Sinh viên với luật bản quyền trong việc sử dụng nguồn học liệu mở

ThS. TRỊNH KHÁNH VÂN
(Khoa Thông tin – Thư viện, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN)

     Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và máy tính đã tạo điều kiện thuận lợi và rộng rãi cho các nhà khoa học, giáo dục và hoạch định chính sách tạo ra một nguồn lực thông tin mới tạo điều kiện cho sự phát triển chung của xã hội và các ngành nghề nói riêng. Ngành khoa học thư viện không nằm ngoài sự phát triển chung đó, sự ra đời của các xuất bản phẩm điện tử đã làm cho các thư viện phải nỗ lực nhiều hơn trong việc chia sẻ và phục vụ chúng tới độc giả. Nhiệm vụ này còn đặt ra nhiều thách thức hơn đối với các thư viện các trường đại học, nơi mà sinh viên chiếm một số lượng đông đảo trong việc sử dụng những công trình mang tính chất hàn lâm.

     Thông cáo đầu tiên của Viện Công nghệ Massachusetts Hoa Kỳ (MIT)1 về Khóa học mở (Open Courseware – OCW) tiên phong vào tháng 10 năm 2002 đã làm rung chuyển mô hình hoạt động truyền thống của các trường Đại học và Cao đẳng, rằng họ đã tạo được một “Trường Đại học ảo” trong nỗ lực đưa thương hiệu và các nguồn tài nguyên giáo dục của mình ra toàn thế giới.

     Với tiêu chí “Tri thức là của chung nhân loại và tri thức cần phải được chia sẻ”2, rất nhiều trường ĐH và Viện Nghiên cứu trên thế giới đã tham gia phong trào học liệu mở và lập lên Hiệp hội Học liệu mở để chia sẻ nội dung, công cụ cũng như phương thức triển khai học liệu mở sao cho đạt được hiệu quả cao nhất. Giảng viên và sinh viên và người tự học ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là từ các nước đang phát triển như Việt Nam đều có cơ hội tiếp cận các tri thức mới.

     Khái niệm OER3 phần lớn tương tự như một khái nhiệm khác: Khóa học Mở – OCW (Open CourseWare), các tài liệu học mở (open learning materials)… OER đã nổi lên như một khái niệm với tiềm năng lớn để hỗ trợ cho sự biến đổi giáo dục. Trong khi giá trị giáo dục của nó nằm trong ý tưởng sử dụng các tài nguyên như một phương pháp giao tiếp hữu cơ của các chương trình giảng dạy trong các khóa giáo dục (như học tập dựa vào tài nguyên), thì sức mạnh làm biến đổi của nó nằm trong việc dễ dàng truy cập tới các tài nguyên như vậy, khi được số hóa, có thể được chia sẻ qua Internet. Điều quan trọng, chỉ có một yếu tố khác biệt chủ chốt giữa OER và bất kỳ tài nguyên giáo dục nào khác: giấy phép tạo thuận lợi để tái sử dụng, tùy biến tiềm tàng, mà không có yêu cầu phải xin phép trước từ người nắm giữ bản quyền.

     Theo UNESCO4 định nghĩa nguồn học liệu mở là “nguồn tài nguyên học liệu mở được phát triển dựa trên công nghệ dùng để tham khảo, sử dụng trong cộng đồng người sử dụng cho các mục đích phi thương mại”. Như vậy, theo định nghĩa của UNESCO việc truy cập tới các nguồn tài nguyên học liệu mở là hoàn toàn miễn phí, và việc tái sử dụng các nguồn tài nguyên này phải dựa trên các điều khoản nhất định và không được vi phạm luật bản quyền. Tuy nhiên, việc miễn phí truy cập và tải về hiện nay là một vấn đề tranh cãi lớn, khi trong xã hội học tập có nhiều cơ quan tổ chức thương mại hóa hình thức truy cập tới nguồn học liệu mở bằng cách xây dựng và kinh doanh các mô hình nguồn tài nguyên mở dựa vào sự hợp tác của các cơ quan, học viện giáo dục và đào tạo.

     Liên quan đến giới hạn quyền, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới5 đã đề xuất “nguyên tắc phép thử ba bước” để các quốc gia xây dựng luật pháp phù hợp. Giới hạn quyền chỉ là những trường hợp đặc biệt phải ghi rõ tại luật; nó không thể làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường; không gây phương hại đến quyền của chủ sở hữu. Việc khai thác, sử dụng tác phẩm được luật các quốc gia quy định giới hạn trong các trường hợp sử dụng nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục hoặc chính sách xã hội, nhân đạo. Thông thường được phân thành 02 loại:

     + Loại thứ nhất là việc sử dụng tự do, tức việc khai thác, sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền, như việc sao chép không quá 01 bản, nhập khẩu không quá 1 bản cho mục đích nghiên cứu cá nhân, giáo dục; chuyển sang chữ nổi cho người khiếm thị; trích dẫn hợp lí phục vụ cho một phóng sự báo chí, luận văn, công trình nghiên cứu khoa học… Tuy nhiên việc khai thác, sử dụng ở loại này không áp dụng đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm nghệ thuật tạo hình, chương trình máy tính. Mọi trường hợp sử dụng đều phải dẫn chiếu nguồn gốc xuất xứ, bao gồm tên tác phẩm, tên tác giả, năm xuất bản, nhà xuất bản đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn. Tất cả các trường hợp trích dẫn đều phải đặt trong ngoặc kép ( “… ”).

     + Loại thứ hai “cấp phép bắt buộc” là việc khai thác, sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, nhưng phải trả tiền. Trường hợp này luật Việt Nam cho phép các tổ chức phát sóng, các tổ chức cá nhân hoạt động kinh doanh, thương mại được phép sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, nhưng phải trả tiền theo thỏa thuận kể từ khi sử dụng tác phẩm. Tuy nhiên việc khai thác, sử dụng tác phẩm đã công bố trong các trường hợp này không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm của chủ sở hữu, không gây phương hại đến quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

     Như vậy, câu hỏi đặt ra liệu sinh viên có vi phạm luật bản quyền khi sử dụng nguồn học liệu mở tại các trường đại học hay không? Từ quan điểm của người dùng tin, một số sinh viên cho rằng chức năng chính của thư viện là cung cấp quyền truy cập theo thời gian tới các nguồn thông tin ở bất cứ thời gian nào, và địa điểm nào. Tuy nhiên, cũng có một số sinh viên có một chút kiến thức về luật bản quyền nhưng lại chưa biết cách tiếp cận cụ thể về các điều khoản sử dụng trong việc tác phẩm được bảo vệ bởi luật bản quyền đó đối với từng cơ sở dữ liệu khác nhau. Kết quả là sinh viên thường vi phạm mà cũng không biết mình vi phạm ở đâu trong thời gian họ sử dụng nguồn thông tin đó. Ví dụ như việc sinh viên tải tài liệu về rồi gửi qua email tài liệu đó cho bạn bè ở trường khác. Tuy chỉ một hành động nhỏ thôi nhưng các sinh viện này cũng không hình dung được là mình vô tình vi phạm các điều khoản hợp đồng ở luật bản quyền. Đối với các cơ quan trung tâm thông tin – thư viện, vấn đề đặt ra là làm sao để quản lý các nguồn học liệu mở, làm thế nào để cân bằng giữa nhà xuất bản và tác giả và đảm bảo quyền sử dụng thông tin tránh vi phạm bản quyền là một trong những vấn đề cần được xem xét xa hơn.

     Trong nghiên cứu của Alison Annet Kinengyere 2007 tiến hành ở trường đại học Uganda với các cán bộ thư viện và sinh viên bao gồm các các sinh viên học sau đại học đã được phỏng vấn về hiệu quả của việc tiếp nhận năng lực thông tin lên việc làm thế nào để sử dụng các nguồn học liệu mở, nguồn học liệu điện tử một cách hiệu quả. Kết quả chỉ ra rằng sinh viên không biết cách sử dụng và tra cứu các nguồn thông tin, đồng thời không biết sử dụng nguồn nào. Thứ hai, họ không hiểu được việc việc chia sẻ tài liệu của họ tại sao lại vi phạm luật bản quyền. Ngày nay sinh viên có thể dễ dàng có được nhiều nguồn tài liệu điện tử để thỏa mãn nhu cầu học và tự học của họ thông qua việc kết nối mạng và truy cập vào các cơ sở dữ liệu. Chính vì việc dễ dàng kết nối vào mạng nên các sinh viên học đại học cũng thường không có một khái niệm cụ thể về các nguồn thông tin trực tuyến và làm thế nào để có quyền sử dụng chính đáng các nguồn tài liệu đó. Một thực tế đã chỉ ra rằng các sinh viên dễ dàng tìm các nguồn tài liệu trên mạng, tải xuống và biến chúng thành bài tập của chính mình mà không có chút kiến thức về luật bản quyền hay trích dẫn tài liệu. Họ cũng không nhận ra các hành động của mình là vi phạm pháp luật hay là không có đạo đức khi ăn cắp các tác phẩm của người khác.

     Cách thức mà các sinh viên đại học đang nhìn nhận các nguồn học liệu mở, nguồn tài liệu thư viện số đơn giản là các nguồn tài liệu mà họ tải về từ mạng Internet và vì thế họ có đủ thẩm quyền pháp lý để sử dụng tùy ý các nguồn tài liệu đó. Vì thế câu hỏi được đặt ra: có phải hầu hết các sinh viên khi lên học đại học, cao đẳng đều biết về luật bản quyền và nói một cách hẹp hơn là luật bản quyền số, và có phải là tất cả các nguồn học hiệu đều được sử dụng công bằng và miễn phí.

     Chính vì vậy, mục đích của nghiên cứu này là để khám phá những vấn đề, hành vi của sinh viên khi mà các cán bộ thư viện khuyến khích sử dụng nguồn học liệu mở, tài nguyên số và chỉ ra sự thiếu tri thức, hiểu nhầm về luật bản quyền khi các sinh viên sử dụng những bộ sưu tập tài liệu này.

     Để tiến hành nghiên cứu này, phương pháp được sử dụng chính là phỏng vấn trực tiếp một nhóm sinh viên để tìm hiểu về hành vi sử dụng nguồn thông tin trực tuyến. Đồng thời, một nhóm cán bộ thư viện, những người trực tiếp làm việc với nguồn học liệu mở và tài nguyên số. Các câu hỏi tập trung vào các vấn đề liên quan tới việc vi phạm bản quyền mà các cán bộ thư viện phải đổi mặt với khi họ phát triển bộ sưu tập số của thư viện.

     Kết quả tìm thấy từ quan điểm của cán bộ thư viện cho thấy rằng việc có sự ràng buộc luật bản quyền giữa các nhà xuất bản và cơ quan thông tin thư viện, nơi tổ chức phục vụ các hoạt động. Tuy nhiên, việc được phổ biến luật bản quyền và quyền sử dụng các tác phẩm này thường không được rõ ràng, vì vậy ranh rới giữa việc được sử dụng và phần nào không được trích dẫn thường rất mong manh. Cũng có một số vấn đề phát sinh là cho dù các luật này có được phổ biến, và việc ngăn chặn vi phạm bản quyền và hợp đồng giữa nhà xuất bản và các cơ quan thông tin thư viện, thì vẫn có những trường hợp mà các cán bộ thư viện gặp khó khăn đó là việc tải xuống theo hệ thống, phân phối tới những người dùng không được ủy quyền. Ví dụ, một tài khoản truy cập không được tải xuống cả cuốn sách và trong mỗi lần tải xuống chỉ được tải một số trang của môt chương, và nếu người sử dụng cố tình đăng nhập và tải xuống nhiều hơn thì họ sẽ gặp vấn đề về luật bản quyền được quy định giữa nhà xuất bản và các cơ quan thông tin thư viện. Việc này, theo các cán bộ thư viện cũng là lỗi một phần do người sử dụng không đọc rõ quy chế và điều khoản trước khi tải các nguồn tài liệu đó xuống.

     Trong khi đó quan điểm từ phía người sử dụng, mà chủ yếu là sinh viên tập trung vào những vấn đề chính mà họ thường hay gặp phải khi truy cập và tải các nguồn tài liệu trực tuyến. Các câu hỏi được đưa ra dựa trên các vấn đề về quyền được ủy quyền sử dụng, quyền pháp lý được truy cập, mục đích sử dụng tài liệu trong các ngữ cảnh khác nhau, sử dụng nguồn tài liệu để phục vụ mục đích học tập, cho mục đích tài chính hay cho sự phát triển của bản thân. Trong khi phân tích các câu trả lời, hầu hết các sinh viên đều nhận thấy rằng việc vi phạm luật bản quyền là ngoài mong muốn và sẽ tốt hơn nếu họ được đào tạo về việc này trước khi bắt đầu các hoạt động liên quan tới học thuật, nhưng họ thường phát triển những kỹ năng này thông qua các hoạt động sau này khi học học các cấp bậc cao hơn sau đại học.

     Từ quan điểm của cán bộ thư viện, hầu hết các cán bộ thư viện đều nhận thấy tầm quan trọng của hoạt động phổ biến các quy tắc điều khoản sử dụng nguồn tài liệu là cần thiết ngay khi các sinh viên bắt đầu khóa học của họ. Trong khi đó các sinh viên thì lại giữ quan điểm của mình rằng việc được phổ biến và đào tạo là hoạt động rất cần thiết, trong số họ, có những sinh viên chưa từng nghe hai từ bản quyền bao giờ, và điều đó đồng nghĩa với việc đã là nguồn tài liệu của thư viện thì được tự do sử dụng. Trong quan điểm đó, các nguồn học liệu điện tử nên chắc chắn được chia sẻ. Họ cũng nhấn mạnh rằng để đạt được các thành tích trong môi trường học thuật, và cũng thật hợp lý nếu chia sẻ nguồn học thuật này với bạn bè. Bởi đó chính là lý do tại sao các nguồn tài liệu được biến chuyển thành dạng số để phục vụ mục đích dễ chia sẻ. Một số sinh viên nhấn mạnh rằng, chia sẻ là tốt và chính vì bạn bè nhận được những nguồn chia sẻ từ mình nên mình cũng nhận được các nguồn chia sẻ từ họ. Và cũng có nhiều quan điểm chia sẻ mục đích của việc tạo ra các nguồn tại liệu số là để chia sẻ được dễ hơn. Một số thì dường như cũng không biết luật bản quyền bảo vệ tất cả các tác phẩm số, và việc chia sẻ thì tốt nhưng mà phải tuân theo một số điều khoản nhất định. Việc chia sẻ bất cẩn rõ ràng dẫn tới việc vi phạm luật bản quyền, vi phạm các luật sở hữu trí tuệ và phân phối các sản phẩm là vi phạm pháp luật. Trong khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn sinh viên thường nhấn mạnh rằng việc được quyền truy cập bằng tài khoản các thư viện cấp là hợp pháp, nhưng lại không hiểu tại sao việc chia sẻ tài liệu mà không xin phép chủ sở hữu bản quyền lại là vi phạm luật bản quyền. Và việc họ chia sẻ tài liệu với các bạn khác cùng trường hay khác trường vì mục đích học thuật chứ không phải vì mục đích thương mại là hợp lý.

Kết luận

     Kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng mặc dù các sinh viên có một vài các vấn đề về việc sử dụng, chia sẻ các nguồn học liệu trực tuyến, việc vi phạm luật bản quyền thường là hệ lụy của việc thiếu được đào tạo về mặt chuyên môn và kỹ năng. Đây cũng là việc mà không chỉ các cán bộ thư viện và ban lãnh đạo lo lắng. Hoạt động này liên quan tới việc giảng dạy và trao đổi kiến thức về luật bản quyền giữa các bên sử dụng. Việc giảng dạy nên được tiến hành thường xuyên, kiến thức thức trao đổi nên bao gồm các kiến thức và kỹ năng liên quan và đặc biệt là nên minh chứng bằng các ví dụ cụ thể. Việc đưa ra hướng dẫn cũng nên cụ thể ngay từ đầu, ví dụ khi tải xuống một tệp tin, nên quy định cụ thể về số từ, trang, dòng được tải xuống. Các tài liệu số ngày càng trở nên đa dạng và phong phú, và việc quản lý ngày càng trở nên phức tạp. Một trong những thách thức mà các thư viện số đang phải đối mặt làm thế nào để quản trị việc truy cập, chia sẻ các nguồn tài nguyên ngày, và việc sử dụng nguồn tài nguyên này không chỉ dừng lại ở việc sử dụng mà sử dụng thế nào cho đúng và tránh lạm dụng. Nói một cách xa hơn, việc cư xử trong môi trường tài nguyên số, nguồn học liệu mở là điều quan trọng, cụ thể là làm thế nào để người sử dụng nhận biết được thế nào là đúng và sai về luật bản quyền và các luật lệ khác tùy vào quy cách sử dụng của từng thư viện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Alison Annet Kinengyere. (2007). The effect of information literacy on the utilization of electronic information resources in selected academic and research institutions in Ugandanull. The Electronic Library, 25(3), 328–341.
http://doi.org/10.1108/02640470710754832.

2. J. Carlos Fernández ‐ Molina, & J. Augusto Chaves Guimarães. (2009). The WIPO development agenda and the contribution of the international library community. The Electronic Library, 27(6), 1010–1025. http://doi.org/10.1108/02640470911004093.

3. UNESCO. (2002). UNESCO Forum on the Impact of Open Courseware for Higher Education in Developing | An Open Education Reader. Retrieved from
http://unesdoc.unesco.org/images/0012/001285/128515e.pdf.

__________
1 http://ocw.mit.edu/index.htm

2 http://www.hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=
15562%3A2013-12-02-02-17-49&catid=4586%3Atham-kho&Itemid=7738&lang
=vi&site=192.

3 http://wikieducator.org/Educators_care/Defining_OER.

4 http://www.unesco.org/new/en/communication-and-information/access-to knowledge/ open-educational-resources/.

5 http://www.copyright.gov/fls/fl102.html.

Trích dẫn từ: Thư viện số Đại học Quốc Gia Hà Nội

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Sinh viên với luật bản quyền trong việc sử dụng nguồn học liệu mở (Tác giả: ThS. Trịnh Khánh Vân)