BẢN SẮC VĂN HÓA của các TỘC NGƯỜI THIỂU SỐ NÓI NGÔN NGỮ MÔN _ KHƠ-ME ở BẮC TRUNG BỘ trong quá trình HỘI NHẬP VĂN HOÁ HIỆN NAY

NGUYỄN THỊ MỸ LỘC 1
NGUYỄN VĂN MẠNH 2
(1,2 Trường Đại học Khoa học Huế)

     Năm 1979, Tổng cục Thống kê đã ban hành danh mục các thành phần tộc người ở nước ta. Trong danh mục đó, vùng núi Bắc Trung Bộ [1] có 5 tộc người thiểu số nói ngôn ngữ Môn – Khơ-me: Tộc người Cơ-tu khoảng hơn 40.000 người (phân bố chủ yếu ở Quảng Nam và ở Thừa Thiên Huế), Ta-ôi hơn 30.000 người (phân bố chủ yếu ở Thừa Thiên Huế và Quảng Trị), Bru – Vân Kiều hơn 50.000 người (phân bố chủ yếu ở Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế [1, tr. 33]), tộc người Khơ-mú hơn 40.000 người và vài trăm người Ơ-đu ở Nghệ An. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến bản sắc văn hoá của các tộc người Cơ-tu, Ta-ôi, Bru – Vân Kiều.

     Các tộc người Cơ-tu, Ta-ôi, Bru – Vân Kiều ở Bắc Trung Bộ trong những năm gần đây đã diễn ra quá trình hội nhập văn hoá. Bộ mặt làng bản của các dân tộc từng bước thay đổi. Đây là một quá trình hết sức phức tạp. Cái mới, cái tiến bộ không phải lúc nào cũng được đồng bào chấp nhận. Cái cũ, đôi khi không còn phù hợp với điều kiện hiện tại nhưng là nếp nghĩ, lối sống lâu đời của đồng bào, đã bén rễ vào trong tâm thức của từng người, bởi vậy không dễ gì ngày một, ngày hai đã đẩy lùi được. Một nhân tố làm phức tạp thêm cho quá trình hội nhập văn hoá ở vùng đồng bào các dân tộc nơi đây là mặt trái của cơ chế thị trường, của những yếu tố ngoại lai đang len lỏi đến từng làng bản. Lối sống chạy theo đam mê vật chất tầm thường, như ăn nhậu, karaoke, café đèn mờ,… đang làm băng hoại nhiều giá trị đạo đức, thuần phong mĩ tục của đồng bào. Từ đó không ít người già có uy tín trong cộng đồng hoài nghi, dị ứng, ác cảm với cái mới.

     Những yếu tố văn hoá hiện đại khi du nhập vào đời sống các dân tộc Cơ-tu, Ta-ôi, Bru – Vân Kiều ở Bắc Trung Bộ tất sẽ tác động đến văn hoá truyền thống. Một mặt, những yếu tố này góp phần nâng cao các giá trị của văn hoá tộc người để phù hợp với thời hiện đại, như sự kết hợp tri thức dân gian của đồng bào về bảo vệ môi trường với tri thức khoa học; làng bản, nhà cửa của đồng bào hiện đang được xây dựng đẹp, bền hơn theo hướng hiện đại; các nghề thủ công và sản phẩm của nghề được đổi mới quy trình, mẫu dáng theo hướng ngày càng tinh xảo; nhạc cụ các dân tộc được kết hợp với nhạc cụ hiện đại làm cho đời sống âm nhạc của đồng bào trở nên sinh động hơn. Nhưng mặt khác, nhiều yếu tố văn hoá truyền thống của các dân tộc lại có nguy cơ bị lấn át, lãng quên, suy thoái và mất vai trò trong quá trình hội nhập, như trong việc xây nhà, mái lợp tôn thay nhà sàn mái lá; các sản phẩm công nghiệp nhựa thay sản phẩm đan lát; phương tiện chuyên chở bằng xe có động cơ thay gùi, quang gánh; nhạc cụ hiện đại thay nhạc cụ dân tộc; xem tivi, nghe đài thay đốt lửa kể chuyện sử thi, nhảy múa,…

     Tuy nhiên, dù muốn dù không, hội nhập văn hoá là một tất yếu lịch sử. Chúng ta không thể đóng kín biên giới văn hoá của dân tộc mình, vùng miền mình. Bản thân văn hoá là quá trình lan tỏa, giao lưu và hội nhập. Các dân tộc đều giao lưu, hội nhập để không ngừng hoàn thiện mình, nâng cao cốt cách văn hoá của mình và để thường xuyên tiếp thu cái hay, cái mới của các nền văn hoá khác. Song trong quá trình giao lưu và hội nhập, nếu tộc người nào không giữ được cái riêng của mình thì sẽ bị mất các giá trị văn hoá truyền thống, thay vào đó là những biểu hiện lai căng, kệch cỡm và sớm muộn sẽ mất đi bản sắc văn hoá của mình, sẽ bị hoà tan vào dân tộc khác.

     Với tinh thần đó, việc xác định bản sắc văn hoá các dân tộc ở nước ta, trong quá trình giao lưu, hội nhập văn hoá hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều đó sẽ góp phần trang bị cho các dân tộc một hành trang, sức mạnh cần thiết để chủ động giao lưu và hội nhập văn hoá, đồng thời cũng góp phần thanh lọc các yếu tố bên ngoài không phù hợp để tự tin tiếp nhận văn hoá thời đại. Làm được như vậy, chúng ta sẽ thực hiện tinh thần cơ bản của Đảng ta: “Xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”.

     Vậy bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc Cơ-tu, Ta-ôi, Bru – Vân Kiều ở Bắc Trung Bộ được thể hiện như thế nào? Theo chúng tôi, lời giải cho vấn đề trên là ở chính những yếu tố thường nhật của đồng bào, nhưng lại mang thương hiệu giá trị văn hoá tộc người. Sau đây, xin được nêu lên một số yếu tố cơ bản nhất:

Nhà chung cộng đồng: Theo truyền thống, tại trung tâm mỗi ngôi làng của người Cơ-tu có một ngôi nhà gươl – như nhà rông của người Gia-rai, Ba-na ở Tây Nguyên. Ở người Ta-ôi là nhà moong và hiện nay ngôi nhà gươl có xu hướng phổ biến ở cả bản làng người Cơ-tu, Ta-ôi, Bru – Vân Kiều ở Bắc Trung Bộ. Đó là nơi vui chơi, giao lưu văn hoá, tổ chức lễ hội và là biểu tượng tâm thức của cả cộng đồng. Đây là ngôi nhà có mái cao nhất trong làng, có cột giữa (cột cái) to, được chạm khắc nhiều hoa văn, nhiều hình tượng động, thực vật rất sinh động. Theo TS. Nguyễn Xuân Hồng, cột cái gươl gợi sự liên tưởng đến trục vũ trụ ba tầng – ba thế giới của những cư dân sinh tồn trên vùng nông nghiệp hoả canh: chân cột – thế giới âm, thế giới người chết, thân gỗ xù xì; thân cột – thế giới người sống được khắc nhiều hoa văn; đầu cột đẽo gọt hình vuông với nhiều hoạ tiết hình vẽ thể hiện ước vọng của con người về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc [4, tr. 56 – 57]. Trong nhà gươl, đồng bào lưu giữ những bộ cồng, chiêng, ché rượu. Trên mái nhà, họ treo những mặt nạ, tượng gỗ nửa người nửa vật – các sản phẩm biểu hiện tài năng nghệ thuật và tính cách dân tộc.

     – Nhà dài: Nhà dài cũng là sản phẩm đặc sắc của người Ta-ôi, Cơ-tu. Đó là ngôi nhà gồm nhiều gian nối với nhau dài đến hàng trăm mét. Độ dài của nhà tuỳ thuộc vào số lượng bếp của những gia đình nhỏ trong gia đình lớn phụ quyền. Chất liệu để làm nhà là gỗ, lá mây. Các loại cột, kèo được đục khoét, tra vào lỗ một cách tỉ mỉ, chắc chắn dưới bàn tay khéo léo của những người đàn ông. Những chân cột được đặt trên các hòn đá to, dày và được mài đẽo công phu. Ngôi nhà nhờ vậy vững chãi hơn, tránh được mối mọt và chống ẩm ướt. Vách nhà được làm bằng gỗ bào mỏng, trên đó đồng bào thường chạm trổ nhiều hình động vật, thực vật rất sinh động như hình chim bay, thằn lằn, hoa lan,… Mái nhà được lợp bằng lá mây rừng, có độ dốc vừa phải. Hai đầu hồi của ngôi nhà được đồng bào gắn hai khúc gỗ cong hoặc những chiếc sừng trâu chĩa mũi nhọn lên trời, nhằm biểu trưng cho sự bền vững và sức mạnh của ngôi nhà. Trong nhà, gian giữa là nơi tiếp khách và để các vật dụng quý như chiêng, ché, nồi đồng; nơi bày các án thờ thần linh; nơi treo sừng hươu, nai, răng bò, lợn rừng, lông chim trĩ; nơi trưng bày các dụng cụ âm nhạc như khèn, sáo, dọc, tù và, sừng sơn dương,… Theo Nguyễn Hữu Thông, trước đây, Đung (nhà dài) – hình ảnh mà người già hôm nay thường ví von trong hồi cố: nhà toa xe, nhà xe lửa là không gian cư trú chung của dòng tộc tính theo phả hệ phụ quyền. Đung khá vững chãi, mái lợp bằng lá mây, vách che bằng tre, nứa hoặc gỗ, có cầu thang lên xuống hai đầu hồi. Trong nhà, mỗi hộ gia đình có một bếp riêng, ngăn cách với nhau bằng đan tre nứa. Ngày nay những ngôi nhà dài không còn nữa, thay vào đó là những ngôi nhà sàn nhỏ, nhưng truyền thống cư trú quần tụ dòng tộc trong một ngôi làng vẫn được duy trì [3, tr. 131 – 135].

     – Cột cây nêu: Đây là biểu tượng cho đời sống tâm linh của cộng đồng. Hằng năm hoặc vài ba năm khi mùa màng tốt tươi, dân làng no ấm, hoặc cả khi mất mùa đói kém, dịch bệnh, đồng bào Cơ-tu, Ta-ôi, Bru – Vân Kiều thường tổ chức lễ đâm trâu để dâng hiến lễ vật cho thần linh, cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với dân làng. Trung tâm của lễ đâm trâu là cột cây nêu. Cây nêu được dựng công phu trước nhà gươl hoặc giữa sân làng. Trâu được buộc vào cột cây nêu để tế thần. Mọi lễ nghi nhảy múa ca hát đều được tổ chức xung quanh cột cây nêu. Cây nêu được chạm khắc nhiều hoa văn như hoa văn hình học, sóng nước, các hình động vật như thằn lằn, kì đà, hươu, nai và trên cùng gắn con chim chèo bẻo,… Theo Nguyễn Hữu Thông, “cột đâm trâu là một dạng biểu hiện của trục thông linh nối kết cha trời – mẹ đất lại với nhau bằng chất xúc tác của máu vật hiến tế” [3, tr. 131 – 135].

     – Nghệ thuật tạo hình trên nhà mồ cũng là một sắc thái rất đặc trưng của văn hoá Cơ-tu, Ta-ôi, Bru – Vân Kiều, đặc biệt tượng nhà mồ của người Cơ-tu mà Le Pichon đã nhận định: “là những kiệt tác của người Cơ-tu” [2, tr. 39]. Trên nhà mồ, đồng bào thường khắc hình chim, thú, hình nửa người nửa thú với chất liệu gỗ quý. Đặc biệt ở người Cơ-tu, nhà mồ và quan tài được làm rất công phu. Quan tài là khúc gỗ đục rỗng, hai đầu và thân quan tài khắc hình đầu trâu, sơn dương, hươu, kì đà,… Xung quanh nhà mồ là các tượng động vật, tượng nửa người nửa thú và nhiều tượng mang tính phồn thực của cư dân nông nghiệp. Phổ biến của tượng nhà mồ là loại hình tượng tròn với hình người thô kệch, hoặc tượng người ngồi xổm, người ngồi bó gối, tay ấp lấy tai trong tư thế suy ngẫm về những dấu hỏi vô hình, những ẩn số cuộc đời mà khi chết con người không thể giải thích được. “Cũng trong tư thế này có người đã liên tưởng đến hình ảnh bào thai người trong bụng mẹ đang chờ ngày đối diện với cuộc đời lắm thử thách” [3, tr. 124]. Tượng nhà mồ người Cơ-tu còn biểu hiện đa dạng nghệ thuật tạo hình với hoa văn hình sóng nước, cây cối, muông thú như mô phỏng thế giới bên kia của người chết…

     – Quan hệ cộng đồng của các làng bản cũng là một sắc thái văn hoá độc đáo của người Cơ-tu, Ta-ôi, Bru – Vân Kiều. Đó là các đung – một hình thái gia đình lớn (làm chung, ở chung, ăn riêng) đang trong quá trình phân rã để thành gia đình nhỏ (làm riêng, ở riêng, ăn riêng). Đó là vai trò của tổ chức mu, yã, cabu (dòng họ) với việc thờ chung một vật thiêng và uy quyền về tâm linh của người đứng đầu dòng họ (xuất mu, chaxai, yã, xuất cabu); đó là những người đàn ông lớn tuổi am hiểu phong tục tập quán, có tài ứng xử, biết làm thầy cúng. Đó là tổ chức vil, vrl, val (bản làng), với chủ làng, chủ đất có chức năng quan trọng trong quản lí cộng đồng, quản lí và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua luật tục.

      – Bản sắc văn hoá độc đáo của các tộc người Cơ-tu, Ta-ôi, Bru – Vân Kiều còn được thể hiện ở các loại hình lễ hội trong chu kì một năm ở quy mô từng gia đình hoặc cả cộng đồng, như lễ cúng rừng thiêng, cúng phát rẫy, cúng gieo hạt, lễ hội cơm mới, lễ tết,… Gắn với lễ hội là các món ăn tiêu biểu của đồng bào như món xôi đồ, cơm lam, thịt nướng, rượu đoác, rượu cần,… Đặc biệt, lễ hội còn là dịp trình diễn các loại hình ca múa nhạc, các loại hình trang phục dân tộc đặc sắc. Đó là những tiếng trống giục giã, những tiếng cồng chiêng ngân vang, già làng đọc lời thiêng, trai gái bắt đầu rộn ràng điệu múa săn thú, đâm trâu, múa gieo hạt,…

     – Luật tục là một giá trị văn hoá độc đáo của người Cơ-tu, Ta-ôi, Bru – Vân Kiều. Đó là những quy ước về quan hệ xã hội trong cộng đồng, quy định cách ứng xử với môi trường tự nhiên, như sử dụng đất đai, bảo vệ rừng thiêng, rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước, sông suối,… hay những quy định, chế tài về phạm vi phong tục, tập quán. Trong luật tục, vai trò của già làng, trưởng bản được đề cao.

     – Bản sắc văn hoá tộc người của các dân tộc Cơ-tu, Ta-ôi, Bru – Vân Kiều ở Bắc Trung Bộ còn được thể hiện rõ nét trong kho tàng truyện cổ, trong những làn điệu dân ca, như Oát Prơ, Đoặc, Roaitol, Adâng của người Vân Kiều; Calơi, Baboih, Nơivot, Càlơi, Chachấp, Cơlau của người Cơ- tu, trong các công cụ lao động, dụng cụ sinh hoạt gia đình như cung tên, bẫy, đơm, đó, gậy chọc lỗ, ché rượu và đặc biệt là các loại gùi, giỏ với những kích cỡ to nhỏ khác nhau… Những yếu tố văn hoá tinh thần và vật chất đó được đồng bào lưu truyền từ đời này sang đời khác, gắn bó mật thiết với đời sống của cộng đồng và của từng người.

     Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc nói chung cũng như những yếu tố văn hoá dân tộc đặc sắc trong xu thế hội nhập hiện nay ở nước ta?

     Theo chúng tôi, việc làm đầu tiên là phải tổng rà soát tất cả các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể và xác định hệ các giá trị là thương hiệu, là nhân tố rường cột của bản sắc văn hoá tộc người. Trên cơ sở đó, xây dựng những quy chế nhằm bảo tồn các giá trị bản sắc văn hoá tộc người theo hai hướng: bảo tồn tĩnh (giữ gìn nguyên trạng giá trị văn hoá đó), bảo tồn động (vừa giữ gìn bản sắc, vừa đổi mới theo xu hướng biến đổi để phù hợp với thời đại) và phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp bảo tồn: bảo tồn trong bảo tàng, nhà truyền thống, trong sách vở, nhưng quan trọng nhất là bảo tồn trong đời sống cộng đồng, trong nhận thức của người dân. Các giá trị đặc trưng của bản sắc văn hoá tộc người phải được hiện hữu trong đời sống của đồng bào, ví như các giá trị của bản sắc văn hoá tộc người Cơ-tu là nhà gươl, mặt nạ, tượng nhà mồ, lễ hội mùa, những điệu hát lí,… phải có mặt trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Vì vậy cần dựa trên thực tiễn cụ thể của từng tộc người để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tộc người một cách hợp lí. Vấn đề này nên giải quyết như sau: có thể để đồng bào tự lựa chọn trong thực tiễn đời sống hiện nay những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc mình để bảo tồn hay có thể định hướng cho sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại bằng việc xây dựng mô hình làng bản văn hoá, trong đó chú ý đến những sắc thái văn hoá truyền thống của các dân tộc, như nhà gươl, nhà dài, cột cây nêu, tượng nhà mồ, các hình thức lễ hội,…

     Cần sớm có biện pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào thông qua các hình thức điều tra tổng thể kho tàng văn hoá các dân tộc; phục dựng các loại hình ca múa nhạc; lưu giữ các hiện vật gốc của văn hoá các dân tộc trong bảo tàng; duy trì và đào tạo các nghệ nhân về văn hoá; giữ gìn các hình mẫu văn hoá của đồng bào về nhà cửa, trang phục, ăn uống, dựng cụ sản xuất, nhạc cụ; tổ chức thường xuyên các hội diễn văn nghệ truyền thống của đồng bào ở cấp huyện, tỉnh,… Bằng cách đó, có thể giúp đồng bào nhận thức được giá trị của những yếu tố văn hoá của dân tộc mình và có ý thức về cội nguồn, bản sắc văn hoá dân tộc để giữ gìn, chủ động giao lưu và hội nhập vào đời sống hiện đại.

__________
[1] Vùng núi Bắc Trung Bộ bao gồm các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Thanh Hoá.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Nguyễn Văn Mạnh (chủ biên), Luật tục của người Ta-ôi, Cơ-tu, Bru-Vân Kiều ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, NXB Thuận Hoá, Huế, 2001.

2. Le Pichon, Những kẻ săn máu, NXB Thế giới mới, Hà Nội, 2011.

3. Nguyễn Hữu Thông (chủ biên), Katu kẻ sống đầu ngọn nước, NXB Thuận Hoá, Huế, 2004.

4. Trường Đại học Nông lâm – Đại học Huế, Xây dựng nhà cộng đồng truyền thống có sự tham gia của người dân ở vùng núi miền Trung Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.