Biến thể HÁN VIỆT trong TIẾNG VIỆT (Phần 2)*

ThS. BÙI THỊ DUYÊN HÀ
(Khoa Việt Nam học, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQGTP. Hồ Chí Minh)

     2.5 Tư duy liên tưởng của người Việt

     Ngoài nguyên nhân hình thành nên biến thể Hán Việt đã nêu trên, một nguyên nhân khác có thể kể đến đó là thói quen, tư duy liên tưởng của người Việt. Hệ quả là làm cho không ít từ Hán Việt lại có thêm cách đọc chệch khỏi cách đọc Hán Việt chuẩn, dẫn chứng như:

     + Chung cư là cách nói sai của chúng cư nhưng từ chung cư lại trở nên phổ biến, ít người biết hình thức đúng của nó. Chúng (眾) là hình vị tiếng Hán có nghĩa là đông, nhiều, điều này đã được ghi nhận trong tự điển Thiều Chửu, ví dụ như có thể thấy chúng sinh, quần chúng, đại chúng, quần chúng, chúng sinh…Do không rõ nguồn gốc và ý nghĩa của hình vị đang xét, lại có thể xuất phát từ tư duy liên tưởng đó là nơi mà nhiều người ở chung với nhau gọi là chung cư (kết hợp yếu tố phi gốc Hán và yếu tố gốc Hán ). Trường hợp tương tự, trên báo chí vẫn thường thấy 2 tổ từ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Vậy, tổ hợp từ nào chính xác. Nếu gọi cho đúng thì phải là Hợp chúng quốc, đây là tổ hợp từ dịch từ tiếng Anh United States ( United: hợp, còn States: chúng quốc). “Chúng” là một hình vị tiếng Hán có nghĩa là đông, nhiều, như có thể thấy trong chúng dân, quần chúng, chúng sinh…v.v. Có thể xuất phát từ nguyên nhân không hiểu ý nghĩa gốc của từ đang xét hoặc cho rằng Hoa Kỳ là một quốc gia có nhiều dân tộc sinh sống nên nghĩ rằng tổ hợp từ United States là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, vì vậy mà viết là từ chủng với nghĩa là giống người, chủng tộc. Lối nói sai như hai trường hợp này vẫn được sử dụng rất phổ biến trong văn viết lẫn văn nói tiếng Việt.

     + Đăng cai là một biến thể ngữ âm của từ đương cai hoặc đang cai. Đây là một từ Việt gốc Hán, chữ viết trong tiếng Hán là 当该. Theo tự điển của Thiều Chửu và Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Từ điển Hán Việt của Lại Cao Nguyên thì chữ Hán 当 có hai âm Hán Việt là đương hoặc đang. Theo ghi nhận của tác giả An Chi trong cuốn Chuyện Đông chuyện Tây thì đăng cai là một cách nói trại của từ đang cai phát sinh ở miền Bắc từ sau năm 1954. Khi nói đăng cai có thể là người Việt đã liên tưởng đến yếu tố đăng (登) trong đăng ký (登记), một từ mà tác giả cho là rất thịnh hành trong sinh hoạt xã hội về mọi mặt ở miền Bắc như: đăng ký mua hàng, đăng ký khám bệnh, đăng ký kết hôn…v.v. Do áp lực của đăng trong đăng ký mà đang trong đang cai đã bị phát âm thành đăng cai, vì nghĩa của từ này làm liên tưởng đến nghĩa của từ kia. Hiện nay, ngay trong từ điển tiếng Việt 1992 hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng ở cả hai miền Nam Bắc, người ta chỉ ghi nhận hình thức từ đăng cai, hình như chẳng ai nói đến đương cai hoặc đang cai nữa.

     + Sáp/tháp nhập – sát nhập cũng là một trường hợp tương tự được Nguyễn Văn Khang4 đề cập đến trong cuốn sách Từ ngoại lai. Sáp/tháp nhập(插入)là từ Hán Việt mượn nguyên khối gốc Hán, trong Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh thì chữ 插 được chú 3 âm: tháp, sáp, tráp, còn Hán Việt tự điển của Thiều Chửu chú 2 âm: sáp, tráp. Trong từ điển tiếng Việt Hoàng Phê chủ biên thì chỉ đưa âm sáp nhập, không có tháp nhập. Ngoài sáp nhập thì từ điển này còn đưa mục từ sát nhập còn chú thích xem sáp nhập. Nguyễn Văn Khang giải thích cho trường hợp này là do tư duy liên tưởng của người Việt về nghĩa của sát (gần đến mức, không còn khoảng cách ở giữa) nên sáp bị đánh đồng thành sát.

     Trên đây, chúng tôi đã khái quát một số nguyên nhân dẫn đến việc hình thành nên biến thể Hán Việt. Bên cạnh đó, một số tác giả còn đề cập đến nguyên nhân hình thành các biến thể Hán Việt liên quan đến cách đọc phiên thiết. Vì không am tường về cách đọc phiên thiết trong tiếng Hán lẫn cách phiên thiết Hán Việt trong tiếng Việt nên chúng tôi không lạm phần đề cập đến.

__________
4 Nguyễn Văn Khang (2007), Từ ngoại lai, Nxb Giáo dục, tr. 152.

3. Tình hình hoạt động của các biến thể Hán Việt trong tiếng Việt hiện nay

     Biến thể ngữ âm là một vấn đề khá phức tạp. Hiện nay, trong các từ điển Hán Việt thì việc chú âm giữa các tác giả chưa thống nhất với nhau, có tác giả chấp nhận cách đọc chệch âm Hán Việt chính của một chữ Hán vẫn là âm Hán Việt hay yếu tố Hán Việt, nhưng cũng có những ý kiến trái chiều. Mặc dù những biến thể Hán Việt có cách đọc chệch với cách đọc Hán Việt song hầu như chúng vẫn được xem là những âm Hán Việt. Những âm Hán Việt này song song tồn tại với nhau tạo thành những cặp từ Hán Việt có nét nghĩa tương đồng. Các cặp từ Hán Việt kiểu này, chúng có những nét nghĩa tương đồng, song cũng có những dị biệt về mặt ngữ nghĩa, chức năng ngữ pháp, khả năng kế hợp, sắc thái… mặc dù chúng chỉ là âm đọc cho một tự Hán. Do vậy, có những ngữ cảnh chúng có thể thay thế cho nhau, nhưng có những ngữ cảnh thì không thể. Ví dụ có thể nói vũ/ võ đài, vũ/ võ trang nhưng không thế nói tập vũ, có vũ, mại vũ…mà phải nói có võ, tập võ, mại võ. Xét về chức năng ngữ pháp, vũ đảm nhiệm vai trò là yếu tố Hán Việt trong khi đó biến thể võ lại là từ Hán Việt. Hay trường hợp dinh-doanh. Hai chữ này tuy có nét nghĩa chung là (1) chỗ đóng quân,(2) kinh doanh nhưng trong tiếng Việt chỉ có kinh doanh mà không có kinh dinh với nghĩa hoạt động sản xuất, buôn bán… hoặc chỉ có doanh trại mà không có dinh trại. Ngoài hai nghĩa nêu trên thì riêng từ dinh còn có thêm những nét nghĩa khác như: nơi cơ quan ở, dinh thự, miếu thờ (Dinh cô, Dinh cậu…). Hay một trường hợp khác như phả- phổ, ngoài nét nghĩa chung là bàn về hệ thống thứ bậc của sự vật như: gia phả/ phổ, phổ/ phả hệ…, thì phổ có thêm những nét nghĩa khác như: dựa vào lời thơ để soạn nhạc (phổ nhạc); cái ghi lại (quang phổ, thanh phổ…). Đảm đương và đảm đang vốn là hai biến thể ngữ âm cùng một tự Hán 担当 nhưng trong tiếng Việt sự phân biệt nghĩa giữa hai từ này khá rõ rệt. Người Việt dùng từ đảm đương với nghĩa là gánh vác, cáng đáng, còn đảm đang thường được dùng để nói riêng về người phụ nữ với nghĩa là đảm đương được, cáng đáng giỏi. Như vậy, mặc dù chúng đồng nghĩa nhưng giữa chúng vẩn khác biệt lẫn nhau mà ta có thể nhận thấy được. Hoặc trường hợp sinh- sanh thì sinh là từ toàn dân, còn sanh là phương ngữ Nam Bộ.

     Những trường hợp nêu trên được xem là những biến thể Hán Việt có lẽ vì chúng song song tồn tại bên những âm gốc Hán Việt và có những nét dị biệt về nghĩa, chức năng ngữ pháp, sắc thái, phong cách….và chúng được sử dụng rộng rãi phổ biến trong tiếng Việt. Nhưng những trường hợp như mạn tính, chúng cư, cao hoàn…thì khác. Mặc dù chúng được chứng minh là từ Hán Việt chuẩn xác về mặt nghĩa, âm đọc Hán Việt nhưng có lẽ ngoài những người quan tâm đến ngôn ngữ thì dường như không ai để ý đến điều này, không nhiều người biết từ nguyên của chúng. Vì lẽ đó mà chúng thật sự thì bị lu mờ, ít được sử dụng thậm chí có người còn cho đó là viết sai, trong khi đó những từ có cách viết sai thì lại trở nên thông dụng, phổ biến và trở thành từ toàn dân. Ngay trong từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ do Hoàng Phê (chủ biên) thay vì viết đúng là từ lai căn, chúng cư, để kháng, lưu chiếu thì lại viết là lai căng, chung cư, đề kháng, lưu chiểu. Đây được xem là một vấn đề nan giải mà không ít các nhà ngôn ngữ học đã tốn bao nhiều công sức vạch ra những lỗi sai và đưa ra không ít cách để chấn chỉnh lại việc sử dụng từ Hán Việt của người Việt, song có lẽ chưa tạo ra một làn sóng đủ sức để thay đổi. Vì vậy mà đến bây giờ cách nói sai vẫn còn tồn tại.

4. Kết luận

     Tùy vào quan niệm của mỗi người và vấn đề đang xét mà sẽ có cách ứng xử khác nhau đối với vấn đề biến thể Hán Việt. Chúng tôi đồng tình với ý kiến của Nguyễn Tài Cẩn khi ông cho rằng “cách đọc Hán Việt là một hiện tượng thuộc địa hạt của ngôn ngữ, nghĩa là một hiện tượng có tính chất xã hội. Vì vậy, nói đến cách đọc Hán Việt, nhất thiết phải dựa vào thói quen của toàn xã hội để định đoạt, tuyệt đối không lấy nhân tố phi xã hội nào làm cơ sở”5. Vì vậy, chúng tôi chấp nhận những biến thể như tánh, chánh, nhơn….là từ Hán Việt mặc dù những biến thể đó có thể chệch khỏi cách đọc Hán việt. Còn đối với những từ đề kháng (để kháng), khoái trá (khoái chá), mãn tính (mạn tính), dịch hoàn (cao hoàn), lưu chiểu (lưu chiếu)…thì cũng nên chấp nhận chúng là những từ Hán Việt với tư cách là những biến thể Hán Việt, vì chúng là đã được nhập đầu tiên vào bộ não người Việt nên nếu cố gắng thay đổi thì có lẽ khó mà đạt được kết quả. Đây có lẽ là điều mà chúng ta trả giá cho việc không am tường nghĩa của từ nguyên nên mới dẫn ra cớ sự này. Đây cũng xem là một bài học đắt giá mà chúng ta cần phải thận trọng khi sử dụng hoặc tạo ra từ mới trong tiếng Việt có nguồn gốc Hán để có thể tránh được những trường hợp đáng tiếc đã nêu trên.

______
5 Nguyễn Tài Cẩn (1979), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb Khoa học Xã hội, tr.20.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1 Đào Duy Anh (2010), Hán – Việt từ điển, Nxb Thông tin.

2 Nguyễn Tài Cẩn (1979), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb Khoa học Xã hội.

3 An Chi (2006), Chuyện Đông chuyện Tây (Tập 1, 2, 3, 4, 5, 6), Nxb Trẻ.

4 Thiều Chửu (1997), Hán – Việt tự điển, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.

5 Bửu Kế (1999), Từ nguyên Hán Việt từ điển, Nxb Thuận Hóa.

6 Nguyễn Văn Khang (2007), Từ ngoại lai, Nxb Giáo dục.

7 Lại Cao Nguyên (2007), Sổ tay từ Hán Việt, Nxb Hà Nội.

8 Hoàng Phê (2005), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.

9 Đinh Lê Thư, Nguyễn Văn Huệ (1998), Cơ cấu ngữ âm tiếng Việt, Nxb Giáo Dục.

10 Từ điển ứng dụng (Ying yong han yu ci dian) (2000), Nxb Thương vụ.

Nguồn: * Bài viết được đăng trong Kỷ yếu hội thảo Nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt, 62-74, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2012.
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)