“Cận đại hóa” ở phương Đông thời thực dân cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX

NGUYỄN ĐỨC TOÀN, NGUYỄN TRẦN HÒA
(Khoa Lịch sử, Trường Đại học Quy Nhơn)

TÓM TẮT

     Thuật ngữ “Cận đại hóa” và những nội dung cơ bản của nó cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Dù còn nhiều quan điểm khác nhau từ cách tiếp cận, song “Cận đại hóa” là một xu thế tất yếu trong lịch sử phát triển của loài người mà tất cả các quốc gia đều phải trải qua. Trong xu thế ấy, diễn trình “Cận đại hóa” phương Tây và phương Đông lại có những đặc trưng riêng, nhất là phương Đông thời thực dân cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nội dung bài viết bước đầu làm rõ những vấn đề trên.

Từ khóa: Thực dân, phương Đông, cận đại hóa.

ABSTRACT

     “Modernization” of the East in the Late 19th Century and Early 20th Century Colonization The term “Modernization” and its basic contents so far still bears many issues that have not been clarified. Despite many different views from the approach, “Modernization” is an inevitable trend in the development history of mankind that all countries must undergo. In that way, the process of “Modernization” of the West and the East has its own characteristics, especially the East in the late 19th century and early 20th century colonization. The contents of the article initially clarify these issues.

Key words: Colonial, East, Modernization.

x
x x

1. Về thuật ngữ “Cận đại hóa”, “Cận đại hóa phương Đông”

     “Cận đại hóa” – trong tiếng Anh vốn xuất phát từ “Modernization in the course of the Modern History1 được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng để chỉ phong trào hiện đại hóa diễn ra thời cận đại. Nội dung chủ yếu của nó là hướng tới việc hiện đại hóa về kinh tế và dân chủ hóa về chính trị. Như vậy, “Cận đại hóa” chính là hiện đại hóa ở giai đoạn đầu, lấy tiêu chí chủ yếu là công nghiệp hóa kinh tế và dân chủ hóa chính trị [12, tr. 52]. Trong khi đó, học giả người Mỹ C.E. Black lại sử dụng thuật ngữ Modernization để chỉ: “một diễn trình trong đó những định chế cổ truyền phải được thích ứng hóa với những nhiệm vụ đang thay đổi mau chóng… Diễn trình sự thích ứng này xuất phát tại xã hội Tây Âu và chịu ảnh hưởng của những xã hội đó. Nhưng kể từ thế kỷ XIX và XX, sự cải biến đó đã lan rộng đến cả những xã hội khác và đem lại một sự cải biến toàn diện trong tương quan nhân loại” [1, tr. 12].

     Từ những quan niệm trên cho thấy, “Cận đại hóa” là một khái niệm mang tính tổng hợp, bao gồm sự biến đổi toàn diện trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống con người như kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, trong đó lấy kinh tế làm hạt nhân.“Cận đại hóa” có những đặc điểm sau:

     Xét về nội dung, “Cận đại hóa” lấy khoa học kỹ thuật làm động lực, lấy công nghiệp hóa làm trung tâm, lấy sản xuất máy móc thay thế lao động thủ công, từ đó dẫn tới cuộc biến cách toàn diện xã hội.

     Xét về mô hình, đa số các nhà nghiên cứu cho rằng, trên thế giới tồn tại hai mô hình “Cận đại hóa”. Một làCận đại hóa mang tính nguyên phát ở các nước phương Tây. Đó là quá trình công nghiệp hóa và sự biến đổi đi cùng công nghiệp hóa trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa. Nói cách khác, đó là sự chuyển xã hội từ hình thái phong kiến sang tư bản, từ trạng thái lạc hậu sang trạng thái văn minh diễn ra một cách tự nhiên, trên cơ sở những điều kiện chuyển biến xã hội hòa bình (nội sinh). Hai là “Cận đại hóa” mang tính thứ phát ở các nước phương Đông. Quá trình này được tiến hành song trùng với sự xâm lược của thực dân phương Tây, không chỉ gặp phải sự phản kháng ngoan cố của thế lực phong kiến bảo thủ từ bên trong mà còn liên tục bị các cường quốc bên ngoài chèn ép (ngoại sinh). Để hoàn thành được nhiệm vụ “Cận đại hóa” này, các nước phương Đông cần phải giải quyết hai vấn đề: quốc gia độc lập và xã hội phồn vinh, phát triển2.

     Xét về quá trình, “Cận đại hóa” là giai đoạn tất yếu phải trải qua của quá trình chuyển biến từ xã hội nông nghiệp truyền thống sang xã hội công nghiệp hiện đại. Đây là xu thế tất yếu của quá trình phát triển lịch sử nhân loại, nằm ngoài ý chí chủ quan của con người, các dân tộc chỉ có thể nhận thức được, đối diện với nó chứ không thể né tránh. Quan trọng hơn, “Cận đại hóa” cũng là một quá trình lịch sử lâu dài, diễn ra muôn màu muôn vẻ, tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện ở mỗi quốc gia mà thời gian dài hay ngắn, nhanh hay chậm [3, tr. 34 – 35].

     Theo nghiên cứu của học giả La Vinh Cừ, có ba làn sóng trong tiến trình hiện đại hóa thế giới: “Làn sóng hiện đại hóa thế giới lần thứ nhất từ cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, bắt đầu từ cách mạng công nghiệp Anh, sau đó tiến trình công nghiệp hóa lan rộng ra Tây Âu. Làn sóng thứ hai từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, công nghiệp hóa lan rộng ra châu Âu, sang cả Bắc Mỹ, đồng thời sản xuất được tăng cường ở “thế giới phi phương Tây” kéo theo sự khởi đầu hiện đại hóa của “thế giới phi phương Tây”. Lần thứ ba bắt đầu từ cuối thế kỷ XX. Nó là thời kỳ phát triển thịnh đạt của công nghiệp thế giới, đã lôi cuốn tất cả các quốc gia trên thế giới tham gia vào quá trình công nghiệp hóa” [2, tr. 4].

     Trên cơ sở nhận định này, sự ám chỉ “thế giới phi phương Tây” rõ ràng là có chủ ý, muốn nói đến những khu vực khác trên thế giới chịu ảnh hưởng của mô hình văn minh phương Tây. Đây là một quá trình tất yếu mà tất cả các quốc gia phải trải qua, dù sớm hay muộn, dù tự phát hay bị cưỡng ép. Căn cứ vào bối cảnh lịch sử nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, có thể thấy rằng, các nước phương Đông bước vào quá trình “Cận đại hóa” trong làn sóng thứ hai dưới sự áp đặt bởi vũ khí xâm lược hiện đại của chủ nghĩa tư bản.

     Như vậy, cho dù cách tiếp cận và luận bàn về tiến trình “Cận đại hóa” qua nhãn quan của nhiều nhà nghiên cứu như thế nào chăng nữa, nhìn một cách tổng thể, lịch sử phương Đông nói riêng và thế giới nói chung khi bước sang thời đại mới, thời đại “…nông thôn phải phụ thuộc vào thành thị, những nước dã man hay nửa dã man phải phụ thuộc vào nước văn minh, những dân tộc nông dân phải phụ thuộc vào những dân tộc tư sản, bắt phương Đông phải phụ thuộc vào phương Tây” [11, tr. 48] đều phải chịu tác động bởi những nhân tố mới. Nó là xu thế tất yếu trong lịch sử phát triển của loài người mà tất cả các quốc gia, trong đó có phương Đông đều phải trải qua. Nói cách khác, đó chính là quá trình tư bản hóa xã hội, giải quyết hợp lý mâu thuẫn lớn giữa truyền thống và tính hiện đại. Trong tiến trình này, tùy thuộc hoàn cảnh thực tế, khả năng thích ứng mà mỗi quốc gia có mô hình “Cận đại hóa” khác nhau, kết quả thành công hay thất bại cũng khác nhau.

2. Phương Đông trong diễn trình “Cận đại hóa” thời thực dân

     Sau thành công của cách mạng công nghiệp, các nước phương Tây đã lớn mạnh và tìm đến phương Đông trong tư thế kẻ mạnh, của “… trọng pháo bắn thủng tất cả những bức Vạn lý trường thành và buộc những người dã man, bài ngoại một cách ngoan cường nhất cũng phải hàng phục” [11, tr. 50]. Sự xâm lược này một mặt đem đến tai họa khôn lường. Cái gọi là “khai hóa văn minh” mà thế giới phương Tây tiến hành chỉ là một phần trong vô vàn những phá hoại gieo rắc lên hệ thống thuộc địa. Mặt khác, việc phá vỡ “trạng thái dã man, bế quan tỏa cảng” của phương Tây, lôi cuốn phương Đông lạc hậu vào thế giới văn minh vô hình chung đã “cấy mầm tư bản” vào xã hội ấy. Quá trình bành trướng của chủ nghĩa thực dân phương Tây thời cận đại kết hợp với những biến động lớn lao trong nội bộ đã làm cho các quốc gia phương Đông đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ và cả những cơ hội “bắt nhịp” theo sự phát triển của thế giới. Chính những tác động này khiến các nước phương Đông thức tỉnh sau giấc mộng dài. Sóng triều thời đại trào dâng cuốn các quốc gia phương Đông đứng trước yêu cầu thời đại buộc phải trả lời câu hỏi: hoặc chấp nhận mở cửa để “bắt nhịp” trở thành một phần của thế giới văn minh, hay giam mình dưới ánh hào quang của quá khứ, “ngủ mê” trong nền văn minh rực rỡ đã qua, chịu sức công phá của những “trọng pháo” xâm lược của phương Tây để dần biến thành những vùng đất bị xâm lược, nô dịch?

     Từ việc không đánh giá đúng về bản chất sức mạnh và dã tâm của chủ nghĩa thực dân phương Tây, thậm chí giới cai trị phương Đông còn tỏ ra khinh rẻ văn minh phương Tây, cho đến khi “những tường thành kiên cố nhất và các đạo quân tinh nhuệ nhất của họ bị san phẳng và đánh tan tác bởi đại bác, chiến thuyền và những đội quân xâm lược trang bị bằng vũ khí hiện đại hơn, được tổ chức huấn luyện tốt hơn, thì lúc đó họ mới suy nghĩ lại và hoảng hốt tìm cách ứng phó” [9, tr. 41]. Trước thách thức từ chủ nghĩa thực dân phương Tây, những đòi hỏi nội sinh trong nước, cùng với yêu cầu quốc gia độc lập và xã hội phồn vinh, diễn trình “Cận đại hóa” ở các quốc gia phương Đông theo quan điểm của GS. Vũ Dương Ninh có thể nhận thấy rõ ràng qua ba phương thức ứng phó tiêu biểu: thứ nhất, chấp nhận dễ dàng ách chiếm đóng của thực dân phương Tây; thứ hai, kiên quyết chống lại cuộc xâm thực của chủ nghĩa tư bản phương Tây bằng biện pháp kháng chiến; thứ ba, tiến hành cải cách, duy tân, hiện đại hóa đất nước theo mô hình phát triển của phương Tây [9, tr. 42 – 43].

     Ngoại trừ phương thức ứng phó thứ nhất, nhiều quốc gia phương Đông lựa chọn ở cách thứ hai. Sở dĩ như vậy là do trước sự tồn vong của dân tộc, để bảo vệ chủ quyền, đông đảo quần chúng nhân dân quyết tâm, đoàn kết cùng với những nhà cai trị chiến đấu đến cùng. Chính cuộc kháng chiến đó đã khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức cộng đồng dân tộc và sức mạnh dân tộc, điều này gây ra cho thực dân phương Tây nhiều khó khăn và tổn thất nghiêm trọng, buộc chúng không thể áp dụng chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh”. Minh chứng thuyết phục nhất là công cuộc chinh phục Miến Điện của thực dân Anh phải trải qua ba đợt, kéo dài đến 60 năm (1824 – 1885), cuộc viễn chinh thực dân Pháp tại Việt Nam cũng phải trải qua bốn đợt, kéo dài gần 30 năm (1858 – 1884). Hay như cuộc kháng chiến của nhà Thanh chống lại cuộc tấn công của chủ nghĩa thực dân phương Tây trong hai cuộc “Chiến tranh thuốc phiện” (1840 – 1842 và 1856 – 1860)…

     Tuy nhiên, sự chênh lệch về trang bị vũ khí, về tổ chức và huấn luyện quân đội với đội quân nhà nghề của phương Tây là một trong những nguyên nhân dẫn tới thất bại trong các cuộc kháng chiến của quốc gia phương Đông. Vì thế, phương thức ứng phó truyền thống đã không thể bảo vệ nổi chủ quyền dân tộc, nhất là trong bối cảnh cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX lại càng không phải sự lựa chọn thuận chiều lịch sử. Do vậy, cải cách, duy tân, hiện đại hóa theo mô hình phương Tây là phương thức “phi truyền thống” đặc biệt được lựa chọn3 . Nhiều cuộc vận động cải cách, duy tân toàn diện, sâu rộng diễn ra mạnh mẽ, xuất hiện nhiều trí thức nặng lòng dân tộc, mẫn cảm với thời cuộc, vượt lên ý thức hệ phong kiến, không những để ứng phó với nguy cơ xâm thực của thực dân phương Tây mà còn giúp các quốc gia phương Đông tự giải thoát mình khỏi sự trì trệ và bế tắc lịch sử. Dù thành công hay thất bại, những cuộc cải cách này đều phản ánh xu thế và nhu cầu thời đại, khát vọng tự cường dân tộc, thoát khỏi nguy cơ ngoại bang, hội nhập tiến kịp trào lưu thế giới. Dường như “…cải cách mở cửa chính là phản ánh khát vọng chuyển mình hội lưu thời đại của các quốc gia châu Á” [5, tr. 75].

     Diễn trình “Cận đại hóa” ở phương Đông theo phương thức ứng phó thứ ba mà GS. Vũ Dương Ninh nhận diện, trước hết phải nói đến Trung Quốc và Việt Nam. Ở đó, quá trình phương Tây hóa diễn ra đồng thời và trong những điều kiện của “thực dân hóa”, mang tính cưỡng bức. Vào thế kỷ XIX, thế giới khép kín Trung Hoa giật mình thức tỉnh trước trọng pháo của phương Tây. Trong cuộc “Chiến tranh thuốc phiện” năm 1840, thất bại thảm hại của “Thiên triều thượng quốc” là dấu hiện cảnh tỉnh Trung Quốc phải chuyển mình mở cửa hội nhập. Trải qua gần 80 năm (tính từ cuộc Chiến tranh thuốc phiện 1840 đến phong trào Tân văn hóa 1919), người Trung Quốc không ngừng nỗ lực tìm kiếm con đường “Cận đại hóa” để thoát khỏi ách nô lệ, phú quốc cường binh. Đây là một hành trình đầy gian khó, khởi đầu từ việc “mở mắt hướng ra thế giới” để tìm hiểu, học tập khoa học kỹ thuật mới phương Tây (qua phong trào Dương Vụ 1860 – 1895) đến tiến hành thử nghiệm cận đại hóa toàn diện (qua Duy tân Mậu Tuất 1898), rồi lật đổ hoàn toàn nền thống trị chuyên chế phong kiến tồn tại dai dẳng hàng ngàn năm, đưa Trung Quốc thực hiện cận đại hóa bằng con đường cách mạng tư sản (cách mạng Tân Hợi 1911) để giành lại khoảng trời riêng dân chủ và tự do cho người Trung Quốc (qua phong trào Tân văn hóa 1915 – 1919). Cho dù thất bại, song quá trình này thể hiện được rõ nét tinh thần yêu nước, khát vọng hội nhập để phú quốc, có ảnh hưởng lớn đến đường lối phát triển Trung Quốc về sau.

     Cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam mở đầu thời kỳ cận đại bằng tiếng súng khai màn của thực dân phương Tây. Trước tình trạng bế tắc trong xã hội, sự xâm lược của thực dân phương Tây đe dọa độc lập và chủ quyền dân tộc, xuất hiện nhiều nhà tư tưởng canh tân đất nước như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ, Bùi Viện… đã đệ trình lên vua Tự Đức và triều đình Huế nhiều phương án làm cho dân giàu, nước mạnh. Tuy nhiên, những đề nghị cải cách, duy tân đất nước của “những người trồng cái mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam” – như nhận xét của Phan Bội Châu – chỉ giống như một tiếng kêu tuyệt vọng trong bãi sa mạc mênh mông. Bởi lẽ, những thông tin và kiến thức của các ông về thế giới bên ngoài chỉ đọng lại trong vài ba người, còn hầu hết quan dân lúc ấy chẳng mấy ai quan tâm. Sang đầu thế kỷ XX, một phong trào duy tân lại phát triển rầm rộ, sôi nổi với những nhà nho cấp tiến, chịu ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng cải cách và cách mạng phương Tây khởi xướng như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Quyền, Lương Văn Can… Song lúc này, dân tộc Việt Nam đã rơi vào cảnh “cá chậu chim lồng”, bộ máy đàn áp của thực dân Pháp không ngần ngại đè bẹp mọi nỗ lực cải cách và cứu nước khi vừa mới manh nha [8, tr. 47].

     Lịch sử phương Đông cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX không chỉ chứng kiến sự thất bại như một lẽ tự nhiên của Trung Quốc và Việt Nam trong khát vọng canh tân, cải cách mà còn khâm phục quá trình chuyển mình lịch sử để thoát khỏi sự xâm thực phương Tây, chủ động “Giải Tây hóa” (“De-Westernization”) một cách thông minh nhất, tiến lên con đường hiện đại hóa thành công (Nhật Bản) [10, tr. 5], hay có thái độ và cách ứng xử phù hợp như trường hợp Siam. Theo đó, lực lượng tiến hành cho công cuộc này chính là giai cấp phong kiến thức thời, có tư tưởng cấp tiến, nhận thức được nguy cơ của chủ nghĩa thực dân phương Tây với điều kiện nội sinh, trực tiếp đứng ra lãnh đạo.

     Đối đầu với sự xâm lược, thực dân hóa của chủ nghĩa tư bản phương Tây và làn sóng “Tây hóa” (“Westernization”), chính yếu tố nội sinh được tích lũy, cấy mầm từ trong lịch sử giúp Nhật Bản thoát khỏi ràng buộc của mô hình phát triển Á Đông truyền thống. Vì thế, quyết tâm học phương Tây, đuổi kịp phương Tây và vượt phương Tây thôi thúc người Nhật nhanh chóng “Thoát Á”. Cho nên, từ “triều đình, Mạc phủ, quan lại, cho đến sĩ phu, hào kiệt, nhân dân, hết thảy đều tỉnh giấc thủ cựu. Dân tộc đã sẵn có tư cách lực lượng rồi, lại được vua quan sĩ thứ đồng tâm, ngày nay hô lên, ngày mai làm liền, công cuộc Duy tân phăng phăng đi tới như sóng tràn gió thổi: con đường văn minh Âu – Mỹ đi chậm rãi ba bốn thế kỷ, người Nhật rút lại có ba bốn chục năm… Chính họ đã làm nên một tấm gương “sống chết tự mình” cho những dân tộc trong thiên hạ cùng soi và nên soi” [7, tr. 24]. Kết quả là, tới đầu thế kỷ XX, Nhật Bản đã trở thành một nước tư bản hiện đại, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các liệt cường phương Tây.

     Trường hợp Siam, đứng trước áp lực bành trướng ngày càng gia tăng của các thế lực thực dân phương Tây, với tư cách người đứng đầu đất nước, dưới thời nhà vua Mongkut (1851 – 1868) buộc phải đưa ra những lựa chọn và quyết sách cho dân tộc mình, dẫu rằng có thể ảnh hưởng và tác động sâu đậm đến sự tồn vong, đường hướng phát triển trong tương lai. Mặt khác, từ bài học của các quốc gia láng giềng, mà đặc biệt là sự thất bại của Trung Quốc trong “Chiến tranh thuốc phiện” lần thứ nhất, nhà vua Mongkut nhận thức rõ về sức mạnh và kỹ thuật vượt trội phương Tây cũng như về nguy cơ xâm lược, do vậy: “Nếu chỉ thuần túy có vũ khí thì cũng không thật sự hữu ích cho chúng ta, mà sự khôn ngoan và hữu ích nhất để bảo vệ chúng ta trong tương lai chính là “cái miệng” và trái tim của chúng ta” [6, tr. 24 – 25]. Ông còn nhấn mạnh: “… Nếu Trung Quốc thất bại trong chính sách đóng cửa của mình trước áp lực của châu Âu thì Siam phải thỏa hiệp với các lực lượng bên ngoài đang đe dọa mình và bắt đầu thích nghi với thế giới mới, trong đó chủ nghĩa truyền thống Á châu đã tỏ ra lỗi thời và không hiệu quả” [4, tr. 962].

     Ý thức về chủ quyền, lợi ích quốc gia, sự tồn vong của đất nước và phương thức bảo tồn nền độc lập, vị thế hiểm nguy dân tộc, vua Mongkut cùng với triều thần cấp tiến lựa chọn, xây dựng đối sách phù hợp cho quốc gia mình. Không đóng cửa và bảo thủ như nhiều vương triều phương Đông, Bangkok sớm mở ra thế giới bên ngoài, tây phương hóa nền hành chính, pháp luật, quân đội, phát triển kinh tế dưới thời Chulalongkorn (1868 – 1910) đã mở đường và tạo cơ hội cho vương quốc Siam đi vào quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Với vị trí “vùng đệm”, bằng con đường ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt “gió chiều nào, xoay chiều ấy” gắn liền với quá trình Âu hóa cùng công cuộc cận đại hóa đất nước, các vùng lãnh thổ đã nhượng lần lượt được thu hồi, vương triều được giữ vững, bảo vệ thành công nền độc lập của Siam4.

3. Kết luận

     Tóm lại, từ diễn trình “Cận đại hóa” của một số quốc gia phương Đông cho chúng ta thấy tính chất đa dạng của con đường “cận – hiện đại hóa”. Những quốc gia có xuất phát điểm dường như tương đồng nhưng lại đi những con đường khác biệt, kết quả mang lại cũng hoàn toàn khác biệt, thậm chí là đối ngược nhau. Trong đó, có những quốc gia thành công (như trường hợp của Nhật Bản, Siam), có thất bại (như Việt Nam) và có cả thành công đan xen thất bại (như Trung Quốc). Khi phải đương đầu với sức mạnh văn minh phương Tây cùng nhiều thách thức đối với sự tồn tại của mình, các quốc gia phương Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Siam đã cố gắng giải quyết tình trạng dân tộc theo những cách thức riêng. Mặc dù có những khác biệt quan trọng về cách thức cũng như tốc độ giải quyết vấn đề, nhưng bắt đầu xuất hiện mô hình riêng trong cách ứng phó của từng quốc gia. Sự khôn ngoan của triều đình Bangkok cũng như Tokyo thời đó là đã tiến hành cải cách, bắt kịp đà tiến của thời đại, hội nhập có ý thức và có toan tính vào cuộc hành trình của chủ nghĩa tư bản cho thấy một khả năng, một giải pháp tích cực để thoát khỏi cảnh nô dịch thuộc địa, mà nhiều nước khác, kể cả triều đình Việt Nam đã bỏ lỡ thời cơ [8, tr. 426].

__________
1 Thuật ngữ Modernization tác giả sử dụng trong bài viết này được hiểu là “Cận đại hóa” hoặc “Hiện đại hóa” ở giai đoạn đầu. Thật ra, “Cận đại hóa” hay “Hiện đại hóa” đều là đối lập với “truyền thống”. Hơn nữa, “Cận đại hóa” là một thuật ngữ xuất hiện trong các công trình nghiên cứu của giới nghiên cứu mác-xít Việt Nam về lịch sử thế giới cận đại, nhất là về lịch sử cận đại phương Đông. Cận đại hóa là một biến thế về mặt thuật ngữ lẫn về mặt khái niệm. Đây là một thuật ngữ/khái niệm lịch sử-chính trị riêng có trong từ điển của giới nghiên cứu mác-xít Việt Nam.

2 Theo TS. Bùi Văn Ban (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Quy Nhơn), nếu căn cứ vào lực lượng tổ chức thực hiện hoặc tiến hành, có thể chia thành ba kiểu thức “Cận đại hóa” sau: kiểu thức thứ nhất gọi là cận đại hóa tự nhiên hay cận đại hóa nguyên phát do chính giai cấp tư sản chính quốc thực hiện trong khoảng ba thế kỷ (từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII), tiêu biểu là ở Tây Âu; kiểu thức thứ hai gọi là cận đại hóa thức thời hay cận đại hóa thứ phát do chính giai cấp phong kiến quý tộc thức thời thực hiện từ nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thể kỷ XX, tiêu biểu ở Trung Âu (Đức), Nam Âu (Ý), Đông Âu (Nga) và Đông Á (Nhật); kiểu thức thứ ba gọi là cận đại hóa cưỡng bức hay cận đại hóa thụ động, cận đại hóa phi truyền thống do tư bản thực dân thực hiện thông qua quá trình khai thác thuộc địa của chúng (cận đại hóa ngoại lai) diễn ra ở tất cả các nước phương Đông, trừ Nhật Bản và Siam.

3Cũng cần nhận thức biện chứng rằng, khuynh hướng “phi truyền thống”: duy tân và cải cách không phải là dòng chủ lưu của một số quốc gia phương Đông (Trung Quốc, Việt Nam…).

4Mở đầu bằng việc ký với Anh “Hiệp ước Thương mại và Hữu nghị Anh – Siam 1855” hay còn gọi là Hiệp ước Bowring. Tiếp đó, Siam ký với Mỹ hiệp định tương tự (1856), với Đan Mạch (1858), Bồ Đào Nha (1859), Hà Lan (1860), Phổ (1862). Việc ký các hiệp định bất bình đẳng này một mặt cho thấy không một cường quốc nào có sức mạnh vượt trội đủ khả năng thống trị Siam. Mặt khác, thông qua các hiệp định này, Siam có điều kiện tham gia vào việc phân chia phạm vi ảnh hưởng của các cường quốc trong khu vực [11, tr. 210].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. C. E. Black, The Dinamic of Modernization: A Study In Comparative History, Harper & Row, New York, (1966).

2. La Vinh Cừ, Hiện đại hóa tân luận – Tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc và thế giới, Đại học Bắc Kinh (Bản tiếng Trung), (1993).

3. Nguyễn Thị Hà, Cận đại hóa văn hóa Trung Quốc (Giai đoạn từ Chiến tranh nha phiến năm 1840 đến Ngũ Tứ vận động năm 1919), Luận văn thạc sĩ châu Á học, Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, (2013).

4. D.G.E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, (1997).

5. Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Lương Ninh, Đông Á – Đông Nam Á: những vấn đề lịch sử và hiện tại, Nxb Thế giới, Hà Nội, (2004).

6. Abbot Low Moffat, Mongkut, the King of Siam, Cornell University Press, Ithaca, New York, USA, pp. 24-25, (1961).

7. Đào Trinh Nhất, Nhật Bản Duy tân 30 năm, Nxb Thế giới, Hà Nội, (2015).

8. Vũ Dương Ninh, Vũ Dương Ninh – Việt Nam – Thế giới và hội nhập (một số công trình tuyển chọn), Nxb Giáo dục, Hà Nội, (2007).

9. Vũ Dương Ninh (chủ biên), Phong trào cải cách ở một số nước Đông Á giữa thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, (2007).

10. Võ Văn Sen, Một vài kinh nghiệm của Nhật Bản và con đường hiện đại hóa của Việt Nam, Tạp chí Phát triển khoa học và công nghệ, Tập 12, số 15, tr. 5 – 17, (2009).

11. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, (1976).

12. Nguyễn Văn Vượng, Trung Quốc trên con đường cải cách, mở cửa và hội nhập: nhìn từ dòng chảy lịch sử, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 5 (111), tr.44 – 52, (2010).

Nguồn: Tạp chí Khoa học – Trường ĐH Quy Nhơn, ISSN: 1859-0357,
Tập 11, Số 2, 2017, Tr.81-87

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): “Cận đại hóa” ở phương Đông thời thực dân cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX
(Tác giả: Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Trần Hòa)