Bàn về GIỮ GÌN BẢN SẮC VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG trong QUỐC GIA ĐA TỘC NGƯỜI
VƯƠNG TOÀN
(PGS TS, Viện Thông tin Khoa học Xã hội)
1. Đặc trưng tộc người và văn hoá truyền thống
Người ta thường nói: Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Thuật ngữ dân tộc được dùng ở đây để chỉ tộc hay tộc người 1. Tên dân tộc/tộc danh với tên quốc gia và tên ngôn ngữ không phải lúc nào cũng có sự trùng hợp. 2. Đó là chưa kể các nhóm tuy được chính thức xếp chung vào một dân tộc song ngôn ngữ sử dụng có thể rất khác nhau: Giẻ – Triêng là tên ghép chính thức dùng để chỉ một dân tộc thiểu số (DTTS) (từ 1979), song Giẻ, Triêng, Ve và Bhnoong được công trình nghiên cứu Các ngôn ngữ Nam Á ở Việt Nam (2010) do Viện Ngôn ngữ học chủ trì (Chủ nhiệm: PGS TS Tạ Văn Thông), xác nhận đây là 4 ngôn ngữ. Nói cách khác, giới nghiên cứu cho rằng: số lượng dân tộc/tộc người và số lượng ngôn ngữ trên một vùng lãnh thổ không hẳn lúc nào cũng trùng nhau. Cụ thể hơn, “Ở nước ta, theo các tài liệu chính thức, có 54 dân tộc cùng chung sống, trong đó có 53 DTTS, sử dụng trên dưới 100 thứ tiếng khác nhau” 3.
Ngược dòng lịch sử: Theo bản danh mục công bố lần đầu tiên (1959), nước ta có 64 dân tộc. Sau đó, danh mục công bố năm 1974 chỉ còn 59 dân tộc. Và trong Danh mục (1979), nước ta có 54 dân tộc. Danh mục này được dùng làm cơ sở cho các cuộc Tổng điều tra dân số từ năm 1979. Trong tài liệu thống kê ở các cấp, trên phương tiện thông tin đại chúng suốt 35 năm qua. Tuy nhiên, do một số trường hợp còn chưa thật sự khoa học, trong nghiên cứu, có tác giả vẫn đưa ra cách nhìn/ viết riêng.
Một số địa phương còn đặt thành vấn đề khoa học nghiêm túc, như đã có 2 hội thảo khoa học (1992) tại Tây Ninh và Bình Phước, do Viện Dân tộc học tổ chức 4 để tìm câu trả lời: Có hay không tộc người tên là Tà Mun và có thể công nhận là dân tộc thứ 55 ở Việt Nam? Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã duyệt đề cương Đề án “Bổ sung dân tộc Pa Kô vào danh mục các dân tộc Việt Nam”, do Ban dân tộc tỉnh chủ trì (2008-2009) 5. Đó là chưa kể có đề tài cấp Nhà nước, được nghiệm thu vào loại “xuất sắc”, nhưng tiếc rằng vẫn chưa được đề xuất lên cấp có thẩm quyền vì “vấn đề nhạy cảm”.
Do những cuộc di dân liên tục diễn ra trong lịch sử, nhất là vào khoảng giữa thế kỉ XX, sự đan xen dân tộc cũng là hiện tượng ngày càng phổ biến, do chuyển cư có tổ chức và tự phát. Hiện tượng một tộc người có mặt ở nhiều địa phương ngày càng phổ biến, ví như người Mnông có 102.741 người mà cư trú tại 51/63 tỉnh, thành (2009).
Thực ra, sự phân định tộc người chỉ mang tính tương đối. Sự đan xen lâu ngày đã dẫn đến thay đổi tộc danh, không chỉ do hôn nhân hỗn hợp tộc người mà còn do những nguyên nhân xã hội trong lịch sử, như hiện tượng chuyển hoá Tày<=>Nùng, hay nhóm Tày lưu quan ở Cao Bằng. Cũng có hiện tượng Kinh=>Thái và Thái=>Mường, như ở Thanh Hoá 6. Hoặc ở Tây Nguyên: Chil là một nhóm địa phương Mnông, song một bộ phận lớn di cư xuống phía Nam, cư trú lẫn với người Cơ-ho, nay tự báo là Cơ-ho. Hoặc người Chu-ru ở Lâm Đồng vốn là con cháu người Chăm di cư lên 7.
Sử dụng thuật ngữ tộc người để nói về các DTTS, với nhận thức rằng “Trong từng quốc gia, các tộc người đang đấu tranh cho bình đẳng, dân chủ, cho tự do hoàn toàn; song điều đó chỉ đem lại kết quả khi nào quan hệ giữa các tộc người trong một quốc gia-dân tộc được giải quyết đúng đắn”, GS Đặng Nghiêm Vạn (1993) đã nêu rõ: “Làm sao giải quyết được những khác biệt về tiếng nói, phong tục, tập quán, lối sống, văn hoá của các tộc người, các nhóm xã hội trong một quốc gia thống nhất đa tộc người? Những vấn đề đó chưa được giải quyết không chỉ mặt thực tiễn, mà cả về mặt lí luận” (tr. 9-10).
2. Vấn đề bản sắc văn hoá truyền thống trong quốc gia đa tộc người
2.1. Việt Nam là một quốc gia đa tộc người. Có (những) tộc người vốn sinh ra và phát triển trên mảnh đất này ngay từ thủa ban đầu, có những tộc người từ nơi khác lần lượt di cư đến. Mỗi tộc người đều mang trong mình không ít nét đặc sắc về văn hoá truyền thống – cả vật thể lẫn phi vật thể. Vì thế, Việt Nam là nước đa văn hoá, đa ngôn ngữ: văn hoá Việt Nam là văn hoá đa dạng.
Tuyên ngôn thế giới của UNESCO về đa dạng văn hoá (2001) cho rằng: “Việc đảm bảo sự đa dạng văn hoá là một đòi hỏi cấp bách về mặt đạo đức, không thể tách khỏi sự tôn trọng phẩm giá của con người” (tr. 49). Bình đẳng giữa các dân tộc thường chú ý đến các trường hợp dễ bị tổn thương. Năm 2011, Chính phủ ra Quyết định phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các DTTS Việt Nam đến năm 2020”, với mục tiêu “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của các DTTS phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng địa bàn các dân tộc có nguy cơ bị biến dạng văn hoá cao (các dân tộc rất ít người không có điều kiện tự bảo vệ văn hoá của mình; bảo tồn và phát triển văn hoá các DTTS tại khu vực biên giới, hải đảo, khu vực tái định cư của các thuỷ điện). Phát huy vai trò của các chủ thể văn hoá trong phát triển văn hoá truyền thống của các dân tộc”.
Đề cập đến hiện trạng văn hoá dân tộc, TS Phạm Thị Hoàng Hà (2012) cho rằng “quá trình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta ở nhiều địa bàn thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc cũng cho thấy nhiều bất cập trong nội dung bình đẳng dân tộc trên lĩnh vực văn hoá giữa các địa phương, các tộc người”. Và “Theo quan niệm của tác giả, bình đẳng dân tộc trên lĩnh vực văn hoá là sự đảm bảo quyền được tôn trọng, giữ gìn bản sắc văn hoá của các dân tộc… Bình đẳng dân tộc trên lĩnh vực văn hoá phải được thực hiện trong tất cả các yếu tố cấu thành văn hoá của từng dân tộc” (tr. 56).
Trình độ học vấn phổ cập và khả năng đa ngữ tăng lên, sự tiếp xúc với văn hoá của người đa số cũng như từ nước ngoài tăng vụt trước những cái mới mẻ – với sự tiếp sức của các phương tiện thông tin và truyền thông bằng in ấn cổ truyền và tin học hoá hiện đại – cũng khiến cho sự tiếp thu đôi khi thiếu chọn lọc: một số thói hư tật xấu mới cũng từ đó mà ra, lại chưa được quy định trong luật tục, hương ước… xưa. Bảo tồn hay giữ gìn và phát huy những gì là bản sắc văn hoá truyền thống của một tộc người là vấn đề được quan tâm của một quốc gia, mà trong hoàn cảnh xã hội hiện đại, không thể không mở rộng giao lưu và hội nhập, không chỉ với khu vực mà với cả quốc tế. Do vậy, trong khi không phải do áp đặt mà tự nguyện thay đổi hay tiếp nhận cái mới được cho là tốt đẹp hơn, mỗi tộc người chỉ có thể giữ lại cái đặc sắc, góp phần hình thành nền văn hoá đa dạng. Việt Nam là một quốc gia đa văn hoá.
2.2. Thực hành tập tục của tộc người đông hơn trong vùng là một sự tiếp thu tự nguyện, muốn hoà đồng: Người Kinh lên Việt Bắc nay cũng có mặt trong hội lồng tồng vào dịp đầu xuân, cũng đi tảo mộ dịp Tết Thanh minh… như người Tày, người Nùng. Người Pa-co đã tiếp nhận thêm cái Tết Nguyên đán 8 cho nên thành 2 tết trong năm.
Khi đề cao đa dạng văn hoá thì nhà sàn ở Việt Bắc và Tây Bắc cũng được tôn trọng như nhà rông ở Tây Nguyên, nhà gươl của người Cơ-tu,… dù trong thực tế, nhiều ngôi nhà xây có đủ tiện nghi hiện đại ngày càng xuất hiện thay cho ngôi nhà truyền thống. Về ẩm thực, người Thái vốn ăn cơm nếp, người Hmông ăn ngô; cơm lam của các dân tộc Tày-Thái, thắng cố của người Hmông, nặm pịa của người Thái và một số dân tộc thiểu số khác, cũng được tôn trọng như những món ăn chế biến từ prồbốc trong văn hoá ẩm thực người Khơ-me ở Trà Vinh…, bên cạnh nước mắm, nước tương (xì dầu, magi)…
Về văn học dân gian, Mo kể chuyện Đẻ đất đẻ nước của người Mường và truyền thuyết Pú Luông Dả Cải của người Tày đều có giá trị. Dù không phong phú như trường ca và sử thi của các dân tộc: Chăm, Ê-đê, Ba-na, Mnông, Ra-glai và Xơ-đăng, sử thi của người Hà Nhì cũng rất đáng trân trọng. Ngày nay, hát then, sli, lượn của người Tày và Nùng thường chỉ gặp khi biểu diễn văn nghệ. Liệu tình hình đó có diễn ra với xinh ca của người Cao Lan, hát sắc bùa, hát chúc trò của người Nguồn, hát xường của dân tộc Mường? Đó là vì không ít bạn trẻ có tâm lí xem việc quay trở về với truyền thống là “không hợp thời, là lạc hậu, là lỗi mốt”, mà đó là nguyên nhân đầu tiên khiến cho các giá trị văn hoá truyền thống ngày càng mờ nhạt khi không còn được “thực hành”, dù chẳng hề có cấm đoán. Chẳng hạn như người Sán Dìu (ở Thái Nguyên) thay karaoke cho hát soọng cô, vì thanh niên nay không còn biết hát. Lượn slương và lượn cọi vốn là hai loại hát giao duyên của thanh niên Tày, nhưng khi được hỏi, nhiều học sinh trung học phổ thông người Tày ở Chiêm Hoá (Tuyên Quang) trả lời là không thích; số ít nói vì không biết hát. Đó là do thực tế lâu nay các em không còn được tiếp xúc với thể loại này nữa 9.
Ca dao, thành ngữ, tục ngữ thể hiện những tri thức truyền thống có được qua kinh nghiệm dân gian rất quý, nhưng một số câu nay không còn phù hợp với môi trường cuộc sống mới, như dự báo thời tiết cho nông lịch, do khí hậu biến đổi, việc gieo trồng và thu hoạch mùa màng cũng tuỳ theo giống cây trồng mới…
Những người có uy tín cao trong cộng đồng, ngoài già làng, trưởng bản còn có một bộ phận chuyên làm nghề thầy cúng (tào, mo, then, put/pựt) chuyên trách những vấn đề tế lễ – có thời bị cấm đoán nhưng đang hồi phục thì nay lại xuất hiện tôn giáo mới du nhập làm đảo lộn niềm tin ở một bộ phận dân cư. Người Việt có câu: Đất có lề, quê có thói. Đó là luật tục của người Thái, Ê-đê, Mạ,… là hương ước làng xã có giá trị chi phối đạo đức như cùng tôn trọng nguồn nước, chống thói loạn luân… Vấn đề ý thức họ tộc được đề cao ở hầu hết các tộc người. Tuy nhiên, tục tảo hôn hay lệ bắt trẻ mới sinh phải theo mẹ không may chết trong cơn “vượt cạn” thì không thể khuyến khích!
Một số tộc người có lệ thay đổi cách xưng hô theo từng giai đoạn: đó là cách người Thái gọi người đối thoại theo tên con, rồi sau đó là cháu đầu lòng. Ai đó gọi theo tên thật sẽ bị coi là người thô tục, “kém văn hoá” 10. Tuy nhiên, trong giao dịch chính thức và trên văn bản thì không thể không dùng tên khai sinh. Do giao lưu và tiếp xúc ngày càng rộng mở, những thay đổi tiến bộ dần được cộng đồng chấp nhận, như: hôn nhân tự nguyện trên cơ sở tình yêu thay cho quan hệ gả bán vốn phổ biến ở người Sán Dìu (được gọi là mai nhúy = bán con gái), cũng như cách hiểu khai lùa/lù ở người Tày, người Nùng… Tục thách cưới tốn kém nay không còn… nhưng hát quan lang – vốn không thể thiếu ở đám cưới của người Tày – nay cũng mai một. Trong những đám cưới ngày nay, cô dâu chú rể không còn thích mặc trang phục dân tộc cổ truyền 11. Trong cưới xin, người Lào (ở Mường Và, huyện Sốp Cộp, Sơn La) có nhiều nét gần gũi người Thái Đen. Thế nhưng người Thái Đen có tục chàng rể phải ở nhà cha mẹ vợ một thời gian trước khi rước dâu về (gọi là tục ở rể) thì cô dâu người Lào phải về nhà chồng ngay 12.
Một số tộc người ở Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ: Con gái lớn phải “dùng trâu bò, chiêng ché cùng tiền mặt để “bắt” được người chồng ưng ý về ăn đời ở kiếp”. Tuy chế độ mẫu hệ không “nặng kí” bằng người Ê-đê, nhưng người Châu-ro vẫn có tục “chôn chân” chú rể sau đám cưới, nghĩa là sau ngày vui trọng đại của đôi lứa, chú rể sẽ phải ở nhà vợ đến hết… cuộc đời. Ngày nay, tục bắt rể vẫn được người Châu-ro duy trì nhưng không còn nặng nề như trước, với người Ê-đê, tập tục này đến nay vẫn không hề thay đổi. Có tộc người cũng theo chế độ phụ hệ, nhưng lại có cách khắc phục tình trạng sinh con một bề mà vẫn có người nối dõi, như tục “lên rể” (khửn khưi) của người Tày, người Nùng: một cách giải quyết nhu cầu theo quy luật tự nhiên chứ không phải chọn lọc giới tính khi sinh bằng lạm dụng kĩ thuật y học hiện đại, gây nên tình trạng mất cân bằng giới tính.
Về nhạc cụ: cồng chiêng không chỉ ở không gian Tây Nguyên mà cũng xuất hiện với cách đánh độc đáo ở người Mường và người Thái; đàn tơ rưng ở Tây Nguyên, khèn của người Hmông, tính tẩu (dịch từng chữ cũng là đàn bầu) hai dây phổ biến ở người Thái, ba dây phổ biến ở người Tày và Nùng, cũng được trân trọng như đàn bầu (một dây). Gần đây, then Tày đã được vinh danh thì xoè vốn từ người Thái, nay đã lan sang người Tày 13 cũng xứng đáng được tôn vinh như quan họ, hát xoan, hát xẩm, chầu văn,…
Nghề dệt truyền thống của nhiều tộc người cho ra những sản phẩm độc đáo, nổi bật là những miếng vải thổ cẩm (được may thành túi xách) với hoa văn đặc sắc, không phải chỉ có ở người Chăm, người Thái,…không chỉ phục vụ người dân, nay cũng thu hút khách phương xa ở các trung tâm văn hoá du lịch.
2.3. Về ngôn ngữ, sự vay mượn do tiếp xúc là điều bình thường. Theo Lương Thanh Sơn 14, “Tiếng Bih, trong quá khứ và hiện tại đã tiếp nhận một lượng không nhỏ các yếu tố ngôn ngữ bên ngoài như Ê-đê Kpă, Mnông, Pháp, Việt,…” (tr. 137). Với người Sán Dìu, mặc dù vẫn nói tiếng mẹ đẻ, nhưng giới trẻ lại dùng một số lượng lớn từ mượn tiếng Việt. Sự thay đổi trong tiếng Dao chủ yếu chỉ diễn ra ở khẩu ngữ, có nguyên do từ việc mượn từ ngữ của tiếng Việt, tiếng Tày, tiếng Nùng 15. Ngôn ngữ vùng có vai trò quan trọng trong đời sống: Trong không gian sống đan xen ở Lâm Đồng, các dân tộc Mạ, Chu-ru, Mnông, Ra-glai,… đều dùng tiếng Cơ-ho làm phương tiện giao tiếp chung. Do cư trú xen kẽ, cư dân người Khơ-mú, Kháng, Xinh-mun, Mảng, La Ha, Phoọng, Ơ-đu và một bộ phận người Mường, người Hmông ở Tây Bắc cũng dùng tiếng Thái.
Nhiều tộc người vẫn giữ được tiếng nói của mình nhưng có thể giao tiếp đa ngữ: Người Phù Lá đều biết thêm các thứ tiếng: Hmông, Nùng, Tày, Dao,… Người Pu Péo dùng tiếng mẹ đẻ trong gia đình, nhưng ra khỏi nhà, họ sử dụng được các thứ tiếng Việt, Tày, Nùng, Hmông. Đáng chú ý là người Rơ-măm biết rất nhiều “ngoại ngữ” 16.
Từ hơn ba mươi năm về trước, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy phần lớn nhóm Cơ Lao Đỏ và một bộ phận nhóm Cơ Lao Xanh không còn sử dụng tiếng mẹ đẻ. Trong khi đó, do cư trú thành từng bản tương đối biệt lập, nên người Hà Nhì ít biết đến các ngôn ngữ láng giềng (Hmông, Dao, Nhắng, Kinh). Chỉ một bộ phận rất nhỏ có quan hệ với các tộc khác, đại bộ phận người Hà Nhì vẫn không thích tiếp xúc với các tộc khác. Họ nói tiếng Quan Hoả và rất ít người biết tiếng phổ thông 17. Một bộ phận lớn người Bố Y cũng đã quên đi tiếng mẹ đẻ của mình mà dùng tiếng Tày hoặc Nùng. Với những tộc người mà cư dân tự nguyện chuyển sang sử dụng một ngôn ngữ khác thì nguy cơ biến mất của tiếng mẹ đẻ ngày một hiện hữu. Khảo sát Tình hình giao tiếp ngôn ngữ của các DTTS trên địa bàn xã Noọng Lay, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, Nguyễn Hữu Hoành nhận thấy trong khi 100% người Thái, Khơ-mú và Hmông biết tiếng mẹ đẻ thì chỉ có 10,3% người La Ha biết tiếng mẹ đẻ, khiến cho “Tiếng La Ha thực sự rơi vào vực thẳm của sự diệt vong” 18. Trong khi đó, cũng như người Xinh-mun, người Ơ-đu ở Việt Bắc bỏ tiếng mẹ đẻ chuyển sang sử dụng tiếng Tày 19, còn đồng tộc với họ ở huyện Tương Dương, Nghệ An không sử dụng tiếng mẹ đẻ trong đời sống hằng ngày, mà lại dùng tiếng Thái, tiếng Khơ-mú 20. Tình hình thực tế là cả trong nội bộ cộng đồng và ngoài xã hội, tiếng Ơ-đu không còn được người bản ngữ chọn làm công cụ giao tiếp với nhau. Tương lai biến mất của tiếng Ơ-đu – một tộc người chỉ còn 376 dân (2009) là khó có thể cứu vãn. Thêm nữa là nguy cơ tự đánh mất tiếng mẹ đẻ rất có thể sẽ xảy ra, ngay cả với một tộc người có số dân vào loại đông nhất nhì và dù hiện có tỉ lệ người có trình độ đại học và sau đại học so với số dân cao nhất, như trường hợp người Tày: Nghiên cứu khảo sát của Hà Thị Tuyết Nga 21 cho thấy sự chuyển giao ngôn ngữ giữa các thế hệ người Tày đang có sự đứt đoạn dần. May thay, việc giảng dạy tiếng Tày đã được trở lại kịp thời ở nhiều địa phương.
2.4. Những nét văn hoá nào còn được bảo lưu góp phần tạo nên sự đa dạng phần lớn tuỳ thuộc vào chính người dân thuộc tộc người đó, một khi tiếp tục đường lối và chính sách nhất quán. Hiến pháp 2013 đã quy định: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt” và cũng khẳng định “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình”. Đành rằng việc thực hiện một công việc cụ thể có luôn thấm nhuần tư tưởng này không lại là chuyện khác. Chẳng hạn như việc biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc (nay được xem như một môn học trong giáo dục phổ thông và thường xuyên) có nơi thực hiện theo quy trình ngược 22 khó lòng thể hiện được những nét riêng biệt, dù là đặc sắc trong văn hoá (bao gồm văn học và nghệ thuật) dân tộc. Dù nhà nước cho phép và khuyến khích, song thực tế là sáng tác bằng tiếng dân tộc không nhiều. Cuộc vận động “Đặt lời mới cho dân ca” rất có ý nghĩa. Đã xuất hiện không ít nhà văn người DTTS, nhưng nhiều tác giả chỉ có sáng tác bằng ngôn ngữ quốc gia, do việc phát hành bằng ngôn ngữ dân tộc không hấp dẫn các nhà xuất bản (khi không được Nhà nước đặt hàng).
Trong hội nhập và phát triển, những cơn lốc thay đổi đang và sẽ diễn ra, nhất là ở các khu vực tái định cư phục vụ các công trình lớn của đất nước, cùng với những cuộc di dân, các yếu tố văn hoá được đặc biệt quan tâm để tạo ra sự đồng thuận xã hội. Chẳng hạn như những vấn đề đặt ra nhằm duy trì nếp văn hoá cổ truyền của người dân sau khi tái định cư nhằm xây dựng các công trình thuỷ điện, với ngôi nhà xây dựng kiểu mới, nương rẫy thay cho đồng ruộng,… thì một số tập quán, lễ nghi dễ phải thay đổi, trong khi một số sinh hoạt cộng đồng (vui chơi, giải trí,…) không có nơi tổ chức thích hợp. Ngay như việc thực hiện một số quy định mới, dù là hợp lí như việc bắt buộc đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, thì lại chưa thấy có loại mũ phù hợp cho chị em người Thái khi lấy chồng được nhà trai làm lễ “tẳng cảu” (búi tóc ngược),…
Đề cập đến văn hoá truyền thống và xây dựng giá trị văn hoá cho các DTTS ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, công trình tập thể do Trần Văn Bính chủ biên (2006) cho thấy mỗi dân tộc phải tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách nhất, bảo tồn, phát huy những giá trị tích cực, khắc phục những hạn chế, tiêu cực và bổ sung những giá trị mới thích ứng với thời đại, xuất phát từ đặc điểm của riêng mình.
Nhờ trình độ học vấn và khả năng đa ngữ tăng lên, sự tiếp xúc với văn hoá của tộc người chiếm đa số cũng như từ nước ngoài tăng vụt trước những cái mới mẻ cùng với sự tiếp sức của các phương tiện thông tin và truyền thông bằng in ấn cổ truyền và tin học hoá – khiến cho sự tiếp thu đôi khi thiếu chọn lọc. Một số thói hư tật xấu mới cũng từ đó mà ra lại chưa được quy định trong luật tục, hương ước.
- Kết luận
Nước ta bước vào thời kì hội nhập để phát triển. Không thể ảo tưởng giữ lại tất cả những gì một thời được coi là bản sắc, vì có muốn cũng không được. “Làng tôi xanh bóng tre…” nay không còn, đâu chỉ vì chiến tranh tàn phá!
Như thế, để duy trì và phát triển những nét đẹp của văn hoá dân tộc, một khi đã có chính sách thuận lợi, vấn đề mấu chốt lại là ở ý thức tự giác, nhu cầu và nguyện vọng thực của chính người dân, đặc biệt là lớp trẻ.
Khảo sát, phân tích để nêu bật được mối quan hệ giữa nền văn hoá Việt Nam với văn hoá các tộc người phục vụ đất nước phát triển, nhấn mạnh các mối tương tác xã hội của chúng, theo hướng giải quyết tốt mối quan hệ trung tâm và ngoại vi, sao cho hài hòa, không gây ra những xung đột sắc tộc, để phát triển bền vững một quốc gia đa văn hoá, đậm đà bản sắc tộc người. Mối quan hệ và ảnh hưởng qua lại giữa văn hoá Việt Nam với đa dạng văn hoá các tộc người sẽ được giải quyết thoả đáng để dân tộc Việt Nam phát triển bền vững trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá một đất nước đang bước vào hội nhập với thế giới và khu vực.
__________
1. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Giáo dục, 1994, tr. 974.
2. Vương Toàn, Về tên gọi các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam từ những năm 90, Thông tin KHXH chuyên đề, 2002, tr. 7-23; Về tên gọi các ngôn ngữ. Những vấn đề văn học và ngôn ngữ học. H, NXB Khoa học Xã hội, 2003, tr. 851-871.
3. Đoàn Văn Phúc (chủ nhiệm), Tóm tắt báo cáo tổng quan đề tài cấp Bộ: Vấn đề giáo dục tiếng mẹ đẻ đối với cư dân sử dụng các ngôn ngữ nhóm Chăm ở Việt Nam hiện nay (trường hợp tiếng Ê-đê), 2012, tr. 5.
4. Đinh Lê Thư, Người Tà Mun ở Tây Ninh, Từ điển học & Bách khoa thư, số 1, 2014, tr. 118-122.
5. Việt Nam sẽ có dân tộc thứ 55?, http://dantri.com.vn/.
6. Phạm Bá Thược – Lò Hồng Quang, So sánh chữ Thái cổ Thanh Hoá với chữ Thái Tây Bắc, Hội thảo THVN lần thứ 7, 2014.
7. Mai Xuân Huy, Cảnh huống ngôn ngữ tiếng Chu-ru (thôn Pré, Phú Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng), Điều tra nghiên cứu về ngôn ngữ học – xã hội (Hợp tác Nga – Việt) do GS TSKH Lý Toàn Thắng làm chủ nhiệm, 2004, tr. 95-110.
8. Khánh Phong, Tục ăn tết 2 lần của người Pa-co, Văn hoá các dân tộc, số 2, 2014, tr. 4-5.
9. Hoàng Thị Đan, Hát Cọi – Một hình thức hát giao duyên của người Tày ở huyện Chiêm Hoá tỉnh Tuyên Quang. Bài viết gửi Hội thảo THVN lần thứ 7, 2014.
10. Lò Xuân Dừa, Một số nghi lễ cho trẻ sơ sinh, Hội thảo THVN lần thứ 7, 2014.
11. Nguyễn Thị Thoa, Tục hát Quan lang trong đám cưới của người Tày ở Cao Bằng Hiện trạng và vấn đề phát huy, bảo tồn, Hội thảo THVN lần thứ 7, 2014.
12. Hà Văn Chung, Người Lào ở Điện Biên- Sơn La trong mối tương quan với người Phu Thay, Hội thảo THVN lần thứ 7, 2014.
13. Phùng Quang Mười, Xoè của người Tày Tà Chải, Bắc Hà, Lào Cai, Nguồn sáng dân gian, số 3, tr. 66-69; Đoàn Văn Nam, Những khác biệt về xoè của người Tày Tà Chải, huyện Bắc Hà, Lào Cai, Hội thảo THVN lần thứ 7, 2014.
14. Lương Thanh Sơn, Góp phần bảo tồn văn hoá người Bih Tây Nguyên, NXB Thời đại, 2011, tr. 334.
15. Bàn Thị Ba, Vấn đề mượn từ ngữ trong tiếng Dao,Văn hoá các dân tộc, số 10, 2013, tr. 32-33.
16. Ngôi làng đặc biệt có người nói được… 20 thứ tiếng khác nhau, http://dantri.com.vn/.
17. Hoàng Sơn (chủ biên), Người Hà Nhì ở Huổi Luông (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2008, tr. 133.
18. Trong: Điều tra nghiên cứu về ngôn ngữ học – xã hội (Hợp tác Nga – Việt) do PGS TSKH Lý Toàn Thắng làm chủ nhiệm, 2004, tr. 130-131.
19. hính sách ngôn ngữ của Nhà nước CHXHCNVN trong thời kì CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế: Thực trạng, các kiến nghị và giải pháp, Hà Nội, 2010, do GS TS Nguyễn Đức Tồn làm chủ nhiệm, tr. 117.
20. Trần Trí Dõi, Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2001, tr. 83.
21. Hà Thị Tuyết Nga, Nghiên cứu cảnh huống ngôn ngữ dân tộc Tày ở vùng Đông Bắc Việt Nam, Luận án TS, Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014.
22. Vương Toàn, Quy trình ngược?, Ngôn ngữ và đời sống, số 6, 2014, tr. 78.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Trần Văn Bính (chủ biên), Đời sống văn hoá các DTTS trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, NXB Lí luận chính trị, Hà Nội, 2006, tr. 287.
2. Trần Trí Dõi, Chính sách ngôn ngữ văn hoá dân tộc ở Việt Nam, NXB ĐHQG Hà Nội, 2003, tr. 184.
3. Phạm Thị Hoàng Hà, Bình đẳng dân tộc trên lĩnh vực văn hoá ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam hiện nay, Giới thiệu luận án, TTKHXH số 8/2013, 2012, tr. 56-58.
4. Vương Toàn, Tiếng nói, chữ viết – niềm tự hào dân tộc, NXB Văn hoá Dân tộc Hà Nội, 2012, 60 tr.
5. Vương Toàn, Cơ sở nghiên cứu văn hoá dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong mối quan hệ trung tâm – ngoại vi, Kỉ yếu Hội thảo khoa học: “Thực trạng và những vấn đề của mối quan hệ văn hoá trung tâm – ngoại vi ở Việt Nam”, Pleiku, 25/4/2014, tr. 22-29.
6. Tuyên ngôn thế giới của UNESCO về đa dạng văn hoá, Nguyễn Văn Dân dịch và in trên Thông tin KHXH, số 10, 2005, tr. 46-52.
7. Đặng Nghiêm Vạn, Quan hệ giữa các tộc người trong một quốc gia đa dân tộc, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 230.