BÀN TAY – Mấu Chốt Trong Bảo Vệ Sức Khỏe Con Người
Thái Lâm Hải – Tôn Thu Kiến –
Ngụy Thừa Sinh & Thái Chấn Dương
1. Quan sát bàn tay có thể biết được biến chuyển bệnh tật ở nội tạng
Khi thầy thuốc Trung y chẩn đoán bệnh tật, nói chung, trước tiên cần phải nhìn qua một lượt bàn tay của người bệnh. Dựa vào tình huống khác nhau, họ có thể sờ nắn một lúc, hoặc đè ấn một lúc, bèn có thể biết được trạng thái sức khỏe trong nội tạng của bệnh nhân. Nếu nội tạng có tình hình khác thường, thì tin tức ấy nhất định sẽ biểu hiện ra trên bàn tay. Bản thân người bệnh có thể cảm thấy khó chịu rõ rệt, cho nên không cần đợi nói ra hoặc cho dù lúc người bệnh không cảm nhận được, thì trên bàn tay của họ cũng sẽ hiện ra rõ rệt tình hình bệnh tật của nội tạng.
Cũng có người hỏi : “Làm sao tình hình của nội tạng có thể phản ánh ra từ trên bàn tay được?”. Dựa vào lý luận của Trung y, thì bàn tay có quan hệ mật thiết với nội tạng; Hình thái của ngón tay, móng tay, đầu ngón tay, vân ngón tay, ngư tế, chỉ tay, các đường trên bàn tay cùng với mầu sắc của nó đều chuyển tải tin tức sinh lý và bệnh lý của cơ thể con người từ các góc độ khác nhau, cung cấp chỗ dựa đáng tin cho việc chẩn đoán và trị liệu của người thầy thuốc, do đó đối với bàn tay, Trung y có sự coi trọng đặc biệt.
Trong cuộc sống thường ngày, cũng có thể lợi dụng quan hệ gắn bó của bàn tay với nội tạng để nhìn ra trạng thái tâm lý của một người nào đó. Ví như, khi mọi người xem thi đấu thể thao hoặc trên màn ảnh xuất hiện tình tiết căng thẳng, thường sẽ “rịn ra mồ hôi ở bàn tay” do sự hưng phấn của tinh thần. Đây chính là một tín hiệu biểu thị nội tạng xuất hiện căng thẳng.
Có người nước ngoài đã lợi dụng cơ chế này để phát minh ra “máy phát hiện nói dối”. Đó là do lúc người ta nói dối, tốc độ của quả tim sẽ đập nhanh thêm, thần kinh vô cùng căng thẳng, làm kích thích nội tạng, dẫn tới phản ứng dây chuyền, cho nên bàn tay ra mồ hôi, khiến chiếc kim của “máy phát hiện nói dối” dao động không ngừng.
Như vậy, làm thế nào nhận biết bàn tay người khỏe mạnh và bàn tay của người có bệnh?
Trước tiên là từ mầu sắc. Bàn tay người khỏe mạnh ở tình huống bình thường thì mầu hồng nhạt, mu bàn tay mầu nước chè (trà) loãng, nhưng khi người ta có bệnh tật nào đó thì mầu sắc ở bàn tay sẽ không còn đều đặn nữa, như vừa hồng vừa trắng, hình thành dạng hoa văn, phần nhiều là biểu hiện khí trệ. Nếu hiện ra mầu hồng (đỏ), thường là biểu hiện nóng bên trong; nếu có mầu tím, thường là biểu hiện ứ huyết; nếu hiện ra mầu xanh, đa số biểu hiện cho chứng hàn và chứng đau nhức; nếu có mầu cà phê hoặc mầu ám đen, thường là bệnh nặng, bệnh ở thận, bệnh ung thư ác tính nặng nguy hiểm khó trị; nếu có mầu vàng, thường là bệnh tật ở gan, mật hoặc sỏi mật.
Tiếp đó là độ cứng của bàn tay. Khi bắt tay người khác, nếu cảm thấy độ ấm của bàn tay đối phương hạ thấp, tính chất có vẻ cứng, thì biết tính cách loại người này thường là không cởi mởi, dễ bị suy nhược thần kinh, bệnh đường tiêu hóa (ruột, dạ dày), hoặc bệnh phổi. Nếu độ ấm có vẻ tăng cao, tính chất trong mềm thấy có cứng, động tác mau mắn, thì hạng người này có tính cách nông nổi nóng nẩy, thích so đo từng ly từng tý, dễ mắc bệnh thần kinh quá nhậy cảm (dị ứng) hoặc tim mạch; Nếu tay ấm, tính chất mềm, động tác nhanh nhẹn, loại người này có tính cách ôn tồn, lòng tự trọng cao, dễ bị sơ cứng động mạch, bệnh vành tim; Nếu tay có cảm giác lạnh ẩm, chất cứng, động tác cứng rắn, thì loại người này có tính cách quật cường, dễ bị cao huyết áp, bệnh gan.
Vậy thì, tại sao bàn tay có thể phản ánh được sự khác thường của nội tạng?
Từ hình vẽ biểu thị ý nghĩa vị trí huyệt trên bàn tay ở đầu cuốn sách có thể thấy được, ở trên bàn tay tồn tại khá nhiều huyệt vị và bộ vị. Những huyệt vị và bộ vị này đều liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp với các khí quan nội tạng, cho nên, những bức hình ấy có thể gọi là “Nội tạng thị ý đồ” (Hình biểu thị ý nghĩa nội tạng).
Ở trên bàn tay tập trung huyệt vị trọng yếu dùng làm điểm xuất phát của “kinh lạc”. Liên quan đến các kinh lạc này, sẽ có giải thích tường tận ở đoạn văn sau. Ở đây, nói theo cách đơn giản, nó là một dạng đường lưu thông năng lượng khống chế nội tạng. Kinh lạc là danh xưng độc đáo trong lý luận Trung y, nó có chỗ khác biệt với hệ thống thần kinh trong lý luận của Tây y. Người ta không thể phát hiện loại kinh lạc này thông qua giải phẫu cơ thể. Nhưng căn cứ vào lịch sử thành quả nghiên cứu lâu đời của Trung y, mặc dù tay chân là nơi nằm cách xa nội tạng, nhưng chỉ cần tiến hành kích thích ở bộ vị ấy, thì thứ kích thích ấy sẽ có hiệu quả truyền đạt đến nội tạng, từ đó cải thiện công năng của nội tạng. Những bộ vị ấy chính là huyệt vị, còn con đường truyền đạt thứ kích thích đó chính là kinh lạc. Do đó, có thể nói bàn tay là bộ vị trọng yếu vì nó là nơi tập trung huyệt vị quan trọng dùng làm điểm xuất phát của kinh lạc có quan hệ mật thiết với nội tạng.
Vì vậy có thể thấy, thông qua kinh lạc, khiến cho nội tạng cùng với bàn tay tạo nên kết hợp mật thiết. Khi nội tạng bất ổn thì tin tức sẽ được gửi đến bàn tay thông qua kinh lạc. Ngược lại, nếu tiến hành kích thích thích đáng đối với bàn tay, thì có thể thông qua kinh lạc sẽ cải thiện được công năng nội tạng càng tốt hơn.
2. Giữ cho bàn tay khỏe có ích cho sức khỏe
Do nội tạng có bệnh, năng lượng không thể cung cấp đầy đủ cho hoạt động của cơ thể gây nên sự khó chịu cho thể xác và tâm hồn. Nếu nhìn vào bàn tay của người bệnh với sự khó chịu trong thân tâm, ta liền có thể phát hiện dấu hiệu có bệnh ở nội tạng, rồi thông qua kích thích vào bàn tay của họ, thì có thể nâng cao công năng của nội tạng, khiến khổ sở của người bệnh có thể được giải trừ. Đó chính là cơ sở xuất phát điểm của “Phương pháp bảo vệ sức khỏe từ bàn tay”.
Nhưng, nếu không biết quan sát bàn tay, thường thường ta sẽ bỏ qua, coi thường tình hình biến chuyển bệnh tật ở nội tạng để rồi sau cùng dẫn tới hậu quả không tốt. Hoặc giả không có thêm chú ý đối với sự bất ổn của nội tạng, thì với kết quả ngày tháng tích lũy như vậy, cũng sẽ biến thành bệnh tật. Do đó nếu trước khi ủ thành bệnh nặng mà ta có được biện pháp loại trừ sự bất ổn của nội tạng, thì có thể khôi phục được sức khỏe. Ấy chính là cần phải học “Cách bảo vệ sức khỏe bàn tay” thông qua kích thích bàn tay để nâng cao công năng của nội tạng, từ đó mà tăng cường sức khỏe.
Phần trước đã từng nói : Bàn tay có liên hệ mật thiết với nội tạng mà chi phối đường liên thông với nội tạng chính là “kinh lạc”. Kinh lạc này vừa là “máy bơm năng lượng” đem nội tạng với bàn tay liên kết cùng nhau, lại là con đường chuyển tải tin tức. Nếu biết được những nội dung này của kinh lạc, thì sẽ càng hiểu thêm tính trọng yếu và hiệu quả của “Cách bảo vệ sức khỏe bàn tay”.
Trong cơ thể con người tồn tại 12 đường kinh lạc liên kết nội tạng với nhau, nó khống chế năng lượng trong cơ thể con người. Chỗ giảng giải về nội tạng trong lý luận của Trung y có khác biệt về nội tạng trong lý luận của Tây y. Trong lý luận của Trung y có “ngũ tạng lục phủ”, tức là : can (gan), tâm (tim), tỳ (lá lách), phế (phổi), thận, đởm (mật), vị (dạ dày), đại tiểu trường (ruột già và ruột non), kế đến còn có tâm bào lạc (màng bao ngoài tim) và tam tiêu, gọi chung là 12 tạng phủ. Đối ứng cùng với nó, có chia ra 12 đường kinh lạc riêng biệt, trong đó 6 đường lấy ngón tay làm điểm xuất phát. Liên quan đến tên gọi của kinh lạc, việc đặt tên phân biệt bởi tên gọi nội tạng chi phối các đường kinh lạc, như : kinh Tâm, kinh Phế, kinh Tam tiêu, kinh Tiểu trường, kinh Đại trường và kinh Tâm bào.
Nay giới thiệu sơ qua một chút về 6 đường kinh lạc thông qua bàn tay cùng với huyệt vị trọng yếu trên những điểm xuất phát ấy.
1. Huyệt Thiếu thương : Là điểm xuất phát của kinh Phế (phổi), nằm ở bờ ngoài ngón tay cái, cách gốc móng tay khoảng 1 phân (0,1 thốn). Kinh phế có quan hệ mật thết với hệ thống bộ máy hô hấp : phổi và nhánh khí quản, nếu bị cảm, hen suyễn, viêm đường khí quản, thì trên điểm xuất phát của kinh Phế sẽ cảm thấy đau khi ấn xuống. Có cảm giác đau khi ấn xuống ở bên ngón cái tay phải là biểu lộ có bệnh ở máy hô hấp bên phải (phổi bên phải).
Ngược lại, có điểm ấn xuống thấy đau ở ngón cái tay trái thì biểu lộ công năng bộ máy hô hấp bên trái bị thất thường.
2. Huyệt Thương dương : Là điểm xuất phát của kinh Đại trường (ruột già), nằm ở góc bên ngoài cạnh ngón tay trỏ, cách góc móng tay chừng 1 phân. Kinh đại trường chủ yếu khống chế công năng của đại trường, nếu xuất hiện bệnh biến tiêu hóa không tốt, thì trên ngón tay trỏ sẽ cảm thấy đau khi ấn vào.
3. Trung xung : Là điểm xuất phát của kinh Tâm bào, ở chỗ chót đầu của ngón tay giữa. Kinh tâm bào có quan hệ mật thiết với công năng của tim, là kinh lạc khống chế công năng hệ thống bộ máy tuần hoàn. Do đường kinh tâm bào này cũng phát sinh tác dụng đối với tiểu trường (ruột non), cho nên ở tình huống “tháo dạ” do bởi căng thẳng tinh thần gây ra, khi đè ấn vào đầu ngón tay trỏ sẽ cảm thấy đau.
4. Huyệt Quan xung : Là điểm xuất phát của kinh Tam tiêu, ở mé bên cạnh đầu ngón tay áp út (về phía bên ngón út), cách góc móng tay khoảng 1 phân. Kinh tam tiêu khống chế tuần hoàn của bạch huyết và công năng của hormon. Đó là nói, kinh tam tiêu điều chỉnh rất tốt công năng toàn thể nội tạng. Nếu kinh Tam tiêu thiếu cân bằng mà khiến cho công năng điều tiết nhiệt độ của cơ thể không cách gì tiến hành thuận lợi, thì sẽ xuất hiện chứng trạng sợ lạnh.
5. Huyệt Thiếu xung : Là điểm xuất phát của kinh Tâm, ở góc bên trong đầu ngón tay út, cách góc móng tay 1 phân. Đúng như tên gọi của nó, đường kinh Tâm này khống chế trực tiếp trái tim cùng với hệ thống tuần hoàn huyết dịch. Do đó, sự mất điều hòa hoặc bệnh tật tạo nên do căng thẳng tinh thần gây ra đều có quan hệ tới kinh Tâm.
6. Huyệt Thiếu trạch : Là điểm xuất phát của kinh Tiểu trường, nằm ở góc bên ngoài đầu ngón tay út, cách góc móng tay 1 phân. Kinh Tiểu trường chủ yếu quan hệ mật thiết với công năng của Tiểu trường (ruột non), ví như, khi bị táo bón, thì phía trên ngón tay út sẽ cảm thấy đau khi ấn xuống. Ngoài ra, nó cũng có quan hệ mật thiết với hệ thống tuần hoàn.
Thầy thuốc có kinh nghiệm thường nói với bệnh nhân rằng : “Bàn tay là thước đo của nội tạng”. Nay chúng tôi sẽ đưa ra một ví dụ thuyết minh sự mất điều hòa của nội tạng sẽ biểu hiện ra sao trên bàn tay.
Có một cụ già 80 tuổi, có cơ thể khỏe mạnh, bắp thịt còn săn chắc, da dẻ không hề có chút nhăn nheo. Mà mầu sắc, độ cứng, tính mềm dẻo của bàn tay người đó cũng đều vừa phải, do đó có thể nói cơ thể cụ già này khỏe mạnh lạ thường. Nhưng thầy thuốc lại chú ý đến ngón tay út của cụ già này vì nó có hơi sưng to hơn so với các ngón khác.
Ở trên ngón tay út có một huyệt Mệnh môn có lợi cho trị liệu bệnh đau thắt lưng. Khi thầy thuốc ấn vào huyệt Mệnh môn này thì cụ già nọ cảm thấy đau ở điểm ấn xuống nên rụt tay về. Lại kiểm tra kỹ cơ thể, liền phát hiện ông ấy có chứng hơi đau thắt lưng.
Một số người thường cho rằng đau thắt lưng không có chút quan hệ nào với nội tạng, nhưng trên thực tế không phải như vậy. Có khá nhiều tình huống đau thắt lưng là do sự giảm sút hoặc chướng ngại của công năng nội tạng. Mệnh môn là huyệt vị có quan hệ với quả thận, do đó, nếu thấy trên huyệt vị này biểu hiện ra biến hóa cảm giác thấy đau khi ấn vào, liền có thể hoài nghi có thể có sự mất cân bằng ở Thận.
Do vậy có thể thấy, sự mất điều hòa của nội tạng đều có thể biểu hiện ra rõ ràng ở trên bàn tay.
Dựa theo bản tiếng Hoa : 按摩手足保健法 (第二版)
do NXB Khoa Học Kỹ Thuật Thượng Hải phát hành tháng 6 năm 1999
Biên dịch: BAN TU THƯ (thanhdiavietnamhoc.com) – MNH HÙNG
________________
Mời xem các bài viết liên quan:
1. BÀN TAY – MẤU CHỐT trong BẢO VỆ SỨC KHỎE CON NGƯỜI.