Các nhóm dân cư người Hoa ở Lâm Đồng
GROUPS OF HOA RESIDENTS IN LAM DONG
Tác giả bài viết: LÊ THỊ NHUẤN*, NGUYỄN THỊ HÀ GIANG
(Trường Đại học Đà Lạt,Việt Nam)
TÓM TẮT
Lâm Đồng là tỉnh có nhiều tộc người cùng cư trú, trong đó có người Hoa. Đây là tộc người có số lượng đông đảo, gồm nhiều nhóm địa phương, di cư đến Lâm Đồng vào những thời điểm khác nhau, nhưng đã sớm hòa nhập với cộng đồng cư dân bản địa. Bằng phương pháp điền dã dân tộc học tại cộng đồng, bài viết nghiên cứu về lịch sử di cư, định cư cũng như quá trình phát triển của mỗi nhóm dân cư người Hoa, đồng thời đề cập một số đặc điểm về đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của họ trong cộng đồng cư dân ở Lâm Đồng. Sau ba lần di cư, đến nay, ở Lâm Đồng có hơn 14 nghìn người Hoa sinh sống, chủ yếu tập trung ở huyện Đức Trọng, Đơn Dương, thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt. Sự phân bố dân cư của người Hoa chịu tác động của lịch sử tộc người, của các điều kiện tự nhiên và sự phân bố dân cư chung của tỉnh Lâm Đồng. Kinh tế chủ yếu của người Hoa là nông nghiệp, thương nghiệp – dịch vụ và thủ công nghiệp. Đời sống văn hóa của các nhóm người Hoa ở Lâm Đồng có sự khác biệt khá rõ nét về kiến trúc, tín ngưỡng… Kết quả nghiên cứu này góp phần nhận diện tính đa dạng trong thành phần tộc người cũng như những đóng góp của cộng đồng người Hoa trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa tại Lâm Đồng.
Từ khóa: người Hoa Lâm Đồng; hoạt động kinh tế; đời sống xã hội; đời sống văn hóa.
ABSTRACT
Lam Dong province is a place with many ethnic groups living together, including the Hoa. Applying the method of ethnographic fieldwork, this article studies the history of migration, settlement as well as the development of each Hoa group and discusses the characteristics of their economic, cultural, and social life in Lam Dong. After three times of migration, currently there are more than 14,000 Hoa living in Lam Dong, mainly in Duc Trong, Don Duong, Bao Loc, and Da Lat. The distribution of Hoa people has been influenced by the history of the ethnic groups, the natural conditions, and the general distribution of the population in Lam Dong province. Their main economies are agriculture, commerce – services, and handicrafts. They have clear cultural differences in architecture and beliefs. This research results contribute to identifying the diversity of the ethnic composition in Lam Dong as well as acknowledging the contributions of the Hoa community in the economic, social, and cultural fields in Lam Dong.
Keywords: the Hoa people in Lam Dong; economic activity; social life; cultural life.
x
x x
1. Mở đầu
Di dân vượt ra ngoài biên cương là quá trình trải dài trong lịch sử Trung Quốc. Từ đầu thế kỉ XVII, sự sụp đổ của nhà Minh đã dẫn đ ến làn sóng người Hoa trung thành với nhà Minh và không thuần phục nhà Thanh rời bỏ quê hương di dân sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Làn sóng người Hoa di cư đến Việt Nam tiếp tục diễn ra vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX với những biến động đi đôi với sự có mặt của những thế lực phương Tây, nhất là từ sau cuộc chiến tranh nha phiến, khởi nghı̃a Thái Bı̀nh, chiến tranh Trung – Nhật… Người Hoa đến Việt Nam gồm những người tị nạn loạn lạc, chiến tranh, những thợ thủ công thiếu việc làm, họ đến các vùng nông thôn, thị trấn, thị xã, thành phố, các khu công nghiệp… Sau năm 1954, Việt Nam tạm thời chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau, người Hoa từ đạo Hải Ninh và một số tỉnh khác đã di cư tới các tỉnh ở Nam Bộ và Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng. Tương tự người Hoa ở nhiều tỉnh, thành khác, người Hoa ở Lâm Đồng cũng gồm nhiều nhóm địa phương, được chia theo ngôn ngữ, vốn có cùng nguồn gốc cư trú từ phía Nam Trung Quốc như nhóm Quảng Đông, Hải Nam, Triều Châu, Phúc Kiến, Sơn Đông. Ngoài ra, một nhóm người Hoa từ Nam Trung Quốc đến miền Bắc Việt Nam, có lịch sử di dân qua nhiều đị a bàn cư trú tại các tỉnh khác nhau trước khi đến Lâm Đồng. Trong bức tranh về các dân tộc ở Lâm Đồng, người Hoa với bề dày lịch sử định cư tại đây đã tạo nên dấu ấn khá rõ nét trong đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa của mình. Bài viết này nghiên cứu về lịch sử di cư, định cư cũng như quá trình phát triển của mỗi nhóm dân cưngư ời Hoa, đồng thời đề cập một số đặc điểm về đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của họ trong cộng đồng cư dân ở Lâm Đồng
2. Các nhóm người Hoa ở Lâm Đồng
2.1. Lịch sử hình thành người Hoa ở Lâm Đồng
2.1.1. Tộc danh
Người Hoa trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đó là “những người gốc Hán và nhữ ng người thuộc dân tộc ít người ở Trung Quốc đã Hán hóa di cư sang Việt Nam và con cháu của họ đã sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, đã nhập quốc tịch Việt Nam, nhưng vẫn còn giữ những đặc trưng văn hóa, chủ yếu là ngôn ngữ, phong tục tập quán của dân tộc Hán và tự nhận mı̀nh là người Hoa” (Secretariat of the Party Central Committee, 1995, p.2).
Người Hoa đến làm ăn, sinh sống tại Việt Nam từ khá lâu, tùy theo từng thời kì lịch sử, hoàn cảnh tiếp xúc hoặc nguyên nhân di cư mà họtựxưng về tên dân tộc của mình bằng những cách gọi khác nhau, cũng như người Việt gọi họ theo các tên khác nhau. Thông thường, người Hoa tự gọi mình là dân các triều đ ại mà họ cho rằng văn minh, tựhào, phổ biến và được người bản xứ biết rõ, hoặc đã biết từ lâu như “người Đường” (Thoòng dành), “người Thanh”, “người Bắc” (quốc). Người Hoa còn tự gọi họ theo quê quán: “người Quảng” (Quảng Đông), “người Tiều” (Tiều Châu/Triều Châu), “người Hẹ”, “ngư ời Khách”, “người Hải Nam”…
Sau Thế chiến thứ hai (1939-1945), tộc danh người Hoa xuất hiện cùng với sựra đ ời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1956, ở miền Bắc Việt Nam, tộc danh Hoa được sử dụng rộng rãi trong thống kê dân số và các văn bản chính thức của Trung ương và địa phương. Tên gọi người Hoa hay dân tộc Hoa được dùng để kê khai thành phần dân tộc trong các thống kê của các tỉnh miền Bắc và trong danh sách tổng hợp thành phần dân cư của toàn miền Bắc. Sau năm 1975, tên gọi người Hoa đã được chính thức hóa trong các văn bản của Nhà nước Việt Nam. Tộc danh người Hoa thể hiện tình cảm dân tộc của bản thân người Hoa và thể hiện tình cảm kính trọng, gắn bó nhau trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam hiện đại (Mac, 1983, p.16-19).
2.1.2. Quá trình du nhập của người Hoa vào Lâm Đồng
Khi tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa, Pháp đã tuyển mộ hàng nghìn người để làm việc trong các hầm mỏ, nhà máy, đồn điền cao su và tuyển dụng nhân công ở Việt Nam đưa sang các nước Lào, Campuchia (Nguyen, 2007, p.242). Đợt đầu tiên người Hoa đến Lâm Đồng diễn ra vào cuối những năm 20 của thế kỉ XX. Điều kiện để thương nhân người Hoa đến Đà Lạt lúc bấy giờ là đư ờng xe lửa Tháp Chàm (Ninh Thuận) – Đà Lạt đã đưa vào hoạt đ ộng vào năm 1928 (Archives in Résident supérieur d’Annam, File 3305). Từ Tháp Chàm, bằng nhiều cách, người Hoa mang hàng hóa lên buôn bán với cư dân vùng rừng núi Lang Bian. Sự có mặt của người Hoa tại Lâm Đồng lúc đầu chỉ đơn thuần là buôn bán, trao đổi hàng hóa. Dần dần, một bộ phận trong đó đã định cư tại Đà Lạt. Đến năm 1935, số lượng người Hoa đến Đà Lạt mới thật sự rõ nét, khoảng 333 người. Những năm sau đó số lượng tuy có tăng nhưng không đáng kể, chẳng hạn, năm 1944: 360 người, năm 1952 tăng lên 752 người (People’s Committee of Da Lat city, 2008, p.107). Phần lớn họ làm các nghề như buôn bán, lao công, giúp việc nhà và những người này đều có nguồn gốc từ các tỉnh Quảng Đông, Hải Nam, Phúc Kiến, Triều Châu và Sơn Đông. Tháng 8/1948, các bang của người Hoa được cải tổ thành lí sự hội Trung Hoa. Đó là lí do đã dẫn tới số lượng người Hoa từ các tỉnh Nam Bộ di cư đến Lâm Đồng ngày càng nhiều hơn so với trước. Hiện nay, người Hoa di cư từ Nam Bộ lên Lâm Đồng sống tập trung ở các Phường 1, 2 và xã Xuân Trường (Đà Lạt), số còn lại sống rải rác từ Phường 3 đến Phường 11 (Đà Lạt) (People’s Committee of Da Lat city, 2008, p.107).
Trong suốt thời gian cai trịở Việt Nam, Pháp luôn tìm mọi cách để ngăn cản sự thống nhất dân tộc, hòng làm suy yếu phong trào yêu nước và cách mạng. Đối với người Việt, Pháp chia ra ba xứ với các chế độ cai trị khác nhau: Nam Kỳ tự trị; Bắc Kỳ, Trung Kỳ bảo hộ. Đối với các tộc người thiểu số, Pháp đã dùng các biện pháp chia rẽ, kì thị giữa tộc người Việt với các tộc ngư ời thiểu số và giữa các tộc người thiểu số với nhau. Pháp đã lập ra “xứ Nùng tự trị” ở vùng Việt Bắc và Đông Bắc, “xứ Thái tự trị” ở vùng Tây Bắc… Kết quả của việc lập ra các xứ tự trị của Pháp đã dẫn đến nhiều tộc người bị xé lẻ, bị phân chia thành nhiều ngành, phân bố ở nhiều vùng khác nhau, thậm chí gây nên tình trạng hòa lẫn giữa các tộc người. Chẳng hạn, việc lập ra “xứ Nùng tự trị”, mà đa phần người Hoa ở đạo Hải Ninh năm 1947 đã phải tự khai thành người Nùng. Thực chất của xứ Nùng tự trị này được chính viên Cố vấ n hành chính đạo Hải Ninh – Cao Văn viết như sau:
Khó phân biệt được người Hán quốc tịch Việt Nam với người đồng hương của họ ở Trung Quốc, vì cùng tiếng nói và phong tục tập quán… Sau nhiều lần thăm dò, người ta thấy không có gì tốt hơn là đồng hóa họ với người Nùng Lạng Sơn và Cao Bằng nói tiếng Tày chỉ giống người Trung Quốc bên kia biên giới ở quần áo và một số từ trong ngôn ngữ Quảng Đông… Từ đó, người Hán quốc tịch Việt Nam được gọi là người Nùng và cư trú tại các xã giống Việt Nam cũ, nói chung giữ tên làng cũ, thêm tính từ Nam hoặc Nùng tùy theo xã đó. (Bui, 2007, p.45).
Năm 1953, có khoảng 1/3 dân số của đ ạo Hải Ninh cũ, tức khoảng 30.000 người, từ xứ Nùng tự trị bị dụ dỗ, cưỡng ép di cư vào miền Nam. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể người Hoa khai thành Nùng để đàn ông được hoãn dịch trong chế độ cũ, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là lí do mang tính lịch sử của “xứ Nùng tự trị” – một sản phẩm trong chính sách cai trị của Pháp tại Việt Nam trước đây. Như vậy, danh xưng Hoa Nùng chỉ mang tính tạm thời, không những không nêu được đặc trưng của tộc người nào, mà còn gây ngộ nhận. Ban đầu, nhóm cộng đồng người Hoa ở phía Bắc Việt Nam được đưa đến Sông Mao (Bình Thuận). Từ năm 1954 đến năm 1975, do những biến động của xã hội, nhất là xuất phát từ điều kiện lao động, sinh sống, người Hoa từ Sông Mao, Sông Lũy (Bình Thuận) bằng đường bộ, chia thành nhiều đợt đến định cư tại các địa bàn thuộc tỉnh Lâm Đồng, họ tập trung chủ yếu ở: Di Linh, Liên Nghĩa (Đức Trọng), Kađô (Đơn Dương)… Trong cộng đồng người Hoa ở Lâm Đồng, nhóm Hoa gốc miền Bắc chiếm số lượng đông nhất. Trong đó, chia thành 2 nhóm với nguồn gốc khác nhau: nhóm từ Phòng Thành sang Hải Ninh định cư một thời gian rồi di cư đến các vùng khác ở Việt Nam và nhóm từ Vân Nam qua Lạng Sơn, Hà Nội định cư một thời gian rồi vào Sài Gòn và lên Đà Lạt.
Đợt di cư lần thứ ba là sau năm 1975 – một bộ phận người Hoa từ các tỉnh miền Bắc di dân theo dạng tự do đến Lâm Đồng khai phá đất hoang, phát triển kinh tế nông nghiệp. Ngoài ra, trong số ấy có một bộ phận đến cư trú tại nhữ ng nơi có đông người Hoa sinh sống từ trước năm 1975, một bộ phận tỏa đi sống rải rác trong địa bàn toàn tỉnh. Năm 1996, có 14 hộ gia đình người Hoa từ Đồng Nai chuyển đến Lâm Đồng, nên số lượng người Hoa ở đây ngày càng tăng mạnh. Theo thống kê ngày 01/4/2009, người Hoa ở Lâm Đồng có 14.929 người (Lam Dong Statistical Department, 2010, p.183).
2.1.3. Sự phân bố dân cư người Hoa ở Lâm Đồng (xem Bảng 1)
Các hình thái quần cư của mỗi dân tộc phụ thuộc vào nhiều yếu tố: đi ều kiện địa lí môi sinh, lịch sử tộc người, trình độ phát triển kinh tế, xã hội… Đặc điểm phân bố dân cư của người Hoa vừa chịu tác động của lịch sử tộc người, vừa chịu tác động bởi các điều kiện tự nhiên và sự phân bố dân cư chung của tỉnh Lâm Đồng.
Bảng 1. Dân số ngư ời Hoa ở Lâm Đồng năm 2009
Đơn vịtính: Người
TT | Thành phố/huyện | Dân số | Người Hoa |
1 | Đà Lạt | 205.287 | 1665 |
2 | Bảo Lộc | 148.567 | 987 |
3 | Đơn Dương | 93.702 | 1343 |
4 | Đức Trọng | 166.393 | 6346 |
5 | Bảo Lâm | 109.236 | 930 |
6 | Di Linh | 154.622 | 2582 |
7 | Lâm Hà | 137.690 | 897 |
8 | Đạ Huoai | 33.450 | 109 |
9 | Đạ Tẻh | 43.810 | 23 |
10 | Cát Tiên | 37.112 | 12 |
11 | Lạc Dương | 19.298 | 8 |
12 | Đam Rông | 38.407 | 27 |
Bảng 1 cho thấy người Hoa cư trú chủ yếu ở các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, thành phố Bảo Lộc và thành phố Đà L ạt. Sự phân bố dân cư nêu trên đã dẫn tới sự đa dạng và khác nhau tương đối giữa các nhóm người Hoa: Nhóm cư dân có mặt ởLâm Đồng trư ớc 1954 – nhữ ng cư dân xuất phát từ vùng Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu đến Nam Bộ, sau đó tỏa đi các địa bàn khác, trong đó có tỉnh Lâm Đồng. Do đó, người Hoa ởLâm Đồng đã có mối quan hệ gắn bó với cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn (Thành phố HồChí Minh), nhưng nhóm Hoa này chiếm số lượng ít trong tổng số người Hoa ở Lâm Đồng. Với nhóm cư dân đến Lâm Đồng sau năm 1954, phần lớn là những người di cư từ tỉnh Bắc Giang và đạo Hải Ninh. Đây là nhóm cư dân chiếm đa số trong tổng số người Hoa trên địa bàn. Chính nhóm cư dân này lại quyết đ ịnh cả về số lượng lẫn chất lượng cơ cấu dân cư của người Hoa ở Lâm Đồng. Sự phân bố dân cư người Hoa ở Lâm Đồng không đều, ở huyện Đức Trọng có 6346 người, trong khi ở Lạc Dương chỉcó 8 người (?)! (Lam Dong Statistical Department, 2010).
2.2. Đặc điểm của các nhóm người Hoa ở Lâm Đồng
2.2.1. Hoạt động kinh tế
• Trong lĩnh vực nông nghiệp
Khi mới đến định cư tại Lâm Đồng, người Hoa thường trồng lúa và hoa màu. Lúa được trồng trên ruộng khô là chủ yếu, ruộng nước chỉ được canh tác ở một số nơi như Tùng Nghĩa (Đức Trọng) và nguồn nước tưới chủ yếu là nước mưa. Vì vậy, vụ mùa của ngư ời Hoa thường bắt đầu từ tháng Tư hàng năm. Đây là thời gian khởi đầu của mùa mưa nên năng suất thấp và sản lượng ít, chỉđảm bảo tự túc một phần lương thực tại chỗ cùng với các loại cây hoa màu khác. Tuy nhiên, trong vài thập kỉ trở lại đây, người Hoa đã chuyển sang dùng các loại giàn bơm tự động lấy nước từ các hồ, giếng lên để tưới, nên sản phẩm nông nghiệp đạt năng suất và chất lượng cao hơn, có thể tận dụng được hết khả năng của đất. Ngoài tập quán canh tác nêu trên, người Hoa tại Lâm Đồng còn trồng cây ăn quả. Các giống mận được người Hoa trồng là các giống mận Vân Nam xanh, Vân Nam đỏ, mỗi loại đều có hương vị riêng, được người Hoa sử dụng vào các mục đích khác nhau như ăn tươi, làm mứt, ngâm rượu… (Kết quả phỏng vấn).
Trong những năm gần đây, do giá cà phê liên tục tăng nên số lượng người Hoa chuyển từ trồng cây hoa màu sang cây chè, cà phê ngày càng nhiều. Cây cà phê được du nhập vào Lâm Đồng từ những năm 30 của thế kỉ trước, nhưng phải đến những năm 1954-1955, cà phê Robusta mới phát triển mạnh ở Di Linh, Đức Trọng. Đến năm 1999, do giá cà phê giảm mạnh nên gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất cà phê của người Hoa. Mặc dù giá cà phê nhân bị biến động bởi thị trường cà phê quốc tế, song với sự tham gia của Việt Nam trong Hiệp hội các nước xuất khẩu cà phê, thì cây cà phê đã được người Hoa chú trọng nhiều hơn. Bên cạnh trồng cà phê, người Hoa còn trồng dâu nuôi tằm. Cũng giống như các tộc người khác ở Lâm Đồng, từ năm 1999, nghề trồng dâu nuôi tằm của ngư ời Hoa tuy phát triển chậm nhưng có nhiều khởi sắc, đã tìm được lối ra, góp phần không nhỏ trong kết cấu kinh tế của người Hoa nơi đây.
• Trong lĩnh vực thương nghiệp – dịch vụ
Người Hoa ở Lâm Đồng tuy không có tiềm lực kinh tế lớn như người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng bước đầu họ đã tạo lập được một nền kinh tế khá ổn định. Không phải ngẫu nhiên có tới 75% số người Hoa ở Việt Nam chọn chỗ sống ở thành thị, thị xã, thị trấn hay nói khác đời sống của người Hoa gắn liền với thương thị. Đại đa số người Hoa ở Lâm Đồng trước đây chỉ trồng trọt và chăn nuôi, nhưng từ sau năm 1986, hoạt động thương nghiệp – dịch vụ trong cộng đồng người Hoa có chiều hướng tăng lên. Trong số các mặt hàng được người Hoa buôn bán, phổ biến nhất là các ngành buôn bán chạp phô (tạp hóa). Ở nhữ ng nơi có người Hoa cư trú, họ thường bày bán các nhu yếu phẩm như: gạo, bột ngọt, nước giải khát, bún khô, miến, mì sợi… đến những nguyên vật liệu máy móc công nghệ. Nhiều loại sản phẩm do người Hoa sản xuất được khách hàng trong và ngoài tỉnh chấp nhận như các sản phẩm trà, cà phê Lễ Ký ở Đà L ạt; cà phê Vĩnh Ích (Đà Lạt); sản phẩm nước chấm Bông Mai ở Đơn Dương… Ngoài buôn bán tạp hóa, người Hoa còn kinh doanh cửa hàng ăn uống, trong đó phải kể đến Tài Ký, Dìn Ký (Đà Lạt), Vĩnh Lợi (Đà Lạt)…
• Trong lĩnh vực thủ công nghiệp
Thủ công nghiệp của người Hoa ở Lâm Đồng chủ yếu là các cơ sở chế biến trà, cà phê theo hình thức thủ công. Trà là thức uống thông dụng của người Việt Nam nói chung, người Hoa nói riêng. Ngoài cách uống trà tươi người Hoa còn uống trà khô đã qua chế biến. Trước đây, trà sơ chế thủ công tại các gia đình người Hoa thường được thương nhân ngư ời Hoa chuyển về Sài Gòn để ướp hương, đóng thành các gói nhỏ mang nhãn mác trà Tàu và bán ra trên thị trường trong nước. Hiện nay, trà sơ chế của người Hoa đã được ướp hương tại chỗ với nhãn hiệu nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng như trà Lễ Ký (Đà Lạt)… Nghề chế biến cà phê của người Hoa ra đời sớm để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận dân cư đô thị Đà Lạt. Cách chế biến cà phê của người Hoa cũng khá phức tạp, công phu và có những bí quyết riêng về sử dụng nguyên liệu. Cà phê Vĩnh Ích, Lễ Ký là những nhãn hiệu nổi tiếng ở Đà L ạt… Bên cạnh đó, người Hoa còn làm phở khô, một sản phẩm rất được ưa chuộng.
Bảng 2 dưới đây cho thấy số người trả lời về mức độ cuộc sống như sau: cải thiện hơn một chút chiếm 56,27%, cải thiện hơn nhiều chiếm tỉ lệ 26,66%, như cũ chiếm 10,41%, giảm sút chiếm tỉ lệ thấp: 6,66%. Trong tương quan giữa người Hoa với các dân tộc trong tỉnh, tỉ lệ người trả lời mức sống được cải thiện hơn nhiều chiếm tỉ lệ cao (26,66%) so với (25,9%) toàn tỉnh; mức độ giảm sút so với trước chiếm tỉ lệ thấp hơn (6,66%) so với toàn tỉnh (6,8%).
Bảng 2. Đời sống hộ gia đình chia theo mức độ cuộc sống giữa năm 2014 so với năm 2010
Đơn vị tính: Phần trăm
Nguồn: (Lam Dong Statistical Department, 2016, p.57)
2.2.2. Đời sống xã hội của các nhóm người Hoa ở Lâm Đồng
• Các tổ chức hội, đoàn
Trong quá trình điền dã, với câu hỏi “ở các nhóm người Hoa có hội đồng hương hay không”, chúng tôi đều nhận được câu trả lời không. Tuy trên danh nghĩa không có hội đồng hương, nhưng có thể coi sự trợ giúp của bà con người Hoa ở trong và ngoài tỉnh như xây dựng miếu, trường học… cho thấy mang tính chất của tổ chức hội. Mặc dù không họp thường niên như các địa phương khác, nhưng bước đầu tổ chức này cũng đã tạo lập cho người Hoa có sự chuyển biến trong đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa. Bên cạnh đó, người Hoa ở Lâm Đồng còn tổ chức những buổi nói chuyện để ôn lại phong tục, tôn giáo, tín ngưỡng, từ đó làm cho những mối liên hệ thân hữu đạt hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn, trước năm 1975, nhóm Hoa Triều Châu thường giúp đỡ nhau trong làm ăn buôn bán, hộ giàu bỏ vốn ra giúp hộ nghèo cùng nhau phát triển kinh tế. Hội, đoàn thể thao của người Hoa ở Lâm Đồng là nơi tập hợp những người nhiệt huyết với văn hóa, thể thao và những người đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Ở Lâm Đồng, hội thể thao đã thành lập được đội lân sư (Đức Trọng), đội bóng rổ (Bảo Lộc)…; ngoài ra, còn có hội tang lễ. Hội này sẽ đảm trách việc tang lễ khi gia đình nào đó trong hội có người qua đời. Tang chủ không phải lo tiền tang ma mà số tiền này sẽ do những người trong hội đóng góp. Đặc điểm nổi bật của cộng đồng người Hoa là tính cố kết, tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng tộc người, trong nhóm địa phương, dòng họ khá bền chặt. Tổ chức hội đoàn của người Hoa chủ yếu là các hội đoàn tương tế, hội phụ huynh học sinh, hội đoàn thể thao, ban quản trị trường học giành cho con em người Hoa… Các hội đoàn là nơi hội họp của một số người cùng quê quán như hội đoàn tương tế được thành lập để giúp đỡ các thành viên trong hội và tổ chức nhiều hoạt động từ thiện. Ngoài ra, người Hoa còn quan tâm tới lĩnh vực giáo dục như dạy chữ Hoa cho con em người Hoa; vì vậy, việc xây dựng hội phụ huynh học sinh, ban quản trị trường học đã trở thành trung tâm đoàn kết của cộng đồng người Hoa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
• Gia đình
Viết về gia đình truyền thống của người Hoa trong lịch sử, nhà nghiên cứu người Trung Quốc Qi Yen fen nhậ n định: “Gia đình Trung Hoa cổ truyền là một tập hợp rộng lớn hơn gia đình hạt nhân hiện nay, có ba hoặc bốn thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Cùng chung sống, không phải chỉ bao gồm các con cháu theo trực hệ, mà cả họ hàng thân thích khác chi như chú, bác, cô, dì” (Nguyen, 2005, p.134).
Ở Lâm Đồng, gia đình lớn của các nhóm người Hoa chủ yếu là ba thế hệ, tại một sốnơi còn tồn tại gia đình lớn bao gồm bốn thế hệ. Cơ cấu gia đình của người Hoa được xác lập trên cơ sở phụ hệ. Trong gia đình, người đàn ông giữ vai trò quan trọng trong việc đi ều hành và quản lí gia đình, nên quyền thừa kế tài sản bao giờcũng thuộc về nhữ ng người con trai. Loại hình gia đình lớn của người Hoa được hình thành trên cơ sở cha mẹcưới vợ cho con trai và họ cùng ở chung một nhà. Mặc dù, người phụnữ trong xã hội của người Hoa chưa được thừa nhận vai trò của mình, nhưng nhìn chung cuộc sống trong gia đình của ngư ời Hoa thường là thuận vợ thuận chồng, vợ chồng cùng lo làm ăn, chăm sóc, giáo dục con cái và thực hiện nhiều trách nhiệm đối với gia đình, dòng tộc (Kết quả phỏng vấn).
Tương tự gia đình người Việt, gia đình người Hoa cũng có những quy định liên quan đến cách cư xử, hành động của mỗi người sao cho phù hợp với thuần phong mĩ tục, đó là kính trên, nhường dưới. Khi ngồi nói chuyện hay ăn uống, người lớn tuổi được ngồi trên, những người nhỏtuổi ngồi dưới. Mỗi thành viên trong gia đình đều có vai trò và trách nhiệm trong việc vun đắp cho gia đình ngày càng hạnh phúc, thịnh vượng. Ngày nay, việc gia tăng dân số tự nhiên đã làm cho quỹ đất ngày một thu hẹp, mà tài sản của gia đình ngư ời Hoa ở nông thôn chủyếu là ruộng/rẫy, công cụ sản xuất; ở thành phố và những vùng ven đô là nhà, cửa hàng, cửa hiệu… nên không phải gia đình nào sau khi cưới vợ cho con cũng có khả năng kinh tế để cho con ra ở riêng. Ở đô thị, vấn đề nhà ở, vốn làm ăn… là những nguyên nhân về kinh tế khiến nhiều cặp vợ chồng người Hoa sau khi đã lập gia đình nhiều năm, nhưng không thể ra riêng, vẫn phải ở chung với gia đình.
• Dòng họ
Trước năm 1975, ở Việt Nam có nhiều dòng họ lớn của người Hoa như họ Trần (còn gọi là Trần thị tông thân hội), họ Ngô, họ Lâm… Hội có cơ sở ở Quận 5, thu hút người Hoa cùng họ dù ở xa cũng về đây tụ hội nhân ngày giỗ tổ. Cũng giống như quan hệ dòng họcủa người Hoa ở các tỉnh khác, quan hệ dòng họcủa các nhóm người Hoa ở Lâm Đồng thường tuân thủ theo nguyên tắc tông pháp như ở Trung Quốc. Thông thường, con trưởng của dòng họ là trưởng họ. Tuy nhiên, quan hệ dòng họ hiện nay của người Hoa cũng có nhiều biến đổi. Chẳng hạn, ở một số dòng họ, tộc trư ởng thuộc dòng thứ. Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do khi di cư, người con trưởng ở lại Trung Quốc, chỉ có những người con thứra đi, cùng với thời gian, những người con thứ thành lập tại vùng đất mới những chi mới của dòng họ. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là do người con trai trưởng của dòng họ đó không có con trai để nối dõi, nên người con trai thứ lại trở thành tộc trưởng của dòng họ đó. Cộng đồng người Hoa ở Lâm Đồng có nhiều dòng họ như: Lư, Lưu, Chung, Lìu, Trần, Lý, Thái, Lâm, Ngô… Vào ngày giỗ tổ, những người trong một họ cùng nhau tập hợp lại cúng bái, nhận biết họ hàng thân thuộc. Những người đứng đầu tổ chức thân tộc, gia tộc là tộc trưởng hay người có uy tín trong dòng họ. Tộc trưởng – người có trách nhiệm chăm lo hương hỏa cho cả gia tộc, giữ gìn bàn thờ tổ tiên và là người đ ứng ra hòa giải các vướng mắc giữa các thành viên trong dòng họ. Về nội dung sinh hoạt, các dòng họ người Hoa ở Lâm Đồng thường tập trung vào việc tương thân, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, lo việc ma chay khi có người thân qua đời, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; đồng thời, dòng họ còn có vai trò giữ gìn và bảo lưu những sắc thái văn hóa truyền thống của họ tại nơi định cư mới. Thông thường, mỗi dòng họ thường tổ chức họp mỗi năm một lần, có khi 5 năm mới tổ chức một lần. Giống như người Việt, dòng họ của người Hoa cũng xưng hô theo thứ bậc. Cùng thế hệ, ai là dòng trưởng được gọi là anh, dù người đó nhỏ hơn người em trong tộc họ khá nhiều tuổi. Hiện nay, dòng họ của người Hoa ở Lâm Đồng có quy mô và số lượng nhỏ, ít thế hệ, các thành viên sống rải rác ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, những cuộc hôn nhân hỗn hợp giữa người Hoa và các dân tộc khác ở Lâm Đồng đã làm cho dòng họ của người Hoa có nhiều nét văn hóa hỗn hợp. Tính thứ bậc, gia trưởng phụ quyền cũng phai nhạt dần, thay vào đó bằng sự dân chủ, bình đẳng và cởi mởhơn giữa các thành viên trong tộc họ. Tuy nhiên, việc đ ảm bảo nguyên tắc ngoại tộc hôn trong 9 đời vẫn được giữ gìn và phát huy.
2.2.3. Đời sống văn hóa của các nhóm người Hoa ở Lâm Đồng
Đời sống văn hóa của các nhóm người Hoa ở Lâm Đồng có sự khác biệt khá rõ nét, có thể xem xét nhà cửa của người Hoa để thấy tính đặc thù này. Hiện nay, tuy không có sự khác biệt lớn về nhà ở giữa các nhómngư ời Hoa, chỉ khác biệt trong kiến trúc, được quy định theo địa bàn cư trú, thành thị hoặc nông thôn, hay theo mức sống. Tuy nhiên, có thể phân biệt các nhóm Hoa Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Sơn Đông với nhóm Hoa có gốc từ Hải Ninh bằng những miếng giấy đỏ dán trên cửa ra vào nhà. Các nhóm Hoa Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam thường treo trước cửa, ở trong nhà, lối ra, vào hay cầu thang hoặc trên vách tường những trấn trạch được in trên nền giấy đỏ bằng chữ nhũ vàng hoặc mực nho với các câu: “kim ngọc mãn đường” (金玉滿堂), “xuất nhập bình an” (出入平安), “bốn mùa bình an” (四季平安)…; trong khi nhóm Hoa gốc miền Bắc thư ờng dán giấy đỏ, hình chữ nhật, theo hàng dọc ở cửa nhà, mỗi mảnh giấy không ghi chữ, hoặc chỉ ghi chữ Phúc. Theo quan niệm của họ, màu đỏ với dòng chữ phúc biểu thị sự may mắn, chúc mừng. Hàng năm, mỗi dịp tết đến, người Hoa gốc Hải Ninh lại dán những phong bao màu đỏ với dòng chữ phúc ở ngay trước cửa nhà mình với mong ước điềm lành trong năm tới. Bên cạnh việc dán chữ phúc trước cửa, người Hoa còn dán chữ phúc đáo (福到 = fu dào= phúc đến) vào sáng mùng một Tết Nguyên đán hoặc nhân dịp khai trương cửa hiệu. Tín ngưỡng của người Hoa ở Lâm Đồng đa dạng từ nhiều nhóm tộc người nói ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt phải kể tới nhóm Hoa định cư lâu đời ở các tỉnh miền Bắc đ ến Lâm Đồng sau năm 1954. Đặc điểm chung của các nhóm người Hoa ở Lâm Đồng là thờ Thiên Hậu, Quan Thánh Đế Quân (Quan Công)1, với tên gọi miếu Ông. Theo quan niệm của họ, miếu chính là nơi mọi người tới cúng lễ, cầu phúc, bất cứ ai thành tâm đều có thể đến lễ, không phân biệt là người Hoa Quảng Đông hay gốc Hải Ninh. Ngoài ra, họ còn thờ Thổ địa và Thần tài. Đối với nhóm Hoa gốc miền Bắc, việc thờ tự các thần linh mang nhiều đặc điểm riêng so với các nhóm còn lại. Do đa số di dân này đến Lâm Đồng sinh sống bằng nghề nông, nên trong khu vực đ ất đai, ruộng/rẫy của họ đã hình thành nhiều ngôi miếu thờ Thổ thần gọi là miếu Xã Vương hay miếu rẫy. Hàng năm, họ thường tổ chức cúng miếu xã vương bốn lần, theo bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông và vào các ngày 16 tháng Chạp, 2 tháng Hai (âm lịch). Mỗi lần cúng, từng gia đình trong ấp thường cử người đi dự. Nếu chủ hộ không đi được người trong gia đình có thể đi thay, nhưng thường chỉ có một người đi đại diện, phụ nữ ít lui tới miếu cúng. Có nơi không cho phụ nữ đến nấu cúng, tất cả các công việc tổ chức cúng lễ đều do người đàn ông đảm trách (Kết quả phỏng vấn). Ngoài miếu thờ Xã Vương tại khu vực ruộng rẫy, “người Hoa gốc Hải Ninh còn dựng những ngôi miếu dưới tên gọi Hộ Quốc Quan Âm miếu hoặc Ngũ Phúc Quan Âm miếu… đặt thờ Quán Thế Âm tại vị trí trung tâm của chính điện. Hai bên tượng Quan Âm đều phối tự Quan Thánh Đế Quân và Mã Viện. Sau này, theo lệnh của Vòng A Sáng, đã thay việc thờ Mã Viện (hay còn gọi Phục Ba tướng quân) bằng tên gọi Án Thủ công công2” (Le, 2012, p.26). Một điểm khác biệt giữa nhóm Hoa gốc Hải Ninh so với các nhóm Hoa khác là họ có tổ chức lễ Tả Tài phán/cầu an (cầu siêu). Lễ này có từ lâu đời và thường diễn ra vào dịp tháng 10, 11 âm lịch (theo lịch 3-7 năm đáo lệ). Lễ cầu an được tổ chức khi cộng đồng hay khu vực cư trú của người Hoa gặp nhiều khó khăn, thời tiết thất thường. Ngoài ra, lễ này còn để phong cấp, phong sắc cho thầy cúng… Lễ Tả Tài phán mang ý nghĩa cầu an cho cộng đồng người Hoa thường diễn ra khoảng 5- 7 ngày tùy thuộc nguồn tài chính của các “mạnh thường quân”. Điểm khác biệt trong lễ cầu an của người Hoa với các lễ hội của cộng đồng người Việt là đấu thầu lễ để làm phúc. Chính nhờ những “mạnh thường quân”, các ban bảo trợ, các tổ chức, các cơ sở văn hóa của người Hoa được duy trì, phát triển trong mọi hoàn cảnh và phần nào đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa của cộng đồng.
Có thể khẳng định, đặc điểm tín ngưỡng của người Hoa ởLâm Đồng mang tính khác biệt, đa dạng từ nguồn gốc nhập cư; đa dạng trong cơ sở thờ tự và có nhiều điểm tương đồng với người Hoa ở Đồng Nai như có yếu tố chính trị ảnh hưởng trong thờ cúng của nhóm Hoa gốc Hải Ninh, có sự liên kết của nhóm Hoa gốc Hải Ninh qua tín ngưỡng (Tran, 2008).
3. Kết luận
Người Hoa ở Lâm Đồng bao gồm 6 nhóm Quảng Đông, Hải Nam, Triều Châu, Phúc Kiến, Sơn Đông, người Hoa gốc miền Bắc Việt Nam. Có thể thấy, cộng đồng người Hoa luôn tương trợ, giúp đỡ nhau trong buôn bán và duy trì ngoại hôn dòng họ trong “cửu hệ” một cách bền chặt. Giữa các nhóm người Hoa nói ngôn ngữ khác nhau sẽ có những điểm khác biệt về văn hóa, kinh tế, xã hội. Nếu như nhóm người Hoa di cư từ miền Bắc vào Lâm Đồng lấy nông nghiệp làm sinh kế chính, thì các nhóm còn lại chủ yếu làm nghề buôn bán, dịch vụ. Những dị biệt trong văn hóa truyền thống của các nhóm người Hoa được thể hiện qua đời sống vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, các nhóm Hoa đều thống nhất trong hai tín ngưỡng cộng đồng quan trọng và phổ biến nhất là tục thờ Quan Thánh Đế Quân và Thiên Hậu Thánh Mẫu. Trong quá trình định cư tại Lâm Đồng, nhiều loại hình tín ngưỡng của người Hoa đã dần lan tỏa và đi vào đời sống tâm linh, từ gia đình đến những nơi thờ cúng cộng đồng của người Việt; trong đó, phổ biến nhấ t là tín ngưỡng thờ Thần tài, Thổ địa.
___________
1 Quan Vũ (? – 220) được gọi là Quan Công (關公), biểu tự Vân Trường (雲長) hoặc Trường S inh (長生) là một vị tướng thời kì cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở Trung Quốc.
2 Án thủ công công – một vị quan đi lính cho Pháp, nhưng sau đó theo nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám nên bị Pháp bắt và giết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bui, N. T. (2007). Bao cao so ket de tai khoa hoc cap tinh “Nguoi Hoa trong cong dong cac dan toc o Dong Nai” [The preliminary report on the provincial scientific project of “The Hoa people in the community of ethnic groups in Dong Nai”]. The Commission for Mass Mobilisation of Dong Nai province, Bien Hoa.
Lam Dong Statistical Department (2010). Tong dieu tra dan so va nha o tinh Lam Dong nam 2009: Cac ket qua chu yeu [Population and Housing Census in Lam Dong in 2009: The major results]. Da Lat.
Lam Dong Statistical Department (2016). Thuc trang doi song ho dan cu tinh Lam Dong (thoi ki 2002-2014) qua ket qua khao sat muc song dan cu cac nam chan tu 2002-2014 [Actual situation of households’ living in Lam Dong province (period 2002-2014) through the results of the survey on the living standards of the even years from 2002-2014]. Da Lat.
Le, T. N. (2012). Tin nguong cua nguoi Hoa o Lam Dong [The Hoa beliefs in Lam Dong]. Anthropology Review, 4(178), 19-26.
Mac, D. (1994). Xa hoi nguoi Hoa o thanh pho Ho Chi Minh sau nam 1975 (tiem nang va phat trien) [The Hoa society in Ho Chi Minh City after 1975 (potential and development)]. Hanoi: Social Sciences.
National Archives Center IV of Viet Nam. Ho so xay dung tuyen duong sat Kronpha – Da Lat 1922-1928 [The Profile construction of Kronpha – Da Lat railway line from 1922 to 1928]. File 3305.
Nguyen, D. B. (2005). Hon nhan va gia dinh nguoi Hoa o Nam Bo [The Hoa marriage and family in the South]. National University.
People’s Committee of Da Lat city (2008). Dia chi Da Lat [Location of Da Lat]. Summary of Ho Chi Minh City.
People’s Committee of Lam Dong province (2001). Dia chi Lam Dong [Location of Lam Dong]. Hanoi: Ethnic culture.
Secretariat of the Party Central Committee(1995). Bao cao ve cong tac nguoi Hoa [Reporting on the Hoa affairs]. Hanoi.
Tran, H. L. (2008). Cac nhom cong dong nguoi Hoa o tinh Dong Nai [Groups of Hoa community in Dong Nai province]. The third Vietnamese International Conference. Vietnam Academy of Social Sciences and Hanoi National University, Hanoi.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM, Tập 17, Số 10(2020):1725-1736
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Các nhóm dân cư người Hoa ở Lâm Đồng (Tác giả: Lê Thị Nhuấn; Nguyễn Thị Hà Giang) |