Bộ sưu tập sách Hán Nôm ở Thư viện Đại học Yale – Một đóng góp quan trọng của Maurice Durand về Việt Nam học

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  HUỲNH QUÁN CHI
(Trường Đại học Tiền Giang)
Thạc sĩ  NGUYỄN THỊ MỸ HẠNH
(Trường Đại học Tiền Giang)

     Ngoài việc được biết đến như tác giả của những công trình: Thế giới truyện Nôm (NXB Văn hóa – EFEO,1998), Tranh dân gian Việt Nam (NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2017),… được xuất bản ở Việt Nam gần đây, Maurice Durand còn là nhà Việt Nam học có nhiều đóng góp với hàng loạt tác phẩm bằng tiếng Pháp: La Complainte de l’Epouse du Guerrier de Đặng Trần Côn (dịch Chinh-phụ-ngâm, BSEI, 1953), Connaissance du Vietnam (Tri thức về Việt Nam, Hà Nội, 1954), L’imagerie populaire vietnamienne (Tranh dân gian Việt Nam, 1960), Les impressifs en Vietnamien (Những tiếng lấp láy hay ấn tượng trong tiếng Việt, 1961), Le Phan Trần (chú thích và dịch Truyện Phan Trần sang tiếng Pháp, Paris, 1962). Bên cạnh những công trình trên, Maurice Durand còn có bộ sưu tập Hán Nôm hiện được lưu giữ tại Thư viện Đại học Yale như là một đóng góp độc đáo cho Việt Nam học. Đây là bộ sưu tập phong phú, khoa học, góp phần lưu giữ văn hóa – văn học Việt Nam, giới thiệu văn hóa Việt Nam đến toàn thế giới. Bộ sưu tập này đã lưu giữ các văn bản cổ xưa, góp phần bổ sung cho kho sách Hán Nôm của Việt Nam vốn đã còn lại không nhiều. Đối chiếu bộ sưu tập này với kho sách Hán Nôm của Thư viện Quốc gia Việt Nam và các tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam được xuất bản ngoài nước, ta thấy Maurice Durand đã cung cấp cho thế giới và cả những học giả Việt Nam những dị bản quý báu, có ý nghĩa cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa và văn học Việt Nam.

1. Tìm sách Hán Nôm ở nước ngoài và tìm đến bộ sưu tập Maurice Durand

     Vấn đề sách Hán Nôm, đặc biệt là sách chữ Nôm ở nước ngoài là vấn đề đã được đặt ra. Nhiều học giả đã theo hướng nghiên cứu này. Ví dụ: Trần Nghĩa với bài “Sách Hán Nôm ở nước ngoài”. Tác giả Trần Nghĩa đã đề cập đến “hai thư viện lớn tại Paris là Thư viện Quốc gia (tủ sách gia đình của Pelliot, và hai là tủ sách gia đình của Madrolle) và Thư viện Hiệp hội Châu Á (sách của Thư viện Demiéville đưa vào), Văn khố của hội Thừa sai ngoại quốc Paris, Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (Ecole francaise d’ Extrême) (ngoài số vi phim thực hiện trước khi trường này rút khỏi Hà Nội, còn có khoảng 60 tác phẩm Hán Nôm), Tại trường Quốc gia Sinh ngữ và Văn minh phương Đông (Institut national des langues et civilisations orientaless, 4. Rue de Lille, 75007 Paris) có khoảng 70 tác phẩm…” nhưng không thấy ông nói đến kho sách Hán Nôm ở Yale.

     Bài viết “Công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở nước ngoài của Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong thời gian gần đây” của Trịnh Khắc Mạnh: Bài viết đã giới thiệu, bàn đến một số sách Hán Nôm đã về lại Việt Nam. Gần đây, Viện Viễn Đông Bác cổ (EFFO – Paris), Thư viện Hiệp hội Á Châu (Sociéte Asiatique) đã tặng cho Việt Nam 59 quyển, Harvard – Yenching tặng microfilm tài liệu Châu bản niên hiệu Gia Long và Minh Mạng 64 quyển, microfilm tài liệu do Đại học Hawaii tặng 06 quyển, sách chữ Nôm do Alexandre Le tặng 30 quyển,…

     Bài “Vài nhận xét về sách Hán Nôm ở nước ngoài” của Nguyễn Quảng Tuân: Tác giả đã đề cập đến các thư viện tương tự như đã nêu trong bài viết của Trần Nghĩa, Trịnh Khắc Mạnh. Ông cũng nhắc đến bộ sưu tập Hán Nôm của Đại học Yale nhưng ông chưa có điều kiện khảo sát sách Hán Nôm ở đây: “Chúng tôi lấy làm tiếc đã không đến được các thư viện Harvard, Conell, Yale. Chúng tôi nghe nói Thư viện Đại học Yale có mua được tủ sách của Maurice Durand nhưng số sách Hán Nôm chỉ 140 quyển” (Thực ra, chúng tôi vừa khảo sát thì có đến 264 quyển – kể cả dị bản, HQC).

     Lê Minh Khải đã có nhiều quan tâm đến bộ sưu tập này. Ông đã có một trang viết ngắn về bộ sưu tập này: “Đằng sau mỗi học giả lớn người Pháp ở Đông Dương…” (Trịnh Kim Chi, 2010). Ông đã giới thiệu đường dẫn đến bộ sưu tập, xem bộ sưu tập có sự đóng góp của công sức của nhiều người Việt. Ông đã đánh giá là “nó có giá trị đối với thế giới” nhưng Lê Minh Khải lại xem Maurice Durand như là học giả vô danh.

     Sau này, Trần Nghĩa trong “Sưu tầm bảo vệ thư tịch Hán Nôm” có viết:

Ở nước ngoài như Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,… cũng tàng trữ một số sách Hán Nôm của ta hoặc liên quan với ta. Riêng tại Pháp, Thư viện Quốc gia Paris hiện giữ 64 sách Hán (có người nói 65 hoặc 120), 108 sách Nôm; Hiệp hội Châu Á với tủ sách Henri Maspéro để lại có 159 tên sách cả Hán lẫn Nôm chưa phân loại; Trường Viễn Đông Bác cổ Paris có hơn 100 tên sách Hán Nôm chưa lên kí hiệu; một phân hiệu Trường Đại học Dauphin có 19 tên sách toàn Nôm. Một số nơi khác cũng tại Pháp, như thư viện của Maurice Durand, nguyên Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội; Bảo tàng Thiên Chúa giáo, với tủ sách của linh mục L. Cadiere để lại; Trường Quốc gia Sinh ngữ Phương Đông; Kho lưu trữ; Thư viện Bộ Ngoại giao; Thư viện Đại học Nice; Tủ sách cụ Hoàng Xuân Hãn; Tủ sách ông Xuân Phúc…, trên những chừng mực khác nhau, đều có sách Hán Nôm quý”.

     Tác giả Trần Nghĩa đã tìm thấy thư viện của Maurice Durand tại Pháp chứ chưa đề cập đến bộ sưu tập Hán Nôm tại đây đã được số hóa và chuyển về Đại học Yale.

     Trong báo cáo được trình bày tại Hội thảo quốc tế về chữ Nôm lần 2, Nguyễn Tô Lan đã so sánh sách Hán Nôm của ta với Thiên Kinh tịch chí [14]: Qua đó, cho ta nhận thấy: bộ sưu tập nhỏ nhưng có nét độc đáo (264 quyển), nó không quá khiêm tốn so với các bộ sưu tập Hán Nôm khác ở nước ngoài. Hơn nữa, nó được viết bằng chữ Hán – Nôm – Quốc ngữ, được lưu trữ ở thư viện một trường đại học quốc tế danh tiếng nên dễ tiếp cận đối với mọi người, không bị rào cản về cổ ngữ chi phối,…

     Như vậy, nghiên cứu về bộ sưu tập sách Hán Nôm của Maurice Durand đang lưu trữ tại một đại học lớn cũng là điều thú vị.

2. Chủ nhân bộ sưu tập – Maurice Durand

     Từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, chúng ta có thể tìm hiểu chủ nhân của bộ sưu tập này: Maurice Durand sinh năm 1914 ở Hà Nội, Maurice Durand là con trai của một nhà Hán học người Pháp và mẹ ông là người Việt quê gốc ở Kiến An. Ông là một trong những nhà nghiên cứu song ngữ hiếm hoi của Viện Viễn Đông Bác cổ sở hữu hai nguồn văn hóa Pháp, Việt và có mối liên hệ mật thiết với chữ Hán. Ông vừa là nhà sử học, ngữ văn học, nhà phê bình văn học, vừa là nhà phân tích mỹ thuật. Trong sự nghiệp của mình, ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ như Điện thần và phương thức hầu đồng ở Việt Nam, Nhập môn văn học Việt Nam, Tri thức về Việt Nam, Lịch sử thời Tây Sơn, Truyện Nôm Việt Nam,… và nhiều công trình dịch, hàng trăm bài viết và một số lượng bản thảo đồ sộ chưa từng được xuất bản.

     Cha của ông, Gustave Durand, là dịch giả chính của An Nam tại Palais de Justice, Hà Nội; Gustave đến từ Provence và mẹ của Maurice đến từ Kiến An. Ông học ở Pháp và kết hôn với một nghệ sĩ violin người Bỉ tên là Sylvie Durand. Trong Thế chiến II, ông là một sĩ quan ở Cameroon và Chad. Năm 1946, ông trở về Việt Nam để giảng dạy và sau đó chỉ đạo École Française d’Extrême-Orient (EFEO – Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội). Khi trở về Pháp, ông dạy tiếng Việt tại École Pratique des Hautes Études. Ông đã để lại cho ông và cha mình bộ sưu tập các ấn phẩm, phiên âm, hình ảnh, ghi chú nghiên cứu và microfilm cho Đại học Yale, nơi chúng hiện được giữ trong 121 hộp tại Thư viện Tưởng niệm Sterling.

     Trong “Lời nói đầu” quyển Tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội, Phạm Ngọc Khuê đã viết:

“Maurice Durand (1914-1966), sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, là một trong số ít những nhà nghiên cứu khoa học của EFEO có thể coi như có hai thứ tiếng mẹ đẻ: Pháp và Việt. Cha ông làm trưởng phòng dịch thuật đồng thời là nhà Hán học có tên tuổi và mẹ ông là người Việt Nam, quê gốc ở Kiến An. Cả hai bậc bố mẹ đã giúp ông trở thành nhà nghiên cứu khoa học am hiểu văn hóa – nghệ thuật cổ của Việt Nam. Ông đã học Trường Đại học Sorbonne (Paris). Năm 1946, ông làm giáo viên dạy văn học tại Trường Trung học Sài Gòn. Năm 1947, ông vào làm việc tại EFEO (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội) trong suốt 10 năm. Năm 1957, ông là người tham gia chịu trách nhiệm chuyển giao các kho sách của Thư viện EFEO cho chính quyền Việt Nam. Rời Việt Nam về Pháp, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu Sử học và Ngữ văn Việt Nam. Trong niên san BEFEO (tập 25, trang 19-22), J. Filliojat đã tóm lược tham vọng nghiên cứu văn hóa cổ Việt Nam của ông như sau: “Maurice Durand không phải đến Việt Nam qua Trung Quốc, mà ông đến Trung Quốc để hiểu Việt Nam rõ hơn, chính Việt Nam là nơi làm việc của ông. Năm 1960, ông biên soạn tập sách tranh đã nói ở trên, gồm 314 bộ tranh, mỗi bộ có thể có từ 2 đến 4 bức tranh hoặc có tranh đơn, nhưng có các dị bản để đối chiếu, tổng cộng có: 533 bức tranh nói chung, không riêng chỉ có tranh Hàng Trống”.

     Có thể nói Maurice Durand (1914-1966) thuộc thế hệ trẻ hơn Trương Vĩnh Ký (1837- 1898) rất nhiều. So sánh Maurice Durand với Maspéro (1883-1945), ta thấy hai ông cùng là những người Pháp nghiên cứu về văn hóa – ngôn ngữ Việt Nam khoảng nửa đầu thế kỷ XX, nhưng Maspéro được nhiều người biết đến hơn. Ông có tác phẩm nổi tiếng: Etudes sur la phonétique historique de la langue annamite. Les initiales (1912). Henri Maspéro nổi tiếng trong ngành ngữ âm học lịch sử. Maspéro, Karlgren, Demiéville cùng với Paul Peliot (1878-1945) đều là học trò của E. Edouard Chavannes (1865-1918), một nhà bác học đã thành lập ngành Trung Quốc học. (Theo: Henri Maspéro và ngành nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt – Henri Maspéro et l’Étude sur la phonétique historique de la langue Vietnamienne – Masaaki Shimizu, Đại học Osaka, Nhật Bản).

     Maurice Durand thuộc một học giả khá độc đáo trong những thế hệ người Pháp nửa đầu thế kỷ XX, ông làm việc thầm lặng nhưng đầy nhiệt huyết và đã có không ít đóng góp vào ngành Việt Nam học.

3. Maurice Durand trong các thế hệ những học giả châu Âu nghiên cứu về Việt Nam

     Ta có thể thấy từ thế kỷ XVIII người nước ngoài, đặc biệt là các học giả châu Âu đã nghiên cứu về Việt Nam. Từ những bước ban đầu đến thế hệ Maurice Durand, ta có thể chia các nhà nghiên cứu Việt Nam gốc châu Âu làm ba giai đoạn: trước thế kỷ XX, từ thế kỷ XX-1954, sau 1954.

     Trước thế kỷ XX, một số tác giả, tác phẩm của người châu Âu nghiên cứu về Việt Nam có thể kể đến như sau:

     – Gabriel François (1768), Chinki, Histoire Cochinchinoise, Qui peut servir à d’autres Pays (Lịch sử Nam Kỳ…).

     – John White (1824), A voyage to Cochin China (Một chuyến đi đến Nam Kỳ), Printed For Longman, Hurst, Rees, Orme, Brown, And Green, Paternoster-Row, London.

     – Edward Brown (1861), Cochin-China, and my experience of it (Nam Kỳ và kinh nghiệm của tôi về nó, Anh ngữ) Charles Westeton, London.

     – F. Porter Smith, M. B. Lond (1870), A Vocabulaire of Proper Names, in Chinese and English, of Places, Persons, Tribes, and Sects, in China, Japan, Corea, Annam, Siam, Burmah, the Straits and adjacent Countries, (Từ vựng về tên riêng, bằng tiếng Trung và tiếng Anh, về địa điểm, người, bộ lạc và giáo phái, ở Trung Quốc, Nhật Bản, Corea, Annam, Siam, Burmah, Eo biển và các quốc gia lân cận), Shanghai Presbyterian Fress, China.

    – A. de Bell Combe (1862), Bibliographie Annamique (Thư mục An Nam), (pp.335- 343), Tableau de la Cochinchine, Première Partie, Géographie Physique, Ethnographique et Politique, Paris.

     – Barbié du Bocage (1866), Bibliographie Annamite (Thư mục An Nam), Tạp chí Revue Maritne et Coloniale, Tome XVI, pp.360-396, Paris.

     – M.V.A. Barbié du Bocage (1867), Bibliographie Annamique (Thư mục An Nam), Challamel Ainé, Libraire Editeur, Paris.

     – H. Aurillat (1870), Cochinchine – Annamites, Moïs, Cambodgien, Pháp ngữ, Challamel Ainé, Paris.

     – Ký, Trương Vĩnh (1929), Voyage au Tonkin en 1876, (Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi 1876), Réedition de la S. E. I. (1929).

     – Paul Bonnetain (1885), Au Tonkin, 2e éd, Pháp ngữ, Victor – Harvard, Paris.

     – Antony Landes (1886), Contes et légendes Annamites (Truyện cổ tích và truyền thuyết của người An Nam), Pháp ngữ, Imprimerie Coloniale, Saigon.

     – L. Yann (1889), Croquis Tonkinois (Bản phác thảo Bắc Kỳ), Pháp ngữ, Imprimerie Typo-Lithographique F.-H. Schneider.

     Đến đầu thế kỷ XX, số lượng tác giả và công trình của người châu Âu về Việt Nam tăng lên. Một số công trình tiêu biểu cho giai đoạn này:

    – Isabelle Massieu (1901), Comment j’ai parcouru l’Indo-Chine (Cách tôi đi du lịch ở Đông Dương), Pháp ngữ, Librairie Flon, Paris.

     – Impr. L. Ménard (1902), Projet de Géographie Physique, Économique et Historique de la Cochinchine, Vol. 3, Monographie de la province de Gia Định (Dự án biên soạn bộ sách Địa lý học: Tự nhiên, Kinh tế và Lịch sử Nam Kỳ, T.3: Địa phương chí tỉnh Gia Định), Saigon.

     – Alberty Schroeder (1905), Annam – études numismatiques (Đại Nam hóa tệ đồ lục), Pháp ngữ, Imprimrie Nationale, Paris.

     – E. Diguet (1908), Annam et Indo-Chine Française, Pháp ngữ, Chalamen, Paris.

     – Henri Maspéro (1912), “Etudes sur la phonétique historique de la langue annamite.  Les initiales”. In: Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient. Tome 12, pp.1-124.

     – Henri Maspéro, “Nước Văn Lang”, Tạp chí Dân Việt số, tháng 5/1948.

     – Seiler, Georges (1923), Co Mai: Scènes de la vie Annamite (Cố Mai: Những sự việc xảy ra trong sinh hoạt An Nam, Pháp ngữ, Imprimerie d’Extrême-Orient, Hanoi.

     – Alfred Bouchet (1908), Cours élémentaire d’Annamite (Khóa học tiểu học của An Nam), Imprimerie d’Extrême-Orient, Hanoi-Haiphong.

     – Henri Cordier (1912), Bibliotheca Indosinica Dictionnaire – bibliographique des ouvrages relatifs à la péninsule Indochinoise (Từ điển thư mục các tác phẩm trên bán đảo Đông Dương), Vol.I , Imprimerie Nationale, Paris.

     …

     Những công trình thư mục của người châu Âu về Việt Nam cũng ra đời trong thời gian này. (Trịnh Kim Chi, Những công trình thư mục ở Việt Nam thời thuộc Pháp).

     – Một số người Pháp và nước ngoài khác còn nghiên cứu và biên soạn thư mục sách Hán Nôm của Việt Nam như: Cadière L. et Pelliot P. (1904), Première etude sur les soures Annamites de l’histoire d’Annam (Nghiên cứu bước đầu về lịch sử Annam qua các nguồn tư liệu của Annam), BEFEO, Jullet – Septembre, Imp F.H, Hanoi.

     – Gaspadone E. (1935), Bibliographie Annamite (Thư mục Annam), D’Extreme – Orient, BEFEO, Vol.34, Hanoi Imp. (Bộ thư mục này có phần giới thiệu khái quát về sách Hán Nôm Việt Nam và phần riêng giới thiệu các tác phẩm của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú).

     – Henri Cordier (1908), Bibliotheca Indo-sinica – Essai d’Une bibliographie des ouvrages relatifs a la presqu’île Indo-Chinoise (Tiểu luận về thư mục các tác phẩm liên quan đến bán đảo Đông Dương), Libraire et Imprimerie, Leide.

     Sự phát triển của ngành Việt Nam học tại Pháp thuộc giai đoạn hai và ba, từ đầu thế kỷ XX về sau ở Pháp: “Kể từ đầu thế kỷ XX, ngành Việt Nam học phát triển cùng với sự thành lập của Trường Viễn Đông Bác cổ (Ecole Française d’Extrême-Orient, EFEO) nhằm mục đích nghiên cứu các nền văn minh phương Đông…: Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952 (L’histoire du Vietnam de 1940 à 1952, 1952) của Philippe Devillers, Đóng góp vào sự hiểu biết về quốc gia Việt Nam (Contribution à l’histoire de la nation Vietnamienne, 1955) của Jean Chesneaux và Việt Nam, lịch sử và văn minh (Le Vietnam, histoire et civilisation, 1955) của Lê Thành Khôi…

     Chesneaux là người đào tạo ba “đệ tử” xuất sắc, được cho là đánh dấu thời kỳ vàng son của ngành Việt học tại Pháp, theo thứ tự tuổi tác là Georges Boudarel, Daniel Hémery và Pierre Brocheux”.

     Cũng trong thời gian này Maurice Durand đã hoàn thành công trình gây ấn tượng: Huard, Pierre, Durand, Maurice (1954), Connaissance du Vietnam, Pháp ngữ, Imprimerie Nationale & Ecole Française d’Extrême-Orient, Paris & Hanoi. Cũng trong thời gian này, bộ sưu tập Hán Nôm của ông đã hoàn thành.

     Như vậy, ta có thể xác định Maurice Durand là thế hệ các nhà học giả người Pháp có nhiều công trình Việt Nam học thuộc về cuối giai đoạn hai và đang tiếp tục hăng hái làm việc ở đầu giai đoạn ba (sau 1954).

4. Bộ sưu tập Hán Nôm của Maurice Durand

     4.1. Bộ sưu tập

     Bộ sưu tập được hình thành do Maurice Durand đã bỏ nhiều tâm huyết, tài chính sưu tầm, bỏ tiền túi ra sao chép, xây dựng trong nhiều năm. Nó được lưu trữ ở Viện Viễn Đông Bác cổ Hà Nội, qua một số thay đổi do thời cuộc, nó trở về Pháp. Sau khi Maurice Durand qua đời, nó được người nhà ông chuyển vào Thư viện Đại học Yale. Hiện nay, nó được số hóa và phục vụ tự do và miễn phí.

     Bộ sưu tập Hán Nôm của Maurice Durand gồm khoảng trên 264 tác phẩm (kể cả dị bản), chia làm 12 nhóm tài liệu, truy cập theo đường dẫn:
http://findit.library.yale.edu/?_=1552495053386&f[language_sim][]=Vietnamese

     Trong đó, có trường hợp tác phẩm nằm riêng một quyển nhưng cũng có khi một quyển gồm nhiều tác phẩm. Ví dụ một quyển chứa 08 tác phẩm: Hịch đánh quân nhà Nguyên, Thế tục phú, Hồng nhan bạc phận phú, Gái nhỡ thì phú, Lắm mối tối nằm không phú, Mẹ ơi con muốn lấy chồng phú, Nữ tử hiếu sĩ từ nông phú, Răn cờ bạc phú.

     Về những tác phẩm trong bộ sưu tập, ta có thể tham khảo thêm: Richard Richie, Truc Van, Guide to the Maurice Durand Papers, MS 1728, Yale University Library, 2013 (Hướng dẫn tham khảo bộ sưu tập Maurice Durand (Microfilm) với năm nhóm tài liệu: I. Chữ Hán không có tiếng Việt, II. Chữ Hán Nôm với tiếng Việt, III. Tài liệu trực quan, IV. Ghi chú nghiên cứu, V. Microfilm.

     Dựa trên thực tế, chúng theo xếp bộ sưu tập này theo mẫu tự ABC để tiện nghiên cứu:

     A. An Lãng Chiêu Thuyền tự Từ Đạo Hạnh sự tích thực lục, Nôm; Âm chất văn giải âm; Âm chất văn diễn âm, Nôm, (3 quyển); An Nam phong thổ thoại,…

     B. Bài văn sách, Nôm; Bài Văn tế trận vong tướng sĩ, Nôm; Bích Câu kỳ ngộ, Nôm; Bài Văn tế của cụ Phan Bội Châu tế cụ Phan Chu Trinh, Nôm; Bần nữ thán, Nôm; Bài Văn tế ông Đại tướng Vũ Công Tích và ông Thượng thư Ngô Tùng Chu, Nôm; Bài hát Nam ai, Nôm; Bài hát Nam thương, Nôm; Bài hát Nam bình, Nôm; Bát phản diễn âm ca, Nôm; Bài ca Tình cảnh nông phu, Nôm; Bài ca vợ khuyên chồng, Nôm; Bài hát Tứ đại cảnh, Nôm; Bài viếng bạn, Hán – diễn ca Nôm; Bài của cụ Tam nguyên Yên Đổ, Nôm (Dặn lại cho các con); Bạch Vân thi tập, Nôm; Bích Câu kỳ ngộ, Nôm; Bướm hoa tân truyện, Nôm; Bài tán Ông tiến sĩ, Nôm; Bình Định Nam Giao lục, Hán;…

     C. Chinh phụ ngâm, Nôm; Chổng mông gào chồng phú, Nôm; Ca trù thể cách, Nôm; Chinh phụ ngâm bị lục, Nôm; Chinh phụ tự tình; Chinh phụ từ; Cung oán ngâm khúc, Nôm; Cung oán thi, Nôm; Chức cẩm hồi văn diễn âm, Nôm; Chinh phụ ngâm khúc, Nôm; Ca dao ngạn ngữ phương ngôn, Nôm; Ca trù thể cách, AB 160; Ca trù thể cách, AB 431; Ca trù thể cách, AB 456; Chúa Thao cổ chuyện, Nôm; Công thương tạp ca, Nôm; Ca dao tùng tập, Nôm; Cận kim văn tập, Nôm; Chu Hồi trở phong thán, Nôm; Chinh phụ ngâm, Hán; Chảo (Trảo) Nha ca quỷ, Nôm; Châu sơ kim lục, Nôm.

     D. Dịch chi vi quý tập, Nôm; Diễn hạ Chung Nam sơn đề, Nôm;…

     Đ. Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư; Đại Nam quốc túy, Nôm; Địa Tạng bản hành (hạnh), Nôm; Đông Tác Nguyễn Đại Vương bản truyện diễn âm, Nôm – Hán; Điền (điểm) mê khúc, Nôm; Đại phú, Nôm;…

     G. Gái nhỡ thì phú; Gia huấn truyện; Gia huấn tử; Giáo huấn ca;…

     H. Hán văn thư tích tông Lục thư sách, Hán; Hoa tiên ký (2 bản), Hán; Hoàng triều châu bản mục lục, Hán; Hoàng Việt địa dư chí, Hán; Hà thành kỹ nữ oán tứ; Hải Dương phong vật khúc, Nôm; Hịch đánh quân nhà Nguyễn, Nôm; Hồng nhan bạc phận phú; Hương Sơn ca khúc; Huấn tử quốc âm ca; Hương Sơn nhật trình, Nôm; Hoa tình khúc diễn ca, Nôm; Hát ả đào, Nôm; Hà Ninh Tổng đốc chuyện, Nôm; Hạnh Thục ca, Nôm; Hảo cầu thục nữ tiểu thuyết, Nôm; Hòa Bình Quan Lang sử lược ca âm, Nôm; Hòa Diệu Đại vương văn, Nôm; Hoa tình khúc diễn âm ca, Nôm; Hảo cầu tân truyện, AB 134, Nôm; Hảo cầu tân truyện, AB 281, Nôm; Hồ Xuân Hương thi tập, AB 383, Nôm; Hồ Xuân Hương thi tập, AB 398, Nôm; Hoàng Trừu truyện, Nôm; Hồng Đức quốc âm thi tập, Nôm, 3 quyển; Huấn nữ diễn ca, Nôm; Hương Sơn Quan Thế Âm chân kinh, Nôm; Hương Sơn Quan Thế Âm chân kinh tân dịch, Nôm; Hịch Đánh quân Nguyên, Nôm; Hoàn nguyên ca quỷ, Nôm; Hữu Kế chuyện, Nôm;…

     K. Kiến văn tiểu lục, Hán; Kim Vân Kiều – Thanh Tâm tài tử, Quyển 1, Hán; Kim Vân Kiều tân tập – Nguyễn Du (LXXVI); Kim Vân Kiều tân tập – Nguyễn Du (LXXVII); Khuê phòng ngâm khúc; Kim Vân Kiều ca; Khuyến hiếu diễn âm ca; Khuyến hiếu ca; Khẩu sử ký, Nôm; Kinh Bắc Lạng dật sĩ Trần Ngôn, Nôm; Khuất ca, Nôm; Khổng Tử mộng Chu Công phú, Nôm;…

     L. Lẳng lơ phú, Nôm; Lắm mối tối nằm không phú, Nôm; Lê triều Tướng công Nguyễn Trãi gia huấn ca, Nôm; Lưu Bình Dương Lễ tân truyện, Nôm, Lưu Bình Dương Lễ sự tích diễn âm; Lưu Bình phú; Lưu Nguyễn phổ diễn âm, Nôm; Lâm tuyền kỳ ngộ, Nôm; Lâm tuyền khách phú; Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai tân truyện, Nôm; Long Thành cảnh trí ca, Nôm; Lê triều ngự chế quốc âm thi, Nôm; Nôm; Lý Công tân truyện, Nôm;…

     M. Mẹ ơi con muốn lấy chồng, phú, Nôm; Mạc sử diễn âm, Nôm; Mai đình mộng ký, Nôm; Mộng hiền truyện, Nôm;

     N. Nguyễn thị Tây Sơn ký, Hán; Nhị độ mai tân truyện; Nam nữ đối ca; Nữ tử hiếu sĩ từ nông phú, Nhị độ mai tinh tuyển, Nôm; Nhị độ mai tinh tuyển (3 quyển), Nôm; Nhị độ mai tinh tuyển (2 quyển), Nôm; Nhị thập tứ hiếu diễn ca, Nôm, Nữ tắc diễn ca, Nôm; Nhân vấn nguyệt đáp; Nông gia ca từ, Nôm; Ngạn ngữ tập, Nôm; Nam thiên đệ nhất động hành trình ngâm khúc; Nôm; Nam nữ đối ca, quyển 1,2; Nam thiên đệ nhất đôṇg hành trình ngâm khúc, Nôm; Ngũ luân thi ca, Nôm; Nam Xương liệt nữ truyện, Nôm; Ngọc Hoa cổ tích chuyện, Nôm; Nguyễn Đạt Nguyễn Sinh tân chuyện, Nôm; Nhị thập tứ nữ tắc diễn âm, Nôm; Nam Hải Quan Âm Phật sự tích ca, Nôm; Nguyệt Lịnh quốc âm ca, Nôm; Nhật tỉnh ngâm, Nôm; Nam Giao Kim Lý Hạng ca dao chú giải, Nôm, (3 quyển); Nam Mô tân truyện, Nôm; Nam sử diễn ca (5quyển), Nôm; Nhị thập tứ trung diễn ca, Nôm; Lưu nữ tướng truyện, Nôm; Nữ Tú tài tân truyện, Nôm; Nhuận chính trung hiếu tiết nghĩa, Nôm.

     Ô. Ô Châu cận lục, Nôm; Ông Ninh cổ truyện, Nôm;…

     P. Phan Trần truyện trùng duyệt, Nôm; Phật thuyết Đại thánh mạt kiếp chân kinh, Nôm; Phương ngôn phú, Nôm; Phương ngôn tục ngữ, Nôm; Phương ngôn tục ngữ (2 quyển), Nôm; Phạm Công tân truyện, Nôm; Phỏng Thi kinh Quốc phong, Nôm; Phong tình tân truyện, Nôm; Phương Hoa tân chuyện, Nôm; Nôm; Phong lưu chuyện, Nôm; Phù dung tân truyện, Nôm; Phù lục Trinh Quốc công Phùng Thượng thư lưỡng gia sấm thuyết, Nôm; Phù Ủng ca quỷ, Nôm; Phương Hoa bị lục, Nôm;…

     Q. Quá xuân nữ phú; Quan Âm chính văn tân truyện, Nôm; Quốc âm thư mục, Hán – Nôm; Quan Âm tống tử thư, Nôm; Quốc văn tùng ký, Nôm; Quan Âm tống tử bản hạnh, Nôm; Quế Sơn Tam nguyên thi tập: Cai lương phú, Nôm; Quốc âm diễn thi: Ca dao, Nôm; Quốc văn tùng ký, Nôm; Quốc văn tùng ký Quyển hạ, AB 383, Nôm; Quốc văn tùng ký, Quyển thượng, AB 383, Nôm; Quốc văn tùng ký, Quyển thượng, AB 383, Nôm; Quách Tử Nghi phú, Nôm; Quốc văn tùng ký: Tú Xương thi tập, Nôm; Quốc văn tùng ký: Yên Đổ thi tập, Nôm;…

     R. Răn cờ bạc phú;

     S. Sãi vãi, Nôm; Sứ trình tiện lãm khúc, Nôm; Sĩ phụ ca từ, Nôm; Sấm ngữ tập, Nôm; Song phụng kỳ duyên, AB 399, Nôm; Song phụng kỳ duyên, AB 399, Nôm; So nghiêu đối thoại, Nôm;…

     T. Tân biên truyền kỳ mạn lục, Quyển 1, Hán – Nôm (chú thích); Tây dương liệt phụ truyện, Nôm; Thạch Sanh tân truyện, Nôm; Thiên Nam dư hạ tập, Hán; Trần vương truyện khảo, Hán; Trình Quốc công thi tập, Nôm; Thị Lựu trần tình khúc, Nôm; Thi hỏng tự cười mình phú, Nôm; Trường hận ca diễn âm; Tự tình tiểu luật; Thanh Tâm tài nhân thi tập; Tây hành nhật trình diễn âm; Thế tục phú, Nôm; Thiếu nữ hoài xuân tình thi, Nôm; Thiếu nữ hoài xuân tình ca khúc; Tề gia ký; Thu dạ ngâm diễn âm; Thái Thượng cảm ứng Thiên quốc âm ca; Trống quân tân truyện, Nôm; Tì bà hành diễn âm; Tự tình hoài xuân khúc; Tự tình ca khúc; Tây du truyện, Nôm; Tây dương liệt phụ truyện, Nôm; Thánh tổ kệ diễn quốc âm, Nôm; Thập nhị tiên nàng thỉnh luyện bí pháp, Nôm; Thiên Nam toàn quốc diễn âm, Nôm; Tràng hận ca diễn âm, Nôm; Thụ dạ lữ hoài ngâm khúc, Hán diễn Nôm; Tiến sĩ Vũ Văn Tuấn vinh quy, Nôm; Tiên thánh văn tập, Nôm; Tống Trân tân truyện, Nôm; Trinh thử truyện, Nôm; Truyện Đổng thiên vương, Nôm; Truyện vua Lê Thái tổ, Nôm; Truyện vua Quang Trung, Nôm; Tứ linh truyện, Nôm; Từ Thức tân truyện, Nôm; Tục ngạn tập biên, Nôm; Tướng pháp quốc ngữ ca, Nôm; Tử vi đẩu số tổng luận diễn âm, Nôm; Thi hỏng tự cười mình phú một vần Yên Đổ Tam nguyên, Nôm; Thi hỏng phú một vần Tú tài Trần Kế Xương, Nôm; Thái hòa cảnh tượng chí Phạm Gia Huệ; Thị Lựu tự tình; Thăng thiên ca; Tiên thánh văn tập, Nôm; Thư vị văn chầu, Nôm; Trận vong tướng sĩ văn, Nôm; Trống quân tân chuyện tam thập lục chuyện, Nôm; Tì bà quốc âm tân truyện, Nôm; Thượng Ngàn công chúa văn, Nôm; Thủy Tinh công chúa văn, Nôm; Nôm; Tình chủng dao, Nôm; Tạp thuyết, Nôm; Trương Lưu Hầu phú, Nôm; Tụng Tây Hồ, Nôm; Tự thuật, Nôm; Thế tục phú, Nôm; Thầy đồ dạy học phú, Nôm; Tiên phả dịch lục, Nôm (2 quyển); Thánh Tông ngữ vịnh tứ thời thi tập, Nôm; Từ Thức tân chuyện, Nôm; Tuyển phu ngộ phối tân truyện, Nôm; Tây đường quân thiên lạc (Thẩm Tử Hư truyện), Nôm, (2 tập); Thánh dụ quảng huấn diễn nghĩa, Nôm; Tuyên Tỉnh hành trình ngâm khúc, Nôm;…

     V. Vũ trung tùy bút, Hán; Vọng phu; Vịnh bần nữ thán thi; Việt Nam phong sử; Vấn đáp quốc ngữ; Vịnh Kiều tập tự; Văn tế Phò mã Vũ Tính Thượng thư Ngô Tùng Chu, Nôm; Vân Cát thần nữ cổ lục diễn âm, Nôm; Văn sách: Vấn hay ăn thời béo, Nôm; Văn Trung Nguyệt kính tân truyện, Nôm; Vị thành giai cú tập biên, Nôm; Vọng phu, Nôm; Vũ sĩ phụ ca từ, Nôm; Vãng chi nhữ gia, tất kính tất giới, vô vi phu tử, Nôm; Văn sách: Bài làm, Nôm; Vân Tiên cổ tích tân truyện, Nôm; Vịnh an bình phong cảnh, Nôm; Vân Trung Nguyệt kính tân truyện, Nôm;…

     X. Xuân tình khúc ca; Nôm.

     Y. Yên Đài anh thoại, Nôm.

     Trong bộ sưu tập, ta thấy nó thuộc về nhiều lĩnh vực như lịch sử, địa lý, phong tục, tín ngưỡng, âm nhạc, ngôn ngữ, văn học, văn hóa nói chung. Trong đó chiếm số lượng lớn là văn học.

     4.2. Văn hóa Việt Nam qua bộ sưu tập

     Bộ sưu tập có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc văn hóa Việt Nam: Lịch sử: Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư; Hòa Bình Quan Lang sử lược ca âm, Nôm;…

     Địa lý: Hoàng Việt địa dư chí, Hán;…

     Văn học dân gian: Ca dao ngạn ngữ phương ngôn, Nôm; Ca dao tùng tập, Nôm; Đại Nam quốc túy, Nôm;…

     Ngôn ngữ – Văn học: Bạch Vân thi tập, Nôm; Bích Câu kỳ ngộ, Nôm; Bướm hoa tân truyện, Nôm; Chinh phụ ngâm, Nôm; Ca trù thể cách, Nôm; Chinh phụ ngâm bị lục, Nôm; Chinh phụ tự tình, Nôm; Chinh phụ từ, Nôm; Cung oán ngâm khúc, Nôm; Cung oán thi, Nôm; Chinh phụ ngâm, Nôm; Hồ Xuân Hương thi tập, AB 383, Nôm; Hồ Xuân Hương thi tập, AB 398, Nôm; Hoàng Trừu truyện, Nôm; Hồng Đức quốc âm thi tập, Nôm, 3 quyển; Hương Sơn ca khúc; Hương Sơn nhật trình, Nôm; Hoa tình khúc diễn ca, Nôm; Hát ả đào, Nôm; Kim Vân Kiều tân tập – Nguyễn Du (LXXVI); Kim Vân Kiều tân tập – Nguyễn Du (LXXVII); Lục Vân Tiên cổ tích tân truyện, Nôm; Vị Thành giai cú tập biên, Nôm; Quốc văn tùng ký, Nôm;…

     Văn học nước ngoài được phổ biến ở nước ta: Hoa tiên ký, Hán; Kim Vân Kiều – Thanh Tâm tài tử, Quyển 1, Hán;…

     Phong tục: An Nam phong thổ thoại;…

     Tôn giáo – tâm linh: An Lãng Chiêu Thuyền tự Từ Đạo Hạnh sự tích thực lục, Nôm; Địa Tạng bản hạnh, Nôm; Hương Sơn Quan Thế Âm chân kinh, Nôm; Hương Sơn Quan Thế Âm chân kinh tân dịch, Nôm;…

     Chính trị – xã hội: Bài Văn tế của cụ Phan Bội Châu tế cụ Phan Chu Trinh, Nôm; Điểm mê khúc, Nôm; Hịch Đánh quân Nguyên, Nôm; Hịch Đánh quân nhà Nguyễn, Nôm;…

     Âm nhạc: Bài hát Nam ai; Bài hát Nam thương; Bài hát Nam bình; Bài hát Tứ đai cảnh;…

     Giáo dục: Gia huấn truyện, Nôm; Gia huấn tử, Nôm; Giáo huấn ca, Nôm; Huấn nữ diễn ca, Nôm; Dịch chi vi quý tập, Nôm; Huấn tử quốc âm ca;…

     Thư mục: Hoàng Triều châu bản mục lục, Hán;…

     Văn hóa nói chung: Kiến văn tiểu lục, Hán;…

     Qua bộ sưu tập, người đọc sẽ hiểu được khá rõ về văn hóa Việt Nam từ đầu thế kỷ XX trở về trước.

     4.3. Ngôn ngữ – văn học Việt Nam qua bộ sưu tập

     Ưu thế của bộ sưu tập này tập trung vào ngôn ngữ và văn học Việt Nam (Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX về trước, chủ yếu là Văn học trung đại Việt Nam). Thử chọn một số tác phẩm tiêu biểu (Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, Lục Vân Tiên, thơ Trần Tế Xương,…) và so sánh với nguồn tư liệu trong nước, chúng ta sẽ thấy rõ hơn giá trị của bộ sưu tập.

     Trước tiên, tôi tình cờ tìm thấy bài viết thú vị cùng hướng nghiên cứu của chúng tôi: Bùi Văn Chất (phiên âm, khảo cứu), Kim Vân Kiều tân truyện 金雲翹新傳 trong “Kho sách xưa” của Trường Đại học Yale [07]. (Có lẽ “Kim Vân Kiều tân tập” 金雲翹新集 thì đúng hơn).

     Bài viết này cho thấy so với Kiều bản A (1866), bản B (1884), bản “Kim Vân Kiều tân truyện”, một “Thi phẩm Viêt Nam” mà Abel des Michels, giáo sư Trường Ngôn ngữ Phương Đông hiện đại, dịch sang tiếng Pháp và phát hành lần đầu, do Nhà xuất bản Hiệu sách Á Châu, Trường Ngôn ngữ Phương Đông hiện đại, đường Bonaparte, 28, Paris, ấn hành năm 1884, hiện có trong Kho Sách xưa của Trường Đại học Yale – Mỹ. Nhìn nét chữ Nôm, bản B là bản chép tay bằng bút thép, chữ chân phương nhưng không có dáng chữ của nhà Nho ta thuở trước.

     Khảo sát bộ sưu tập, chúng tôi thấy có Kim Vân Kiều 金雲翹 của Thanh Tâm Tài Nhân và hai bản Kim Vân Kiều tân tập 金雲翹新集 (Quan Văn đường tàng bản) – Nguyễn Du (38423) (LXXVI), Thành Thái Tứ niên. Bên cạnh đó là Kim Vân Kiều tân tập 金雲翹新集 – Nguyễn Du (34923) (LXXVII) – Kim Vân Kiều tân tập, Thời Hiền thi tự, Quảng Thịnh Đường tàng bản, Khải Định Thất niên. Nếu so sánh hai bản Kiều nói trên với bản “Kim Vân Kiều tân truyện” 金雲翹新傳 (R.2060. NLVNPF-0023, Phúc Văn đường tàng bản, Bảo Đại Nhâm Thân niên (Thư viện Quốc gia Việt Nam) thì ta thấy hai bản Kiều ở Thư viện Đại học Yale cũng có những ưu thế riêng, trước hết là vấn đề niên đại. Nếu so sánh với những bản Kiều cổ hơn và những bản sau này thì hai bản của bộ sư tập ở Thư viện Đại học Yale vẫn có giá trị đáng kể.

     Trường hợp Hồ Xuân Hương là trường hợp khá đặc biệt vì thơ Hồ Xuân Hương được lưu hành chủ yều là dạng “Truyền bản”. Bộ sưu tập ở Thư viện Đại học Yale có hai bản thi tập: Hồ Xuân Hương thi tập 春香詩集 (AB. 383) và Hồ Xuân Hương thi tập 春香詩集 (AB. 398). So với Xuân Hương quốc âm thi tuyển 春香國音詩選 (R.97. NLVNPF-0060), và Xuân Hương thi tập 春香詩集 (R.1931. NLVNPF-0061) (Bảo Đại nguyên niên) ở Thư viện Quốc gia Việt Nam thì ta thấy hai bản ở Thư viện Đại học Yale cũng tương tự. Hiện tượng chép lẫn với các nhà thơ khác.

     Hồ Xuân Hương thi tập 春香詩集 (AB. 383) và Xuân Hương thi tập 春香詩集 (R.1931. NLVNPF-0061) đều có chép thêm thơ Nguyễn Khuyến… Hồ Xuân Hương thi tập (chép thêm thơ Lê Quý Đôn, Chiêu Hổ,…) (AB. 398). Nhìn chung, hai bản tuyển tập thơ Hồ Xuân Hương ở Thư viện Đại học Yale đều có giá trị, đa số các bài thơ Hồ Xuân Hương trong hai tập này đều được sử dụng rộng rãi trong các tập thơ Hồ Xuân Hương xuất bản gần đây. Đặc biệt, John Balaban, Đại học Quốc gia Bắc Carolina đánh giá cao tư liệu về Hồ Xuân Hương trong Thư viện Đại học Yale qua bài: “Giới thiệu về Hồ Xuân Hương”: “Tôi đã cố gắng tìm ra những phiên bản đáng tin cậy nhất, thường dựa vào cuốn cuối của Maurice Durand’s L’Oeuvre de la poétesse Vietnamienne Hồ Xuân Hương (Paris: AdrienMaisonneuve, 1968, từ Tuyển tập văn bản và tư liệu về Đông Dương, Textes No.2.), một công trình lớn không may còn lại không đầy đủ vào lúc mất của Durand” [13].

     Đối với tác phẩm “Lục vân Tiên” một tác phẩm phổ biến ở Nam Bộ và hiện có rất nhều dị bản thì ở kho tư liệu của Thư viện Đại học Yale cũng có văn bản thú vị: “Vân Tiên cổ tích tân truyện” 雲僊古跡新傳 (AB. 62). Thành Thái cửu niên, Liễu Văn đường tàng bản. Vân Tiên cổ tích tân truyện có các phiên bản khắc gỗ Liễu Văn Đường (năm 1880, 1897, 1916, 1921,… Bản chép tay của Maurice Durand là bản 1897).

     So với bản Par G. Auraret (1864), Luc-van-tien, Poeme populaire Annamite, par g. Auraret, Imprimerie Imperiale. Paris (Pháp ngữ) [01]. Kết thúc bản này cũng thống nhất với bản chép tay ở Thư viện Đại học Yale.

     So với bản Vân tiên cổ tích tân truyện (Thư viện Quốc gia Việt Nam): 雲僊古跡新傳, R.403, NLVNPF-0059, Liễu Văn Đường tàng bản, 1916. Ta thấy tuy bản chép tay của Maurice Durand thống nhất với bản của Thư viện Quốc gia nhưng về thời gian, bản chép tay của Maurice Durand xuất hiện sớm hơn. Kết thúc là Vân Tiên thi đỗ Trạng nguyên, đánh dẹp được rợ Phiên, gặp lại Nguyệt Nga và kết duyên vợ chồng. Điều lưu ý là bản chép tay của bộ sưu tập Maurice Durand và bản Vân tiên cổ tích tân truyện (Thư viện Quốc gia Việt Nam) còn thêm 6 câu trữ tình cuối tác phẩm (Khuyến khích “tiết hạnh” và “Thiên tử vạn vạn niên!”).

     Nó cũng tương tự bản Lục Vân Tiên truyện ấn bản Giáp Tuất do Duy Minh Thị phát hành năm 1874 và bản “Luc Van Tien ca dien”, Anbel Des Michels, Arnet Leroux, Éditeur, 1883 (Anbel Des Michels giới thiệu, tháng 11/1881 phiên bản 2) hoặc gần đây là bản Vân Tiên cổ tích truyện 雲僊古跡傳: Với sự hỗ trợ của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), Nhà xuất bản Văn hóa – Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, 2016. Các bản trên đều có kết thúc khác với nhóm văn bản “Luc Van Tien ca dien” – Anbel Des Michels, Arnet Leroux, Éditeur, 1883 – Anbel Des Michels giới thiệu, tháng 9/1871 (phiên bản 1):

     “Trẫm rày đầu Phật quy y

     Nhường ngôi Quốc trạng thượng vì giáo dân

     Ở bản này, vua nhường ngôi cho Vân Tiên, Vân Tiên làm vua và Nguyệt Nga làm hoàng hậu… Loại dị bản này cũng thấy xuất hiện ở Hàng Bồ, Hà Nội đầu thế kỷ XX. Qua đó ta nhận thấy văn bản Lục Vân Tiên cổ tích tân truyện của bộ sưu tập ở Đại học Yale là văn bản có giá trị nhất định so với các bản khác trước và sau nó.

     Ngoài ra chúng ta có thể khảo sát trường hợp Trần Tế Xương. Thơ văn Trần Tế Xương cũng thuộc về “truyền bản” tương tự trường hợp Hồ Xuân Hương. Để khảo sát thơ Trần Tế Xương, người ta phải dựa vào Vị Thành giai cú tập biên 渭城佳句摺編, Quốc văn tùng ký 國文叢記, Việt túy tham khảo 越粹參考 và Nam âm thảo 南音草 (Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Ngoài ra chúng ta có thể tham khảo thêm chữ Quốc ngữ: các bản Quốc ngữ từ đầu thế kỷ XX (tiêu biểu như Nam Phong tạp chí, Văn đàn bảo giám, Vị Xuyên thi văn tập,...).

     Bộ sưu tập của Maurice Durand may mắn có Quốc văn tùng ký – Tú Xương thi tập AB. 383 (126 trang); Vị thành giai cú tập biên – Tú tài Trần Kế Xương thi tập 渭城佳句摺編 秀才陳高繼詩集 AB. 194 (104 trang). Đây là hai tác phẩm quan trọng khi tìm hiểu thơ Tú Xương.

     Vài nhận xét về bộ sưu tập của Maurice Durand: Tuy không nhiều về số lượng nhưng có thể tương đối dựng nên diện mạo tổng quát của văn hóa, văn học Việt Nam trung đại (khá đa dạng về loại thể). Các tác phẩm ở đây tương đối chuẩn mực, đủ độ “xưa” của văn hóa, văn học cổ. Số hóa, miễn phí, viết bằng Quốc ngữ là ưu thế của bộ sưu tập,…

     4.4. Tác dụng bước đầu của bộ sưu tập Hán Nôm của Maurice Durand

     Cho đến nay, chúng ta thấy bộ sưu tập này đã định hình và phục vụ gần 80 năm.

     Một số học giả Việt Nam và các nước đã sử dụng nó trong nghiên cứu.Ví dụ những công trình sau:

     – Bùi Văn Chất (phiên âm, khảo cứu), Kim Vân Kiều tân truyện trong “Kho sách xưa” của Trường Đại học Yale.

     – Nguyễn Cẩm Xuyên, Thơ chữ Nôm nước ta tại Đại học Yale (Hoa Kỳ).

     -John Balaban, Đại học quốc gia Bắc Carolina, Raleigh, Giới thiệu về Hồ Xuân Hương, “Tôi đã cố gắng tìm ra những phiên bản đáng tin cậy nhất, thường dựa vào cuốn cuối của Maurice Durand’s L’Oeuvre de la poétesse Vietnamienne Hồ Xuân Hương (Paris: Adrien-Maisonneuve, 1968, từ Tuyển tập văn bản và tư liệu về Đông Dương, Textes No.2.), một công trình lớn không may còn lại không đầy đủ vào lúc mất của Durand”.

     – Nguyễn Văn Sâm, Truyện Nôm Nữ tú tài, phần 1. Những gì ta biết về bản văn.

     – Nguyễn Dư, Đạo Phật trong văn hoá dân gian [10].

     – Nguyễn Thị Hải Vân, Một số khía cạnh tư tưởng Nho giáo thể hiện trong truyện thơ Nôm 𠄠𠄠度枚新傳 Nhị độ mai tân truyện, Liễu Văn đường tàng bản, in năm Khải Định tứ niên 1920, Thư viện Đại học Yale) [25].

     – Tâm Thanh, Tìm chân dung tình bạn qua Lưu Bình Dương Lễ.

     – Trần Trọng Dương, Nguồn gốc, lịch sử và cấu trúc của chữ Nôm từ bối cảnh văn hóa Đông Á. (Preservation of and Access to the Maurice Durand Han Nom Collection at Yale University in the United States: A Fieldwork Evaluation Report. The Second International Nom Conference May 31, June 1 & 2, 2006. Hue, Vietnam) …

     Một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã tìm đến bộ sưu tập này để tìm, đọc và đối chiếu các văn bản. Điều đó chứng minh cho giá trị đích thực của bộ sưu tập.

Kết luận

     Qua bài viết này, mục đích chúng tôi là giới thiệu một bộ sưu tập, một kho sách Hán Nôm của Maurice Durand, tuy khiêm tốn nhưng có giá trị, dễ dàng tìm đọc và sở hữu chúng. Nó có thể bổ sung các dị bản để đối chiếu, bổ sung các khía cạnh cần thiết trong nghiên cứu văn hóa, văn học Việt Nam thời trung đại. Trong xu thế hội nhập, việc mở rộng nghiên cứu đến các nguồn tư liệu trên thế giới là rất cần thiết. Bộ sưu tập này có những thế mạnh nhất định vừa có thể bổ sung cho những tư liệu hiện có trong nước vừa có thể giới thiệu Việt Nam học ra nước ngoài hoặc làm tư liệu cho những nhà Việt Nam học trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn thấy một vài bất cẩn trong việc chép tài liệu dẫn đến nhầm lẫn về tác giả của một số tác phẩm. Cách phân loại cũng như việc chép nhiều tác phẩm trong một tập đã gây nhiều phiền phức khi tra cứu. Có trường hợp không thể tải tác phẩm về mà phải xem trực tuyến, ví dụ Hoàng Triều châu bản mục lục, chữ Hán. Chúng ta hết sức trân trọng công sức, tâm huyết của một người Pháp yêu văn hóa Việt và tập thể những người Việt đã đóng góp cho việc sưu tầm và sao chép các tài liệu quý hiếm này cho thế hệ sau. Chúng ta cũng cảm ơn Thư viện Đại học Yale đã bảo vệ, lưu trữ, số hóa, phục vụ rộng rãi và phi lợi nhuận giống như tâm nguyện của Maurice Durand và gia đình ông. Hy vọng là trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu có những phát hiện mới, áp dụng những phương pháp mới, vận dụng bộ sưu tầm với những thành tựu khoa học mới.

TƯ LIỆU THAM KHẢO

     A. Tiếng Pháp

     1. Luc-van-tien, Poeme populaire Annamite, par G. Auraret, Imprimerie Imperiale. Paris (Pháp ngữ), https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5844254h.texteImage.

     2. Gabriel François (1768), Chinki, Histoire Cochinchinoise, Qui peut servir à d’autres Pays (Lịch sử Nam Kỳ…), A Longdres,
https:// gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k84454m/f3.image.texteImage.

     3. M. Durand, Pierre Huard (1954), Connaissance du Vietnam (Tri thức về Việt Nam), EFEO, Ha-noi.

     4. Maurice Durand, Digital Collection: Maurice Durand Han Nom,
http:// findit.library.yale.edu/?_=1552495053386&f[language_sim][]=Vietnamese.

     5. Henri Maspéro (1912), Etudes sur la phonétique historique de la langue annamite. Les initiales. In: Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient. Tome 12, pp.1-124,
https:// www.persee.fr/docAsPDF/befeo_0336-1519_1912_num_12_1_2713.pdf.

     6. Richard Richie, Truc Van (2013), Guide to the Maurice Durand Papers MS 1728, Yale University Library, (Hướng dẫn tham khảo bộ sưu tập Maurice Durand Microfilm)
https://leminhkhai.files.wordpress.com/2014/05/durand-collection.pdf.

     Những bộ sưu tập nguyên tác Pháp ngữ từ website:

     7. https://gallica.bnf.fr/

     8. https://archive.org/

     9. http://dlib.nlv.gov.vn

    10. https://www.efeo.fr/

     B. Tiếng Việt

     11. Bùi Văn Chất, Kim Vân Kiều tân truyện trong “Kho sách xưa” của Trường Đại học Yale,
http://khxhnvnghean.gov.vn/?x=812/gioi-thieu-chung/kim-van-kieu-tan-truyentrong-kho-sachxua-cua-truong-dai-hoc-yale.

     12. Trịnh Kim Chi, Những công trình thư mục ở Việt Nam thời thuộc Pháp, Tạp chí Thư viện Việt Nam số 2(22) – 2010, tr.32-35, http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/nhung-cong-trinh-thumuc-o-viet-nam-thoi-thuoc-phap.html.

     13. M. Durand (2017), Tranh dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu, EFEO – NXB Văn hóa – Văn nghệ,
https://www.academia.edu/36493105/M.Durand-Tranh_Da_n_Gian_Vie_t_NamO.Tessier_Nguyen_Thi_Hiep_M._Durand_Ph._Papin.

     14. Nguyễn Dư, Đạo Phật trong văn hoá dân gian, http://www.vanhoahoc.vn/nghien- uu/tai-lieupho-cap-vhh/van-hoa-viet-nam/3116-nguyen-du-dao-phat-trong-van-hoa-dan-gian.html.

     15. Trần Trọng Dương, Nguồn gốc, lịch sử và cấu trúc của chữ Nôm từ bối cảnh văn hóa Đông Á, https://sealinguist.files.wordpress.com/2015/09/tran-2015.pdf.

     16. Thu Hằng, Sự phát triển của ngành Việt Nam học tại Pháp,
http://sachxua.net/forum/tin-vanhoa/vien-vien-dong-bac-co-efeo-va-kho-sach-quy-hiem-ve-viet-nam/15/.

     17. John Balaban, Giới thiệu về Hồ Xuân Hương, http://www.nomfoundation.org/nom-project/HoXuan-Huong?uiLang=vn.

     18. Lê Minh Khải, Đằng sau mỗi học giả lớn người Pháp ở Đông Dương…,
https://leminhkhaiviet.wordpress.com/tag/van-ban-han-nom-viet-nam-van-ban-so-hoamaurice-durand-hoc-gia-vo-danh/.

     19. Nguyễn Tô Lan, Thiên Kinh tịch chí
http://nomfoundation.org/Conf2006/NToLan_Thienkinhtichchinom.pdf

     20. Masaaki Shimizu, Henri Maspéro et l’Étude sur la phonétique historique de la langue Vietnamienne (Henri Maspéro và ngành Nghiên cứu Lịch sử Ngữ âm Tiếng Việt),
http://www.sugia.vn//assets/file/2015/MasaakiShimizu_HenriMasperoVaNguAmTiengViet.pdf.

     21. Henri Maspéro, “Nước Văn Lang”, Tạp chí Dân Việt số, tháng 5/1948,
https://vi.scribd.com/document/329180815/1948-N%C6%B0%E1%BB%9Bc-V%C4%83nLang-Henri-Maspero.

     22. Trịnh Khắc Mạnh, Công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở nước ngoài của Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong thời gian gần đây, http://www.hannom.org.vn/default.asp?CatID=633.

     23. Trần Nghĩa, Sưu tầm bảo vệ thư tịch Hán Nôm,
http://www.honvietquochoc.com.vn/baiviet/1766-suu-tam-bao-ve-thu-tich-han-nom.aspx.

     24. Trần Nghĩa, Sách Hán Nôm ở nước ngoài,
https://vannghesontay.com/en/news/Nghien-cuutrao-doi/SACH-HAN-NOM-O-NUOC-NGOAI-278/.

     25. Nguyễn Văn Sâm, Truyện Nôm Nữ tú tài, Phần 1. Những gì ta biết về bản văn,
https://sites.google.com/site/nkltnguyenvansam/tuyen-tap/van-hoc—bien-khao/truyen-nomnu-tu-tai-phan-1-nhung-gi-ta-biet-ve-ban-van.

     26. Tâm Thanh, Tìm chân dung tình bạn qua Lưu Bình Dương Lễ,
https://vietdoc.webnode.com/news/t%C3%ACm-ch%C3%A2n-dung-t%C3%ACnhb%E1%BA%A1n-qua-l%C6%B0u-b%C3%ACnh-d%C6%B0%C6%A1ng-l%E1%BB%85-t%C3%A2m-thanh/.

     27. Nguyễn Quảng Tuân, “Vài nhận xét về sách Hán Nôm ở nước ngoài”, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển,
http://tapchincpt.huecit.com/Portals/0/Attachs/Nam2019/T3/bai14_6_3_2019_10_07_31_957_SA.pdf.

     28. Vũ Anh Tuấn, Vài chi tiết về cuốn Connaissance du Vietnam của hai đồng tác giả Pierre Huard và Maurice Durand thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ,
http:// www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=16525.

     29. Nguyễn Thị Hải Vân, Một số khía cạnh tư tưởng Nho giáo thể hiện trong truyện thơ Nôm Nhị độ mai,
http://www.hpu2.edu.vn/vi/khoa-ngu-van/nghien-cuu-khoa-hoc/mot-so-khia-canh-tutuong-nho-giao-the-hien-trong-truyen-tho-nom-nhi-do-mai-123.html.

     30. Nguyễn Cẩm Xuyên, Thơ chữ Nôm nước ta tại đại học Yale (Hoa Kỳ),
https://khoahocnet.com/2018/06/12/nguyen-cam-xuyen-tho-chu-nom-nuoc-ta-tai-thu-vien-daihoc-yale-hoa-ky/.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ tư,
ISBN: 978-604-73-7135-8

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Bộ sưu tập sách Hán Nôm ở Thư viện Đại học Yale – Một đóng góp quan trọng của Maurice Durand về Việt Nam học (Tác giả: TS. Huỳnh Quán Chi; ThS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh)