BẢN SẮC VĂN HOÁ TỘC NGƯỜI (Tiếp cận về phương diện lí luận và nghiên cứu trường hợp tộc người Cơ-tu)

NGUYỄN VĂN MẠNH 1
NGUYỄN CHÍ NGÀN 2

(1. PGS TS, Trường Đại học Khoa học Huế
2. Trường Đại học Khoa học Huế)

1.

     Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Việt Nam học hiện nay là góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá các tộc người ở nước ta. Tuy nhiên vướng mắc đầu tiên cho nhiệm vụ này là việc xác định nội hàm khái niệm bản sắc văn hoá là gì? Báo cáo này vì vậy thử tiếp cận về phương diện lí luận khái niệm văn hoá và bản sắc văn hoá tộc người, cũng như áp dụng vào việc xác định bản sắc văn hoá cho một tộc người cụ thể – tộc người Cơ-tu.

2. Văn hoá và bản sắc văn hoá – tiếp cận về phương diện lí luận

     Văn hoá và bản sắc văn hoá có mối quan hệ với nhau rất chặt chẽ, nhưng khi khái niệm văn hoá được các nhà khoa học bàn luận rất nhiều, thì khái niệm bản sắc văn hoá dường như ít được quan tâm hơn. Về khái niệm văn hoá có nhiều tác giả đã đề cập đến trong các công trình nghiên cứu của mình, như Đào Duy Anh – Việt Nam văn hoá sử cương, Nguyễn Văn Huyên – Góp phần tìm hiểu văn hoá Việt Nam, Nguyễn Khánh Toàn – Đề cương lịch sử văn hoá Việt Nam, Trần Văn Giàu – Giá trị truyền thống Việt Nam; Vũ Khiêu – Văn hiến Việt Nam; Trần Quốc Vượng, Trần Ngọc Thêm – Cơ sở văn hoá Việt Nam,… GS Phan Ngọc khi tìm cách đưa ra một định nghĩa khả dĩ về văn hoá, đã không ngần ngại đề cập đến tính đa nghĩa của khái niệm này và dẫn ra một nhà khoa học người Mĩ đã hệ thống trên 400 định nghĩa về văn hoá khác nhau 1. Trong lúc đó khái niệm bản sắc văn hoá là một cụm từ đang được sử dụng rất phổ biến, nhưng cho đến nay nội hàm của thuật ngữ khoa học này “vẫn còn nhiều điều phải bàn cãi mênh mông” 2; đa phần các nhà khoa học khi đề cập đến khái niệm này thường dẫn ra ngữ nghĩa từ nguyên: Bản là cái gốc, cái căn bản, sắc là sắc thái biểu hiện ra bên ngoài; bản sắc văn hoá là gốc sắc thái văn hoá của một tộc người.

     Vậy muốn đề cập đến nội hàm thuật ngữ bản sắc văn hoá thiết nghĩ cần phải giải quyết mối quan hệ giữa hai khái niệm: văn hoá và bản sắc văn hoá; mối quan hệ giữa hai khái niệm này thường được hiểu theo những trường hợp sau đây:

     Thứ nhất, văn hoá rộng hơn, trùm lên bản sắc văn hoá; trường hợp này văn hoá được hiểu “là những cái tự nhiên được biến đổi bởi bàn tay con người3. Theo quan niệm này, văn hoá là cái rộng lớn bao la, còn bản sắc văn hoá chỉ là góc sắc thái văn hoá của một dân tộc, là một bộ phận của văn hoá.

     Thứ hai, văn hoá và bản sắc văn hoá có nội hàm gần đồng nhất với nhau; theo cách hiểu này, “văn hoá là cái dấu ấn của một thể cộng đồng lên mọi hiện tượng tinh thần, vật chất, mọi sản phẩm của thể cộng đồng này từ tín ngưỡng, phong tục cho đến cả sản phẩm công nghiệp bán ra thị trường4. Như vậy, “cái dấu ấn của một thể cộng đồng” được hiểu là văn hoá cũng có thể đồng nhất với khái niệm bản sắc văn hoá “sắc thái văn hoá gốc của một thể cộng đồng”.

     Thứ ba, văn hoá là cái chung mang nghĩa rộng, còn bản sắc văn hoá là cái riêng, mang nghĩa chặt chẽ. Theo cách hiểu này, “văn hoá là một tổng thể phức tạp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, pháp luật, phong tục và cả những khả năng và thói quen khác mà con người đạt được với tư cách là một thành viên của xã hội5; văn hoá được hiểu như vậy là một hằng số chung của nhân loại, một thuộc tính của con người, còn bản sắc văn hoá mang một nghĩa chặt chẽ, bao gồm “văn hoá giúp xác định đặc tính riêng biệt của từng dân tộc6.

     Với những cách hiểu văn hoá và bản sắc văn hoá như trên chúng ta thấy rằng giữa văn hoá và bản sắc văn hoá có mối quan hệ với nhau nhưng không đồng nhất. Khái niệm văn hoá “trước hết, là một sự trả lời, một sự ứng phó của một cộng đồng dân cư trước những thách thức của điều kiện địa lí – khí hậu (géoclimatique) và sau đó là sự trả lời, ứng phó, trước những thách thức của những điều kiện xã hội – lịch sử” 7. Trong lúc đó bản sắc văn hoá “là những giá trị gốc, căn bản, cốt lõi, những giá trị hạt nhân của dân tộc8.

     Như vậy, không phải mọi giá trị văn hoá đều được coi là bản sắc văn hoá của dân tộc mà bản sắc văn hoá chỉ là những giá trị hạt nhân “tức là không phải nói tất cả mọi giá trị, mà chỉ nói đến những giá trị tiêu biểu nhất, bản chất nhất9; bản sắc văn hoá là những sản phẩm văn hoá mang “giá trị đặc sắc cơ bản được lưu truyền trong lịch sử, là cái tinh hoa bền vững của một tộc người10. Ở đây cũng có thể thống nhất với quan niệm của Ngô Đức Thịnh về bản sắc văn hoá dân tộc “Đó là một tổng thể các giá trị đặc trưng của văn hoá, được hình thành, tồn tại và phát triến suốt quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc, các giá trị đặc trưng ấy mang tính bền vững, trường tồn” 11.

     Rõ ràng, không phải mọi giá trị văn hoá tộc người này là bản sắc văn hoá của tộc người đó mà chỉ có những giá trị văn hoá “tiêu biểu nhất, căn bản nhất, đặc trưng nhất, là tinh hoa bền vững nhất, giúp xác định đặc tính riêng biệt của từng tộc người” mới được coi là bản sắc văn hoá tộc người đó.

___________
1. Phan Ngọc, tr. 19, 1994.

2. Dương Trung Quốc, tr. 138; trong Lê Ngọc Trà, 2001.

3. Trần Quốc Vượng, 1997, tr. 15

4. Phan Ngọc, 1994, tr. 20.

5. E.B. Taylor, 1871 (Dẫn theo Huỳnh Công Bá, 2007, tr. 13).

6. Thông tin UNESCO số tháng 1 năm 1988.

7. Trần Quốc Vượng, 2000, tr. 73.

8. Minh Chi, 2001, tr. 13; trong Lê Ngọc Trà, 2001.

9. Minh Chi, 2001, tr. 13; trong Lê Ngọc Trà, 2001.

10. Trần Ngọc Thêm, 2001, tr. 293; trong Lê Ngọc Trà, 2001.

11. Ngô Đức Thịnh, 2001, tr. 167; trong Lê Ngọc Trà, 2001.

3. Nghiên cứu trường hợp bản sắc văn hoá tộc người Cơ-tu

     Vậy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Cơ-tu được thể hiện như thế nào? Theo chúng tôi, lời giải cho vấn đề trên là ở chính những yếu tố thường nhật của đồng bào, nhưng lại mang thương hiệu giá trị văn hoá tộc người. Sau đây, xin được nêu lên một số yếu tố cơ bản nhất về nghệ thuật tạo hình của tộc người Cơ-tu thể hiện bản sắc văn hoá của tộc người này.

     Tộc người Cơ-tu hiện nay gồm khoảng trên 56.000 người, phân bố chủ yếu ở vùng núi huyện Quảng Nam, nơi được xem là quê hương gốc của tộc người này với hơn 41.000 người; ở Thừa Thiên Huế, người Cơ-tu có mặt tại huyện Nam Đông với khoảng 9.000 người và ở huyện A Lưới, khoảng 6.000 người 1.

     Đây là một tộc người nổi bật với những sắc thái văn hoá độc đáo: độc đáo về không gian cư trú (sống ở đầu nguồn nước) 2, độc đáo về văn hoá tộc người (về trang phục, về ẩm thực và đặc biệt là về nghệ thuật tạo hình mà Le Pichon đã nhận định: “là những kiệt tác của người Cơ-tu” 3,… Bản sắc văn hoá của một tộc người rất phong phú và đa dạng, nó bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, như văn hoá sản xuất, văn hoá làng bản, nhà cửa, trang phục, ẩm thực, các quan hệ dòng họ, hôn nhân, gia đình, các loại hình văn nghệ dân gian,… Trong đó di sản nghệ thuật tạo hình nổi lên như một sắc thái độc đáo về biểu cảm, nhận thức của một cộng đồng dân cư; nó thể hiện sự khéo léo, tinh xảo của các nghệ nhân và là tấm gương phản chiếu một cách sinh động môi trường sống, các giá trị văn hoá của một tộc người; nó là một trong những nhân tố quan trọng nhất để hình thành nên bản sắc văn hoá tộc người Cơ-tu.

     Với ý nghĩa đó, theo chúng tôi ở người Cơ-tu có những di sản nghệ thuật tạo hình đặc sắc mang dấu ấn bản sắc văn hoá tộc người này như sau:

     – Kiến trúc làng mạc: Làng của người Cơ-tu thường được dựng ở đầu nguồn nước, nơi núi non trùng điệp “chúng nằm tít trên đỉnh núi hoặc chênh vênh trên sườn núi, gần các nguồn nước4. Giữa bạt ngàn núi rừng, ngôi nhà Cơ-tu hiện lên với sự có mặt của các ngôi nhà dài theo huyết thống dòng cha hoặc những ngôi nhà dài đang trên quá trình phân rã thành những ngôi nhà nhỏ quây quần theo hình bầu dục, mặt hướng về một kiến trúc trung tâm nhà Gươl – nhà chung của cộng đồng.

     Mỗi làng Cơ-tu thường có hai cổng: Cổng chính (T’nar) để ra vào và cổng phụ dùng những lúc cần thiết. “Cổng (Xung) làng được làm bằng hai cây gỗ dựng đứng, phía trên đầu có gắn tấm gỗ rộng 30 – 40cm, chiều dài tuỳ thuộc vào độ mở của cổng. Trên tấm gỗ trang trí các loại hoa văn T’ring, Padil, ya yã, khuyên tai,…” 5. Làng được bao bọc bởi những hàng rào kiên cố làm bằng những cây gỗ dài, tre nứa,… xếp chồng lên nhau, cứ khoảng 2m lại chôn một cọc đôi để kẹp giữ hàng rào, chiều cao của hàng rào khoảng trên dưới 1,5m.

     – Kiến trúc nhà cửa: Nhà của người Cơ-tu là loại nhà sàn, chất liệu hoàn toàn bằng gỗ tre, mái lợp lá cọ thấp dần xuống. Mặt bằng của nhà có hình bầu dục, chính giữa là cây cột lớn, trông từ trên xuống mái nhà có hình mai rùa. Theo tác giả Nguyễn Hữu Thông, trước đây, Đung (nhà dài) – hình ảnh mà người già Cơ-tu hôm nay thường ví von trong hồi cố: nhà toa xe, nhà xe lửa là không gian cư trú chung của dòng tộc tính theo phả hệ phụ quyền. Đung của người Cơ-tu khá vững chãi, mái lợp bằng lá mây, vách che bằng tre, nứa hoặc gỗ, có cầu thang lên xuống hai đầu hồi; trong nhà, mỗi hộ gia đình có một bếp riêng, ngăn cách với nhau bằng đan tre nứa. Ngày nay những ngôi nhà dài không còn nữa, thay vào đó là những ngôi nhà sàn nhỏ, nhưng truyền thống cư trú quần tụ dòng tộc trong một ngôi làng vẫn được duy trì 6.

     Điều đáng quan tâm nhất trong kiến trúc làng bản của người Cơ-tu là nhà Gươl. Đây là trung tâm của nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật tạo hình của người Cơ-tu và còn là trung tâm tâm linh, nơi tổ chức lễ hội đâm trâu, hiến tế thần linh. Nhà Gươl của người Cơ-tu ở Nam Đông là biểu tượng cho hình ảnh con trâu, bởi toàn bộ cấu trúc của ngôi nhà là mô phỏng hình con trâu với 4 chân cao vững chãi, mình tròn, sống lưng oằn xuống với những đốt gai sóng nhấp nhô, trên đầu hồi có hai vòng cung hướng vào nhau giống hai cái sừng. Trong ngôi nhà Gươl nghệ thuật tạo hình còn thể hiện ở những mô típ hoa văn trang trí, đặc biệt là hệ thống điêu khắc: điêu khắc hình học, điêu khắc lướt sóng, điêu khắc núi sông, các loại cây cỏ, muông thú trên cột cái, xà ngang, xà dọc, ở hai đầu hồi nhà, ở hai cầu thang lên xuống. Trong đó, cột cái ngôi nhà là sự thể hiện phong phú và sinh động nhất của nghệ thuật tạo hình. Theo TS. Nguyễn Xuân Hồng, cột cái Gươl gợi sự liên tưởng đến trục vũ trụ ba tầng – ba thế giới của những cư dân sinh tồn trên vùng nông nghiệp hoả canh: chân cột – thế giới âm, thế giới người chết, thân gỗ xù xì; thân cột – thế giới người sống được khắc nhiều hoa văn; đầu cột đẽo gọt hình vuông với nhiều hoạ tiết hình vẽ thể hiện ước vọng của con người về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc 7.

     Một sản phẩm điêu khắc khác ở sân nhà Gươl là cột đâm trâu. Cột đâm trâu là một nghệ thuật tạo hình đặc sắc, thể hiện các biểu tượng với thủ pháp khắc chìm, vẽ màu các mô típ hoa văn thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của người dân, như cá, chim, bông lúa,… Theo Nguyễn Hữu Thông, “cột đâm trâu là một dạng biểu hiện của trục thông linh nối kết cha trời – mẹ đất lại với nhau bằng chất xúc tác của máu vật hiến tế8.

     Có thể nói rằng, kiến trúc làng, cổng làng, các ngôi nhà cư trú của gia đình và đặc biệt là ngôi nhà Gươl – nhà chung cộng đồng của người Cơ-tu là những kiệt tác độc đáo, đặc sắc, tinh tế của nghệ thuật tạo hình trên các chất liệu thực vật như gỗ, tranh, tre, nứa lá,…

     – Nghệ thuật tạo mặt nạ: Nói đến người Cơ-tu chúng ta không thể không nói đến tục săn đầu theo tín ngưỡng của dân tộc này, mà vào những năm 30 của thế kỉ XX Le Pichon đã từng nói đến trong tác phẩm “Những kẻ săn máu”. Rất có thể liên quan đến tục lễ này, người Cơ-tu có một nghệ thuật tạo hình rất đặc sắc, đó là nghệ thuật tạo nên những chiếc mặt nạ người (kâbei), các mặt nạ được làm bằng gỗ nhẹ được các nghệ nhân thể hiện bằng các khuôn mặt nhăn nhó “đó là những mặt nạ chiến tranh” 9. Mặt nạ của người Cơ-tu còn là những hình tượng quái dị, đường kính của mặt nạ khoảng từ 20 -25cm, dài 30cm, nó có thể “là hình ảnh biến thể của chiếc đầu người – chiến lợi phẩm trong mùa săn máu10. Theo phong tục người Cơ-tu, mặt nạ hay các linh tượng phải được làm độc lập bởi những người thợ giỏi, ở những nơi kín đáo trong rừng để những người khác không nhìn thấy. Đã từ lâu “mùa săn máu” không còn nữa nhưng những chiếc mặt nạ vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở những người Cơ-tu, nó được cất giữ trong các ngôi nhà Gươl, được treo trên vách, trên cột, trên xà ngang nhà Gươl cùng với đầu hươu, nai, sao la. Theo Tạ Đức, việc treo đầu các con vật hay mặt nạ sẽ tạo và phục hồi sức mạnh nam tính cho các chàng trai, làm mùa màng tươi tốt, ngôi nhà thêm vững chắc; nó còn là vật thiêng để xua đuổi ma quỷ 11. Nghệ thuật tạo hình mặt nạ của người Cơ-tu cũng được coi là một di sản văn hoá đặc sắc của dân tộc này.

     – Nghệ thuật tạo hình trên nhà mồ: Một di sản đặc sắc của người Cơ-tu phải nói đến ở đây là nghệ thuật tạo hình những ngôi nhà mồ (pĩn) và quan tài (tăram). Nó “là những tác phẩm điêu khắc chiếm vị trí quan trọng trong bố cục cần có của kiến trúc mỗi làng12. Chúng được trang trí nhiều hình vẽ, hình khắc cách điệu cực kì đa dạng; mỗi hình có một nét riêng và kiểu mẫu không bao giờ trùng lặp. Phổ biến của tượng nhà mồ là loại hình tượng tròn với hình người thô kệch, hoặc tượng người ngồi xổm, người ngồi bó gối, tay ấp lấy tai trong tư thế suy ngẫm về những dấu hỏi vô hình, những ẩn số cuộc đời mà khi chết con người không thể giải thích được. “Cũng trong tư thế này có người đã liên tưởng đến hình ảnh bào thai người trong bụng mẹ đang chờ ngày đối diện với cuộc đời lắm thử thách13. Tượng nhà mồ người Cơ-tu còn biểu hiện đa dạng nghệ thuật tạo hình với hoa văn hình sóng nước, cây cối, muông thú như mô phỏng thế giới bên kia của người chết,…

     Di sản nghệ thuật tạo hình của người Cơ-tu còn thể hiện trên các chất liệu vải, gốm làm đất nung, nghề đan lát. Tác giả Nguyễn Hữu Thông đã từng nói “Sắc màu tươi tắn của sản phẩm dệt trong đêm lễ hội bên ánh lửa bập bùng đã cùng với âm thanh rộn rã của chiêng, trống,… xoá đi sự lạnh lẽo và âm u của bóng tối giữa núi rừng Trường Sơn14 đã nói lên khả năng tưởng tượng, bàn tay khéo léo đáng thán phục và ngạc nhiên của người dân Cơ-tu trong nghệ thuật tạo hình đặc sắc.

     Còn nhiều những giá trị văn hoá đặc trưng khác nữa của người Cơ-tu, nhưng chỉ qua những sản phẩm văn hoá nêu trên, chúng ta có thể thấy được tính đa dạng, phong phú và đặc sắc của bản sắc văn hoá tộc người này.

___________
1. Trường Đại học Nông lâm – Đại học Huế, 2008, tr. 53; Nguyễn Văn Mạnh (chủ biên), 2001, tr. 33.

2. Nguyễn Hữu Thông (chủ biên), có công trình “Cơ-tu kẻ sống đầu ngọn nước”, NXB Thuận Hoá, Huế, 2004.

3, 4. Le Pichon, 2011, tr. 39.

5. Nguyễn Hữu Thông (chủ biên), 2004, tr. 100.

6. Nguyễn Hữu Thông (chủ biên), 2004, tr. 131-135.

7. Trường Đại học Nông lâm – Đại học Huế, 2008, tr. 56-57.

8. Dẫn theo Trường Đại học Nông lâm – Đại học Huế, 2008, tr. 59.

9. Le Pichon, 2011, tr. 39.

10. Nguyễn Hữu Thông (chủ biên), 2004, tr. 123.

11. Tạ Đức, 2002, tr. 88.

12,13. Nguyễn Hữu Thông (chủ biên), 2004, tr. 124.

14. Nguyễn Hữu Thông (chủ biên), 2004, tr. 125.

4.

     Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc trên đất nước ta nói chung cũng như người Cơ-tu nói riêng trong xu thế hội nhập hiện nay?

     Theo chúng tôi, việc làm đầu tiên là phải tổng rà soát tất cả các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể và xác định hệ các giá trị là thương hiệu, là nhân tố rường cột của bản sắc văn hoá tộc người. Trên cơ sở đó, xây dựng những quy chế nhằm bảo tồn các giá trị bản sắc văn hoá tộc người theo hai hướng: bảo tồn tĩnh (giữ gìn nguyên trạng giá trị văn hoá đó), bảo tồn động (vừa giữ gìn bản sắc, vừa đổi mới theo xu hướng biến đổi để phù hợp với thời đại) và phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp bảo tồn: bảo tồn trong bảo tàng, nhà truyền thống, trong sách vở, nhưng quan trọng nhất là bảo tồn trong đời sống cộng đồng, trong nhận thức của người dân. Các giá trị đặc trưng của bản sắc văn hoá tộc người phải được hiện hữu trong đời sống của đồng bào, ví như các giá trị của bản sắc văn hoá tộc người Cơ-tu là nhà gươl, mặt nạ, tượng nhà mồ,… phải có mặt trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Vì vậy cần dựa trên thực tiễn cụ thể của từng tộc người để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tộc người một cách hợp lí. Vấn đề này nên giải quyết như sau: có thể để đồng bào tự lựa chọn trong thực tiễn đời sống hiện nay những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc mình để bảo tồn; có thể định hướng cho sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại bằng việc xây dựng mô hình làng bản văn hoá, trong đó chú ý đến những sắc thái văn hoá truyền thống của các dân tộc.

     Cần sớm có biện pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào thông qua các hình thức điều tra tổng thể kho tàng văn hoá các dân tộc; phục dựng các loại hình ca múa nhạc; lưu giữ các hiện vật gốc của văn hoá các dân tộc trong bảo tàng; duy trì và đào tạo các nghệ nhân về văn hoá; giữ gìn các hình mẫu văn hoá của đồng bào về nhà cửa, trang phục, ăn uống, dựng cụ sản xuất, nhạc cụ; tổ chức thường xuyên các hội diễn văn nghệ truyền thống của đồng bào ở cấp huyện, tỉnh… Bằng cách đó, có thể giúp đồng bào nhận thức được giá trị của những yếu tố văn hoá của dân tộc mình và có ý thức về cội nguồn, bản sắc văn hoá dân tộc để giữ gìn, chủ động giao lưu và hội nhập vào đời sống hiện đại.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Huỳnh Công Bá, Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Thuận Hoá, Huế, 2007.

2. Tạ Đức, Tìm hiểu văn hoá Cơ-tu, NXB Thuận Hoá, Huế, 2002.

3. Le Pichon, Những kẻ săn máu, NXB Thế giới mới, 2011.

4. Nguyễn Văn Mạnh (chủ biên), Luật tục của người Tàôi, Cơtu, Bru-Vân Kiều ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, NXB Thuận Hoá, Huế, 2001.

5. Phan Ngọc, Văn hoá Việt Nam và cách tiếp cận mới, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1994.

6. Thông tin UNESCO, số tháng 1, 1988.

7. Lê Ngọc Trà, Văn hoá Việt Nam, đặc trưng và cách tiếp cận, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001.

8. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh, 1997.

9. Nguyễn Hữu Thông (chủ biên), Cơ-tu kẻ sống đầu ngọn nước, NXB Thuận Hoá, Huế, 2004.

10. Trường Đại học Nông lâm – Đại học Huế, Xây dựng nhà cộng đồng truyền thống có sự tham gia của người dân ở vùng núi miền Trung Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.

11. Trần Quốc Vượng (chủ biên), Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.

12. Trần Quốc Vượng, Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2007.