BẢO TỒN và PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG của DÂN TỘC THIỂU SỐ RẤT ÍT NGƯỜI: Trường hợp NGƯỜI SI-LA

VÀNG THỊ NGOẠN
(Nhà báo, Đài phát thanh – Truyền hình tỉnh Lai Châu)

1. Đôi nét về người Si-la ở Tây Bắc

     Dân tộc Si-la (còn gọi là người Cú Dè Xừ, Xả Kha Pẻ), thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến. Trước khi di cư sang Việt Nam, tổ tiên của họ đã cư trú ở Lasha, thủ phủ của Tây Tạng (Trung Quốc) sau đó di cư sang Mù Đi (Lào) rồi mới đến Việt Nam. Ngày nay, họ vẫn còn nhớ câu sấm truyền về nguồn gốc của dân tộc mình: “Su đi La Sa khủa, phum Mù Đi khủa” (sinh ra ở La Sa, lập bản ở Mù Đi). Xưa kia, họ sống xen lẫn với những hộ dân người La Hủ ở trên núi Xì Thau Chải, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, vốn sống du canh du cư: cứ mỗi mùa cây rụng lá vàng họ lại bỏ đất ấy đi nơi khác phát nương, làm rẫy, săn bắn, hái lượm.

     Nhờ chủ trương khuyến khích định canh định cư nên mấy chục năm trở lại đây người Si-la đã xuống núi lập bản nơi gần sông, suối và họ đã biết vỡ đất ở sườn núi, bìa rừng để trồng lúa nương, lúa nước. Và hiện nay họ sống riêng biệt ở ba bản là: bản Seo Hai và bản Xì Thau Chải, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có 542 khẩu và bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có hơn 200 khẩu. Đây là một trong 5 dân tộc ít người của Việt Nam đang được Chính phủ có dự án bảo tồn.

     Do tập quán lập bản ở vùng sâu, vùng xa ít giao tiếp với các dân tộc khác nên đời sống văn hoá của dân tộc Si-la được biết đến không nhiều, tuy họ cũng có nền văn hoá độc đáo, đa dạng và phong phú, thể hiện rõ nét qua đời sống sinh hoạt, tục cúng lễ, văn hoá ẩm thực, trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc và các làn điệu dân ca, dân vũ,…

     Trong thời kì Đổi mới, đất nước phát triển, ánh sáng văn minh đã rọi đến các bản vùng sâu, vùng xa. Đời sống vật chất cũng như văn hoá tinh thần của đồng bào Si-la từng bước được cải thiện, song một số nét văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc đang mai một, thậm chí còn có nguy cơ biến mất. Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc Si-la là một việc cần chú trọng, quan tâm và cấp thiết.

2. Mấy nét bản sắc văn hoá của người Si-la

     Dân tộc Si-la ở nhà đất, hai gian, có hai chái nhỏ, hiên và một cửa ra vào, tuy cấu trúc đơn giản nhưng được sắp xếp bố trí tuần tự theo truyền thống, mỗi gia đình có thể chung sống với nhau nhiều thế hệ.

     Văn hoá ẩm thực của người Si-la cũng rất đa dạng và phong phú. Những món ăn được chế biến từ rau rừng, măng đắng, cá suối, thịt thú rừng có mùi vị đặc trưng thơm, ngon, bổ dưỡng. Đời sống của người Si-la sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên và tự cung, tự cấp là chủ yếu, không có chợ mua bán nên lương thực, thực phẩm luôn được bà con tận dụng phù hợp với điều kiện tự nhiên. Khi bắt được con thú hoặc bắt được nhiều cá, ngoài chia cho cả bản ra còn có thể sấy khô hoặc muối chua dự trữ ăn quanh năm. Đây không chỉ là món ăn thường ngày mà là món đặc sản và cũng là món quà biếu mỗi khi khách quý đến thăm nhà. Nếu ai đã một lần được thưởng thức các món ăn của người Si-la sẽ cảm nhận được hương vị của núi rừng, ở đó có cả vật chất, tinh thần, tình cảm của những con người nơi miền sơn cước.

     Trang phục phụ nữ Si-la mang đậm nét văn hoá đặc sắc riêng bởi nó không chỉ tôn thêm vẻ đẹp của các thiếu nữ, thể hiện được tập quán, nếp sống, trình độ thẩm mĩ và sự cần cù, khéo léo của các cô gái Si-la mà còn giúp phân biệt về lứa tuổi cũng như hôn nhân gia đình. Chiếc áo được trang trí từ cổ áo, tay áo đến gấu áo. Thân áo phía trước có hình thang cân, đính 36 đồng xu bạc thành 9 hàng ngang cùng với nhiều hạt kim sa lấp lánh. Váy của người Si-la thân váy để mộc, khi mặc, họ quấn và giắt váy về phía sau, chính vì vậy người Si-la mới có tên gọi khác là “Xả Kha Pẻ” (có nghĩa là váy quấn ngược). Hai đầu dây thắt lưng để tua rua hoặc viền chỉ màu và thả về phía trước làm duyên. Cạp váy như chiếc tạp dề làm bằng vải màu trang trí thật đẹp che bên ngoài, vừa tạo điểm nhấn vừa thể hiện sự kín đáo, phép lịch sự của người phụ nữ Si-la.

     Chiếc khăn đội đầu có hai loại: phụ nữ có chồng thì đội khăn đen, các thiếu nữ chưa chồng đội khăn trắng. Những đường nét hoa văn thêu thùa trên chiếc khăn đen và khăn trắng không chỉ có giá trị về mặt thẩm mĩ mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội mang tính nhân văn sâu sắc.

     Hiện nay, trang phục truyền thồng chỉ được phụ nữ Si-la mặc trong các ngày lễ, tết, còn ngày thường họ mặc áo sơ mi và váy theo kiểu người Thái. Khác với phụ nữ Thái, Hmông hay một số dân tộc khác, phụ nữ người Si-la không biết trồng bông xe sợi, dệt vải. Ngày xưa, họ trao đổi với dân tộc Thái, từ khi có chợ mua bán, dân tộc Si-la mua vải ở chợ về may trang phục.

    Công việc nữ giới là đan túi lưới bằng tơ gai. Đây được coi là một đồ vật đặc trưng cho dân tộc Si-la, ở túi nữ còn trang trí thêm chỉ mầu. Chiếc túi lưới là một vật dụng họ đeo đi làm và cả những lúc đi chơi hoặc đựng đồ ở nhà.

     Cuộc sống của người Si-la gắn bó với nương, rẫy với cây lúa, cây ngô nên những nghi lễ liên quan đến nông nghiệp được bà con coi trọng. Đặc biệt là lễ cúng bản, trước mùa gieo hạt (tháng hai) họ làm lễ cúng bản cầu mong cả bản không ốm đau, bệnh tật, lợn gà không bị thú rừng bắt, mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu. Lễ vật chuẩn bị cho lễ cúng bản, ngoài những con vật hiến sinh là con chó đen và con gà trắng, cùng với một bát gạo, củ gừng hoặc quả trứng gà thì dân bản còn phải chế tác ra rất nhiều loại vũ khí mang tính tượng trưng bằng gỗ như: kiếm, giáo, súng, dao, cung, nỏ; vòng bạc, xà tích, dây chuyền được tết từ cỏ tranh, lá xa nhân để dâng thần thánh và biểu tượng sinh thực khí của nam giới. Tất cả các biểu tượng này sẽ được gắn, treo và dựng cùng với cổng cấm bản.

     Tất cả các đồ lễ chuẩn bị xong, thầy cúng là người già làng, có uy tín do bản chọn ra làm lễ. Cúng xong, gà và chó sẽ được chế biến thành các món ăn để mọi người ăn ngay tại nơi cổng bản.

     Trước đây, người Si-la cấm bản trong thời gian 3 ngày, nội bất xuất, ngoại bất nhập, ngày nay việc cấm bản được thống nhất giảm xuống chỉ còn 1 ngày. Trong lễ cúng bản của người Si-la, phụ nữ không được tham gia bất kì việc gì, tuyệt đối không được đến gần cổng bản. Sau lễ cúng bản, mỗi người đem theo một vỉ mắt cáo bôi một ít tiết gà và tiết chó mang về treo ở cửa nhà mình để trừ tà ma, ác quỉ. Trong ngày kiêng bản không gây tiếng ồn, không cãi nhau, không hát hò, mọi người phải giữ trật tự, im lặng.

     Dân tộc Si-la có tính cộng đồng trong công xã cao, quan hệ dòng họ khá chặt chẽ. Có nhiều tên họ khác nhau như Lỳ, Chu vàng, Giàng nhưng họ Hù và họ Pờ đông hơn cả. Do quan niệm cùng tên, họ là cùng chung tổ tiên xa xưa và điều kiện cư trú xa cách, người ở chi họ này dễ dàng xin nhập sang chi họ khác, cùng thờ tổ tiên với nhau. Mỗi chi họ đều có người già nhất, không phân biệt dòng trưởng hay thứ, đứng đầu.

     Những người cùng họ không được lấy nhau, có tục cưới hai lần. Lần đầu đón cô dâu về nhà chồng. Lần thứ hai sau một năm, nhà trai trao tiền cưới cho nhà gái. Phụ nữ sinh con ở trong nhà, đẻ ngồi. Nhau đẻ đựng trong ống nứa, phủ một lớp tro bếp lên trên dựng ở góc bếp cho đến ngày đặt tên cho đứa trẻ. Họ thường mời bà già trong bản tới đặt tên cho con để mong con cái sống lâu. Sau khi đặt tên, bà già này bịt ống đựng nhau bằng lá chuối, nếu con trai buộc chín lạt, con gái buộc bảy lạt, rồi đem treo lên chỗ khuất. Lễ cúng hồn cho trẻ sơ sinh được tiến hành 3 ngày sau khi đặt tên.

     Với người Si-la nơi thờ, cúng tổ tiên rất độc đáo: không bát hương như các dân tộc khác, mà chỉ có tấm phên được đan bằng tre, nứa đặt ngay cạnh cột chính của nhà, trên giá có quả bầu, chén rượu. Trước bàn thờ là bếp lửa thiêng gồm có 3 hòn đá đặt làm kiềng 3 chân. Hòn đá chính ở giữa tượng trưng cho chủ nhà; hòn đá ở phía ngoài bên trái hướng vào trong tượng trưng cho tổ tiên hiện thân qua bếp lửa, bảo vệ sự ấm cúng cho gia đình; hòn đá thứ ba hướng về cửa ra vào nhằm ngăn không cho điều xấu vào nhà. Đây là nơi trú ngụ của tổ tiên và giữ ngọn lửa ấm cho cả họ, bảo vệ che chở, phù hộ cho con cháu, dòng họ. Hàng năm vào hai kì, tết năm mới và cơm mới, có lễ cúng tổ tiên chung ở nhà người trưởng họ với các lễ vật rất đặc trưng như thịt sóc, cua, ếch, cá bống, ống rượu cần tượng trưng vài bông lúa, khoai sọ, củ mài, bó lá hạt cườm, bát nước trắng và một ống tre cao 15cm, có đường kính miệng khoảng 8cm, bên trong ống có men rượu, trên miệng phủ lá chuối và cắm 3 que tre, tượng trưng cho bình rượu cần. Trên mâm cúng không dùng hương mà đốt nến bằng sáp ong tự chế.

     Nghĩa địa thường để dưới bản, mộ của những người cùng họ thường ở gần nhau. Kiêng đặt mộ xa giữa những người khác họ. Chọn được đất ưng ý để đặt mộ thì cuốc một nhát, đặt cục than vào nhát cuốc đó, coi như đất đã có chủ. Sáng hôm sau mới làm nhà táng và đào huyệt. Quan tài bằng khúc gỗ bổ đôi khoét rỗng.

    Sau khi chôn, gia đình tang chủ dội nước tắt bếp, mang hết than củi cũ ra ngoài nhà rồi mới đốt bếp. Không có tục cải táng và tảo mộ. Ðể tang bằng cách: con trai trong một năm không được cắt tóc mà chỉ buộc túm tóc trên đỉnh đầu, con gái tháo vòng tay, vòng cổ. Con cái thờ bố mẹ đã mất. Mỗi bàn thờ phải có chén thờ lấy từ chén cúng cơm bố mẹ trong ngày làm ma. Nhà có bao nhiêu con trai thì có bấy nhiêu chén và tất cả để lên bàn thờ. Ðến khi chia nhà thì mang chén đó ra lập bàn thờ riêng. Thờ tổ tiên từ đời ông trở lên do người trưởng họ đảm nhận.

     Các làn điệu dân ca, dân vũ và nhạc cụ của dân tộc Si-la có nhiều ý nghĩa và được lưu truyền từ bao đời nay. Người Si-la thường dùng lời ca, tiếng hát để gửi gắm cảm xúc của mình. Lời khúc ca thường mộc mạc, lối ví von giản dị, dễ hiểu nhưng giàu sự biểu cảm, dễ rung động lòng người. Họ hát mừng nhà mới, hát mừng thọ, các cháu thêm tuổi, dựng vợ gả chồng, hát giao duyên, hát thay tiếng khóc trong tang ma.

     Nhạc cụ người Si-la là sáo mẹ, sáo con, đàn bầu, đàn môi, nhị, trống, chiêng. Không chỉ dùng đệm bài hát, độc tấu hay tâm tình đôi trai gái mà tiếng đàn, tiếng sáo đầu bản vang vọng giữa rừng xanh bạt ngàn như mời gọi, thúc giục nhau cùng lên nương, xuống suối. Các vũ điệu của dân tộc Si-la mạnh mẽ, dứt khoát, vui nhộn giữ một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống của người Si- la. Trong những ngày lễ, tết hay ngày hội của dân tộc những tiết mục múa hát mô tả lao động, sản xuất, ca ngợi quê hương bản Mường không chỉ là món ăn tinh thần, giúp bà con quên đi nỗi nhọc nhằn một nắng hai sương mà còn là niềm tự hào của người Si-la trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

     Các em nhỏ Si-la thường chơi các đồ chơi tự chế từ tre, gỗ hay đất sét như làm khẩu súng, nỏ, cung tên nặn các con vật như: con trâu, con ngựa, con thỏ,… hoặc lấy hoa chuối, cây chuối chế thuyền đắp ao thả. Ðồng thời, chúng cũng có các trò chơi tập thể rất vui nhộn như: Chơi đập lúa, giã gạo, sàng sảy gạo vừa chơi vừa múa hát,… Các trò chơi luôn gắn với đời sống môi trường thiên nhiên không chỉ là trí thông minh, sự sáng tạo của các em mà còn là ước mơ, lòng khao khát được phát triển của những đứa trẻ ở vùng khó khăn, thiếu thốn.

     Về phần ngôn ngữ, dân tộc Si-la không có chữ viết riêng, kinh nghiệm trao truyền bằng lời hoặc qua thực hành. Ngôn ngữ của người Si-la thuộc họ Hán – Tạng, nhóm Tạng – Miến, gần với tiếng Miến hơn. Cho đến nay, vẫn là đối tượng ít được tìm hiểu sâu và chưa có một nghiên cứu đầy đủ và có hệ thống nào về ngôn ngữ Si-la từng được công bố. Tiếng Si-la ngày nay dường như chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ Thái, ngôn ngữ Hà Nhì và tiếng Hán phương Nam. Trong bản, mọi người đều giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, mặc dù người Si-la có ít dân nhưng họ vẫn giữ được ngôn ngữ riêng của mình.

     Người Si-la có một kho tàng văn học dân gian với nhiều thể loại như truyện cổ tích, thần thoại, sử ca, dân ca, tục ngữ,… Nền văn học này phản ánh những quan điểm thẩm mĩ và khát vọng của người dân trong cuộc sống đấu tranh anh dũng để bảo vệ sự sống còn của dân tộc.

3. Làm gì để bảo tồn bản sắc văn hoá của người Si-la

     Có thể nói, nền văn hoá truyền thống của dân tộc Si-la vô cùng quý giá, đa dạng và phong phú. Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc thiểu số Đảng, Chính phủ và các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương luôn quan tâm có chính sách ưu tiên dân tộc: Quyết định số 1270/QĐ-TTG ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về “bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XII, nhiệm kì 2010 – 2015 về phát triển văn hoá đi đôi với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc; Nghị quyết 05 của tỉnh uỷ Lai Châu về việc xoá đói giảm nghèo và các chương trình dự án đầu tư xây dựng điện, đường, trường trạm và các công trình thiết yếu đã đến với dân tộc Si-la.

     Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu cùng với các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội đã có nhiều việc làm thiết thực giúp đồng bào Si-la xoá đói giảm nghèo, ổn định, sản xuất nâng cao đời sống; Sở Văn hoá Thông tin và Du lịch đã từng bước sưu tầm những làn điệu dân ca, dân vũ Si-la, phục hồi lễ cúng truyền thống của dân tộc như: Lễ cúng bản, lễ ăn cơm mới,…; Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng các phóng sự chuyên đề về bảo tồn văn hoá truyền thống dân tộc Si-la,…

     Đến nay, đời sống vật chất văn hoá tinh thần, của đồng bào Si-la đã có nhiều đổi thay. Vào những ngày Tết, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cùng với tiếng trống, tiếng chiêng vang vọng khắp núi rừng, tạo cho dân tộc Si-la có một không gian văn hoá lãng mạn và huyền ảo. Những làn điệu dân ca, dân vũ đậm chất văn hoá Si-la mộc mạc, giản dị, dễ cảm nhận, dễ nhớ vui nhộn không chỉ phục vụ bà con mà còn băng ngàn, vượt núi đến với các hội thi, hội diễn của tỉnh và trung ương đạt được nhiều giải cao. Như tiết mục Giã gạo đêm trăng của đội văn nghệ bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu tham gia Liên hoan dân ca Việt Nam năm 2013 ở thủ đô Hà Nội được giải A và nhiều giải thưởng khác.

     Hiện nay trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, đời sống của đồng bào Si-la ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó các luồng văn hoá ngoại lai đã và đang xâm nhập đến từng bản vùng cao xa xôi làm cho những nét văn hoá truyền thống của các dân tộc bị xáo trộn, mai một và dần bị quên lãng. Để tiếp tục bảo tồn những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Si-la, chúng tôi kiến nghị cần sớm có kế hoạch đẩy mạnh việc sưu tầm và khai thác vốn văn hoá, văn nghệ dân gian, giữ gìn tiếng nói, có chữ viết cho dân tộc Si-la.

     Sống ở địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh biên giới của cả nước, người Si-la là một dân tộc giàu bản sắc văn hoá truyền thống, cư trú trên rẻo biên cương xa xôi, là phên dậu của tổ quốc, nơi mà gà gáy ba nước cùng nghe có vị trí quan trọng trong việc bảo vệ an ninh biên giới. Hơn bao giờ hết trong thời kì biên giới và biển đảo Việt Nam đang diễn biến phức tạp thì việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy, kế thừa những tinh hoa văn hoá cổ truyền của dân tộc Si-la còn là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, không những làm ổn định chính trị, an ninh biên giới mà còn góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.