Các hệ đơn vị đo kích thước Việt Nam cổ xưa (Phần 2)

Tác giả bài viết: KIẾN CẬN1

Hình 1Thước tầm (Thước thợ Cả) Việt Nam cổ xưa
được khắc trên các đòn dông mái nhà cổ

     Các đơn vị kích thước xưa được sử dụng ở Việt Nam trong thời kỳ cổ xưa (từ thời Nhà Lê thế kỷ thứ 11) trước khi có đơn vị đo thống nhất quốc tế Mét2:

Đơn vị đo kích thước Việt Nam cổ xưa thời nhà Lê

      Theo Sách hướng dẫn của Văn phòng Cân đo Quốc tế 3 (BIPM), Hệ thống đơn vị đo kích thước Việt Nam cổ xưa đều theo hệ thập phân, bao gồm :

Trượng ( 丈 ) = 4m; Ngũ ( 五 ) = 2m (1/2 Trượng);
    (Có một số địa phương sử dụng Trượng = 4,7m)

Thước (Xích) ( 尺 ) = 40cm (1/10 Trượng);
    (Có một số địa phương sử dụng Thước = 47cm)

Tấc (Túc) ( 𡬷 ) = 4cm (1/10 Thước);

Phân (Phấn) ( 分 ) = 4mm (1/10 Tấc);

Ly ( 釐 ) = 0,4mm (1/10 Phân);

Hào ( 毫 ) = 0,04mm (1/10 Ly);

Ti ( 絲 ) = 4 µm (1/10 Hào, 4 phần triệu mét);

Hốt ( 忽 ) = 0,4 µm (1/10 Ti);

Vi ( 微 ) = 00,4 µm (1/10 Hốt).

     Vào thời nhà Lê, người ta sử dụng thước Điền xích = 47cm; theo Học giả NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU4 thì Điền xích (Trường xích) bằng 0,466m.

      Theo Từ điển tiếng Việt (HOÀNG PHÊ 5, NXB Khoa học Xã hội Hà Nội, 1988, trg. 1093), Trượng (Xích) của Trung Quốc cổ = 3,33m; Dặm (Từ điển tiếng Việt, tr. 264)  = 444,44m. Theo Từ lâm Hán Việt từ điển (VĨNH CAO NGUYỄN PHỐ, NXB Thuận Hóa, Huế, 2001, trg. 1368), dặm = 576m (hay 1800 Xích /thước Trung Quốc cổ); (Công lý) = 3125 Xích (thước Trung Quốc cổ) = 1 km; Thị lý = 1562,55 Xích.

      Có sự chênh lệch khác biệt! là vì trước khi Hệ Mét ra đời (năm 1889), mỗi quốc gia đều dựa vào chuẩn đơn vị đo khác nhau (ví dụ như người Thái dùng Cum = một nắm tay; người Anh dùng Inch = một ngón tay, Foot = một bàn chân; người Nga cổ dùng Acsin = một sải tay; người Nhật dùng Tatami = một chỗ ngồi cho 2 người ngồi uống trà đạo; người An Nam xưa dùng Thước tầm = một cẳng tay của ông thợ cả; người Chăm dùng Cagam = một gang tay, …, v.v…; nói chung, tất cả đều từ bộ phận cơ thể của con người)6.

     MỜI XEM:  HỆ ĐƠN VỊ ĐO kích thước trước Mét & sau Mét

     Đơn vị đo Diện tích :

+  1 mẫu = 10 sào = 3600 m²;

+  1 sào = 10 miếng = 360 m²;

+  1 miếng = 1,5 thước = 36 m²;

+  1 thước = 24 m² = 10 tấc (thốn);

+  1 tấc = 2,4 m² = 10 phân;

+  1 phân  = 0,24 m² = 1,5 ô;

+  1 ô = 0,16 m² = 10 khấu.

     Còn theo Trung Hoa cổ thì :

+  1 Trượng ( 市 丈, zhang) = 2 bộ = 3,33 m;

+  1 bộ ( 步, bu) = 5 xích = 1,66 m;

+  1 xích ( 市 尺, chi) = 10 thốn = 1/3 m = 33,33 cm;

+  1 thốn ( 市 寸, cun) = 10 phân = 3,33 cm;

+  1 phân ( 市 分, fen) = 10 li = 3,33 mmi;

+ 1 li ( 市 厘, li) = 10 hào = 1/3 mm = 333,3 µm.

      Ngoài ra, còn có các đơn vị đo Thể tích, Khối lượng, Thời gian, …, v.v… – có thể tham khảo thêm qua Bài “Hệ đo lường cổ Việt Nam“.

Đơn vị đo kích thước Việt Nam cổ xưa thời nhà Nguyễn

     Hệ đơn vị đo kích thước Việt Nam cổ xưa thời nhà Nguyễn có 3 loại chính :

Thước may Phùng xích (59,8 ~ 64,2cm):  hệ thước đo vải (Phùng xích hay Quan Phùng xích);

Thước ruộng Điền xích (40 ~ 47cm):  hệ thước đo ruộng đất (Điền xích hay Độ Điền xích);

Thước mộc Mộc xích (29,8 ~ 42,1cm):  hệ thước thợ mộc xây dựng – còn gọi là Thước ta, Thước Tầm (Quan mộc xích hay Mộc xích).

Bảng thống kê các loại thước còn được lưu trữ

Bảng Thống kê các loại Thước cổ xưa còn được lưu trữ
(Nguồn: TS. PHAN THANH HẢI 7)

     Thước Thợ may (Thước đo vải 59~60cm)

      Theo các nghệ nhân nghề dệt truyền thống, Thước may được hình thành và phụ thuộc vào khuôn khổ của khung cửi dệt cổ truyền. Thước may dài 1m Tây (100cm); trên 3 mặt của Thước mayThước Kinh xích, Chu Nguyên xích và Phùng xích – có khắc 3 đơn vị đo kích thước khác nhau. Thước Phùng xích dài 59,8cm # 60cm. Di vật Thước may của Bộ Công8 triều Nguyễn còn lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (xem ảnh).

     Theo các bác thợ may lão thành vùng Huế, Thước may có thể dao động từ 60~65cm; thước cổ thường dài khoảng 64~65cm, còn những cây thước về sau thì dài khoảng 60cm.

Hình 2Thước Thợ May ở Bảo Tàng Mỹ thuật Cố đô Huế
(Nguồn: FB Ỷ Vân Hiên)

     Thước ruộng (Thước đo ruộng đất 40~47cm)

      Vua Gia Long (1806) đã sai chế ra thước Trung Bình xích (47cm) và áp dụng đến năm 1810.

     Từ sau 1810, Thước Kinh9 (Kinh xích 47cm) – được chế tạo theo mẫu thước của triều Lê (di vật của người dân ở xã Cổ Linh, huyện Gia Lâm) được sử dụng làm thước chuẩn để đo đạc ruộng đất trên toàn quốc.

     Từ năm 1867, Thước Kinh chỉ còn áp dụng ở Bắc KỳTrung Kỳ; Nam Kỳ bị thực dân Pháp chiếm nên sử dụng Thước Tây (thước hệ Mét).

     Đến năm 1898, Thước Kinh (47cm) chỉ còn áp dụng ở Trung Kỳ 10. Ở Bắc Kỳ được áp dụng Thước Kinh ‘cải biên’ (40cm) theo Nghị định ngày 2/6/1897 11 của Toàn quyền PAUL DOUMER 12.

     Thước Thợ Mộc (Thước Ta, Thước Tầm)

      Thước Mộc gồm có 3 loại :

Thước Kinh (Kinh xích) đo độ dài;

Thước nghề đo góc vuông;

Thước Lỗ Ban, Thước Chu Nguyên (hệ tín ngưỡng).

Hình 3 Thước Chu Nguyên Xích, Kinh Xích ở Bảo Tàng Mỹ thuật Cố đô Huế
(Nguồn: FB Ỷ Vân Hiên)

     Thước Kinh (Kinh xích) đo độ dài

     Thước Kinh (Kinh xích 42,4 ~ 42,5cm) dùng để đo độ dài của cột, kèo, khoảng cách giữa các khu vực vào đầu thời Nguyễn.13

     Thước nghề

     Thước nghề có nhiều loại: Thước Đinh, Thước Sàm, Thước Vuông, Thước Nách, … phục vụ cho người thợ mộc trong quá trình thao tác kỹ thuật14.

     Thước Lỗ Ban

      Thước Lỗ Ban15 là thước mà người thợ mộc xưa dùng để đo kích thước nhà cửa, phòng ốc, đình viện, giường phòng, khí cụ, …

     Hiện nay có 2 loại Thước Lỗ Ban được lưu truyền không chỉ ở nước ta mà còn ở cả Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông  (in trên mặt sau của các thước sắt cuốn do Đài Loan sản xuất được bán phổ biến trên thị trường) :

Bát môn xích (Thước trực 8, Dương trạch);

Thập môn xích  (Thước trực 10, Âm phần);

Chu Nguyên xích (Thước trực 8, Dương trạch).

     Bát môn xích (Thước trực 8, Dương trạch, đo bộ phận nhà)

     Bát môn xích dài 42,8cm, được chia ra 8 trực (Tài, Bệnh, Li, Nghĩa, Quan, Chấp, Hại, Bản). Mỗi trực (5,35cm) lại chia thành 4 phần; mỗi phần khắc tên 2 chữ :

+  Trực TÀI (Tài Đức, Bửu Khố, Lục Hợp, Nghênh Phúc);

+  Trực BỆNH (Thoái Tài, Công Sự, Tể Chấp, Cô Quả);

+  Trực LY (Trường Bệnh, Kiếp Tài, Quan Quỉ, Thất Thoát);

+  Trực NGHĨA (Thiêm Đinh, Ích Lợi, Quý Tử, Đại Cát);

+  Trực QUAN (Thuận Lợi, Hoành Tài, Tấn Ích, Phú Quý);

+  Trực CHẤP (Tử Biệt, Thoái Khẩu, Li Hương, Tài Thất);

+  Trực HẠI (Linh Chí, Tử Tuyệt, Bệnh Lâm, Khẩu Thiệt);

+  Trực BẢN (Tài Chí, Đăng Khoa, Tấn Bửu, Hưng Vượng).

     Thập môn xích  (Thước trực 10, âm phần, đo bàn thờ, mộ phần)

     Thập môn xích dài 38,8cm, được chia ra 10 trực (Đinh, Hại, Vượng, Khổ, Nghĩa, Quan, Tử, Hưng, Thất, Tài). Mỗi trực (3,88cm) chia thành 4 phần; mỗi phần khắc tên 2 chữ :

+  Trực ĐINH (Phúc Tinh, Cập Đệ, Tài Vượng, Đăng Khoa);

+  Trực HẠI (Khẩu Thiệt, Bệnh Lâm, Tử Tuyệt, Linh Chí);

+  Trực VƯỢNG (Thiên Đức, Hỉ Sự, Tấn Bửu, Nạp Phúc);

+  Trực KHỔ (Thất Thoát, Quan Quỷ, Chấp Tài, Vô Tự);

+  Trực NGHĨA (Đại Cát, Tài Vương, Ích Lợi, Thiên Khố);

+  Trực QUAN (Phú Quý, Tấn Bửu, Hoành Tài, Thuận Khoa);

+  Trực TỬ (Li Hương, Tử Biệt, Thối Đinh, Thất Tài);

+  Trực HƯNG (Đăng Khoa, Quý Tử, Thiêm Đinh, Hưng Vượng);

+  Trực THẤT (Cô Quả, Tể Chấp, Công Sự, Thối Tài);

+  Trực TÀI (Nghênh Phúc, Lục Hợp, Tấn Bửu, Tài Đức).

     Chu Nguyên xích (Thước trực 8, dương trạch, đo khoảng thông thuỷ)

     Thước Chu Nguyên dài 52,2cm, được chia ra 8 trực (Quý Nhân, Hiểm Hoạ, Thiên Tai, Thiên Tài, Nhân Lộc, Cô Độc, Thiên Tặc, Tể Tướng). Mỗi trực (6,53cm) chia thành 5 phần; mỗi phần khắc tên 2 chữ :

+  Trực QUÝ NHÂN (Quyền Lộc, Trung Tin, Tác Quan, Phát Đạt, Thông Minh);

+  Trực HIỂM HOẠ (Ác Thành, Hỗn Nhân, Thất Hiếu, Tai Hoạ, Trường Bệnh);

+  Trực THIÊN TAI (Hoàn Tử, Quan Tài, Thân Tàn, Thất Tài, Hệ Quả);

+  Trực THIÊN TÀI (Thi Thơ, Văn Học, Thanh Quý, Tác Lộc, Thiên Lộc);

+  Trực NHÂN LỘC (Trí Tồn, Phú Quý, Tiến Bửu, Thập Thiên, Văn Chương);

+  Trực CÔ ĐỘC (Bạc Nghịch, Vô Vọng, Ly Tán, Tửu Thục, Dâm Dục);

+  Trực THIÊN TẶC (Phong Bệnh, Chiêu Ôn, Ôn Tài, Ngục Tù, Quang Tài);

+  Trực TỂ TƯỚNG (Đại Tài, Thi Thơ, Hoạch Tài, Hiếu Tử, Quý Nhân);

      Cũng có loại Bát môn xích dài 28,4cm hoặc 43,9cm hoặc 56cm (như Thước Chu Nguyên xích được lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế) hoặc 46cm (Thước Môn XíchBắc Kinh dài 46cm (rộng 5,5cm, dày 1,36cm), có 8 trực: Tài Đại Tinh, Bệnh Thổ Tinh, Li Thổ Tinh, Nghĩa Thủy Tinh, Quan Kim Tinh, Chấp Hỏa Tinh, Hại Hỏa Tinh, Cát Kim Tinh; 2 mặt bên của thước có khắc các câu về cát, hungđiều tốt xấu) 16

     CHÚ THÍCH :

     1KIẾN CẬN, bút danh của ThS. KTS. NGUYỄN HỮU TRÍ, nguyên Trưởng Khoa Khoa Kiến Trúc Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (2010-2016).

    2Hệ Mét:  Đơn vị đo quốc tế được Hội nghị Đo lường năm 1790 ban hành. Mẫu thước Mét bằng bạch kim vẫn còn được lưu trữ tại Viện Bảo tàng Đo lường Thụy Sĩ hiện nay.

     MỜI XEMSự ra đời của Hệ Mét.

     3: Văn phòng Cân đo Quốc tế BIPM (Bureau International des Poids et Mesures /tiếng Pháp, hay International Bureau of Weights and Measures /tiếng Anh) được thành lập vào ngày 20/5/1875 để duy trì sự thống nhất quốc tế Hệ đo lường quốc tế SI theo Công ước Mét. Văn phòng BIPM Trụ sở tại Pavillon de Breteuil, Sèvres, Pháp.

     4NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU (12/3/1920, phố Hàng Giấy, Hà Nội – hiện sống tại Tp.HCM), là nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực địa lý, lịch sử Việt Nam. Ông tốt nghiệp Cử nhân ngành Khoa học-Xã hội tại Trường Đại học Công giáo Paris (Institut Catholique de Paris, năm 1953) và là người say mê nghiên cứu các bản đồ cổ Việt Nam. Ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Sử học Việt Nam và là tác giả của hàng trăm sách đã xuất bản và nhiều bài báo bằng 3 ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh. Ông được trao các Giải thưởng Trần Văn Giàu năm 2005 cho công trình Nghiên cứu địa bạ và ruộng đất triều Nguyễn, Giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2008, Giải thưởng về nghiên cứu đầu tiên), Kỷ niệm chương Đại đoàn kết.

     5HOÀNG PHÊ (5/7/1919, làng Bảo An, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam /xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam ngày nay – 29/1/2005, 86 tuổi)nhà từ điển học, chuyên gia về chính tả tiếng Việt.

     Thuở nhỏ, ông học ở quê, rồi học ở Hội An, Huế, Sài Gòn. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp (năm 1945) Hà Nội, Việt Bắc. Ông là cán bộ nghiên cứu (năm 1954) Viện Ngôn ngữ học, Tạp chí Ngôn ngữ học, và giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội. Ông được Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2005 (cho Từ điển tiếng Việt, Từ điển vần, Chính tả tiếng Việt, Logic-ngôn ngữ học, NXB Khoa học xã hội, NXB Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học Hà Nội-Đà Nẵng, 1988, 1999, 2000, 2003).

     6:  TS. PHAN THANH HẢI là nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cổ đô Huế (trước năm 2019), hiện là Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (tháng 3/2019). Ông là Ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế.

     7MỜI XEMPhát hiện chiếc thước cổ huyền thoại ở tháp Pô Dam.

     8Bộ Công triều Nguyễn: Trong tổ chức Nội các của Triều đình nhà Nguyễn có 6 bộ (Lục bộ) gồm: Bộ Hình, Bộ Binh, Bộ Lại, Bộ Hộ Bộ Lễ, Bộ Công. Vị quan đứng đầu mỗi Bộ Thượng Thư. Khu Lục Bộ (ở đường Nguyễn Chí Diểu, thành phố Huế ngày nay) hay Khu Thượng thư có 6 công trình Thượng Thư đường – là nơi làm việc của các quan Thượng thư Lục Bộ.

     9: Thước Kinh triều Lê: Kinh xích cũKinh xích mới: Sách Đại Nam thực lục của Quốc Sử quán triều Nguyễn có ghi rõ: “Tháng 8 năm Canh Ngọ, Gia Long thứ 9 (1810), ban Thước kinh đo ruộng cho trong ngoài. Thước kinh do triều Lê cũ chế ra ban hành đã lâu, dân gian vẫn thường dùng. Năm Gia Long thứ 5 (1806) mới dùng Thước trung bình, chế hơi dài hơn, bởi thế đo ruộng mẫu bị số sai nhau nhiều. Vua sai hỏi tìm được Thước kinh cũ. Lấy được ở dân xã Cổ-linh, huyện Gia-lâm, bèn theo cách thức ấy lấy đồng (nặng 1 cân 12 lạng) mà làm rồi ban cho các thành, dinh, trấn. Những ruộng đất công tư từ trước đã dùng Thước trung bình mà khám đạc, thì làm sổ để đó mà theo. Từ nay nếu có việc tranh địa giới hay tố cáo ẩn lậu và báo xin khai khẩn thì dùng Thước kinh để đo“.

      Lúc này, 1 mẫu ta ruộng đất là mãnh ruộng hình vuông 150 x 150 thước kinh (tức 150 x 150 x 47cm hay 70,5 x 70,5m = 4.970m2).

     10Thước Kinh Trung Kỳ:  Điền xích chuẩn: Đình làng Văn Xá, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ‘cố định hóa’ Thước Điền xích (47cm) lên cột đình làng và qua nhiều lần sửa sang tu bổ, mẫu thước này vẫn không hề suy suyển.

     11Nghị định ngày 2/6/1897:  Thước ta mới: Nghị định ngày 2/6/1897 của Toàn quyền PAUL DOUMER:  “Kể từ ngày 1/1/1898, ở Bắc Kỳ, 01 thước ta có độ dài bằng 0,4m (tức thụt hơn trước 0,070m)”. Nghị định của thực dân Pháp nhằm rút nhỏ đơn vị đo mà làm tăng diện tích ruộng đất lên một cách giả tạo (1 mẫu ta chỉ còn bằng 3.600m2 thay vì 4.970m2) khiến tăng ngân sách khi đánh thuế nông dân.

     12JOSEPH ATHANASE DOUMER, gọi tắt PAUL DOUMER (22/3/1857, Aurillac, Cantal – 7/5/1932*, Paris quận 17, 75 tuổi)chính trị gia người Pháp, Toàn quyền Đông Dương (1897-1902), Tổng thống Pháp (1931-1932). Ông là người đã biến Đông Dương thành thuộc địa thị trường kỹ nghệ-thương mại tạo ra lợi nhuận để cung ứng cho nước Pháp. Ông đã biến Chế độ bảo hộ thành Chế độ thực trị – chấm dứt chủ quyền của Việt Nam, chia cắt 3 miền Việt Nam thành Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ để dễ cai trị. Ông đã đẩy mạnh việc xây dựng tuyến đường sắt xuyên Đông Dương và mở cảng Hải Phòng nối tuyến đường sắt với vùng cao Tây Nam Trung Quốcduyên hải Bắc Bộ Việt Nam; cho lập nhà máy điện khiến Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên Đông Dương có điện; cho xây dựng cầu Paul Doumer – cầu dài nhất Đông Dương (cầu Long Biên sau này); cho lập những đồn điền cao su rộng lớn (do người Pháp làm chủ) để tạo nguồn hàng xuất khẩu; cho thành lập thành phố Đà Lạt theo Kiến nghị của bác sĩ Yersin (người khám phá ra cao nguyên Langbian). *:  PAUL DOUMER bị PAUL GORGULOV (người Nga lưu vong) ám sát.

     13Thước Kinh thời NguyễnTham khảo: Xem “Những phát hiện mới về Hoàng thành và Tử Cấm thành” (Các kết quả khảo sát đo đạc khu vực Hoàng thành cùng các công trình kiến trúc cung đình Huế) của TS. PHAN THANH HẢI trên Tạp chí Khảo Cổ Học số 1/1998.

     14Thước nghềTham khảoXem “Công cụ chế tác Nhà rường Huế” của TS. KTS. LÊ VĨNH AN trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 2/2002.

     15Lỗ Ban( 魯 班 hay 魯 般, Lu Ban) – tên thật là CÔNG DU BAN ( 公 輸 班, Gōngshū Pán)thợ mộc đại tài lừng danh – người nước Lỗ (tỉnh Sơn Đông ngày nay- có thuyết cho rằng ông là người Đôn Hoàng, Túc Châu (huyện Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc ngày nay) – sinh sống vào đầu thời Chiến Quốc (475-221 TCN) Trung Quốc (có thuyết cho rằng ông sống vào thời Xuân Thu /770-476 TCN); theo Từ điển A Dictionary of Chinese Mythology của E.T.C. WERNER, Lỗ Ban sinh năm 506 TCN.

     Tương truyền! LỖ BAN là người phát minh ra cưa, đục, dụng cụ nghề mộc, Thước Lỗ Ban (Môn xích, Bát tự xích) và cả vũ khí (móc câu Cự cường, thang mây Vân khê, diều gỗ Mộc diên). Ông được tôn làm Tổ của ngành mộc Trung QuốcMỜI XEM thêm chi tiết:  LỖ BAN & Thước Lỗ Ban.

     16:  Tham khảo: Theo “Từ điển Kiến trúc Trung Quốc cổ đại” của Sở Nghiên cứu Văn vật Bắc Kinh thì Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh còn lưu trữ Thước Môn xích.

    GHI CHÚ

     ◊ Nguồn:  Wikipedia, Hệ thống thước đo thời nguyễn – TS. PHAN THANH HẢI (Cổng Thông tin điện tử TP. Huế), Từ điển tiếng Việt của HOÀNG PHÊ, NXB Khoa học Xã hội Hà Nội, 1988; Từ lâm Hán Việt từ điển của VĨNH CAO – NGUYỄN PHỐ, NXB Thuận Hóa, Huế, 2001; Đơn vị đo Kích thước Kiến trúc /Kiến trúc Nhập môn của ThS. KTS. NGUYỄN HỮU TRÍ, NXB Giao thông Vận tải, TP.HCM, 1993.

__________
     ◊  MỜI XEM Các HỆ ĐƠN VỊ ĐO kích thước Việt Nam cổ xưa – Phần 1. — đang được cập nhật

    ◊  MỜI XEM & TẢI VĂN BẢN GỐC:  

Download file (PDF): Các HỆ ĐƠN VỊ ĐO kích thước Việt Nam cổ xưa – Phần 2 (Tác giả: Kiến Cận – Bút danh của ThS.KTS Nguyễn Hữu Trí)