Bảo tồn và phát huy các giá trị di tích gắn với phát triển du lịch văn hóa tỉnh Trà Vinh (Trường hợp di tích Lưu Cừ II)
Tác giả bài viết: Tiến sĩ ĐẶNG HOÀNG LAN1
(1Khoa Nhân học, Trường Đại học KHXH&NV- ĐHQG TP. Hồ Chí Minh)
TÓM TẮT
Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Trà Vinh nói riêng và của đất nước nói chung. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử và nghệ thuật là nhân tố quan trọng trong việc phát triển bền vững. Nâng cao chất lượng công tác bảo tồn di tích lịch sử và nghệ thuật là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Để thực hiện được những nhiệm vụ đó, đòi hỏi phải có những nhận thức đúng đắn về vị trí vai trò của các ngành đối với sự phát triển của tỉnh Trà Vinh nói chung và di tích Đền thần Shiva Lưu cừ II nói riêng. Bên cạnh các giá trị về mặt lịch sử – văn hóa, kiến trúc – nghệ thuật, di tích Lưu Cừ II còn mang trong mình nhiều tiềm năng phục vụ cho việc phát triển du lịch. Bài viết chỉ ra một số vấn đề trong công tác bảo tồn qua đó phát huy các giá trị di sản văn hóa, bên cạnh đó cũng mạnh dạn đưa ra một số kiến nghị để công tác bảo tồng trùng tu di tích và khai thác giá trị văn hóa của di tích để phục vụ người dân trong việc phát triển du lịch trong thời gian tới.
Từ khóa: Di tích Lưu Cừ II, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích,…
x
x x
1. Đặt vấn đề
Trà Vinh là tỉnh có vị trí đặc biệt của Đồng bằng Sông Cửu Long, nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu, cùng với 65 km bờ biển, tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú với nhiều cù lao, cồn nổi mang đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ với những đặc sản miền biển và trái cây quanh năm. Đặc biệt, tỉnh còn có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cùng với nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ, lễ hội, làng nghề truyền thống.
Tính đến hết tháng 07/2018, Trà Vinh đã có 42 di tích được xếp hạng [Danh mục các di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2018], tập trung ở 4 loại hình, gồm: khảo
cổ, kiến trúc nghệ thuật và lịch sử, danh thắng, cụ thể:
Bảng thống kê số lượng của các loại hình di tích đã xếp hạng ở tỉnh Trà Vinh
Cấp |
Di tích đã xếp hạng |
Tổng cộng |
|||||
Cấp quốc gia |
Cấp tỉnh |
||||||
Loại hình |
Danh thắng |
Khảo cổ |
Kiến trúc nghệ thuật |
Lịch sử |
Kiến trúc nghệ thuật |
Lịch sử |
|
SỐ LƯỢNG |
01 |
02 |
04 |
08 |
03 |
24 |
42 |
(Nguồn: Ban quản lý di tích năm 2018)
Trong tổng số 42 di tích nổi bật là các điểm du lịch như: Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động (huyện Duyên Hải), khu du lịch sinh thái Hàng Dương (xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang); khu du lịch cù lao Long Trị (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh); khu du lịch cù lao Tân Qui (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè); làng du lịch nông nghiệp Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành)… Bên cạnh đó còn có các điểm di tích lịch sử văn hóa như: Ao Bà Om, Chùa Âng, Lưu Cừ II, Làng Văn hóa du lịch Khmer, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer gắn liền với hoạt động tham quan, trải nghiệm ẩm thực truyền thống, lễ hội đua Nghe Ngo, lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer Trà Vinh…
Di tích Lưu Cừ II tọa lạc tại ấp Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, cách trung tâm thành phố Trà Vinh hơn 40 km về hướng Tây Nam và cách thị trấn Trà Cú 7 km về hướng Tây.
Di chỉ này là một phế tích kiến trúc tôn giáo Bà la môn, thuộc Văn hóa Óc Eo, được xây dựng vào những thế kỷ đầu sau Công nguyên và tồn tại trong một thời gian dài của Vương quốc Phù Nam. Di chỉ được phát hiện vào cuối năm 1985 và tiến hành điều tra, thám sát vào đầu năm 1986. Việc khai quật khảo cổ được tiến hành từ tháng 12/1986 đến tháng 02/1987. Năm 1990, Di tích kiến trúc Lưu Cừ II được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, loại hình di tích khảo cổ học.
Hiện nay, ngoài giá trị là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia, di tích Lưu Cừ II còn là một trong những điểm tham quan du lịch của tỉnh Trà Vinh, thu hút nhiều du khách trong và nước ngoài đến tham quan và tìm hiểu. Trong những năm qua, nguồn tài nguyên du lịch này tuy đã được tỉnh Trà Vinh khai thác để phát triển, nhưng hiệu quả đạt được chưa tương xứng. Một trong những nguyên nhân chính là do di tích hiện nay đang bị xuống cấp nghiêm trọng, công tác phục dựng, xây dựng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Công tác nghiên cứu, xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch tại di tích Lưu Cừ II chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch tại chỗ thiếu và yếu. Vì thế, để có thể vừa bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử – văn hóa của di tích nhằm phục vụ, phát triển du lịch, cần thiết tìm hiểu và mạnh dạn đề xuất kiến nghị giúp di tích Lưu Cừ II phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
2. Các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tại di tích – đền thần Lưu Cừ II (theo kiểu Manduka Mandala)
Di tích – Đền thần Shiva Lưu Cừ II nằm trên khu giồng cát có tên Giồng Lưu Nghiệp Anh, với độ cao trung bình từ 3m60 đến 4m00 (so với mực nước biển chuẩn Hà Tiên); cao hơn mặt ruộng chung quanh 1m40 – 2m00, dài 11km, rộng 200m – 400m, theo hướng Đông Tây. Khu đất Giồng hướng về phía Tây, giáp sông Hậu; phía Bắc, Đông và Đông Nam giáp các cánh đồng hẹp bị ngắt quãng bởi những giải đất nổi cao và những vùng đất trũng.
Đền có kiến trúc bằng gạch đồ sộ, diện tích lên đến hơn 530 m2, chiều dài 31,2 m theo
hướng Đông Tây, chiều rộng 17,2 m theo hướng Bắc Nam. Cửa chính quay về hướng Đông có xây nền bậc tam cấp lên xuống; các mặt còn lại là hướng Nam, Bắc, Tây có vách tường xây cao và đường hành lang lát gạch bao quanh phía trong. Kiến trúc đền được xây nổi trên mặt đất phẳng của giồng, không có móng chìm, bình diện hình chữ nhật; có 2 móng nổi song hành, có đường gờ ngang phía dưới, có cột giả ở phía trên, bao quanh 3 mặt Đông và Bắc, Nam2.
Về mạn Đông, hai móng được xây dựng song hành, có những cạnh bẻ góc vuông vắn, cân đối theo đường trục chính Đông Tây, ở khoảng giữa xây thành hai bậc thềm và hai tam cấp là đường đi lên kiến trúc; thềm được bó vỉa thành hình dấu ngoặc có hoa văn hình kỷ hà và bông hoa trang trí trên vài viên gạch xây vách móng ngoài. Mặt nền của đền cao khoảng 1.50m (tính từ chân móng đến nền gạch) có dạng hình chữ nhật, được phân biệt thành 3 phần. Bên ngoài có hành lang bao quanh ba mặt Tây, Nam, Bắc, phía Đông là sàn gạch (tiền sảnh), nối liền với bậc thềm lên xuống; phần bên trong hành lang có 14 ô vuông (chỉ tính phần lõm xuống), nằm cách quãng nhau, bao quanh các mạn Tây, Nam, Bắc, của kiến trúc Trung tâm. Các ô vuông được xây bằng một hàng gạch, bên trong được đổ bằng gạch vụn hoặc lát gạch. Kiến trúc trung tâm có bố cục hình chữ nhật (11.30×3.60m), chia làm 2 phần phía Đông là lát nền gạch, tiếp nối với tiền sảnh, phía Tây có kiến trúc hình trụ tròn xếp bằng gạch vỡ và gạch nguyên; bên ngoài trụ gạch được lấp đất cát trắng mịn. Phía ngoài kiến trúc lớn, dọc theo mạn Tây, Bắc, Nam có dấu vết 5 kiến trúc hình khối trụ vuông3.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học thì di chỉ này được xây dựng và hình thành trong thời gian 4 thế kỷ từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ V sau công nguyên. Khoảng thời gian này là thời kỳ hình thành và phát triển của nền văn hóa Óc Eo. Óc Eo là một nền văn hóa khảo cổ lâu đời và nổi tiếng ở Nam bộ Việt Nam, gắn liền với lịch sử của vương quốc Phù Nam – một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ những hiện vật được khai quật và lối kiến trúc đó, ta có thể kết luận đây là ngôi đền có quy mô to lớn, nguy nga, có thể là đây là ngôi đền trung tâm hành hương của nhiều đạo sĩ Bà la môn giáo.
Đền thần Shiva Lưu Cừ II có hai giai đoạn tồn tại sớm muộn khác nhau: giai đoạn đầu xây dựng là nền móng bẻ góc ở trong và các bệ gạch hình khối trụ vuông xây ở ba mặt Tây, Nam, Bắc bên ngoài; giai đoạn sau trùng tu tôn tạo là đường móng bẻ góc bên ngoài. Ở giai đoạn này, bố cục kiến trúc giai đoạn trước vẫn được kế thừa và quy mô kiến trúc mở rộng hơn, nhưng những chạm khắc trên gạch kém hơn giai đoạn trước.
Tại di tích đã tìm thấy nhiều hiện vật liên quan đến thần Shiva (1 yoni nhỏ, 1 lingayoni bằng thạch anh, 1 linga nhỏ) cùng với những hiện vật liên quan đến các vị thần Hindu khác: tay hai pho tượng bằng đồng, 3 lá vàng dập hình mặt trời, hình ngọn lửa… Với hiện vật linga tìm được cùng bề mặt kiến trúc có nhiều ô vuông bàn cờ (Pada) chứng tỏ đền thần Shiva Lưu Cừ II thể hiện theo kiểu kiến trúc Manduka Mandala mà thần trung tâm là Shiva, xung quanh còn các chư thần, con người và quỹ dữ, là loại đền ngoài trời không mái che (Hypeathral Temple). So với các đền thần Hindu khác như ở Gò Tháp (Đồng Tháp), Gò Thành (Tiền Giang), Bỉnh Tả (Long An),… thì đền thần Shiva Lưu Cừ II, với gạch kính thướt không lớn, nên thời gian xây dựng khoảng thế kỷ thứ IV và thời gian trùng tu “về kỹ thuật xây dựng, rõ ràng là giai đoạn sau kém phát triển hơn giai đoạn trước” nên nhiều khả năng thuộc thời kỳ hậu Óc Eo hay hậu Phù Nam, khoảng thế kỷ VII và sử dụng cho đến thế kỷ XII4.
Manduka Mandala là dạng đền thần Hindu lớn, phổ biến nhất và thiêng liêng, thiết lập trên một mạng lưới 8 x8 = 64 ô (Pada). Ô vuông màu xanh là Brahma padas, điển hình là nơi mà các thần chính và lớn nhất của ngôi đền đang nằm. Các hình vuông màu trắng xung quanh Brahmapada là Devika (Devaika) padas là khu vực chư thần cư trú. Những quảng trường vàng nghệ ánh sáng tạo thành vòng vây bên ngoài thứ hail à Manusha padas là khu vực, nơi con người sinh sống và tượng trưng cho sự lựa chọn giữa cái thiện và cái ác, chư thần và quỷ (Paisachikas), khi họ đi bộ/hành trình hướng tới cốt lỗi của ngôi đền. Các hình vuông màu xanh lá cây ánh sáng ở ngoài cùng là Paisachika padas là khu vực của quỷ, sợ hãi, nghi ngờ, đau khổ5.
Nguồn: https://commons.wikimedia.org/wiki/File:64_grid_Manduka_design_Hindu_Temple_Floor_Plan_Vastu_Purusa_Mandala_Ancient_Architecture.svg
Di tích đền thần Lưu Cừ II là một chứng tích lịch sử về sự tồn tại của một quần cư khá
đông đúc trên những con giồng rộng lớn thuộc địa bàn huyện Trà Cú ngày nay. Từ những thế kỷ đầu Công nguyên, cộng đồng cư dân này đã sở hữu cuộc sống khá sung túc và trình độ kiến trúc, mỹ thuật độc đáo đủ sức xây dựng, duy trì hoạt động ngôi Đền đồ sộ, uy nghi này trong một thời gian dài. Với một số di vật thu được qua quá trình khai quật như Linga, Yoni, bông cài mũ bằng vàng… đã khẳng định phế tích này vốn là ngôi Đền thần Bà la môn đồ sộ – nơi sinh hoạt văn hóa tôn giáo của một lượng cư dân tương đối đông đúc trên các con giồng rộng lớn thuộc địa bàn huyện Trà Cú ngày nay.
3. Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di tích Lưu Cừ II
Hiện nay, di tích này đang mở cửa cho du khách đến tham quan. Trước khi khai quật, khu di tích chỉ là một gò đất cao khoảng 5m, vào năm 2006, phần mái di tích được lợp tôn tráng kẽm, hàng rào bao quanh di tích cũng mới được xây dựng gần đây.
Nhưng hiện nay, di tích đền thần Lưu Cừ II đang bị xuống cấp nghiêm trọng, cùng với sự ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu đã làm di tích bị mối mọt tấn công làm cho gạch bị vữa có nguy cơ sụp đỗ, và một tác nhân quan trọng nữa, vừa là chủ nhân vừa là chủ thể hưởng lợi từ di sản văn hóa này, từ nhận thức máy móc, sai lệch nên đã một thời kỳ dài, một số di tích của nền văn hóa Óc Eo nói chung đã bị bỏ hoang mà bao thế hệ trước đã xây đắp gìn giữ. Tại di tích đền thần Lưu Cừ II hiện nay, người trực tiếp quản lý đã cho sử dụng mặt bằng sai mục đích ngay trong khuôn viên di tích vì gặp khó khăn trong vấn đề nguồn nhân lực mà Ban quản lý di tích phải cho bảo vệ di tích cư ngụ ngay trong khuôn viên di tích; và một số công trình sử dụng sai mục đích trong di tích đang diễn ra. Vậy thế nào là bảo tồn? Bảo tồn như thế nào để có thể giúp các di tích lịch sử nói chung và di tích Lưu Cừ II nói riêng có thể gìn giữ các giá trị mà vốn dĩ nó đã có?.
Di tích đền thần Lưu Cừ II, qua quá trình dài tồn tại với thời gian đã có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nó đã trở thành cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Nó là nguồn tư
liệu quan trọng trong công tác nghiên cứu lịch sử ở từng giai đoạn, từng thời kỳ nhất định về giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật; đồng thời cũng là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu, tìm hiểu về các tầng lớp văn hóa còn lưu giữ tại di tích. Nghệ thuật kiến trúc, cách thức xây dựng, hiện vật còn sót lại, cũng là nguồn tư liệu quan trọng giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu phong cách nghệ thuật, đặc trưng kiến trúc và sự phát triển kỹ thuật xây dựng qua từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử cụ thể, cũng như những quan niệm dân gian, những nét văn hóa riêng của cư dân từng vùng văn hóa Óc Eo – Phù Nam.
Ở nước ta, theo Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích Lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh, công bố ngày 04/04/1984, thì di tích Lịch sử – văn hóa và Danh lam thắng cảnh được quy định như sau: “Di tích lịch sử – văn hóa là những công trình xây dựng, địa điểm, đồ vật, tài liệu và các tác phẩm có giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật, cũng như có giá trị văn hóa khác, hoặc liên quan đến các sự kiện lịch sử, quá trình phát triển văn hóa xã hội”6.
Vấn đề kế thừa di sản văn hóa dân tộc và của nhân loại là nhu cầu tất yếu của mỗi quốc gia. Kế thừa trong sự phát triển văn hóa là một quá trình phức tạp, mâu thuẫn, biện chứng, một mặt bảo lưu những thành tựu quá khứ, mặt khác “Bảo vệ di sản hoàn toàn không có nghĩa tự giới hạn di sản”. Nhưng sự kế thừa ở đây không phải là sử dụng một cách máy móc, mà là sự tiếp nhận có phê phán và cải tiến một cách sáng tạo. Trong ý nghĩa ấy, Nhà nước và xã hội bảo vệ, phát huy những thuần phong, mỹ tục trong lối sống, nếp sống của dân tộc, bài trừ những hủ tục có hại đến đời sống văn hóa của nhân dân7.
Từ Pháp Lệnh trên, chúng ta rút ra một nhận định chung về di tích là đều được tạo ra từ bàn tay con người, đều là sản phẩm của sự tinh túy của nhân loại. Sản phẩm đó đã được lịch sử khẳng định vai trò và giá trị, chúng tồn tại khách quan, riêng lẻ và không phục thuộc vào ý muốn của thế hệ sau. Do đó, chúng ta cần có kế hoạch bảo tồn đúng với đối tượng khách quan đó.
Bảo tồn và phát huy luôn là hai mặt của một vấn đề và nó có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nếu chỉ bảo tồn mà không chú ý tới phát huy các giá trị văn hóa sẽ gây lãng phí
nguồn tài nguyên, hạn chế việc phát huy giá trị văn hóa, giới thiệu các giá trị văn hóa đó đến du khách. Nhưng mặt khác, nếu chỉ phát huy mà không bảo tồn, thì sẽ dẫn đến các giá trị di tích ngày càng xuống cấp, nguy hại, bị mai một và điều đó sẽ gây hủy hoại di tích, hủy hoại môi trường và những hậu quả to lớn khác cho toàn xã hội.
Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Trà Vinh nói chung và di tích Lưu Cừ II nói riêng chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế: tình trạng di tích đang dần xuống cấp do tác động của môi trường khí hậu, tình trạng gạch sau khai quật bị mục, tự phân rã; hệ thống các mái che tạm hiện trường di tích đang bị xuống cấp ảnh hưởng trực tiếp đến di tích, hiện vật chưa được bảo quản và lưu giữ hợp lý… Làm cho việc bảo quản, bảo tồn nguyên trạng di tích gặp rất nhiều khó khăn.
Những di tích tồn tại dưới dạng phế tích thì việc tu bổ đòi hỏi quá nhiều kinh phí. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa chưa sâu sắc. Đôi khi trong nhiều trường hợp, họ muốn hy sinh các phế tích ấy cho nhu cầu phát triển kinh tế. Do hạn chế về kinh phí, nên việc phân bổ nguồn ngân sách ưu tiên đầu tư vào những di tích đang khai thác du lịch tốt.
4. Một số kiến nghị đề xuất
Để bảo tồn và phát huy các giá trị di tích đền thần Lưu Cừ II, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị như sau:
– Xác lập và bảo tồn, phục dựng các hiện vật, những kiến trúc cổ đã phát lộ tại di tích, kết hợp với các loại hình di sản văn hóa khác nhau trong chính không gian văn hóa nguyên thủy của chúng, nhằm đảm bảo lưu giữ được những nét giá trị quý báu của các loại hình di sản này; đồng thời chú trọng vào các phương án bảo tồn các yếu tố văn hóa đặc sắc của từng hiện vật, kiến trúc… và phát huy giá trị của chúng để phát triển du lịch.
– Cần tiếp tục thực hiện quy hoạch, cũng như tránh tình trạng cho người của ban quản lý di tích ở ngay trong khuôn viên của di tích, để có thể phát huy các giá trị di tích, cũng như trả lại cho di tích hình ảnh vốn có của một ngôi đền thần Hindu giáo.
– Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo và nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên tại khu di tích cũng như các cơ quan ban ngành liên quan tới di tích Lưu Cừ II, tạo nền tảng kiến thức vững chắc phục vụ cho công tác cũng như phát triển du lịch tại di tích.
– Đa phần du khách đều thích thú với các “yếu tố gốc”, không thích các yếu tố lai tạp, sai lệch so với “yếu tố gốc”, cả các di sản văn hóa vật thể lẫn di sản văn hóa phi vật thể. Vì thế, cần quan tâm đến các yếu tố gốc, đến “tính xác thực” (authenticity) của các di sản văn hóa được chọn lựa để đưa vào phục vụ hoạt động du lịch, tránh làm sai lệch hoặc biến tướng, sẽ khiến cho du khách hiểu sai hoặc cảm nhận những di sản văn hóa mà họ đang tham quan, thưởng ngoạn, chứng kiến…. Cần thiết phải bảo tồn và giữ nguyên trạng những phương tiện, dụng cụ góp phần quan trọng làm nên các lễ hội, các sinh hoạt văn hóa truyền thống như tín ngưỡng phồn thực với ngẫu tượng Linga – Yoni, tượng thần Shiva; loại hình kiến trúc nền móng tháp, hiện vật vàng ngọc,… Ngoài ra, có thể khai thác một cách có chọn lọc các nội dung chính của văn hóa lễ hội (phục dựng) tại di tích để thu hút du khách, hoặc những lễ hội của cư dân bản địa tại đây, tuy nhiên cần cung cấp thông tin cho du khách biết đó là các lễ nghi phục dựng, nhưng hoàn toàn tuân thủ các “yếu tố gốc” của lễ hội từ xa xưa.
– Di tích đền thần Lưu Cừ II sau quá trình khai quật tình trạng bảo quản gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại hệ thống mái che đã xuống cấp, dột ở một số nơi, hiện vật hiện nay không lưu giữ ở ngay tại di tích, cảnh quan bị lấn chiếm một cách nghiêm trọng. Nếu không sớm quy hoạch, khu vực di tích sẽ bị xuống cấp nghiêm trọng hơn; cảnh quan và vị thế của ngôi đền thần sẽ bị biến mất. Di tích đền thần Lưu Cừ II cần nhanh chóng được đưa vào phục vụ cho mục đích văn hóa, tôn giáo và du lịch. Cần khẩn trương tiến hành các biện pháp khắc phục dựa trên Pháp lệnh số 14 LCT do chủ tịch Hội đồng nhà nước ký ngày 31/03/1984, cũng như điều 32 của Luật Di sản văn hóa do chủ tịch nước ký ngày 12/7/2001 đề nghị qui định khu vực bảo vệ cho di tích:
1. Khu vực bảo vệ I: Là khu bất khả xâm phạm: Là toàn bộ khu đất của đền thần, trong khu vực này phải làm lại hệ thống mái che di tích, vì hiện nay hệ thống mái đã bị dột và mục, những hàng cột của hệ thống cũng đang trực tiếp ảnh hưởng lên di tích và tất cả những gì có khả năng ảnh hưởng đến di tích.
2. Khu vực bảo vệ II: Đây là khu vực xung quanh di tích, vì cảnh quan xung quanh cũng là một phần của di tích, nên mọi hành động làm ảnh hưởng đến cảnh quan của di tích
đều bị nghiêm cấm, khu vực này có thể kể những ngôi nhà xung quanh di tích, ở đây cần phải phá bỏ những ngôi nhà, vì sẽ ảnh hưởng đến vẻ mỹ quan vốn có của một khu di tích tôn giáo.
Hiện nay, các giá trị của di tích hầu như chưa được quan tâm và khai thác đúng mức. Việc bảo quản và lưu giữ các hiện vật của di tích là nhiệm vụ quan trọng. Có bảo quản tốt di tích thì mới duy trì được các chức năng quan trọng khác có liên quan. Cần có phương pháp “chống xuống cấp và tôn tạo các di tích lịch sử- văn hóa” thích hợp. Ban Quản lý di tích cần phối hợp với các cơ quan ban ngành hữu quan có thẩm quyền, đồng thời tiến hành thẩm tra lại hiện trạng xuống cấp của di tích, khẩn trương giải tỏa những căn nhà xung quanh di tích. Bên cạnh đó cần qui hoạch cụ thể diện tích trong khu di tích.
Di tích lịch sử – văn hóa là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, để góp phần bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Điều đáng chú ý đây là khu di tích khảo cổ đã được khai quật, cần có một biện pháp thích hợp bảo vệ những phế tích, nhằm giới thiệu rộng rãi cho du khách biết được giá trị lịch sử, văn hóa của khu vực.
Tóm lại, di tích đền thần Lưu Cừ II, là di sản văn hóa vật thể chứa đựng nhiều giá trị: văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử… Những giá trị này đặc biệt được nhận biết thông qua hình dáng và cấu tạo của vật liệu nguyên bản. Việc bảo vệ di sản văn hóa góp phần lưu giữ và khẳng định ý nghĩa của các giá trị truyền thống. Chính vì thế, mục đích của việc bảo vệ là giữ gìn các giá trị nguyên gốc của nó. Cần thiết tiến hành một số giải pháp cấp thiết cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Lưu Cừ II, vì ngoài việc phục vụ học tập, nghiên cứu, còn là phục vụ du lịch văn hóa, tâm linh.
Di tích đền thần Lưu Cừ II là nguồn tư liệu quý để nghiên các dấu vết của một thời kỳ lịch sử; văn hóa; là cơ sở cho việc phân định các thời kỳ lịch sử và đặc trưng kiến trúc, văn hóa của từng thời kỳ trong quá trình phát triển của xã hội, là địa điểm khai thác tiềm năng du lịch, giúp phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa tại địa phương và quốc gia. Chính vì thế, di tích Lưu Cừ II cần được trân trọng, giữ gìn và trùng tu, tôn tạo ngày càng đẹp hơn bên cạnh việc bảo lưu những yếu tố gốc, cần thiết nhận được sự quan tâm của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng chính quyền, nhân dân xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú chung tay bảo quản, hạn chế tối đa sự xuống cấp theo thời gian. Đây là một địa chỉ hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên các chuyên ngành lịch sử, khảo cổ, văn hóa và nhiều chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn khác đến nghiên cứu, tìm hiểu; đồng thời, di tích này cũng là địa chỉ du lịch văn hóa nổi tiếng thu hút đông đảo du khách gần xa.
__________
2 Đặng Văn Thắng (2017), Các tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam ở Nam bộ, NXB Đại học Quốc Gia Tp.HCM, tr. 315
3 Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải (1995), Văn hóa Óc Eo những khám phá mới, NXB Khoa học xã hội, tr. 66-67 và 197-204.
4 Đặng Văn Thắng (2017), Các tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam ở Nam bộ, NXB Đại học Quốc Gia Tp.HCM, tr317.
5https://commons.wikimedia.org/wiki/File:64_grid_Manduka_design_Hindu_Temple_Floor_Plan_Vastu_Purusa_Mandala_Ancient_Architecture.svg. Truy cập ngày 20/12/2019.
6 Nguyễn Đăng Duy – Trịnh Minh Đức (1993), Bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, Bộ văn hóa – thông tin, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Tr. 16.
7 Luật di sản văn hóa (2001), NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, tr. 15.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Văn Thắng (2017), Các tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam ở Nam bộ, NXB Đại học Quốc Gia Tp.HCM.
2. Nguyễn Đăng Duy – Trịnh Minh Đức (1993), Bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, Bộ văn hóa – thông tin, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
3. Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải (1995), Văn hóa Óc Eo những khám phá mới, NXB Khoa học xã hội.
4. Luật di sản văn hóa (2001), NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh – Ban quản lý di tích (2018), Danh sách di tích tỉnh Trà Vinh đã được xếp hạng (tính đến tháng 7 năm 2018).
6.https://commons.wikimedia.org/wiki/File:64_grid_Manduka_design_Hindu_Temple_Floor_Plan_Vastu_Purusa_Mandala_Ancient_Architecture.svg. Truy cập ngày 20/12/2019.
Nguồn: Hội thảo Khoa học
“Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh”
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Bảo tồn và phát huy các giá trị di tích gắn với phát triển du lịch văn hóa tỉnh Trà Vinh (Trường hợp di tích Lưu Cừ II) – Tác giả: TS. Đặng Hoàng Lan |