Cảm nhận Trầu Cau từ tâm thức huyền thoại

Tác giả bài viết: LÊ ĐỨC LUẬN

     Huyền thoại là phương pháp tư duy của người xưa bắt nguồn từ thể chế xã hội trong giai đoạn từ chế độ cộng sản nguyên thủy đến thị tộc mẫu quyền, đã trở thành nguồn cảm hứng cho các sáng tác văn học từ dân gian đến hiện đại. Tư duy huyền thoại thể hiện trong các thể loại thần thoại, truyền thuyết, sử thi, cổ tích nhưng đậm đặc nhất là ở thần thoại.

     Cổ tích là thể loại sáng tác vào giai đoạn sau nhưng ảnh hưởng tâm thức huyền thoại. Con người của các thời đại sau, dù đã đoạn tuyệt với các thể chế xã hội cũ nhưng trong tiềm thức sâu kín, tâm thức đồng loại vẫn giữ một vùng lưu trú của các nếp sống cổ xưa. Một ngày nào đó, trong một hoàn cảnh bất ngờ, nó sẽ trỗi dậy một cách vô thức. K.G. Jung, một nhà nghiên cứu văn học theo thuyết tâm lý cho rằng bên dưới cái vô thức cá nhân của mỗi người đều có một tầng vô thức tập thể, đó là ký ức chủng loại, thể hiện hành động bản năng chủng loại.

     Quan niệm của Jung đã dẫn đến một trào lưu phê bình “cố mẫu thần thoại” rất thịnh hành ở phương Tây nửa cuối TK XX. Sau này nó mở rộng cho cả việc nghiên cứu văn học nói chung. Nó chủ trương đi tìm cố mẫu cho các hình tượng, môtíp trong văn học, đặc biệt là các cố mẫu văn hóa. Những hiện tượng và môtíp lặp đi lặp lại trong văn học hiện đại sẽ được giải thích là những biểu hiện của các cố mẫu có từ xa xưa đã tồn tại trong vô thức tập thể loài người mà các nhà văn là người đại diện (1).

     Truyện Trầu cau đã có sự đan xen giữa tâm thức phụ quyền và tâm thức mẫu quyền trong việc xây dựng hệ thống các hành động, chi tiết, biểu tượng. Theo lý thuyết phức hợp thì có thể gọi đây là sự chồng xếp các yếu tố tư tưởng xã hội khác nhau trong quá trình sáng tạo tác phẩm dân gian. Tâm thức phụ quyền đã được tác giả dân gian thể hiện chi tiết cô gái buộc phải chọn người anh làm chồng và lý giải mối quan hệ bộ ba: anh, em, chị dâu theo sự nhầm. Ban đầu là chị dâu ôm nhầm em chồng. Chi tiết này đã có trong ba bản: bản Trầu cau của Vũ Ngọc Phan kể trong Hợp tuyển văn học Việt Nam, tập I, 1972, bản Sự tích trầu cau và vôi của Nguyễn Đổng Chi trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập I, in lần thứ tư, 1972 (KTTCT), bản kể trong Tình sử Việt Nam của Trúc Khuê. Việc chị dâu ôm nhầm em chồng được lý giải một cách hiển nhiên là hai anh em giống nhau như đúc. Hai người đi làm về tối, người chị dâu thấy một người bước vào, cứ ngỡ là chồng mình, liền ôm chầm lấy âu yếm, nhưng đó là người em. Nguyên nhân của sự ôm nhầm này xuất phát từ hai lý do: lý do thứ nhất là hai anh em giống nhau như đúc, lý do thứ hai mới là cơ bản: cô gái thương hai người như nhau, nhưng cô gái buộc phải chọn lấy người anh bởi luật chế độ phụ quyền, em không được có vợ trước anh. Nếu là chế độ mẫu quyền thì cô gái có quyền lấy người nào mình thích, không phải nhọc công làm phép thử người nào anh, người nào em. Sự giống nhau như đúc đã gây cho sự nhận diện khó khăn, lại thêm tình cảm yêu thương của cô gái đối với hai người cũng giống nhau nên những nét riêng của hai người vốn đã rất ít ỏi cũng bị xóa nhòa. Có thể người phụ nữ không hề biết mình bị nhầm nếu như người em chồng không kêu lên. Truyện cây cau trong Lĩnh Nam chích quái (LNCQ) ở TK XV không nói đến chi tiết “hai anh em giống nhau như đúc” nên cũng không có chi tiết “cô gái họ Lưu ôm nhầm người em chồng”. Một chi tiết khác quan trọng là bản của LNCQ “Hai anh em thấy nàng thì rất vừa ý, muốn kết làm vợ chồng”. Ở văn bản này, tâm thức phụ quyền rõ hơn biểu hiện trong việc chủ động cưới xin là người con trai.

     Về tâm thức mẫu quyền, truyện này thể hiện một thực tế về mối tình tay ba mà chi tiết ôm nhầm em chồng là dấu tích của gia đình mẫu quyền còn nằm trong tiềm thức người phụ nữ. Người phụ nữ trong xã hội mẫu quyền có quyền lấy nhiều chồng, một lúc có thể lấy cả anh và em, hai anh em cùng chung một vợ. Cô gái đã yêu hai người như nhau được lý giải vì hai người giống nhau như đúc nhưng cũng có thể là từ vô thức, cô đã yêu một lúc hai người con trai. Khi cô gái vẫn yêu cả hai người thì sự ôm nhầm đó là cố tình hay vô tình cũng không còn quan trọng nữa. Lý trí là vô tình, là không có chủ ý nhưng tâm thức dẫn đường. Định chế hôn nhân phụ quyền buộc người phụ nữ phải lấy người anh nhưng tình cảm thì cô ta vẫn muốn yêu cả hai người hoặc có thể muốn lấy người em hơn. Thậm chí khi người anh đã có vợ, người anh ít gần gũi với em như trước, người em hơi buồn thì người con gái, với bản chất bao dung có thể yêu người em hơn. Vũ Ngọc Phan cũng cho rằng “ở truyện này, có thể người chồng chính là người anh và người chồng phụ là người em”(2). Khi chuyển sang chế độ phụ quyền, người phụ nữ trong tâm linh vẫn coi người em chồng như chồng mình. Theo Nguyễn Xuân Lạc thì ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng “truyện có thể xuất hiện lần đầu tiên trong xã hội nguyên thủy vào giai đoạn mà người đàn bà còn có nhiều chồng…”(3). Trong các bản kể của các dân tộc thiểu số ở Nghệ An, dân tộc Cơ tu ở Quảng Nam và Thừa Thiên Huế liên quan đến trầu, cau, vôi đều kể về người đàn bà có hai chồng (KTTCT).

     Sự nhập nhằng trong thể chế xã hội buổi giao thời là dù đã xuất hiện chế độ phụ quyền nhưng sinh hoạt vẫn theo nếp mẫu quyền hoặc có sự đan xen hai thể chế xã hội trong cộng đồng dân cư. Hai anh em cùng đi ở trong nhà họ Lưu được kể là do mồ côi nhưng đây là dấu tích của chế độ mẫu quyền khi con trai lấy vợ phải ở nhà vợ và theo bản kể của Vũ Ngọc Phan và Nguyễn Đổng Chi thì người chủ động kết hôn là cô gái họ Lưu. Yếu tố này thể hiện tâm thức mẫu quyền trong việc quyết định hôn nhân thuộc vế người phụ nữ. Chi tiết ôm nhầm là một chi tiết mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nó là chi tiết về sự nhập nhằng giữa lý trí và tình cảm trong mối tình tay ba. Yêu thương một lúc cả hai nhưng buộc phải chọn lấy một người làm chồng thì quả là sự lựa chọn khó khăn. Lý trí thì buộc cô phải chọn nhưng tâm thức thì đâu phải khi nào cũng rạch ròi. Việc chia tay giữa người em với anh và chị dâu biểu hiện một sự rạn nứt mô hình gia đình thị tộc trong buổi đầu của chế độ phụ quyền. Sự ghen tuông của người anh là một ý thức sở hữu của người đàn ông đối với người đàn bà trong xã hội phụ quyền.

     Ba nhân vật thật đẹp và không có ai đáng ghét, có trách chăng thì trách người anh nông nổi. Cô gái mặc dù yêu thương hai người như nhau nhưng vẫn chọn người anh làm chồng theo tôn ti luật lệ mà xã hội phụ quyền đặt ra. Cô yêu cả hai người mà chỉ chọn lấy người anh là một việc làm hoàn toàn chủ động theo nguyên tắc ứng xử hợp lẽ của chế độ phụ quyền. Hai người con trai thì học hành chăm chỉ, hiền lành, đẹp trai, lại sống đúng mực và hết lòng thương yêu nhau. Ba con người đó thật là đẹp và họ cần cho nhau. Sự việc ôm nhầm ấy, người em hoàn toàn trong sáng. Có bản kể người em kể lại cho người anh biết chị dâu ôm nhầm mình. Người em bỏ nhà ra đi có nhiều lý do. Lý do đầu tiên là cảm thấy buồn, cô đơn khi thấy người anh tỏ ra nghi kị, lạnh nhạt đối với mình. Lý do thứ hai là tránh cho chị dâu cảm thấy khó xử, nói như Hoàng Tiến Tựu là “để cho quan hệ vợ chồng của anh được yên ổn”(4). Cả hai lý do ấy đều hợp tình và là xu thế tất yếu. Người anh sau khi thấy người em bỏ nhà ra đi tối không thấy về liền đi tìm em và cảm thấy hối hận vì đã hiểu nhầm em, nghi kỵ em rồi lạnh nhạt với em. Khi thấy hai người ra đi không về, người vợ cũng đi tìm. Tác giả dân gian đã không dùng kiểu kết thúc có hậu theo hướng anh em gia đình sum họp, hòa thuận như xưa. Cách kết thúc đó là không thực tế. Nếu người anh tìm được em, liệu người em có chịu về ở chung không, mà nếu về thì sự khó xử vẫn cứ xảy ra. Nếu hai anh em ở với nhau thì người phụ nữ phải ra đi, nếu vậy thì không những người anh buồn mà người em cũng thấy áy náy, không yên. Sự va chạm, nghi kỵ, hiểu lầm là một thực tế khó tránh khỏi khi trong gia đình chỉ có một người phụ nữ với hai người đàn ông mà cả hai người, cô đều thương yêu.

     Tác giả dân gian đã không nỡ cho họ chia lìa nên cho họ hóa thân để ở gần nhau, ôm ấp quấn quýt nhau, thành một biểu tượng đẹp đẽ về tình anh em, chồng vợ. Tác giả đã xây dựng cho cây trầu (sự hóa thân của người vợ) leo lên ôm ấp lấy cây cau (sự hóa thân của người chồng) để biểu hiện tình cảm vợ chồng thủy chung, gắn bó. Theo Nguyễn Xuân Lạc, “Dây trầu quấn quanh thân cau vừa mang ý nghĩa âu yếm trong tình cảm vợ chồng, vừa biểu thị người chồng là trụ cột gia đình”(5). Sự hóa thân này vẫn theo tâm thức phụ quyền, như một sự minh chứng cho tấm lòng thủy chung trong sáng của người vợ mà việc ôm em chồng chỉ vì nhầm mà thôi. Đây là xu hướng lý tưởng theo đạo đức phụ quyền. Nhưng bản trong LNCQ thì khi hóa kiếp, Lang (người em) hóa thành câu cau còn Tân (người anh) hóa thành tảng đá và tất nhiên, dây trầu (chị dâu) sẽ bò lên quấn cây cau. Một số tác giả cho rằng phải chăng bản kể của LNCQ có gì nhầm lẫn chăng? Thực ra, đây là kiểu cổ xưa hơn, phản ánh một tâm thức mẫu quyền, người vợ vẫn yêu người em hơn, muốn chung sống với người em hơn trong khi chế độ phụ quyền bắt buộc cô phải lấy người anh làm chồng. Có bản kể dây trầu bò quanh tảng đá rồi mới leo lên cây cau như muốn ôm ấp cả hai người, đấy phải chăng là tâm lý có hai chồng của người vợ trong chế độ mẫu quyền.

     Trầu – cau – vôi hòa làm một thành một vị cay nồng ấm áp, màu đỏ tươi như tình máu mủ anh em, tình vợ chồng nồng thắm. Nhân vật người em là một nhân vật nhạy cảm trong mối quan hệ anh em, chồng vợ trong gia đình thị tộc, gia đình lớn trong đó các thế hệ ở chung với nhau. Nhân vật người em là một phép thử nghệ thuật để đo tấm lòng thân thiết ruột thịt giữa anh và em, tình cảm thủy chung giữa vợ với chồng. Nếu em bỏ đi mà anh không đi tìm thì rõ ràng anh không còn thương em, chồng bỏ đi mà vợ không đi tìm là vợ không còn yêu chồng. Dù có trải qua sự hiểu lầm, nghi kị, ghen tuông hoặc những biến động trong đời sống thì tình cảm gắn bó keo sơn giữa anh em, vợ chồng cũng không gì lay chuyển được. Trong hình ảnh tự nhiên cũng vậy, tảng đá vôi là mối liên kết, chất xúc tác kết liền trầu cau thêm nồng thắm, nếu chỉ có trầu cau mà không có vôi thì thật là nhạt nhẽo, vô vị. Nếu có trầu mà không có cau thì thiếu sự mặn nồng. Hình ảnh đẹp đẽ ấy đã đi vào ca dao:

Có trầu mà chẳng có cau

Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm

     Cảm hứng nghệ thuật cho câu chuyện bắt đầu từ cảnh trí thiên nhiên và phong tục ăn trầu. Người ta lý giải tại sao cả ba thứ: trầu, cau, vôi không quan hệ gì với nhau, gặp nhau lại miệng ăn môi đỏ, nồng nàn say mê đến vậy. Từ hình ảnh trầu – cau – vôi, tác giả liên hệ đến mối quan hệ xã hội: sự nồng ấm ấy chỉ có trong mối quan hệ vợ chồng, anh em. Con đường nghệ thuật của truyện Trầu cau là từ cảnh trí thiên nhiên (trầu – cau – vôi) và phong tục ăn trầu đến mối quan hệ anh em, chồng vợ hoặc giải thích cảnh trí thiên nhiên và phong tục ăn trầu bằng câu chuyện về mối quan hệ anh em, chồng vợ. Phong tục ăn trầu có thể có trước thời vua Hùng nhưng dân gian muốn câu chuyện có một chứng nhân lịch sử nên đã đưa nhân vật Hùng Vương vào. Vì thế mà có ý kiến xếp truyện này vào truyền thuyết. Nguyễn Xuân Lạc cũng cho rằng: “Phải chăng tục ăn trầu đã gợi nên mối tình này? Có phải rằng tục ăn trầu xa xưa ấy (cùng với tục làm bánh chưng bánh dày, tục dựng cây nêu ngày tết… của tổ tiên) mà nhân dân ta đã sáng tạo nên câu chuyện tình cảm động này chăng?… Họ đã lồng đề tài xã hội vào đề tài thiên nhiên, vào câu chuyện phong tục, và đã kết thúc bằng việc đồng nhất các quan hệ tình cảm của ba con người kia với sự hài hòa của thiên nhiên (trầu – cau – vôi)”(6). Đấy cũng là cảm hứng nghệ thuật chung cho các truyện cổ tích lý giải các sự tích.

     Như vậy, câu chuyện này trong quá trình lưu truyền đã có sự chuyển dịch chủ đề, biểu tượng. Ban đầu, truyện có thể kể về mối quan hệ giữa người vợ với hai người chồng là anh em hay là tình cảm anh em trong quan hệ với một người vợ trong xã hội thị tộc mẫu quyền. Sau này, các nhà nho đã soạn lại theo mẫu hình quan hệ phụ quyền. Sự gia công của các nhà nho đã thể hiện rõ trong việc Hán hóa tên các nhân vật cho hợp với hình ảnh trầu, cau, vôi rồi muốn mọi người tin là có thật nên truyền thuyết hóa hay cổ tích lịch sử hóa bằng việc dựng lên nhân vật Hùng Vương để lý giải nguyên do tục ăn trầu. Nhưng tâm thức mẫu quyền vẫn còn len lỏi trong việc xử lý các tình tiết, dù tâm thức phụ quyền vẫn nổi trội. Thông qua việc lý giải tục ăn trầu của người Việt, tác giả dân gian muốn ca ngợi tình cảm thắm thiết thủy chung gắn bó keo sơn giữa vợ chồng, anh em trong một gia đình và đó cũng là lối sống tình nghĩa của người Việt. Dù có trải qua sự đổi thay mô hình xã hội thì mối quan hệ cốt lõi vợ – chồng, anh – em vẫn mặn nồng, trong sáng, thủy chung. Hình ảnh trầu – cau – vôi mãi mãi vẫn là biểu tượng đẹp của tình anh em, vợ chồng. Đây là truyện vừa có yếu tố thần thoại thể hiện trong quan niệm vạn vật có linh hồn, có sự hóa thân, hóa kiếp của triết lý Phật giáo và Đạo giáo, có yếu tố truyền thuyết trong mối quan hệ xã hội nhưng cơ bản vẫn là truyện cổ tích lý giải phong tục tập quán gắn với quan hệ anh em, gia đình. Sự hóa thân của ba nhân vật ở bên cạnh nhau là sự hóa thạch một mô hình gia đình thị tộc lý tưởng, dấu ấn của trầm tích văn hóa cổ xưa.
_______________
1. Nguyễn Văn Dân, Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004, tr.152.

2. Đinh Gia Khánh, Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989, tr.245.

3, 5, 6. Vũ Anh Tuấn, Nguyễn Xuân Lạc, Giảng văn văn học dân gian, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995, tr. 111, 115, 117.

4. Hoàng Tiến Tựu, Bình giảng truyện dân gian, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996, tr.72.

Nguồn: Tạp chí VHNT số 308, tháng 2-2010

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Cảm nhận Trầu Cau từ tâm thức huyền thoại (Tác giả: Lê Đức Luận)