Bút tích Đình Nguyên PHAN ĐÌNH PHÙNG lãnh tụ PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG CHỐNG PHÁP

TRẦN NGUYÊN TRINH
 TRẦN BÁ CHÍ

1. Vài nét về tình hình văn bản:

     Tờ di bút này do cụ Phan Đình Phùng viết tặng ông Tô Bá Ngọc, một nhà Nho yêu nước ở thôn Đông Yên, Vân Tụ, Châu Diễn (nay thuộc xã Minh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Tờ di bút dài 32 dòng chữ nhỏ viết trên tờ giấy bản khổ 25 x 50cm. Phần trên là văn xuôi, dưới có 4 bài thơ, chủ yếu khen ngợi tư cách phẩm chất ông Tô Bá Ngọc trong quan hệ với anh em họ hàng, láng giềng, bạn bè xa gần.

     Tài liệu được viết trong một chuyến đi công cán, khi cụ đi qua nhà ông Tô Bá Ngọc ngày 10 tháng 2 năm Đinh Hợi tức ngày 26/3/1887. Công cán việc gì không được ghi rõ, nhưng là chuyến cụ ra Bắc, trước ghé vùng Diễn Châu, Nghệ An để quan hệ với nhà yêu nước Nguyễn Xuân Ôn và những văn thân đang tích cực chuẩn bị phong trào Cần Vương chống Pháp.

     Cụ đến ở làng Đông Yên, tổng Vân Tụ và ở nhà Tô Bá Ngọc không rõ bao lâu, chỉ thấy cụ nói vài ngày trước khi ra đi, chủ nhà có yêu cầu thì cụ viết nhanh (tẩu bút) mấy dòng để lưu niệm.

     Cụ đi được ít lâu, thực dân Pháp kéo đến khủng bố, bắt người, đốt nhà, tra tấn ông Tô Bá Ngọc và bắn ông tại chỗ. Ông Tô Bá Ngọc hi sinh, nhà bị cháy trụi, nhưng tài liệu vẫn được con cháu cất giữ cẩn thận và lưu truyền cho đến ngày nay.

     Chúng tôi thiết nghĩ: Phan Đình Phùng là một nhà Khoa bảng lớn, một lãnh tụ vĩ đại của phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Khi cụ mất, phong trào tan, đến thi hài cụ trong quan tài cũng bị thực dân Pháp và tay sai đào lên đốt thành tro, nạp vào họng súng đại bác bắn xuống sông La để uy hiếp dân, huống gì các tài liệu liên quan đến cụ đã mấy lần bị lệnh thiêu hủy!

     Nay phát hiện được di bút này của cụ thật là vật báu, giá trị vô cùng. Chúng tôi xin công bố để tỏ lòng “nhớ công ơn các anh hùng dân tộc”.

     Phiên âm:

Tuế Đinh Hợi xuân, nhị nguyệt, dư dĩ công cán để Diễn, kinh quá Vân Tụ chi Đông Yên thôn, thôn hữu Tô thị giả văn đạo thế truyền trung hậu, dư nhân vãng túc yên.

     Bá Ngọc tử kỳ đích phái dã. Sơ kiến thời, ngôn từ cử chỉ tuân tuân nhiên hữu cổ phong; cư cửu chi tri gia bất thậm phú, bình sinh xử gia kỳ vi phụ tử huynh đệ túc pháp. Bá Ngọc tảo cô, thiếu y vu thúc, đãi thúc thị cố, thẩm quả cư, Bá Ngọc thiện sự chi. Chư đường đệ hữu bất năng tự cấp, Bá Ngọc đa thiệm dĩ tiền túc. Uyển nhiên Trương Công Nghệ Trần Cạnh chi gia pháp. Hương hữu bần giả lai, bất vấn tiền chi đa thiểu, tất giảm kỳ giá nhi dữ chi túc. Cố mỗi ngộ hoang niên, bần dân lại dĩ toàn hoạt giả thậm chúng. Thả tính hiếu khách, hữu dĩ thi văn chí triếp lạc dữ ngâm vịnh, tuy lũy tuần liên nhật bất yếm dã. Cố châu chi văn sĩ đa tháo yên. Y ! Bá Ngọc chi tiên nhân dư phất cập tri dã, nhi quan Bá Ngọc chi mục thân, chi chu bần, chi giao hữu, thử sổ đoan giả, tắc kỳ sổ vị thế truyền trung hậu, tưởng phi hư ngữ dã. Hựu văn hữu lân ông giả bình nhật tính khắc bạc, hiếu thực hóa, quảng trí tức trái, gia phú lũy cự vạn, sinh hữu tử nhị, ông tốt vị sổ nguyệt, huynh đệ phân tài tranh hiệu đa thiểu(a) chí vu huých tường, gia nghiệp tỉ tiền đại giảm, hương nhân giai dĩ vị ông khắc bạc chi báo. Ta ta! đồng nhất giang sơn, đồng nhất phong thổ, đồng nhất lư lý tỉnh cương, hà nhất hậu nhất bạc chi bất đồng dã ? Tắc diệc thị phù gia [phạm chi hà như](b) nhĩ.

     Tương biệt tiền sổ nhật, Bá Ngọc trưng thi ư dư. Dư tố chuyết, vưu bất năng thi. Nhiên Bá [Ngọc ái ngâm] nhân dã, dư khả dĩ chuyết từ hồ tai ? Nhân tẩu bút dĩ tặng chi tịnh chí sở kiến sở văn, [dĩ miễn thế chi] vi phụ huynh giả đương pháp kỳ trung hậu, vô vi khắc bạc vân:

(I)

[Đinh Hợi] xuân nhị nguyệt,

Ngẫu quá Đông Yên thôn.

Văn hữu Tô thị giả,

Trung hậu thế kỳ môn.

Thăng giai thủy [nhất] kiến,

Ngôn ngữ hà ôn tồn.

Xử gia trọng hiếu hữu,

Huynh đệ tự thiên luân.

(II)

Chủ nhân ái thi khách,

Lương hữu đương mãn tịch.

Tương dự đàm cổ kim,

Xướng họa doanh ốc bích.

Bá Ngọc miễn hồ tai,

Phàm thử giai thế trạch.

Miễn chi hữu miễn chi,

Dư khương bằng thiện tích.

(III)

Văn chương tòng cổ hựu tiền nhân,

Tri thức hưu luân(c) cựu thị tân,

Khoa giáp thiểm vi Tùng Lĩnh chủ,

Thư thi quân thế Lạp Sơn nhân.

Cố nhiên bạch nhãn thành tri kỷ,

Toại sử thiên nhai nhược tỷ lân.

Giải cấu thử trung đa kỳ ngộ,

Hảo tương giai tác chí kim xuân.

(IV)

Đề Tô thị từ đường

“Để thất đan tì bốc tụy hanh”,

Khách du đáo thử bội di tình.

Phùng nhân thí vấn hảo sơn thủy,

Cộng thuyết Tô gia thi lễ đình”.

     (Do y gia đối liên hữu: “Truyền gia điền bảo tồn phong yến; Để thất đan tì bốc tụy hanh” cố ngẫu tục vân).

(V)

Tái bộ chủ nhân nguyên vận

Tằng văn: “Tẩy giáp vấn Ngân Hà,”

Bỉ thị hà nhân ngã thị hà?

Đương đạo xà do trì bạt kiếm,

Trung nguyên lộc thượng phí thao qua.

Tam canh ưu bất nan thành mộng,

Vạn lý thê trì tiện thị gia.

Hội ẩm Nguyệt Chi đầu thượng tửu,

Đan trì tranh tấu khải hoàn ca.

     Hàm Nghi tam niên nhị nguyệt sơ thập nhật, La Yên tam giáp Tiến sĩ Phan thị thư .

Dịch nghĩa:

     Mùa xuân tháng hai năm Đinh Hợi (1887) tôi đi công cán đến phủ Diễn. Khi qua thôn Đông Yên, tổng Vân Tụ(1) nghe có nhà họ Tô nổi tiếng trung hậu, nhân tiện tôi ghé thăm, rồi nghỉ lại đó.

     Ông Bá Ngọc là con trưởng thuộc dòng chính của họ. Lúc đầu mới gặp, thấy nói năng cử chỉ đều có phong độ cổ nhân, ở lâu mới biết nhà không giàu có lắm. Ngày thường sống trong gia đình, cha con anh em đều có phép tắc. Bá Ngọc sớm mồ côi cha mẹ, lúc nhỏ dựa vào chú, chú mất, bà thím ở góa, ông phụng sự thím chu đáo. Anh em con chú ai túng thiếu, ông giúp cho tiền bạc, giống như phép nhà của Trương Công Nghệ(2) và Trần Cạnh thời xưa. Làng xóm có người nghèo đến, ông không hỏi có tiền nhiều hay ít mà đưa thóc gạo bán cho với giá rẻ. Gặp năm mất mùa, dân nghèo đến nhờ ông giúp, phần đông được ông cứu sống.

     Tính ông lại hiếu khách. Làng thơ văn thường tới nhà vui chơi và ngâm vịnh, dù ở lâu bao ngày, ông vẫn vui lòng. Cho nên nhiều văn sĩ trong vùng đều tìm đến.

     Ôi tiếc thay ! Tôi không được biết tiên nhân của ông Tô Bá Ngọc, nhưng cứ xem ông ăn ở hòa thuận với anh em, giúp đỡ người nghèo khó, kết thân với bạn bè… thì cũng đủ biết người đời truyền tụng về đức nhân hậu của nhà ông, quả không sai vậy.

     Lại nghe nói có ông hàng xóm thường ngày tính khắc bạc hám lợi; của cải do cho vay nặng lãi, nên nhà giàu đến ức vạn, sinh hạ được hai con trai thì cha chết chưa được vài tháng, anh em đã chia gia tài tranh nhau nhiều ít, tức giận nhau mà đi đến bất hòa, gia nghiệp sa sút nghiêm trọng. Người làng đều cho rằng vì trước ông ấy ăn ở khắc bạc nên đời con chịu quả báo đến như thế.

     Than ôi ! Cùng một giang sơn, cùng một phong thổ, cùng một xóm làng, cùng chung bờ đồng giếng nước, sao lại một bên nhân hậu, một bên khắc bạc, khác nhau xa vậy ? Cứ xem phép nhà ra sao thời cũng biết được.

     Vài ngày trước khi tôi từ biệt, ông Bá Ngọc có xin thơ tôi. Tôi vốn vụng lại không hay thơ, nhưng ông Bá Ngọc là người ham ngâm vịnh, tôi lẽ nào cứ vin cớ vụng mà từ chối mãi sao, bèn phóng bút viết vội mấy dòng để tặng, đồng thời ghi chép những điều mắt thấy tai nghe nhằm khuyên răn những bậc làm cha, làm anh trên đời nên noi gương trung hậu, chớ làm điều khắc bạc.

     Thơ rằng:

(I)

Tháng Hai xuân Đinh Hợi,

Nhân ghé Đông Yên thôn.

Nghe có nhà Tô thị,

Trung hậu nổi tiếng đồn.

Buổi đầu mới gặp gỡ,

Nói năng vẻ ôn tồn.

Nếp nhà trọng hiếu hữu,

Anh em vẹn luân thường.

(II)

Chủ nhân quý “thi khách”,

Quanh chiếu những bạn hiền.

Cùng luận bàn kim cổ,

Xướng họa dán đầy phên.

Quí thay ông Bá Ngọc !

Nhờ phúc trạch gia tiên

Hãy gắng lên ! gắng nữa !

Làm thiện hưởng phúc bền. (3)

(III)

Văn chương trước đã có tiền nhân,

Nay chẳng nên bàn cựu với tân ?

Khoa bảng tôi ghi Tùng Lĩnh chủ(4)

Thi thư anh xứng Lạp Sơn nhân(5)

Mấy khi “mắt trắng” thành tri kỷ,(6)

Cách cõi trời xa lại hóa thân.

Kỳ ngộ là duyên trong giải cấu,

Lời vàng gửi lại lúc đương xuân.

(IV)

Để ở nhà thờ họ Tô

Hướng nhà mạch “Tụy” chảy lưu thông(7).

Du khách qua chơi thẩy thỏa lòng.

Thường hỏi núi sông sao đẹp vậy ?

Họ Tô thi lễ đã bao đông ?

     (Do nhà họ Tô có câu đối ” Truyền gia điền bảo tồn phong yến(8), để thất đan trì bốc Tụy hanh”, tôi nhân ý đó tiếp làm bài thơ trên).

(V)

Lại họa vần thơ của chủ nhà

“Sông Ngân rửa giáo” chuyện đầy tai (9)

Bọn Pháp là ai, ta chủ ai ?

Đường sá ngại trừ loài rắn rết(10)

Trung nguyên nhút nhát tựa hươu nai(11)

Ba canh còn thức lòng vì nước

Muôn dặm là nhà, bởi chí trai

Chờ vận Nguyệt Chi dâng tiến rượu(12)

Tâu tin thắng trận trước đan giai(13)

     Ngày 10 tháng 2 niên hiệu Hàm Nghi năm thứ 3 (1887) Tiến sĩ họ Phan quê làng Yên Đồng huyện La Sơn ghi.

     (Có dấu son khắc chức vụ Phan Đình Phùng).

Chú thích:

     (1) Đông Yên: là một thôn thuộc tổng Vân Tụ, huyện Yên Thành (nay thuộc xã Minh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An)

     (2) Trương Công Nghệ: Người thời Đường, quê ở quận Thọ Trương, 9 đời ăn ở cùng một nhà rất hòa thuận. Vua Đường cao Tông đến thăm và hỏi bí quyết gì mà gia tộc đoàn kết thuận hòa được như thế ? Công Nghệ viết lên giấy hơn 100 chữ nhẫn (nhường nhịn) dâng lên vua. Vua Cao Tông khen ngợi và thưởng nhiều vàng lụa.

     (3) Nguyên câu thơ này là: “Dư Khương bằng tích thiện” lấy ý câu trong quẻ Khôn, Kinh Dịch nói rằng: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khương” nghĩa là nhà chứa chất điều thiện thì hưởng phúc dồi dào.

     (4) Núi Tùng Lĩnh ở Đức Thọ – Hà Tĩnh là quê hương Phan Đình Phùng.

(5) Núi Lạp Sơn ở Đông yên huyện Yên Thành là làng quê Tô Bá Ngọc.

     (6) Mắt trắng: do tích thời Tấn có Nguyễn Tịch phân biệt tình thân sơ bằng mắt nhìn, người thân thiết thì nhìn bằng tròng mắt xanh, kẻ xa lạ hoặc không hợp thì nhìn bằng khóe mắt trắng. Khi mẹ Tịch mất, Kê Hỷ mang lễ đến điếu, Tịch liếc khóe mắt trắng nhìn, Kê Hỷ lánh ra rồi rút lui. Em Hỷ Khang biết chuyện ấy đem rượu ngon và một gã giỏi gảy đàn tang đến viếng. Tịch rất hài lòng, trương cả đôi mắt xanh nhìn rất kính nể, đáp lễ nồng hậu.

     (7) “Tụy” là 1 quẻ trong Kinh Dịch báo trước thời vận hanh thông yên ổn, phát đạt.

(8) Phong là 1 quẻ trong Kinh Dịch đoán trước việc tốt lành, phúc lộc dồi dào.

     (9) Câu này lấy ý ở câu thơ Đỗ Phủ trong bài Tẩy binh mã: “An đắc tráng sĩ vãn thiên hà; Tẩy tận giáp binh trường bất dụng” ý nói: Tráng sĩ chiến thắng để lại hòa bình.

     (10) Câu này Phan Đình Phùng trách vua và các quan chần chừ, không quyết đánh Pháp từ đầu. Dẫn tích Hán Cao Tổ khi ra trận gặp con rắn giữa đường, vung gươm chém ngay. Một ông già khóc, chỉ rắn nói rằng: “Ngô tử viết Bạch Đế, hóa vi xà đương đạo”.

     (11) Nguyên tác ghi “Trung nguyên” ý chỉ triều đình Huế, vua quan đều nhút nhát muốn hòa với Pháp. Lời tựa bài minh Hàm Cốc quan đã có câu “trung nguyên lộc hãi, chiến quốc vị khởi”.

     (12) Nguyệt Chi: đây chỉ nước Tiểu Nguyệt Chi. Xưa nước Nguyệt Chi bị giặc Hung Nô đánh chiếm, chia ra hai phái, một phái sợ giặc chạy trốn lên phía tây, khai thác vùng Vị Thủy gọi là Đại Nguyệt Chi (nay nhập vào Ấn Độ). Còn phái ở lại chiến đấu, giữ được nước gọi là nước Tiểu Nguyệt Chi (nay thuộc vùng Cam Túc, Thanh Hải của Trung Quốc).

     (13) Đan giai: cũng như Đan trì là thềm rồng sơn đỏ, nơi vua ngự triều.

Nguồn: hannom.org.vn

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)