Cải cách giáo dục của Pháp tại Việt Nam và Hà Lan ở Indonesia thời thuộc địa: Những điểm tương đồng

POINTS COMMUNS DANS LES RÉFORMES ÉDUCATIVES EFFECTUÉES
PAR LES FRANÇAIS AU VIETNAM ET LES NÉERLANDAIS
EN INDONÉSIE SOUS LA PÉRIODE COLONIALE

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ  ĐẶNG VĂN CHƯƠNG
(Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế)
Thạc sĩ   NGUYỄN HỮU PHÚC
(Phòng Tư liệu Trí Thông Đường, Thành phố Huế)

TÓM TẮT

     Giáo dục được coi là một công cụ quan trọng trong chính sách cai trị và bóc lột thuộc địa của thực dân Pháp tại Việt Nam và Hà Lan ở Indonesia. Để có thể thiết lập sự độc quyền thương mại và duy trì địa vị chính trị ở các thuộc địa, cả người Pháp và Hà Lan đều coi giáo dục là một phương cách để kiểm soát xã hội thông qua việc cung cấp một chương trình giáo dục và văn hóa phương Tây vào Việt Nam và Indonesia nhằm biến đổi thế giới quan của người bản địa. Từ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, nhu cầu cấp thiết về các lợi ích tại thuộc địa khiến chính quyền Pháp và Hà Lan phải có những điều chỉnh thông qua những chính sách riêng để nâng cao trình độ và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực phục vụ trong bộ máy chính quyền thuộc địa. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả tập trung trình bày những điểm tương đồng trong cuộc cải cách giáo dục của Pháp tại Việt Nam, Hà Lan ở Indonesia trong thời kì thuộc địa.

Từ khóa: Cải cách giáo dục, chính quyền Pháp, chính quyền Hà Lan, Indonesia, thuộc địa, tương đồng, Việt Nam.

RÉSUMÉ

     L’éducation s’est présentée comme un bon outil dans les politiques d’exploitation et de gouvernance des colonisateurs au Vietnam et en Indonésie. En effet, afin d’y établir leur monopole commercial et de maintenir leur statut géopolitique, les Français et Néerlandais ont tous considéré l’éducation comme un moyen efficace pour assurer le contrôle social. Ainsi, ils ont créé un nouveau système éducatif à l’occidentale en vue de changer la vision des indigènes. De la fin du 19e au début du 20e siècles, face à des demandes urgentes en termes d’intérêts, ces gouvernements ont dû modifier leurs politiques en vue d’améliorer le niveau et la qualité de leurs personnels. Dans le cadre de cet article, nous présenterons des ressemblances dans les réformes éducatives qu’ont effectuées les Français au Vietnam et les Néerlandais en Indonésie durant la période coloniale.

Mots-clés: Réformes éducatives, gouvernement français, gouvernement neerlandais, Indonésie, colonie, ressemblances, Vietnam.

x
x x

1. Cải cách giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho chính quyền và các ngành kinh tế của xã hội thuộc địa

     Sau khi tiến hành xâm lược thuộc địa, điều mà cả người Pháp và Hà Lan cần là sự ổn định về chính trị, có một lực lượng nhân sự đủ trình độ, lòng trung thành, sự thuần phục và lòng biết ơn của người bản xứ đối với chính quyền thực dân. Trong sự tính toán của mình, mọi dự định truyền bá tôn giáo, văn minh phương Tây và quan trọng hơn cả là chính sách đồng hóa sẽ bị cản trở khi chính sách giáo dục chưa ăn sâu tại vùng đất thuộc địa. Cùng với các cuộc hành quân, tất cả những ước muốn nêu trên được trao cho sự nghiệp giáo dục do chính người Pháp và Hà Lan thực hiện. Khi nói về vai trò của giáo dục đối với công cuộc chinh phục thuộc địa, nhà lý luận về giáo dục thuộc địa Georges Hardy nhấn mạnh rằng: “Chúng ta cũng muốn nắm giữ đến tận con tim của người bản xứ và xóa bỏ mọi hiểu nhầm giữa họ và ta… Đề cao xứ sở của họ, giúp họ gắn bó với sự nghiệp của chúng ta đó là mục đích của cuộc chinh phục tinh thần. Cuộc chinh phục này lâu hơn và sáng láng hơn cuộc trước, nhưng cũng phong phú và đáng ngợi ca. Công cụ để thực hiện không thể là gì khác ngoài trường học” (Phương, 2020, tr. 31). Mặt khác, thông qua chính sách giáo dục, chính quyền thực dân có thể kiểm soát tư tưởng của các tầng lớp nhân dân bản xứ.

     Với việc ký Hiệp ước Patenôtre vào năm 1884, đánh dấu người Pháp đã cơ bản bình định được Việt Nam về mặt quân sự và tiến hành thiết lập một chính quyền thống trị chặt chẽ trên phạm vi cả nước. Để có một đội ngũ nhân sự phục vụ đắc lực cho công cuộc khai thác, bóc lột và phục vụ các ngành kinh tế của xã hội thuộc địa, chính quyền Pháp không thể không tiến hành mở mang giáo dục. Trong báo cáo của Georges Hardy (Thanh tra giáo dục bản xứ Tây Phi thuộc Pháp), nhận xét rằng: “Để có thể thay đổi người dân còn sơ khai ở các xứ thuộc địa của chúng ta, làm cho họ trung thành với sứ mạng của chúng ta, chúng ta có quá ít biện pháp, và không có biện pháp nào hay hơn là giáo dục trẻ em bản xứ, giúp cho chúng có sự chuyên cần của chúng ta và nắm được những tri thức cũng như đạo đức đã thành tập tục của chúng ta từ bao nhiêu thế kỉ, tạo ra cho họ một tinh thần theo ý đồ của chúng ta” (Hoa, 2012, tr. 17). Trong quá trình thực thi chính sách giáo dục, người Pháp nhận ra rằng giáo dục Nho học[3] là tảng đá lớn ngăn cản quá trình truyền bá hệ tư tưởng, văn hóa phương Tây, đồng thời là nơi nuôi giữ những giá trị văn hóa truyền thống được đúc kết từ nhiều thế kỉ, các trường Nho học là nơi đào tạo ra những lớp người trí thức yêu nước chống lại Pháp. Mọi ý đồ thực dân và công cuộc “chinh phục tinh thần” người bản xứ sẽ không mang lại kết quả khi mà chữ Hán không được thay thế bằng chữ Pháp, chữ Quốc ngữ và nền giáo dục phương Tây phải được xác lập. Vì thế, Pháp buộc phải cải tổ nền học chính ở Việt Nam, xây dựng nền giáo dục mới thay thế nền giáo dục phong kiến mang đậm yếu tố văn hóa Trung Hoa. Mặt khác, từ năm 1862 đến năm 1905, hệ thống giáo dục Việt Nam tồn tại dưới ba hình thức khác nhau: “Ở Nam Kỳ đa số các tổng xã đều có trường tiểu học Pháp-Việt dạy chữ Pháp và chữ Quốc ngữ, chữ Hán hầu như bãi bỏ. Ở Bắc Kỳ và nhất Trung Kỳ số trường dạy Pháp và chữ Quốc ngữ còn rất ít ỏi, các trường chữ Hán vẫn tồn tại khắp nơi” (Báu, 2008, tr. 12). Như vậy, “hiện trạng không thống nhất về tổ chức và chương trình học vừa nêu gây khó khăn cho việc quản lý giáo dục của nhà cầm quyền và người Pháp cảm thấy rất khó chịu trước sự tồn tại của những trường học do thầy đồ giảng dạy theo chương trình Nho học mà họ không thể kiểm soát” (Tâm, 2013, tr. 67). Và “việc truyền bá văn hóa Pháp và văn minh phương Tây cùng các kiến thức khoa học dù là sơ đẳng cũng gặp nhiều khó khăn” (Thúy, 2017, tr. 155-156). Do đó, việc tiến hành cải cách giáo dục là bức thiết và cần được thực hiện một cách đồng bộ ở cả ba kỳ.

     Còn ở Indonesia, chính quyền thực dân Hà Lan đã quan tâm đến sự phát triển giáo dục tại đây từ rất sớm, cụ thể vào năm 1818, thông qua Luật Cơ bản Ấn Độ thuộc Hà Lan, trong đó có nói rằng: “đó là nhiệm vụ của chính phủ để cung cấp các cơ sở giáo dục cho người bản địa cũng như trẻ em châu Âu” (Penders, 1968, tr. 7). Đến năm 1848, chính quyền Batavia sau nhiều lần đề nghị với Chính phủ Hà Lan về việc tăng cường đầu tư ngân sách cho giáo dục tại thuộc địa Indonesia thì một nghị định hoàng gia đã được thông qua[4]. Để hoàn thiện chương trình đào tạo tại thuộc địa, chính quyền Hà Lan đã ban hành một nghị định giáo dục, trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng giáo dục công lập cả ở Java và một số đảo khác ở Indonesia.

     Cũng bắt đầu từ thời điểm này mà việc đào tạo giáo viên đã được chú trọng hơn trước, để đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng, trong khoảng thời gian từ năm 1873 đến năm 1879 đã có 6 trường Cao đẳng Sư phạm được thành lập. Không chỉ số trường đào tạo giáo viên tăng lên, mà “số lượng các trường tiểu học công lập cũng được mở rộng: trong Java mà Madura từ 82 vào năm 1873 đến 193 năm 1883, và trong tất cả các hòn đảo khác từ 117 đến 284. Số lượng học sinh và đội ngũ giáo viên ở Java và Madura tăng không kể các dân tộc khác, tương ứng từ 5.512 đến 16.214 và từ 223 đến 582. Ở các đảo ngoài Java và Madura, số lượng học sinh cũng tăng lên, không kể các dân tộc khác, từ 11.276 đến 18.694 và số lượng giáo viên từ 188 đến 659 trong cùng khoảng thời gian” (Suwignyo, 2012, tr. 52). Tuy nhiên vì chương trình đào tạo khó và không nhận được sự hợp tác từ người dân Indonesia nên khi tốt nghiệp, con số này rất khiêm tốn. Theo báo cáo từ các trường gửi lên thì tỉ lệ học sinh vắng học và chưa thực hành các môn học trước khi hoàn thành khóa học là rất cao. “Trong giai đoạn 1878-1882 trẻ em Indonesia tính trung bình một ngày có 5 học sinh không đến trường, trong khi cùng kỳ 69,7% học sinh nghỉ học trong năm đầu tiên, 19, 4% trong năm thứ hai và 7, 5% trong năm thứ ba, chỉ còn lại 3, 4% học sinh năm đầu nhận được chứng nhận của trường” (Penders, 1968, tr. 24).

     Mặc dù, người Hà Lan nỗ lực đẩy mạnh chính sách giáo dục tại thuộc địa Indonesia để đáp ứng nhu cầu cai trị, nhưng kết quả lại không được mong đợi. Vì thế, chính quyền Hà Lan đã thực hiện hai cuộc cải cách giáo dục vào năm 1893 và năm 1901 để cải thiện chất lượng và đảm bảo hiệu quả trong công cuộc khai thác và bóc lột thuộc địa để phù hợp với tình hình lúc này. Theo đó, hệ thống giáo dục với đầy đủ các cấp bậc từ Tiểu học, Trung học và Đại học, giáo dục nghề đã được chính quyền Hà Lan thiết lập một cách đầy đủ. Hơn nữa, cũng từ thời gian này, chính quyền Hà Lan cũng đã gửi nhiều học sinh sang Hà Lan đào tạo. Với việc cử nhiều học sinh ra nước ngoài học tập đã làm cho Indonesia vào những thập niên đầu thế kỉ XX hình thành nên tầng lớp trí thức, tây học, chính họ là những hạt nhân trong phong trào giải phóng dân tộc, đấu tranh giành độc lập cho Indonesia trong những năm 20-40 của thế kỉ XX.

2. Nội dung cải cách giáo dục được thiết kế theo khuynh hướng thế tục và hiện đại

    Trong suốt thời kỳ cai trị của chính quyền thực dân, nền giáo dục của Việt Nam và Indonesia đã có những bước tiến vượt bậc, thay đổi một cách căn bản và toàn diện theo khuynh hướng thế tục. Trong đó, sự biến đổi của hệ thống giáo dục từ hình thức giáo dục tôn giáo theo mô hình giáo dục phương Tây được coi là đặc trưng nổi bật của quá trình thế tục hóa giáo dục ở Việt Nam và Indonesia. Có thể nói, thế tục hóa giáo dục là một hiện tượng phổ biến và trên thực tế, nó được du nhập từ bên ngoài vào các quốc gia Đông Nam Á nói chung, ở Việt Nam, Indonesia nói riêng vào thời thuộc địa.

     Quay trở lại thời điểm trước thế kỉ XIX, các lớp học Kinh Qur’an, các Pesantren, vốn là hình thức giáo dục truyền thống rất phổ biến ở các làng xã Indonesia và giáo dục Nho giáo ở Việt Nam đều mang nặng yếu tố tôn giáo, kiến thức mang tính hàn lâm. Do đó, song song với quá trình khai thác thuộc địa, thực dân Pháp, Hà Lan bằng nhiều biện pháp khác nhau đã từng bước biến các lớp học tôn giáo thành các cơ sở giáo dục thế tục thông qua việc chuyển đổi chúng thành các trường học bản địa.

     Trong loại hình giáo dục này, trẻ em Việt Nam, Indonesia được cung cấp những kiến thức một cách sơ đẳng bằng tiếng bản địa bao gồm các môn học cơ bản như đọc, viết, số học, vệ sinh, các kĩ năng nông nghiệp sơ đẳng và kiến thức về địa lý, lịch sử. Các môn học này được đưa vào trong chương trình giảng dạy chính thức trong các lớp học do thầy đồ đảm trách (Việt Nam) và các lớp học Kinh Qur’an truyền thống (Indonesia) vẫn được giữ lại nhưng với tư cách là một nội dung giáo dục không chính thức. Nếu so với người Pháp khi thực thi chính sách giáo dục tại Việt Nam, người Pháp muốn tìm cách xoá bỏ và tiến đến thay thế hoàn toàn nền giáo dục Nho học truyền thống bằng một nền giáo dục mang đậm yếu tố “Pháp hóa”. Ưu điểm lớn nhất của nền giáo dục mà Hà Lan mang lại một nền giáo dục mới cho các nước thuộc đia là mang ảnh hưởng châu Âu như quản lí tập trung, biên soạn giáo trình theo cấp học và môn học, chú trọng thực nghiệp và khoa học tự nhiên. Rõ ràng, mục đích của việc thiết lập các trường học theo khuynh hướng thế tục là để xoá bỏ nền giáo dục Nho học truyền thống và biến đổi các lớp học Kinh Qur’an truyền thống ở các ngôi làng bản địa. Như vậy, dưới sự tổ chức và kiểm soát của chính quyền thuộc địa, các trường bản địa ở Việt Nam và Indonesia đã biến chuyển sâu sắc để trở thành các cơ sở giáo dục thế tục.

     Bên cạnh chương trình giáo dục mang tính thế tục, lần đầu tiên, chữ Quốc ngữ được chính quyền thuộc địa khuyến khích sử dụng tại Việt Nam và ngôn ngữ Bahasa Malayu của Indonesia được Latinh hóa thành loại chữ viết mới và được đưa vào giảng dạy trong các trường học bản địa nhằm thay thế dần cho loại chữ Jawa phức tạp đã mang lại đến sự thuận lợi cho việc tiếp thu giáo dục. Một khía cạnh khác thể hiện khuynh hướng thế tục và hiện đại hóa giáo dục là sự thành lập các trường nghề và kĩ thuật mang tính hiện đại vào những năm đầu thể kỷ XX. Có thể nói, lần đầu tiên ở Việt Nam và Indonesia, giáo dục được quản lí thông qua các văn kiện mang tính pháp lí như “luật giáo dục”, “sắc lệnh giáo dục”. Các cơ quan giáo dục cũng như chức danh phụ trách giáo dục được thành lập và bổ nhiệm: Uỷ ban giáo dục, Giám đốc giáo dục, Thanh tra giáo dục,… Đồng thời, chính sách giáo dục đã được thể chế hóa, quyền lợi của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng có cơ hội bình đẳng hơn trong giáo dục. Địa vị và quyền lợi của phụ nữ được đề cao hơn so với thời gian trước và so với một số quốc gia Đông Nam Á lúc bấy giờ, khi mà hầu hết phụ nữ bị từ chối các quyền của họ đối với giáo dục trong một xã hội gia trưởng với quan niệm rằng phụ nữ chỉ nên lo việc nội trợ.

     Như vậy, với mục đích biến giáo dục thành công cụ hỗ trợ cho công cuộc khai thác thuộc địa, chính quyền thuộc địa Pháp, Hà Lan đã tái cấu trúc lại hệ thống giáo dục ở Việt Nam và Indonesia theo mô hình phương Tây. Theo đó, hệ thống giáo dục mới này đã đưa vào chương trình giảng dạy các môn khoa học và kĩ thuật, mở ra cánh cửa văn chương và triết học ra ngoài khuôn khổ của giáo dục mang đậm yếu tố tôn giáo và đem đến kiến thức văn hóa và nghệ thuật vượt ra ngoài khuôn khổ lục địa châu Á. Vì vậy, sự hiện diện của thực dân Pháp và Hà Lan đã đem đến sự biến đổi đến tận nền tảng của mô hình giáo dục vốn lạc hậu ở các thuộc địa trước đó. Tất cả các yếu tố, các bộ phận của nền giáo dục thời kì thuộc địa đều hết sức mới mẻ với người Việt Nam, Indonesia.

3. Cải cách giáo dục được xem là nội dung trọng tâm trong chính sách cai trị tại thuộc địa

     Chủ nghĩa thực dân Pháp và Hà Lan không chỉ thành công trong lĩnh vực chinh phục thuộc địa mà còn khá hiệu quả trong quá trình thực dân hóa các thuộc địa của mình thông qua các chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội. Trong đó, chính sách giáo dục, một nội dung của chính sách văn hóa-xã hội song có liên quan rất lớn đến sự phát triển kinh tế, chính trị và thuộc địa, đồng thời cũng được coi là phần trọng tâm trong chính sách cai trị, đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với thành công của Pháp và Hà Lan.

     Trước khi người Pháp và người Hà Lan đặt chân đến khu vực Đông Nam Á, giáo dục truyền thống ở Việt Nam và Indonesia đã tồn tại rất lâu và ăn sâu trong tiềm thức người dân nơi đây. Nền giáo dục của Việt Nam dưới thời phong kiến là giáo dục Nho học với văn tự chữ Hán giữ vị trí độc tôn. Giáo dục theo quan điểm của Nho giáo là nhằm đào tạo ra những con người lý tưởng, có sự hoàn thiện cả về nhân cách và đạo đức, cũng như tri thức, lối sống để ra làm quan giúp nước. “Xuất phát từ mục tiêu ấy, ở nước ta trong gần 10 thế kỉ phong kiến, chương trình giáo dục chủ yếu là giáo dục đạo đức, không có ngành nghề khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, không có chương trình dạy con người về sản xuất nông nghiệp” (Lương, 2015, tr. 96).

     Tại Indonesia, nền giáo dục truyền thống của người dân nơi đây được gọi là Pesantren, diễn ra dưới hình thức các lớp học Kinh Qur’an (Qur’an class) được tiến hành bởi các giáo sĩ Hồi giáo. “Hệ thống giáo dục này chỉ dạy các môn về tôn giáo; dạy học kinh Coran, giảng kinh, luật Hồi giáo shariat cùng các tập tục, truyền thống Hồi giáo khác… Các lớp học Hồi giáo thường được tổ chức ngay trong các thánh đường hoặc nhà nguyện do các chức sắc tôn giáo, những người am hiểu kinh Coran phụ trách” (Vinh, 1992, tr. 55). Vì giáo dục chú trọng về mặt tôn giáo, nên các kiến thức khoa học, môn học thế tục không được đề cập trong các trường Hồi giáo này. Nhận thức rõ được điều này, cả người Pháp và thực dân Hà Lan đã từng bước thiết lập nền giáo dục theo mô hình phương Tây, tiến tới thay thế nền giáo dục truyền thống tồn tại trong nhiều thế kỉ.

     Có thể nói, những thế hệ trưởng thành trong môi trường Khổng giáo, Hồi giáo đang tích cực thực hiện các hoạt động kháng chiến để chống lại chính quyền thuộc địa, điều này sẽ ảnh hưởng đến nền thống trị của người Pháp, Hà Lan tại Việt Nam và Indonesia. Chính phủ thuộc địa nhận thấy rằng, nếu tấn công trực diện vào một nền văn minh vốn đã tồn tại lâu đời thì họ sẽ thất bại ngay tức khắc và nếu muốn thiết lập ảnh hưởng vững chắc trên vùng đất này thì phải làm cho họ tiêm nhiễm tư tưởng của chính quyền thuộc địa, dạy cho người bản địa tiếng nói của người phương Tây và do đó, phải bắt đầu từ nhà trường. Thật vậy, sự thành công trong việc thiết lập một nền giáo dục mới đó khi giải phóng hoàn toàn và ảnh hưởng các thần dân mới của chính quyền thuộc địa ra khỏi tầng lớp trên, quý tộc, nhà Nho và nền văn minh Trung Hoa, Ả Rập, như vậy, người Pháp hay người Hà Lan không chỉ là những nhân viên năng lực mà có một thuộc địa rộng lớn như mình khao khát có được. Vì thế, giáo dục được coi là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho chính quyền thuộc địa trong công cuộc khai thác và bóc lột thuộc địa, hay nói cách khác, thông qua giáo dục để truyền bá rồi đi đến đồng hóa về văn hóa là một trong những mục tiêu chính của chủ nghĩa thực dân Pháp và Hà Lan. Liên tục trong suốt các nhiệm kỳ của các Toàn quyền (Việt Nam) và Thống đốc (Indonesia) đã ban hành nhiều sắc lệnh, luật về đổi mới nội dung giáo dục và dành một khoản ngân sách lớn cung cấp cho việc phát triển giáo dục tại các thuộc địa.

     Sớm đặt sự quan tâm vào giáo dục nhưng những trường Pháp-Việt được xây dựng từ thời Paul Bert (1886) không mang lại nhiều thành quả như người Pháp mong muốn trong khi nền giáo dục Nho học vẫn tồn tại một cách vững chắc. Mặt khác, những người được đào tạo từ các trường Pháp-Việt và tham gia vào bộ máy chính quyền thuộc địa nhưng lại ở vị trí thấp hơn rất nhiều so với trí thức Nho học trong hệ thống thang bậc xã hội, do đó, họ thường phàn nàn rằng: “Chúng tôi vẫn là những người thấp kém về mặt xã hội đối với những nho sĩ hạ thấp nhất” (Báu, 2006, tr. 63). Việc đào tạo tầng lớp nhân viên giúp việc có chất lượng là một trong những cơ sở để người Pháp đánh giá tính hiệu quả của chính sách giáo dục mà mình đang thực hiện. Đánh giá một cách tổng quát, bản thân của nền giáo dục Việt Nam lúc đó đang ở trong tình trạng quá yếu kém, mặc dù, đã được các viên Toàn quyền trước như Paul Bert hay De Lanessan chú trọng.

     Do chính quyền thuộc địa Hà Lan chỉ áp dụng mô hình giáo dục chung cho tầng lớp quý tộc lẫn tầng lớp bình dân nên kết quả thu lại không như mong đợi. Như trên đã phân tích thì tỷ lệ học sinh đến trường ngày càng ít đi, trong đó phần lớn là con em thuộc tầng lớp quý tộc, quan lại. Nguyên nhân giải thích cho tình trạng này là do “họ cảm thấy những đặc quyền cổ xưa của mình đã bị xâm phạm khi họ bị trộn lẫn với những thường dân trong cùng một đẳng cấp” (Rothrock, 1975, tr. 47), nên tầng lớp quý tộc không hài lòng với chính sách giáo dục mà chính quyền thuộc địa đưa ra, vì vậy họ đã hạn chế đưa con em của mình vào học ở các trường này. Như vậy, việc đặt tầng lớp quý tộc và thường dân lại gần nhau đã không mang lại kết quả như người Hà Lan mong muốn. Đây chính là cơ sở để chính quyền Hà Lan thay đổi chính sách giáo dục trong năm 1893: “hệ thống trường học bản địa đã được chính quyền thuộc địa tổ chức lại để đưa ra hai loại hình trường học khác nhau” (Suwignyo, 2012, tr. 48) để phù hợp với nhu cầu của người dân bản địa hơn.

     Như vậy, trong suốt quá trình cai trị thuộc địa, cùng với việc củng cố chế độ hành chính và tăng cường khai khác, bóc lột thuộc địa, chính quyền thực dân Pháp và Hà Lan đẩy mạnh thực hiện chính sách giáo dục đối với các thuộc địa. Với việc thiết lập chính sách giáo dục tại các nước thuộc địa, chính quyền thực dân đã làm cho nền giáo dục bản địa có sự chuyển biến sâu sắc, phù hợp với sự phát triển của xã hội thuộc địa.

4. Chính quyền thuộc địa tiến hành hai lần cải cách giáo dục

     Nội dung trọng tâm của các cuộc cải cách giáo dục là nhằm hoàn thiện hệ thống cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục bậc cao, tăng cường việc mở trường cho học sinh và trường đào tạo giáo viên, đẩy mạnh chương trình dạy tiếng nước ngoài cho người dân bản xứ.

     Đối với người Pháp, chương trình cải cách giáo dục được thực hiện vào năm 1906 và năm 1917 gắn liền với các nhiệm kỳ của các viên Toàn quyền khác nhau như Paul Beau, Klobukowsky, Albert Sarraut,… Nhà cầm quyền Pháp đang cố gắng xây dựng nền giáo dục ở Việt Nam bao gồm hai bộ phận là giáo dục Pháp-Việt và giáo dục Pháp, từng bước tiến tới xoá bỏ nền giáo dục Nho học. Theo Dumoutier cho rằng: “Giáo dục PhápViệt là một kiểu giáo dục tổng hợp mà không cần tiền từ ngân sách, nó thu hút tất cả giáo viên trường Nho giáo học chữ Quốc ngữ, các Đốc học phải theo những chỉ dẫn từ các trường Pháp. Nền giáo dục này sẽ gồm những bằng cấp, những kỳ thi và ban giám khảo như trước. Chúng ta sẽ bổ sung thêm, chẳng hạn trong các kỳ Đại khoa sẽ có thêm tiếng Pháp, ban giám khảo sẽ có người Pháp trực thuộc nhân sự của Học chính Đông Dương. Bằng cấp cho những người đỗ các kỳ Đại khoa sẽ có ghi thêm những môn học mới này theo chương trình do Toàn quyền đề ra” (Hoa, 2012, tr. 59-60).

     Trong chương trình cải cách giáo dục lần thứ nhất (1906) do Toàn quyền Paul Beau khởi xướng và chỉ đạo sẽ chú trọng vào hệ thống trường Pháp-Việt và hệ thống trường chữ Hán của giáo dục Nho giáo. Theo đó, hệ thống trường Pháp-Việt được tổ chức lại gồm hai bậc: Tiểu học và Trung học, chương trình học hầu hết bằng tiếng Pháp. Còn về hệ thống các trường chữ Hán, vì chưa có điều kiện để xoá bỏ, nên giáo dục chữ Hán vẫn được giữ lại và người Pháp chia nền giáo dục chữ Hán thành ba bậc: Ấu học, Tiểu học và Trung học. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục sau cuộc cải cách lần thứ nhất không đáp ứng được yêu cầu mà người Pháp đã đề ra. Đây chính là cơ sở để chính quyền Pháp thuộc thực hiện cuộc cải cách giáo dục lần hai vào năm 1917, khi Abert Sarraut được bổ nhiệm Toàn quyền Đông Dương.

     Cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai được xác lập vào ngày 21/12/1917 khi Albert Sarraut ký Nghị định về “Quy định chung về giáo dục của Đông Dương”, còn gọi là Bộ “Học chính Tổng quy” (Règlementation générale de línstruction publique). Về tổ chức, nền giáo dục Việt Nam sẽ gồm hai hệ thống: phổ thông và dạy nghề. Ở cả hai hệ thống này, trường học sẽ được chia làm hai loại: trường Pháp chuyên dạy cho người Pháp, theo chương trình “chính quốc” và các trường Pháp-Việt, chuyên dạy người Việt theo chương trình bản xứ. Các trường được chia thành ba bậc: Tiểu học, Trung học và Cao đẳng, Đại học; ngoài ra là các trường dạy nghề, tương đương với bậc Tiểu học và Trung học. Với mục tiêu của cuộc cải cách lần này là “quyết tâm xoá bỏ hệ thống giáo dục truyền thống của Việt Nam một hệ thống giáo dục được Pháp hóa, phổ biến chữ Pháp, nền văn hóa Pháp và sự nghiệp khao hóa văn minh của Pháp ở Việt Nam” (Thúy, 2017, tr. 218). Theo quy định mới, các khoa thi được chia làm hai loại: thi theo chương trình bản xứ gồm thi tốt nghiệp Tiểu học, thi tốt nghiệp Trung học (gồm Cao đẳng Tiểu học và Trung học) và thi theo chương trình Pháp có bằng sơ học, bằng Cao đẳng (bằng Tú tài Tây).

     Về vấn đề ngôn ngữ giảng dạy, chữ Pháp vẫn là ngôn ngữ quan trọng như trong quy định tại điều 134 của Học chính Tổng quy: “Về nguyên tắc, các môn học ở bậc tiểu học bắt buộc phải được dạy bằng tiếng Pháp. Việc học chuyên sâu về tiếng Pháp không cần thiết đối với học sinh nông thôn-những người không có nhu cầu có bằng tốt nghiệp tiểu học và chỉ quan trọng đối với các học sinh muốn qua đệ nhất cấp” (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2016, tr. 368). Còn về chữ Quốc ngữ, người Pháp hết sức coi nhẹ, điều này được cụ thể qua việc ban hành thông tư cho các tỉnh vào tháng 3/1918: “Theo quy chế mới thì chỉ những trường sơ đẳng mới dạy hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ, còn các trường tiểu học kiêm bị thì hai lớp dưới học bằng chữ quốc ngữ, thì lớp ba trở lên phải dùng hoàn toàn bằng tiếng Pháp” (Báu, 2006, tr. 89). Như vậy, chủ trương của người Pháp dùng chữ Quốc ngữ[5] thay chữ Hán để lôi kéo người Việt ra khỏi quỹ đạo và ảnh hưởng lâu đời của nền giáo dục Nho học, sớm được Âu hóa, đảm bảo sự thuận lợi trong việc khai thác và bóc lột thuộc địa. Xét trên phương diện chính trị, việc người Pháp dùng chữ Quốc ngữ làm chuyển ngữ để người Việt sang học chữ Pháp.

     Có thể nói, với cải cách giáo dục lần thứ hai, chính quyền thuộc địa Pháp đã làm được hai việc lớn là xoá bỏ nền giáo dục phong kiến và củng cố, mở rộng giáo dục theo mô hình phương Tây. Thông qua việc thay thế chữ Quốc ngữ thành chữ Pháp, nền giáo dục Việt Nam theo định hướng Pháp đã “từng bước hoàn thiện bằng những hình thức phù hợp, như tổ chức loại trường phổ cập giáo dục ở nông thôn, phát triển giáo dục trong cộng đồng các dân tộc ít người, tăng cường chương trình, thời gian cho bậc trung học và công nhận giá trị bằng cấp của nó, củng cố các trường cao đẳng, tất cả đã khá đồng bộ làm chất lượng giáo dục được nâng cao rõ rệt. Riêng bậc tiểu học, biện pháp tăng cường học tiếng Pháp bằng cách mở thêm lớp nhì đệ nhất đã tỏ ra khá hiệu quả, vì từ lớp này trở đi học sinh đã có thể làm quen dần với tiếng Pháp để lên đến cao đẳng tiểu học và trung học có thể sử dụng tương đối thành thạo tiếng Pháp” (Báu, 2006, tr. 115). Và cũng khẳng định rằng, với việc ban hành những quy chế mới, Albert Sarraut đã xoá bỏ hoàn toàn nền giáo dục phong kiến, xác lập một nền giáo dục mới phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa mới.

     Về phía người Hà Lan cũng giống như người Pháp, họ cũng thực hiện hai lần cải cách giáo dục tại thuộc địa Indonesia. Từ những năm 70 của thế kỉ XIX, đúng vào thời điểm mà các nước tư bản lớn như Anh, Pháp, Mĩ đua nhau tranh giành thuộc địa, mở rộng phạm vi thế lực ở châu Á, Hà Lan cũng tiến hành những cuộc chiến tranh đại quy mô để xâm chiếm các hòn đảo còn lại. Vì sợ các cường quốc khác cướp mất quyền thống trị ở Indonesia nên phải nới tay trong chính sách cai trị để nhận được sự cảm tình của nhân dân bản xứ, từ đó, Hà Lan đề ra một số cải cách trên các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa-giáo dục.

     Người Hà Lan thay đổi chính sách giáo dục bằng việc thực hiện cuộc cải cách giáo dục trong năm 1893 khi “người Hà Lan cho mở hai hệ thống trường phổ thông cơ sở, chuyên dành cho người bản địa: Một là Trường địa phương hạng Nhất, chuyên dành cho con em tầng lớp quý tộc, quan lại (Priyayi) và hai là Trường địa phương hạng Hai để dạy cơ bản cho con em các tầng lớp khác nhau, chủ yếu là cho dân nghèo nông thông và thành thị” (Khánh, 2012, tr. 247). Với việc chính quyền Hà Lan cho thiết lập hai hệ thống giáo dục trong xã hội thuộc địa Indonesia, một mặt đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp trong xã hội thuộc địa, mặt khác, đảm bảo cho các nhóm không thể hòa với nhau để tạo thành lực lượng gây trở ngại cho lợi ích của chính quyền Hà Lan. Theo quy định, khóa học của hai trường được quy định như sau: trường hạng Nhất bao gồm 5 năm, còn trường hạng Hai chỉ có 3 năm học. Học sinh trường hạng Nhất học đọc, viết, tập đọc và một số môn học cơ bản như toán học, địa lý, lịch sử, Mĩ thuật và môn trắc địa. Còn học sinh trường hạng Hai cũng học các môn học như trường hạng Nhất, ngôn ngữ giảng dạy là bằng tiếng địa phương. Độ tuổi đến trường cũng được quy định là từ 6 đến 17 tuổi và phải trả học phí.

     Bằng sự nỗ lực của mình, chính quyền thuộc địa đã xây dựng được một kết quả như sau: “vào ngày 31/12/1899, có tổng cộng 224 trường hạng Nhất và 234 trường hạng Hai được thiết lập ở 23 quận ở Java, Madura, Bali và Lambok. Cũng trong thời gian này, cũng đã có đến 229 trường hạng Hai được thành lập ở quần đảo ngoài trải rộng khắp từ Tapanuli ở Bắc Sumatra đến Halmahera và New Guinea ở phía Đông đến Roti và Sawu ở phía Đông Nam của quần đảo” (Suwignyo, 2012, tr. 57). Ngoài ra, Chính phủ Hà Lan còn yêu cầu chính quyền chính quyền địa phương bản xứ có trách nhiệm trong việc cùng xây dựng trường học. Như vậy, cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất đã bước đầu làm thay đổi nền giáo dục sơ khai của Indonesia mang tính chất gia đình truyền thồng hay mang yếu tố tôn giáo trở thành một nền giáo dục tương đối có hệ thống. Tuy nhiên, mức độ quan tâm vẫn chưa được chính quyền thuộc địa quan tâm lắm, kèm theo đó, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đến đầu thế kỉ XX, với việc Nữ hoàng Hà Lan công bố “Đường lối mới”, trong đó dành nhiều ưu tiên đối với vấn đề giáo dục và y tế.

     Khi Chính phủ Hà Lan thông qua “Đường lối mới”, số lượng trường học theo đó cũng được xây dựng thêm và trường dạy nghề được mở ra khắp mọi nơi để cung cấp cho người học sau khi tốt nghiệp tại các trường ở Indonesia cũng có phần chú trọng hơn. Một sự phát triển giáo dục bản địa ở Indonesia khi Thống đốc Van Huetz ban hành quyết định thành lập hệ thống các trường Làng (Volkschool) hay Desa school vào năm 1907. “Cách làm là mỗi làng hoặc vài làng xây một ngôi trường, thường là với các vật liệu do chính phủ cấp không mất tiền và hàng năm đóng góp một khoản 90 guilder để tu bổ nhà trường” (Hall, 1997, tr. 1081). Chính quyền Hà Lan sẽ cung cấp giáo viên và sách giáo khoa để phục vụ học tập. Thời gian học tại trường Làng là 3 năm, các môn học tại trường chủ yếu là đọc, viết và tập đọc, tiếng địa phương vẫn là ngôn ngữ giảng dạy. Mục đích của trường Làng là nhằm khắc phục nạn mù chữ cho trẻ em ở nông thôn. Cho đến năm 1930, có hơn 1,5 triệu trẻ em theo học tại các trường Làng (Phúc, 2018, tr. 82).

     Một đặc điểm nổi bật trong cuộc cải cách giáo dục năm 1901 là chính quyền Hà Lan cho thiết lập “hệ thống giáo dục kép” với hai hệ thống giáo dục cùng tồn tại: giáo dục bản địa và giáo dục theo mô hình phương Tây. Trong đó, “hệ thống trường bản địa sử dụng ngôn ngữ địa phương để giảng dạy, còn trường theo định hướng Hà Lan được vận hành dựa trên ngôn ngữ của họ” (Ronodidjojo, 1968, tr. 29). Điều này đã tạo điều kiện giáo dục truyền thống vẫn được duy trì và sau này những trường này cũng hoạt động dựa trên chương trình giáo dục của người Hà Lan. Sự khác biệt so với cuộc cải cách giáo dục năm 1893 là người Hà Lan thiết lập đầy đủ các bậc học bao gồm cấp Trung học (trường HBS-Hogere Burger School, trường MULO-Meer Uitgebreid Lager Onderwijs, trường AMS-Algemeen Middelbare School) và giáo dục đại học, cao đẳng (trường Cao đẳng Kỹ thuật, trường Cao dẳng Luật, trường Đại học Y Dược,…).

5. Cải cách giáo dục do chính quyền thuộc địa thiết lập, trực tiếp điều hành và quản lí

     Nếu ở Philippines, Tây Ban Nha xem giáo dục như một công cụ đắc lực để phục vụ cho mục đích truyền giáo. Chính vì thế, trong suốt thời kỳ Tây Ban Nha thống trị, nền giáo dục thuộc địa chịu sự chi phối trực tiếp của giáo sĩ Thiên Chúa giáo. Điều này hoàn toàn khác biệt so với nền giáo dục thuộc địa tại Việt Nam và Indonesia, không chú trọng về mục đích truyền giáo và do chính quyền thực dân Pháp, Hà Lan thiết lập và trực tiếp điều hành. Năm 1906 được coi là một dấu mốc quan trọng trong chính sách giáo dục của người Pháp tại Việt Nam khi họ có những điều chỉnh về nội dung giáo dục và sau đó năm 1917, người Pháp tiếp tục điều chỉnh chính sách giáo dục hơn nữa. Từ đây, tình hình giáo dục Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, trước tiên ở việc các chính sách giáo dục đã được hoạch định một cách rõ ràng hơn thông qua các Uỷ ban phụ trách giáo dục, các nghị định giáo dục lần lượt được ban hành. Với những nỗ lực nhằm tái cấu trúc lại nền giáo dục theo nền giáo dục Pháp-Việt, chính sách này đã tạo ra cơ sở cho những chuyển biến rõ rệt về nền giáo dục ở Việt Nam thời thuộc địa.

     Còn ở Indonesia, chính quyền thực dân Hà Lan cũng là chính là cơ quan điều hình và tổ chức giáo dục. Mặc dù, người Hà Lan nỗ lực đẩy mạnh chính sách giáo dục tại thuộc địa Indonesia để đáp ứng nhu cầu cai trị, nhưng kết quả lại không được mong đợi. Vì thế, chính quyền Hà Lan đã thực hiện hai cuộc cải cách giáo dục vào năm 1893 và năm 1901 để cải thiện chất lượng và đảm bảo hiệu quả trong công cuộc khai thác và bóc lột thuộc địa phù hợp với tình hình lúc đó. Thông qua việc thực thi cuộc cải cách giáo dục vào năm 1893 và 1901, Hà Lan đã giảm bớt gánh nặng khi thuê công chức là người châu Âu, mà quan trọng hơn là nhằm thực hiện chính sách thực dân mới “dùng người Indonesia trị người Indonesia”.

     Như vậy, sau khi hoàn thành việc kiểm soát Indonesia, cả người Pháp và người Hà Lan mong muốn xây dựng một hệ thống giáo dục quản lý hành chính nhằm duy trì ảnh hưởng và tạo sự ổn định trật tự xã hội. Do đó, một hệ thống giáo dục được thành lập để đào tạo các nhân viên người Indonesia, bổ nhiệm vào các vị trí trong bộ máy công quyền và lực lượng lao động (trình độ thấp) do chính quyền thực dân trực tiếp điều hành. Với chính sách cai trị của thực dân Pháp và Hà Lan, Việt Nam và Indonesia đã có một bộ máy nhà nước thống nhất trên phạm vi cả nước và nền giáo dục phát triển tương đối toàn diện, tiến bộ so với thời kì trước.

Kết luận

     Với cải cách giáo dục mà chính quyền thuộc địa thực hiện trên phạm vi từ khu vực đến toàn bộ lãnh thổ của các thuộc địa, từ vùng trung tâm cho đến vùng sâu vùng xa, đã tạo nên những biến đổi quan trọng đối với sự phát triển giáo dục của Việt Nam và Indonesia. Cải cách giáo dục từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX đã đặt nền tảng cho giáo dục hiện đại trong giai đoạn giành được độc lập và củng cố phát triển đất nước. Nền giáo dục mới sau cuộc cải cách ở cả hai nước đều mang tính chất đại chúng với trình độ phát triển cao. Tính chất đại chúng được thể hiện qua sự quy định về độ tuổi đến trường, thành phần tham gia học tập mà không có sự phân biệt về tôn giáo, sắc tộc. Hệ thống giáo dục được xây dựng một cách đồng bộ, chặt chẽ, đầy đủ các bậc học từ Tiểu học, Trung học đến Đại học. Toàn bộ hệ thống giáo dục đều đặt dưới sự kiểm soát, quản lý của chính phủ. Nội dung, chương trình giảng dạy với nhiều môn học mang tính thế tục, hiện đại, phù hợp với nhu cầu phát triển mới của xã hội thuộc địa, đặc biệt là sự quan tâm khá lớn của chính quyền thuộc địa đối với giáo dục nữ giới và giáo dục hướng nghiệp.

     Do đặc thù của mỗi quốc gia và chính sách cai trị thuộc địa của người Pháp, Hà Lan mà chương trình cải cách giáo dục tại Việt Nam và Indonesia không giống nhau, song, có thể nhận thấy rằng, với những tương đồng về không gian, thời gian, chủ trương giáo dục mà nội dung của chính sách giáo dục của Pháp tại Việt Nam và Hà Lan tại Indonesia có khá nhiều điểm chung. Những điểm chung này là xu hướng “Tây hóa”-xu hướng đưa các dân tộc thuộc địa quay quanh ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Đồng thời, cuộc cải cách giáo dục của thực dân phương Tây đã tạo nền tảng cho quá trình hội nhập với nền giáo dục thế giới.

     Có thể nói, cải cách giáo dục là quá trình lâu dài, thay đổi theo thời gian để phù hợp với tình hình giáo dục của mỗi nước và đó cũng là quá trình chuyển đổi và tiếp nhận từ nền giáo dục cũ sang nền giáo dục mới, từ giáo dục truyền thống sang nền giáo dục hiện đại.

_________
[3] Cần nói thêm rằng, từ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, giáo dục Nho học đã trở nên lạc hậu so với thực tại ở Việt Nam, mà các những người có tư tưởng canh tân như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ,… đã đề xuất xoá bỏ.

[4] Theo nghị định, chính phủ Hà Lan sẽ cung cấp cho Thống đốc với một khoảng tiền 25.000 guilders để thiết lập các trường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho bộ máy chính quyền thuộc địa.

[5] Khi người Pháp chủ trương sử dụng chữ Quốc ngữ cho người Kinh và các dân tộc thiểu số là yếu tố quan trọng để tạo nên sự đoàn kết các dân tộc của Việt Nam sau này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt

     1. Phan Trọng Báu (2006). Giáo dục Việt Nam thời cận đại, Nxb Giáo dục.

     2. Phan Trọng Báu (2008). Nhìn lại hai cuộc cải cách giáo dục (1906 và 1917) ở Việt Nam đầu thế kỉ XX. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. Số 3, trang 11-24.

     3. D.G.E. Hall (1997). Lịch sử Đông Nam Á, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

     4. Trần Thị Phương Hoa (2012). Giáo dục Pháp-Việt ở Bắc Kỳ (1884-1945), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

     5. Trần Khánh (2012). Lịch sử Đông Nam Á, tập IV, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

     6. Nguyễn Hiền Lương (2015). Tư tưởng Nho giáo về giáo dục Việt Nam. Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, Số 7, trang 94-99.

     7. Nguyễn Hữu Phúc (2018). Cải cách giáo dục của Hà Lan ở thuộc địa Indonesia (1893-1901), Tạp chí Khoa học & Giáo dục trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, Số 2, trang 78-87.

     8. Nguyễn Thụy Phương (2020). Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa-Huyền thoại đỏ và huyền thoại đen, Nxb Hà Nội.

     9. Hồ Thanh Tâm (2013). Yếu tố Pháp-Việt trong lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862-1945, Luận văn Thạc sĩ. Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

     10. Tạ Thị Thuý (2017). Lịch sử Việt Nam từ năm 1897 đến năm 1918, Tập 7, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

     11. Tạ Thị Thuý (2017). Lịch sử Việt Nam, Tập 8 (từ năm 1919-1930), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

     12. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (2016). Giáo dục Việt Nam thời kỳ thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945), Nxb Thông tin và Truyền thông.

     13. Phạm Thị Vinh (1992). Giáo dục Hồi giáo và phát triển ở Đông Nam Á, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Số 4, trang 54-64.

Tài liệu tiếng Anh

     1. Agus Suwignyo (2012). The Breach in the Dike: Regime change and the standardization of public primary-school teacher training in Indonesia (1893- 1969), University Leiden.

     2. Christiaan Lambert Maria Penders (1968). Colonial education policy and practice in Indonesia: 1900-1942, Th. D Thesis, Australian Nationl University.

     3. Willy Rothrock (1975). The development of Dutch-Indonesian primary schooling: A study in Colonial education, Ph.D Thesis, The University of Alberta.

     4. Soewandi Ronodidjojo (1968). A study of occupational education in Indonesia, Ph. D Thesis, Indian University.

Nguồn: Hội thảo Quốc tế Giáo dục Pháp-Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX, Huế 2021
Conférence internationale L’Education Franco-Vietnamienne Fin Du XIXè – Début Du XXè Siècle

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Cải cách giáo dục của Pháp tại Việt Nam và Hà Lan ở Indonesia thời thuộc địa: Những điểm tương đồng (Tác giả: Đặng Văn Chương; Nguyễn Hữu Phúc)