Các chuyến vượt biển đến khu vực Đông Nam Á dưới thời Minh Mệnh – Qua tư liệu Châu bản triều Nguyễn

Tác giả bài viết: Thạc sĩ NGUYỄN THU HOÀI
(Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I)

     Giao thông hàng hải nói chung và thương mại đường biển nói riêng là việc không thể thiếu tại các quốc gia có biển. Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ. Từ thế kỷ thứ XI dưới triều Lý, các nước lân bang có thế mạnh về hàng hải đã bắt đầu đặt mối quan hệ bang giao thông qua đường biển với Đại Việt. Năm 1149, với việc thành lập cảng Vân Đồn, hàng hóa theo các tàu nước ngoài đã tấp nập đến và đi từ thương cảng này. Tuy nhiên thời điểm đó và nhiều thế kỷ tiếp sau, các hoạt động hàng hải của Đại Nam vẫn hầu như mang tính thụ động, tức là tiếp nhận tàu thuyền nước ngoài ra vào buôn bán chứ rất ít tàu thuyền trong nước ra nước ngoài. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho sự kém phát triển của hoạt động này là do điều kiện kinh tế trong nước chưa phát triển, kỹ thuật đóng tàu thuyền đi biển chưa cao, trình độ đi biển còn kém, thói quen buôn bán nhỏ cục bộ ăn sâu vào tiềm thức, các thuyền ra nước ngoài buôn bán thường gặp cướp biển…

     Đến triều Nguyễn (1802-1945) tình hình đã có sự cải thiện. Đặc biệt dưới thời vua Minh Mệnh, việc cử tàu thuyền trong nước ra nước ngoài không còn là việc quá hiếm. Một số mang hàng hóa đi trao đổi, một số lĩnh nhiệm vụ đi thăm dò đường biển, khảo sát tình hình các nước xung quanh như đến Hạ Châu (Tân Gia Ba- Singapore), Giang Lưu Ba (Gia các ta- Indonesia), Lữ Tống (Luzon-Philippines), Nam Vang (Campuchia), Xiêm La (Thái Lan) hay Quảng Châu, Hương Cảng… Mặc dù không quá sôi nổi và không phải chuyến đi nào cũng thuận lợi thành công nhưng các chuyến vượt biển này đã góp phần không nhỏ trong việc mở mang mối quan hệ về chính trị, kinh tế, văn hóa của Đại Nam với các nước trong khu vực, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.

     Thông qua việc khảo cứu nguồn tư liệu gốc Châu bản triều Nguyễn và trực tiếp là Châu bản triều Minh Mệnh, bài viết sẽ làm rõ hơn vấn đề này.

Dẫn nhập

     So với nhiều nước trong khu vực, việc xúc tiến thương mại bên ngoài lãnh thổ của các triều đình phong kiến Việt Nam khá chậm chạp. Thực chất từ thế kỷ XI-XII các thương nhân của một số nước láng giềng đã đến trao đổi buôn bán với người Việt. Đáng kể nhất là các lái buôn người Trung Hoa đến từ Quảng Châu, Triều Châu, Phúc Kiến… số ít đi bằng đường bộ còn lại chủ yếu đi bằng đưòng biển. Hàng hoá họ mang đến cao cấp là các loại gấm, lụa, tơ, sa hay bình dân hơn là thuốc bắc, vải, bút, mực, giấy, kim, chỉ, khuy áo… họ mua về lâm thổ sản, hồ tiêu, cau khô, đường, sa nhân… Sau người Trung Hoa là người Nhật Bản cũng đến Việt Nam, họ chủ yếu buôn bán đồ đồng, vải bông, vũ khí, diêm sinh… Thế kỷ những người Tây Âu bắt đầu đặt mối quan hệ thương mại ở Đại Việt. Đầu tiên có lẽ là những nhà buôn người Bồ Đào Nha, tiếp đến là người Hà Lan, Ahh, Pháp. Họ chủ yếu đến bằng đường biển, hàng hoá đem đến thường là các loại vũ khí, đồ kim loại; hàng hoá mua về gồm tơ, lụa, vải thô, đồ gốm và các loại hàng nông sản. Tuy nhiên việc giao dịch thương mại vởi nước ngoài, đặc biệt là với Tây Âu càng về sau càng sa sút nhất là giai đoạn cuối thế kỷ vì nhiều lý do.

     Sang thế kỷ XIX các vua nhà Nguyễn ban đầu cũng không quá khắt khe đối với các thuyền buôn ngoại quốc khi đến trao đổi mậu dịch tại Việt Nam. Thậm chí vua Minh Mệnh còn bãi bỏ lệ cũ, giảm thuế cho các tàu buôn nước ngoài tại cảng khẩu để “tỏ lòng yêu mến người phương xa”. Ngay năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), nhà vua cho đổi định lại lệ thuế cảng cho các thuyền buôn nước ngoài (1). Thậm chí năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), nhà vua một lần nữa giảm thuế thuyền buôn ngoại quốc vào các cảng khẩu (2).

     Vì vậy chỉ tính riêng hai năm Minh Mệnh thứ 6 và 7 (1825-1826) đã có 84 tàu thuyền nước ngoài, với hơn một trăm lượt ra vào các cảng khẩu của Việt Nam. Trong đó có 77 thuyền của người Thanh, 6 tàu của Pháp và 1 tàu của Anh xin vào các cảng như cửa Lác (Nam Định), cửa Hội (Nghệ. An), cửa Đà Nẵng, cửa Đại Chiêm (Hội An), cửa Thị Nại (Quy Nhơn), cửa Vũng Lấm (Phú Yên), cửa Cần Giờ (Gia Định) để giao thương buôn bán (3). Theo báo cáo của Tổng trấn Bắc thành Lê Tông Chất từ tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) đến tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 5 (1824), việc thu thuế các thuyền buôn đến Bắc thành tổng cộng được 24.278 quan 5 mạch 42 văn (4). Bản tấu của tỉnh Hà Nội báo cáo về việc thu thuế thuyền buôn của nhà Thanh đến các cảng của Hà Nội năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) là 13.840 quan, trong đó một nửa thu bằng tiền là 6.934 quan, một nửa thu bằng bạc quy thành 2.302 lạng bạc. Tuy nhiên so với tiền thuế cảng của năm Minh Mệnh thứ 15 (1834) giảm 729 quan (5), bản tấu của Bộ Hộ căn cứ trên báo cáo của tỉnh Gia Định thì việc thu thuế tại các cảng khẩu của tỉnh ấy từ mồng 1 tháng 3 đến cuối tháng 12 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) là 31.496 quan (6).

     Các mặt hàng trong nước mang ra nước ngoài hoặc các thương nhân nước ngoài đến mua mang đi chủ yếu vẫn là lâm thổ sản, nông sản như quế, hồi, sa nhân, đậu khấu, hồ tiêu, yến sào, cau khô, đường cát. Ngoài ra có một số mặt hàng quý như sừng tê, ngà voi, trầm hương, kỳ nam thường do các thương nhân người Thanh có vốn lớn ký kết với triều đình để mang về Quảng Đông, Phúc Kiến, Ma Cao bán và mang trở lại các mặt hàng do triều đình đặt mua như trà, gấm đoạn, tơ vũ, vải nhuộm, đồ trang sức, đồ sứ kiểu, nhân sâm… Các mặt hàng quý như vàng, bạc, tiền đồng, kỳ nam, trầm hương, gạo, muối đều là những mặt hàng do nhà nước quản lý và kiểm soát việc buôn bán. Một số viên sứ bộ lợi dụng việc đi sứ nước ngoài tranh thủ mua về một số mặt hàng trong danh mục nhà nước quản lý cũng đều bị cấm. Thậm chí các đoàn sứ bộ trở về đều phải khai báo những hàng hóa đem về và triều đình cắt cử một hội đồng để kiểm tra, nếu đem theo hàng quý và hàng để buôn bán thì sẽ bị trích ra để hặc tội.

     Tuy nhiên, từ đời vua Tự Đức trở về sau, việc buôn bán với bên ngoài ngày càng bị hạn chế. Các cảng thị duy trì được mối quan hệ mậu dịch lâu dài với nước ngoài về sau chỉ còn Thăng Long, Đà Nẵng và Gia Định, các cảng còn lại dần thưa vắng các tàu buôn ngoại quốc. Nguyên nhân do các thủ tục thuế quan phiền hà, kinh tế trong nước giảm sút, nhất là sau khi Pháp và Tây Ban Nha chính thức nổ súng xâm lược vào năm 1858 thì việc các tàu buôn nước ngoài đến các cảng trong nước bị kiểm soát ngày càng gắt gao. Về sau do lo sợ người phương Tây nhòm ngó xâm lược, các giáo sĩ lợi dụng tàu buôn đến truyền đạo Gia tô, các thuyền trong nước ra nước ngoài buôn bán thường gặp cướp biển, một số thuyền đã lợi dụng buôn bán lén lút thóc gạo, nên việc thương mại mậu dịch với bên ngoài ngày càng thu hẹp và hạn chế. Các đội thuyền được cử ra nước ngoài cũng ít dần, mục đích các chuyến đi không còn mang tính thương mại mà chủ yếu là để tìm mua vũ khí. Ngay năm Tự Đức thứ nhất (1848), nhà vua đã xuống Dụ nêu rõ “người Tây dương không cho đến thông thương là để chặn lòng mọi rợ mà tôn cao thế nước” (7). Vì vậy, các tàu buôn của Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ đến xin giao dịch hầu hết đều bị từ chối, triều đình cũng không khuyến khích người dân buôn bán với người phương Tây.

1. Các chuyến vượt biển đến khu vực Đông Nam Á dưới thời Minh Mệnh

     Vua Minh Mệnh, vị Hoàng đế thứ 2 của vương triều Nguyễn, trị vì từ năm 1820 đến khi mất năm 1841, là vị vua năng động, quyết đoán, ham tìm hiểu, khát khao vươn ra làm chủ biển cả, vì vậy trong 21 năm trị vì, vua Minh Mệnh đặc biệt quan tâm đẩy mạnh hàng hải, xây dựng thủy quân và phòng ngự biển. Mặc dù kế thừa các đội binh thuyền tinh nhuệ của vua cha Gia Long nhưng vua Minh Mệnh vẫn luôn nhắc nhở quần thần rằng: Địa thế nước ta ở ven biển, vốn lấy thủy quân làm sở trường. Nhà Lê xưa không phòng thủy chiến, đến nỗi bại vong. Tây Sơn sau khi được nước cũng khinh thường không chịu thao luyện cho tinh, thủy quân của Hoàng khảo ta tiến một trận giặc liền tan vỡ, dư uy lừng lẫy, cũng vì cớ đó. Nay tuy gặp buổi thanh bình, thủy quân càng không thể coi thường được, nên phải thao diễn thường xuyên để ngày thêm tinh thục, cho tuần xét ngoài mặt biển để dẹp yên giặc biển, thế cũng là làm một việc mà được cả hai (8).

     Dưới thời Minh Mệnh, nhà vua cho tăng cường đóng thêm nhiều loại thuyền buồm bộc đồng lớn kiểu phương Tây để sử dụng cho việc vận tải biển với 6 chiếc loại lớn là Thụy Long, Linh Phượng, Phấn Bằng, Tường Hạc, Thần Giao, Tiên Li; 6 chiếc loại vừa là Thanh Loan, Kim Ưng, Vân Điêu mỗi hiệu thuyền 2 chiếc; 5 chiếc loại vừa hiệu chữ Dương là Thanh Dương, Bình Dương, An Dương, Định Dương, Tĩnh Dương; 10 chiếc loại nhỏ hiệu chữ Hải là Thanh Hải, Bình Hải, An Hải, Định Hải, Tĩnh Hải mỗi hiệu thuyền 2 chiếc và một số thuyền Tuần hải loại nhỏ.

    Thủy quân thời kỳ này cũng được chú trọng và tổ chức khá quy củ đặt thành 5 Vệ gồm Tiền, Trung, Hậu, Tả, Hữu; mỗi vệ lại chia thành 10 đội. Đứng đầu đặt chức Đô thống chưởng Phủ sự quản lãnh, Phó giúp việc có các Thống chế, dưới có các Vệ úy, Suất đội đứng đầu quản lãnh các vệ, đội. Lại chế cấp quan phòng bằng ngà cho Đô thống và Thống chế Thủy quân. Mỗi khi Thủy quân diễn tập hoặc chạy thử thuyền mới đóng nhà vua thường thân hành đến thao trường xem và ban thưởng cho quân sĩ.

     Với số lượng tàu thuyền đi biển khá hùng hậu và lực lượng thủy quân tinh nhuệ, thời vua Mình Mệnh nhiều chuyến vượt biển đến các nước trong khu vực đã đem lại những thành công nhất định cả về chính trị và thương mại. Năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), khi cử bọn Gai cơ Ngô Văn Trung và Tuần hải đô dinh Hoàng Trung Đồng chia ngồi hai thuyền hiệu Bình Ba, Định Lãng đi Hạ Châu, vua Minh Mệnh Dụ rằng: Chuyến đi này không phải để mua hàng hoá, chính là muốn biết núi sông phong tục nhân vật của nước ngoài. Bọn ngươi đến nơi phải xem kỹ la bàn, ghi chép rõ ràng cho biết phương hướng (9). Như vậy mục đích các chuyến đi không chỉ thuần túy mang tính thương mại mà còn với mục đích tìm hiểu các nước xung quanh.

     Tháng Giêng năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) cử các viên Chủ sự phủ Nội vụ Lê Mậu Nghi, Chánh đội trưởng Viện Thượng trà Hồ Đức Viện, Cai cơ Hồ Văn Khuê, Biên tu Viện Hàn lâm Nguyễn Đăng Uẩn phân phái đi trên các thuyền hiệu Bình Dương, Định Dương, Bình Ba, An Ba đi Hạ Châu và Giang Lưu Ba làm việc công. Ngày 14 ra khơi từ cửa Thuận An nhưng sau đó thuyền An Ba bỗng bị rò nước phải cập vào vũng La Gòn trấn Bình Định để sửa chữa, các thuyền khác tiếp tục đi. Tại bản tấu của Trấn thủ trấn Bình Định Nguyễn Văn Tài báo cáo về tình hình thuyền An Ba bị hỏng vua Minh Mệnh phê rằng: “Truyền bọn Nguyễn Văn Tài cố gắng sửa chữa thuyền cho chắc chắn rồi giao cho Lê Mậu Nghi lập tức đi Giang Lưu Ba công vụ. Trên đường nếu gặp được thuyền Bình Ba thì cùng đi, nếu đến Tân Gia Ba mà không thấy thuyền Bình Ba thì có thể cùng 2 thuyền Thụy Long, An Dương ở lại đó giải quyết cho xong công việc. Các ngươi chớ ngại khó khăn để lỡ công việc thì tội lỗi sẽ không nhỏ” (10).

     Ngày 11 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) lại cử Nguyễn Văn Phong, Dương Công Trung, Lê Quang Quỳnh quản lãnh 2 thuyền Thụy Long, An Dương ra khơi từ cửa Đà Nẵng đi Hạ Châu (Tân Gia Ba) làm việc công. Ngày 16 tháng 6 hai thuyền Thụy Long, An Dương đã hoàn thành nhiệm vụ trở về và đã có báo cáo tường trình về kết quả chuyến đi (11).

     Năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) tháng Giêng, phụng chỉ phái 2 thuyền Bình Dương, Tĩnh Ba đi Hạ Châu. Theo báo cáo của các viên Đoàn Tông Dưỡng, Hoàng Trung Đồng về lịch trình chuyến đi, ngày 25 các thuyền ấy ra khơi từ cửa Đà Nẵng, ngày 13 tháng 2 đã đến Tân Gia Ba. Nơi đó thương nhân có nhu cầu mua các loại chì đen, trong đó loại kết sỏi cứ 100 cân giá bạc là 7 đồng 5 hào, chưa luyện là 7 đồng 2 hào 5 phân; loại tấm cứ 100 cân là 8 đồng hoặc 7 đồng 9 hào. Công việc buôn bán dự định ngày 1 tháng 3 xong sẽ tiếp tục đến đảo Tân Lang (12). Chuyến đi đều thuận lợi, quan binh trên thuyền đều mạnh khỏe, bình an (13).

     Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) tháng Giêng, phụng chỉ phái 15 người đi 3 thuyền lớn là Thụy Long, Uy Phượng, Tĩnh Ba đến Hạ Châu thao diễn thủy thủ. Ngày 13 tháng Giêng ra khơi từ cửa Đà Nẵng, ngày 17 đến vịnh Vị Nê (14) thả neo đợi thuyền Tĩnh Ba vào trấn Quảng Ngãi nhận hàng sau đó cùng đi. Chuyến đi này ngoài việc tập duyệt hành trình đi biển còn mang theo 20 vạn cân đưòng cát, 848 cân tơ sống để mang đi bán. Tháng 3 sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, 3 thuyền đã trở về nước an toàn và đã có bản tấu trình lên Hoàng thượng (15).

    Tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) lại chuẩn cho các viên Viện sứ Viện Thượng tứ chuyên quản Vệ Kiêu kị Nguyễn Trọng Tính cùng các viên Vệ uý Trần Văn Lễ, Phó Vệ uý Đoàn Tông Dưỡng, Cai cơ Thự Phó vệ uý quản lĩnh quân lính các đội Dực Võ Nguyễn Văn Tình phân phái đi 3 chiếc thuyền lớn là Uy Phượng, Phấn Bằng, Tĩnh Ba đến các nơi ở Hạ Châu thao diễn thủy thủ, đồng thời tiện thể mang theo đơn mua hàng của Phủ Nội vụ chọn mua các loại hàng hoá cho triều đình, hạn tháng 5 năm tới phải chở về Kinh nộp (16).

     Tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 9 (1828) sai bọn Thị vệ Tôn Thất Nghị, Tu soạn Nguyễn Tri Phương, Tư vụ Lê Nguyên Đản theo các thuyền Thụy Long, Thanh Ba đến các nơi ỗ Lữ Tông, Quảng Đông làm việc công (17).

     Ngày 10 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) phụng chỉ phái thuyền Thanh Hải khởi hành từ vịnh Vị Nê trấn Bình Thuận, các thuyền Phấn Bằng, Định Dương khởi hành từ cửa Đà Nẵng đi công tác Hạ Châu. Ngày 28 tháng 2 các thuyền đến Tân Gia Ba, ngày 23 tháng 3 công việc xong thuyền Thanh Hải nhổ neo trở về, các thuyền Phấn Bằng, Định Dương sau đó thuận buồm đến Tiểu Tây Dương (18) tiếp tục công vụ (19). Tháng 8 lại sai các viên quyền lãnh Vệ uý Tả thủy Đoàn Dũ, Tu soạn Nội các Đào Trí Phú đi thuyền lớn Uy Phượng đến Lữ Tống làm việc công. Tuy nhiên lúc đó gặp mùa gió ngược không tiện đi thuyền về phía Đông, vua cho đổi phái đi về phía Nam đến Giang Lưu Ba.

     Năm Minh Mệnh 12 (1831) phái Hàn lâm viện Thừa chỉ Trương Văn Uyển và Thị vệ Tôn Thất Bật đi thuyền Bình Hải đến Hạ Châu. Lại phái các viên Thủy quân Vệ uý Trần Văn Lễ, Phó vệ uý Phan Văn Mẫn, Đoàn Khác, chia nhau đi các hiệu thuyền Uy Phượng, Thanh Dương và Bình Dương đến Giang Lưu Ba làm việc công.

     Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) phái các viên Thự Phó vệ uý vệ Trung thủy Đoàn Khác, Thự Lang trung Nội vụ phủ Nguyễn Tri Phương, Tư vụ Lý Văn Phức đi thuyền Định Dương đến Lữ Tống. Phái Thành thủ uý Nguyễn Đăng Huyên đi thuyền lớn Định Dương đến Tân Gia Ba công vụ. Lại phái các viên Phó vệ uý vệ Tiền thủy Phan Văn Mẫn, Phó vệ uý vệ Hậu thủy Nguyễn Tiến Khoan, Phó vệ uý vệ Hữu thủy Nguyễn Văn Chất cùng các viên bị cách chức chuộc tội là Hoàng Văn Đản, Phan Huy Chú, Trương Hảo Hợp chia nhau đi 3 chiếc thuyền lớn Phấn Bằng, Thụy Long, An Dương đi công cán Giang Lưu Ba (20).

     Năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) sai Suất đội Thủy quân Lê Văn Nhiêu quản lãnh thuyền Bình Dương sang Tân Gia Ba làm nhiệm vụ.

     Năm Minh Mệnh 15 (1834), phái các viên Cai đội Nguyễn Lương Huy, Chủ sự Lý Văn Phức quản lãnh các thuyền hiệu Định Dương, Thanh Dương đi công cán Hạ Châu. Lại phái các viên Phó Vệ uý Phạm Phú Quảng, Trần Công Chương, Cai đội Phạm Văn Phạt đem các viên bị cách chức là Đỗ Tuấn Đại, Nguyễn Danh Giáp, Nguyễn Công Liên chia nhau đi các thuyền lớn Linh Phượng, Thanh Loan, Phấn Bằng đến công cán Giang Lưu Ba, Lữ Tống và Hạ Châu (21).

     Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), phái thuyền Phấn Bằng đi công vụ ở Lữ Tống. Lại phái các thuyền Linh Phượng, Bình Dương đi Giang Lưu Ba mang theo 43 vạn 3000 cân đường cát để bán (22).

    Năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), sai các viên Phó vệ uý Thủy quân Đoàn Khác, Thự Viên ngoại lang Bộ Hộ Trần Viết Xướng cai quản biền binh. Thủy quân đáp thuyền lớn Thanh Loan đi Giang Lưu Ba công vụ. Lại phái Thị lang Nội các Nguyễn Tri Phương, Quản Thị vệ Vũ Văn Giải đem theo các viên bị cách hiệu lực là Trần Danh Bưu, Hoàng Công Tài chia đi các thuyền hiệu Thụy Long, Linh Phượng, Vân Điêu, Thanh Loan đến các nơi Giang Lưu Ba, Tân Gia Ba và Hòn Cau làm việc công. Đồng thời chuẩn định thể lệ các thuyền hiệu phái đi đường biển được lắp đặt súng đạn. Trong đó 2 thuyền Thụy Long, Linh Phượng mỗi thuyền được đặt 6 cỗ pháo quá sơn, 10 cỗ pháo chấn hải và tăng cường cho mỗi thuyền 6 lính pháo thủ. Hai thuyền Vân Điêu, Thanh Loan, mỗi thuyền đặt 4 cỗ đại bác, 6 cỗ pháo quá sơn, 6 cỗ pháo chấn hải, mỗi thuyền 4 lính pháo thủ cùng đầy đủ đạn dược (23).

     Năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), sai các viên Thự Thị lang phủ Nội vụ Lê Bá Tú, Lang trung Nguyễn Tri Phương, Hiệp lãnh Thị vệ Vũ Văn Trí, chia nhau quản lãnh các hiệu thuyền Phấn Bằng, Thụy Long, Linh Phượng đi làm việc công ở Bột Nê (24), Giang Lưu Ba và Hạ Châu (25).

     Năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) cử 5 thuyền An Dương, Thụy Long, Phấn Bằng, Tiên Li, Linh Phượng thao diễn hành trình đi biển đồng thời mang 150 vạn cân đường cát của 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đến Hạ Châu, Bột Nê, Giang Lưu Ba bán để đổi lấy hàng hóa đem về. Trong đó thuyền An Dương chở 10 vạn cân, thuyền Thụy Long chở 39 vạn 6 nghìn cân, thuyền Phấn Bằng chở 35 vạn cân, thuyền Tiên Li chở 22 vạn cân, thuyền Linh Phượng chở 24 vạn 9 nghìn 4 trăm cân. Ngày 2 tháng Giêng thuyền Thụy Long ra khơi từ tấn Vị Nê đi Bột Nê và Tân Gia Ba, ngày mồng 3 thuyền Linh Phượng ra khơi từ tấn Thi Nại đi Giang Lưu Ba, ngày 18 thuyền Phấn Bằng ra khơi từ tấn Đà Nẵng đi Hạ Châu. Giá đường cát bán tại Hạ Châu lúc đó là 4 đồng 7 hào 100 cân. Thuyền Linh Phượng đến Giang Lưu Ba sau khi bán hết đường cát đã mua về 11 sấp lụa các màu. Các thuyền sau khi hoàn thành nhiệm vụ đều đã trở về an toàn và được hậu thưởng (26). Tháng 11 lại cử 2 thuyền hiệu Thụy Long, Phấn Bằng đi đến Giang Lưu Ba, mỗi thuyền mang theo 1000 cân cánh kiến tía để bán đổi lấy hàng hóa (27).

     Năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) cử thuyền Thụy Long đi Giang Lưu Ba, thuyền Phấn Bằng đi Tam Ba Lăng (28), thuyền Linh Phượng đi Tiểu Tây Dương; các thuyền Tiên Li, Tường Hạc đi Hạ Châu. Nhưng thuyền Tiên Li vừa ra khỏi tấn Thuận An thì bị sóng gió gãy mất lái thuyền bằng đồng, tạm đỗ lại cửa ải Hải Vân, vua biết tin lập tức sai binh thuyền của Thủy sư đến nơi dắt vào vũng, rồi đổi phái thuyền Thần Giao đi thay (29).

     Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) phái Tham tri Đào Chí Phú, Viên Ngoại lang Phan Hiển Đạt, Tư vụ Nguyễn Trực Phương hạ tuần tháng 11 đáp thuyền Thanh Loan tới Giang Lưu Ba và Ba Ba Lăng. Lại phái Lang trung Lê Văn Thu, Chủ sự Nguyễn Văn cảnh, Tư vụ Nguyễn Công Dao trung tuần tháng 12 đáp thuyền Thụy Long đi Tân Gia Ba. Hai thuyền đó đều thao diễn hành trình đi biển đồng thời mang theo đơn hàng của Phủ Nội vụ để mua sắm (30).

     Có thể nói, trong suốt 21 năm trị vì, vua Minh Mệnh rất quan tâm đến công tác hàng hải như đóng thêm nhiều thuyền bọc đồng loại lớn, cũng cố lực lượng thủy quân, trang bị thêm nhiều súng pháo cho các thuyền đi biển, thường xuyên cho thao diễn tập luyện hành trình đi biển kết hợp việc buôn bán trao đổi hàng hóa. Ngoài việc khuyến khích tàu thuyền nước ngoài vào buôn bán, hầu như năm nào nhà vua cũng cử các đội thuyền trong nước ra nước ngoài công cán, thậm chí có năm cử nhiều lần và nhiều thuyền đi không chỉ các nước trong khu vực Đông Nam A mà còn đến các nơi khác như Tiểu Tây Dương hay Quảng Châu, Hương cảng… Vua Minh Mệnh cũng quy định mới lệ thuế cho các thuyền tư nhân đi buôn bán với nước ngoài (31), đặt lệ thưởng phạt quan binh được cử theo thuyền nhà nước đi công cán (32), khuyến khích quần thần tìm hiểu phong tục đời sống các nước xung quanh, học hỏi các kỹ thuật mới tân tiến của phương Tây đặc biệt trong lĩnh vực đóng tàu biển. Vì vậy có thể khẳng định đây là giai đoạn hoạt động hàng hải nói chung và thương mại biển nói riêng rất phát triển dưới thời nhà Nguyễn.

     Chú thích:

     (1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, bản dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2006, tập 2, trang 101 (Lệ cũ, thuyền buôn Mã Cao và các nước phương Tây đến buôn bán cũng đánh thuế như thuyền buôn Quảng Đông, cứ lấy thước tấc bề rộng các thuyền mà thu khác nhau. Vua muốn tỏ lòng yêu mến người phương xa, sai Đình thần bàn định phân biệt, theo ngạch cũ mà khoan giảm. Như đến buôn bán ở Gia Định, thuyền các phủ Quảng Châu, Thiều Châu, Huệ Châu, Triệu Khánh; châu Nam Hùng; các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang; Mã Cao và các nước phương Tây, rộng 25 thước đến 14 thước, mỗi thước tiền thuế 140 quan (lệ trước 160 quan); 13 thước đến 11 thước, mỗi thước 90 quan; 10 thước đến 9 thước, mỗi thước 70 quan; 8 thước đến 7 thước, mỗi thước 35 quan (lệ trước từ 13 đến 7 thước, mỗi thước 100 quan).

     (2) Các thuyền buôn đến Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, thuế giảm đi 4/10, đến Quảng Ngãi, Thanh Hoa, Nghệ An giảm 3/10, đến Bình Thuận, Bình Hoà, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Bắc Thành giảm 2/10. Duy trước đây thuyền ngang từ 26 thước trở lên, chưa có định ngạch, nay định rõ: bề ngang từ 26 đến 29 thước thuyền của Quảng Châu cho đến các nước Tây dương, mỗi thước tiền thuế 160 quan; bề ngang từ 30 thước đến 36 thước, mỗi thước tiền thuế 180 quan; thuyền của Triều Châu, mỗi thước 130 quan. Nếu đến buôn bán ở Kinh và các thành trấn, đều chiểu lệ thuế giảm dần (Đại Nam thực lục chính biên (đã dẫn),tập 3, trang 157).

     (3) Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập 2, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1998, (thống kê từ nội dung).

     (4) Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cơ sở dữ liệu, Châu bản triều Minh Mệnh,tập 9, tờ 175-176.

     (5) Châu bản triều Minh Mệnh (đã dẫn), tập 58, tờ 26-27.

     (6) Châu bản triều Thiệu Trị (đã dẫn), tập 13, tờ 188.

     (7) Đại Nam thực lục chính biên (đã dẫn), tập 7, trang 100.

     (8) Đại Nam thực lục chính biên (đã dẫn), tập 3, trang 136.

     (9) Đại Nam thực lục chính biên (đã dẫn), tập 2, trang 216.

     (10) Châu bản triều Minh Mệnh (đã dẫn), tập 11, tờ 32-33.

     (11) Châu bản triều Minh Mệnh(đã dẫn), tập 11, tờ 55-56; tập 13, tờ 52.

     (12) Đảo Tân Lang một hòn đảo thuộc bờ Tây bán đảo Malaisia.

     (13) Châu bản triều Minh Mệnh (đã dẫn),tập 15, tò 125.

     (14) Vịnh Vị Nê tức Mũi Né nay thuộc tỉnh Bình Thuận.

     (15) Châu bản triều Minh Mệnh (đã dẫn), tập 21, tờ 48-50.

     (16) Châu bản triều Minh Mệnh (đã dẫn), tập 25, tờ 210-211.

     (17) Đại Nam thực lục chính biên (đã dẫn), tập 2, trang 735.

     (18) Tiểu Tây Dương tức Ấn Độ.

     (19) Châu bản triều Minh Mệnh (đã dẫn), tập 41, tờ 248-249.

     (20) Đại Nam thực lục chính biên (đã dẫn), tập trang 308, 405, 423.

     (21) Đại Nam thực lục chính biên (đã dẫn), tập trang 29, trg 404.

     (22) Châu bản triều Minh Mệnh (đã dẫn), tập 54, tờ 66-74; tập 62, tờ 14.

     (23) Đại Nam thực lục chính biên (đã dẫn), tập trang 1052.

     (24) Bột Nê tức đảo Borneo nằm phía Nam của biển Đông, hiện nay thuộc chủ quyền 3 nước Brunei, Indonesia, Malaisia.

      (25) Đại Nam thực lục chính biên (đã dẫn), tập 5, trang 213.

     (26) Châu bản triều Minh Mệnh (đã dẫn), tập 66, tờ 13-14; tập 67, tờ 145-146.

     (27) Châu bản triều Minh Mệnh (đã dẫn), tập 74, tờ 56-57.

     (28) Tam Ba Lăng hay Ba Ba Lăng tức đảo Tambelan thuộc quần đảo Nam Dương (Indonesia).

     (29) Đại Nam thực lục chính biên (đã dẫn), tập 5, tr.606.

     (30) Châu bản triều Minh Mệnh (đã dẫn), tập 80, tờ 45.

     (31) Định rõ lệ thuế thuyền buôn Nam Kỳ đi buôn ở thành Trấn Tây, Gia Long năm đầu định lệ thuyền đi buôn ở Nam Vang chia làm 3 hạng, theo hạng đánh thuế (hạng nhất mỗi thứ tiền thuế 210 quan, hạng nhì 140 quan, hạng ba 70 quan), không lấy thước tấc bề ngang lòng thuyền làm chuẩn, chở hàng không có hạn lượng. Nay định lại thuế thuyền hạng nhất mỗi thứ tiền thuê 200 quan, hạng nhì 150 quan, hạng ba 100 quan. Tha lệ nộp da nai cho thuyền buôn Gia Định đi buôn ở Nam Vang. (Lệ trước thuyền đi buôn về, thuyền hạng nhất nộp 45 tấm da nai, hạng nhì 30 tấm, hạng ba 15 tấm; không có da thì nộp thay mỡ bò, thuyền hạng nhất 30 cân, hạng nhì 20 cân, hạng ba 10 cân). Vua thấy thuyền buôn đã có ngạch thuê nên miễn cho (Đại Nam thực lục chính biên (đã dẫn),tập 2, trang 440; tập 5, trang 58).

      (32) Các viên được phái đi công cán, như đến Giang Lưu Ba 1 lần, Chánh biện quan Nhị, Tam phẩm thưởng cho mỗi người 30 đồng bạc, đều lĩnh trước tiền lương 60 quan; Phó biện Tứ, Ngũ phẩm 20 đồng, lĩnh trước tiền lương 30 quan; Tùy biện Tứ, Ngũ phẩm trở xuống 10 đồng, lái thuyền 6 đồng, phu lái 5 đồng, Thông ngôn 10 đồng, Thái y 3 đồng. Các viên được phái đi Hạ Châu 1 lần, Chánh biện Tam phẩm thưởng cho mỗi người 25 đồng, đều lĩnh trước tiền lương 30 quan; Phó biện Tứ, Ngũ phẩm 12 đồng; Tuỳ biện Ngũ phẩm trở xuống 6 đồng, lái thuyền 5 đồng, phu lái 4 đồng, Thông ngôn 7 đồng, Thái y 2 đồng… Lại chuẩn định quan ở Kinh được phái đi ngoại quốc, như Đại tây, Tiểu tây đường đi rất xa trước khi khởi trình đều cho nghỉ việc 20 hôm; đi Lữ Tống, Giang Lưu Ba, Tam Ba Lăng đường đi hơi xa cho nghỉ việc trước 15 hôm; đi Tân Gia Ba, Hạ Châu đường đi hơi gần cho nghỉ việc trước 10 hôm để sửa soạn trước kỳ đi. Ngày xong việc trở về nơi rất xa cho nghỉ 15 hôm, nơi hơi xa 10 hôm, nơi gần 5 hôm, để nghỉ ngơi, hết hạn nghỉ lại làm việc như cũ. Hàng hóa cũng tùy thuộc vào nơi mua và số lượng, chất lượng hàng mua được để khen thưởng (Đại Nam thực lục chính biên (đã dẫn), tập 5, trang 400-401).

Nguồn: Nghiên cứu Lịch sử. ISSN.0866-7497, 3(503), năm 2018

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Các chuyến vượt biển đến khu vực Đông Nam Á dưới thời Minh Mệnh – Qua tư liệu Châu bản triều Nguyễn (Tác giả: ThS. Nguyễn Thu Hoài)