Bàn về nhiếp ảnh như một phương tiện sáng tác nghệ thuật thị giác tại Việt Nam

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ HIỀN LÊ
(Khoa Hội họa)

     Với xu hướng phát triển của xã hội, của nghệ thuật hiện đại, sự đa dạng hóa các sản phẩm công nghệ, cùng với sự góp mặt của các nghệ sĩ, nhiều chất liệu mới và những thử nghiệm táo bạo đã tạo nên những hình thức diễn đạt mới trong nền nghệ thuật đương đại. Song song với nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art, ngay từ những năm 50 của thế kỷ XIX, nhiếp ảnh – như là một phương tiện trong sáng tác nghệ thuật đã xuất hiện và được ghi nhận bởi các tên tuổi như John Edwin Mayall, Julia Margaret Cameron, Charles Lutwidge Dodgson, hay Oscar Gustave Rejlander …

     Các nghệ sĩ trên thế giới, khi sử dụng nhiếp ảnh làm tác phẩm của mình, thường không chú trọng nhiều đến công nghệ cao, họ có thể sử dụng bất kỳ công cụ nào mà mình có được, ngay cả chụp ảnh bằng điện thoại, máy đời cũ, sử dụng ảnh đen trắng, ảnh chụp phim, xử lý phòng tối và cả phương pháp in tráng bạc, một trong những phương pháp cũ nhất của nhiếp ảnh. Ảnh có thể trưng bày độc lập hoặc theo nhóm hoặc kèm với các chất liệu khác, với các kiểu trưng bày đa dạng theo nhiều thể loại khác nhau. Ở đây, các tác phẩm được đánh giá bởi nội dung ý tưởng, sự truyền đạt về cảm xúc trong tác phẩm chứ không chú trọng nhiều về mặt kỹ thuật hay độ nét. Đối với họ, nhiếp ảnh chỉ là một phương tiện, một chất liệu qua đó người nghệ sĩ thể hiện cá tính, cảm xúc của bản thân đối với công chúng thông qua tác phẩm.

     Dành cho ký ức. In tráng bạc trên vật thể. Jurgita Remeikyte. 2000

Một số thuật ngữ

     Có những thuật ngữ đã được các nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu đưa ra trong quá trình xác định ranh giới giữa nhiếp ảnh – phương tiện ghi lại hình ảnh, và Nhiếp ảnh – phương tiện sáng tác nghệ thuật:

     – Photography:

     Quá trình ghi lại hình ảnh trên vật liệu cảm biến bởi tác động của ánh sáng, tia X, v.v… và những quá trình hóa học của các chất liệu này để tạo ra một bản in, slide hay một đoạn phim1.

     – Art photography:

     “Nhiếp ảnh – được thực hiện như tác phẩm mỹ thuật, nghĩa là, được dùng để diễn tả ý tưởng và cảm xúc của người nghệ sĩ ”2.

     – Fine art photography:

     “Hình ảnh thể hiện tầm nhìn sáng tạo của nhiếp ảnh gia… Đồng nghĩa với Art photography”3.

     – Artistic photography:

     “Một thuật ngữ thường được sử dụng nhưng ý nghĩa hơi mơ hồ, dùng chỉ những hình ảnh được tạo ra nhằm mang một điều gì đó nhiều hơn là chỉ đơn thuần phản ánh đối tượng thực tế, trong đó cố gắng để truyền tải ấn tượng cá nhân …” 4

     – Photomedia:

     Là thuật ngữ được sử dụng trong các trường mỹ thuật ở Australia, dùng chỉ nhiếp ảnh được sử dụng như là một phương tiện trong sáng tác mỹ thuật (tác giả). Nhiếp ảnh trong sáng tác nghệ thuật tại Việt Nam Việt Nam đã có khá nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh cùng với các Hội nhiếp ảnh trải dài trên khắp đất nước với số lượng hội viên khá đông đảo. Tuy nhiên, khái niệm và cách thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật ở nước ta lại tập trung vào khuôn mẫu của FIAP, một tổ chức đã bị rút tên ra khỏi danh sách tổ chức thuộc phạm vi cơ quan hoạt động văn hóa của Liên Hiệp Quốc, mà bây giờ được đánh giá là “sân chơi dành cho các nhà nhiếp ảnh nghiệp dư”. Nhiếp ảnh nghệ thuật của Việt Nam hiện đang quanh quẩn với các đề tài cũ rích, khô cứng và giẫm chân lên nhau cũng như đang bị tụt hậu lại một cách xa vời so với thế giới.

     Bắt đầu từ năm 1998, khi môn Nhiếp ảnh được đưa vào giảng dạy chính thức trong trường đại học Sân khấu, Điện ảnh và sau đó là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, một số nghệ sĩ đi học ở các trường nước ngoài, cộng với sự nghiên cứu, học hỏi của các nghệ sĩ trẻ, nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam đã có những thay đổi, tuy số lượng các tác phẩm và dự án nhiếp ảnh vẫn còn ít hơn so với các thể loại khác.

     Năm học 2013 – 2014, sau một thời gian nghiên cứu về môn học Nhiếp ảnh nghệ thuật tại một số trường đại học trên thế giới, cũng như mời các chuyên gia đến giảng dạy tại Trường, khoa Hội họa – trường Đại học Nghệ thuật, đã đưa môn học Nhiếp ảnh tạo hình vào giảng dạy, với mục tiêu chính là đem lại cho sinh viên hiểu biết thêm về một thể loại chất liệu nghệ thuật, vận dụng xử lý chất liệu nhằm phục vụ sáng tác nội dung, chủ đề tư tưởng, có thể sử dụng độc lập hoặc kết hợp với các chất liệu khác trong tác phẩm. Điều kể đến ở đây là lần đầu tiên tại một trường mỹ thuật ở Việt Nam, nhiếp ảnh được xếp ngang hàng với các chất liệu truyền thống khác như sơn mài, sơn dầu hay lụa, có thời lượng học tập tương đương và được tập trung phát triển cả mặt kỹ năng, kỹ thuật lẫn vận dụng vào sáng tác đồ án nghệ thuật.

     Cùng với các lớp học nhiếp ảnh tại các trường Mỹ thuật, những workshop về Nhiếp ảnh nghệ thuật và sáng tác Nhiếp ảnh đương đại cũng được tổ chức thường xuyên không chỉ ở các trường Mỹ thuật mà còn ở các trung tâm hoạt động và nghiên cứu Mỹ thuật bên ngoài như ở Sàn Art, New Space art Foundation, HanoiDOCLAP. Các hoạt động này đã góp một phần không nhỏ vào việc thay đổi quan niệm về Nhiếp ảnh nghệ thuật, thổi một làn gió mới không chỉ vào trong lĩnh vực Nhiếp ảnh nghệ thuật đơn thuần mà còn trong cả những thể loại khác. Tuy nhiên, giữa những quan niệm, sự bó buộc về tư tưởng, về vật chất và cả về kiến thức, những nỗ lực thay đổi vẫn chỉ là một phần nhỏ so với hiện trạng Nhiếp ảnh nghệ thuật hiện nay.

Một số triển lãm và dự án Nhiếp ảnh của nghệ sĩ trẻ Việt Nam trong những năm gần đây

     Năm 2003, Bùi Hữu Phước bắt đầu dự án “Hình thẻ” – thông qua việc chụp ảnh thẻ của mỗi người, để nhận dạng xã hội thông qua mỗi cá nhân riêng lẻ. Năm 2005, Ngô Đình Trúc, trong bộ ảnh tác phẩm “Chuyện phiếm”, anh “thay đổi ngữ cảnh của những hình ảnh sẵn có, quan tâm đến những gì xảy ra sau khi bức ảnh đã được chụp, đó là cuộc sống của nó trong trí tưởng tượng của người xem, không tìm cách trình bày ý nghĩa của bức ảnh mà là ý nghĩa của nó đối với chính mình5.

     Trương Thiện với dự án “Những ngày nghỉ đã qua” từ năm 2007 đến 2009, kết thúc bằng một cuộc triển lãm với 5000 bức ảnh về đồi Thiên An và hồ Thủy Tiên, một địa điểm vui chơi của người dân thành phố Huế, nhằm “khách quan chỉ ra cho người xem thấy được cái gì còn, cái gì đã mất sau một cuộc quy hoạch”.

     Tháng 5 năm 2013, anh lại tiếp tục với cuộc triển lãm “Mẹ vợ của tôi”. Thông qua triển lãm, “bằng việc tìm hiểu một cá nhân, theo cách lập cây phả hệ đa chiều bằng hình ảnh và các câu chuyện kể theo thời gian, không gian, … truy vấn vào lịch sử của sự hình thành các cộng đồng, cách mà chúng ta phát triển hay biến đổi, sự hình dung của các cộng đồng này về bản thân mình”.

     Tháng 10 năm 2010, Phan Quang mở triển lãm với những tác phẩm nhiếp ảnh Nhật ký người Nông dân; tháng 7 năm 2011, anh cũng tham gia cuộc thi tranh chân dung tự họa với tác phẩm Nhiếp ảnh ý niệm Chân dung tự họa.

     Tháng 11 năm 2012, The Pink Choice – Yêu Là Yêu – một dự án nhiếp ảnh về người đồng tính do Maika Elan (Nguyễn Thanh Hải) thực hiện, với những bức ảnh ghi lại trung thực “những khoảnh khắc hạnh phúc thực sự, không phải khoảnh khắc hạnh phúc vì đang được chụp ảnh” của các cặp đôi đồngtính luyến ái.

     Dự án Nhiếp ảnh “Cuộc đời tôi, ước mơ tôi”, được thực hiện dưới sự hướng dẫn của nhiếp ảnh gia Na Sơn, trong đó các máy ảnh được phát cho các cô gái bán hoa, “một bức tranh toàn cảnh lần đầu tiên được công bố về cuộc đời của những người đã từng phải làm một cái nghề mà tự thân họ cũng thấy tủi hổ

Phần kết

     Louis Figuier, một nhà tự nhiên học người Pháp, đã viết rằng: “Cho đến nay, các nghệ sĩ đã có cọ vẽ, bút chì và dao khắc, thì nay họ có thêm ống kính máy ảnh. Ống kính cũng là một công cụ – như bút chì và cọ vẽ, chụp ảnh là quá trình như khắc và họa, đem đến cho nhà nghệ sĩ không chỉ là quá trình mà cả sự cảm nhận6.

     Nhiếp ảnh, trong quá trình phát triển, đã được nhìn nhận không chỉ là một phương tiện truyền tải phản ánh đối tượng thực tế với những chuẩn mực của góc hình – ánh sáng – bố cục – phản ánh đặc điểm đối tượng mà còn là một phương tiện dùng trong sáng tác nghệ thuật, là những sản phẩm sáng tạo đem đến cho người xem cảm xúc, sự đồng điệu. Với những thay đổi và những thử nghiệm với thể loại nhiếp ảnh trong nghệ thuật đương đại Việt nam hiện nay, cùng với những nỗ lực cố gắng đưa Nhiếp ảnh nghệ thuật vào giảng dạy trong các trường Mỹ thuật, hy vọng rằng nhiếp ảnh – được sử dụng như phương tiện sáng tác nghệ thuật sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, càng mới và càng đa dạng, làm phong phú hơn cho nền nghệ thuật Việt Nam./.

1. http://dictionary.reference.com/browse/photography

2. McDarrah, Gloria S., et al. The photography encyclopedia. New York: Schirmer, 1999. ISBN 0-02-865025-5.

3. Lynch-Johnt, Barbara, and Michelle Perkins. Illustrated dictionary of photography: the professional’s guide to terms and techniques. Buffalo, NY: Amherst Media, 2008. ISBN 978- 1-58428-222-8.

4. Jones, Bernard E. Cassell’s cyclopaedia of photography. New York: Arno, 1973. ISBN 0-405-04922-6.

5. Ngô Đình Trúc. http://thethaovanhoa.vn/van-hoatoan-canh/nhiep-anh-vietnam-trong-cai-nhin-y-niemn20110802162047601.htm.

6. http://en.wikiversity.org/wiki/History_of_Photography_as_Fine_Art.

Nguồn: Thông tin Mỹ thuật Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, số 02/2014

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Bàn về nhiếp ảnh như một phương tiện sáng tác nghệ thuật thị giác
tại Việt Nam (Tác giả: Nguyễn Thị Hiền Lê)