Biểu tượng “chim” trong ca dao dân ca Nam Bộ
BIRD SYMBOL IN FOLK VERSES OF SOUTH VIETNAM
Tác giả bài viết: Thạc sĩ ĐÀO DUY TÙNG
(Nghiên cứu sinh, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh)
TÓM TẮT
Biểu tượng “chim” là kết quả của sự biểu trưng hóa nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa của vùng đất Nam Bộ. Nghiên cứu biểu tượng “chim” có ý nghĩa khoa học và thực tiễn vì một mặt có thể góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu các biểu tượng ngôn ngữ, mặt khác góp phần khẳng định giá trị tư liệu văn hóa của ca dao, dân ca Nam Bộ. Bài viết nghiên cứu ngôn ngữ biểu tượng “chim” trong ca dao, dân ca Nam Bộ trong mối quan hệ ngôn ngữ – tư duy và văn hóa, qua đó cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích về đời sống sinh hoạt, đời sống tình cảm, cách tư duy của người Việt Nam Bộ qua biểu tượng “chim”.
Từ khóa: biểu tượng, chim, ca dao, dân ca Nam Bộ.
SUMMARY
The symbol of “bird” results from artistic symbolization culturally imprinted with the Southern region. Investigating bird symbol is of scientifi c and practical signifi cance because partly it provides data for studying linguistic symbols, and partly affi rms cultural values of Southern folk verses data. This paper researches symbolic language “bird” in Southern folk verses in terms of the relationship between language-thinking and culture; thereby provides readers with useful messages about Southerners’ lifestyles, spirits, and philosophies via bird symbol.
Keywords: symbol, bird, folk verses of South Vietnam.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Biểu tượng (symbol trong tiếng Anh) là một từ có nguồn gốc từ ngôn ngữ cổ ở châu Âu (symbolus trong tiếng La Mã và symbolon trong tiếng Hy Lạp). Theo Từ điển biểu tượng (Dictionary of Symbol) của Liungman, “những gì được gọi là biểu tượng khi nó được một nhóm người đồng ý rằng nó có nhiều hơn một ý nghĩa là đại diện cho chính bản thân nó” [7,tr.12]. Biểu tượng là những hình ảnh tượng trưng được con người tạo ra, tồn tại trong đời sống của con người và có tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa. Theo đó, biểu tượng là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học như triết học, lịch sử, tôn giáo, văn học, ngôn ngữ học,… với những hướng tiếp cận khác nhau.
Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu phân biệt biểu tượng văn hóa với biểu tượng ngôn ngữ hay biểu tượng văn hóa – ngôn ngữ với biểu tượng ngôn ngữ nghệ thuật. Nguyễn Thái Hòa phân biệt biểu tượng văn hóa với biểu tượng ngôn ngữ, tác giả cho rằng: “Biểu tượng văn hóa là những biểu tượng thuộc lễ nghi, phong tục, tập quán, nếp sống, nếp suy nghĩ của một cộng đồng dân tộc… Biểu tượng văn học là những biểu tượng trong sáng tạo văn học, tức là những hình ảnh, tín hiệu ngôn ngữ trong tác phẩm văn học có tính khái quát và phổ biến đến mức có khả năng gợi ra một hình ảnh khác hoặc một số tác phẩm, một số đặc trưng khác với đối tượng được biểu hiện” [5, tr. 225-226]. Đỗ Việt Hùng và Nguyễn Thị Ngân Hoa phân biệt biểu tượng văn hóa – ngôn ngữ với biểu tượng ngôn ngữ nghệ thuật, các tác giả viết: “Chỉ khi nào biểu tượng văn hóa – ngôn ngữ xuất hiện trong những thao tác lựa chọn và kết hợp của một chủ thể sáng tạo nhất định thì biểu tượng văn hóa – ngôn ngữ mới trở thành một biểu tượng ngôn ngữ nghệ thuật” [5, tr. 226]. Sự phân biệt các loại biểu tượng là cần thiết, tuy nhiên, giữa chúng khó có thể có một ranh giới rạch ròi.
Trong bài viết này, chúng tôi quan niệm biểu tượng là một trong những thành tố của văn hóa được tạo nên từ các ký hiệu ngôn ngữ. Biểu tượng là các ký hiệu ngôn ngữ, nói cách khác, ký hiệu hình thành nên ngôn ngữ biểu tượng và ngôn ngữ biểu tượng lại chính là ngôn ngữ biểu đạt của các ký hiệu. Theo đó, “ngôn ngữ biểu tượng là một thành tố văn hóa do con người tạo ra để sử dụng như một loại công cụ thông tin và giao tiếp có tính tượng trưng. Chúng ra đời, tồn tại và tác động đến đời sống văn hóa của con người. Vì vậy, việc tìm hiểu ngôn ngữ biểu tượng cũng chính là tìm hiểu đời sống văn hóa và xã hội loài người thông qua các biểu tượng văn hóa do họ tạo ra. Và do vậy, nghiên cứu biểu tượng là khoa học có chức năng sử dụng ngôn ngữ biểu tượng để giải mã các thành tố văn hóa được sản sinh trong đời sống của con người” [7, tr. 27].
Biểu tượng có tính biểu trưng hóa (symbolisation). Biểu trưng hóa có hai loại: biểu trưng hóa vật thể và biểu trưng hóa ngôn ngữ. Biểu trưng hóa ngôn ngữ là quá trình con người sử dụng ngôn ngữ để biểu hiện nghĩa biểu trưng. Biểu trưng hóa ngôn ngữ thường gặp trong thành ngữ, ca dao, tục ngữ. Biểu trưng hóa ngôn ngữ có hai loại là biểu trưng hóa ngữ âm và biểu trưng hóa ngữ nghĩa. Biểu trưng hóa ngữ âm dựa vào quan hệ tương thích giữa âm và nghĩa. Biểu trưng hóa ngữ nghĩa dựa vào quan hệ tương đồng và tương cận trong quá trình liên hội ngữ nghĩa. Hình thái liên hội ngữ nghĩa theo quan hệ tương đồng là nhóm ẩn dụ bao gồm các kiểu: ẩn dụ, ẩn dụ bổ sung, nhân hóa, vật hóa, phúng dụ, định ngữ nghệ thuật… trong đó, ẩn dụ là phương thức tiêu biểu. Hình thái liên hội ngữ nghĩa theo quan hệ tương cận là nhóm hoán dụ bao gồm: hoán dụ, cải dung, cải danh, cải số… và lấy hoán dụ làm phương thức tiêu biểu. Nghệ thuật xây dựng biểu tượng chim trong ca dao, dân ca Nam Bộ chủ yếu sử dụng biện pháp nhân hóa, so sánh, ẩn dụ và cả phúng dụ. Bài viết này nghiên cứu ngôn ngữ biểu tượng chim trong ca dao, dân ca Nam Bộ trong mối quan hệ ngôn ngữ – tư duy và văn hóa, qua đó góp phần giải mã những thông tin hữu ích về đời sống sinh hoạt, đời sống tình cảm và cách tư duy của người Việt Nam Bộ qua biểu tượng chim.
2. Ý nghĩa của biểu tượng “chim” trong ca dao, dân ca Nam Bộ
Người Việt có câu: nhất điểu, nhì xà, tam ngư, tứ tượng. Theo Trần Ngọc Thêm [10], thiên hướng nghệ thuật của loại hình văn hóa nông nghiệp còn đẩy các con vật này lên mức biểu trưng: Tiên, Rồng. Theo truyền thuyết thì tổ tiên người Việt thuộc “họ Hồng Bàng” và là “giống Tiên Rồng” (thành ngữ con Hồng cháu Lạc, con Rồng cháu Tiên). Hồng Bàng chính là một loài chim nước lớn (bàng là lớn, hồng: 鴻 được ghép bởi chữ giang là sông và chữ điểu là chim). Tiên Rồng là một cặp đôi, chỉ có dân tư duy theo lối triết lí âm dương mới có vật tổ cặp đôi, trong đó Tiên được trừu tượng hoá từ giống chim, cho nên mẹ Âu Cơ đẻ trứng, còn Rồng được trừu tượng hóa từ hai loại bò sát là rắn và cá sấu. Như vậy, chim là biểu tượng có ý nghĩa văn hóa, tâm linh xuất hiện từ rất lâu trong đời sống của người Việt.
Trong nhận thức của người Việt, chim còn là một biểu tượng mang tính biểu trưng đa dạng và có tính thống nhất cao trong tâm lý dân tộc. Do đó, những ý nghĩa của biểu tượng chim trong ca dao, dân ca Nam Bộ được chúng tôi phân tích sau đây không căn cứ vào thế đối lập có/không mà chủ yếu dựa vào đặc điểm nổi trội. Theo khảo sát của chúng tôi, ca dao, dân ca Nam Bộ [4] [8] [11] có 449/4.793 bài có chứa biểu tượng chim, chiếm tỉ lệ 9,4%. Đây là một tỉ lệ khá cao so với các biểu tượng khác, chẳng hạn, biểu tượng cá chỉ chiếm 5,5%. Nghiên cứu biểu tượng chim trong ca dao, dân ca Nam Bộ, chúng tôi thấy có những ý nghĩa nổi bật như biểu trưng cho con người, khát vọng sống của con người, ý nghĩa triết lý nhân sinh của con người, tình cảnh chia cách của con người và các hạng người, các phẩm chất, giá trị của con người trong xã hội. Các ý nghĩa này, đôi khi, không hoàn toàn tách bạch mà có sự hòa quyện vào nhau trong các bài ca dao, dân ca Nam Bộ. Tuy nhiên, dựa vào ý nghĩa nổi trội trong từng bài ca dao, dân ca Nam Bộ, chúng tôi có thể chấp nhận cách phân chia này.
Sau đây là những phân tích cụ thể.
2.1. Chim – con người và khát vọng sống của con người
Biểu tượng chim là phương tiện nghệ thuật của ca dao, dân ca Nam Bộ. Là một biểu tượng ngôn ngữ, chim được dùng trong những kết cấu khác nhau biểu trưng cho những ý nghĩa khác nhau.
Ca dao, dân ca Nam Bộ sử dụng biểu tượng chim nói chung và các loài chim nói riêng để nói về con người. Đó là các loài như: quạ, cu, chèo bẻo, cò, bìm bịp, diều, sáo, nghê, công, phụng, loan, chim oanh, chim quyên…
Tác giả dân gian Nam Bộ đã dùng biểu tượng chim để nói về con người gắn bó trong sinh hoạt:
Con quạ tha lá lợp nhà,
Con cu chẻ lạt con gà đưa tranh.
Chèo bẻo mần cá nấu canh,
Chìa vôi đi chợ mua hành về nêm.
Hình ảnh các loài chim như quạ, cu, chèo bẻo, chìa vôi chính là hình ảnh con người trong cuộc sống. Bài ca dao, dân ca Nam Bộ nói lên sự phân công lao động của con người và sự đoàn kết gắn bó khăng khít với nhau trong công việc. Như vậy, có một điều thú vị đã xảy ra là, trong bài ca dao, dân ca Nam Bộ trên, ý nghĩa cơ bản của nó lại được nhận thức từ lớp nghĩa biểu trưng của văn bản. Rõ ràng, trên bề mặt cấu trúc của văn bản không có từ nào nói về con người, nhưng nội dung của nó lại chứa đựng thông tin:
(1) Nói về con người;
(2) Ở đây là các thành viên trong một cộng đồng làng xóm nào đó ở Nam Bộ;
(3) Nói về tình làng nghĩa xóm, sự giúp đỡ nhau trong công việc lao động;
(4) Nói về ý thức trong lao động tập thể.
Bài ca dao, dân ca Nam Bộ trên là sự phản ánh tập quán, văn hóa đậm chất Nam Bộ thông qua sự biểu trưng hóa ngôn ngữ. Ngôn ngữ vừa là công cụ giao tiếp, vừa là công cụ tư duy, vừa là phương tiện của văn hóa, làm tiền đề để tiếp cận văn hóa. Biểu tượng ngôn ngữ chim với ý nghĩa biểu trưng thể hiện mối quan hệ hữu cơ giữa ngôn ngữ và các khía cạnh của văn hóa Nam Bộ. Đó cũng là lý do mà ca dao, dân ca Nam Bộ thường mượn biểu tượng chim nói riêng và động vật nói chung để nói về con người:
Sáo kêu, công múa, nghê cười
Vượn đờn thánh thót, rùa bơi, thỏ quỳ.
Ca dao là một thể loại có tính đa thanh, đa nghĩa. Theo chúng tôi, bài ca dao, dân ca Nam Bộ trên không chỉ nói lên sự phong phú, đa dạng của các loài động vật mà còn biểu trưng cho con người trong hoạt động sinh hoạt giải trí đầy ý nghĩa ở vùng đất Nam Bộ sau những giờ làm việc vất vả.
Chim là biểu tượng của tính tinh nhẹ, sự trút bỏ sức nặng của cõi trần. Hình ảnh chim bay lên trời là hình ảnh của linh hồn – ước vọng thoát khỏi thể xác – trần tục. Nói cách khác, chim tượng trưng cho tinh thần, cho các trạng thái cao cấp của sinh tồn. Vì lẽ đó, con người thường gửi gắm khát vọng của mình vào cánh chim với mong muốn đạt được những điều lớn lao, tốt đẹp.
Ở Nam Bộ, hình ảnh cánh chim gần gũi, thân quen sải cánh trong bầu trời tự do thường tạo ra những rung động cho con người. Với tính cách cởi mở, phóng khoáng, người Nam Bộ sẵn sàng mở rộng tâm hồn để đón nhận những rung động của cuộc sống tạo thành động lực thúc đẩy tư duy sáng tạo và xây dựng thành biểu tượng cánh chim hồng biểu trưng cho ý chí, khát vọng của con người:
Bể sâu con cá vẫy vùng,
Trời cao muôn trượng, cánh chim hồng cao bay.
Chim hồng còn gắn liền với một tích. Theo Vương Hồng Sển, “xưa kia có người đánh bẫy được một con chim hồng, chim trống bay theo về tận nhà, bay lên đáp xuống kêu la tối ngày rồi mới bay đi. Sáng hôm sau, người đánh bẫy dậy sớm đi ra ngoài thì thấy con chim trống bay tới kêu và đậu bên chân người đánh bẫy. Người đánh bẫy liền chụp và bắt nó luôn. Con chim nghển cổ mửa ra một thỏi vàng. Người đánh bẫy hội ý bèn thả con chim mái, cả hai bay quần trên cao giây lát thì bay mất. Rõ là chim mà còn biết đem vàng chuộc vợ!” [9, tr. 62]. Như vậy, theo tích này, chim hồng có nghĩa chỉ sự nghĩa tình. Trong bài ca dao, dân ca Nam Bộ trên, cánh chim hồng lại biểu trưng cho tính tự do, sự trút bỏ những thuộc tính cố hữu của cõi trần, đó là sức nặng, sức ỳ của vật chất để tiệm cận tới sự thanh thoát. Nói cách khác, cánh chim hồng biểu trưng cho sự tự do, khát vọng bay cao, bay xa của con người trong cuộc sống. Có thể nói, ký hiệu ngôn ngữ cũng là ký hiệu văn hóa. Không ký hiệu văn hóa nào, một khi được tiếp nhận và hiểu, lại không gia nhập vào khối thống nhất của ý thức tạo nên bằng ngôn ngữ. Ý thức được tiếp cận thông qua ngôn ngữ. Biểu tượng ngôn ngữ còn là biểu hiện của tư tưởng tạo nên những vòng sóng lan tỏa vang vọng trong mỗi nền văn hóa. Biểu tượng ngôn ngữ là sự khúc xạ của tư tưởng qua việc phản ánh thực tại khách quan. Với trí tuệ của mình, con người có thể sử dụng biểu tượng ngôn ngữ như một công cụ để diễn đạt tư duy và tình cảm. Từ hình ảnh sinh động của thực tế khách quan chim trong lồng (cá trong chậu), ca dao, dân ca Nam Bộ đã cấu trúc hóa hiện thực khách quan để tác động ngược trở lại ý niệm về sự bị giam hãm của con người:
Vịt nằm bờ mía rỉa lông,
Cá chậu chim lồng bao thuở gặp nhau.
Với bản năng bay nhảy trên bầu trời tự do, chim còn biểu trưng cho sức mạnh và sự sống. Trên các bình hũ ở một số dân tộc, ta thường thấy hình ảnh chim đánh nhau với rắn biểu trưng cho cuộc đấu tranh giữa sống và chết. Trở lại với bài ca dao, dân ca Nam Bộ trên, hình ảnh chim bị giam cầm trong lồng, theo chúng tôi, từ việc biểu trưng cho tình cảnh tù túng, mất tự do để nói lên ý chí, khát vọng tháo cũi sổ lồng, phiêu diêu tự tại của con người trong cuộc sống vô thường.
2.2. Chim – ý nghĩa nhân sinh
Ý niệm về triết lí nhân sinh hay bài học về luân lí đạo đức là vấn đề trừu tượng thường được ca dao phản ánh dưới những hình thức khác nhau nhằm mục đích giáo huấn. Thông qua các biểu tượng được lựa chọn trong thao tác tuyển chọn và kết hợp trong ngôn ngữ, những nội dung này được trình bày một cách sâu sắc, thâm thuý.
Như chúng ta đã biết, ngôn ngữ và tư duy có quan hệ biện chứng: ngôn ngữ thể hiện tư duy, còn tư duy được cố định hóa bằng vỏ vật chất ngôn ngữ. Ngôn ngữ là biểu hiện của tư duy. Cái được biểu hiện ra bên ngoài bằng ngôn ngữ là ý niệm ẩn trong thế giới tinh thần của con người. Thế giới tinh thần và năng lực tư duy của con người tích lũy được qua trải nghiệm, nghiệm thân từ môi trường tự nhiên, từ cơ thể sinh học và từ sự tương tác với môi trường văn hóa – xã hội. Theo đó, con người thường nhận thức vấn đề theo dạng chuyển dịch, nghĩa là nhận thức những vấn đề phi vật chất, trừu tượng, khó quan sát và hiểu biết ít hơn thông qua những hình ảnh có tính vật chất, cụ thể, dễ quan sát và có tầm hiểu biết nhiều hơn. Theo nhận thức đó, từ hình ảnh cụ thể là cò mẹ và cò con, tác giả dân gian quy chiếu đến những triết lý nhân sinh trừu tượng:
Cò mẹ chết rũ trên cây,
Cò con giở sách coi ngày đưa tang.
Bài ca dao, dân ca Nam Bộ trên đã được lược bớt một số câu (Cà cuống uống rượu la đà/ Chim ri ríu rít bò ra lấy phần) nên không còn ý nghĩa của một phúng dụ chỉ hình ảnh mang tính chất bi hài về cò mẹ (chết), cò con, cà cuống, chim ri trong một đám tang; cũng không có ý nghĩa châm biếm, lên án tệ ma chay ở xóm làng xưa mà là biểu trưng cho sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Đạo lý dân tộc bao đời nay của người Việt là làm con phải hiếu thảo với cha mẹ. Con cái có bổn phận phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống và chôn cất, thờ cúng khi cha mẹ mất. Bài ca dao, dân ca Nam Bộ trên tiếp thu có chọn lọc từ ca dao truyền thống để giáo dục truyền thống hiếu nghĩa của phận làm con đối với bậc sinh thành.
Ca dao, dân ca Nam Bộ không chỉ mượn hành vi của động vật mà còn mượn tiếng kêu bản năng của động vật để nói lên tiếng kêu ai oán, da diết của con người trong xã hội:
– Con quạ nó đứng bên sông,
Nó kêu bớ má lấy chồng bỏ con.
Con quạ nó đứng đầu non,
Nó kêu bớ má thương con trở về.
– Con công tố hộ trên rừng,
Hễ có cô chị thì đừng cô em.
Biểu tượng chim quạ trong bài ca dao trên có ý nghĩa biểu trưng cho tâm tư tình cảm của con người, là tiếng kêu nghẹn ngào của những đứa con khi mẹ chúng đi lấy chồng bỏ chúng bơ vơ. Biểu tượng công trong bài ca dao thứ hai là lời lên án, tố cáo những kẻ hai lòng, chuyên bắt cá hai tay.
Trong nhiều nền văn hóa, trong đó có Việt Nam, hành vi đáng phê phán của con người thường được ý niệm qua hành vi của động vật: Con người đáng phê phán là động vật. Nghiên cứu biểu tượng chim trong ca dao, dân ca Nam Bộ, chúng tôi phát hiện thêm một dẫn chứng thú vị, đó là con người đáng phê phán là chim cu:
Tiếc công vãi tấm cho cu,
Cu ăn, cu lớn, cu gù nhau đi.
Chim cu trong bài ca dao, dân ca Nam Bộ trên biểu trưng cho hạng người vô ơn bội nghĩa, qua đó, tác giả dân gian đề cao giá trị đạo nghĩa của con người trong cuộc sống.
2.3. Chim – tình cảnh chia cách của con người
Với lối tư duy nhị nguyên, ca dao, dân ca Nam Bộ thường mượn biểu tượng sóng đôi nhạn – én, phụng – loan,… để nói lên tình cảnh xa cách của con người trong tình yêu đôi lứa.
– Nhạn về biển bắc nhạn ơi,
Bao thuở nhạn hồi để én đợi trông.
– Nhạn nam én bắc lạc bầy,
Biết bao giờ đặng duyên vầy ái ân?
Chim nhạn, chim én là những loài bay giỏi và thuộc loài chim di trú. Hàng năm, chúng vượt hàng ngàn ki-lô-mét để về nơi trú đông.
Loài chim én (yến: 燕) sinh sống và làm tổ chính ở các nước phía Bắc bán cầu. Mùa đông chúng di cư xuống phía Nam bán cầu. Đến mùa xuân, chúng lại bay về quê hương ở các nước phía Bắc bán cầu. Còn chim nhạn là một giống chim thuộc họ Vịt (Anatidae), sắp đến mùa rét thì bay thành hàng dài xuống phương Nam để tránh rét; kiếm ăn ở ven biển, ven sông hay các đầm hồ hoang vắng.
Theo Lê Mạnh Chiến [2], nhạn và én là hai loại chim khác nhau hoàn toàn về mọi đặc điểm, chúng tạo thành một cặp tương phản. Trước hết, về độ lớn của thân thể, chúng khác xa nhau, có trọng lượng chênh lệch nhau khoảng 100 lần. Loài nhạn nhỏ nhất cũng có trọng lượng từ 1,2 đến 1,6kg, còn loài én nhỏ nhất chỉ nặng 10 – 20g. Loài nhạn lớn nhất có thể nặng tới 6kg nhưng loài én lớn nhất chỉ nặng không quá 60g. Nhạn bay rất cao thành hàng dài thẳng tắp, trong khi én bay lượn rất thấp không theo hàng lối nào cả. Chim nhạn săn mồi dưới nước, còn chim én thì săn bắt các loại côn trùng nhỏ trên không. Người ta thường thấy từng đàn chim nhạn trên trời vào mùa thu, khi chúng bắt đầu bay về phương Nam để tránh rét, nhưng lại được ngắm nhìn từng đàn chim én bay lượn về mùa xuân khi mùa rét đã trôi qua. Nhạn và én thật khó gặp nhau, dường như chúng luôn luôn ở hai phương trời cách biệt. Ở miền Bắc nước ta, cuối mùa thu, khi chim nhạn từ phương Bắc bay về thì chim én (chịu rét kém hơn) đã phải tìm đến nơi xa hơn, ấm hơn. Bởi thế cho nên, trong bài Cảm thu, tiễn thu, thi sĩ Tản Đà đã viết:
Nhạn về én lại bay đi,
Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm.
Giữa nhạn và én có những đặc điểm tương phản như vậy nên trong thơ ca mỗi khi nhạn và én cùng được nhắc đến thì chúng đều đứng ở những vị trí tương phản.
Ngoài biểu tượng sóng đôi nhạn – én thì phụng – loan cũng được sử dụng để nói về sự cân xứng hay sự chia cách của con người:
– Phụng với loan hai đàng phân rẽ,
Qua với nàng chẳng lẽ phân nhau.
– Ngày nay loan phụng lẻ bầy,
Nam Vang kia xa xứ, khó gầy yến anh.
Loan phụng lẻ bầy hay loan phụng phân rẽ có tích từ loan phiêu phụng bạc, là một điển tích có ý nghĩa chỉ chim loan, chim phụng bay tan tác. Điển này khi nói về chồng vợ có nghĩa chỉ sự chia lìa, xa cách.
Có thể nói, các tín hiệu ngôn ngữ mang tính chỉ dẫn trên đã cho chúng ta thấy những tín hiệu phiền muộn của cuộc đời, sự lạc lõng của con người qua những bài ca dao, dân ca Nam Bộ. Những nỗi đau trong tình yêu, nỗi buồn trong xa cách, nỗi sầu trong ly biệt đã kết đọng lại thành nỗi sầu u uất. Những tiếng lòng ấy được gửi gắm vào biểu tượng sóng đôi phụng – loan trong tình cảnh cô đơn, xa cách.
2.4. Chim – các hạng người, các phẩm chất, giá trị của con người
Vẫn là lối tư duy theo cặp đôi, ca dao, dân ca Nam Bộ đã tạo ra sự đối lập giữa những hạng người hay giữa các phẩm chất của con người từ biểu tượng sóng đôi phụng hoàng – diều, phụng hoàng – quạ, phụng hoàng – chim ri, chim phụng – le le, phụng hoàng – bìm bịp, chim quyên – chích chòe, chim oanh – chim sâu, hạc – đỉa hay chim phụng hoàng – nhánh cây khô, phụng hoàng – cây ngô đồng, ác – cành mai, chim cú – nhành mai,…
Biểu tượng chim phụng/ phượng hoàng và chim loan xuất hiện nhiều trong ca dao, dân ca Nam Bộ biểu trưng cho những người đẹp, cao sang, quý phái:
Thuyền quyên phải sánh anh hào,
Phụng hoàng đâu sánh thấp cao với diều,
Kiểng kia, ai để bìm leo,
Gái khôn ai gá nghĩa theo người loàn.
Phụng/ Phượng (鳳) là linh điểu, vua loài chim. Con trống gọi là phụng (鳳), con mái gọi là hoàng (凰). Theo Vương Hồng Sển, “phụng hoàng là giống chim lạ, quý. Người nước Tàu, nước Nhựt, cả nước ta đều tin tưởng đinh ninh rằng khi gặp đời thái bình thạnh trị, chim phụng hoàng mới xuất hiện [9, tr. 78].
Phụng hoàng còn gắn với tích phụng cầu hoàng: Phụng hề phụng hề quy cố hương, Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng (Cầm ca). Tương truyền ngày xưa Tư Mã Tương Như hát câu này cho nàng Trác Văn Quân để tỏ lòng thương mến. Về sau, cầu hoàng dùng để chỉ con trai đi tìm con gái hay đàn ông kén vợ.
Khác với phụng hoàng, diều (hâu) là loài chim to, ăn thịt, mỏ quặm, mắt tinh, ngón chân có móng dài, cong và sắc, thường lượn lâu trên cao để tìm bắt mồi dưới đất. Diều hâu là một loại chim bình thường. Phụng hoàng – diều hâu trong bài ca dao, dân ca Nam Bộ trên là cách nói biểu trưng chỉ sự đối lập giữa người đẹp và người xấu hay giữa người có phẩm chất cao sang, quý phái với người có phẩm chất bình thường hay kém cỏi.
Ngoài chim phụng hoàng thì chim loan (鸞) cũng được coi là một loại chim quý. Theo truyền thuyết, chim loan cũng là một loại chim thần tiên, giống như phụng hoàng. Trong Vịnh Giáng Hương, Ngô Thì Nhậm viết: Ngọc tiêu hưởng đoạn thương phi phượng/ Bích động đài thâm trướng biệt loan (Sáo ngọc đứt tiếng, buồn nỗi chim phượng đã bay cao/ Động biếc đầy rêu, ngán nhẽ chim loan phải li biệt). Chim phụng, chim loan là những loài chim quý. Trong tâm thức dân gian, những loài chim này biểu trưng cho người có ngoại hình đẹp, là những người đáng tìm để “gá nghĩa”:
Trên rừng băm sáu thứ chim,
Thiếu chi loan phụng sao anh tìm quạ khoang?
Tuy nhiên, trong tư duy của người Việt Nam Bộ, cái quan trọng không phải chỉ ở vẻ đẹp bên ngoài mà còn ở nét đẹp bên trong:
Quạ khoang có của có công,
Tuy rằng loan phụng nhưng không ra gì.
Quạ khoang là một thành viên thuộc họ Quạ Corvidae. Quạ khoang có bộ lông màu đen bóng, trừ phía sau cổ, trên lưng và xung quanh ức có màu trắng. Mỏ và chân cũng có màu đen. So với loan phụng thì quạ khoang không thể nào sánh nổi. Tuy nhiên, với tư duy mềm mại, uyển chuyển, tác giả dân gian Nam Bộ nhìn nhận vấn đề không hoàn toàn dựa vào những đặc trưng cố hữu của chúng mà tương ứng với những đặc trưng tương tác. Quạ khoang tuy thua loan phụng về phương diện ngoại hình nhưng lại hơn loan phụng ở phẩm chất tâm hồn, trí tuệ. Trong tình yêu, người con trai thường bị mê hoặc bởi vẻ đẹp ngoại hình của người con gái. Đôi khi, đằng sau vẻ đẹp ấy là sự giả dối được ngụy trang một cách kỹ lưỡng. Nhận ra “loan phụng – em” không còn là “em” nữa thì “anh” cũng không còn theo đuổi. Sự “không ra gì” của “em” đã tạo một hố buồn thăm thẳm trong lòng “anh”. “Anh” chợt nhận ra chân lý của sự hòa hợp không phải ở vẻ đẹp hào nhoáng mà là ở phẩm chất bên trong tâm hồn. Ngoài biểu tượng sóng đôi phụng hoàng – diều, loan phụng – quạ khoang, ca dao, dân ca Nam Bộ còn dùng biểu tượng chim oanh – chim sâu:
Bình tích thủy đựng bông hoa lý,
Chén chung vàng đựng nhụy bông ngâu.
Trách ai làm trai hữu nhãn vô châu,
Chim oanh không bắn, bắn con chim sâu đậu nhành tùng.
Trong bài ca dao, dân ca Nam Bộ trên, chim oanh và chim sâu biểu trưng cho hai loại người với hai giá trị đối lập tốt – xấu hay đẹp – xấu, nhờ vậy, người con gái trách móc người con trai thật độc đáo mà vẫn giữ được sự trang trọng cần thiết, tránh được sự suồng sã.
3. Kết luận
Trên đây là những khảo sát của chúng tôi về ý nghĩa của biểu tượng chim trong ca dao, dân ca Nam Bộ, bài viết chỉ ra rằng biểu tượng chim là kết quả của sự biểu trưng hóa nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa của vùng đất Nam Bộ. Nghiên cứu biểu tượng chim có ý nghĩa khoa học và thực tiễn vì một mặt có thể góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu các biểu tượng ngôn ngữ văn hóa, mặt khác góp phần khẳng định giá trị tư liệu văn hóa của ca dao, dân ca Nam Bộ. Qua nghiên cứu, bài viết đã phần nào cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích về đời sống sinh hoạt, đời sống tình cảm, cách tư duy của người Việt Nam Bộ thông qua biểu tượng chim.
Biểu tượng chim trong ca dao, dân ca Nam Bộ là sản phẩm của tác giả dân gian Nam Bộ diễn đạt một cách gián tiếp, bóng gió về ý niệm của người Việt Nam Bộ. Nghĩa biểu tượng chim phản ánh quan niệm tâm lý của người Việt Nam Bộ và liên quan đến các hiện tượng trong đời sống xã hội, lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của người Nam Bộ trong sự thống nhất của dân tộc. Chim biểu trưng cho con người, khát vọng của con người, ý nghĩa triết lý nhân sinh, tình cảnh, phẩm chất, giá trị của con người trong đời sống xã hội.
Có thể nói, quan hệ địa – nhân – văn hóa là cơ sở tạo nên ngôn ngữ biểu tượng của con người. Nam Bộ là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều loại cá nước, chim trời: chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn. Điều này dẫn đến hệ quả là ngôn ngữ biểu tượng chim chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng phong phú. Biểu tượng chim mang hơi thở của thời đại, chuyển tải những ước mơ và khát vọng của cả một thế hệ thời khẩn hoang với những tranh đấu cho lý tưởng sống, khát khao hành động để hướng về cái gốc chân, thiện, mỹ của dân tộc./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng.
[2]. Lê Mạnh Chiến (2014), “Cớ sao đổi tên chim Én thành chim Nhạn?”, Văn hóa Nghệ An, http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/co-sao-doi-ten-chimen-thanh-chim-nhan. Ngày truy cập 20/8/2015.
[3]. Trần Văn Cơ (2007), Ngôn ngữ học tri nhận (ghi chép và suy ngữ), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[4]. Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị (1984), Ca dao dân ca Nam Bộ, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
[5]. Nguyễn Thiện Giáp (2008), Những lĩnh vực ứng dụng của Việt ngữ học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
[6]. Nguyễn Thị Bích Hà (2014), Nghiên cứu Văn học dân gian từ mã văn hóa dân gian, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[7]. Đinh Hồng Hải (2014), Nghiên cứu biểu tượng: Một số hướng tiếp cận lý thuyết, NXB Thế giới, Hà Nội.
[8]. Khoa Ngữ Văn, Đại học Cần Thơ (1999), Văn học dân gian Đồng bằng sông Cửu Long, NXB Giáo dục.
[9]. Vương Hồng Sển (2004), Phong lưu cũ mới, NXB Tổng hợp Đồng Nai.
[10]. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục.
[11]. Huỳnh Ngọc Trảng (2006), Ca dao dân ca Nam kỳ lục tỉnh, NXB Tổng hợp Đồng Nai.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Đồng Tháp, số 19 (4-2016)
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Biểu tượng “chim” trong ca dao dân ca Nam Bộ (Tác giả: Đào Duy Tùng) |