BẢN SẮC và GIAO TIẾP VĂN HÓA DÂN TỘC (Qua khảo sát một số hệ giá trị văn hóa tộc người vùng Nam Bộ) (Phần 2)
ETHNIC IDENTITY and CULTURAL INTERCHANGE and ACCULTURATION
(From a survey of systems of ethnic cultural values in Southern area) (Part 2)
HUỲNH QUỐC THẮNG
(Phó giáo sư, tiến sĩ)
3.
Khi nói về những yếu tố quyết định đặc điểm văn hóa vùng, tác giả Ngô Đức Thịnh đã từng nêu rõ : “Về các nhân tố góp phần tạo nên vùng văn hóa, chúng ta nhấn mạnh một cách đúng mức hơn vai trò môi trường tự nhiên trong mối quan hệ tác động qua lại với con người, chú ý tới nhân tố nguồn gốc tộc người, những tương đồng về trình độ phát triển kinh tế – xã hội, tới nhân tố chính trị, tới ranh giới quốc gia, ảnh hưởng của các tôn giáo, đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của giao lưu ảnh hưởng văn hóa trong việc tạo nên vùng văn hóa” [2]. Khảo sát văn hóa của người Việt ở Nam Bộ, tộc người chủ thể đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với việc tạo ra đặc trưng văn hóa vùng Nam Bộ, người ta có thể thấy rõ về điều đó. Đặc biệt đi sâu tìm hiểu về các quá trình giao tiếp văn hóa dân tộc của người Việt ở nơi đây, người ta có thể thấy sự chi phối bởi những nhân tố chủ yếu sau đây : về khách quan, đó là các điều kiện địa lý – lịch sử và kinh tế – xã hội đặc thù của Nam Bộ liên quan trực tiếp tới các hoạt động văn hóa; về chủ quan, đó là trình độ và thị hiếu gắn với nhu cầu văn hóa tinh thần, gồm cả nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của con người mà ở đây cụ thể là của người Việt và các tộc người cùng nhau đến tham gia trong các sinh hoạt văn hóa. Ngoài ra, sự giao tiếp ấy còn là sự hội nhập của các giá trị văn hóa khác nhau đã được tích hợp từ nhiều nguồn qua nhiều giai đoạn lịch sử và có thể được thể hiện ra qua nhiều yếu tố của một hiện tượng văn hóa nhất định. Người ta có thể khái quát nét chung nhất các hệ giá trị tạo nên bản sắc văn hóa tộc người Việt trong mối quan hệ với các quá trình giao tiếp văn hóa dân tộc trên đất Nam Bộ như sau : “Bên cạnh các di sản văn hóa từ Ấn Độ, Mã Lai…gần như nguyên mẫu và trực tiếp tác động tạo màu sắc riêng cho nó, văn hóa Nam Bộ bắt đầu có sự pha trộn theo hướng Việt hoá trên toàn vùng khi người Việt đến nơi đây đông đảo và mang theo những giá trị văn hóa truyền thống Đại Việt trong đó gồm cả các ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa (cổ truyền). Cùng lúc đó, người Hoa với văn hóa Hoa (hiện đại) trực tiếp từ Trung Quốc sang tiếp theo các dòng văn hóa mới mẻ từ phương Tây lần lượt truyền vào…càng làm cho tính ĐA VĂN HÓA của Nam Bộ thêm rõ nét hơn nữa. Tính chất ĐA VĂN HÓA (multiculturelle) do diện giao tiếp rộng với nhiều tầng, nhiều lớp như vậy kết hợp với các yếu tố khác về địa lý, lịch sử…đã góp phần tạo ra tính đa dạng về địa-văn hóa (géo-culture) của vùng, tiểu vùng và các địa phương trong vùng cùng tính năng động, cởi mở (đặc biệt thể hiện rõ nét qua giao tiếp văn hóa dân tộc …) như là một bản sắc chung nhất của văn hóa Nam Bộ. Tất cả được phản ánh trong mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của người dân Việt nơi đây…”. [3]
Cụ thể hơn, người ta thấy rằng văn hóa của người Việt ở Nam Bộ vừa có những nét đặc trưng văn hóa Đông Nam Á và Nam Á (qua giao tiếp văn hóa Việt-Chăm, Việt-Khmer…), đồng thời cũng có cả nét Đông Á và Đông Bắc Á (qua giao tiếp văn hóa Việt-Hoa…).v.v trong đó cái cốt lõi vẫn là : “Tam giáo Việt Nam: Phật, Khổng, Lão…Qua bao biến động lịch sử, Tam giáo ấy đã góp phần tạo nên “sức mạnh Việt Nam”, từ “Tư tưởng văn hiến Đại Việt” trước đây từng làm nên “Hào Khí Đông A” thế kỷ XIII cho đến truyền thống văn hóa Việt Nam sau này trong tiến trình phát triển về phương Nam đã làm nên “Hào Khí Đồng Nai” ở thời kỳ lịch sử cận -hiện đại của dân tộc” [4] . Trong tiến trình phát triển về phương Nam, các quá trình giao tiếp VHDT làm cho Tam giáo ấy đã trở thành “không còn nguyên gốc nữa, một hệ tư tưởng Nho, Phật, Lão trong thực thể văn hóa vùng Nam Bộ đậm chất Ấn Độ (Hindouisé) hơn và nhạt chất Trung Hoa (Sinisation) đi ít nhiều…” Tựu trung lại, các yếu tố chính tạo thành những “màu sắc” khác nhau trong hệ giá trị văn hóa tộc người Việt ở Nam Bộ có thể khái quát như sau : “Văn hóa truyền thống của người Việt ở Bắc Bộ; Văn hóa Bắc Bộ đã bị Trung Bộ hóa (chủ yếu là Chăm hóa); Văn hóa Trung Hoa cận – hiện đại (trực tiếp từ nam Trung Quốc sang); Văn hóa Khmer; Văn hóa phương Tây..” [5].
Liên quan và để làm rõ những luận điểm trên, người ta có thể nêu hàng loạt ví dụ từ thực tế trong đời sống văn hóa của người Việt ở Nam Bộ :
+ Tín ngưỡng / tâm linh thờ cá voi ven biển từ Quảng Bình trở vào tận tới Cà Mau do sự ảnh hưởng bởi quá trình cộng cư và giao lưu tiếp biến văn hóa giữa người Việt với người Chăm (Cha Aih Va – Pô Riyăk), một sinh hoạt không chỉ mang tính chất “địa – văn hóa” mà còn mang tính chất “văn hóa tộc người” nữa…
+ Cuộc hành trình tiến về phương nam của người Việt đã ghi lại những dấu ấn văn hóa trong đời sống tâm linh, được thể hiện rõ nét nhất trong các thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo ở Nam Bộ. Với bề dày hơn 300 năm lịch sử, hàng trăm đình, đền, lăng, miếu, nhà thờ, thánh thất và hàng ngàn ngôi chùa Phật giáo (với nhiều tông phái…) qua các hiện vật, trang trí, điêu khắc, kiến trúc cũng như các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội tôn giáo … đã phản ánh những nét văn hóa truyền thống lâu đời cùng với văn hóa thời kỳ đầu khẩn hoang của người Việt, và mang cả một “phức hợp” các yếu tố văn hóa Khmer, Chăm, Hoa và cả phương Tây v.v…Đáng chú ý là mối quan hệ giao tiếp văn hóa dân tộc tại các cơ sở tín ngưỡng trong vùng đôi khi phức tạp đến mức đã có sự lẫn lộn giữa các chủ thể tham gia tại các nơi ấy. Ví dụ Lệ Châu hội quán (Quận 5 – TP. Hồ Chí Minh) từng được xếp trong Danh sách các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa và hoàn toàn thuộc cộng đồng Minh Hương. Đó là điều không chính xác, bởi vì từ đối tượng thờ nơi đây (Tổ thợ bạc) cho tới đối tượng tham gia tổ chức và chịu sự chi phối của sinh hoạt tín ngưỡng – lễ hội nơi đây (đông đảo thợ kim hoàn Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ) trước nay chủ yếu vẫn là người Việt…
+ Gần gũi hơn, người ta có thể liên hệ các sinh hoạt trong các thiết chế văn hóa hiện đại : Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (Quận 9 – TP. Hồ Chí Minh). Đây không chỉ là một trung tâm tổ chức sinh hoạt vui chơi giải trí như một thiết chế “công viên văn hóa”, một “khu du lịch” mang tính chất một “tiểu Disneyland” của Việt Nam mà nó còn là một thiết chế công nghệ chuyên “kinh doanh giải trí” với quy mô lớn theo định hướng lấy bản sắc văn hóa truyền thống, dân tộc làm nền tảng. Những “trọng điểm” (main destination) trong Khu du lịch hiện đại này, đó là những công trình mang tính định hướng lịch sử rất rõ ràng như Đền thờ Hùng Vương, Biển Tiên Đồng – Núi Lạc Long Quân & Núi Au Cơ…, Quảng trường Phù Đổng, Quảng trường Đinh Bộ Lĩnh, Tượng đài Hai Bà Trưng…Ngoài ra, nơi đây còn có các điểm tham quan quan trọng liên quan tín ngưỡng dân gian và nhắc nhở các đạo lý truyền thống dân tộc như Quảng trường Tôn Sư Trọng Đạo, Sự Tích Trầu Cau…v.v…chưa kể những chương trình lễ hội, sự kiện lớn thường xuyên hoặc định kỳ tổ chức nơi đây ( Chương trình sân khấu hóa về huyền thoại Sơn Tinh – Thủy Tinh, Lễ tưởng niệm các Vua Hùng, Lễ hội Trái cây Nam Bộ v.v…)…tất cả đều chú ý thể hiện và đề cao truyền thống văn hóa, đất nước và con người của cả dân tộc cũng như của địa phương…Nhưng đồng thời bên cạnh đó, nơi đây còn có các hạng mục công trình vật chất – kỹ thuật được đầu tư quy mô, nghiên cứu nghiêm túc và mang đậm màu sắc “tâm linh” như : Thiên Tiên Môn, Thiên Đăng Bảo Tháp, Long Hoa Nhật Nguyệt, Long Hoa hội, Long Hổ Thiên Sơn, Phúc Cung Tam Phước, Linh Cung Thập Nhị Giáp, Cội Bồ Đề, Kỳ Lân Cung, Thiên Đình Cung, Cầu Bát Tiên Quá Hải v.v…Tất cả đều toát lên một màu sắc hết sức “thoáng mở” theo tinh thần đủ cả Nho – Phật – Lão lẫn tín ngưỡng dân gian các loại !…Tương tự như vậy, Khu du lịch Đại Nam (hay Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, Bình Dương), mới hình thành gần đây với quy mô thậm chí còn lớn hơn cả Suối Tiên (diện tích ban đầu khoảng 450 ha) nhưng cũng mang phong cách, dáng vẻ “mở” đến độ khá “phức tạp” không chỉ về khía cạnh tâm linh mà còn về văn hóa nói chung! Công trình trung tâm là Đại Nam Quốc Tự (5.000 m2) gồm các phù điêu, hoa văn thể hiện lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ, vị trí trung tâm là điện thờ Tứ Ân (Tạo Hóa, Tổ Quốc, Đồng bào Dân tộc, Tông đường), biểu tượng thờ trung tâm gồm có Đức Phật, Vua Hùng Vương, Chủ tịch Hồ Chí Minh; hai bên là đài thờ Mẹ Âu Cơ và Bách Gia Trăm Họ (với biểu tượng 54 dân tộc và mọi dòng họ ở Việt Nam)…
+ Liên hệ thực tế lịch sử, giải quyết mối quan hệ giữa bản sắc và giao tiếp văn hóa dân tộc, thực chất cũng là vấn đề mối quan hệ dân tộc – thời đại trong nhiều trường hợp có thể giúp người ta tìm được lối thoát cho những vướng mắc lịch sử, kể cả những vướng mắc về chính trị. Ví dụ người ta không thể phủ nhận sự phát triển và các thành tựu bước đầu trong nỗ lực định hình nền điện ảnh dân tộc ở miền Nam Việt Nam và ở Sài Gòn trước đây (đặc biệt là giai đoạn 1954 – 1975) – dù rằng một phần sự phát triển ấy có thể là nhằm mục đích phục vụ cho các hoạt động tâm lý chiến, tuyên truyền cho chế độ phản động tay sai – thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng chắc chắn phải có những tài năng, nỗ lực và cả tâm huyết của những con người tuy hoạt động trong lòng chế độ cũ nhưng vẫn có công lao nhất định đối với sự nghiệp xây dựng nền điện ảnh hiện đại của Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà chính quyền Sài Gòn đánh giá rất cao vai trò quan trọng của nghệ thuật điện ảnh, coi sự lớn mạnh của “điện ảnh dân tộc” là sự trưởng thành của chế độ, là bộ mặt của “quốc gia”. Ngay cả trong bối cảnh hết sức đặc biệt và đầy khó khăn, điện ảnh Sài Gòn vẫn đã khẳng định được vai trò lịch sử của nó trong dòng chảy của văn hóa dân tộc. Kết quả đáng ghi nhận của “nền điện ảnh” ấy là nó đã sản xuất được cả trăm phim truyện và hàng ngàn phim thời sự tài liệu, trong đó có những phim mang xu hướng tiến bộ và có giá trị nhất định liên quan việc đề cao các giá trị văn hóa dân tộc, bên cạnh đó đã phát hành hàng ngàn phim nhập của nước ngoài (chủ yếu là phim của Mỹ và các nước phương Tây)… Tuy có dấu hiệu nặng xu hướng thương mại hóa và trong điều kiện còn chiến tranh, nhưng “nền điện ảnh” ấy đã thực sự tạo ra được một thị trường điện ảnh khá sôi động và đã bước đầu nhen nhóm một nền “công nghiệp điện ảnh” có thể chưa hoàn chỉnh nhưng cũng là một nhân tố góp phần tích cực vào sự phát triển mới của điện ảnh Việt Nam sau năm 1975, trong đó đáng ghi nhận là sự đóng góp của đội ngũ làm điện ảnh có tay nghề và có tâm huyết thực sự …Nếu liên hệ xa hơn một chút, các “di sản” và “di chứng” của văn hóa thực dân Pháp lưu lại trong văn hóa Việt Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng cũng có thể cho những dẫn chứng tương tự như vậy! [6]…
x
x x
Cho đến nay nhìn chung người ta vẫn chưa thật sự có quan điểm nhất quán về vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc, cho nên, đã có tình trạng không tránh khỏi lúng túng, nhầm lẫn. Chẳng hạn, có người đã nhầm lẫn giữa tính không ổn định, có thể biến đổi về hình thức, sắc thái, hoặc những khía cạnh tiêu cực hạn chế so với các yếu tố “ổn định, bền vững” mang tính giá trị và tính kế thừa của truyền thống lịch sử trong bản sắc…Bản sắc (văn hóa dân tộc), chúng ta cần phải xác định lại một lần nữa, gồm có ba yếu tố cơ bản : một là, yếu tố nền tảng về cội nguồn; hai là, yếu tố đặc trưng về tính cách biến đổi khác nhau thích ứng với hoàn cảnh địa lý, đời sống kinh tế, bối cảnh lịch sử, truyền thống xã hội…; ba là, quan trọng nhất còn là yếu tố thời đại về bản lĩnh để thể hiện và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phân biệt với các dân tộc khác. Bản sắc không phải chỉ là sự thể hiện các sắc thái muôn màu muôn vẻ của quá khứ mà đó còn là sự thể hiện bản lĩnh mang dáng dấp của thời đại. Như vậy, nếu theo tinh thần triết học Phật giáo “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” đồng nghĩa với mọi cái “sắc sắc không không” đều là “ảo” thì ở đây người ta có thể xác định thêm rằng : cái “bản” (gốc) để tạo ra “sắc” lại chính là những “cái có thật”, đó là :
(1) Yếu tố “BẢN ĐỊA”: Liên quan các khía cạnh “địa – văn hóa” đặc thù vùng, miền, địa phương…
(2) Yếu tố “TRUYỀN THỐNG” : Liên quan những vốn cổ truyền, dân gian (folklore).
(3) Yếu tố “DI SẢN” : Liên quan mọi vốn văn hóa vật thể, phi vật thể…
Cách nhìn nhận trên có thể đưa đến những nhận thức quan trọng đối với việc tìm ra những “gốc rễ” và cách phân loại các loại hình sinh hoạt văn hóa của các tộc người nói chung và xa hơn là những luận điểm chính xác, có ý nghĩa khoa học – thực tiễn cao trong việc xem xét về các đặc điểm, xu hướng phát triển của các sinh hoạt ấy trong mối quan hệ với các mặt khác của đời sống văn hóa tộc người nói riêng, của thực tiễn xã hội nói chung…Hơn nữa, từ đó chúng ta mới có cái nhìn biện chứng về bản sắc văn hóa trong đời sống thực của nó. Bởi vì nghiên cứu một hiện tượng văn hóa tộc người nhất định thực chất là nghiên cứu ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai đối với văn hóa bản địa thông qua lĩnh vực hoạt động, loại hình văn hóa cụ thể, là nghiên cứu ảnh hưởng của yếu tố “ngoại sinh” đối với các yếu tố “nội sinh” đã diễn ra trong xã hội tộc người, tương ứng với các các diễn biến của bản sắc văn hóa trong mọi quá trình giao tiếp văn hóa dân tộc. Trước mắt, liên hệ toàn cảnh vùng Nam Bộ chúng ta có thể xác định nơi đây hiện có rất nhiều “gam” màu sắc văn hóa tộc người, mỗi hệ giá trị văn hóa tộc người tạo thành một “gam” cụ thể. Trong đó, tuỳ thuộc vào đặc điểm trình độ phát triển của mỗi tộc người, mỗi bản sắc văn hóa trong mối quan hệ với các quá trình giao tiếp văn hóa dân tộc có thể tạo thành những “gam” màu với một mức độ, tính chất không đồng nhất (khác) nhau, như : “GIAO TIẾP MỞ” so với “GIAO TIẾP ĐÓNG”, hoặc “TIẾP BIẾN MẠNH” so với “TIẾP BIẾN YẾU” v.v…
Từ thực tế đó, chúng ta có thể xác định hai xu thế ngược chiều nhau và hệ quả tất yếu có thể được tạo ra từ hai xu thế đó :
(1) “GIAO TIẾP MỞ” + “TIẾP BIẾN MẠNH” => DỄ PHÁT TRIỂN (VĂN HÓA) + KHÓ GIỮ BẢN SẮC VĂN HÓA (DÂN TỘC)
(2) “KHÔNG GIAO TIẾP” hoặc “GIAO TIẾP ĐÓNG” + “TIẾP BIẾN YẾU” => DỄ GIỮ BẢN SẮC VĂN HÓA (DÂN TỘC) + KHÔNG / KHÓ PHÁT TRIỂN (VĂN HÓA)…
Không còn nghi ngờ gì nữa, quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa ngày càng mở rộng chính là một quá trình thử thách gay gắt đối với việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và các bản sắc văn hóa dân tộc nhằm tìm ra con đường phát triển thăng bằng, hài hòa và bền vững nhất cho con người và xã hội thể hiện ngay trong thực tiễn trên mọi lĩnh vực đời sống đang diễn ra hàng ngày, thường xuyên. Nhất là trong bối cảnh kinh tế – chính trị – xã hội hiện tại và trong xu thế chung khi mà áp lực của văn minh phương Tây đang ngày càng ồ ạt xâm nhập vào mọi ngõ ngách đời sống văn hóa của tất cả các dân tộc với những mặt tích cực lẫn cả mặt tiêu cực của nó thì LÀM CHỦ MỌI QUÁ TRÌNH GIAO TIẾP VĂN HÓA GẮN VỚI Ý THỨC ĐẦY ĐỦ ĐỐI VỚI VIỆC BẢO TỒN, PHÁT HUY TỐT BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược.
__________
[2] NGÔ ĐỨC THỊNH : Nghiên cứu vùng văn hóa khuynh hướng và các vấn đề; Tc Văn hóa dân gian; 3/1989; tr. 11.
[3] HUỲNH QUỐC THẮNG : Lễ hội dân gian ở Nam Bộ; Viện Văn hóa & Nxb VHTT ; H.; 2003; tr. 183 – 184.
[4] TRẦN KHUÊ : Từ hào khí Đông A đến hào khí Đồng Nai một quá trình phát triển truyền thống văn hiến Việt Nam; Trong : Nghiên cứu và tranh luận; Nxb Khoa học xã hội; Hà Nội; 1996; trang 311.
[5] Xem HUỲNH QUỐC THẮNG : Tài liệu đã dẫn, trang 205 – 208.
[6] Nguyễn Mạnh Hùng : Bài tóm lược Di sản và di chứng văn hóa thuộc địa Pháp tại Việt Nam (Lịch sử Việt Nam cận hiện đại), Đại học Quốc tế Hồng Bàng, 2012.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. NGUYỄN CÔNG BÌNH – LÊ XUÂN DIỆM – MẠC ĐƯỜNG: Văn hoá và cư dân đồng bằng sông Cửu Long ; Nxb Khoa học xã hội; 1990.
2. CADIÈRE : Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens; E.F.E.O.; Paris; 1955.
3. TRỊNH HOÀI ĐỨC : Gia Định thành thông chí ; Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa ; Sài gòn ; 1972 .
4. NGÔ VĂN LỆ : Những đặc trưng của những quá trình tộc người ở các nước Đông Nam Á; Tập san khoa học; số 1-1993.
5. ĐINH VĂN LIÊN : Giao lưu văn hóa của các dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long ; Trong : Mấy đặc điểm văn hóa đồng bằng sông Cửu Long (Kỷ yếu); Viện Văn hóa (Bộ VHTT); 1984; tr.65 – 80.
6. THẠCH PHƯƠNG – HỒ LÊ – HUỲNH LỨA – NGUYỄN QUANG VINH (và một số cộng tác viên khác) : Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ ; Nxb Khoa học xã hội; Hà Nội; 1992.
7. SƠN NAM : Đồng bằng sông Cửu Long : Nét sinh hoạt xưa; Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1993.
8. RÉMY : Pilgrimage and Modernity; Social Compass;36 (2); 1989, p.139–143.
9. HUỲNH QUỐC THẮNG : Lễ hội dân gian Nam Bộ; Viện Văn hóa & Nxb Văn hóa Thông Tin; Hà Nội; 2003.
10. NGÔ ĐỨC THỊNH (chủ biên) : Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam; Nxb Khoa học xã hội; Hà Nội; 1993.
11. HUỲNH NGỌC TRẢNG, TRƯƠNG NGỌC TƯỜNG, HỒ TƯỜNG: Đình Nam bộ – tín ngưỡng và nghi lễ; Nxb TP.Hồ Chí Minh; 1993.
12. HUỲNH TỚI : Tiếp biến văn hóa trong sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng dân gian của cư dân Việt ở Đồng Nai;Tc Văn hóa dân gian;số55;3/1996;tr.76-82.
13. PHAN THỊ YẾN TUYẾT: Nhà ở – Trang phục – Ăn uống của các dân tộc vùng đồng bằng sông Cửu Long; Nxb Khoa học xã hội; Hà Nội; 1993.
14. WOODRUFF : The study of a Vietnam rural community: administrative activity. V1.1-2 ; 1960.
Ảnh đại diện do Ban Tu thư thiết lập
Hình: Rước kiệu tại lễ hội cầu ngư Cảnh Dương (Quảng Bình). Nguồn: https://baomoi.com