Bảo tồn và khai thác TRÒ CHƠI DÂN GIAN của người Việt vùng Châu Thổ BẮC BỘ tiếp cận từ quan điểm quản lí di sản
1. Mở đầu
Vùng châu thổ Bắc Bộ là cái nôi văn hoá của người Việt. Từ đây, rất nhiều các giá trị văn hoá được sinh ra, được nuôi dưỡng và trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hoá dân gian đầy màu sắc, trong đó phải kể đến trò chơi dân gian. Đa phần các trò chơi dân gian sinh ra trong đời sống lao động sản xuất, giúp nuôi dưỡng đời sống tinh thần của người nông dân trong cuộc sống vất vả, thường trực đối diện với thiên tai và giặc ngoại xâm. Bởi vậy, qua trò chơi dân gian, người ta thấy được toàn bộ đời sống của những con người sáng tạo ra nó với quan niệm về vũ trụ, về thần linh, về thế giới tự nhiên. Trò chơi dân gian chứa đựng nhiều giá trị lớn lao như vậy nhưng nó lại đang dần bị mai một bởi sự tác động của quá trình hiện đại hoá đất nước. Đô thị hoá và công nghiệp hoá đang làm thay đổi bộ mặt của đời sống nông thôn, khiến trò chơi dân gian không còn chỗ đứng trong cả không gian và thời gian. Lẽ tự nhiên, ngày nay, trò chơi dân gian được nhìn nhận như một di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo tồn. Tuy nhiên, bảo tồn như thế nào luôn là một câu hỏi lớn với quản lí nhà nước các cấp và với chính cộng đồng – nơi sản sinh ra các di sản đó. Trong bài tham luận này, tác giả thử tìm tòi một cách bảo tồn và khai thác trò chơi dân gian của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ, tiếp cận từ quan điểm quản lí di sản với mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho quá trình gìn giữ những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc.
2. Quan điểm quản lí di sản đang được sử dụng trên thế giới hiện nay
Di sản là một khái niệm tiến triển, có nghĩa là nó thay đổi theo thời gian và không gian. Giờ đây khái niệm di sản không hoàn toàn đồng nhất với khái niệm tài sản từ quá khứ nữa vì nó liên quan đến quá trình chọn lọc quá khứ, nhất là đối với các di sản của cộng đồng (như đối với trường hợp trò chơi dân gian). Rõ ràng, không phải bất cứ quá khứ nào cũng có thể trở thành di sản. Theo thời gian, cả trên thế giới và ở Việt Nam đã có rất nhiều các định nghĩa khác nhau về di sản. Nhưng với cách hiểu di sản như trên, tham luận sử dụng định nghĩa của PGS TS Bùi Hoài Sơn như kim chỉ nam cho quá trình đánh giá và tiến hành quản lí di sản: “Di sản là sự lựa chọn từ quá khứ lịch sử, kí ức, báu vật của cộng đồng để thể hiện cho nhu cầu, nguyện vọng, mong muốn của xã hội hiện tại” [2].
Hiện nay, trên thế giới, trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản, các nhà khoa học và các nhà quản lí đã đưa ra một giải pháp thích hợp với bối cảnh nhiều biến động – quan điểm quản lí di sản và cho rằng nó bắt đầu từ mô hình quan niệm sau:
Các nhà khoa học cho rằng:
- Về mục đích:
– Có nhiều mục đích có thể xảy ra và trái ngược nhau.
– Di sản là một sự lựa chọn có thể theo hoặc không theo, không có mục đích nào được xem là tối thượng, hoàn toàn đúng.
- Về nguồn lực:
– Nhu cầu tạo ra nguồn lực và do vậy các nguồn lực không có giới hạn: các điểm di sản có một cơ sở nguồn lực thay đổi.
– Nguồn lực được tạo ra bởi nhu cầu của thị trường sản phẩm. - Về tiêu chí lựa chọn:
– Tiêu chí lựa chọn phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.
– Sự lựa chọn được xác định bởi thị trường.
– Độ chân thực của di sản nằm trong trải nghiệm và vì vậy không thể xác định một cách khách quan được.
- Về các sản phẩm thuyết minh cho di sản:
– Các di sản mang tính đa nghĩa, nhiều mục đích và không ổn định qua thời gian.
- Về chiến lược bảo tồn:
– Di sản là một chức năng và vì vậy là một lựa chọn cho phát triển: chính vì thế không có một sự mâu thuẫn cố hữu giữa bảo tồn và phát triển.
– Kế hoạch bảo tồn di sản không thể tách rời khỏi các chiến lược phát triển khác.
– Việc tăng cầu đối với sản phẩm (di sản) phù hợp với việc tăng cung sản phẩm.
Như vậy, quản lí một di sản không đơn thuần chỉ việc tìm những biện pháp để bảo tồn nguyên vẹn di sản hay không, người ta có thể xem xét quản lí di sản theo một hướng khác. Hướng khai thác mới này dựa trên cơ sở di sản văn hoá hiển nhiên đang tồn tại song hành với xã hội của chúng ta, vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp vận hành di sản một cách thích hợp với những yêu cầu của thời đại hiện nay. Những yêu cầu của thời đại luôn cần được đặt trong một bối cảnh chính trị – kinh tế – xã hội và văn hoá nhất định. Mối quan hệ giữa di sản và những bối cảnh nêu trên là mối quan hệ hai chiều, ảnh hưởng tương hỗ lẫn nhau.
Nhìn chung, quan điểm quản lí di sản mới đã thoát ra khỏi tư duy quản lí di sản trực tiếp. Tuy nhiên, việc áp dụng quan điểm nào cũng cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, từ hoàn cảnh bảo tồn khách quan đến bản thân đối tượng cần được bảo tồn
3. Trò chơi dân gian của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ
Vùng châu thổ Bắc Bộ bao gồm lưu vực của sông Hồng và sông Thái Bình, nơi có nhiều điều kiện thuận lợi về đất đai và khí hậu canh tác nông nghiệp, từ lâu có truyền thống thâm canh, đào đắp đê điều, làm thuỷ lợi để canh tác lúa và rau màu, là cái nôi hình thành dân tộc và quốc gia, là trung tâm của các nền văn minh lớn như văn minh Đông Sơn, văn minh Đại Việt. Đó là vùng cư dân, văn hoá cổ xưa nhưng luôn biến động, một vùng đất gốc nhưng phát tán, một nền kinh tế nông nghiệp thuần tuý “xa rừng, nhạt biển” (1) , một nền văn hoá đạt trình độ phát triển khá cao, qua nhiều thế kỉ đương đầu với mưu đồ đồng hoá của kẻ thù, một nền văn hoá luôn tiếp thu ảnh hưởng từ bên ngoài, nhưng lại tái tạo nên các giá trị và bản sắc riêng. Văn hoá người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ là văn hoá lâu đời và tiêu biểu nhất của văn hoá truyền thống dân tộc Việt, thể hiện qua đời sống tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng, các sinh hoạt văn hoá cộng đồng, các hoạt động văn hoá nghệ thuật. Chính từ cái nôi thấm đẫm bản sắc đó, trò chơi dân gian đã ra đời như một sáng tạo của đời sống sinh hoạt văn hoá cộng đồng người Việt. Để hiểu những giá trị to lớn của loại hình văn hoá này, tham luận tìm hiểu các đặc điểm của trò, đồng thời cũng đi tìm các yếu tố đóng vai trò nguồn lực cho khả năng khai thác trò chơi dân gian làm cơ sở cho quan điểm quản lí di sản ở phần sau.
__________
1. Chữ của cố GS Trần Quốc Vượng.
3.1. Đặc điểm về nguồn gốc
Rất khó có thể nói rõ ràng về một trò chơi dân gian cụ thể có nguồn gốc từ đâu, từ bao giờ và ai đã tạo ra nó cũng giống như bất cứ một di sản văn hoá phi vật thể nào. Do vậy ở đây chỉ nêu vấn đề đặc điểm về nguồn gốc của trò chơi dân gian như một nét phản ánh của nó đối với bối cảnh địa lí – nhân văn trong truyền thống của các cộng đồng chủ nhân lưu giữ những trò chơi ấy.
Sự mô phỏng hiện thực
Ở vùng văn hoá này có hàng loạt trò chơi dân gian được chưng cất từ thực tế sinh hoạt, lao động và chiến đấu. Từ việc chế biến cái ăn thông thường, dân gian đã sáng tạo nên nhiều trò chơi như: nhóm lửa bằng khoan tay và bùi nhùi, thi giã gạo, thi thổi cơm, giã giò, làm bánh, nấu cỗ,… Những trò này nhiều khi được kết hợp với nhau cùng với một số công cụ khác với các quy tắc khá phức tạp như cưỡi ngựa – thổi cơm, vừa chạy vừa thổi cơm, thổi cơm trên thuyền, ẵm em – nhóm lửa – thổi cơm – chăn cóc,… Một số kĩ thuật và kết quả sản xuất thông thường cũng được nâng lên thành trò chơi vui nhộn cuốn hút cả cộng đồng tham dự như: thi cấy, thi cày, thi gà ngon, thi lợn béo, thi dệt vải, thi đánh bắt cá,… Từ thực tiễn sống như đi săn, chiến đấu, thoát hiểm, rèn luyện sức mạnh đã được sáng tạo thành loạt các trò chơi có tính thượng võ và kĩ năng cao như đánh bệt, đánh roi – múa mộc, soi bia, vật, ném lao, bắn nỏ, cầu um, đua ngựa, đua thuyền, đua mảng, leo dây, leo cột,… Sự mô phỏng tự nhiên cũng thường gặp ở nhiều trò. Những cánh diều bay lượn trên trời xanh, những con giống hình chim – cá – hươu – nai và muông thú cùng đèn trăng đèn sao là hình ảnh của vũ trụ nơi có con người cư ngụ. Thú chơi hoa, sinh vật cảnh, non bộ,… dường như cũng được bắt đầu bằng việc muốn đem hương vị thiên nhiên về ngay trong nhà. Ngay cả những cảm nhận về sự tranh đấu cũng được mượn từ thiên nhiên mà phỏng diễn thành trò chơi như chọi gà, chọi cá, chọi chim, chọi dế, chọi trâu,… Với cách nhìn này, có thể nói trước hết trò chơi dân gian vùng châu thổ Bắc Bộ mang đặc điểm nguồn gốc từ/và phản ánh chính thực tiễn sinh hoạt, sản xuất và đấu tranh trong bối cảnh đặc trưng trong quá trình sinh tồn của cư dân bản địa.
Chứa đựng yếu tố tín ngưỡng, tâm linh
Nhiều trò chơi dân gian trong hội làng ở châu thổ Bắc Bộ được phô diễn trong vai trò nghi thức liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới tín ngưỡng cũng như mục đích mở hội. Dễ nhận ra hàng chục trò chơi gợi ý hình ảnh tượng trưng mặt trời với những cái tên như: vật cầu, vật cù, bốc phết, ném phết, húc cầu, vật quần, đả quần, hết phết, tung cầu, cướp phết,… Các trò chơi này có thể không chỉ liên quan đến tín ngưỡng về mặt trời mà còn tượng trưng cho niềm mong muốn trời đất hoà hợp được dân gian thể hiện dưới hình thức trò chơi nhưng đầy thiêng liêng và gần như một ma thuật. Có lẽ trong cảm quan của cư dân nông nghiệp “trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm” thì không có lực lượng độc lập nào có quyền uy tuyệt đối với thế giới trồng cấy của họ. Do vậy, động cơ và mục tiêu trong các trò chơi loại này nhằm đạt tới sự hoà hợp của các yếu tố tạo nên sự sống cho vạn vật, trong đó có con người, chứ không phải nghi thức dành riêng cho một vị thần nào. Có thể tín ngưỡng phổ biến và cổ xưa nhất của cư dân nông nghiệp ở châu thổ Bắc Bộ là tín ngưỡng về sự hoà hợp. Rất phổ biến ở đây những trò chơi nhằm tìm kiếm sự hoà hợp dưới dạng thức va chạm các vật tượng trưng cho yếu tố sinh nở đực – cái như tranh nõ nường, tranh cây mộc tất,… hoặc va chạm nam nữ như chen ở Nga Hoàng, tắt đuốc ở Rã La, bắt chạch trong chum, bịt mắt bắt dê,… Có khi là những tượng trưng gián tiếp như trò cướp dò hoa tre hay trằm tướng (hội Gióng đền Sóc), đáo lỗ, đáo cọc, tung còn,… đều có ý nghĩa tương tự.
Một số trò như đua thuyền, chọi trâu, đánh rắn,… gợi ý tín ngưỡng liên quan đến thuỷ thần hay ma thuật chế ngự nước. Các trò như rước trải, chèo cạn, đốt pháo, múa cờ,… được gắn với ý nghĩa cầu mưa. Nhìn chung, những trò có nguồn gốc liên quan đến tín ngưỡng dễ biến dị rất đa dạng bởi các sáng tạo dân gian. Trong đó nhiều trò vốn mô phỏng hành động sinh hoạt, lao động, chiến đấu được ý nghĩa hoá mà thể hiện tinh thần của tín ngưỡng.
Việc bàn về nguồn gốc và nơi phát tích của các hình thức trò chơi dân gian là rất tương đối. Khác với nghệ thuật hay phong tục thường bị rào cản về ngôn ngữ, tập tục và bối cảnh xã hội – văn hoá trong quá trình phát tán, trò chơi dân gian nói chung vì đáp ứng nhu cầu giải trí dường như giống nhau của con người cũng như tính dễ tiếp nhận và vô hại, nó đã vượt qua dễ dàng các rào cản này. Cũng do khả năng di vi rộng rãi và dễ dàng biến đổi nên nó luôn tích hợp các yếu tố địa phương của cộng đồng tiếp nhận nó và rồi để biến thành cái của cộng đồng nơi sử dụng phù hợp nhu cầu, thị hiếu và điều kiện của họ.
3.2. Đặc điểm về sân chơi
Môi trường hay sân chơi diễn ra trò chơi dân gian bao gồm các yếu tố như không gian – thời gian thực hiện cuộc chơi, mục tiêu và văn cảnh của cuộc chơi, người tham dự cuộc chơi.
Sân chơi trong cuộc sống hàng ngày
Những người nông dân có thể đùa vui bất cứ lúc nào cao hứng, ngay cả trong khi lao động hay nghỉ hồi sức giữa chừng. Sân chơi là bất cứ đâu trong không gian sống như triền đê, bãi cỏ, trong nhà, ngoài sân vườn nhà mình hay hàng xóm. Nhìn chung, họ hay chọn những trò chơi không tốn sức mà mang tính giải trí thuần tuý như thả diều sáo, chọi gà, cờ tướng, tổ tôm,… Những trò chơi dân gian được chơi nhiều nhất là trò chơi trẻ em. Chúng chơi hầu như suốt ngày và cả các tối sáng trăng, chơi ở bất cứ chỗ nào có thể chơi được mà không bị người lớn la rầy. Chúng chơi trong lúc chăn trâu, cắt cỏ, bế em, đi học,… Trẻ nhỏ thường chơi những trò tập làm người lớn như nấu cơm, ẵm em, bán hàng,… với đồ chơi là bất cứ thứ gì vớ được và gán cho chúng những tính năng. Trẻ lớn hơn thường chơi các trò vận động, khéo léo và tìm hiểu thế giới xung quanh như trận giả, cướp cờ, đổ lá, trốn tìm, chơi u, đánh cù, bơi lội, kéo co, đồng dao, chơi ô ăn quan, nhảy dây, chọi dế, đánh bi, đánh đáo, đánh khăng, thả diều,… Nhìn chung, sân chơi diễn ra trò chơi hàng ngày ở châu thổ Bắc Bộ trong truyền thống gắn chặt với môi trường sinh sống mang các đặc điểm tự nhiên – xã hội cùng những thói quen sinh hoạt nơi thôn dã.
Sân chơi hội hè
Nếu trò chơi ngày thường có tính chất giải trí thuần tuý thì trò chơi ngày hội luôn mang một ý nghĩa nào đó. Trò chơi trong lễ hội có tính tinh hoa, đại diện cho cộng đồng và hướng tới lợi ích chung của cộng đồng. Sân chơi của những trò chơi dân gian trong lễ hội ở châu thổ Bắc Bộ thường gắn với không gian linh thiêng của việc thờ tục và được lựa chọn theo truyền thống. Những sân chơi này không được tạo ra để dành riêng cho trò chơi nhưng khi có hội người ta cũng dọn dẹp và tạo cảnh cho phù hợp với trò chơi một cách tương đối. Sân chơi của trò chơi trong lễ hội dựa vào tự nhiên, thân thiện với tự nhiên và phù hợp với các hình thức trò vốn ra đời từ cảm hứng với tự nhiên và cuộc sống. Thời gian diễn ra các trò chơi trong lễ hội theo chu kì mùa vụ hay tiết lịch. Lễ hội xuân nổi trội với loại trò có tính phồn thực – giao duyên, phù hợp với chu kì tự nhiên của mùa đâm chồi nảy lộc. Những trò chơi được tổ chức vào thời điểm lễ hội cuối xuân thường liên quan tới cầu nước – cầu mưa cho vụ mùa. Lễ hội mùa thu có nhiều trò dâng sản vật, phảng phất hương vị của hội mừng lúa mới khi xưa. Cũng có nhiều hội tổ chức đua thuyền, thả diều,… như sự gợi ý về mong muốn con nước cả và mùa bão tố sớm qua đi. Có thể thấy rằng chính mục tiêu của việc tổ chức lễ hội ở châu thổ Bắc Bộ đã quy định tính chất và diện mạo của các trò chơi trong nó.
3.3. Đặc điểm về đồ chơi và cách chơi
Đặc điểm về đồ chơi
Đồ chơi hay vật chơi là những vật dụng hay nguyên liệu có tính cơ sở vật chất trực tiếp cho trò chơi. Đồ chơi của trò chơi dân gian ở châu thổ Bắc Bộ hết sức phong phú, được tạo ra bởi các cách như chế tác chuyên dùng hoặc sử dụng trực tiếp những thứ có sẵn trong thiên nhiên hay vật dụng thông thường để làm đồ chơi.
Trong trò chơi hàng ngày và ngay cả trò chơi trong dịp lễ hội, có nhiều vật chơi được lấy từ những thứ có sẵn ở môi trường xung quanh rồi sắp xếp lại, đẽo gọt giản đơn hay tô vẽ cho phù hợp với mục tiêu của nó như dìu phết hay ngoắc. Có nhiều trò dùng luôn những vật dụng thông thường trong lao động hay sinh hoạt làm vật chơi như thuyền thúng với lắc thúng, khung dệt trong thi dệt vải, nồi đất trong nấu cơm thi hay trò đập niêu. Đồ vật đơn giản thấy nhiều nhất trong trò chơi của trẻ em như đoạn dây, chiếc lá, hoa cỏ dại, cái chạc cây và đoạn chun, những viên sỏi hay gạch đá, bó que, đoạn gậy, trái bưởi hay dừa non, thậm chí cả quần áo chân tay,… được chúng biến thành đồ chơi cho một loạt trò chơi hàng ngày. Những đồ chơi giản đơn thường bị thải loại ngay sau cuộc chơi.
Đồ chơi cho các trò chơi dân gian về cơ bản là đơn giản, tự làm được, không tốn kém, chất liệu có sẵn ở xung quanh, phù hợp với sân chơi ngay trong không gian sinh sống. Đây là một đặc điểm nổi bật của trò chơi dân gian nói chung và ở châu thổ Bắc Bộ nói riêng.
Đặc điểm về cách chơi
Cách chơi hay quy tắc chơi trò chơi dân gian vùng châu thổ Bắc Bộ là yếu tố quan trọng tạo nên màu sắc và tính độc đáo của trò. Chính quy tắc chơi đã xác lập khung diện mạo của một loại trò nhất định. Quy tắc của nhiều trò chơi dân gian trong lễ hội được ghi nhớ dưới dạng của phong tục và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Có thể khái quát một số đặc điểm về quy tắc trong trò chơi dân gian vùng châu thổ Bắc Bộ như sau:
– Thứ nhất: Quy tắc của nhóm trò có tính nghi thức diễn ra trong hội làng chủ yếu nhằm phục vụ cho mục đích chính của việc mở hội mà không phải dành riêng chỉ cho cuộc chơi ấy.
– Thứ hai: Quy tắc nhằm tạo ra tính ngẫu hứng và tự do thể hiện của người chơi, gây hưng phấn cho cả cộng đồng tham dự.
– Thứ ba: Quy tắc tạo cơ hội cho hầu hết mọi người đều có thể tham dự.
Một số đặc điểm về nguồn gốc, sân chơi, đồ chơi và cách chơi nêu trên của trò chơi dân gian vùng châu thổ Bắc Bộ còn nguyên ý nghĩa xã hội trong đương đại, sẽ gợi ý và tạo nguồn cảm hứng vô tận cho quản lí khai thác và sáng tạo trò chơi dành cho mọi người.
4. Quản lí trò chơi dân gian của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ tiếp cận từ quan điểm quản lí di sản
4.1. Thực trạng bảo tồn và khai thác trò chơi dân gian của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ
Trò chơi dân gian đã và đang dần mất đi chỗ đứng của nó tại các sân chơi cộng đồng. Hiện nay nếu đến các tụ điểm văn hoá công cộng như nhà văn hoá phường xã, trung tâm văn hoá – thông tin, công viên văn hoá – thể thao, các sân chơi tại khu dân cư như hội người cao tuổi, hội thiếu nhi,… hay các tụ điểm văn hoá – giải trí có tính dịch vụ do tư nhân hay doanh nghiệp ngoài quốc doanh quản lí, gần như ta không còn thấy bóng dáng của trò chơi dân gian. Thay vào đó là các trò chơi hiện đại như bóng bàn, tennis, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, bi a, võ thuật, bơi lội,… Và phổ biến hơn cả là trò chơi điện tử đang chiếm phần lớn thời gian của thanh thiếu niên hiện đại và là dịch vụ “hái ra tiền” của các đơn vị kinh doanh. Tại các sân chơi cộng đồng này, trò chơi dân gian có đi chăng nữa cũng chỉ trong các dịp lễ tết như kéo co, đánh vật nhưng nó đã dần mất đi sự cuốn hút đối với cộng đồng. Điều này bị gây ra bởi quá trình đô thị hoá nông thôn đang diễn ra nhanh chóng. Nếp sống hiện đại đang len lỏi vào từng ngõ ngách làng quê khiến những người nông dân nghĩ rằng việc còn chơi những trò chơi cũ, không sử dụng các công cụ hiện đại là không “văn minh”. Thêm vào đó, quá trình công nghiệp hoá nông thôn cũng đang biến những người nông dân thành công nhân. Nhịp điệu sinh hoạt của những người công nhân mới này không giống những người nông dân trước kia, không còn mùa vụ và những thời gian nghỉ ngơi ngoài mùa vụ nên những trò chơi dân gian mang tính cộng đồng cũng dần mất đi.
Ngay cả ở trong lễ hội ngày nay, trò chơi dân gian cũng không còn giữ vai trò trọng yếu tạo nên tính hội hè như trước kia nữa. Ngoại trừ một số lễ hội lớn mang tầm quốc gia hay vùng được xã hội quan tâm và nhà nước đầu tư (như hội đền Hùng, hội Kiếp Bạc,…) được tổ chức khá bài bản và có chú ý tới các trò chơi truyền thống. Còn ở rất nhiều lễ hội làng có thể quan sát thấy một quang cảnh đơn điệu theo một mô thức khá giống nhau. Những người tổ chức thường quan tâm, nhấn mạnh đến lớp lịch sử – tôn vinh người có công nhằm mục tiêu giáo dục ý thức chính trị nhiều hơn là trình bày những yếu tố với tư cách là di sản văn hoá. Do vậy, những trò chơi, trò diễn cũng không được ý thức như cách thể hiện tinh thần của ngày hội xưa mà chỉ được coi như trò góp vui, có cũng được, không có cũng không sao. Từ quan niệm quản lí ấy, người ta thay thế các trò chơi dân gian truyền thống bằng một số hoạt động đại chúng thường thấy như bóng đá, bóng chuyền, thi hát văn nghệ hay phổ biến hơn cả là những trò chơi có thưởng mà dễ biến thành các cuộc đỏ đen.
Sự mất dần các trò chơi dân gian trong nhịp sống hiện đại này là một quá trình không thể tránh khỏi trong sự phát triển của xã hội. Bởi nó là sản phẩm của cộng đồng, được nuôi dưỡng bởi tinh thần, ý thức của cộng đồng. Khi tự bản thân cộng đồng không còn sản sinh ra những nhu cầu gìn giữ nó thì dĩ nhiên nó sẽ không thể tồn tại. Nhưng khi nhìn nhận trò chơi dân gian như một di sản văn hoá phi vật thể thì sự mai một này là một điều đáng tiếc. Các nhà quản lí văn hoá đã tìm mọi cách để gìn giữ vốn văn hoá đặc sắc này. Chẳng hạn như biến một trò chơi dân gian trở thành nhân tố chính của một lễ hội hiện đại. Lễ hội pháo đất là một ví dụ điển hình. Trò chơi này trước kia được người dân vùng hạ lưu sông Thái Bình chơi trong lúc nông nhàn nhằm mô tả tiếng sấm cầu mưa nay được tổ chức thành lễ hội – nơi diễn ra cuộc thi làm pháo, tung pháo giữa các làng, các xã trong vùng. Tuy nhiên, việc trò chơi dân gian không còn được gìn giữ từ chính nhu cầu chính đáng của cộng đồng vẫn đang là mối quan tâm, là vấn đề đáng lo ngại cho việc bảo tồn và quản lí di sản văn hoá phi vật thể ngày nay.
4.2. Giải pháp bảo tồn và khai thác trò chơi dân gian của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ
Với mong muốn tìm được một hướng bảo tồn trò chơi dân gian hiệu quả nhất trước xu thế hiện nay, tham luận tìm đến lí thuyết quản lí di sản như một nền tảng vững chắc cho loại hình di sản này vẫn tiếp tục được sống và phát huy các giá trị vốn có của nó.
Về mục đích
Trò chơi dân gian có thể được quản lí với nhiều mục đích khác nhau, không nên chỉ nhằm đến một mục đích sẽ làm cho việc bảo tồn trở nên gượng ép và trò chơi sẽ mất đi đặc điểm vốn có của nó. Lí thuyết cho rằng: “Có nhiều mục đích có thể xảy ra và trái ngược nhau”. Như vậy, trò chơi dân gian có thể được bảo tồn trong bối cảnh chung bảo tồn các lễ hội truyền thống. Với mục đích này, các trò chơi ở sân chơi hội hè là phù hợp hơn cả. Hoặc trò chơi dân gian có thể được bảo tồn theo hướng phát triển du lịch. Ở đây, những trò chơi mang tính ngẫu hứng, kêu gọi được sự tham gia của đông đảo mọi người sẽ tạo được sự hưng phấn cho khách du lịch. Không phải tất cả các trò chơi này đều có thể được đem ra phục vụ một mục đích nên việc tạo ra càng nhiều các mục đích và tìm kiếm được các trò chơi phù hợp với mục đích đó sẽ bảo tồn được càng nhiều di sản. Điều này xây dựng dựa trên lí thuyết “di sản là một sự lựa chọn, có thể theo hoặc không theo, không có mục đích nào được xem là tối thượng, hoàn toàn đúng”.
Về nguồn lực
Lí thuyết cho rằng: “nguồn lực được tạo ra bởi nhu cầu của thị trường sản phẩm”. Để di sản có sức sống lâu bền thì nó cần được nuôi dưỡng bởi cộng đồng nơi sản sinh ra nó. Tuy nhiên, ngày nay khi nhu cầu chơi những trò chơi cổ truyền chỉ đơn thuần để giải trí không còn nữa thì nguồn lực duy trì các trò chơi này cần được được nhìn nhận dưới góc độ sản phẩm dịch vụ. Chẳng hạn như khi người dân làng Đại Trà, huyện Kiến Thuỵ, thành phố Hải Phòng đưa “đặc sản” diều sáo của họ vào khai thác du lịch. Những cánh diều và những chiếc sáo không chỉ còn là những vật dụng để chơi thông thường, nó được người dân tỉ mỉ, chăm chút để biến nó thành những sản phẩm thủ công điêu luyện. Khi khách du lịch đến với làng quê này, họ không chỉ được trải nghiệm cái thanh bình của một vùng quê Bắc Bộ với cánh diều và những triền đê mà còn được mang những vật dụng đánh yêu đó về làm kỉ niệm. Điều này tạo động lực cho người dân làng Đại Trà, khi 80% số thanh niên trong làng đã không còn mặn mà với đồng ruộng hay trò chơi truyền thống này nữa quay trở lại học nghề từ cha ông, vui vẻ đón khách du lịch đến, ăn nghỉ và chơi tại chính ngôi nhà của mình.
Về tiêu chí lựa chọn
“Tiêu chí lựa chọn phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài” hay “được xác định bởi thị trường” [5]. Như trên đã nói, khi xác định mục đích quản lí trò chơi dân gian thì không phải tất cả các trò chơi dân gian đều phù hợp với mục đích đó. Việc trò chơi nào được lựa chọn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Ví dụ khi khai thác trò chơi dân gian phục vụ du lịch, chỉ có một số trò chơi dân gian đáp ứng được các tiêu chí nhất định mới có thể được đưa vào khai thác. Các tiêu chí này cần được xác định dựa trên điều tra về nhu cầu của người tham gia hoạt động du lịch đó. Tính hấp dẫn của các trò chơi dân gian sẽ được chứng minh khi nó được đưa vào sản phẩm du lịch và chính khách du lịch khi tham gia trải nghiệm trò chơi trên địa bàn là những người đánh giá và giúp duy trì đời sống cho nó. Điều này phù hợp với lí thuyết: “độ chân thực của di sản nằm trong trải nghiệm và vì vậy không thể xác định một cách khách quan được”.
Về chiến lược bảo tồn
Quản lí di sản thực chất là cùng một lúc làm hai nhiệm vụ: bảo tồn và phát triển. Hai nhiệm vụ này không bao giờ tách rời nhau bởi: “Di sản là một chức năng và là một lựa chọn cho phát triển; chính vì thế không có một sự mâu thuẫn cố hữu giữa bảo tồn và phát triển”. Khai thác, phát triển tạo ra nguồn lực để bảo tồn và bảo tồn chính là nền móng, tạo ra nhân tố cốt lõi cho quá trình khai thác. Ngày nay, để theo kịp xu thế chung của thời đại, việc bảo tồn trò chơi dân gian thích hợp nhất là đưa chúng vào ngành công nghiệp văn hoá, biến chúng trở thành các sản phẩm kinh doanh. Chẳng hạn như để trẻ em hiện đại yêu thích trò chơi ô ăn quan, thay bằng việc vẽ trên nền đất với hạt na hay sỏi thì các nhà sản xuất dụng cụ học tập ngày nay đã tạo ra các bộ chơi bằng gỗ với màu sắc bắt mắt, gọn nhẹ để trẻ em có thể chơi ở nhà hay ở trường học. Theo đó, “kế hoạch bảo tồn di sản không thể tách rời khỏi các chiến lược phát triển khác”. Khi đất nước đang định hướng phát triển công nghiệp dịch vụ thì việc khai thác trò chơi dân gian phục vụ mục đích du lịch là một hướng đi hứa hẹn nhiều kết quả đáng mừng, mang lại hiệu quả kinh tế cho chính cộng đồng địa phương. Điều này cũng phù hợp với lí thuyết “việc tăng cầu đối với sản phẩm (di sản) phù hợp với việc tăng cung sản phẩm”. Rõ ràng rằng, khi nhu cầu đón nhận trò chơi dân gian của xã hội hiện đại tăng lên bắt buộc khả năng cung ứng của cộng đồng địa phương cải thiện theo nhu cầu đó. Việc dân cư địa phương ý thức được trách nhiệm giữ gìn và phát triển sẽ làm cho di sản đó trường tồn cùng thời gian.
Việc làm thế nào để quản lí được di sản văn hoá phi vật thể, đặc biệt là những di sản chịu nhiều tác động của thời cuộc như trò chơi dân gian là một bài toàn khó. Hi vọng rằng, việc áp dụng lí thuyết quản lí di sản hiện đại vào bảo tồn và khai thác trò chơi dân gian sẽ tạo nền móng vững chắc cho việc phát triển loại hình di sản này một cách bền vững.
5. Kết luận
1. Quan điểm quản lí di sản ngày nay được phát triển từ những quan điểm bảo tồn nguyên vẹn và bảo tồn trên cơ sở kế thừa trước kia. Quan điểm này đã tránh khỏi tư duy quản lí di sản một cách trực tiếp và khá phù hợp trong việc quản lí các di sản phi vật thể – những loại hình di sản luôn chịu tác động bởi sự biến đổi của thời cuộc.
2. Trò chơi dân gian của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ chứa đựng nhiều giá trị văn hoá to lớn.
Nó thể hiện trong các đặc điểm về nguồn gốc, về sân chơi, về đồ chơi và cách chơi.
3. Tuy nhiên, các trò chơi dân gian này đang đối mặt với thực trạng bị mai một dần bởi quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá đang diễn ra nhanh chóng.
4. Việc gìn giữ những giá trị văn hoá của trò chơi dân gian là một công việc vô cùng khó khăn. Áp dụng quan điểm quản lí di sản vào bảo tồn và khai thác trò chơi dân gian là một việc làm hợp lí và cấp bách hiện nay. Dựa vào quan điểm này, cần thiết phải biến trò chơi dân gian thành sản phẩm văn hoá, mang lại những lợi ích nhất định cho cộng đồng bản địa để bảo tồn và gìn giữ trò chơi ấy. Việc bảo tồn và phát triển luôn song hành với nhau là kim chỉ nam cho việc bảo tồn trò chơi dân gian nói riêng và các di sản văn hoá khác nói chung hiện nay.
THƯ MỤC THAM KHẢO
A. Tiếng Việt
- Đặng Thị Phương Anh, Khai thác trò chơi dân gian lưu vực sông Thái Bình phục vụ phát triển du lịch, Luận văn cao học chuyên ngành Du lịch, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012.
- Cao Đức Hải, Trò chơi dân gian của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ và việc phát huy trong xã hội đương đại, Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Quản lí Văn hoá, Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, 2010.
- Bùi Hoài Sơn, Di sản (quản lí) – Heritage Management, 30 thuật ngữ nghiên cứu văn hoá (Bùi Quang Thắng chủ biên), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008.
- Ngô Đức Thịnh, Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2004.
B. Tiếng nước ngoài
- Ashworth G J, Element of planning and managing heritage sites, in Nuryanti, Gadjah Mada University Press, 1997.
ĐẶNG THỊ PHƯƠNG ANH 1
__________
1. Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.