Cải cách, duy tân của NGUYỄN TRƯỜNG TỘ: đặc điểm, tính chất, tầm vóc và quy mô (Phần 2)
NGUYỄN ĐỨC MẬU
(Tiến sĩ, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)
3. Giải quyết quan hệ giữa luật và đức – một vấn đề đặt ra khi muốn đặt luật mới cho việc quản lý xã hội
Nguyễn Trường Tộ giải thích để nhằm biện luận cho luật mới và đạo đức, cái mà ông quan tâm mang tính chất mới là “cái lẽ công bằng trong luật”, cái đạo đức của quyền, pháp nằm ở công bằng: “Nếu bảo luật lệ chỉ tốt cho việc cai trị chứ không có đạo đức tinh vi, thế là không biết rằng trái luật là tội, giữ đúng luật là đức. Nếu tận dụng cái lẽ công bằng ở trong luật mà xử sự thì mọi quyền, pháp đều là đạo đức. Có cái đức nào lớn hơn chí công vô tư không? Chí công vô tư là đức trời. Trong luật cái gì cũng công bằng hợp với đức trời, như vậy mà không đáng gọi là đạo đức tinh vi sao?” (Di thảo 27). Nhìn ra “lẽ công bằng trong luật” là đạo đức, dẫu chưa cấp cho nó những biện luận về bình đẳng giữa quyền con người hay nhận thức chưa đạt đến đó, thì cũng là đã khác với quan niệm trật tự phận vị, ở đó quân tử và tiểu nhân là cái hố ngăn cách không xóa lấp được. Công bằng trong xét xử là yếu tố mới. Khái niệm “công bằng trong xét xử” giữa các thần dân ở đây và khái niệm “bình đẳng trước pháp luật” của nhà nước pháp quyền đối với mọi công dân chắc chưa được ông ý thức và thực sự quan tâm. Cái nghĩa “lẽ công bằng trong xét xử” của Nguyễn Trường Tộ vẫn bị chi phối (ít nhiều) bởi trật tự, phận vị khi cho ràng không được xử phạt đại thần bằng nhục hình (Di thảo 27).
4. Tính dung hợp, không nhìn thấy sự bài trừ lẫn nhau giữa luật cũ và nội dung mang tinh thần khác của luật mới.
Phủ nhận quan niệm dân là gốc nước chỉ vì Nguyễn Trường Tộ cho rằng giữ được ổn định là quan trọng nhất, nếu không có vua quan thì sự đảo lộn trật tự sẽ xóa bỏ tất cả, cho nên vua, dù là hôn quân vẫn còn khả dĩ. Nhận thức đó có phải là nền tảng cho xác định ngôi vua là trọng hay không thì chắc phải cần một phân tích sâu. Trong phát ngôn của Nguyễn Trường Tộ đối với ngôi vua vẫn còn yếu tố trung hiếu, yếu tố quan trong của chế độ quân chủ chuyên chế: “Biết rằng đạo làm người là không gì lớn bằng trung hiếu, không gì cần thiết bằng lễ nghĩa”, “Không có quốc gia thì không thành dân sự. Không có đạo vua thì không thành quốc gia” (Di thảo 27). Như vậy, cái mục đích trung hiếu và mục đích “ổn định” quốc gia ở đây vẫn còn cần xác định cái gì là cốt yếu, hay có sự dùng dằng chưa rõ ràng của tư duy phân tích trong chính bản thân Nguyễn Trường Tộ. Thực sự vua vẫn nằm ngoài quy định của luật, chỉ mỗi việc vua không được tham gia vào trong hệ thống hình sự, chỉ có quyền ân xá chưa đủ để nói vua là một bộ phận của bộ máy hành chính. Xét xử, dù được nói đến công bằng nhưng chưa phải bình đẳng giữa các công dân, quan đại thần vẫn được đề nghị không dùng nhục hình. Như vậy vẫn còn chỗ khác nhau trước luật.
Nội dung và tính chất của luật, theo điều trần, vẫn trên cơ sở luật cũ của triều đình đã được bổ sung mà thêm vào: “Bất luận quan hay dân, mọi người đều phải học luật nước và những luật mới bổ sung thêm từ Gia Long đến nay” (Di thảo 27), luật đó đủ bảo đảm nội dung và tinh thần Nho giáo: “Vì luật bao gồm cả kỷ cương, uy quyền, chính lệnh của quốc gia, trong đó tam cương ngũ thường cho đến việc hành chánh của 6 Bộ đều đầy đủ” (Di thảo 27). Tiếp nhận cái mới theo tinh thần “tiếp thu có lựa chọn”, đưa cái mới vào trong hệ thống cũ kiểu như thế vừa không tính đến những nội dung cốt lõi của cái cũ và cả cái mới, những nội dung đó có thể tương khắc hay triệt tiêu nhau, dù ông đã có ý thức được điều đó như ở một đề xuất khác ông đã nói, thì cái khác nhau sâu xa từ xuất phát điểm, cũng không dễ nhìn ra.
Cái mởi bổ sung vào cái cũ, trên tinh thần tam cương ngũ thường, dường như không biện luận hay nhìn thấy sâu xa mang tính nguyên tắc của hai định hướng luật, một bên bảo vệ vương quyền, bảo vệ trật tự phận vị bất di dịch, nó có thể mang tinh thần của “lẽ công bằng trong xét xử”, với một bên bảo vệ “quyền bình đẳng trước pháp luật” của mọi công dân. Nhìn bề mặt khái niệm công bằng và khái niệm bình đẳng có sự gần gũi mà người tiếp nhận hiện nay dễ bị nhầm về tính hiện đại.
Sự dung hợp luật mới, luật cũ này được biện luận về một cách nhìn đạo đức mới mà khái niệm công bằng vốn dễ được chấp nhận, kiểu: “mọi quyền, pháp đều là đạo đức”, lại không xét đến cái nghĩa khái niệm bình đẳng, bình quyền của pháp quyền tư sản.
Trong một bàn luận khác về việc học, Nguyễn Trường Tộ lại giải thích về tư tưởng dung hợp của mình, trong cách nhìn này cho thấy ông có chút lạc quan, ảo tưởng về việc gộp cái hay (mà ông cho là có) của ta và của thiên hạ: “Những điều tôi trình bày ở đây không phải là muốn bỏ hết cái cũ mà mưu cầu cái mới. Nhưng phải lấy cái hay của mình có sẵn, còn phải gồm những cái hay của thiên hạ mới sáng tạo ra. Như thế những cái mới của thiên hạ có mình cũng có và những cái mình sẵn có thì thiên hạ không có. Lấy hai điều biết mà địch lại một điều biết như ở đoạn giữa của bài Lục lời từ tôi đã trình bày. Như thế ai dám khinh rẻ nước mình?” (Di thảo 18).
Cung cách dung hợp ở Nguyễn Trường Tộ, là cung cách lấy yếu tố, chọn lựa yếu tố của ta mà ông gọi là “nhặt” để dùng cùng với cái lựa chọn từ của Tây: “Hãy tìm trong các sách Nho từ trước đến nay xem có chỗ nào nói đến cơ xảo dù một vài câu cũng nhặt hết ra, thu thập sửa lại cho đúng. Ngoài ra, lựa lấy trong các sách Tây, chỗ nào nói về những cần thiết hàng ngày, thí dụ như các sách viết về nguồn lợi khoáng sản cũng như tất cả các sách Tây viết về máy móc” (Di thảo 27). Cái của ta và cái của thiên hạ ở đây là bàn về cái cụ thể, nhưng cách lấy yếu tố, mỗi bên một ít, là nhằm điều hòa, dung hợp trong cách điều hòa. Cách tiếp nhận như thế là cách tiếp nhận theo kiểu, thêm bớt, không tiếp nhận hệ thống.
Văn hóa, xã hội
Báo chí, in ấn được Nguyễn Trường Tộ đề xuất, nhưng khác Fukuzawa, người dịch sách Tây về các vấn đề xã hội và khoa học như ngân hàng, tài chính, lập báo để thúc đẩy xã hội dân sự thì Nguyễn Trường Tộ lại chú ý nhiều đến sách kỹ thuật, thu thập cả sách cũ của các nhà nho nói đến “cơ xảo” để in. Khoa công, kỹ nghệ được quan tâm hàng đầu là in ấn:
“Hãy tìm trong các sách Nho từ trước đến nay xem có chỗ nào nói đến cơ xảo dù một vài câu cũng nhặt hết ra, thu thập sửa lại cho đúng. Ngoài ra, lựa lấy trong các sách Tây, chỗ nào nói về những cần thiết hàng ngày, thí dụ như các sách viết về nguồn lợi khoáng sản cũng như tất cả các sách Tây viết về máy móc (Tôi có mua hai quyển lớn đã trình nạp rồi, trong đó nói đủ cả) rồi xin các giám mục địa phương mỗi nơi cho hai linh mục rành tiếng Nam về Kinh để cùng dịch thuật với các nhà biên soạn. Cũng xin mua một máy in để in ra xuất bản. Tuy nhiên, trước tiên phải lập khoa này, đặt thể lệ hẳn hoi để cho dân thấy rõ rằng Triều đình xem việc này là trọng, ai học sẽ được thành danh lập nghiệp. Nếu không, họ vẫn cứ đua nhau miệt mài văn tự theo cái học khoa cử mà thôi” (Di thảo 27). Sách của Hàn lâm, các tập Ngự chế vẫn được dùng cho hiện tại, không bị xem là không hợp với khoa học văn minh: “Ngoài ra xin đem các tập Ngự chế và các sách của Hàn lâm sách nào hợp với thời vụ ra ban hành. Còn kinh sử tử truyện chỉ dùng để khảo nghiệm một vài việc mà thôi. Và cũng xin đặt lệ cho các hiệu sách trong nước nếu muốn khắc bản in phải theo quy định của Triều đình cho sách nào in trước, sách nào in sau” (Di thảo 27). Nguyễn Trường Tộ chưa dứt được nội dung trong sách cũ hay muốn tạo một sự dung hòa cho tiếp nhận, chắc có thể dùng dằng chưa hết trong nhận thức của ông.
Một điều trần ra báo được Nguyễn Trường Tộ đề xuất, nhưng những nội dung mà ông nêu ra là có tính công báo, công vụ quốc gia hơn là những nghị luận xã hội mang tính dân sự: “Ngoài ra cần phải ấn hành một tờ nhật báo đăng tải các chiếu, chỉ, sớ, dụ, những việc làm của các bậc có tiếng tăm, những công vụ quốc gia hiện thời cho học sinh đọc để biết công việc trong nước” (Di thảo 27). Những nội dung như thế rất xa với nhu cầu về xã hội, nó hướng về sự phát triển quyền lực nhà nước.
Một nội dung khác và mới mẻ nhất là lập các hội, đây là một hình thức mới ngoài nhà nước có ảnh hưởng đến sự phát triển. Nguyễn Trường Tộ hướng đến các hội này cũng nhằm khá nhiều vào nó trong việc giúp đỡ nhà nước nhiều cơ sở vật chất như đường sá, cầu cống,… cả việc cho nhà nước vay tiền: “Xin cho trong dân gian những ai lập các hội cứu tế như các loại hội cứu hỏa, hội nào hiểm thuyền buôn, hội khơi cảng thu thuế, hội thay nhà nước sửa chữa xây dựng cầu cống, đường sá nhà cửa, hoặc xuất tiền cho nhà nước vay để hàng năm lấy lợi, hoặc quyên tiền cho nhà nước để lập ra các nhà nuôi trẻ mồ côi, nuôi người nghèo khổ bệnh tật, và tự nguyện đứng ra quản lý các việc ấy, hoặc khi nhà nước có việc khẩn cấp có thể cho vay tiền từ một vạn trở lên, đều xét theo công lao sự việc lớn nhỏ mà phân biệt tước phẩm, hoặc tặng cờ biển để khen ngợi” (Di thảo 18). Nội dung đề xuất thành lập hội thì mới, nhưng theo cách phân tích đó cho thấy ông nhìn ở các hội này với tính chất của nó là hướng giúp nhà nước hơn là nhìn nhận ở nó một mô hình phát triển ngoài sức mạnh nhà nước, một biện pháp phát triển quốc gia giàu mạnh. Cũng có thể cho rằng ông nhằm mục đích thuyết phục triều đình nên phải phân tích, biện luận theo hướng các hội là một nguồn lợi cho nhà nước.
B. Cải cách giáo dục, đào tạo – quan niệm và mục đích
Trong các điều trần của Nguyễn Trường Tộ, rất nhiều phương diện được bàn tới, được đề nghị thay đổi. Có nội dung của thay đổi được cụ thể hóa, chi tiết hóa, có phân tích lập luận, xác lập sự cần thiết phải thay đổi. Trong rất nhiều nội đó, giáo dục được Nguyễn Trường Tộ bàn nhiều, cụ thể, chi tiết so với các vấn đề khác. Thống kê và so sánh để thấy Nguyễn Trường Tộ quan tâm sâu nhất, dành nhiều tìm hiểu nhất và phân tích từng vấn đề là một công việc đòi hỏi đi sâu hơn, ở đây bàn về một vài đặc điểm trong các đề xuất của
Nguyễn Trường Tộ.
Ngoài việc tập trung phác thảo hệ thống giáo dục thì việc đào tạo còn được Nguyễn Trường Tộ đề xuất thêm nhiều hướng cụ thế, đó là, 1/ hướng gửi người sang Tây, cái mà bây giờ chúng ta gọi là du học và 2/ hướng mời Tây vào khai thác và từ đó người Việt học
được trực tiếp từ sản xuất, thực hành của Tây. Cả ba hướng đào tạo đều có một điểm chung mà ông chú ý, đó là đào tạo kỹ thuật, kỹ nghệ, những môn học thiết thực cho sản xuất, khai thác, còn các môn thuộc cái mà bây giờ ta gọi là khoa học cơ bản, khoa học nhân văn, khoa chính trị học,… thì tuyệt không được nhắc đến, dù ông có nói đến học phương pháp mới của phương Tây.
Tập trung bàn việc giáo dục vào hai điều trần quan trọng Tế cấp bát điều (Di thảo 27) và Về việc học thực dụng (Di thảo 18), còn nhiều điều trần khác ông cũng bàn về giáo dục. Ông phê phán lối học từ chương, hư học, ông đề xuất thực học, học những bộ môn liên quan thiết thực đến khoa học thực nghiệp. Ông, như một chiến lược gia, vạch một thiết kế các chuyên ngành, kiểu cách của một thiết kế tổng thể, đề xuất từ trường quốc học, tỉnh học, trường tư cho đến thi Hương, thi hội, và như một chuyên gia cho từng ngành, ông thuyết minh cả những nội dụng cụ thể trong từng chuyên ngành, nghĩa là ông đi sâu vào các bộ phận riêng lẻ. Nguyễn Trường Tộ còn đề xuất cả cách thi lẫn nội dung thi, nghĩa là cả vạch chương trình, phân bố các cấp, cả việc ta ngày nay gọi là khảo thí, cả việc ý nghĩa, tính tư tưởng của nội dung học và thi.
Nhìn tổng quát như vậy là hệ thống, là toàn diện, nhưng đi sâu vào cái cụ thể thì ở đây có sự cộng cái mới vào hệ thống cũ, cái cũ là cái gì, cái mới được thêm là bộ phận lấy ra từ một hệ thống giáo dục khác mà không phải là cả hệ thống giáo dục. Như trên kia đã trích dẫn quan niệm của ông là lấy “phương pháp hay của mình” và “cả những phương pháp hay trên thế giới” để hợp dụng, thực hành song hành cho hiện tại. Từ cách nhìn này ông luôn nói đến tìm trong sách cổ nhặt hết ra, dù một vài câu, thu thập, sửa lại, rồi lựa trong sách Tây, chỗ nào nói về cái cần thiết dịch ra4. Trong tư tưởng hợp dụng này, có ảo tưởng về kết quả của nó, khi ông nghĩ rằng: “Như thế những cái mới của thiên hạ có mình cũng có và những cái mình sẵn có thì thiên hạ không có. Lấy hai điều biết mà địch lại một điều biết… Như thế ai dám khinh rẻ nước mình?”. Dẫu ông có nói dùng cái phương pháp của ta và của Tây, dùng những cái “không trái ngược nhau” nhưng như vậy, sự thay đổi mang trính triệt để căn bản vẫn khó khăn, khi mà sự không tương thích từ cái gốc căn bản là quan niệm và mục đích của giáo dục, quan niệm về sản phẩm giáo dục. Nguyễn Trường Tộ dường như quan tâm đến sản phẩm giáo dục là nội dung kỹ thuật có giá trị thực hành cho người học, của giáo dục, mà như không chú ý vai trò cá nhân tự do, bình đẳng, độc lập như Fukuzawa, người quan niệm: “Cá nhân có độc lập thì gia đình mới độc lập. Và như thế quốc gia cũng độc lập” (Fukuzawa Yukichi, 2010, tr.25). Cá nhân và quốc gia có mối quan hệ nơi tinh thần, tư duy độc lập của mỗi người.
Phê phán hư học, học từ chương, lấy cái cũ, cổ xưa làm đích đến, lấy văn chương làm thước đo con người, thước đo văn hóa, lấy nghề nho làm trọng mà coi thường nghề khác,… đó là những vấn đề vừa nêu ở trên và đã phân tích ở các phần khác. Có dịp sẽ phân tích, phân loại thêm về các cách ông phê phán, nội dung sự phê phán ở bệnh hư học. Ở đây nói rõ cái học thực dụng và cách nghĩ về học thực dụng, một chủ trương có tính cải cách mạnh mẽ của Nguyễn Trường Tộ, nó khác một cách căn bản với cái học truyền thống, truyền thống Nho học và trong một mức độ nào đó, chúng ta so sánh cái học thực dụng của Nguyễn Trường Tộ với cái học thực dụng mà Fukuzawa, người cùng thời và có cùng chủ trương, để nhìn thấy cái khác nhau giữa hai đề xuất.
Trong điều trần Tám việc cần làm ngay, ở điều thứ tư: “xin sửa đổi học thuật, chú trọng thực dụng”, là câu hỏi để định nghĩa việc học, mục đích việc học, đối tượng cần học: Vậy học là gì? Một vấn đề như thế cần phải đặt ra, một định nghĩa nội dung kiểu như thế thường gắn với tư duy phân tích. Fukuzawa cũng dùng phần 9 trong sách Khuyến học để nói điều đó: Mục đích của học vấn.
Nội dung học mà Nguyễn Trường Tộ xác lập là học cái chưa biết và là cái để thực hành được: “Vậy học là gì? Là học những gì chưa biết để biết mà đem ra thực hành (Nhưng thực hành cái gì? Thực hành ở đâu?). Đó là thực hành những gì thực tế trước mắt và còn để lại lợi ích cho đời sau nữa” (Di thảo 27). Cái đem ra thực hành được trong thực tế, là có ý nghĩa thực dụng, học cái thực dụng, cái có ích, không học cái vô dụng, vô ích: “Học những gì thực tế thì sẽ có thực dụng” (Di thảo 18). Từ quan niệm học thực dụng ông đề xuất các khoa, các môn để góp phần dần dần làm tiêu tan cái “tệ đoan”5 do hư học đưa lại, đó là các khoa: Nông chính, thiên văn, địa lý, công kỹ nghệ, luật học. Các khoa đó bao gồm mấy khoa mà ông đã đề nghị một năm trước đó, năm 1866, trong điều trần Về việc học thực dụng: khoa hải lợi, khoa sơn lợi, khoa địa lợi, khoa thủy lợi và cả đáp ứng các ngành chế biến, cất giữ thực phẩm, đồ gia dụng, bào chế thuốc, trồng trọt, lập hãng buôn,… Trong điều trần Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh, có thể ông đã khảo sát giá cả ở phương tây để đi đến nhận xét rằng: “Về biển thì không có nguồn lợi nào lớn bằng cá với muối”, “rừng thì không có gì lớn bằng gỗ” “đất đai thì không có gì lớn bằng tơ gai”, “về mỏ thì không có gì lớn bằng đồng và thiếc” (Di thảo 5).
Mô hình các ngành thiết yếu, thiết thực, trong hệ thống này không thấy cái đại toàn toát yếu của sách giáo khoa Nho giáo, nhưng nó có đúng hệ thống trường và các ngành riêng rẽ của nó đúng mô hình phương Tây đương thời, so với hệ thống trường mà Fukuzawa thành lập khác nhau không, khi cả hai đều chịu ảnh hưởng giáo dục, đào tạo phương Tây.
Nguyễn Trường Tộ cũng nói ông phác thảo để, 1/ “dễ làm”, nghĩa là lựa chọn có tính đến khả năng tiếp nhận hay các điều kiện hiện tại, và 2/ “để dẫn tới nhiều tác dụng to lớn sau này”, nghĩa là lựa chọn cái hữu ích cho mai sau, không chỉ là cái trước mắt và nếu triều đình muốn, ông còn có thể trình bày rõ ràng từng điều. Sự thay đổi được ông xác định là mở ra dần trong tương lai, nghĩa là cấu trúc hiện tại mà ông vạch ra chỉ là giản lược một cách tối ưu do tính toán cho thích hợp: “Các điều kể trên là tôi chỉ chọn những điều tầm thường dễ làm để dẫn tới nhiều tác dụng to lớn sau này. Đó chỉ là toát yếu mấy đề cương lớn mà thôi. Còn các đề mục nhỏ trong đó không thể nói hết từng cái một (Dùng năm sáu trăm trang giấy cũng chưa thể viết hết). Nếu Triều đình muốn đưa ra vấn đề nào, tôi xin lần lượt trình bày rõ từng điều một. Ngay như khoản tình hình chính sự hiện tại cũng đã rất nhiều, mà cũng có thể thay đổi dần dần. Điều này thật là cần gấp, thật là trọng yếu”. Xét trong cách ông nói thì sự lựa chọn của ông hướng vào những cái thiết thực, có tính đến khả năng thay đổi của đất nước thời hiện tại.
Nhưng nguồn lực, tài lực, vật lực cho những thay đổi không thấy được ông tính đến. Hệ thống giáo viên, giáo trình, và những điều kiện cho cải cách giáo dục từ ban đầu của nó chưa thấy được đặt ra, nhất là khi chưa có một đội ngũ như thế. Đó là các tính toán vạch ra cho đào tạo trong nước cho nhu cầu hiện tại.
Trong một điều kiện khác, điều kiện gửi người đi học nước ngoài, thì cái ông đề xuất là học cái gì, học như thế nào? Xét những phác thảo cụ thể và tuần tự, thứ tự mà ông quan tâm sau sẽ thấy: “Nếu muốn sang thông hiếu hoặc chọn người sang phương Tây học tập quan sát các cơ xưởng kỹ xảo như thế nào, các phép thiên văn, địa lý, lái thuyền hàng hải như thế nào, những cách phân biệt các thứ kim loại đá quặng và thảo mộc như thế nào, các phép tìm kiếm khai quật các mỏ như thế nào, cách làm các khí cụ thường dùng hằng ngày như thế nào, các binh cơ khí giới như thế nào, các mưu lược tung hoành như thế nào cùng là các lễ pháp ngoại giao như thế nào, mua các máy móc to nhỏ hoặc xem cách sử dụng hoặc lấy mẫu như thế nào, cách chọn những người dạy kỹ xảo như thế nào, tìm người trung tín có thể nhờ vả để tìm những nguồn lợi trong nước ta như thế nào, các phương pháp mới để phát triển kinh tế, chọn ra cái nào nên làm trước cái nào nên làm sau và ứng dụng ở nước ta như thế nào, nhất nhất phải nhận cho rõ ràng mà làm, lợi hại hoãn gấp ra sao… đều phải đồng lòng hợp sức để mọi sự được thỏa đáng. Trừ những cái bất ngờ ngoài sự trù tính của mình ra, còn thì sau này mọi người cứ thế mà làm” (Di thảo 12). Đó là những nội dung rất cụ thể, chi tiết về kỹ thuật và được quan tâm nhiều nhất, nhưng ngoài việc nói đến “các phương pháp phát triển kinh tế”, chưa thấy phác thảo tìm hiểu mô hình trường học, mô hình xã hội, chính trị liên quan. Nghĩa là dưới dạng tổng quát, dạng khái quát để phát triển văn minh từ giáo dục, đào tạo thì không được chú ý ở đây. Như thể hiện ở các trích dẫn trên thì việc học trong và ngoài nước đều có mục đích chung là vẫn nghiêng hẳn về kỹ nghệ, kỹ thuật, nghĩa là có sự thống nhất trong cách Nguyễn Trường Tộ chú ý.
C. Cải cách kinh tế – cấp bách và lâu dài
Việc học, việc làm giàu là hai vấn đề được Nguyễn Trường Tộ bàn nhiều nhất. Ông phân tích chủ trương làm cho nước giàu mà dân cũng giàu, nhưng không thể giàu từ thu thuế vì thuế có hạn, không phải bòn rút của dân mà phải lấy nguồn lợi tự nhiên làm ra của cải6. Nguyễn Trường Tộ phân ra các nguồn lợi từ biển, về rừng, về đất đai, về mỏ mà ông cho rằng lợi về biển thì không gì bằng cá và muối, lợi về rừng không có gì bằng gỗ, lợi về đất đai thì không gì bằng tơ gai, lợi về mỏ thì không gì bằng đồng và thiếc. Ông còn nói cụ thể rằng trừ than đá ra thì giá đồng, giá thiếc ở Bắc Kỳ một quan bán ra nước ngoài tám
quan, tơ, gai, cá muối cũng thế (Di thảo 5). Bốn nguồn lợi được đánh giá như thế lại nói ngoài thu thuế thì làm ra sản vật bán ra nước ngoài và mua cái cần dùng về, đó là cách nhìn đã trải qua khảo giá từ nước ngoài. Đó là cách sản xuất, khai thác hàng hóa cho thương mại tính đến hay nhìn từ thị trường bên ngoài.
Ông cũng đề nghị bỏ bế quan tỏa cảng, phát triển thương mại, như tạo điều kiện cho nhà giàu cửa bể mua tàu lớn làm thương mại với các nước để 1/ Tăng thêm thu nhập từ đánh thuế xuất nhập; 2/ Tăng thêm những thứ cần dùng trong nước. Từ tính toán này ông nghĩ rằng như thế sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường và nước ngoài sẽ thấy thông thương, không cần đến thị trường ta nữa và Tây sẽ bỏ ra đi7. Như vậy ông nhìn nhận việc nước ngoài xâm lược Việt Nam chỉ vì thương mại, vì thị trường, giải quyết việc này là cùng lúc giải quyết luôn nguy cơ bị mất nước. Thị trường và chính trị được đặt vấn đề về mối quan hệ giữa chúng. Nhưng giữa buôn bán và độc chiếm thị trường là chuyện cạnh tranh toàn cầu, câu chuyện không chỉ hàng hóa.
Mở cửa khẩu, làm thương mại buôn bán, đó là nhìn trong quan hệ với thế giới, còn câu chuyện thương mại trong nước không thấy ông bàn đến như một tổng thể các kế hoạch làm giàu. Như thế mở cửa khẩu để thông thương và buôn bán chỉ là một mặt của việc nhìn ra thương nghiệp và vai trò của nó để phát triển, là cách nhìn ra một ngạch quan trọng vốn bị coi thường trong xã hội thứ bậc, thường ở cuối bảng.
Mặt khác, bên cạnh tạo điều kiện cho nhà giàu buôn bán quốc tế, thì mời gọi nước ngoài đầu tư, khai thác mỏ để vừa thu lợi, thu thuế, vừa cho nhân dân có việc làm, đồng thời để cho dân học tập, làm quen với khoa học kỹ thuật Tây phương. Nhưng mời gọi khai mỏ cũng chỉ khai những mỏ mới mà khó khai thác, mỏ tốt thì để dành về sau cho ta khai thác. Ông cũng bàn đến kế hoạch tự khai mỏ, bao gồm cho người đi Tây mua các khí cụ để khai thác và chế tạo. Nhưng cũng như nhiều đề xuất, các dự án cụ thể cần bao nhiêu tài chính và khả năng đáp ứng nó trong điều kiện hiện tại thì không được bàn đến.
Các biện pháp trên là làm giàu “để cứu giúp lúc khẩn cấp” (Di thảo 27), nhưng để thực hiện nó lại phải cần khoản tài chính lớn cho khai mỏ, cho đóng tàu, và cũng cần một thời gian khá dài để thực hiện, chưa nói đến những khó khăn sẽ gặp phải đến từ nhiều phía. Ngay việc “xin để cho những nhà giàu ở gần cửa bể có thể mua tàu lớn vượt bể để chở những đồ vật nước mình dư không dùng đến đem bán ở các nước” (Di thảo 5) thì cũng phải có đủ thời gian đào tạo, đủ điều kiện kỹ thuật, điều kiện tìm kiếm thị trường và các điều kiện khác không dễ thực hiện một cách cấp bách.
Cùng với đề xuất các biện pháp khẩn cấp làm giàu từ bốn nguồn lợi trên và do quan sát thấy “các nước phương Tây giàu mạnh cũng nhờ chuyên về khoa nông nghiệp” (Di thảo 27), ông đề xuất thành lập Bộ Canh nông, đặt nông quan để phụ trách nông nghiệp, thủy lâm, bởi ông nhận thức rằng “nông nghiệp là gốc” (Di thảo 27) đáp ứng các nhu cầu ăn mặc, từ nhận thức đó ông đề nghị thành lập Khoa Nông chính, tiến hành xuất bản bộ sách Nông chính toàn thư thu thập các phương pháp nông nghiệp hợp với đất đai, thời tiết, các loại nông sản, các giống chăn nuôi, đặng bỏ lối trồng trọt chăn nuôi “phó mặc tự nhiên” (Di thảo 27),… cùng với điều chỉnh thuế ruộng đất cho hợp lý, không tùy tiện, xin đặt Khoa Thủy lợi tưới tiêu phòng úng, hạn. Một hình dung tổng thể cho nông nghiệp toàn quốc, có hướng dẫn về kỹ thuật canh nông của người nhà nước. Ngoài những biện pháp, cả kỹ thuật lẫn cách tổ chức nông nghiệp được đề nghị cải cách, ông còn đề xuất ban thưởng cho những sáng kiến về sơn lợi, địa lợi, thủy lợi, canh nông,… Không chỉ đi từ vai trò bộ máy nhà nước về nông nghiệp, bàn đưa kỹ thuật vào nông dân, đưa thủy lợi tưới tiêu, mà bàn cả thay đổi thói quen canh tác.
Hầu như những đề xuất cải cách nông nghiệp của Nguyễn Trường Tộ, như ông nói, đều từ việc quan sát phương Tây mà nhìn ra các vấn đề. Những đề xuất của Nguyễn Trường Tộ, khác và giống những nội dung tương tự của phương Tây và mang đặc điểm gì của tiếp nhận, điều đó cần một phân tích cụ thể hơn trong những so sánh đồng đại của vấn đề được tiếp nhận.
___________
4. “Hãy tìm trong các sách Nho từ trước đến nay xem có chỗ nào nói đến cơ xảo dù một vài câu cũng nhặt hết ra, thu thập sửa lại cho đúng. Ngoài ra, lựa lấy trong các sách Tây, chỗ nào nói về những cần thiết hàng ngày, thí dụ như các sách viết về nguồn lợi khoáng sản cũng như tất cả các sách Tây viết về máy móc (Tôi có mua hai quyển lớn đã trình nạp rồi, trong đó nói đủ cả) rồi xin các giám mục địa phương mỗi nơi cho hai linh mục rành tiếng Nam về kinh để cùng dịch thuật với các nhà biên soạn” (Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, NXB TP Hồ Chí Minh 2002, tr.292, Tế cấp bát điều, Di thảo 27). “Nay xin gấp rút duyệt lại các sách Thiên văn Địa lý từ trước đến nay, chọn lấy những gì hợp với thiên thời địa thế nước ta, chắc chắn có thật lý thật sự, có thể thấy như vật trong bàn tay mà không xem đến chuyện thuật số phong thủy, những chuyện phù phiếm quàng xiên, soạn thành sách ban hành (Tế cấp bát điều, Di thảo 27, trong Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, NXB TP Hồ Chí Minh 2002, tr.292-293. “Ngày nay nếu ta biết dần dần chỉnh đốn những thói cũ, nghĩ cách làm lợi cho công, làm lợi cho tư để ta có được phương pháp hay của mình lại có được cả những phương pháp hay trên thế giới mới sáng tạo ra nữa, hai cái cùng thực hành song song với nhau không trái ngược nhau (những phương pháp hay này chưa kịp trình bày được). Như thế thì những cái thiên hạ mới có, ta cũng đồng thời có” (Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, NXB TP Hồ Chí Minh 2002, tr.162, Kế hoạch làm cho dân giàu, nước mạnh, Di thảo 5). “Những điều tôi trình bày ở đây không phải là muốn bỏ hết cái cũ mà mưu cầu cái mới. Nhưng phải lấy cái hay của mình có sẵn, còn phải gồm những cái hay của thiên hạ mới sáng tạo ra. Như thế những cái mới của thiên hạ có mình cũng có và những cái mình sẵn có thì thiên hạ không có. Lấy hai điều biết mà địch lại một điều biết như ở đoạn giữa của bài Lục lời từ tôi đã trình bày. Như thế ai dám khinh rẻ nước mình?” (Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, NXB TP Hồ Chí Minh 2002, tr.224, Học thực dụng, Di thảo 18).
5. “Cần phải tìm học cái học thực dụng, phân chia ra các khoa, các môn, ban thưởng nhiều cho những người dự thi vào các khoa, môn này để khuyến khích dần dần đưa đến kết quả lợi ích thì các tệ đoan dần dần sẽ mất đi” (Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2002, tr.291, Di thảo 27).
6. “Nay nước ta, của công chỉ nhờ vào thuế, mà thuế đánh có hạn, chứ không có cách gì để làm cho của cải được nhiều như phương Tây. Cái tôi gọi là làm cho có nhiều của ở đây không có nghĩa là nói bòn rút của dân để làm cho nước giàu, mà là nhân nguồn lợi tự nhiên của trời đất để sinh ra của. Do đó nước giàu mà dân cũng giàu”- (Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, Nxb Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 2002, Tr162, Kế hoạc làm cho dân giàu nước mạnh).
7. “Lại xin để cho những nhà giàu ở gần cửa bể có thể mua tàu lớn vượt bể để chở những đồ vật nước mình dư không dùng đến đem bán ở các nước, rồi lại chở về những thứ thiết dụng cho nước mình và đánh thuế xuất nhập để tăng thêm những thứ cần dùng trong nước. Nếu người nào mua về được nhiều thứ có lợi cho nước thì cân nhắc mà ban thưởng để khuyến khích họ cố gắng thêm. Đấy là một điều lợi lớn. Vì rằng, những hàng hóa mình có, trừ số cần dùng ra, còn thừa đem chở bán cho họ, họ lại bán cho nước khác, như thế họ không cần phải đến nước mình làm gì. Nếu họ muốn đưa hàng hóa sản vật của họ sang thì đã có tàu của nước mình đem về để mua bán trao đổi với người cùng quê hương xứ sở, chẳng dễ làm hơn mua ở bên nước họ hay sao? Như thế tự nhiên họ không cần phải tìm đến mình nữa. Sở dĩ họ tìm đến cầu thông thương với mình là vì người mình không thể đi xa mà thôi. Có người nước ngoài nói rằng kế ấy rất độc. Nếu làm được thì không ngoài vài năm người Tây tự nhiên bỏ đất mà đi không cần phải đánh chác gì nữa”, (Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, NXB TP Hồ Chí Minh 2002, tr.165-166, Di thảo 5, Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cao Tự Thanh (2013), “Nguyễn Trường Tộ trong giới hạn và thất bại của trào lưu canh tân đất nước nửa sau thế kỷ XIX”, in trong Nguyễn Tiến Lực, Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ Tư tưởng cải cách giáo dục, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Fukuzawa Yukichi (2005), Phúc Ông tự truyện, NXB Thế Giới, Hà Nội.
3. Fukuzawa Yukichi (2010), Khuyến học, NXB Trẻ, TP HCM.
4. Trương Bá Cần (2002), Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, NXB TP Hồ Chí Minh.
5. Yoshiharu Tsuboi (2011), Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, NXB Tri Thức, Hà Nội.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đềNhững vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay.
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ trang 1207 đến trang 1222)
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)