Bàn thêm về việc NGHIÊN CỨU VĂN HOÁ trong MỐI QUAN HỆ với NGÔN NGỮ và TRI NHẬN
LÝ TOÀN THẮNG
(GS TSKH, Nguyên cán bộ Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)
Hơn mười năm trước, trong bài báo có nhan đề “Bản sắc văn hoá: Thử nhìn từ góc độ tâm lí- ngôn ngữ” (2001), tôi có đưa ra đề nghị rằng: Trong những nghiên cứu ngôn ngữ học có liên quan đến vấn đề văn hoá, không nên chỉ khảo sát mối quan hệ “tay đôi” giữa ngôn ngữ và văn hoá, mà phải đặt nó trong cái thế “tay ba”: ngôn ngữ – văn hoá – nhận thức (tựa như: ngôn ngữ – tư duy- thực tại khách quan). Về phương diện lí thuyết, điều này không có gì là mới: từ hai thế kỉ trước nhà bác học Đức W. von Humboldt (1767-1835) đã nhấn mạnh đến việc phải nghiên cứu mối quan hệ ‘tay ba’ này.
Cách đây ba năm, 2012, tại Hội thảo Khoa học “Những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá” (do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội và Hội Ngôn ngữ học Hà Nội tổ chức để tưởng niệm GS Nguyễn Tài Cẩn) trong báo cáo có nhan đề “Việc nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá (từ hướng nhìn của ngôn ngữ học tri nhận và ngôn ngữ học văn hoá)”, tôi có nêu thêm nhận xét rằng: Những cuốn sách chuyên khảo về văn hoá xuất bản ở nước ta rất đáng tiếc là hầu như không chú ý rằng đã có những trào lưu hay phân ngành nghiên cứu sâu về mối quan hệ ‘bộ ba’ giữa văn hoá, ngôn ngữ và nhận thức/tri nhận, như là: Ngữ học sắc tộc (Ethno-linguistics), Ngữ học nhân học (Anthropological linguistics), Ngữ học văn hoá (Cultural linguistics), v.v. mà gắn với đó là những tên tuổi lớn như: Humboldt, Boas, Sapir, Whorf, Cassier, Hymes,… và một số học giả gần đây như: Duranti, Kramsch, Palmer, Sharifian,… Khi đó, tôi cũng có đưa ra một nhận định rằng: Truyền thống nghiên cứu văn hoá ở ta thường hay nhìn nhận một hệ thống văn hoá gồm có hai thành tố cấu trúc là: văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần, hay gần đây là: văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể. Nhưng thực ra còn có thể nói đến ‘văn hoá nhận thức/tri nhận’ và theo tôi thì người đầu tiên đưa ra thuật ngữ “văn hoá nhận thức” (nếu tôi không nhầm) là Trần Ngọc Thêm (mà ông có dịch sang tiếng Anh là: Culture of cognition). Sự mở ra câu chuyện “nhận thức” này trong văn hoá học của Trần Ngọc Thêm, tôi thiết nghĩ, là một đóng góp quan trọng cho việc nghiên cứu văn hoá ở nước ta.
Vì mối quan hệ ‘tay đôi’ giữa ngôn ngữ và văn hoá đã được bàn khá kĩ và bàn đến từ rất lâu và mối quan hệ ‘tay đôi’ giữa ngôn ngữ và nhận thức/tri nhận (cognition) cũng được nói khá rõ gần ba thập kỉ vừa qua trong trào lưu ‘ngôn ngữ học tri nhận’ – nên trong báo cáo này, tôi muốn nói sâu thêm ít nhiều về mối quan hệ giữa văn hoá và tri nhận (được biểu hiện trong ngôn ngữ).
Dựa theo những nghiên cứu gần đây của giới nghiên cứu, mối quan hệ giữa văn hoá và tri nhận có thể quy kết ra từ những luận thuyết hay hệ luận sau:
a) Có rất nhiều (hàng trăm) những định nghĩa về văn hoá, nhưng có thể quy về không nhiều những ‘cách tiếp cận’ (approach) để nghiên cứu văn hoá như những ‘góc nhìn’ văn hoá từ phương diện ‘chức năng’, ‘cấu trúc’, hay từ phương diện ‘chuẩn mực’, ‘hành vi’, v.v. và một trong số đó là cách tiếp cận ‘tinh thần/nhận thức hay tri nhận’ (mental/cognitive).
b) Văn hoá, được hiểu rộng – thường có bao gồm một số thành tố (mang tính) tri nhận hay liên quan chặt chẽ với tri nhận như: tri thức, cách nhìn thế giới, niềm tin (belief) và giá trị. Đáng chú ý là hai khái niệm:
– Tri thức (Knowledge): Các quá trình tri nhận cơ bản như: kí ức, chú ý, liên tưởng, tri giác, ngôn ngữ, v.v. đều liên quan tới tri thức.
– Cách nhìn thế giới (tiếng Đức Weltansich, tiếng Anh World view): thường được dùng để nói tới ‘sự tri giác thế giới’, tới sự thấu hiểu (ở bậc) ý niệm và cảm quan về hiện thực (conceptual and sensorial apprehension of reality) hoặc về vốn kinh nghiệm ngàn đời của một dân tộc.
Về câu chuyện ‘tri giác thế giới’ này, rất đáng chú ý là thực nghiệm và luận thuyết của nhóm các nhà tâm lí học ở trường đại học Michigan (Mĩ) gồm R. Nisbett và các cộng sự (2005); thực nghiệm cho thấy rằng sinh viên người Mĩ và người Trung Quốc nhìn thế giới này không giống nhau: cùng nhìn một bức ảnh con hổ trong rừng chẳng hạn, nếu người Trung Quốc chú ý nhiều hơn đến rừng cây ‘ngoại cảnh’ (back ground) thì người Mĩ lại tập trung vào ‘nhân vật trung tâm’ (focal object) con hổ nhiều hơn. Trong cuốn sách “The Geography of Thought: How Asians and Westerners Think Differently… And Why” (2003) Nisbett nhấn mạnh rằng: sự tri nhận của con người không phải ở đâu cũng giống nhau, người Á châu và người Tây phương có hệ thống tư duy (very different systems of thought) rất khác nhau đã cả hàng ngàn năm – một bên thiên về ‘tổng hợp’ (holistic), một bên thiên về ‘phân tích’. Điều này có lẽ là do những khác biệt văn hoá trong ‘phong cách tri nhận’ (cognitive style) của họ vốn liên quan đến sự ‘định hướng của xã hội’ (social orientation).
c) Văn hoá, hiểu hẹp từ góc nhìn ‘tri nhận luận’ (cognitivism) – như trong ‘nhân học tri nhận’(cognitive anthropology) chẳng hạn, được xem như một ‘hệ thống tri nhận’ (cognitive system).
d) Thêm nữa, văn hoá – dù hiểu rộng hay hiểu hẹp – trong định nghĩa của nó bao giờ cũng có chú trọng đến ‘nét riêng biệt’ về mặt tinh thần, mặt tâm lí giữa các dân tộc; hay nói cho cụ thể hơn, đó là ‘lối nghĩ riêng’, ‘cách tư duy riêng’ của dân tộc đó, của cộng đồng ngôn ngữ-văn hoá đó, về các sự vật, hiện tượng của thế giới xung quanh, của tự nhiên, của xã hội và con người ở đất nước đó, lãnh thổ đó.
Trong những nghiên cứu của giới ngôn ngữ học từ khá lâu đã có thể nhận ra những điều tôi vừa trình bày ở trên. Chẳng hạn, trong truyền thống của ngôn ngữ học ‘phi-tri nhận’ như ở hai phân ngành/lĩnh vực ‘ngữ học sắc tộc’ (ethno-linguistics) và ‘nghĩa học sắc tộc’ (ethno-semantics) người ta đã khảo sát những sự kiện ngôn ngữ trong mối quan hệ với văn hoá và tư duy/tri nhận, bằng cách tìm hiểu cách thức các sắc tộc (ethnic groups) khác nhau tri giác về thế giới như thế nào hoặc phân loại những sự vật, hiện tượng cơ bản và phổ quát ra sao – như là đối với các phạm trù: màu sắc, động vật, thực vật, quan hệ gia đình, v.v. Chính là ở đây người ta đã phát hiện ra nhiều thứ ‘lí thuyết dân dã’ (folk theories), ‘đời thường’ (everyday), ‘ngây thơ’ (naive) rất thú vị về đủ mọi lĩnh vực: sinh học, vật lí học, toán học, xã hội học, v.v. Về chuyện này có thể kể đến hàng loạt tác phẩm của giới học giả Mĩ như B. Berlin, C. Brown và nhiều người khác.
Một xu hướng nghiên cứu khác, tuy tác giả của nó không tuyên bố là ‘ngôn ngữ học tri nhận’ – nhưng cũng định hướng chủ yếu vào mối quan hệ giữa ngôn ngữ, văn hoá và tri nhận. Ở phương Tây, điển hình là một số công trình của nữ học giả người Úc A. Wierzbicka trong đó đáng chú ý nhất là cuốn sách có nhan đề “Nghĩa học, Văn hoá và Tri nhận: Những khái niệm phổ quát trong những hình thể văn hoá đặc thù” (Semantics, Culture and Cognition: Universal human concepts in culture-specific configurations) in năm 1992 và những nghiên cứu sau đó của bà về cái gọi là các ‘mô hình văn hoá’ (cutural scripts). Ở Nga, đó là những nghiên cứu chuyên đề về ‘bức tranh ngôn ngữ về thế giới’ (языковая картина мира) và ‘cách nhìn thế giới’ (видение мира) trong một loại công trình của các nhà ngữ học và ngữ học-tâm lí nhiều thế hệ như: Apresjan 1995, 2006; Bulyghina- Shmelev 1997; Jakovleva 1994, Leont’ev 1997; Li/Ly Toan Thang 1993, 2006; Shmelev 2002; Tan Aoshuan 2004; Ufimtseva 1999, 2000; Urison 2003; Zaliznjak Anna 2005.
Từ khi xuất hiện trào lưu ‘ngôn ngữ học tri nhận’ càng thấy rõ nét hơn mối quan tâm của các nhà ‘tri nhận luận’ tới văn hoá và tri nhận trong sự liên đới với ngôn ngữ. Đáng chú ý nhất có lẽ là những ý tưởng lí thuyết rằng: tri nhận – đó là cái cách chúng ta suy nghĩ/ tư duy (the way we think) về thế giới, về cái hiện thực xã hội (và tự nhiên) quanh ta, bằng các mô hình tri nhận (cognitive models) mà cụ thể là các “mô hình văn hoá” (cultural models) và các “lí thuyết dân dã” (folk theories). Ở đây trước hết phải kể đến cuốn sách kinh điển nổi tiếng của G. Lakoff (1990) với nhan đề “Women, Fire, and Dangerous Things: What Categories Reveal About the Mind” trong đó ông đã trình bày một thứ ‘nghĩa học tri nhận’ mới mẻ, độc đáo; tìm hiểu tâm trí (mind) con người từ góc nhìn ‘kinh nghiệm (luận)’ – thông qua việc khảo sát cái cách thức (way) con người phạm trù hoá các sự vật. Qua một số nghiên cứu trường hợp (case study), Lakoff đã làm rõ cái cách thức trong đó những nền văn hoá khác nhau ‘nhìn’ (view) thế giới này ra sao (như trường hợp phân loại các phạm trù với 4 loại từ khác nhau, trong tiếng Dyirbal, một ngôn ngữ thổ dân ở Úc).
Một xu hướng lí thuyết mới khác là những ý tưởng gần đây của học giả người Úc F. Sharifian (2011) về ‘ngữ học văn hoá’ (cultural linguistics) mà theo ông đối tượng của nó là nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ, văn hoá và sự ‘ý niệm hoá’ (conceptualization) trong đó ngôn ngữ và ý niệm hoá là hai bình diện quan trọng của ‘tri nhận văn hoá’ (cultural cognition) của một sắc tộc. Cái ‘hơi hướng’ tri nhận Sharifian quá rõ vì ‘ý niệm’ (concept) và ý niệm hoá đang là câu chuyện trung tâm của chính mạch (main stream) ngôn ngữ học tri nhận giai đoạn hiện nay. Ở đây cũng cần chú ý thêm rằng: khác với ngôn ngữ học ‘phi-tri nhận’ tập trung vào nghiên cứu ‘ý nghĩa’ (meaning), ngôn ngữ học tri nhận không tập trung nghiên cứu chuyện này mà vào ‘ý niệm’ bởi vì với các nhà tri nhận luận – như nhà lí thuyết hàng đầu R. W. Langacker đã nhiều lần chỉ rõ: Ý nghĩa cư ngụ trong sự ý niệm hoá, là ngang bằng với sự ý niệm hoá; và sự ý niệm hoá đến lượt nó lại cư ngụ trong các quá trình tri nhận. Các cấu trúc ý nghĩa là cấu trúc ý niệm được gợi lên bởi các biểu đạt ngôn ngữ học và do đó sự phân tích ngữ nghĩa cuối cùng thì cũng phải quy về sự phân tích ý niệm, có liên quan đến hệ thống tri thức của con người.
Trong định hướng nghiên cứu ‘ngôn ngữ tri nhận’ của chúng tôi, mối quan hệ giữa văn hoá và tri nhận, một mặt cũng bộc lộ qua ‘những sự ý niệm hoá (mang tính) văn hoá’ (cultural conceptualizations – thuật ngữ của Sharifian) và mặt khác, qua ‘cách nhìn thế giới’ (thuật ngữ của Humboldt) trong cách hiểu đây là những cách thức tri nhận – những cách ‘nhìn’, lối ‘nghĩ’ (đặc thù ở mỗi dân tộc) về các sự vật, hiện tượng của thế giới quanh ta (mà Quý bạn đọc có thể tìm hiểu trong một số bài nghiên cứu chuyên đề của chúng tôi bằng tiếng Việt, tiếng Anh hoặc tiếng Nga, ở phần thư mục tài liệu tham khảo dưới đây).
THƯ MỤC THAM KHẢO
A. Tiếng Việt
1. Chu Xuân Diên, Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia, TP Hồ Chí Minh, 2002.
2. Hội Ngôn ngữ học Việt Nam – Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Việt Nam – Những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá, 1993.
3. Phan Ngọc, Văn hoá Việt Nam và cách tiếp cận mới, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1994.
4. Trịnh Thị Kim Ngọc, Ngôn ngữ và văn hoá, Tri thức nền và việc giảng dạy tiếng nước ngoài, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1999.
5. Hà Văn Tấn, Tư tưởng của cư dân buổi đầu dựng nước // Nguyễn Tài Thư (Chủ biên), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập I, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.
6. Hà Văn Tấn, Tư tưởng của cư dân trên đất Việt Nam thời nguyên thuỷ // Nguyễn Tài Thư (Chủ biên), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập I, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.
7. Lý Toàn Thắng – Trần Đại Nghĩa, Ngữ nghĩa của từ “cây” và sự phân loại dân dã thực vật ở người Việt, Dân tộc học, số 3, 1998, tr. 47-51; in lại trong: Lý Toàn Thắng (2013), Một số vấn đề lí luận ngôn ngữ học và tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.
8. Lý Toàn Thắng, Định vị không gian “trên – dưới” trong tiếng Việt (Công bố lần đầu trong Kỉ yếu Hội thảo Ngôn ngữ học Quốc tế Liên Á lần thứ V Pan Asiatic Linguistics, TP Hồ Chí Minh, 2000, tr. 178-186); in lại trong: Lý Toàn Thắng, Một số vấn đề lí luận ngôn ngữ học và tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2013.
9. Lý Toàn Thắng, Bản sắc văn hoá: thử nhìn từ góc độ tâm lí – ngôn ngữ, Ngôn ngữ, số 15, 2001, tr. 1- 7; in lại trong: Lý Toàn Thắng, Một số vấn đề lí luận ngôn ngữ học và tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2013.
10. Lý Toàn Thắng, Câu chuyện về loại từ con, Ngôn ngữ và Đời sống, số 4(150)/2008, tr. 1-4; in lại trong: Lý Toàn Thắng, Một số vấn đề lí luận ngôn ngữ học và tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2013.
11. Lý Toàn Thắng, Ngôn ngữ học tri nhận: lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, 2005, tái bản lần thứ hai, có sửa chữa, bổ sung – NXB Phương Đông, 2009.
12. Lý Toàn Thắng, Đôi điều suy nghĩ về việc nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá (từ hướng nhìn của ngôn ngữ học tri nhận và ngôn ngữ học văn hoá), Kỉ yếu Hội thảo Khoa học “Những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá”, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội và Hội Ngôn ngữ học Hà Nội, 4 – 2012; in lại trong: Lý Toàn Thắng, Một số vấn đề lí luận ngôn ngữ học và tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2013.
13. Trần Ngọc Thêm, Đi tìm ngôn ngữ của văn hoá và đặc trưng văn hoá của ngôn ngữ // Việt Nam, Những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam – Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, 1993.
14. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB TP Hồ Chí Minh, 1996.
15. Nguyễn Đức Tồn, Đặc trưng văn hoá – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008.
16. Trần Quốc Vượng (chủ biên), Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục (in lần thứ hai), Hà Nội, 2000.
B. Tiếng Anh
1. Berlin B., Ethnobiological Classification, Cognition and Categorization, Hildsdale, 1978.
2. Brown , Folk Botanical Life form: Their Universality and Growth, America Anthropologist, 1977.
3. Chua, H. F., Boland, J. E., & Nisbett, R. E., Cultural variation in eye movements during scene perception, Proceedings of the National Academy of Sciences, USA, 102, 12629-12633, 2005.
4. M. Cole M. & S. Scribner S., Culture and Thought: a Psychological Introduction, New York- London – Sydney – Toronto, 1974.
5. D’Andrade , The Development of Cognitive Anthropology, Cambridge University Press, 1995.
6. Dirven R., Frank R., & Putz M.(eds.), Cognitive Models in Language and Thought, Mouton de Gruyter, 2003.
7. Duranti A., Linguistic Anthropology, Cambridge University Press, 1997.
8. Fauconnier G., The way we think, New York: Basic books, 2002.
9. Goddard C. & Wierzbicka A., Cultural Scripts // Intercultural Pragmatics 1(2), 2004.
10. Kramsch C., Language and Culture, Oxford University Press, 1998.
11. Mathiot M. (Ed.)., Ethnolinguistics: Boas, Sapir and Whorf revisited, The Hague: Mouton, 1979.
12. Lakoff G., Women, Fire, and Dangerous Things: What categories Reveal about the Mind, University of Chicago Press, 1987.
13. Langacker R.W., Foundations of Cognitive Grammar, 02 vols., Stanford: Stanford University Press, 1987, 1991.
14. Langacker R., Culture, cognition, and grammar. In M. Pütz (Ed.), Language contact and language conflict, 25-53, Amsterdam and Philadelphia: John Benjamins, 1994.
15. Langacker W., Grammar and Conceptualization, Mouton de Gruyter: Berlin, New York, 1999.
16. Ly Toan Thang., Representation of space in Vietnamese classifiers, Mon-Khơ-me Studies, Vol. 29, 1999, Bangkok, 57-70, 1999.
17. Ly Toan Thang – Nguyen Thi Thanh Huyen, The Vietnamese way of viewing and thinking about the world (based on animal and plant puzzes), Вопросы психолингвистики, 8-2008, 107-111, Moskva, 2008.
18. Ly Toan Thang – Pham Huu Duc, Ý niệm LÒNG trong tiếng Việt: từ góc nhìn của lí thuyết giảng dạy ngoại ngữ (The Vietnamese concept LÒNG: from the perspective of foreign language teaching) // 2010 International Conference on Vietnamese and Taiwanese Studies, Taiwan, 2012.
19. Ly Toan Thang, Different way of viewing and thinking about the same location situation: Non-Indo-European Vietnamese vs. Indo-European English // Monash University Linguistics Papers, Volume 7, Number 1, May 2010, pp. 45-56, Australia, 2010.
20. Ly Toan Thang, The Vietnamese Expression of BODY and SOUL: A Cognitive and Cultural Linguistic Study. In: Srichampa S., Sidwell P. and Gregerson K. (eds.) Austroasiatic Studies: papers from ICAAL4. Mon-Khơ-me Studies Journal Special Issue No. 3. Dallas, SIL International; Salaya, Mahidol University; Canberra, Pacific Linguistics. pp.127-xx, 2011.
21. Nisbett R. E., The Geography of Thought: How Asians and Westerners Think Differently… And Whi, The Free Press, New York, 2003.
22. Palmer G., Toward a theory of cultural linguistics, Texas: University of Texas, 1996.
23. Sharifian F., Cultural conceptualisations and language: Theoretical framework and applications. Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins, 2011.
C. Tiếng Nga
1. Апресян Ю. Д., Ибранные труды. Т. 2. Интергралное описание и системная лексикография. Москва. Апресян Ю. Д., Языковая картина мира и системная лексикография, Москва, 2006.
2. Булыгина Т. В., Шмелев А.Д., Языковая концептуализация мира (на материале русской грамматики), Москва, 1997.
3. Леонтьев А. А., Основы психолингвистики, Москва: Смысл, 1997.
4. Ли Тоан Тханг., Пространная модель мира: Когниция, культура и этнопсихология (на материале Вьетнамского и Русского языков). Москва: Институт языкознаня; tái bản năm 2006 với nhan đề: Вьетнамская лингвистическая модель мира: Концептуализация пространства, Москва: Институт языкознаня, 1993.
5. Яковлева Е. С., Фрагменты русской картины мира (модели пространства, времени и восприятия), Москва, 1994.
6. Шмелев . А . Д., Русская языковая модель мира, Москва, 2002.