Tày); Quốc Mẫu Thánh Âm (Tày); Then (Thái); Lò Lẹt (Thái); Hà Chương (Mường); A Húi, A Hênh (Mảng); Chương Han (Khơ-mú; Thái); Mẻ Bioóc (Tày); Giàng, Yang (Ê-đê, Ba-na, Cơ-ho, Mnông), Pô Nagar (Chăm)… Các nội dung:

      –  Tên đầu mục: tên (hoặc các tên) của người được nói đến.

–  Năm sinh, năm mất; nơi sinh, nơi mất (nếu có).

–  Giới thiệu tóm tắt về nhân thân hoặc các tình tiết có liên quan, trong văn hoá cộng đồng.

–  Ảnh hưởng đối với đời sống hoặc văn hoá cộng đồng DTTS (có thể có sự đánh giá của cộng đồng hoặc của người khác).

–  Các danh hiệu hoặc sự tôn vinh (nếu có).

–  Ảnh (của người được nói đến, hoặc ảnh nơi thờ cúng: đền, miếu…), có thể có những sáng tạo của người đó, hoặc những gì có liên quan.

(Đối với các nhiên thần, nhân thần, có thể không đầy đủ các nội dung trên).

      3/ Loại mục về lễ hội. Ví dụ: Tết nhảy (Nhiàng chầm đao; Dao); Tết thanh minh (Xính mình; Pà Thẻn); Tết nhảy lửa (Pô di; Pà Thẻn); Lễ hội Hằng Nga (Lượn Nàng Hai; Tày); Lễ hội Then Kin Pang (Thái); Hội Xên Mường (Thái); Tết Katê (Chăm);… Các nội dung:

      –  Tên đầu mục: tên lễ hội.

–  Tính chất, thời gian và địa điểm phát sinh.

–  Người hoặc tổ chức phát động lễ hội; những người tham gia chính. Khái quát về cộng đồng có lễ hội.

–  Miêu tả: lễ và hội trong lễ hội.

–  Tác dụng và ảnh hưởng đối với văn hoá cộng đồng (trước đây, hiện nay).

     4/ Loại mục về các hình thức văn nghệ dân gian; các tác phẩm tiêu biểu cho văn hoá cộng đồng. Ví dụ: mo (Mường); sử thi (Thái, Mnông, Mường,…); hát cấp sắc (Dao); hát đám ma (gâux tuôs; Hmông); hát mời rượu (khắp lẩu; Thái); hạn khuống (Thái); hát vui xuân (lượn hỉn chiêng; Tày); hát kể (khan; Ê-đê); Đẻ đất đẻ nước (Tẻ tức tẻ rác; Mường), Vượt biển (Khảm hải; Tày); Bioóc Lả (Tày); Tiễn dặn người yêu (Xóng chụ xon sao; Thái); Truyện bản mường (Quám tô mương, Thái); Tiếng hát làm dâu (Hmông); Út Lót Hồ Liêu (Mường); Khan Đam San (Ê-đê); Hơbia Đrang (Gia-rai), Hà Nhì mí trạ (Hà Nhì),… Các nội dung:

      –  Tên đầu mục: tên hình thức văn nghệ dân gian hoặc tác phẩm.

–  Tính chất, thời gian và địa điểm phát sinh, sáng tác.

      –  Người hoặc tổ chức thực hiện hoặc tác giả; những người tham gia chính (hoặc biểu diễn). Khái quát về cộng đồng có lễ hội.

      –  Miêu tả hình thức và/hoặc lược thuật nội dung kiểu loại, tác phẩm văn nghệ dân gian.

–  Tác dụng và ảnh hưởng đối với văn hoá cộng đồng.

      5/ Ngôn ngữ. Ví dụ: ngôn ngữ của dân tộc Tày, La Chí, Dao, Lô Lô, Thái, La Chí, Pu Péo, Pu Péo, Hà Nhì, Chu-ru, Ê-đê, Lào, Kháng, Phù Lá, La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Co, Xơ-đăng… Các nội dung tri thức:

–  Tên gọi ngôn ngữ (hoặc các ngôn ngữ) được DTTS sử dụng. Các biến thể của tên gọi.

–  Thuộc ngữ hệ, chi, nhánh, nhóm,…

–  Các ngôn ngữ có quan hệ cội nguồn và láng giềng gần gũi.

–  Một số đặc điểm về cấu trúc ngôn ngữ (hoặc các ngôn ngữ): ngữ âm-âm vị học; từ vựng; ngữ pháp,…

–  Tình hình phương ngữ, thổ ngữ.

–  Tình hình chữ viết: tự dạng; lịch sử ra đời; tình hình sử dụng.

      –  Tình hình sử dụng ngôn ngữ trong cộng đồng: phạm vi giao tiếp, các hình thức sử dụng ngôn ngữ, quá trình tiếp xúc ngôn ngữ trong lịch sử và hiện nay, tình trạng đa ngữ,…

      –  Ngôn ngữ trong giáo dục và Văn hoá – Thông tin hiện nay ở vùng dân tộc sử dụng ngôn ngữ (với tư cách tiếng mẹ đẻ).

      Ngoài ra, có thể còn các loại mục từ khác, ví dụ về: địa danh văn hoá; không gian và thời gian tâm linh; biểu tượng văn hoá; các tổ chức văn hoá; điềm báo; trò chơi dân gian, nghề thủ công; âm nhạc; sân khấu; trang phục; tín ngưỡng tôn giáo; kiến trúc; nghệ thuật tạo hình;…

4.

      Không phải tất cả mọi vấn đề về BKTVHCT của các DTTS ở Việt Nam đều được bàn đến ở trên. Khi đề xuất việc biên soạn những công trình như vậy, còn phải xác định cuốn đó có kích cỡ như thế nào, phương thức và thời gian biên soạn, nên xử lí thế nào với những biến thể khác nhau ở các nhóm địa phương của cùng một dân tộc, đơn ngữ (chẳng hạn viết bằng chữ Quốc ngữ và tiếng Việt, hay chữ và tiếng Thái, tiếng và chữ Chăm,…) hay đa ngữ (bằng từ hai ngôn ngữ trở lên),…

      Cần phải thể hiện bằng hệ thống chữ nào (nếu có trên một bộ chữ)? Khi gặp các từ ngữ của ngôn ngữ khác sẽ phải để nguyên ngữ hay phiên chuyển như thế nào, có tính đến thói quen của người sử dụng ngôn ngữ và tính phổ dụng của công trình? v.v.

      Sự hình dung về công trình (hoặc những công trình) BKTVHCT của các DTTS ở Việt Nam như trên cho thấy đây là một công việc rất hấp dẫn, thú vị, nhưng cũng không đơn giản. Các công trình như vậy đòi hỏi rất cao ở người biên soạn. Trước hết, công việc này đòi hỏi các soạn giả phải có kiến thức rất phong phú và đa dạng về văn hoá cổ truyền của các DTTS, phải có sự am hiểu về cách thức biên soạn và có ý thức liên ngành. Ngoài ra, chúng còn đòi hỏi sự say mê, lòng nhiệt tình, tính kiên nhẫn và nguyên tắc của người viết.

      Và trước hết, cần có niềm tin chắc chắn rằng những công trình như vậy sẽ được độc giả hoan nghênh, sẽ có ích lợi rõ rệt đối với VHCT các cộng đồng DTTS ở Việt Nam, cũng như những dân tộc khác khi đến với các cộng đồng này.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Trần Ngọc Bảo, Từ điển ngôn ngữ – văn hoá – du lịch Huế xưa, NXB Thuận Hoá, Huế, 2005.

2. Trần Bình, Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, NXB Lao động, Hà Nội, 2014.

3. Bộ Văn hoá và Thông tin, Bách khoa tri thức phổ thông, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2000.

4. Nguyễn Văn Chiến, Tiến tới xác lập vốn từ vựng văn hoá Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.

5. Claude Lévi – Strauss, Tristes Tropiques, Plon (Ngô Bình Lâm dịch), Nhiệt đới buồn, NXB Tri thức, 2009, 1993.

6. G. Condominas, Nous avons mangé la forêt, Editionsmercure de France, (Nguyên Ngọc dịch), Chúng tôi ăn Rừng Đá – Thần Gôo, NXB Thế giới, Hà Nội, 2003.

7. Nguyễn Hữu Hoành – Nguyễn Văn Lợi – Tạ Văn Thông, Ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2013.

8. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam (4 tập), NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 1995, 2002, 2003, 2005.

9. Jean Chevalier Alaingeerbrant, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2002.

10. Vũ Ngọc Khánh, Từ điển Việt Nam: văn hoá, tín ngưỡng, phong tục, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2005.

11. Doãn Hiệp Lí (chủ biên) – Mã Tiểu Hồng – Tống Đại Xuyên, Từ điển văn hoá cổ truyền Trung Hoa, (Bản dịch của Lê Khánh Trường), NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2001.

12. Hữu Ngọc (chủ biên), Từ điển văn hoá cổ truyền Việt Nam, NXB Thế giới, Hà Nội, 1995.

13. Hữu Ngọc, Lãng du trong văn hoá Việt Nam, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2007.

14. Hoàng Quyết – Triều Ân – Hoàng Đức Toàn, Từ điển văn hoá cổ truyền dân tộc Tày, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 1996.

15. Radugin A.A., Từ điển bách khoa văn hoá học (Vũ Đình Phòng dịch), Viện Nghiên cứu Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội, 2011.

16. 16. Tạ văn Thông, Mục từ trong bách khoa thư văn hoá Việt Nam, Từ điển và Bách khoa thư, số 3, 2010.

17. Trần Quốc Vượng (chủ biên), Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2004.