BIỂN trong CẤU TRÚC VĂN HOÁ Việt Nam
1. Mở đầu
“Đất và nước là hai yếu tố cơ bản, từ khởi thuỷ, đã tác động đến sự hình thành và phát triển của cả tộc người Việt lẫn mỗi cá thể Việt” [9]. Trong đó, biển – nhân tố quan trọng để hợp thành nước là một trong số những yếu tố căn cốt nhất để định thành nên không gian sinh tồn của con người Việt, dân tộc Việt từ xa xưa. Trong bài viết này, tác giả không đặt biển như một hệ văn hoá mà coi nó như một trong những thành tố chính cấu thành nên mô thức văn hoá Việt Nam, từ đó ngõ hầu tìm ra những sắc diện riêng của thành tố văn hoá biển bên cạnh những nét chung nhất với các thành tố khác của nền văn hoá Việt từ bao đời.
Nhiều học giả nghiên cứu về biển hay các vùng cận duyên thường có xu hướng lấy đất liền làm điểm phóng chiếu để nhìn nhận đối tượng nghiên cứu. Theo đó, biển thường được xem như “một bộ phận trực thuộc lục địa” hay bị coi là “yếu tố ngoại vi và xét trên phương diện chức năng, phụ thuộc vào các trung tâm chính trị và văn hoá trong lục địa” [3, tr.138], nói cách khác đó là cái nhìn từ bờ ra biển. Ở bài viết này, tác giả không dựa trên lối tư duy thông thường ấy, mà đặt mình giữa biển khơi để phóng chiếu tầm nhìn ra các khu vực cận duyên, nhìn từ biển vào bờ, lấy biển làm hệ quy chiếu để thấy được những biểu hiện đa chiều của thành tố văn hoá này và thấy được cả chiều tác động của nó tới những thành tố khác trong cấu trúc văn hoá Việt Nam.
Để nghiên cứu biển trong cái nhìn hệ thống – cấu trúc văn hoá thì việc phân chia các thành tố văn hoá theo địa bàn sinh thái có lẽ là sự phân chia thích dụng bậc nhất 1. Theo đó, văn hoá biển là một trong 3 thành tố chính để hợp nên mô hình cấu trúc văn hoá Việt, bên cạnh văn hoá đồng bằng và văn hoá núi. Trong mỗi thành tố ấy lại bao chứa 4 tiểu thành tố cơ bản sau: văn hoá nhận thức, văn hoá tổ chức cộng đồng, văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên và văn hoá ứng xử với môi trường xã hội [7, tr.30-32]. Tuy nhiên, sự phân chia ấy chỉ mang tính chất tương đối, bởi trên phương diện văn hoá thì xưa nay mọi ranh giới chỉ là ranh giới “mềm” và không mang tính nhất thành bất biến. Đi tìm hiểu thành tố văn hoá biển, chúng ta sẽ thấy có cả sự hợp dung của 4 “tiểu thành tố” ấy.
__________
1. Nếu xét trên phương diện quan hệ với cộng đồng thì văn hoá được phân chia thành 2 dòng: văn hoá chính thống và văn hoá dân gian. Nếu xét theo tộc người, có thể phân chia văn hoá thành Văn hoá Việt và văn hoá các dân tộc ít người.
2. Nội dung
2.1. Biển trong văn hoá nhận thức và văn hoá tổ chức cộng đồng Việt Nam
– Trong văn hoá nhận thức
Từ hàng ngàn năm trước, biển đã là một phần quan trọng trong nguồn sống của cộng đồng cư dân, ăn sâu bám rễ trong tâm thức mỗi người và rồi, những nhận thức về biển cùng với tình yêu dành cho biển cả ấy được dân gian gửi gắm qua những câu chuyện truyền thuyết và thơ ca dân gian truyền tụng từ đời này sang đời khác.
Trong truyền thuyết đầu tiên của người Việt thì biển chính là không gian “thiêng” gắn với thời lập quốc. Biết bao thế hệ người Việt Nam đã luôn khắc ghi trong tâm thức mình công lao sinh thành, mở cõi của Cha rồng – Mẹ tiên. Mẹ Âu Cơ là tiên trên núi đã se duyên với cha Lạc Long Quân từ dưới biển lên và sinh ra trăm người con, 50 con theo mẹ lên núi, trong đó người con trưởng lên làm Vua (Vua Hùng), lập nên nhà nước sơ khai đầu tiên trong lịch sử dân tộc – nhà nước Văn Lang; còn 50 người con còn lại thì theo cha xuống biển để lập nghiệp. Phải chăng điều này đã khiến cho “núi – biển, mẹ – bố, hoà hai thành một” [4, tr. 98] rất tự nhiên trong tâm thức văn hoá của người Việt. Chính trong truyền thuyết này, đã chứa đựng cả tư duy của người Việt về biển và sự gắn kết giữa biển với những thành tố sinh thái khác như rừng – núi. Điều này được minh chứng rõ nét qua quá trình hội cư, nhập cư giữa hai xu hướng “rừng – núi tràn xuống và biển tiến về” [3, tr. 35], để rồi tạo nên một thế phức hợp, thống nhất trong đa dạng của văn hoá Việt từ xa xưa.
Không chỉ đi vào truyền thuyết dân gian, biển từ xưa còn chiếm một phần quan trọng trong tư duy và kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam. Trong ca dao, tục ngữ Việt, có khi nhân dân mượn biển để lí giải những hiện tượng của đời sống thường nhật như: lớn thuyền lớn sóng (diễn tả một thực tế là làm ăn càng lớn thì khó khăn càng lớn); ăn sóng nói gió (chỉ những người có tính cách mạnh mẽ, cử chỉ lời nói bạo dạn, lấn lướt); chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo (chỉ lời khuyên, lời động viên con người nên vững vàng trước mọi khó khăn thử thách), v.v. Bên cạnh đó, còn thể hiện trong ca dao, tục ngữ nhân sinh quan, thế giới quan như: tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông (nhận biết thời gian đi ăn của luồng tôm cá, phục vụ cho việc đánh bắt); nồm nam, bấc chướng, sóng lượn ba đào/anh đi câu biết chừng nào anh vô (xác định các loại gió, hướng gió liên quan đến việc có thuận lợi hay nguy hiểm mỗi khi ra khơi). Hay những câu ca cất lên như một kinh nghiệm nhận biết rất thú vị về những biến đổi của thời tiết tác động đến hoạt động trên biển của ngư dân:
Bao giờ Hòn Đỏ mang tơi
Hòn Hèo đội mũ thì trời có mưa.
Hoặc:
Ông tha mà bà không tha
Liền cho cây lụt hăm ba tháng mười. [6]
Thậm chí, có lúc, những thay đổi bất thường của màu sắc đám mây, ráng trời hay âm thanh sóng vỗ, gió thổi, dòng nước chảy,… cũng ăn sâu vào tiềm thức của người dân, từ đó giúp ngư dân có phán đoán chính xác để tránh những rủi ro bất trắc khi đi biển:
Trời trong trăng tỏ
Nước đục ngàu ngàu
Cha con bảo nhau
Chèo mau cập bến
Hay:
Bạn chèo thợ lái bảo nhau
Mống tây chớp lạnh quay mau mà về. [10, tr. 31]
Không chỉ thấm đẫm trong những câu ca dao, tục ngữ, biển và nhận thức về biển cùng tình yêu biển bao la còn là đề tài muôn thuở cho các nghệ sĩ dân gian sáng tác nên những điệu hò, điệu ví. Điệu hát khoan chèo cạn (gồm những điệu hò múa quạt, hát chèo cạn, hò đưa linh, hò mái nhị, hò là, hò hụi, v.v.) khoẻ khoắn, nhịp nhàng, mô phỏng hoạt động đẩy thuyền, thả lưới, kéo lưới của người dân biển đã thực sự gieo vào lòng người một ấn tượng khó phai. Đây là một loại hình diễn xướng bắt buộc, quan trọng không thể thiếu trong các lễ hội cầu ngư hằng năm ở nhiều miền biển. Những điệu hò biển ấy vừa dung dị, trìu mến, vừa gắn với cuộc sống con người miền biển và thực sự đã góp phần giữ lửa cho văn hoá miền biển Việt Nam.
Biển còn hiện diện trong đời sống văn hoá tâm linh của cộng đồng cư dân với những tín ngưỡng đặc trưng mang sắc màu biển cả. Đó là những tín ngưỡng thờ các vị thần có gốc gác từ biển khơi mà tiêu biểu là tín ngưỡng thờ cá Voi/cá Ông – một loại hình tín ngưỡng dân gian đặc thù của ngư dân ven biển nước ta kéo dài suốt từ Thanh Hoá vào đến tận mũi Cà Mau. Hình ảnh cá Ông/cá Voi luôn là điểm tựa tinh thần vô giá, giúp họ vượt qua mọi gian khổ và hiểm nguy trong công cuộc mưu sinh, để rồi hoá thành tín ngưỡng dân gian tự bao đời. Đặc biệt, ở nhiều vùng biển còn có riêng một lớp nữ thần về nghề biển, như: Tứ vị Thánh Nương, Bà Thuỷ Long, Bà Dàng Lạch, Bà Hà Bá, Bà Ma Nha, Bà Chúa Đảo với tước hiệu là Càn long Chúa xứ Nương nương chi Thần (ở đầm Độc Tân – hòn Đỏ thuộc thị xã Ninh Hoà, Ông Lõ Bà Lường (còn gọi là Lỗ Lường). Trong đó, Bà Thuỷ Long còn được gọi là Bà Thuỷ Tề, Bà Thuỷ hoặc Bà Thuỷ Long Hà Bá. Trong tiềm thức người dân, Bà hỗ trợ ngư dân làm ăn, hộ mạng khi họ gặp sóng to gió lớn, đồng thời khi là Hà Bá thì Bà lại dìm người chết đuối và không thả vong hồn lên nếu người thân của họ chưa làm lễ cúng Bà. [2]
Trong hệ thống thần biển này, chúng ta thấy bao chứa trong đó cả ba dạng thần phổ biến của tín ngưỡng dân tộc là Nhân thần, Nhiên thần và Thiên thần. Rõ ràng, cảm thức về biển với sự ra đời của lớp tín ngưỡng thờ Thần biển nêu trên là một cảm thức phức hợp rất đặc trưng của văn hoá Việt. Những tín ngưỡng đó không chỉ phản ánh sự chống đỡ của con người trước sự mênh mông và sức mạnh siêu nhiên của biển cả mà còn biểu thị thái độ mang ơn những vị Thần biển đã cứu vớt họ, bảo trợ họ, mang lại nguồn sống cho họ.
Bên cạnh những tín ngưỡng đặc thù, cộng đồng cư dân ven biển Việt Nam còn có cả hệ thống tập quán mang chất biển đậm màu, khó lẫn với các vùng miền sinh thái khác. Ví dụ, trước khi lên đường ra khơi, ngư dân tuân thủ rất nghiêm những điều cấm kị vốn đã truyền tụng từ lâu trong dân gian như: không gọi đích danh các vị Thần linh biển cả, thúng đựng lưới hay dây câu phải đặt ở chỗ không ai bước qua được, vì sợ bị mắc “phong long”, “đi không trở về không”,… Thậm chí, trong lúc đi biển, nếu không thuận lợi may mắn thì những ngư dân thường cho là do sơ suất phạm phải các điều kiêng kị kể trên. Vì vậy, họ tiến hành nhuộm lại lưới hoặc xông lưới, sắc thuốc Bắc rưới lên lưới hay dọn rửa ghe và cúng kiếng để giải trừ,… Trong những gia đình đi biển, khi ăn cá, thông thường họ không lật con cá mà dùng đũa gỡ xương, rồi gắp tiếp phần còn lại. Tương tự, họ cũng không úp thúng khi đi nghề, trên thuyền thì không úp chén bát và những dụng cụ khác,… Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, họ cũng tránh dùng những từ như: úp, lật, đổ, sẩy, sa, rớt, rơi, trở, v.v. bởi họ tin rằng, nếu phạm phải thì sẽ gặp nhiều bất trắc rủi ro trên hành trình đi biển. [2]
Niềm tin ấy và những dạng thức tín ngưỡng ấy khi đi vào đời sống cộng đồng cư dân ven biển đã được chuyển thể thành những dạng thức văn hoá tổ chức cộng đồng, mà trước hết là lễ hội.
– Trong văn hoá tổ chức cộng đồng
Người dân miền biển có vô vàn những lễ hội đặc sắc. Mỗi vùng, miền đều có những nét đặc thù riêng, nhưng mẫu số chung của những lễ hội đó đều nhằm tôn vinh vẻ đẹp và những giá trị to lớn của biển đối với đời sống con người, cầu thần Biển phù hộ độ trì cho sóng yên biển lặng và cho một mùa cá mới bội thu. Trong số đó, phải kể đến lễ hội Cầu ngư – một dạng thức lễ hội độc đáo, tiêu biểu bậc nhất và mang đậm nét nhất tính cộng đồng trong hệ thống lễ hội miền biển Việt Nam. Cứ đến mùa xuân hoặc mùa thu, ngư dân nhiều nơi đã thực hành nghi thức cúng ông Nam Hải – còn gọi là Lễ hội Cầu ngư. Thậm chí, đối với ngư dân nhiều nơi, lễ hội này còn được xem là “Tết cả”, quan trọng hơn cả Tết Nguyên đán [5, tr. 54]. Trong tiềm thức của những ngư dân miền biển, lễ hội càng được tổ chức chu đáo bao nhiêu thì ân đức của các vị thần Biển ban cho ngư dân càng nhiều bấy nhiêu.
Cùng với lễ và gắn liền với lễ là phần “hội”. Nhiều trò chơi dân gian gắn bó với nghề biển, thể hiện sự khéo léo và cả sức mạnh cùng tinh thần đoàn kết của bao lớp ngư dân đã diễn ra trong dịp lễ hội. Những trò chơi như: đua cà kheo, leo cột mỡ, kéo dây, đẩy cây, đua thuyền, trói cua, bắt vịt, v.v. cùng những môn thể thao trên bãi biển, rồi những hoạt động nghệ thuật như ca hát, tất cả đều có sức hút mãnh liệt, lôi cuốn đông đảo cộng đồng dân cư. Đây là những cơ hội quý báu để tôn vinh vẻ đẹp và những giá trị to lớn của biển đối với đời sống con người và xét trên phương diện văn hoá tổ chức cộng đồng thì nó cũng là dịp quy tụ đông đủ nhất những người con miền biển. Ở đó, những giá trị văn hoá biển cũng có dịp được trao truyền và thấm sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ của nhiều thế hệ tiếp nối nhau.
2.2. Biển trong văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên
Cách thức ứng xử của con người với môi trường tự nhiên được xem là tiểu thành tố quan trọng thứ ba trong mỗi thành tố văn hoá. Trong việc ứng xử với môi trường tự nhiên thì có hai khả năng xảy ra: Thứ nhất, con người tận dụng những gì của tự nhiên có lợi cho mình để phục vụ cho cuộc sống; thứ hai, con người đối phó với những gì có hại từ tự nhiên để sinh tồn và phát triển [7, tr. 376].
Từ xưa đến nay, người Việt Nam luôn biết tận dụng môi trường biển để phục vụ cho cuộc sống của mình. Những tàn tích thức ăn và công cụ lao động được thu nhặt, chế tác từ sản phẩm của biển (qua tài liệu khảo cổ) đã cho thấy: Từ hàng ngàn năm trước, biển cả là nơi các cộng đồng người tiền sử cư trú ở ven biển Việt Nam tận dụng để duy trì sự sống của mình [11]. Có thể nói, xưa nay, ăn uống luôn là biểu hiện sinh động nhất cho “văn hoá tận dụng môi trường tự nhiên” [7, tr. 378] và ăn uống của cư dân miền biển Việt Nam cũng không là biệt lệ. Các loại thuỷ hải sản – những sản phẩm đặc thù của biển từ xưa đã được xếp thứ 3 trong cơ cấu bữa ăn (sau lúa gạo và rau quả) và đứng đầu trong hàng thức ăn động vật của người Việt. Hay nhiều nhà nghiên cứu cũng thường đánh giá rằng: sau “cơm rau” thì ở Việt Nam phổ biến nhất là “cơm cá” [7, tr. 382]. Quả thật, trong số các loại thuỷ sản thì trước hết và phổ biến hơn cả là cá, do đó, dân gian có câu “Có cá đổ vạ cho cơm, Con cá đánh ngã bát cơm”.
Từ các loại thuỷ sản ấy, người miền biển đã biết chế biến thành một thứ nước chấm đặc biệt mang hương vị khó lẫn, đó là nước mắm. Trong mỗi bữa ăn của gia đình Việt, chúng ta thấy không thể thiếu được bát nước mắm. Cùng với nước mắm, còn có các loại mắm khác như: mắm ruốc, mắm tôm, mắm cá, mắm tép,… làm cho bữa ăn thêm phần đậm đà, khó quên. Chúng không chỉ đơn thuần là thành phần quan trọng trong cơ cấu bữa ăn của người Việt nói chung và cư dân miền biển nói riêng mà còn chứa đựng trong đó cả hồn biển và cơ tầng văn hoá biển. Chúng thực sự đã trở thành sản phẩm văn hoá đặc hữu của vùng biển Việt Nam, minh chứng cho năng lực tận dụng môi trường tự nhiên để phục vụ cuộc sống của cư dân nơi đây.
Bên cạnh năng lực tận dụng môi trường tự nhiên, cư dân miền biển Việt Nam còn thể hiện rõ khả năng đối phó với chính môi trường ấy. Điều này không chỉ biểu hiện ở trang phục đi biển từ áo, quần cho đến khăn vấn tóc đều phải gọn nhẹ, bền, linh hoạt thích ứng với cái nắng nóng, lạnh giá cùng sóng to gió lớn của thời tiết, biển cả, mà còn thể hiện đậm nét trong nhà ở và các phương tiện đi lại.
Do đặc thù địa hình ven biển nên người dân nơi đây thường lấy thuyền, bè làm nhà, tạo nên dạng thức nhà ở độc đáo, riêng có của vùng biển Việt Nam là nhà thuyền, nhà bè. Nhiều gia đình (tức nhiều nhà thuyền, nhà bè) tụ họp lại sẽ tạo thành các làng chài, xóm chài hay còn gọi là Vạn chài. Vạn chài là một dạng thức văn hoá tổ chức xã hội độc đáo mang đậm sắc màu biển cả của ngư dân Việt. Ngoài chức năng của một ngôi nhà, thuyền đối với ngư dân miền biển còn được xem là phương tiện đi lại phổ biến, hữu dụng bậc nhất1 [8, tr. 7-8]. Để đi biển, thuyền đã được cấu tạo thích hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng biển cụ thể. Chẳng hạn, nếu như vùng biển từ Hà Tĩnh trở ra do nhiều bão tố nên phải đóng thuyền có lòng rộng, nông và mạn thuyền thấp để tránh lật thuyền, thì ở vùng biển từ Nam Trung Bộ trở vào, do ít bão tố hơn nên thuyền được đóng hẹp lòng, mạn thuyền thường cao hơn, di chuyển nhanh hơn [8, tr. 7-8]. Điều này chứng tỏ khả năng thích ứng, đối phó linh hoạt với môi trường tự nhiên của ngư dân miền biển Việt Nam.
2.3. Biển trong văn hoá ứng xử với môi trường xã hội
Biển cũng là nơi chứng kiến bao phen kẻ thù bên ngoài thâm nhập, quấy phá, cướp bóc và tiến công vào. Những dấu ấn văn hoá gắn liền với các chiến tích lịch sử oai hùng của dân tộc đã được khắc sâu trong tâm khảm của biết bao thế hệ người Việt Nam. Lịch sử đã ghi lại bao lần đoàn quân phong kiến phương Bắc tiến vào nước ta bằng đường biển, rồi ngược sông Bạch Đằng với hàng trăm chiến thuyền và hàng vạn binh sĩ. Đến giữa thế kỉ XIX, cuộc xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp cũng được mở đầu bằng việc kéo các chiến thuyền pháo hạm đến cửa biển Đà Nẵng. Về sau, Đà Nẵng và Cam Ranh cũng chính là những quân cảng quan trọng của đế quốc Mĩ khi tiến công xâm lược Việt Nam. Bằng nghệ thuật thuỷ chiến tài tình của quân và dân Việt Nam, kẻ thù xâm lược trên biển qua các thời đại đều bị khuất phục. Chính phương cách ứng xử ấy đã hun đúc nên sức mạnh vô biên để quân và dân ta chiến đấu và chiến thắng vẻ vang trên biển trước những kẻ thù hùng mạnh bậc nhất. Sự hành xử đó chính là một phần của văn hoá biển đảo Việt Nam. Lấn biển để dựng nước và thông qua biển để giữ nước – nét văn hoá độc đáo đó cần được giữ gìn và phát huy hơn nữa trong thời đại mới – thời đại mà môi trường xã hội gắn liền với biển luôn chứa đựng bao biến động khôn lường.
Ngoài ra, không gian biển cũng được biết đến như là hành lang kết nối văn hoá Việt Nam với thế giới bên ngoài. Trong đó, trống đồng Đông Sơn và đồ gốm Việt, gia vị Việt trong thời đại thương mại hàng hải (thế kỉ XVI – XVII), được các nhà nghiên cứu đánh giá là những “sứ giả” xuất sắc trong hành trình “truyền bá văn hoá Việt” thời bấy giờ [1]. Đồng thời, biển xưa nay cũng chính là hành lang quan trọng để tiếp nhận văn hoá cũng như giao lưu kinh tế, chính trị với bên ngoài, đưa dân tộc ta hội nhập với thế giới. Có thể nói, chính những giao lưu nội vùng và ngoại vi gắn liền với biển của cư dân Việt suốt chiều dài lịch sử đã thực sự góp phần tạo nên “đường biên giới văn hoá biển”, mà chính tại đó, những giá trị văn hoá dân tộc không ngừng bị thử thách, đòi hỏi dân tộc ta phải ra sức tôi luyện và không ngừng khẳng định trí tuệ cùng bản lĩnh văn hoá của mình.
__________
1. Trong mấy thập kỉ gần đây, việc tách thuyền đi đánh cá với thuyền làm nhà ở đã trở thành một xu thế phổ biến.
Đặc tính dung hợp trong thế ứng xử với môi trường xã hội ấy còn khiến cho những yếu tố biển, giá trị văn hoá biển luôn có sự đan xen, lồng ghép với những yếu tố nông nghiệp. Ở nơi đâu trên các vùng, miền ven biển Việt Nam, chúng ta cũng đều không khó bắt gặp sự đan xen giữa yếu tố biển với yếu tố đồng bằng trong phức thể văn hoá. Chẳng hạn, những làng/xã ở vùng duyên hải miền Trung, tuy mang danh là làng ngư nghiệp, song, trong đền của những ngôi làng này thường thờ tiền khai canh (vốn làm nghề chài lưới) lẫn hậu khai khẩn (lại là dân làm ruộng) hay ngược lại. Hoặc trong những lễ hội cầu ngư tại các làng ven biển, ngư dân vừa cầu ngư cho một mùa đánh bắt cá bội thu, vừa lại có lễ đảo vũ (cầu mưa), cầu cho mùa màng phong đăng hoà cốc. Hay trong không ít trường hợp, tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp ở đất liền đã được đem ra áp dụng vào lễ thức biển. Điển hình là nghi lễ cúng và dùng chày đâm ba cái vào Lỗ Lường của ngư dân lưới đăng Sở đầm Hòn Đỏ (Khánh Hoà),… Thậm chí, trong cơ cấu bữa ăn hằng ngày của người dân đi biển nói riêng và mỗi người dân đất Việt nói chung, chúng ta luôn thấy sự có mặt của cả 2 yếu tố: yếu tố nông nghiệp (là cơm) và yếu tố biển (là nước mắm). Nếu như cơm gạo là tinh hoa của đất thì nước mắm được chế biến từ cá là tinh hoa của biển cả, tựa như hành Thuỷ và hành Thổ là cái khởi đầu và cái trung tâm trong Ngũ hành vậy [7, tr.v394-395]. Ngay cả trong cái mặc, chúng ta cũng dễ dàng tìm thấy sự quyện nhập giữa hai yếu tố biển và nông nghiệp – đồng bằng, ví dụ: để đối phó với môi trường biển lắm bão tố, gian nan, người dân đi biển phương Nam từ xa xưa đã biết tận dụng các chất liệu có nguồn gốc thực vật, tiêu biểu như tơ tằm, tơ chuối, tơ đay, gai, sợi bông để sáng chế trang phục đi biển của mình. Tất cả những chất liệu đó đều từ nghề trồng trọt mà ra.
Rõ ràng, là một thành tố cấu thành văn hoá Việt, biển và những giá trị văn hoá biển không mang tính chất đơn tuyến trong sự biệt lập mà đa tuyến trong sự đan xen nhiều chiều với các thành tố văn hoá khác, tạo nên cơ tầng văn hoá chung giữa các thành tố ấy. Kết quả là, sự tác động qua lại giữa chúng đã tạo nên một cơ chế phức hợp, thúc đẩy sự phát triển thống nhất trong đa dạng của văn hoá Việt Nam từ ngàn xưa.
3. Kết luận
Có thể nói, trải qua bao biến thiên của thời gian và thăng trầm của lịch sử, biển đã trở thành một phần quan trọng trong cấu trúc văn hoá Việt Nam. Qua những chiều kích văn hoá biển nêu trên, chúng ta có thể hình dung biển và những giá trị văn hoá biển như một kết cấu kiến trúc hai bậc: Bậc một là Biểu tầng (superstrat), tức là những biểu hiện động trên bề mặt giống như những biến số thường xuyên có sự biến đổi; bậc hai là Cơ tầng (Substract) tức là yếu tố tĩnh, là phần chìm sâu lắng đọng theo thời gian. Trên thực tế, Cơ tầng cũng có thể biến đổi theo sự biến đổi của Biểu tầng dù rất chậm. Do vậy, vấn đề đặt ra là, làm sao qua sự đắp bồi không ngừng của các nền văn hoá từ bên ngoài và sự thẩm định nghiệt ngã của thời gian, những giá trị trong Cơ tầng văn hoá biển – những giá trị vốn làm nên tâm cách biển từ bao đời nay của dân tộc Việt vẫn không ngừng được bảo tồn và phát huy. Có như vậy thì mỗi người dân Việt Nam nói chung và cư dân miền biển nói riêng mới có chỗ dựa tinh thần vững chãi để thấu thị một tâm thế an nhiên tự tại trước biển và vững vàng bám biển dẫu phải chống chọi với muôn vàn chông gai, thử thách. Thiết nghĩ, đó cũng chính là chiều thuận nhất cho công cuộc vươn ra biển lớn của dân tộc Việt Nam ta ngày hôm nay.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. http://www.hoangsa.danang.gov.vn/index.php/vn/2012-09-05-04-20-02/ch-quy-n-bi-n-d- o/176-bi-n-d-o-la-khong-gian-sinh-t-n-la-hanh-lang-van-hoa-c-a-ngu-i-vi-t.
2. http://nguyentienquang-huongtram.blogspot.com/2012/04/bien-trong-oi-song-van-hoa-cua- ngu-dan.html.
3. Nguyễn Văn Kim, Người Việt với Biển, NXB Thế giới, Hà Nội, 2011.
4. Đặng Vũ Cảnh Linh (chủ biên), Văn hoá và con người vùng biển đảo Việt Nam, Hà Nội, 2011.
5. Nguyễn Thành Lợi, Thờ cá voi ở thành phố Hồ Chí Minh, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6, 2003, tr. 54.
7. Lê Khánh Mai, Biển trong truyền thuyết và thơ ca dân gian Khánh Hoà, Văn hoá biển đảo Khánh Hoà, NXB Văn hoá, 2012.
8. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
9. Nguyễn Duy Thiệu, Cộng đồng ngư dân thuỷ cư ở vùng biển Việt Nam, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6/2003.
10. Đỗ Lai Thuý, Đồng bằng sông Cửu Long: Ứng xử với đất và nước, Kỉ yếu Hội thảo Văn hoá phi vật thể người Việt miền Tây Nam Bộ, 2010.
11. Võ Quang Trọng, Văn hoá dân gian các làng ven biển, Văn hoá Nghệ thuật, số 12, 2004.
12. Phạm Ngọc Trung, Sông, biển với văn hoá Việt Nam, Văn học Nghệ thuật, số 333, tháng 3/2012.
NGUYỄN THỊ MỸ HẠNH 1
__________
1. ThS, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.