Cách tiếp cận HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Việt Nam hiện nay – Những vấn đề đặt ra
AN APPROACH TO VIETNAM’S CONTEMPORARY
POLITICAL SYSTEM
PGS.TS HOÀNG VĂN VIỆT
(Trung tâm Nghiên cứu Thái Lan,
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM)
1. Đặt vấn đề – Khía cạnh lý thuyết
Về hệ thống chính trị – xã hội, trong giới khoa học và bình luận chính trị – xã hội còn tồn tại nhiều cách hiểu và tiếp cận nghiên cứu khác nhau.
Các nhà khoa học Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Úc cho rằng, hệ thống chính trị – xã hội gồm các chủ thể của nó như các cơ quan nhà nước, các đảng chính trị, đôi lúc đồng nhất hệ thống chính trị với chính phủ (Government)1. Rõ ràng, cách tiếp cận như vậy là đúng, tức chỉ ra được hai chủ thể quan trọng của hệ thống chính trị là các cơ quan nhà nước (Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp, Hệ thồng chính quyền địa phương) và đảng chính trị. Nhưng ở đây, các tác giả Âu – Mỹ, Úc chưa đề cập đến các bộ phận cấu thành và các cơ sở tồn tại của hệ thống chính trị.
Ở Việt Nam, khái niệm hệ thống chính trị được chính thức sử dụng trong các văn kiện Đảng từ Hội nghị lần VI Ban chấp hành Trung ương khóa VI (tháng 3 năm 1989) để thay thế cho khái niệm hệ thống chuyên chính vô sản vẫn được dùng trước đây (Vũ Minh Giang (Chủ biên), 2008, tr.18). Có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm này trong giới khoa học Việt Nam.
Sau khi đúc kết 10 quan niệm về hệ thống chính trị, với những đánh giá ưu và nhược điểm của mỗi loại quan niệm, Vũ Minh Giang cho rằng, hệ thống chính trị là một chỉnh hợp bao gồm một thiết chế quyền lực với một bệ đỡ tư tưởng xác định và những chế định đảm bảo cho sự tồn tại và vận hành của nó. Đồng thời bao gồm cả những ứng xử chính trị… (Vũ Minh Giang (Chủ biên), 2008, tr. 18). Khác các tác giả khác, Vũ Minh Giang tiếp cận thêm một bước để hoàn thiện hơn khái niệm hệ thống chính trị – xã hội.
Tiếp cận rộng hơn, đầy đủ hơn, các nhà khoa học Nga nhấn mạnh, ngoài các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị như các cơ quan nhà nước, các đảng phái đoàn thể chính trị hợp hiến, cấu trúc của hệ thống chính trị còn bao gồm các nền tảng kinh tế, tư tưởng chính trị; các giai cấp và phân tầng xã hội; các đặc trưng văn hóa; các định chế chính trị; các xu hướng hoạt động chính trị và các phương tiện đảm bảo sự vận động của hệ thống chính trị.
“Hệ thống chính trị là một cơ chế mà giai cấp thống trị dựa vào nó để lãnh đạo chính trị và thực hiện việc quản lý xã hội” (Từ điển Chính trị học Bách khoa thư, 1993, tr.96). Hệ thống chính trị gồm sáu bộ phận cấu thành:
Thứ nhất, chủ thể chính trị: gồm tổng thể các cơ quan nhà nước, các đảng phái chính trị, các liên minh chính trị – xã hội, các tổ chức, phong trào chính trị hoạt động lập hiến. Theo các nhà khoa học Nga, các liên minh kinh tế cũng là một bộ phận không thể thiếu được của hệ thống chính trị, đặc biệt vị trí, vai trò quan trọng (thậm chí chi phối) của các tập đoàn (liên minh) kinh tế trong hoạt động chính trị. Ở các nước tư bản chủ nghĩa, sự đan xen chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau quyền lợi kinh tế với chính trị đã tạo ra một nhóm nhỏ – đại diện trong giới chóp bu tư sản nắm giữ và thực thi quyền lực chính trị2.
Thứ hai, các quan hệ chính trị là các quan hệ thẳng đứng được xác lập trong quá trình thực hiện quyền lực chính trị giữa các tổ chức chính trị (nhà nước, đảng phái, tập thể lao động, các đoàn thể chính trị – xã hội) trong hệ thống chính trị.
Thứ ba, các nguyên tắc và tiêu chuẩn chính trị: các định chế thành văn (Hiến pháp, các đạo luật, điều lệ,…) ấn định các hành vi ứng xử của các chủ thể chính trị trong hoạt động chính trị. Do các chế độ chính trị của mỗi quốc gia khác nhau nên các tiêu chuẩn chính trị và nguyên tắc chính trị cũng khác nhau về cả bản chất và hình thức thực hiện.
Thứ tư, tư tưởng chính trị là các quan niệm, quan điểm, tư tưởng trong đó phản ánh các mục đích, mục tiêu; nội dung, phương hướng và các cách thức đạt đến quyền lực chính trị và thực thi quyền lực chính trị của mỗi giai cấp, các nhóm chính trị – xã hội. Trong một xã hội có thể tồn tại nhiều tư tưởng, xu hướng chính trị khác nhau, nhưng mỗi hệ thống chính trị cần dựa trên một hệ tư tưởng chính trị chính thống; ví dụ, các nước xã hội chủ nghĩa, như Việt Nam, hệ tư tưởng chi phối của hệ thống chính trị là chủ nghĩa Macxit-Lêninit.
Thứ năm, văn hóa chính trị là biểu hiện của văn hóa trong hoạt động chính trị. Văn hóa chính trị phản ánh phương diện đặc thù, đặc trưng của mỗi hệ thống chính trị; nó chỉ rõ trình độ, năng lực, phẩm chất và khả năng của các chủ thể chính trị trong hoạt động chính trị. Là phạm trù của văn hóa, văn hóa chính trị luôn luôn biến đổi theo sự chuyển động không ngừng của xã hội, của lịch sử, cả về nội dung lẫn hình thức; cả về không gian lẫn thời gian. Văn hóa chính trị gồm hai bộ phận (nội dung): Văn hóa chính trị truyền thống và Văn hóa chính trị hiện đại. Trong các xã hội phương Đông hiện nay, bên cạnh cấu trúc chính trị hiện đại, hệ thống tổ chức quản lý truyền thống đã in đậm sâu sắc và đang có vai trò ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình vận hành quyền lực của giai cấp thống trị. Nó là một bộ phận nền tảng của hệ thống chính trị, giúp cho việc thống nhất hay làm tan rã cơ tầng xã hội, tạo ra cơ sở xã hội rộng lớn hoặc ủng hộ, củng cố chính quyền; hoặc làm bất ổn định hệ thống quyền lực. Ở Việt Nam hiện nay, việc hoàn thiện hệ thống chính trị nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước không thể bỏ qua việc phát huy các giá trị phát triển của hệ thống tổ chức và quản lý của các cộng đồng dân tộc ít người.
Thứ sáu, hệ thống thông tin đại chúng. Giữ vai trò là cơ quan quyền lực thứ tư, hệ thống thông tin đại chúng không chỉ hoàn thiện chức năng phổ biến, tuyên truyền và giải thích các mục đích, mục tiêu chính sách, chiến lược của giai cấp thống trị, mà còn thể hiện sức mạnh trong việc tập hợp, tổ chức các lực lượng chính trị – xã hội toàn xã hội trong các cuộc vận động chính trị lớn. Dù giải thích một cách ẩn dụ thế nào, hệ thống thông tin đại chúng vẫn là phương tiện cần thiết thuộc về giai cấp thống trị.
Với tư cách một bộ phận quan trọng của thượng tầng kiến thức, hệ thống chính trị giúp cho giai cấp thống trị thực hiện việc giải quyết các nhiệm vụ kinh tế – xã hội cấp bách, giữ gìn ổn định, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.
Trong thế giới hiện đại đang tồn tại hai loại hệ thống chính trị xét trên phương diện bản chất giai cấp và phương diện trình độ phát triển, đó là hệ thống chính trị các nước tư bản chủ nghĩa (hiện đại và quá độ) và hệ thống chính trị các nước xã hội chủ nghĩa quá độ như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cuba.
Từ những phân tích trên có thể khẳng định hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay là hệ thống chính trị của xã hội quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tuyệt nhiên chưa phải là hệ thống chính trị chuyên chính vô sản như trước đây từng nhìn nhận; hệ thống chính trị đang tồn tại trong xã hội đa văn hóa, đa tộc người. Khi tiếp cận (giảng dạy hay nghiên cứu) hệ thống chính trị Việt Nam cần làm rõ 1. Bản chất giai cấp và tính dân tộc; 2. Trình độ phát triển quá độ của xã hội, nơi mà hệ thống chính trị đang tồn tại.
2. Quá trình chính trị và các nền tảng tồn tại của hệ thống chính trị Việt Nam
Xuất phát từ quan niệm cấu trúc – hệ thống, chúng tôi cho rằng, hệ thống chính trị là một tiểu hệ thống của xã hội. Sự phát sinh, phát triển của các bộ phận cấu thành của nó gắn chặt một cách chặt chẽ với các yếu tố tạo nên diện mạo và các động thái hoạt động của nó.
Khi xem xét hệ thống chính trị – xã hội Việt Nam hiện nay cần chú ý tới các nội dung cần thiết:
2.1. Về quá trình chính trị của hệ thống chính trị
Quá trình chính trị là các bước xác lập điều kiện (về kinh tế, xã hội, tư tưởng, chính trị, văn hóa,…) để hình thành và hoàn chỉnh hệ thống chính trị ngày nay, cả về không gian lẫn thời gian; cả về nội dung lẫn hình thức.
Quá trình chính trị ở Việt Nam có thể trải qua ba giai đoạn.
Giai đoạn I – từ 1930 đến 1945 với các sự kiện nổi bật mang tính quyết định hình thành hệ thống chính trị Việt Nam là Xô viết Nghệ Tĩnh và Cách mạng tháng Tám năm 1945. Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra năm 1930 – 1931. Mặc dù quy mô về không gian hạn chế và sự tồn tại không kéo dài nhưng sự ra đời của cấu trúc quyền lực mới bằng một cuộc nổi dậy cách mạng mang tính công nông và bằng tính sáng tạo tuyệt vời của những người yêu nước, cũng như hoạt động mang tính cách mạng của chính quyền nhân dân mới đặt nền tảng quan trọng khởi nguyên cho việc xây dựng ở Việt Nam một hệ thống chính trị dân chủ nhân dân trong tương lai.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là đỉnh điểm của phong trào yêu nước và cách mạng lật đổ ách thống trị thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai. Kết quả thắng lợi của cách mạng đã đặt dấu chấm hết cho hệ thống chính trị thực dân và xác lập một cấu trúc quyền lực chính trị mới của những người cộng sản và yêu nước – nền chuyên chính dân chủ nhân dân.
Giai đoạn II – từ 1954 đến 1975.
Kết quả ký kết của Hiệp định Geneve năm 1954 là phân chia Việt Nam làm hai miền đối lập nhau về ý thức hệ và tổ chức quyền lực. Ở miền Nam, những người theo khuynh hướng chính trị chống cộng sản, được chính quyền Mỹ ủng hộ, đã xây dựng ở đây một hệ thống chính trị “vay mượn” rập khuôn theo kiểu Mỹ.
Ở miền Bắc, trên thực tế vẫn duy trì những nội dung cơ bản của hệ thống chính trị xây dựng từ năm 1945. Sau những lần cải cách triệt để, Hiến pháp năm 1959 đã khẳng định dứt khoát con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và nền chuyên chính dân chủ ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam do Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản) trực tiếp lãnh đạo.
Do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt và lan rộng, ở miền Bắc nhất thiết cải chính lại cơ cấu quyền lực tập trung theo yêu cầu thời chiến. Quyền lực nhà nước (ba nhánh quyền lực và hoạt động dân chủ của nhân dân) thể hiện ý chí Đảng lãnh đạo – cầm quyền thông qua các đường lối chỉ đạo và các cơ quan chuyên trách của Đảng.
Giai đoạn III – từ sau năm 1975 đến nay.
Trong hai năm 1975-1976 sau chiến thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, việc xây dựng bộ máy nhà nước và các cơ cấu chính trị thống nhất trên toàn lãnh thổ đã được thực hiện. Ngày 16 tháng 4 năm 1976 Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước được tổ chức thực hiện. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mới diễn ra vào cuối tháng 6 – đầu tháng 7 cùng năm đã thông qua các quyết định quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước thống nhất, hệ thống chính quyền địa phương, Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca và Quốc huy.
Hiến pháp năm 1980, 1992 và các bổ sung tiếp theo vào các năm 2001, 2002 và, gần đây nhất, vào năm 2013 đã từng bước củng cố và hoàn thiện hệ thống chính trị nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
2.2. Văn hóa chính trị Việt Nam
Văn hóa chính trị là “một dạng đặc biệt của định hướng chính trị, phản ánh đặc thù của mỗi hệ thống chính trị” (Chính trị học – Từ điển Bách khoa thư, 1993, tr.14).
Văn hóa chính trị Việt Nam, xét theo thời gian thì gồm văn hóa chính trị truyền thống; xét theo nội dung thì có văn hóa chính trị dân chủ vô sản và văn hóa quản lý xã hội cộng đồng, đặc biệt trong các vùng cư dân dân tộc ít người. Văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam được tích tụ và hun đúc bởi các giá trị của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc trên nền tảng “dân là gốc” và các hành vi nhân văn, nhân đạo.
Yêu nước là hành vi tích cực của con người đối với quê hương đất nước, đối với nơi “chôn rau cắt rốn” (nơi mình sinh ra). Tinh thần và hành vi biểu hiện chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam đã được kết sinh bằng những trải nghiệm nghiệt ngã qua nhiều cuộc kháng chiến chống giặc xâm lăng, qua những khát khao vươn lên chinh phục sự tàn khốc của thiên nhiên đem lại. Cốt lõi của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là đoàn kết dân tộc, lấy dân làm gốc rễ.
Giống các nước Đông phương đa tộc người, ở Việt Nam đang tồn tại song song hai cơ chế quản lý – nhà nước (quan phương) và truyền thống (phi quan phương).
Quản lý truyền thống là hình thái tổ chức quản lý các cộng đồng dân tộc ít người, chủ yếu dựa trên nguyên tắc tự nguyện và dân chủ cộng đồng. Các đơn vị kinh tế – xã hội của họ chủ yếu khu biệt trong không gian nhỏ hẹp giới hạn bởi các quan hệ huyết thống, họ hàng hay thân thuộc, như Phum – Sork trước đây của người Khmer; Palay của người Chăm, người Raglai hay Stiêng; Buôn của người Ê-đê…
Người lãnh đạo tối cao của các xã hội cộng đồng này thường là những người cao niên, có kiến thức rộng, hiểu biết nhiều, có khả năng quản lý và nhận được sự uy tín rộng rãi của toàn thể cộng đồng. Họ làm việc một cách tự nguyện, có trách nhiệm cao và không có đặc quyền, đặc lợi. Phương tiện duy nhất của người đứng đầu điều hành quản lý là luật tục – định chế do toàn thể người dân cộng đồng tạo ra, tuân theo nhằm giữ gìn ổn định trật tự xã hội; duy trì, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa; bảo vệ, tổ chức cộng đồng,…
Ở một số cộng đồng như Khmer, Chăm, tôn giáo có vai trò cực kỳ to lớn và quan trọng trong hoạt động quản lý xã hội. Chùa của người Khmer, thánh đường của người Chăm Hồi giáo không chỉ là nơi thờ tự, cử hành nghi thức tôn giáo, mà còn là trung tâm văn hóa, giáo dục người dân. Người đứng đầu tôn giáo (hay chùa) thể hiện vị trí, vai trò không thể thiếu cùng với người đứng đầu mọi hoạt động xã hội.
Nhìn chung, với phương diện văn hóa quản lý, tổ chức và quản lý của cộng đồng dân tộc ít người ở Việt Nam đã làm đa dạng và phong phú cơ chế vận hành và tổ chức của hệ thống chính trị Việt Nam.
2.3. Cơ sở kinh tế, xã hội và tư tưởng chính trị của hệ thống chính trị
Với tư cách một tiểu hệ thống, hệ thống chính trị nhất thiết phải dựa trên nền tảng cơ bản của xã hội: kinh tế, xã hội và tư tưởng chính trị.
Cơ sở kinh tế của hệ thống chính trị Việt Nam là nền kinh tế với cấu trúc nông – công nghiệp. Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng (cơ cấu lao động theo nghề chiếm hơn 44%): còn công nghiệp là ngành kinh tế đang phát triển (cơ cấu lao động: hơn 22%). Kinh tế Việt Nam là đa thành phần, đa sở hữu, nhưng thành phần kinh tế và sở hữu công vẫn giữ vai trò then chốt, là đòn bẩy và chiếm giữ các ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Tác động mạnh mẽ của công nghiệp hóa – hiện đại hóa đang làm chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế Việt Nam theo hướng hiện đại – công nghiệp hiện đại.
Việt Nam là xã hội xã hội chủ nghĩa quá độ. Vì vậy, kết cấu xã hội chủ yếu gồm hai đại diện của nó là giai cấp nông dân và giai cấp công nhân. Giai cấp nông dân Việt Nam hiện nay chiếm đa số dân cư và lực lượng lao động (hơn 60% và hơn 40% lực lượng lao động). Nông dân Việt Nam tuy có nhiều mặt hạn chế trong tư duy, lối sống nhưng có nhiều ưu điểm (từng rèn luyện trải qua những môi trường chiến tranh và lao động cực kỳ gian khổ; cần cù, siêng năng lao động; yêu đất nước, yêu dân tộc…) là nền tảng xã hội vững chắc và tin cậy của chế độ xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, dưới tác động của công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, cơ cấu thành phần giai cấp nông dân đang thay đổi; trình độ nhận thức và khả năng hội nhập đang chuyển biến rất tích cực.
Giai cấp công nhân Việt Nam chiếm số lượng lực lượng lao động chưa cao (khoảng 20%). Thành phần của giai cấp này thay đổi nhanh chóng, nhưng lực lượng công nhân truyền thống vẫn là lực lượng giai cấp nòng cốt của Đảng ta, của chế độ.
Trí thức là tầng lớp đặc biệt của một bộ phận lao động của xã hội, có tri thức, năng lực sáng tạo cao. Họ không có hệ tư tưởng độc lập, nhưng họ có vị trí xứng đáng trong việc nâng cao trình độ học vấn của xã hội, góp phần định hình các hệ thống lý thuyết cho giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng. Trong thời kỳ cách mạng khoa học công nghệ, đội ngũ trí thức Việt Nam ngày càng lớn mạnh về số lượng và trưởng thành về nhận thức.
Tầng lớp thị dân ngày càng tăng trưởng cao về số lượng do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Họ là tầng lớp hình thành từ nhiều bộ phận dân cư khác nhau. Hiện nay, tầng lớp này đang phân hóa mạnh mẽ. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trở nên phổ biến và rõ rệt.
Tóm lại, cơ cấu xã hội và giai cấp ở Việt Nam hiện nay phản ánh rõ thực trạng bản chất xã hội và trình độ phát triển kinh tế – xã hội của xã hội quá độ. Tuy nhiên, do lịch sử và bản chất giai cấp, các giai cấp công – nông và thành phần trí thức dễ dàng liên kết trong liên minh đại diện quyền lực chính trị của hệ thống chính trị Việt Nam.
Hệ tư tưởng là tổng hợp các học thuyết, tư tưởng hình thành từ các quan điểm của một giai cấp nhất định, phản ánh các quyền lợi, mục đích căn bản của giai cấp ấy. Còn tư tưởng chính trị là biểu hiện các mục đích, phương pháp và phương châm chính trị.
Hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay dựa trên nền tảng nhất nguyên chính trị. Hệ tư tưởng Macxit – Leninit và tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống lý luận và phương châm chính trị duy nhất. Lực lượng chính trị duy nhất đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam là Đảng Cộng sản Việt Nam – lực lượng ưu tú nhất và trung thành nhất của chủ nghĩa MacLenin và dân tộc.
3. Tổ chức nhà nước trung ương và địa phương
Khác các nước tư bản chủ nghĩa, bộ máy nhà nước Việt Nam dựa trên nguyên tắc tổ chức nhất thể, thống nhất.
Nói đến hình thức nhà nước là nói đến hình thức tổ chức và quản lý nhà nước. Trên phương diện cấu trúc nhà nước Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc đơn nhất; trên phương diện chính thể – cộng hòa đại nghị.
* Người đứng đầu nhà nước là chủ tịch nước; đồng thời là thống lĩnh các lực lượng vũ trang, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Chủ tịch nước do Quốc hội bầu là đại biểu Quốc hội.
Căn cứ các nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch nước có các quyền: bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ và các chức vụ đứng đầu ngành Tư pháp; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó thủ tướng, các Bộ trưởng; công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh, ân xá, khen thưởng, quyết định phong hàm cấp sĩ quan cao cấp của lực lượng vũ trang (cấp Thượng tướng); bổ nhiệm, triệu hồi đại sứ.
Phó chủ tịch nước có thể thay thế chức vụ Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp.
Nhìn chung, Hiến pháp sửa đổi và bổ sung năm 2013 cho phép tăng quyền hạn của Chủ tịch nước.
* Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước tối cao.
Chức năng của Quốc hội là: lập pháp, giám sát và quyết định những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội là:
– Soạn thảo Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp; làm luật, sửa đổi luật.
– Giám sát hoạt động các cơ quan nhà nước: Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
– Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
– Quyết định ngân sách nhà nước.
– Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án, Viện trưởng Viện Kiểm sát.
– Quyết định cơ cấu tổ chức các cơ quan chính phủ; thành lập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính địa phương.
– Quyết định trưng cầu dân ý.
– Quyết định vấn đề chiến tranh, hòa bình, tình trạng khẩn cấp…
Nhiệm kỳ Quốc hội là 5 năm; số đại biểu không quá 500 người.
Quốc hội Việt Nam là Quốc hội một viện. Quốc hội bầu ra chủ tịch, các phó chủ tịch Quốc hội và người đứng đầu các ban của Quốc hội.
Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ. Để duy trì công việc hoạt động thường xuyên, Quốc hội lập ra Ủy ban thường vụ.
Đại biểu Quốc hội được quyền chất vấn người đứng đầu các cơ quan nhà nước và cấp bộ, ngang bộ. Đại biểu Quốc hội được hưởng quyền miễn trừ cá nhân.
Nói chung, trong thời kỳ quá độ, giao chuyển của xã hội, Quốc hội Việt Nam vẫn chưa thể phát huy hết vai trò một cơ quan quyền lực nhà nước tối cao trong hoạt động làm luật và giám sát.
* Chính phủ: là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Việt Nam; chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
Chính phủ gồm Thủ tướng, các Phó thủ tướng, các bộ trưởng các bộ và các cơ quan ngang bộ.
Thủ tướng là đại biểu Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Chính phủ có những quyền hạn và nhiệm vụ:
– Lãnh đạo công tác các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp; xây dựng và kiện toàn hệ thống thống nhất bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở.
– Đảm bảo việc thi hành Hiến pháp và pháp luật.
– Có quyền trình dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác trước Quốc hội.
– Thống nhất việc quản lý và điều hành các hoạt động liên quan đến kinh tế, tài chính, văn hóa – giáo dục, đối ngoại, quốc phòng – an ninh trật tự xã hội.
– Quyết định việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính địa phương.
Nhiệm kỳ của chính phủ theo nhiệm kỳ Quốc hội.
Thủ tướng chính phủ có các quyền và nhiệm vụ:
– Lãnh đạo trực tiếp công tác chính phủ, các thành viên chính phủ và ủy ban nhân dân
các cấp.
– Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó thủ tướng, chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Đề nghị Quốc hội thành lập, bãi bỏ các cơ quan chính phủ (bộ, cơ quan ngang bộ).
– Đình chỉ, bãi bỏ các quyết định, chỉ thị các cơ quan, cá nhân thuộc cấp nếu trái pháp luật.
Trong một xã hội đang chuyển đổi mạnh mẽ hiện nay, quyền hạn và nhiệm vụ hoạt động của chính phủ càng đặt ra yêu cầu nhiều hơn và cao hơn.
* Cơ quan tư pháp:
Cơ quan tư pháp Việt Nam gồm viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân; là cơ quan bảo vệ luật pháp. Tổ chức cơ quan tư pháp theo hàng dọc, tức từ trung ương đến địa phương.
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp. Nhiệm kỳ của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là 5 năm, là đại biểu Quốc hội.
– Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cáo có quyền hạn bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức viện trưởng, phó viện trưởng, kiểm sát viên địa phương (cấp dưới); chịu trách nhiệm và báo cáo công tác, hoạt động trước Quốc hội.
Ở địa phương (từ cấp huyện trở lên) các Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và hoạt động tại địa phương.
Được tổ chức theo ngành dọc nên Viện Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo và chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên. Các viện trưởng Viện Kiểm sát địa phương chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân địa phương.
– Tòa án nhân dân:
Tòa án nhân dân tối cao, các cấp là cơ quan xét cử.
Nhiệm kỳ của chánh án tối cao là 5 năm theo nhiệm kỳ Quốc hội, là đại biểu Quốc hội.
Chế độ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ thẩm phán, chế độ bầu cử, nhiệm kỳ của hội thẩm quyền nhân dân ở tòa án nhân dân các cấp do luật định.
Tổ chức hoạt động theo ngành dọc, ở các địa phương có tòa án nhân dân địa phương (từ cấp huyện trở lên). Để đảm bảo chế độ hoạt động hiệu quả, ở thành phố lớn (TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng) có tòa án cấp cao, với chức năng xét xử phúc thẩm.
Tòa án nhân dân xét xử công khai, trừ trường hợp đặc biệt. Hoạt động xét xử theo trình tự: sơ thẩm và phúc thẩm.
* Tổ chức nhà nước ở địa phương
Chính quyền địa phương là chính quyền nhà nước ở địa phương. Chính quyền địa phương vừa hoàn thiện chức năng địa phương, vừa hoàn thiện chức năng nhà nước. Chính quyền địa phương lập ra vừa có vai trò đảm bảo sự thống trị thống nhất của giai cấp cầm quyền, vừa có ý nghĩa trong việc bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ quốc gia.
Chính quyền địa phương bao gồm ba cấp: cấp tỉnh – thành (63 đơn vị); cấp quận – huyện – thị xã và cấp xã – phường – thị trấn. Hiện nay, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và sự chuyển dịch dân cư mạnh mẽ, theo luật định sẽ định hình lại một số đơn vị quận – phường – xã theo nguyên tắc sáp nhập.
Ngoài hệ thống tư pháp tổ chức theo ngành dọc (như đã nói ở trên), chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân các cấp và Ủy ban nhân dân các cấp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân về các hoạt động của mình.
4. Đảng Cộng sản lãnh đạo và tính chất quyền lực chính trị
Điều 4 của Hiến pháp 1992 nhấn mạnh: “Đảng Cộng sản Việt Nam – đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mac-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” (Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và các Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992), 2005, tr.200).
Như vậy, luật định (Hiến pháp) đã khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo xã hội và cầm quyền (quyền nhà nước) là duy nhất, bất khả luận.
Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng tiên phong cách mạng của giai cấp công nhân, đại biểu không chỉ lợi ích của giai cấp công nhân mà của tất cả những người lao động, yêu nước và cả dân tộc.
Như vậy, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam hết sức quan trọng. Đảng vừa là lực lượng tiên tiến lãnh đạo xã hội, vừa là tổ chức cách mạng cầm quyền.
Vị trí cầm quyền (từ năm 1945 đến nay) thể hiện ở chỗ: thứ nhất, giữ vai trò định hướng tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; thứ hai, đảng viên của Đảng nắm giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan nhà nước; thứ ba, thực hiện việc kiểm tra, giám sát các hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Năm 1945, cách mạng thành công. Nhà nước dân chủ Việt Nam ra đời. Hơn 70 năm cầm quyền, Đảng là hạt nhân, là trung tâm của mọi hoạt động quyền lực.
Đảng lãnh đạo xã hội thông qua các tổ chức chính trị – xã hội: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp Công đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh.
Vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng thể hiện ở chỗ: thứ nhất, giữ vai trò sáng lập các tổ chức chính trị – xã hội trên; thứ hai, lãnh đạo thông qua các đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng; thứ ba, quyết định công tác tổ chức và nhân sự chủ chốt của các tổ chức trên.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị Việt Nam; là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu của các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, thành lập năm 1955.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những người lao động tự nguyện lập ra (năm 1929) nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh; đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Viêt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của phụ nữ Việt Nam, với mục đích hoạt động vì sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ. Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời năm 1930.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ra đời năm 1931, là tổ chức chính trị – xã hội của thanh niên Việt Nam. Tổ chức do Đảng sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Hội là lực lượng hậu bị quan trọng, cánh tay đắc lực của Đảng.
Hội Nông dân Việt Nam: là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp nông nhân, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, do Đảng sáng lập và lãnh đạo. Hội ra đời năm 1930.
Hội Cựu chiến binh: là tổ chức chính trị – xã hội của các cựu chiến binh của các lực lượng vũ trang và bán vũ trang trong các cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia qua các thời kỳ. Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, do Đảng sáng lập, lãnh đạo và hoạt động theo đường lối, chủ trương của Đảng, của Hiến pháp và pháp luật. Hội ra đời năm 1989.
Khác các nước tư bản chủ nghĩa, nơi đảng chính trị lập ra tranh giành phiếu bầu nhằm đưa các đảng viên của họ nắm giữ các vị trí của bộ máy nhà nước, ở Việt Nam, Đảng Cộng sản là đảng cầm quyền và là đảng lãnh đạo toàn xã hội. Sự nghiệp cách mạng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước là sứ mệnh lịch sử của Đảng. Trong thời khắc hiện nay, những nhân tố khách quan và chủ quan, đặc biệt những khiếm khuyết trong công tác tổ chức, hoạt động và lãnh đạo đã đặt ra thử thách hết sức khắc nghiệt đối với đảng cầm quyền, việc hoàn thiện vai trò cầm quyền và lãnh đạo của Đảng càng trở nên bức bách và cần thiết. Trong các nghị quyết của Đảng, trong thực tiễn hành động, đã thể hiện sự chuyển mình hết sức mạnh mẽ, quyết liệt: 1. Trên lĩnh vực tư tưởng – chính trị; 2. Trong công tác tổ chức; 3. Trong phong cách sinh hoạt Đảng.
Nghiên cứu hay giảng dạy các nội dung hệ thống chính trị nhất thiết phải đề cập nội dung tính chất quyền lực của hệ thống chính trị. Cơ sở để xác định bản chất, nội dung quyền lực chính trị là: 1. Bản chất xã hội mà quyền lực chính trị ấy tồn tại; 2. Trình độ phát triển kinh tế – xã hội.
Từ các căn cứ dựa vào như vậy, quyền lực chính trị ở Việt Nam hiện nay thể hiện qua nền chuyên chính dân chủ nhân dân.
Chuyên chính dân chủ nhân dân là nền chuyên chính dân chủ vô sản quá độ, tức nó xuất hiện và tồn tại bên cạnh xã hội xã hội chủ nghĩa quá độ. Liên minh quyền lực của chuyên chính dân chủ nhân dân là những người lao động, yêu nước trên nền tảng công nông vững chắc. Chức năng của chuyên chính dân chủ nhân dân là trấn áp và tổ chức xây dựng. Trấn áp bao hàm nội dung không phải thuần túy dùng bạo lực (hay vũ lực) để đàn áp mà là giáo dục, tuyên truyền, giải thích. Việc sử dụng biện pháp hành chính xảy ra khi xuất hiện các nguy cơ vi phạm đến luật pháp và tổn hại cho xã hội. Trong thời kỳ quá độ của chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ chủ yếu của chuyên chính dân chủ nhân dân là giữ gìn ổn định chính trị – xã hội và tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Nền chuyên chính dân chủ nhân dân ở Việt Nam được xác lập sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Hơn 70 năm nền chuyên chính dân chủ nhân dân ở Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò của nó trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, chiến tranh bảo vệ biên giới, giữ gìn chủ quyền biển đảo và lãnh thổ quốc gia; trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.
- Dù còn tồn tại những nhìn nhận chưa thống nhất trong giới khoa học và bình luận chính trị – xã hội về các nội dung liên quan đến hệ thống chính trị – xã hội; tuy nhiên nếu hiểu hệ thống chính trị xã hội là một tiểu hệ thống của xã hội thì rõ ràng khi nghiên cứu hay giảng dạy hệ thống chính trị rất cần tiếp cận theo nguyên tắc tổng thể. Sự lược bớt hay cắt nhỏ các lớp nội dung của nó sẽ làm cho vấn đề trở nên phiến diện, trơ trọi.
__________
1 Xem K.R. Evans, 1996. The Australian Political System. The Jacaranda Press.
2 Trong tác phẩm nổi tiếng “Chủ nghĩa đế quốc – giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”, V.I. Lenin đã phân tích một cách khoa học mối liên hệ của giới tài phiệt lũng đoạn với nhà nước đã tạo nên một thế lực hùng hậu mới: tập đoàn tư bản lũng đoạn – nhà nước. Xem V.I.Lenin, trg.27, TT. NXB Sự Thật. 1986.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. 30 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam (2015). Hà Nội: CTQG.
2. Hoàng Văn Việt (2009a). Hệ thống chính trị Hàn Quốc hiện nay. TP HCM: ĐHQG-HCM.
3. Hoàng Văn Việt (2009b). Các quan hệ chính trị ở phương Đông. TP HCM: ĐHQG-HCM.
4. Tập bài giảng Chính trị học (2004). Hà Nội: CTQG.
5. Từ điển Chính trị học – Bách khoa thư, 1993. NXB Đại học Kinh doanh. Moscow (tiếng Nga).
6. Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và các Hiến pháp Việt Nam 1946, 1959, 1980, 1992 (2005). Hà Nội: CTQG.
7. Vũ Minh Giang (Chủ biên, 2008). Những đặc trưng cơ bản của bộ máy quản lý đất nước và hệ thống chính trị nước ta trước thời kỳ Đổi mới. Hà Nội: CTQG.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề
Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay,
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ trang 1125 đến trang 1136)
Trích dẫn: Khoa Việt Nam học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)