BẢN SẮC VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG CỦA TỘC NGƯỜI THÁI TRẮNG MƯỜNG SO, PHONG THỔ, LAI CHÂU

NÔNG VĂN NẢO

(Huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu)

     Xưa nay tộc người Thái Trắng hay sống tập trung các nơi thung lũng bãi bằng, ven các cánh đồng, sông suối – Thành ngữ có câu:

Tsả kin tói phạy

Tạy kin tói nặm.

Nghĩa là:

Tsả ăn theo lửa

Thái ăn theo nước.

     Các tộc người vùng cao như Mông, Dao, Hà Nhì đốt rẫy làm nương trồng ngô, khoai, lúc nông nhàn đàn ông lên rừng săn bắn, đàn bà ở nhà dệt lanh. Tộc người Thái dẫn nước lên bãi bằng để cấy lúa. Lúc nông nhàn, đàn ông thì:

Nặm hảnh lẹ pay thi

Năm noong lẹ pay xỏn.

Nghĩa là:

Nước vơi thì khua tôm

Nước đục thì xúc cá.

Đàn bà say mê dệt vải.

     Người Thái sống định cư, trang phục giản dị, khiêm tốn, nói ít làm nhiều. Biết đoàn kết tương thân tương ái. Cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn, có nhận thức về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở khu dân cư.

     Mường So vốn là cái “nôi văn hoá dân gian” cũng là nơi trung tâm kinh tế xã hội. Các phong tục tập quán cổ xưa; Văn hoá – Văn nghệ quần chúng được đồng bào giữ gìn và phát huy. Hiện nay cuộc sống hội nhập, đổi mới và hiện đại ít nhiều cũng có ảnh hưởng. Tuy nhiên cho dù ở nông thôn hay thành thị thì người Thái vẫn giữ được nét văn hoá thuần phong mĩ tục đậm đà bản sắc tộc mình. Người Thái có chữ viết riêng mà một số dân tộc khác không có được. Nó được dựa vào ngôn âm của tộc mình cấu trúc thành nguyên âm, phụ âm thích hợp và dễ hiểu.

     Chính vì có chữ viết nên các dân ca nghi lễ dần dần ra đời như: “Lang Xon Kun – Chuyện dạy làm người, Tsắp khuông – Đuổi ma thiêng – Lời khẩn lên nhà mới, Xúng khoăn – Tiễn hồn người chết lên trời.”

1. Tục làm nhà

     1.1. Chọn ngày lấy vật liệu, chọn vật liệu, thử đất

     a) Chọn ngày tốt (tính ngày tháng âm)

     Xưa nay bất cứ công việc gì làm mới, người Thái rất chú ý chọn ngày cho thích hợp. Trên cơ sở dựa vào 12 con giáp (địa chi) và 10 thiên can. Sau khi được ghép lại can – chi: Cáp chẳu, đắp pẩu, hại nhi – Giáp Tí, Ất Sửu, Bính Dần,… Mỗi con giáp người ta đặt cho nó một ý nghĩa riêng vận dụng từng giáp, từng tháng để tính và tránh được ngày xấu.

     b) Chọn vật liệu

     Vật liệu làm nhà là cây gỗ, tre nứa, song mây để buộc, cỏ gianh để lợp mái. Quy cách mỗi loại vật liệu đều khác nhau. Chất lượng đảm bảo, niên hạn sử dụng lâu dài. Tuyệt đối không lấy cây sét đánh, sét bổ, cây gỗ trôi dòng khi núi đồi sạt lở không rõ nguồn gốc. Thời điểm lấy vật liệu hàng năm bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 12 âm, không lấy vào ngày sáng trăng.

     c) Chọn hướng

     Địa điểm làm nhà phải là nơi có mặt bằng tự nhiên, hướng nhà đều nhìn ra sông suối nghĩa là đầu gối sơn, chân đạp thuỷ. Buồng giường khi nằm ngủ tuyệt đối không đưa chân ngược dòng chảy, phía đông. Không làm nơi có mồ mả, nơi đã từng có bếp lò nấu mật mía, nung vôi, nung gạch,…

     d) Thử đất làm nhà

     Người chủ tương lai của mảnh đất trực tiếp đào mỗi góc nền đất định xây dựng mỗi góc một hố có độ sâu chừng 15cm, rộng bằng bát múc canh, xoa đáy hố cho phẳng, mịn. Đặt vào mỗi hố 3 hạt thóc chụm khít đầu vào nhau thành hình 3 trạc rồi đậy kín miệng hố đừng để kiến vào tha hạt thóc thì việc thử sẽ không chính xác. Sáng hôm sau mở nắp các hố ra thấy 3 hạt thóc ở mỗi hố đều chụm như ban đầu thì nơi này là đất lành. Nếu hạt thóc ở 1 trong 3 tản ra khác thường thì phải xê dịch và thử lại, đến khi được như ý muốn mới thôi thử.

     1.2. Cấu trúc – hình thể – sắp xếp phòng

     a) Cấu trúc gian

     Cấu trúc nhà tộc người Thái thường là gian lẻ: 1 gian chính, 2 gian chái úp, tuỳ thuộc số người trong một căn hộ. Nhiều thế hệ thì 3, 5, 7 gian.

     b) Hình thức nếp nhà

     Khi dựng cột xong, đặt xà dọc, xà ngang lên đầu các hàng cột, từ xa nhìn vào nếp nhà giống như hình chữ nhật. Nhưng sau khi lợp xong, mỗi mái có 2 hình khác nhau: 1/3 từ nóc nhà xuống là hình chữ nhật, 2/3 còn lại xuống chân mái là hình thang cân. Hai chái úp là hình tam giác, cả chiều dài nóc là sống lưng khác với nhà truyền thống của Thái đen.

     c) Sắp xếp các gian phòng

     Tính từ hạ lưu ngược lên gian đầu là chái đàn ông để trống. Gian này chỉ để đàn ông ngồi thuốc nước và đan lát. Tiếp theo là gian chính đầu tiên được ngăn 1/3 đặt “Khọ lọ Hoóng” – bàn thờ tổ tiên, còn lại 2/3 là buồng ngủ của thế hệ cao nhất. Thứ tự tiếp theo là gian buồng con cháu. Gian cuối là chái đàn bà uống nước và ăn trầu rồi để sàng nia…

2. Tục ở rể – hình thức ở rể

     Người Thái lấy vợ, lấy chồng ít cặp qua bước tìm hiểu. Có thể họ rất yêu nhau, yêu vừa hoặc không hề yêu nhưng họ sẽ đến với nhau được, chủ yếu là do hai bên gia đình nhận xét lẫn nhau về kinh tế có khấm khá, đông anh em trai, dâu rể tương lai chăm ngoan và có sức khoẻ. Giữ được lời cam kết ở bước ăn hỏi.

     Người Thái cưới nhau không thách làm lễ cưới. Tuỳ khả năng nhà trai có điều kiện xin làm lễ thì nhà gái vẫn chấp thuận, tuy nhiên cưới xong vẫn phải ở rể. Trường hợp không làm lễ cưới ban đầu nhưng sẽ phải làm lễ cưới khi bố mẹ vợ chết. Lễ này người Thái gọi là “Kin Lẩu Tsoỏng – cưới tang” khác với lễ cưới chạy tang của tộc người Kinh.

     2.1. Thời gian ở rể con gái thường dân – con quan lại – quyền lợi con rể

     a) Gái là con thường dân thì ở rể từ 6 đến 8 năm. Mất một năm đầu thử thách (chưa cho vợ chồng chung chăn chung gối). Thời gian ở rể, con rể phải tỏ ra lễ phép với bố mẹ, anh chị, thương yêu và giúp đỡ em vợ – hăng say và biết nhận phần khó cho mình trong lao động sản xuất.

     Ngày hai bữa cơm chính, con rể luôn là người ngồi vào ăn sau cùng, nhưng dù chưa no cũng phải đứng dậy trước mọi người.

     b) Gái là con phìa tạo (xã hội lúc bấy giờ)

     Thời gian ở rể là 12 năm, cũng vẫn mất một năm thử thách chưa cho chung chăn chung gối. Ngoài chăm ngoan, lễ phép ra con rể là người có trình độ nhận thức, có khả năng làm được chức nhỏ như: Phó lý, Lý trưởng, Chánh tổng.

     2.2. Hình thức ở rể

Ở rể có 3 hình thức khác nhau, chủ yếu hai gia đình là thường dân.

     a) Ở rể có kì hạn và quyền lợi

     Suốt 8 năm, con rể làm lụng, trải qua mọi thử thách gia đình vợ, không được bình đẳng tham gia bàn bạc việc nhà. Nếu con rể mà chán nản, cố ý tỏ ra lười biếng, rồi bỏ về thì nhà gái không trả công, không có lời động viên an ủi con rể trở lại.

     b) Quyền lợi con rể

    Sau khi hết hạn, đón vợ về, bố mẹ vợ cho mấy loại con giống cái, như gà mái, lợn cái, trâu cái về nuôi sinh sản.

      c) Không ở rể mà nuôi bố mẹ vợ

     Đây là trường hợp nhà trai ít con trai, nhưng lại có nhiều ruộng đất. Nhà gái thì không có nhiều công việc. Vậy họ cưới xong, sau vài tháng thử thách rồi cho vợ chồng chung chăn gối sau đó đón vợ về để cày cấy thóc gạo cho bố mẹ vợ. Sau khi thu hoạch xong, phơi khô quạt sạch, đem cho bố mẹ vợ với số thóc là 400kg. Ngày 30 Tết hàng năm biếu bố mẹ vợ một miếng thịt lợn khoảng 2kg, muối biển khoảng 2kg, thời gian nuôi bố mẹ vợ bằng thời gian trực tiếp ở rể. Sau khi hết hạn, con rể vẫn có trách nhiệm giúp đỡ bố mẹ vợ khi gặp khó khăn đột xuất.

     d) Ở rể suốt đời bố mẹ vợ

     Bên nhà gái là con một nhưng lại có nhiều ruộng đất, nhà trai thì đông anh em. Khi bố mẹ vợ chết hết, vợ chồng thừa kế được thụ hưởng toàn bộ gia tài (kể cả ruộng đất, trâu bò). Riêng thổ đất và nếp nhà gắn liền thì có tục cấm kị con rể không được lấy và ở lại. Chỉ có anh em, họ mạc bên vợ lấy được, dọn đến ở luôn hay dỡ đi là tuỳ.

     Cả ba hình thức trên đã được hai gia đình trao đổi, bàn bạc từ lúc ăn hỏi lần cuối cùng.

     e) Làm lễ cưới khi bố mẹ vợ chết

     Lễ cưới này tộc người Thái gọi là “Kin Lẩu tsỏong” nghĩa là cưới tang. Vì có tục làm rể, nên lễ cưới ban đầu đối với tộc người Thái không cần thiết. Có chăng nữa là do nhà trai khấm khá mà tự nguyện xin nhà gái cho làm lễ rồi cũng vẫn làm rể. Đám ma bao giờ cũng đông con cháu, anh em, bạn bè thân thiết, thông gia, liên gia rồi bản mường gần xa đến viếng chia buồn. Đã là đông người đến thì nhiều người ăn uống suốt thời gian tang ma, rất cần có kinh tế thì mới đáp ứng được phần nào.

     Khi ăn hỏi, ngoài cam kết ở rể ra, họ đưa vấn đề giao cho con rể làm lễ cưới trong khi bố mẹ vợ chết. Nhà có nhiều con gái mà đã có chồng thì họ phân công, cặp chị, cặp em làm lễ trước sau là tuỳ thuộc vào điều kiện của từng người, ai làm lễ trước thì thôi sau. Lễ cưới này cũng vẫn có mai mối đại diện cho 2 nhà, trong thời gian làm lễ mọi người bỏ hết khăn áo tang ra, mặc áo quần thường như mọi khi. Hai bên không hát đối đáp xin dâu, xin rể. Lễ vật cưới là lợn to hoặc trâu, xôi đủ ăn, rượu đủ uống cho tất cả những người đang thăm viếng ở lại ngày đó.

3. Đám ma

Con người ta chỉ có một lần chết, chết non hay chết già, chết ốm hay chết tươi. Cho dù nhà đó giàu hay nghèo cũng vẫn phải làm đầy đủ mọi thủ tục nghi lễ:

     3.1. Lễ Tấn Phi – Đánh thức linh hồn người chết

     Sau khi tắt thở là tiến hành rửa mặt lau người, mặc quần áo, xỏ giày tất cho người chết xong rồi người ta đặt thi hài lên chõng tre – lễ vật lúc này là một con gà luộc chín cùng xôi rượu, sắp ngay trước mặt thi hài, tập trung vợ con, cháu chắt, cô chú em xếp thành hàng quỳ gối cúi mặt chú ý lắng nghe người đọc lễ, nhắc đúng tên người chết.

Ờ!… quan ải quan Sanh nì

Chú khẩu, chú pi

Pó lụ, pú lan

Cắp căn dú, xú căn kin

Cắp căn dú hượn quảng

Xảng hượn luông lại vị

Khẩu mạ dán nị

Pin té pi háng cả, phạ háng khanh

Mạy háng hắc cang poỏng

Phạ háng hoọng cang bun, cang hao

Đét ok mựng chạng nao

Bươn đao ok chạng tsảy

Pin chếp háng pin đảy

Pin tsảy háng pin lai

Pí noọng, lụ lan

Tấm khẩu nặm khuăn hẳư mứng

Âu khuăn khẩn tạng tu, lọt tạng táng

Âu khuăn khẩn tạng táng, lọt váng xâu

Díp khuăn pan díp xái

Bai khuăn pan bai nặm

Khuăn mựng háng xắp xẻo pay ấn vẹn lai

Mựng chắng áp nặm, mợ xú fi

Pặt vị mợ xú đẳm xú xín

Khay nị!

Lụ mệ mưng, pí noọng mựng

Chủm họ vả phắn mựng

Chẳng mạ củ fi nhọ xang mựng

Hẳư mựng pin fi hụ fi đi nớ…

Dứt lời mọi người đồng thanh khóc oà lên ngân dài theo giai điệu khóc tang.

Dịch nghĩa:

Quan ải có quý danh là Ngọc

Mấy mươi mùa lúa năm qua

Vợ chồng, bố con, ông cháu

Cùng nhau sinh sống

Cùng nhau sống trong căn nhà rộng

Mỗi ngày càng tăng thêm vẻ đẹp

Nhưng vào thời gian này

Năm đanh, trời cứng rắn

Tre bương gẫy giữa dóng

Trên không kêu lạ thường

Hé nắng ra người kêu lạnh

Trăng nhô, sao mọc người kêu ốm

Ngày tiếp ngày ngươi ốm triền miên

Anh em, con cháu

Làm lễ gọi hồn cho ngươi

Đưa hồn lên cửa to thì lọt ra cửa sổ

Đưa hồn lên cửa sổ thì lọt kẽ hở cột nhà

Giữ hồn ngươi như dúm cát dưới nước

Nắm hồn ngươi như nắm nước dòng chảy

Hồn ngươi đã ra đi, đi mãi không về

Ngươi tắm lau người lên với ma

Vẩy quạt lên với tổ

Giờ đây!

Vợ con, anh em của ngươi

Họ mạc của ngươi

Đều đến đông đủ

Tang ma cho ngươi

Ngươi sẽ thành ma lành ma tốt.

     3.2. Lễ niệm quan – xắư phắc

Đầu tiên là nhấc quan tài đặt cạnh thi hài, rồi dải gạo vàng mã và vải trắng. Sau đó mọi người cúi đầu quỳ gối lắng nghe đọc lễ, đọc xong cùng nhau khâm liệm.

     3.3. Lễ mời cơm linh hồn người chết – Bok khẩu

Mỗi ngày 2 lần trưa và chiều, cho đến khi đưa mới thôi.

     3.4. Lễ tiễn hồn người chết lên trời

     Lễ này khá vất vả, ông mo phải đọc mấy nghìn câu thơ tiễn hồn. Người nhà đám thì túc trực mấy giờ đồng hồ, mỗi lần thầy mo dứt lời từng câu mọi người ngồi túc trực lại đồng thanh oà lên khóc cho đến hết tập thơ.

     Trên mâm lễ vật tiễn hồn gồm:

– Gà to: 2 con

– Vịt to: 1 con

– Rượu vàng mã.

     3.5. Lễ rước linh hồn người chết lên bàn thờ

     Sau 3 ngày chôn cất xong có một lễ cuối cùng của người mới chết, thành ma tốt, ma lành, có một lễ nữa gọi là: “Khek khẩn hoóng”. Nghĩa là gọi linh hồn người chết lên bàn thờ.

     Lễ này chủ yếu là con cháu trong nhà và họ mạc – lễ vật gồm:

– Lợn con màu lông đen 1 con: Chừng 10 – 15kg

– Gà, mỗi con từ 1kg trở lên: 4 con

– Xôi, rượu đủ ăn uống 1 bữa.

      Trên đây là vài nét cơ bản về văn hoá truyền thống của tộc người Thái trắng. Hiện nay, cũng do văn hoá hội nhập và phát triển việc cưới xin làm rể đã được hoàn toàn xoá bỏ – riêng tang ma người chết vẫn được đồng bào duy trì các lễ tục, theo quan niệm chung nghĩa tử là nghĩa tận và chỉ có một lần. Mỗi đám ma có làm đầy đủ các lễ tục cho người chết thì những người còn sống mới yên tâm, vì đã làm đủ bổn phận theo quy luật.