Bán phụ tố trong tiếng Hán hiện đại và phương pháp chuyển dịch sang tiếng Việt
SEMI-AFFIXES OF MODERN CHINESE AND METHODS
FOR TRANSLATING INTO VIETNAMESE
Tác giả bài viết: VÕ TRUNG ĐỊNH*; CHU QUỲNH TRANG**
(*, **Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế)
TÓM TẮT
Sau thời kỳ cải cách mở cửa, tiếng Hán có sự tiếp xúc thường xuyên liên tục với nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, từ đó phương thức cấu tạo từ trong tiếng Hán cũng có sự chuyển biến rõ rệt, bán phụ tố nổi lên như một phương thức tạo từ phái sinh thông dụng, dễ hiểu và được sử dụng nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đối với người học tiếng Hán, việc hiểu nghĩa cũng như dịch thuật bán phụ tố trong tiếng Hán sang tiếng Việt thực sự không đơn giản và đôi khi còn dễ gây nhầm lẫn. Bài báo này đi sâu phân tích sự khác biệt giữa phụ tố và bán phụ tố trong tiếng Hán hiện đại, tìm hiểu xu hướng phát triển của bán phụ tố trong thời kỳ mới, từ đó đề xuất ba phương pháp dịch thuật thể loại từ phái sinh mang bán phụ tố sang tiếng Việt.
Từ khóa: bán phụ tố, từ phái sinh, tiếng Hán, dịch thuật.
ABSTRACT
After the period of reform and opening up, Chinese language has regular and continuous contact with many other languages in the world. Since then, the method of word formation in Chinese language has also changed markedly, semi-affixes have emerged as a common method of creating derivative words and being used a lot on mass media. For Chinese learners, understanding the meaning as well as translating semi-affixes in Chinese into Vietnamese is really not simple and sometimes confusing. This article deeply analyzes the difference between affix and semi-affixes in modern Chinese, understanding the development trend of meaningful suffixes in the new period, and finally puts forward three methods to translate these derivative words into Vietnamese.
Keywords: semi-affixes, derivative words, Chinese language, translate.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Trong các phương thức cấu tạo từ tiếng Hán hiện đại, phương thức phụ gia là phương thức phổ biến để tạo ra từ mới trên cơ sở kết hợp căn tố với phụ tố. Loại từ được tạo ra bằng phương thức phụ gia được gọi là từ phái sinh. Phụ tố trong tiếng Hán có 2 loại, phụ tố không có nghĩa được gọi là “từ xuyết” (词缀), phụ tố có nghĩa được gọi là “loại từ xuyết” (类词缀) hoặc “chuẩn từ xuyết” (准词缀).
Phụ tố có nghĩa lâu nay đã được nhiều học giả Trung Quốc nghiên cứu và thống kê. Lữ Thúc Tương (吕叔湘, 1942) trong cuốn “Trung Quốc văn pháp yếu lược” nhắc đến một thành phần “gần với từ vĩ” (近似词尾) trong từ vựng tiếng Hán. Lục Chí Vi (陆志韦, 1957) trong sách “Phương pháp cấu tạo từ tiếng Hán” nhắc đến một thành phần ghép sau từ như hậu tố. Đinh Thanh Thụ (丁声树, 1961) trong sách “Giảng thoại ngữ pháp Hán ngữ hiện đại” nhắc đến các hình vị “自, 相, 反” như một loại tiền tố. Tuy vậy, các đề xuất này không thực sự nổi bật khi nhắc đến ngữ pháp hay từ vựng tiếng Hán của giai đoạn này. Mãi đến năm 1979, Lữ Thúc Tương mới chính thức đặt ra thuật ngữ “loại tiền xuyết” (类前缀 bán tiền tố) và “loại hậu xuyết” (类后缀 bán hậu tố) cho loại phụ tố có nghĩa này trong sách chuyên khảo “Vấn đề phân tích ngữ pháp Hán ngữ”. Ông chỉ ra trong tiếng Hán có 18 bán tiền tố và 23 bán hậu tố, cụ thể: bán tiền tố có 不, 单, 多, 准, 无, 非, 反, 可, 好, 难, 自, 类, 亚, 次, 超, 半, 前, 代; bán hậu tố có 化, 性, 率, 法, 界, 学, 家, 员, 人, 体, 气, 民, 物, 品, 具, 件, 子 (không đọc thanh nhẹ), 种, 类, 别, 度, 质, 力 (Lã Thúc Tương, 1979, tr. 48-49). Việc đề xuất thuật ngữ “loại từ xuyết” (类词缀) chính thức xác định sự khác biệt giữa phụ tố không có nghĩa và phụ tố có nghĩa, và cũng phù hợp với quy luật phát triển của ngôn ngữ.
Thuật ngữ “thời kỳ mới” của bài báo được tính sau giai đoạn Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa (từ năm 1979) cho đến nay. Trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, tiếng Hán có sự tiếp xúc thường xuyên liên tục với nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, đặc biệt là tiếng Anh. Từ đó phương thức cấu tạo từ trong tiếng Hán cũng có sự chuyển biến rõ rệt, bán phụ tố nổi lên như một phương thức tạo từ phái sinh thông dụng, dễ hiểu, bắt kịp hơi thở cuộc sống và được sử dụng nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Nhiều nhà ngôn ngữ học đã quan tâm nghiên cứu xu hướng sản sinh và phát triển của các loại bán phụ tố này như Trương Bân (张 斌, 2002), Doãn Hải Lương (尹海良, 2011), … Các bán phụ tố được nghiên cứu trong bài báo xuất hiện sau năm 1979, không thuộc nhóm bán phụ tố mà Lữ Thúc Tương đã chỉ ra như ở trên.
Ở Việt Nam, khi bàn về thành phần cấu tạo từ, Nguyễn Thiện Giáp đã gọi loại phụ tố có nghĩa dạng này với tên “bán phụ tố”. Ông chỉ ra rằng: “những yếu tố không mất hoàn toàn ý nghĩa sự vật của mình, nhưng lại được lặp lại trong nhiều từ, có tính chất của những phụ tố cấu tạo từ. Tiêu chí cơ bản của bán phụ tố là tính chất phụ trợ của nó, thể hiện trong những đặc điểm về ý nghĩa, phân bố và chức năng. Trong khi hoàn thành chức năng cấu tạo từ, chúng vẫn giữ mối liên hệ về ý nghĩa và hình thức với những từ gốc hoạt động độc lập, cho nên chúng không chuyển hoàn toàn thành các phụ tố” (Nguyễn Thiện Giáp, 1998, tr. 67). Bài báo sử dụng cách gọi “bán phụ tố” cho phụ tố có nghĩa trong tiếng Hán.
Do bán phụ tố ngày càng nổi lên như một phương thức tạo từ phái sinh nhanh chóng và tiện lợi, trong khi các giáo trình giảng dạy tiếng Hán chưa cập nhật kịp thời các bán phụ tố này, giáo trình Từ vựng Hán ngữ của tác giả Vạn Nghệ Linh (万艺玲, 2000) cũng chỉ dành ba trang đề cập đến phụ tố có nghĩa nhưng không gọi nó với thuật ngữ nào mà chỉ nhắc đến như một loại phụ tố đặc thù. Các đề thi HSK từ sơ đến cao cấp bắt đầu xuất hiện nhiều từ phái sinh mang bán phụ tố trong thời kỳ mới. Do đó, việc hiểu đúng nghĩa cũng như dịch thuật bán phụ tố trong tiếng Hán sang tiếng Việt thực sự không đơn giản và đôi khi còn dễ gây nhầm lẫn.
Để có thêm dữ liệu chính xác, cập nhật, bài báo tiến hành nghiên cứu theo hai phương pháp: thống kê, phân loại và ứng dụng vào giảng dạy trên lớp. Chúng tôi tiến hành thống kê bán phụ tố trong Từ điển Hán ngữ hiện đại (现代汉语词典, bản cập nhật số 7, Thương vụ ấn thư quán, 2016) để làm cơ sở cho việc phân biệt phụ tố với bán phụ tố cũng như tìm hiểu xu hướng phát triển của bán phụ tố trong thời kỳ mới. Với phương pháp ứng dụng vào giảng dạy trên lớp, khi giảng dạy học phần Lý thuyết dịch đối chiếu cho sinh viên chuyên ngành tiếng Trung Biên dịch và tiếng Trung Phiên dịch của Khoa tiếng Trung, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế, chúng tôi hướng dẫn sinh viên tiến hành chuyển dịch bán phụ tố thời kỳ mới sang tiếng Việt, từ hiệu quả giảng dạy trên lớp đề xuất các phương pháp chuyển dịch thể loại từ phái sinh này sang tiếng Việt.
2. Phụ tố và bán phụ tố trong tiếng Hán thời kỳ mới
2.1. Phân biệt phụ tố và bán phụ tố trong tiếng Hán hiện đại
Thuật ngữ “căn tố”, trong tiếng Hán gọi là từ căn (词根), “phụ tố” được gọi là từ xuyết (词缀). Trong đó, loại phụ tố được ghép vào trước căn tố được gọi là tiền xuyết (前缀), tức tiền tố, như: 阿 (a), 初 (sơ), 老 (lão), 第 (đệ); loại phụ tố được ghép vào sau căn tố được gọi là hậu xuyết (后 缀), tức hậu tố, như: 子 (tử), 儿 (nhi), 头 (đầu), 然 (nhiên); “trung tố” (中缀trung xuyết) vẫn còn là một vấn đề đang còn nhiều tranh luận và chưa thống nhất trong Hán ngữ. Các phụ tố này đã hoàn toàn mất nghĩa khi tạo ra từ phái sinh, một số phụ tố còn mất đi thanh điệu gốc, chỉ được đọc thanh nhẹ như 子, 头 hoặc âm uốn lưỡi như 儿. Số lượng các phụ tố không có nghĩa này hầu như không thay đổi trong quá trình phát triển của tiếng Hán. Ngược lại, bán phụ tố trong tiếng Hán không hoàn toàn mất đi ý nghĩa thực tại của mình, nó kết hợp với căn tố để tạo nên từ phái sinh mang trọn vẹn ý nghĩa của hai hình vị này, ví dụ:
– Bán tiền tố 可 khả (xứng đáng) + căn tố 爱 ái (yêu) = 可爱 khả ái (đáng yêu).
– Căn tố 读 độc (đọc) + bán hậu tố 者 giả (người) =读者 độc giả (người đọc).
Bán phụ tố giống phụ tố ở đặc điểm vị trí của nó cố định trong từ phái sinh khi cấu tạo từ. Có loại chỉ xuất hiện với tư cách là bán tiền tố như 可~ khả (可爱 khả ái, 可疑 khả nghi, 可恶 khả ố…), 反~ phản (反作用 phản tác dụng, 反革命 phản cách mạng, 反封建chống phong kiến); có loại chỉ xuất hiện với tư cách là bán hậu tố như ~者 giả (学 者 học giả, 读者 độc giả, 作者 tác giả), ~非 phi (非法 phi pháp, 非常 phi thường, 非正式 phi chính thức). Một số bán phụ tố xuất hiện trước thời kỳ cải cách mở cửa được Lữ Thúc Tương chỉ ra như: chỉ người: ~家 (gia), ~员 (viên), ~界 (giới); chỉ phủ định: 非~ (phi), 无~ (vô), 不~ (bất); chỉ tính chất: ~性 (tính); chỉ sự xứng đáng: 可~ (khả).
Trong khi đó, bán phụ tố xuất hiện ngày càng nhiều trong quá trình sản sinh từ mới của tiếng Hán, chẳng hạn như: ~热 (nhiệt): chỉ một trào lưu đang nổi lên; ~族 (tộc): những người mang cùng đặc điểm, thể loại nào đó; ~迷 (mê): chỉ người đam mê, hâm mộ cái gì đó. Theo thống kê từ Từ điển Hán ngữ hiện đại (bản cập nhật số 7, xuất bản năm 2016), tiếng Hán hiện đại có tổng cộng 76 bán phụ tố, trong đó có 24 bán tiền tố (chiếm 31.6%), 52 bán hậu tố (chiếm 68.4%). So với số lượng Lữ Thúc Tương thống kê năm 1979 (18 bán tiền tố và 23 bán hậu tố), có thể thấy số lượng bán phụ tố tăng lên rất nhiều, trong đó bán hậu tố có xu hướng sản sinh nhiều nhất. Một số bán phụ tố mà Lữ Thúc Tương chỉ ra đã không còn được Từ điển Hán ngữ hiện đại giải thích nghĩa như là một bán phụ tố như: 代~, 自~, 难~, ~别, ~类, ~力, ~人, ~体, ~物, ~质, ~子(không đọc thanh nhẹ). Một số bán phụ tố thuộc ngôn ngữ mạng được sử dụng khá phổ biến trên các trang mạng xã hội nhưng chưa được đưa vào Từ điển Hán ngữ hiện đại, như: 晒~, ~霸, ~城, ~达人, ~二代, ~自由, … Giải thích nghĩa của các bán phụ tố trong bài báo dựa theo Từ điển Hán ngữ hiện đại (viết tắt Từ điển).
Bảng 1. Thống kê bán phụ tố tiếng Hán từng thời kỳ
Ngữ liệu | Bán tiền tố | Bán hậu tố |
Vấn đề phân tích ngữ pháp Hán ngữ (Lữ Thúc Tương, 1979) | 半, 不, 超, 次, 代, 单, 多, 反, 非, 好, 可, 类, 难, 前, 无, 亚, 准, 自 | 别, 度, 法, 化, 家, 件, 界, 具, 类, 力, 率, 民, 品, 气, 人, 体, 物, 性, 学, 员, 质, 种, 子 (không đọc thanh nhẹ) |
Từ điển Hán ngữ hiện đại (bản số 7, 2016) | 半, 不, 超, 次, 大, 单, 多, 反, 泛, 非, 负, 高, 后, 见, 可, 类, 前, 全, 软, 无, 小, 亚, 准, 总 | 吧, 版, 虫, 蛋, 的, 度, 法, 夫, 感, 哥, 工, 观, 鬼, 棍, 汉, 户, 化, 家, 件, 匠, 姐, 界, 界, 具, 客, 佬, 论, 率, 盲, 迷, 民, 奴, 品, 气, 热, 嫂, 生, 师, 士, 式, 手, 坛, 通, 星, 型, 性, 秀, 学, 爷, 员, 者, 族 |
Ngôn ngữ mạng | 被, e (e生活, e时 代), 零, 晒 (share | 霸, 城, 达人, 党, 帝, 二 代, 风, 控, 门, 派, 体, 友, 自由 (外卖自由, 奶茶自 由) |
2.2. Xu hướng phát triển của bán phụ tố tiếng Hán trong thời kỳ mới
Xu hướng phát triển nổi bật của bán phụ tố tiếng Hán là chịu sự ảnh hưởng và vay ượn cách dùng của bán phụ tố trong tiếng Anh. Lâm Quân Phong (林君峰) trong luận văn Thạc sĩ “Nghiên cứu phương pháp cấu tạo từ phái sinh trong Hán ngữ hiện đại” (现代汉语派生构词研究) bảo vệ tại trường Đại học Sư phạm Phúc Kiến (2005) đã chỉ ra xu hướng vay mượn cách dùng phụ tố trong tiếng Anh có từ sau thời kỳ cải cách mở cửa khi tiến hành dịch thuật các thuật ngữ khoa học kỹ thuật, lý thuyết tư tưởng từ phương Tây. Ông đã thống kê được 15 bán phụ tố loại này và cách dịch đối ứng trong tiếng Anh (林君峰, 2005, tr. 23-25).
Ví dụ:
(1) multi~ -> 多~ (đa): multimedia多媒体 (đa phương tiện), multilateral 多边 (đa phương), multiform 多种形式 (đa đạng, nhiều chủng loại), …
(2) semi~ -> 半~ (bán): semimonthly 半月刊 (bán nguyệt san), semiautomatic 半自动 (bán tự động), semiconductor 半导体 (chất bán dẫn), …
(3) zero~ 零~ (linh-không): zero growth 零增长 (không tăng trưởng), zero balance account 零余额账户 (tài khoản số dư bằng không), zero covid 零新冠感染 (không lây nhiễm covid),…
Xu hướng thứ hai là khái quát hóa, ước lệ hóa nghĩa từ, thông qua cơ chế loại suy biến chúng trở thành bán phụ tố. Đây là xu hướng phát triển chủ đạo của bán phụ tố trong thời kỳ mới do số lượng bán phụ tố sản sinh nhiều hơn xu hướng thứ nhất.
(4) 零 ~ (linh): từ một bán tiền tố vay mượn cách nói của tiếng Anh (như giải thích ở trên) đã phát triển thành một bán tiền tố có năng lực cấu tạo từ cao, biểu thị “một tình hình/sự vật không tồn tại”: 零风险 (không rủi ro), 零利润 (không lợi nhuận), 零污染 (không ô nhiễm), 零欠薪 (không nợ lương)…
(5) 准~ (chuẩn): bán tiền tố này vay mượn cách nói quasi~ trong tiếng Latinh, mang nghĩa “đúng như thế, y như vậy”, ví dụ: quasi-contract (chuẩn hợp đồng), quasi-monochrome (chuẩn đơn sắc), dần dần phát triển thành một bán tiền tố mang nghĩa “được xem như thuộc loại sự vật đó tuy không hoàn toàn đúng như vậy” (Từ điển, tr. 1728): 准领导干部 (sắp làm cán bộ lãnh đạo), 准 系统 (máy tính ở dạng bán thành phẩm), 准妈妈
(sắp làm mẹ)…
(6) ~友 (hữu): nghĩa gốc là “bạn bè”, phát triển thành bán hậu tố mang nghĩa “bạn bè có chung một sở thích nào đó”: 麻友 (bạn chơi mạt chược), 摄友 (bạn nhiếp ảnh), 鸟友 (bạn chơi chim)…
(7) ~吧 (ba): nghĩa gốc chỉ quán bar, giờ phát triển thành bán hậu tố mang nghĩa “nơi cung cấp dịch vụ vui chơi giải trí nào đó” (Từ điển, tr. 18): 网吧 (quán net), 氧吧 (nơi cung cấp oxy sạch), 话吧 (quầy gọi điện thoại)…
Có thể thấy, khá nhiều bán phụ tố loại này chưa được Từ điển Hán ngữ hiện đại cập nhật thêm nghĩa khái quát, như 零 ~ (linh), ~友 (hữu), ~吧 (ba)… Người dịch cần tìm hiểu nghĩa mới của các bán phụ tố này qua các từ điển trực tuyến được cập nhật như Bách độ Hán ngữ (百度汉语), Kim Sơn từ bá (金山词霸), Hán ngữ đại từ điển trực tuyến (汉语大辞典 hydcd.com).
3. Chuyển dịch bán phụ tố của tiếng Hán sang tiếng Việt
3.1. Những điều cần lưu ý khi chuyển dịch bán phụ tố của tiếng Hán
Trong tiếng Việt có khá nhiều bán phụ tố vay mượn từ tiếng Hán như viên (học viên, đoàn viên, đảng viên), sĩ (ca sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ), giả (học giả, độc giả, tác giả), phi (phi nhân, phi nghĩa, phi lý), điều này đem đến thuận lợi nhất định khi dịch từ phái sinh từ Hán sang Việt. Tuy nhiên, thuận lợi này sẽ trở thành con dao hai lưỡi nếu chúng ta lạm dụng dịch từ Hán-Việt sang từ tiếng Hán tương ứng, do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, tiếng Việt và tiếng Hán có cách dùng bán phụ tố khác nhau. Chẳng hạn đều chỉ người, trong tiếng Việt có nhiều từ dùng bán hậu tố “sĩ” nhưng khi dịch sang tiếng Hán phải dùng bán hậu tố khác, ví dụ: ca sĩ -> 歌手 (ca thủ), thi sĩ -> 诗人 (thi nhân), họa sĩ -> 画家 (họa gia)…
Thứ hai, có từ Hán-Việt đã chuyển nghĩa khi du nhập vào tiếng Việt, nếu dịch đúng mặt chữ sẽ sai nghĩa, ví dụ: nữ sĩ (mang nghĩa người phụ nữ chuyên viết văn, viết thơ), trong khi 女士 là cách xưng hô cung kính đối với người phụ nữ trong tiếng Hán, tiếng Việt gọi là “quý bà” . Do đó để dịch đúng từ nữ sĩ sang tiếng Hán phải dùng từ 女作家 (nữ tác gia).
Thứ ba, tiếng Việt có nhiều cách dịch khác nhau đối với một bán phụ tố tiếng Hán. Có một số bán phụ tố gốc Hán như giả, gia, viên… khi dịch sang tiếng Việt ngoài dùng từ Hán-Việt tương ứng còn phải dùng thêm các cách nói thuần Việt khác, và đặc biệt lưu ý nghĩa tốt hay nghĩa xấu của từ khi dịch thuật. Ví dụ bán hậu tố 者giả (chỉ người) có cách dịch sau:
(8) ~giả: 作者 tác giả, 学者 học giả, 读者 độc giả, …
(9) nhà~: 革命者 nhà cách mạng, 当局者 nhà chức trách, 演说者 nhà diễn thuyết, …
(10) người~: 劳动者 người lao động, 爱好者 người đam mê, 胜利者 người chiến thắng, …
(11) kẻ ~: 强者 kẻ mạnh, 弱者 kẻ yếu, 侵略者 kẻ xâm lược, …
Thứ tư, cần lưu ý cách dịch cho phù hợp quy tắc ngữ âm, ngữ pháp tiếng Việt. Có bán phụ tố của tiếng Hán là bán hậu tố, khi dịch sang tiếng Việt chuyển thành bán tiền tố, ví dụ ~性 -> tính~: 思 想性 tính tư tưởng, 艺术性 tính nghệ thuật, 可行性 tính khả thi…(căn tố đa số hai âm tiết). Nhưng cũng với bán hậu tố này, có từ phái sinh tiếng Việt lại dùng theo cách nói của tiếng Hán, ví dụ: 毒性 độc tính, 音乐性 nhạc tính, 磁性 từ tính…(lúc này căn tố thường là đơn âm tiết).
3.2. Phương pháp dịch thuật bán phụ tố thời kỳ mới
Sau giai đoạn cải cách mở cửa, bán phụ tố trong tiếng Hán xuất hiện ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu tạo từ mới của ngôn ngữ. Trong các giáo trình giảng dạy tiếng Trung Quốc cũng như đề thi HSK đã xuất hiện các bán phụ tố này. Ví dụ:
(12) 除了能为日常生活增添一些乐趣,大部分的流行音乐留给乐迷们的营养成分实在太少。(đề HSK mã H61001) (Ngoài việc tăng thêm tính giải trí cho cuộc sống thường nhật, phần lớn nhạc trẻ hiện nay không đem đến bao nhiêu “chất dinh dưỡng” cho người yêu nhạc).
(13) 更在二零零九年掀起了一股魔术热,越来越多的人喜欢上了这种近距离魔术。(đề HSK mã H61003) (Năm 2009 nổi lên trào lưu ảo thuật, ngày càng nhiều người yêu thích loại hình ảo thuật tiếp cận công chúng này).
Trong ví dụ (12), xuất hiện bán hậu tố ~迷 (mê), mang nghĩa “người đam mê, người hâm mộ một sự việc nào đó” (Từ điển, tr. 896) . Trong ví dụ (13) xuất hiện bán hậu tố ~热 (nhiệt), chỉ “một trào lưu trào đó đang nổi lên” (Từ điển, tr. 1093). Do đây là những bán phụ tố, nên việc hướng dẫn người học tìm hiểu và làm rõ ý nghĩa (thường đã được khái quát hóa) của các bán phụ tố rất quan trọng, từ đó mới có thể hiểu và dịch đúng ý nghĩa của từ phái sinh. Dưới đây là một số phương pháp dịch thuật bán phụ tố trong tiếng Hán sang tiếng Việt dựa trên ngữ âm, ngữ nghĩa của từ phái sinh:
3.2.1. Dịch nguyên văn
Dịch nguyên văn chỉ nên dùng để dịch các bán phụ tố có âm Hán-Việt được sử dụng nhiều, dễ hiểu trong tiếng Việt. Phương pháp này phù hợp với cách dịch hiện nay trên các trang báo mạng cũng như mạng xã hội. Để tránh khó hiểu cho người đọc, trong trường hợp cần thiết người dịch có thể ghi chú thêm phần giải thích và khi dùng nhiều sẽ nghe quen. Ví dụ:
(14) ~手 (thủ): bán hậu tố này mang nghĩa “người giỏi kỹ năng nào đó, có tay nghề nào đó” (Từ điển, tr. 1201). Những từ có căn tố đơn âm tiết có thể dịch trực tiếp sang âm Hán-Việt như: 水手 thủy thủ; 高手 cao thủ; 助手 trợ thủ; 剑手 kiếm thủ.
(15) ~系 (hệ): bán hậu tố này mang nghĩa “xưng hô nhân vật mang đặc trưng nào đó”: 天然系 thiên nhiên hệ, 少女系 thiếu nữ hệ, 可爱系 khả ái hệ.
(16) ~党 (đảng): bán hậu tố này thuộc ngôn ngữ mạng, mang nghĩa “nhóm người có cùng thuộc tính hoặc sở thích nào đó”: 太子党 thái tử đảng (con em lãnh đạo, tương tự từ “quan nhị đại”); 学生党 học sinh đảng (chỉ giới học sinh); 标题党 tiêu đề đảng (kiểu giật tít câu like),
(17) ~二代 (nhị đại): bán hậu tố này thuộc ngôn ngữ mạng, chỉ “hai đời nay đều như vậy”: 富二代 phú nhị đại, 农二代 nông nhị đại, 官二代 quan nhị đại, …
3.2.2. Dịch nghĩa
Đối với những bán phụ tố dịch nguyên văn không đem lại hiệu quả giao tiếp thì chuyển sang cách dịch nghĩa, khi dịch lưu ý phù hợp với quy tắc ngữ âm, ngữ pháp tiếng Việt. Ví dụ:
(18) 次~ (thứ): bán tiền tố này mang nghĩa “xếp thứ 2; thấp hơn”: 次道德 đạo đức giả, 次高 尚 cao thượng giả, …
(19) ~手 (thủ): bán hậu tố này ngoài những từ có căn tố đơn âm tiết có thể dịch trực tiếp sang âm Hán-Việt (như đã nói ở trên) thì đa số những từ có căn tố hai âm tiết phải chuyển sang dịch nghĩa, như: 操盘手 nhà điều hành; 代购手 người đại diện mua hàng; 谈判手 chuyên gia đàm phán.
(20) ~盲 (manh): nghĩa gốc của từ này là “mù”, khi trở thành bán hậu tố chỉ “người thiếu kiến thức, năng lực một lĩnh vực nào đó” (Từ điển, tr. 878): 法盲 người dốt pháp luật; 科盲 người mù công nghệ; 网盲 người không rành về internet; 股票盲 người không chơi chứng khoán.
(21) ~达人 (đạt nhân): bán hậu tố này thuộc ngôn ngữ mạng, chỉ người thông đạt một lĩnh vực nào đó, tiếng Việt gọi là “chuyên gia”: 音乐达人chuyên gia âm nhạc, 网络达人 chuyên gia internet; 养生达人 chuyên gia dưỡng sinh, …
3.2.3. Dịch thoát ý
Có khá nhiều từ phái sinh hiện nay khi chuyển ngữ để dễ hiểu cho người đọc cần phải sử dụng phương pháp dịch thoát ý (free translation). Khi sử dụng phương pháp này, bản dịch thường dài hơn bản gốc, do người dịch đã thoát ra khỏi sự ràng buộc của ngôn ngữ gốc, dùng hoàn toàn cách nói của ngôn ngữ dịch để thay thế một cách tự nhiên và phù hợp với thói quen biểu đạt thường ngày.
Ví dụ:
(22) ~族 (tộc): bán hậu tố này chỉ “những người mang cùng đặc điểm, thể loại nào đó” (Từ điển, tr.1749): 上班族 cán bộ viên chức nhà nước, 打工族 tầng lớp làm công ăn lương, 啃老族 thành phần ăn bám bố mẹ, 追星族 fans cuồng (chạy theo các ngôi sao).
(23) ~热 (nhiệt): bán hậu tố này chỉ “một trào lưu nào đó đang nổi lên, đang hot” (Từ điển, tr. 1793): 家教热 phong trào dạy thêm học thêm; 托福热 trào lưu (học và thi) TOEFL; 足球热 cơn sốt bóng đá; 旅游热 cơn sốt đi du lịch.
(24) ~鬼 (quỷ): bán hậu tố này dùng để chỉ người, mang hàm ý căm ghét hoặc khinh miệt (Từ điển, tr.492): 酒鬼 kẻ nghiện rượu, tay nát rượu, con ma men, kẻ sáng say chiều xỉn; 烟鬼 kẻ nghiện thuốc, ống khói di động; 胆小鬼 tay nhát gan, tên thỏ đế.
(25) ~客 (khách): bán hậu tố này thuộc ngôn ngữ mạng, mang nghĩa “người theo đuổi hoạt động nào đó”: 闪客 người chơi công nghệ flash; 剩客người thừa, người ế; 拼客 người cùng ở ghép.
4. Kết luận
Từ vựng trong bất kỳ một ngôn ngữ nào đều được tạo ra bằng những phương thức mang đặc trưng ngôn ngữ và văn hóa của đất nước đó. Với những phân tích trên cho thấy, bán phụ tố trong tiếng Hán hiện đại thực sự là một hình vị rất đáng để tìm hiểu và nghiên cứu, do tính chất nổi trội của nó trong phép cấu tạo từ phái sinh ở thời kỳ mới. So với phụ tố, bán phụ tố xuất hiện ngày càng nhiều thông qua hai con đường: vay mượn cách nói của tiếng Anh và khái quát hóa ngữ nghĩa của từ, trong đó vay mượn cách nói của tiếng Anh phản ánh tính hội nhập của ngôn ngữ, còn cách dùng khái quá hóa ngữ nghĩa của từ phản ánh nhu cầu tạo từ mới nhanh chóng, dể hiểu, dễ chấp nhận và thỏa mãn nhu cầu giao tiếp của xã hội. Từ phái sinh được tạo ra bằng cách thứ hai này có số lượng nhiều hơn và không ít trong số đó thuộc ngôn ngữ mạng, nghĩa khái quát của nó chưa được đưa vào Từ điển Hán ngữ hiện đại, nhưng đối với người làm công tác giảng dạy tiếng Hán hiện đại, nhất là các học phần về biên-phiên dịch, giảng viên cần chú trọng hướng dẫn người học tìm hiểu kỹ hơn cơ chế sản sinh, quy luật phát triển và ngữ nghĩa, ngữ dụng của bán phụ tố trong tiếng Hán, tránh việc suy diễn nghĩa mặt chữ mà dịch sai nghĩa từ, từ đó tìm ra được phương pháp dịch phù hợp cho từng loại bán phụ tố./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
丁声树. (1961). 现代汉语语法讲话. 北京: 商务印书馆.
林君峰. (2005). 现代汉语派生构词研究. (硕士学位论文, 福建师范大学, 福建).
陆志韦. (1957). 汉语的构词法. 北京: 科学出版社.
吕叔湘. (1942). 中国文法要略. 北京: 商务印书馆.
吕叔湘. (1979). 汉语语法分析问题. 北京: 商务印书馆万艺玲. (2000). 汉语词汇教程. 北京: 北京语言文化大学出版社.
尹海良. (2011). 现代汉语类词缀研究. 河北: 河北大学出版社.
中国社会科学院语言研究所词典编辑室. (2016). 现代汉语词典 (第7版). 北京: 商印书馆.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Ngoại ngữ Quân sự, Số 37 (9/2022)
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Bán phụ tố trong tiếng Hán hiện đại và phương pháp chuyển dịch sang tiếng Việt (Tác giả: Võ Trung Định; Chu Quỳnh Trang) |