Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động khai thác du lịch tại làng văn hóa – du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh
ThS. LÊ YẾN CHI1, ThS. NGUYỄN ANH THƯ2, TS. NGUYỄN TẤN THANH3
(1,2,3 Trường Đại học Trà Vinh)
TÓM TẮT
Phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa gắn liền với phát triển cộng đồng sẽ là hướng đi đúng đắn, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội. Với định hướng xây dựng làng văn hóa Khmer vừa giúp phát huy lợi thế các nguồn lực du lịch tại địa phương vừa đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến Làng văn hóa – du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh được hình thành và phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa của cộng đồng người Khmer. Thông qua bảng câu hỏi khảo sát kết hợp với phương pháp điền dã, chúng tôi có được những nhận định và đánh giá về thực trạng của các nhóm nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và phát triển du lịch tại Làng; từ đó, đề xuất những giải pháp góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa đi đôi với công tác phát triển du lịch theo hướng bền vững tại tỉnh Trà Vinh.
Từ khóa: Làng văn hóa – du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh, thực trạng và giải pháp, văn hóa Khmer.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Theo Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng và Nhà nước đã đưa ra quan điểm chỉ đạo cơ bản: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội; Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam” [1]. Theo đó, Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đưa ra các quan điểm phát triển chung cho ngành du lịch Việt Nam với các nội dung chủ yếu: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh; Phát triển du lịch bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị dân tộc” [7]. Tháng 02 năm 2017, Ban thường vụ tỉnh ủy ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: “Tập trung phát triển mạnh du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo động lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp. Xã hội hóa trong các hoạt động du lịch, hình thành phong cách thanh lịch, mến khách của người dân địa phương đối với du khách. Xây dựng thương hiệu du lịch Trà Vinh” [3]. Đặc biệt, trong đề án “Xây dựng sản phẩm Du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long” được phê duyệt tại Quyết định 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23/01/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã xác định: “sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Trà Vinh là văn hóa Khmer” [2]. Có thể thấy, trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, nền văn hóa Khmer đã từng bước hội nhập, gắn kết với các nền văn hóa khác, góp phần hình thành nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Những giá trị văn hóa của người Khmer ở Nam Bộ được thể hiện trên nhiều phương diện, cả vật chất lẫn tinh thần. Chính quá trình toàn cầu hóa giúp người Khmer hiểu hơn và tiếp cận dễ dàng hơn với các nền văn hóa, văn minh khác nhau nhưng đồng thời cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ từ việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Theo xu thế phát triển chung của xã hội, sự ra đời của Làng văn hóa – du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh là yêu cầu tất yếu, phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
2. Thực trạng phát triển du lịch tại làng văn hóa – du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh
2.1. Tổng quan về Làng Văn hóa – Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh
Làng Văn hóa – Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh được quy hoạch là một khu phức hợp bao gồm nhiều hạng mục như: Khu ẩm thực, khu nghỉ dưỡng (Homestay), khu trưng bày và kinh doanh quà lưu niệm, đặc sản Trà Vinh, Khu vui chơi, tổ chức văn nghệ, sự kiện, Khu văn hóa tâm linh,… Trong đó, Khu vực Ao Bà Om được xác định là vùng lõi di tích là yếu tố quan trọng để thúc đẩy hoạt động của dự án. Tạo điểm nhận diện, check in cho dự án với các chủ đề: các vị thần, linh vật liên quan đến văn hóa Khmer. Đồng thời cũng là khu tổ chức khu ẩm thực nhằm quảng bá các món đặc sắc trong văn hóa Khmer. Song song đó khu còn là nơi tổ chức khu vực vườn tượng dân gian, nơi tổ chức các hoạt động liên quan đến sáng tác nghệ thuật như: điêu khắc, vẽ tranh, nghệ thuật sắp đặt,… Tổ chức khu vực dịch vụ nhỏ, quán cà phê tại vị trí gần cửa ngõ phía tây và nhìn ra di tích Ao Bà Om. Nơi diễn ra các hoạt động về biểu diễn văn hóa, phong tục tập quán Khmer. Khu Chợ đêm tổ chức theo hướng đa dạng các mặt hàng ẩm thực, các quầy được bố trí theo dạng kios nối tiếp nhau, bố trí dọc theo 1 bên đường trục chính bán các đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm mang đậm văn hóa khmer và riêng biệt tại Trà Vinh,…. Khu bảo tàng là nơi tìm hiểu về văn hóa của người Khmer, tìm hiểu di tích chùa Âng, phục vụ cho việc giao lưu giữa các tầng lớp thanh thiếu niên, nơi biểu diễn văn nghệ cộng đồng, cung cấp thông tin du lịch cho du khách,… Trong dự án này, con đường bích họa văn hóa Khmer được khởi xướng và đưa vào phục vụ đầu tiên. Đây là địa điểm check-in lý tưởng cho du khách gần xa khi đến Trà Vinh, với khoảng 16 chủ đề tranh phục vụ cho 3 chủ đề lớn: Các bức bích họa về lễ hội như lễ tết Chol Chnam Thmay, lễ Sene Dolta, lễ Ok Om Bok… Các bức tranh về làng nghề truyền thống như nghề làm mão – mặt nạ, nghề thủ công – mỹ nghệ, nghề dệt chiếu… Các bức họa về những vị thần trong tín ngưỡng của người Khmer như thần Prum, rắn thần Naga, Krud, thần Tê-vô-đa, các linh thú Kâyno… Đối với khách tham quan, đây được xem là một cách giúp du khách gần xa biết về nét đẹp độc đáo của nền văn hóa Khmer. Lan tỏa hình thức du lịch cộng đồng bảo tồn và giới thiệu văn hóa Khmer đến với người thưởng lãm. Đối với cộng đồng người Khmer, đây là cách giữ gìn và phát triển nền văn hóa lâu đời của họ. Đồng thời cũng tăng tính tương tác, giao hữu giữa cộng đồng Khmer với người Việt, người Hoa [6].
Bảng 1. Hoạt động du lịch tại Làng văn hóa – du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh
Tên điểm du lịch | Vốn đầu tư (tỷ đồng) | Thời gian hoạt động | Lao động địa phương | Lượt khách phục vụ năm 2018 | Các dịch vụ chính |
Làng văn hóa – du lịch khmer Trà Vinh | 25,8 | 2018 | 50 | 4.000 | – Tham quan, trải nghiệm – Thưởng thức văn nghệ – Lưu trú tại nhà dân – Mua sắm đặc sản, quà lưu niệm |
(Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh)
Hiện tại, các hoạt động được đưa vào phục vụ trong các chương trình tham quan tại Làng văn hóa – du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh gồm: Con đường bích họa văn hóa Khmer; thưởng thức văn hóa văn nghệ dân gian Khmer, tham quan và trải nghiệm các hoạt động làm bánh truyền thống (cốm dẹp, bánh ống, bánh tét,….), các nghề thủ công truyền thống (chế tác mão mặt nạ, đan đát,….), tự tay chế biến và thưởng thức các món đặc sản dân tộc Khmer, lưu trú tại nhà người dân… Các hoạt động phục vụ du khách tham quan tại Làng Văn hóa – Du lịch Khmer Trà Vinh khá đa dạng được tổ chức tương đối tốt; công tác quảng bá giới thiệu trên các phương tiện truyền thông (kênh facebook, kênh truyền hình, báo đài,…) khá thu hút khách du lịch; cộng đồng địa phương, đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên thân thiện,….
2.2. Thực trạng phát triển du lịch tại Làng văn hóa – du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh4
Chúng tôi sử dụng Bảng câu hỏi khảo sát để tổng hợp các ý kiến đóng góp từ các đối tượng là các giảng viên giảng dạy du lịch, cán bộ làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, các cán bộ làm việc tại cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, khách du lịch với số phiếu thu được 138/150 phiếu (đạt tỷ lệ 92%). Các thông tin thu thập được sẽ giúp chúng tôi đánh giá và nhận định chính xác hơn về thực trạng của các nhóm nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và phát triển du lịch tại Làng văn hóa – du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh bao gồm: Cộng đồng địa phương, Tài nguyên văn hóa Khmer, Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, Chất lượng dịch vụ, Môi trường du lịch. Sau khi tổng hợp phiếu khảo sát, thu được kết quả như sau:
Bảng 2. Kết quả đánh giá đối với cộng đồng địa phương
Nội dung khảo sát | Điểm trung bình | Tỷ lệ đồng ý (%) |
Chân thật, gần gũi, thân thiện với du khách | 4,24 | 77,1 |
Có thái độ lịch sự, nhã nhặn, tôn trọng du khách | 4,39 | 81,2 |
Cộng đồng dân cư nhận thức được lợi ích của du lịch đem lại | 3,80 | 62,5 |
Người dân có những kỹ năng cơ bản để đón tiếp và phục vụ khách | 3,72 | 58,3 |
Có nhận thức tốt về khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa truyền thống | 4,00 | 71,7 |
(Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phiếu khảo sát)
Sự chân thật, gần gũi mến khách của người dân địa phương khi tham gia làm du lịch được đánh giá cao (81,2%). Bên cạnh đó, họ có nhận thức tốt đối với công tác khai thác các giá trị văn hóa truyền thống đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách, đồng thời có ý thức tốt trong việc bảo vệ, gìn giữ vốn tài nguyên đặc sắc của cộng đồng dân tộc Khmer với tỷ lệ đồng ý đạt 71,7%. Tuy nhiên, người dân chưa được trang bị tốt về các kỹ năng trong quá trình đón tiếp và phục vụ khách, điều này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: hoạt động khai thác du lịch chỉ mới bắt đầu trong khoảng thời gian ngắn, trình độ học vấn của người dân thấp, cộng đồng địa phương chưa được tham gia tập huấn đào tạo về nghiệp vụ du lịch cũng như chưa thực sự nhận thấy được các lợi ích mang lại từ hoạt động du lịch.
Bảng 3. Kết quả đánh giá đối với tài nguyên văn hóa Khmer
Nội dung khảo sát | Điểm trung bình | Tỷ lệ đồng ý (%) |
Kiến trúc nhà ở của người Khmer hấp dẫn | 4,13 | 73,9 |
Kiến trúc chùa của người Khmer hấp dẫn | 4,57 | 87,0 |
Các lễ hội truyền thống của người Khmer hấp dẫn | 4,13 | 73,9 |
Các nghề và làng nghề truyền thống của người Khmer hấp dẫn | 4,26 | 78,3 |
Ẩm thực của người Khmer hấp dẫn | 4,00 | 67,4 |
Văn hóa nghệ thuật biểu diễn truyền thống của người Khmer hấp dẫn | 4,20 | 76,1 |
(Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phiếu khảo sát)
Bảng 3 thể hiện sự đánh giá rất cao đối với chất lượng tài nguyên văn hóa của người Khmer, tất cả các yếu tố về kiến trúc nhà ở, chùa Khmer, lễ hội, các nghề và làng nghề truyền thống, ẩm thực, văn hóa nghệ thuật biểu diễn truyền thống điều rất đặc sắc, hấp dẫn khách tham quan, trải nghiệm. Điều này một lần nữa được khẳng định khi hầu hết khách du lịch điều mong muốn quay trở lại Trà Vinh với tỷ lệ 95,7% và sẽ tiếp tục giới thiệu đến bạn bè, người thân về điểm du lịch với tỷ lệ 97,8%.
Bảng 4. Kết quả đánh giá đối với cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật
Nội dung khảo sát | Điểm trung bình | Tỷ lệ đồng ý (%) |
Cơ sở lưu trú có đầy đủ tiện nghi cho du khách | 3,43 | 45,7 |
Cơ sở lưu trú có đủ điện năng, nước sạch phục vụ khách | 3,87 | 65,2 |
Hệ thống giao thông đến các điểm tham quan thuận lợi | 3,52 | 56,5 |
Thùng rác, nhà vệ sinh, bãi giữ xe,..được quy hoạch, bố trí phù hợp | 3,33 | 45,7 |
Có bảng hướng dẫn, quầy thông tin hướng dẫn khách du lịch | 3,22 | 45,7 |
(Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phiếu khảo sát)
Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa được đánh giá cao, điểm trung bình chỉ đạt 3,47/5. Đây là một trong những vấn đề còn tồn tại khi phát triển du lịch tại Trà Vinh nói chung và tại điểm khảo sát nói riêng, cụ thể: các điểm du lịch còn rời rạc thiếu sự liên kết giữa các điểm tham quan, cảnh quan môi trường chưa được quy hoạch tốt, yếu tố vệ sinh rác thải chưa đảm bảo, chưa đầu tư tốt các khu vực phục vụ hoạt động biểu diễn văn nghệ (sân khấu, khu vực khách ngồi xem biểu diễn, trang phục đạo cụ,….), hệ thống đường sá đi đến các làng nghề chưa được nâng cấp tốt để đáp ứng các đoàn khách đông, các đoàn xe lớn…
Bảng 5. Kết quả đánh giá đối với chất lượng dịch vụ
Nội dung khảo sát | Điểm trung bình | Tỷ lệ đồng ý (%) |
Phong cách phục vụ của nhân viên chuyên nghiệp | 3,50 | 50 |
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm | 3,89 | 65,2 |
Đảm bảo an toàn khi tham quan và lưu trú | 4,00 | 73,9 |
Du khách có nhiều lựa chọn khác nhau về các dịch vụ trong chương trình tham quan | 3,30 | 43,5 |
Giá cả hợp lý | 4,00 | 69,6 |
(Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phiếu khảo sát)
Phong cách phục vụ của nhân viên bao gồm thái độ, tư thế, điệu bộ, tác phong, cử chỉ, lời nói, hành động,… của tất cả những người tham gia phục vụ khách du lịch như: hướng dẫn viên, các nhân viên làm việc tại các điểm tham quan, các nhà hàng, các điểm lưu trú cũng như cung cách phục vụ của người dân trong quá trình đón tiếp và phục vụ khách. Đội ngũ nhân lực hiện nay tại Làng vẫn còn rất thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng, theo đánh giá của khách du lịch về sự chuyên nghiệp trong phong cách phục vụ chỉ đạt trên mức bình thường (3,5/5). Tại Làng văn hóa – du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh chưa có hướng dẫn viên tại điểm, công tác hướng dẫn được thực hiện bởi các bạn sinh viên (cộng tác viên) là chính. Bên cạnh đó, khách chưa có nhiều lựa chọn về các dịch vụ trong chương trình tham quan. Các vấn đề về giá cả, an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn khi tham quan và lưu trú đạt được tỷ lệ đồng ý tương đối cao hơn (trên 65%).
Bảng 6. Kết quả đánh giá đối với môi trường du lịch
Nội dung khảo sát | Điểm trung bình | Tỷ lệ đồng ý (%) |
Người dân có ý thức bảo vệ môi trường cao | 3,57 | 52,2 |
Môi trường trong lành, xanh, sạch đẹp | 4,02 | 78,3 |
Truyền thống văn hóa địa phương được giữ gìn và phát huy tốt | 4,07 | 76,1 |
Không có tệ nạn ăn xin, mê tín, chèo kéo khách | 3,85 | 69,6 |
Điều kiện an ninh tốt | 3,83 | 63,0 |
(Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phiếu khảo sát)
Du lịch tỉnh Trà Vinh trong những năm qua vẫn còn trong trạng thái ngủ yên, chưa có nhiều khởi sắc, hoạt động du lịch chưa đạt đến mức vượt quá khả năng kiểm soát, chưa xuất hiện rõ nét những tác động tiêu cực do điểm đến vượt quá sức chứa. Vì vậy, môi trường du lịch nơi đây vẫn giữ được cảnh quan trong lành. Đặc biệt, Ao Bà Om được mệnh danh là “Đà Lạt miền Tây” với những hàng cây cổ thụ rợp bóng mát quanh năm kết hợp với cảnh quan chùa Khmer ẩn hiện trong những tán cây cao vút luôn mang đến cảm giác thanh bình cho du khách thập phương. Tệ nạn ăn xin, mê tín, chèo kéo khách và điều kiện an ninh tương đối tốt và được đảm bảo. Đây là những vấn đề cần được kiểm soát và quản lý chặt chẽ nếu muốn hoạt động du lịch phát triển tốt. Tuy nhiên, người dân chưa có ý thức cao đối với việc bảo vệ môi trường. Trong một đoạn phỏng vấn về Làng văn hóa – du lịch Khmer thì du khách có nhận xét: “Còn về mặt chưa được, em nghĩ là về vấn đề môi trường vì tụi em cũng đang tập trung về rác thải nên em thấy người dân ở đây chưa được tuyên truyền một cách rộng rãi hoặc chưa có nhận thức mình phải hạn chế sử dụng ly giấy, ly nhựa hoặc là bao bì… rác thải khá là nhiều ở địa phương khác và tại Trà Vinh vẫn còn nét như vậy.” (Trích biên bản phỏng vấn số 02).
3. Một số kiến nghị đối với hoạt động du lịch tại làng văn hóa – du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh
3.1. Kiến nghị đối với UBND tỉnh Trà Vinh
UBND tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và theo sự phân cấp của chính phủ có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về du lịch cộng đồng tại địa phương.
Cụ thể hóa các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút đối với doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động du lịch và cơ chế chính sách đối với nguồn nhân lực đã – đang – sẽ tham gia vào lĩnh vực du lịch của tỉnh.
Có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu du lịch, điểm du lịch; thành lập các tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động du lịch. Nghiêm cấm cách tổ chức và cá nhân có cách hành vi làm ảnh hưởng đến hỉnh ảnh của Du lịch Trà Vinh.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc Khmer về văn hóa và nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; phát huy tinh thần chủ động, tích cực nỗ lực của đồng bào và vai trò tự quản của cộng đồng trong quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc mình.
Chú trọng chính sách đãi ngộ đối với các bậc cao niên ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống để khai thác vốn tài liệu về các giá trị văn hóa truyền thống qua các thế hệ, đồng thời hạn chế những hủ tục lạc hậu như: ăn uống dài ngày, nghi thức cúng tế huyền bí…. giúp cho các giá trị văn hóa không bị mai một và biến chất. Đặc biệt, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho con em đồng bào dân tộc Khmer nhằm góp phần gìn giữ và phát huy tốt những giá trị truyền thống của dân tộc qua các thế hệ.
Có những biện pháp tích cực thu hút lao động có tay nghề cao, chuyên môn vững làm việc tại các địa điểm du lịch cũng như ở các cơ sở phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.
3.2. Kiến nghị đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh
Nghiên cứu và áp dụng tốt các văn bản quy phạm pháp luật vào công tác tham mưu cho UBND và các cấp lãnh đạo thực hiện tốt quy hoạch, xây dựng định hướng, chiến lược
phát triển du lịch phù hợp với điều kiện, tiềm năng và định hướng phát triển chung của tỉnh, của khu vực và cả nước.
Tổ chức điều tra, đánh giá tiềm năng các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Khmer để đưa vào khai thác phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh.
Tăng cường công tác liên kết, mời gọi đầu tư vào các dự án đã được phê duyệt, đặc biệt là dự án Làng văn hóa – du lịch Khmer Trà Vinh một điểm sáng và là hướng đi phù hợp trong định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, cần có sự lựa chọn các chủ đầu tư phù hợp, có chuyên môn, có tâm huyết với mục tiêu phát triển bền vững trong du lịch.
3.3. Kiến nghị đối với cộng đồng địa phương
Cộng đồng địa phương là chủ sở hữu các tài nguyên văn hóa bản địa, hoạt động du lịch cộng đồng chỉ có thể thực hiện tốt khi có sự đồng tình và phối hợp của người dân địa phương. Vì vậy, cộng đồng địa phương cần:
Sẵn sàng tham gia vào các hoạt động du lịch khi có cơ quan, Nhà nước, các tổ chức kêu gọi.
Tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, giới thiệu về loại hình du lịch cộng đồng được các cơ quan chức năng tổ chức.
Tham gia thảo luận các kế hoạch, quy hoạch, thực hiện và quản lý, đầu tư để phát triển du lịch.
Nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển du lịch cũng như những bất lợi của việc phát triển du lịch không theo quy hoạch.
Chủ động nghiên cứu các văn bản và hiểu rõ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; đồng thời, tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch như: dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, hướng dẫn viên du lịch, quà lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ, biểu diễn nghệ thuật truyền thống,… khi nhận thấy có khả năng tham gia và thực hiện tốt.
3.4. Kiến nghị đối với các doanh nghiệp du lịch
Doanh nghiệp du lịch đóng vai trò cực kì quan trọng trong khâu quảng bá, tiếp thị các sản phẩm du lịch đến khách hàng, là cầu nối để đưa khách du lịch đến với các điểm du lịch thông qua các tour du lịch. Vì vậy:
Doanh nghiệp du lịch trong tỉnh cần tiến hành khảo sát, xây dựng các tuyến điểm du lịch văn hóa Khmer đưa vào chương trình tour du lịch.
Thăm dò, khảo sát nhu cầu của các đối tượng du khách, những mong muốn của du khách về các sản phẩm, dịch vụ du lịch; từ đó, hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng địa phương về cách thức, phương tiện, kinh nghiệm và kiến thức tạo ra các dịch vụ phù hợp và chất lượng.
Khi thực hiện khai thác các hoạt động du lịch cần chú ý quan tâm đến phân phối lợi ích công bằng giữa các bên tham gia (đặc biệt là lợi ích của cộng đồng địa phương); không nên khai thác quá ồ ạt trong giai đoạn đầu để hưởng lợi mà quên đi công tác tôn tạo, đầu tư chi phí tu dưỡng bảo trì các tài nguyên văn hóa; cần quan tâm đến yếu tố Sức chứa theo tác giả Lê Văn Nhương (2007) nhận định: Sức chứa là giới hạn về lượng du khách mà tại đó bắt đầu xuất hiện những tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đến đời sống văn hóa – xã hội, kinh tế – xã hội của khu vực [5]. Cuộc sống bình thường của cộng đồng địa phương có cảm giác bị xâm nhập và phá vỡ nếu vượt qua giới hạn của sức chứa, đặc biệt, quan tâm chú ý đến cảm nhận của cộng đồng địa phương, những mặt tích cực và tiêu cực sẽ ảnh hưởng như thế nào lên cuộc sống, tinh thần của người dân.
3.5. Kiến nghị đối với khách du lịch
Khách du lịch khi tham gia trải nghiệm tại Làng cũng như các điểm du lịch khác cần có ý thức tôn trọng, giữ gìn các giá trị văn hóa của cộng đồng người dân địa phương.
Không nên có thái độ khinh thường, chê bai khi cảm thấy không hài lòng với các sản phẩm, dịch vụ tại địa phương.
Không nên có những hành động làm ảnh hưởng đến cuộc sống, môi trường văn hóa bản địa.
Có ý thức bảo vệ môi trường sống, môi trường văn hóa nơi tham quan du lịch.
4. Kết luận
Trà Vinh là nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Khmer, nơi lưu giữ đậm nét giá trị truyền thống dân tộc bản địa và có cảnh quan tự nhiên đẹp hoang sơ, giản dị, nhiều ngôi chùa có kiến trúc độc đáo. Đặc biệt, người dân địa phương ủng hộ và các lãnh đạo ban ngành, các công ty du lịch sẵn sàng tham gia phát triển du lịch trên nền tảng khai thác văn hóa cộng đồng Khmer. Với định hướng phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa Khmer Nam bộ đang dần mở ra chặng đường phát triển mới cho du lịch tỉnh Trà Vinh; đồng thời, góp phần giải quyết việc làm, đặc biệt cho người dân tộc thiểu số, cho người nghèo, phụ nữ và các dự án khởi nghiệp mới; gia tăng hiệu quả phát triển kinh tế địa phương và tiểu vùng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
__________
4 Lê Yến Chi (2019), Phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa của người Khmer tại tỉnh Trà Vinh, Luận văn Thạc sĩ Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Trường Đại học Công nghệ TP. HCM.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban chấp hành Trung ương Đảng (1998), Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII).
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2015), Quyết định 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23/01/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt đề án “Xây dựng sản phẩm Du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
3. Bộ Chính trị (2017), Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
4. Lê Yến Chi (2019), Phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa của người Khmer tại tỉnh Trà Vinh, Luận văn Thạc sĩ Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Trường Đại học Công nghệ TP. HCM.
5. Lê Văn Nhương (2005), Bài giảng Du lịch sinh thái, Trường Đại học Cần Thơ.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh (2019), Đề án Làng văn hóa – du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh.
7. Thủ tướng chính phủ (2013), Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Nguồn: Hội thảo Khoa học “Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa
gắn với phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh”
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động khai thác du lịch tại làng văn hóa – du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh (Tác giả: ThS. Lê Yến Chi, ThS. Nguyễn Anh Thư, TS. Nguyễn Tấn Thanh) |