Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội Đình trong cộng đồng người Kinh ở tỉnh Sóc Trăng
A study on how to conserve and develop traditionally cultural values of temple festivals in the Kinh people community at
Soc Trang Province
Tác giả: ĐÀO NGỌC CẢNH, HUỲNH VĂN ĐÀ1
(1Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ)
TÓM TẮT
Đình và lễ hội đình là một trong những yếu tố văn hóa truyền thống cơ bản của người Kinh ở tỉnh Sóc Trăng nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Đình là nơi diễn ra lễ hội dân gian chủ yếu nhất ở tỉnh Sóc Trăng. Các nghi thức tế lễ trong lễ hội đình rất phong phú và được duy trì trong các giai đoạn lịch sử từ khi hình thành đến nay. Tuy nhiên, do những biến đổi của đời sống xã hội, lễ hội đình đang có nguy cơ mai một khá mạnh. Bài viết này đề cập đến thực trạng lễ hội đình ở Sóc Trăng và đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội đình trong cộng đồng người Kinh ở tỉnh Sóc Trăng.
Từ khóa: Đình làng, lễ hội dân gian, nghi lễ, Kỳ Yên, Thượng điền, Hạ điền.
ABSTRACT
Village temples and its festivals are traditionally basic culture factors of Kinh people in Soc Trang Province in specific and in Vietnam in general. Traditional festivals are mainly organized at village temples. The ceremonies in temple festivals are in various forms and still keep the values from the beginning. Due to the socio-economic development, the temple festivals are under the threats. This article discusses the village temple festivals in Soc Trang and raises the issues of conservation and improvement of cultural values of these festivals in the community in this province.
Keywords: Village temples, folk festivals, ceremony, worship for good health, ground- breaking ceremony, farm-work initiation ceremony.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Cách đây khoảng vài ba trăm năm, địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng như toàn vùng Nam Bộ, là nơi lưu dân Việt từ Bắc Bộ, Trung Bộ đến khai phá trong môi trường thiên nhiên hoang dã, đầy bất trắc hiểm nguy. Những người dân khẩn hoang luôn ước mong những vị thần tại chỗ sẽ phù hộ độ trì cho họ. Với nhu cầu tín ngưỡng tâm linh như vậy, những lưu dân Việt đã duy trì và phát triển tại vùng đất mới tín ngưỡng đa thần và tín ngưỡng thờ Thành hoàng vốn là truyền thống của người Việt ở Bắc Bộ, Trung Bộ. Đồng thời, họ cũng tiếp thu những yếu tố tín ngưỡng của người Hoa, người Khmer là các cộng đồng dân cư cùng chung sống trên địa bàn. Kết quả là, tín ngưỡng dân gian của người Kinh ở tỉnh Sóc Trăng có những nét đặc thù so với ở Bắc Bộ và Trung Bộ.
Cũng như các địa phương khác trong cả nước, các đình của người Kinh ở Sóc Trăng đều có tín ngưỡng thờ Thành Hoàng là vị thần che chở cho dân làng. Đình từ lâu đã trở thành một trong những thành tố của thiết chế văn hóa làng xã truyền thống của làng quê Việt Nam. Trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ của Việt Nam có rất nhiều câu nói về đình như “cây đa, bến nước, sân đình”, những từ ngữ quen thuộc như “đình đám”, “linh đình”, “tày đình”,… đều là những cách nói khẳng định vai trò của đình và của lễ hội đình trong đời sống tinh thần của người Việt.
Đình là không gian thiêng của cộng đồng dân cư nông nghiệp. Vì vậy đây cũng là nơi chủ yếu nhất diễn ra lễ hội dân gian truyền thống của cộng đồng. Theo khảo sát do Phân viện Văn hóa Nghệ thuật tại TP.Hồ Chí Minh thực hiện năm 2008 tại ba huyện của tỉnh Sóc Trăng là Kế Sách, Long Phú, Vĩnh Châu thì thì đình là nơi diễn ra lễ hội nhiều nhất (chiếm 34,58% trong tổng số 107 lễ hội dân gian được khảo sát) tiếp theo là chùa (32,71%), miếu (28,04%); còn lại những loại hình khác không đáng kể.
Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đình và lễ hội đình ở Sóc Trăng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, bị mai một dần. Vì vậy, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội đình ở Sóc Trăng nói riêng và trong cả nước nói chung đang là một vấn đề cần được quan tâm của toàn xã hội, nhất là của ngành văn hóa.
2. Phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là đình và lễ hội đình của cộng đồng người Kinh ở tỉnh Sóc Trăng. Đây là một phần trong đề tài nghiên cứu cấp Tỉnh: “Vai trò của đình, chùa trong đời sống cộng đồng người Kinh ở tỉnh Sóc Trăng”. Để nghiên cứu đối tượng này, chúng tôi đã phối hợp nhiều phương pháp nghiên cứu như khảo sát thực địa, thu thập và phân tích dữ liệu thứ cấp, điều tra bằng bảng hỏi và phân tích dữ liệu sơ cấp, phương pháp lấy ý kiến chuyên gia,…
3. Kết quả và thảo luận
Theo số liệu của Ban Tôn giáo tỉnh Sóc Trăng thì toàn tỉnh có 77 đình. Nếu tính theo số lượng đình, có thể chia các huyện thị trong tỉnh thành 3 nhóm: nhóm nhiều đình gồm có các huyện Kế Sách (20), Long Phú (15), Mỹ Xuyên (10); nhóm trung bình có các huyện Mỹ Tú (8), Thạnh Trị (8), Vĩnh Châu (8), Ngã Năm (5); nhóm ít đình có huyện Cù Lao Dung (2) và thành phố Sóc Trăng (1). Bên cạnh những nét chung của đình làng Việt Nam, đình ở Sóc Trăng lại có những nét đặc thù. Do hình thành trong quá trình khẩn hoang, lập làng tại vùng đất mới trong khoảng vài ba trăm năm gần đây nên đình làng ở Sóc Trăng, cũng như ở Nam Bộ, nhìn chung đơn giản hơn. Việc thờ thần Thành Hoàng tại các đình làng ở Sóc Trăng cũng mang tính ước lệ. Nếu như ở Bắc Bộ, thần Thành Hoàng của làng thường là một vị thần cụ thể gắn với mỗi làng với thần phả khá rõ ràng, thì ở Sóc Trăng thường chỉ thờ một vị thần mang tính ước lệ là thần Bổn Cảnh Thành Hoàng, nghĩa là vị thần Thành Hoàng của một vùng đất. Trừ một số nơi gọi là đình thần Nguyễn Trung Trực với ý nghĩa suy tôn ông là thần Thành Hoàng thì hầu hết các đình ở Sóc Trăng tuy cũng thờ thần Thành Hoàng nhưng không rõ lai lịch vị thần. Về hình thức, thần Thành Hoàng được thờ ở nơi tôn nghiêm trong chánh điện nhưng thường chỉ với một chữ “Thần” bằng chữ Nho đặt trên một hương án cùng các đồ tự khí như hộp đựng sắc thần, ngai thờ, bộ lư hương chân đèn, một cặp rùa đội hạc, một long vị ghi tước hiệu được sắc phong của thần, và một số dụng cụ đựng đồ thờ cúng (bình hoa, đĩa trái cây, đĩa có ba chung rượu,…).
Bảng 1: Hệ thống đình ở tỉnh Sóc Trăng
TT | TP/huyện | Số lượng |
1 | TP. Sóc Trăng | 1 |
2 | Mỹ Tú | 8 |
3 | Mỹ Xuyên | 10 |
4 | Long Phú | 15 |
5 | Cù Lao Dung | 2 |
6 | Thạnh Trị | 8 |
7 | Ngã Năm | 5 |
8 | Kế Sách | 20 |
9 | Vĩnh Châu | 8 |
Tổng cộng | 77 |
Nguồn: Ban Tôn giáo tỉnh Sóc Trăng, năm 2012
Tại tỉnh Sóc Trăng có một số ngôi đình cổ được sắc phong của triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Theo khảo sát thì đình được sắc phong sớm nhất ở Sóc Trăng là năm 1852 dưới triều vua Tự Đức. Một số đình khác được sắc phong muộn hơn, vào đời vua Khải Định, Bảo Đại.
Đình được sắc phong tức là được nhà nước phong kiến công nhận. Vì vậy, theo quan niệm dân gian, làng nào có đình được sắc phong chứng tỏ đó là làng có đủ tư cách và có sự hãnh diện. Một số làng giàu có mới được thành lập dưới thời Pháp thuộc xây dựng ngôi đình quy mô đồ sộ, nhưng lại mặc cảm là làng được thành lập do một quyết định của chính quyền thực dân. Do đó có làng bỏ tiền ra mua sắc cũ đem về thờ. Tuy nhiên, các làng thường không bán sắc phong, mà do bọn trộm lấy cắp sắc phong đem bán.
Tính ước lệ của thần Thành Hoàng dễ dẫn đến nạn ăn trộm sắc phong của các đình. Vì vậy, các đình ở đây đều cất giữ sắc phong rất cẩn thận. Thường thì người ra cất giữ sắc phong tại nhà riêng ông Trưởng Ban Quý tế. Chỉ đến ngày làm lễ cúng đình mới tiến hành nghi thức rước sắc (thỉnh sắc) và kết thúc lễ hội lại đưa sắc về cất giữ (hồi sắc).
Lễ hội đình Sóc Trăng mang tính chất của đời sống dân cư vùng trồng lúa, gắn với chu kỳ sinh trưởng của cây lúa. Trước đây, mỗi năm người dân tổ chức 4 lễ hội cúng đình: Kỳ Yên, Thượng Điền, Hạ Điền, Chạp Miễu. Lễ hội Kỳ Yên là lễ hội lớn nhất trong năm tại đình, thu hút đông đảo dân cư và diễn ra nhiều hoạt động nghi lễ và hội hè sôi động. Lễ Chạp Miễu được tổ chức vào cuối năm sau khi thu hoạch mùa và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Còn lễ Hạ Điền và Thượng Điền thì nguyên thủy là lễ nghi nông nghiệp: Hạ Điền là khởi đầu, Thượng Điền là kết thúc công việc đồng áng của nhà nông. Lễ hạ điền thường tổ chức vào đầu mùa mưa mang ý nghĩa tế thần Thành Hoàng, thần Nông, các thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp để cầu mưa thuận gió hòa, bắt đầu một vụ mùa thuận lợi. Lễ thượng điền thường tổ chức vào cuối mùa mưa, mang ý nghĩa tạ ơn thần vì đã cho một vụ mùa bội thu.
Bảng 2: Lịch lễ hội đình trong năm ở tỉnh Sóc Trăng
TT | Tên lễ hội | Thời gian (theo âm lịch) |
1 | Nguyên đán | Ngày 1/1 |
2 | Khai hạ (Khai ấn/Hạ nêu) | Ngày 7/1 |
3 | Thượng nguyên | Ngày 15/1 |
4 | Hạ điền | Không nhất loạt |
5 | Kỳ yên | Không nhất loạt |
6 | Trung nguyên | Ngày 15/7 |
7 | Thượng điền | Không nhất loạt |
8 | Hạ nguyên | Ngày 15/10 |
9 | Niêm ấn (Đưa thần/Dựng nêu…) | Ngày 25/12 |
10 | Rước thần | Ngày 30/12 |
11 | Các lễ khác | Không nhất loạt |
Nguồn: Khảo sát trực tiếp của nhóm nghiên cứu, năm 2012
Ngày nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, lễ hội cúng đình thường chỉ còn một lần lễ chính trong năm gọi là lễ Kỳ yên. Một số nơi là sự kết hợp giữa lễ hội Kỳ yên và lễ Thượng điền hoặc lễ Hạ điền nên được gọi là Kỳ yên Thượng điền hay Kỳ yên Hạ điền tùy theo tính chất. Các lễ hội khác đã đơn giản hóa và được gọi là lễ phụ, thậm chí chỉ còn là nghi thức cúng đình thông thường.
Lễ Kỳ yên ở các đình của tỉnh Sóc Trăng thường được tổ chức vào tháng 2 hoặc tháng 3 với ý nghĩa là đầu năm tế lễ khẩn cầu cho quốc thái dân an, làng xóm thịnh vượng. Mặt khác, do đặc điểm của khí hậu thời tiết cũng dẫn đến xu hướng tổ chức lễ hội vào mùa khô cho thuận tiện hơn. Ví dụ, đình Mỹ Xuyên trước kia tổ chức lễ hội chính vào rằm tháng 9 âm lịch, nhưng do thời gian này thường có mưa nên Ban Quý tế đã làm lễ xin thần linh cho chuyển sang rằm tháng 2 âm lịch.
Lễ Kỳ yên thường kéo dài 1 đến 3 ngày với các lễ như: lễ Thỉnh Sắc thần, tế Thần Nông, Thần Hổ, cúng Miễu, cúng Liệt sĩ trận vong, lễ Túc yết, lễ Chánh tế, lễ cúng Tiền hiền Hậu hiền, lễ Đưa Sắc thần (Hồi Sắc). Trong đó, có 3 lễ chính: Túc yết, Đoàn cả (Chánh tế), Tiền hiền Hậu hiền. Lễ Túc yết (gọi tắt là lễ Yết) hương chức tụ họp lại để yết kiến thần, trình cáo với thần về việc tổ chức lễ tại đình. Lễ Đàn cả (còn gọi là Đoàn cả hay Đại đoàn) là lễ chính để tế thần với ý nghĩa tạ ơn thần. Lễ Tiền hiền Hậu hiền là nghi lễ tế các vị tiền nhân có công lập làng, khai lộ… Tiền hiền khai khẩn là người có công lập làng, lập đình. Hậu hiền khai cơ là người có công làm đường, lập chợ. Lễ Tiền hiền Hậu hiền được cử hành theo tập quán và khả năng từng nơi. Có nơi làm lễ này ngay sau lễ Đoàn cả, nhưng có nơi để sang ngày thứ ba mới cử hành lễ này.
Theo các kết quả khảo sát, nghi lễ trong cuộc tế cũng như các nghi trình và thủ tục trong lễ hội đình ở Sóc Trăng được bảo lưu ở mức không cao. Các thủ tục tế (quán tẩy, dâng hương hoa, dâng rượu, hoa chúc, lễ tạ) và các lễ như: túc yết, tỉnh sanh, đoàn cả, tiền hiền hậu hiền, xây chầu đại bội, đọc chúc ở Long Phú tốt nhất so với những địa bàn khác.
Các loại hình nghệ thuật cổ truyền và trò chơi dân gian ở Sóc Trăng bị mai một khá nhiều. Có những nơi trước có nay mất đi, có nơi trước không có nay lại có (múa lân, đánh trống, lò vật…). Diễn xướng dân gian trong lễ hội gồm có múa lân 33,3%, múa rồng 4,2%, hát cửa đình 15,3%, khác 1,4%. Một số nơi có sự phục hồi nhưng một số loại hình nghệ thuật có nguy cơ thất truyền (hát bội, hát giao duyên, múa rồng,…) do không có điều kiện thực hành hoặc bị nghệ thuật hiện đại lấn át.
Nhìn chung, chất lượng lễ hội ở Sóc Trăng cần được quan tâm, nhiều lễ hội đã mất đi các nghi thức, tục lễ cổ truyền (tế, diễn xướng dân gian, đào thài…). Xu hướng bỏ đi cái riêng, độc đáo để “bắt chước” nhau giữa các địa phương làm cho lễ hội có tính đơn điệu.
Trò chơi dân gian là một bộ phận của văn hóa phi vật thể. Thông qua trò chơi, các quan niệm của cộng đồng về mối quan hệ giữa con người – tự nhiên và xã hội được bộc lộ. Thực trạng các trò chơi dân gian trong lễ hội truyền thống của tỉnh Sóc Trăng có xu hướng mai một rất đáng kể. Các trò chơi dân gian truyền thống trước kia như: bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu, kéo co, đá gà, ném còn, đi cầu thăng bằng (leo cầu khỉ), nhẩy sạp, đi cà kheo, đá cá, chơi cờ… đang bị mai một và thay vào đó là các hoạt động giải trí mang tính kinh doanh hiện đại. Trong tổng số 184 ấp/khu phố thuộc 3 huyện của tỉnh được khảo sát thì chỉ có 3 ấp còn trò chơi dân gian (ấp 1 Thị trấn Long Phú; ấp Mỹ Thạnh xã Vĩnh Hải; ấp Tân Quy xã Vĩnh Phước huyện Vĩnh Châu). Số lễ hội không có trò chơi dân gian còn rất lớn 95,8%. Đặc biệt huyện Kế Sách 100% lễ hội không có trò chơi dân gian.
Nhìn chung mật độ và chất lượng lễ hội của Sóc Trăng còn ở mức thấp. Xét trong các huyện thì cao nhất là Long Phú, tiếp theo là Kế Sách và Vĩnh Châu. So với lễ hội cổ truyền của người Việt ở Bắc Bộ hay ở TP. Hồ Chí Minh thì lễ hội cổ truyền ở tỉnh Sóc Trăng thiếu những thành tố rước sách, múa sênh tiền, đặc biệt là không có hèm. Tuy nhiên, trên thực tế đây là sự khác biệt theo tiểu vùng văn hóa mà không phải là tình trạng bảo lưu kém bởi vì ngay từ khi lập làng, lễ hội dân gian ở Sóc Trăng cũng không có những thành tố này.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, lễ hội dân gian truyền thống nói chung và lễ hội đình nói riêng ở tỉnh Sóc Trăng có những hạn chế nhất định. Nhìn chung, mức độ bảo tồn của lễ hội Sóc Trăng không cao: Lễ hội đặc sắc không còn, lễ hội các loại giảm dần từ loại D đến loại A. Đây là một vấn đề cần quan tâm và có những giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Kinh ở tỉnh Sóc Trăng.
Bảng 3: Bảng xếp loại lễ hội dân gian ở Sóc Trăng
Loại lễ hội | Số lượng | Tỷ lệ (%) |
Đặc sắc | 0 | 0.0 |
Loại A | 14 | 19.4 |
Loại B | 15 | 20.8 |
Loại C | 18 | 25.0 |
Loại D | 25 | 34.7 |
Cộng | 72 | 100.0 |
Nguồn: Phân viện Văn hóa Nghệ thuật tại TPHCM, 2008
Tuy nhiên, nếu có sự quan tâm và huy động được sự tham gia của cộng đồng để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội thì có thể nâng cao giá trị các lễ hội cổ truyền của tỉnh. Nhiều lễ hội loại A chỉ cần khôi phục 1 đến 2 thành tố còn thiếu hoặc yếu thì sẽ thành lễ hội đặc sắc. Nhiều lễ hội loại B nếu bổ sung thêm một vài yếu tố nữa (rước, tế, trò chơi…) thì có thể thành loại A. Đây cũng là những điểm cần lưu ý trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của lễ hội ở Sóc Trăng.
4. Kết luận
Đình là thiết chế văn hóa truyền thống cơ bản của cộng đồng người Kinh ở tỉnh Sóc Trăng nói riêng và của cả nước nói chung. Do đặc điểm hình thành và phát triển tại vùng đất mới được khẩn hoang, lập làng trong vài ba trăm năm gần đây nên các đình làng ở Sóc Trăng thường khá đơn sơ, mang tính ước lệ.
Lễ hội đình ở tỉnh Sóc Trăng diễn ra nhiều nhất vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch. Các nghi lễ trong lễ hội đình ở tỉnh Sóc Trăng tuy có những nét chung của lễ hội đình Việt Nam, nhưng cũng có những nét đặc thù, nhìn chung các nghi thức giản lược hơn.
Mức độ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội đình ở Sóc Trăng không cao. Các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và các trò chơi dân gian trong lễ hội đình hầu hết đã bị mai một. Do đời sống xã hội đã thay đổi, những chức năng của đình trong chế độ phong kiến trước đây hầu như không còn nữa. Các nghi thức tế lễ không được giải thích và giới thiệu đến lớp trẻ nên nguy cơ mai một dần những giá trị truyền thống của lễ hội đình qua từng thế hệ. Hiện nay, hầu hết lớp trẻ không hiểu hết ý nghĩa của các nghi lễ và ít quan tâm đến sinh hoạt lễ hội đình. Đặc biệt, trò chơi dân gian trong lễ hội bị mai một gần hết: hơn 90% lễ hội truyền thống không còn các trò chơi dân gian, đặc biệt huyện Kế Sách có tới 100% lễ hội không có trò chơi dân gian.
Một vấn đề đang đặt ra là nhiều đình làng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng việc trùng tu diễn ra rất chậm chạp vì thiếu kinh phí. Một số khác tuy được trùng tu, nhưng vì một lý do nào đó, ngôi đình đã được làm mới hoàn toàn bằng vật liệu hiện đại, nên đã mất đi ít nhiều cái hồn di sản của cha ông.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đình trong cộng đồng người Kinh ở tỉnh Sóc Trăng, cần sớm tiến hành việc khảo sát, đánh giá và phân loại di tích và lễ hội đình để có sự định hướng trong bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị lễ hội truyền thống có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả cao hơn, tránh tình trạng tự phát, dàn trải như hiện nay.
Đồng thời, cần chú trọng vấn đề khai thác trong du lịch các giá trị di tích và lễ hội đình ở Sóc Trăng nói riêng và ở Nam Bộ nói chung. Muốn vậy, cần lựa chọn và xây dựng một số làng tiêu biểu thành các làng văn hóa truyền thống của người Kinh ở Nam Bộ. Trên cơ sở đó có thể nghiên cứu phát triển loại hình du lịch homestay tại các làng văn hóa truyền thống với những sản phẩm du lịch cụ thể gắn với lễ hội đình và các giá trị văn hóa độc đáo mang tính bản địa của cộng đồng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Sóc Trăng, 2012, Địa chí tỉnh Sóc Trăng, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
2. Cục Thống kê tỉnh Sóc Trăng, 2011, Niên giám thống kê tỉnh Sóc Trăng năm 2010, NXB Thống kê, Hà Nội.
3. Nhiều tác giả, 1990, Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Cửu Long, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
4. Phân viện Văn hóa Nghệ thuật tại TP.Hồ Chí Minh, 2008, Tổng điều tra di sản văn hoá phi vật thể của người Việt tại tỉnh Sóc Trăng, Báo cáo khoa học tổng kết đề tài.
5. Nguyễn Phương Thảo, 1997, Văn hóa dân gian Nam Bộ – những phác thảo, NXB Giáo dục, Hà Nội.
6. Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Hồ Tường, 1999, Đình Nam Bộ – tín ngưỡng và nghi lễ, NXB TP.Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Phần C: Khoa học Xã hội, Nhân văn và Giáo dục: 29 (2013): 69-73
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội Đình trong cộng đồng người Kinh ở tỉnh Sóc Trăng (Tác giả: Đào Ngọc Cảnh, Huỳnh Văn Đà) |