Cầu ngư – Lễ hội truyền thống đặc sắc của ngư dân miền biển Quảng Bình

Tác giả bài viết: DUY ANH

     Cầu ngư là một trong những lễ hội lớn nhất của ngư dân Việt Nam. Lễ hội Cầu ngư tại các làng chài ven biển trên cả nước có nhiều tên gọi khác nhau, như: Lễ rước cốt Ông, Lễ Cầu ngư, Lễ Tế cá Ông, Lễ cúng Ông, Lễ Nghinh Ông, Lễ Nghinh Ông Thủy tướng… Tên gọi tuy khác nhau ở các vùng, miền của đất nước nhưng tất cả đều có chung một quan niệm: Cá Ông là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển. Ở mỗi địa phương, lễ hội Cầu ngư diễn ra vào một thời điểm khác nhau nhưng đều có hai phần chính: Phần lễ và phần hội.

     Lễ hội Cầu ngư là nét đẹp văn hoá của ngư dân các làng chài ven biển; lễ hội tái hiện lại một cách sinh động phong tục thờ cúng Cá Ông theo những truyền thuyết mang đậm nét văn hóa dân gian.

     Cá Ông – Cá voi là loài cá thường sống ở biển. So với các loài động vật ở biển, cá voi là loại cá lớn, có con nặng từ 130 đến 160 tấn, dài 30 đến 35m. Do quá lớn nên mỗi lần gặp bão cá voi rất khó tìm được nơi trú ẩn. Vì thế cá voi cũng là con vật bị đe dọa nhiều nhất. Cá voi rất sợ bão. Nếu không tránh bão kịp, bị sóng lớn đập vào lưng dập phổi, cá voi sẽ chết. Trên đường đi tránh bão, khi gặp bất cứ vật gì tương đối lớn trôi lênh đênh trên biển như thuyền bè, người… cá voi đều ghé lưng đỡ để che cho sóng không đập vào lưng nó. Có lúc hai con cá voi nép lại hai bên mạn thuyền để tránh bão, nhờ vậy thuyền và ngư dân trên thuyền vượt qua được sóng to, gió lớn. Trong tâm thức của ngư dân điều may mắn đó là nhờ có thần linh hỗ trợ. Có lẽ đó cũng là một cách lý giải mối quan hệ giữa ngư dân với cá voi để từ đó cá voi được thần linh hóa trong tâm thức và tình cảm sâu đậm của ngư dân vùng ven biển.

     Tục thờ cá voi vốn là tín ngưỡng của người Chăm, sau đó người Việt đã tiếp thu được trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa. Theo truyền thuyết, trong một lần tuần du ở Nam Hải, đức Phật Quan Âm thương xót cho thân phận bé mọn của ngư dân phải chống chọi biển sâu, bão lớn và chết chìm ngoài biển khơi nên ngài xé chiếc áo cà sa ra muôn mảnh thả trên mặt biển rồi hóa phép thành Cá Ông, lại ban cho phép “thâu đường” (rút ngắn khoảng cách) để thay mặt đức Phật cứu người lâm nạn. “Ông” là tiếng gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi, loài cá thường giúp họ vượt qua tai nạn khi lênh đênh trên biển cả. Trong dân gian, người Việt cũng như người Chăm và người Hoa đều cho rằng cá voi không phải là loài cá bình thường mà là một loài cá thần. Biểu hiện ở đây không phải là sức vóc to lớn và sức chịu đựng khác thường, mà là loài cá có suy nghĩ, có tình cảm và đặc biệt là sự cảm nhận và tâm linh như con người. Không ai có thể khẳng định chắc chắn được điều đó. Chỉ biết ngư dân từ thế hệ này qua thế hệ kia đều cho rằng: Cá voi không bao giờ hại người mà luôn luôn cứu người làm nghề biển bị tai nạn đắm thuyền. Do đó, việc tôn thờ và thờ phụng cá voi được tiến hành rất tôn nghiêm.

     Trong sự chuyển hóa cá voi từ một loài vật nơi biển cả thành một vị thần của ngư dân sống bằng nghề biển, có vai trò của vương triều nhà Nguyễn. Nhiều đời vua nhà Nguyễn đã ban sắc phong tặng cá voi là “Nam Hải cự tộc Ngọc lân Tôn thần”. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, các triều đại vua khác nhau đã ban sắc phong cho thần Nam Hải, chính thức công nhận tục thờ cúng Cá Ông tại các làng quê dọc ven biển miền Trung nói chung, tại Quảng Bình nói riêng. Thờ Cá Ông ở đây không chỉ được xem là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng. Hiện nay, tại Quảng Bình, ở xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) và xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) đang lưu giữ ngọc cốt cá Ông; tại Ngư Thủy đang mai táng 01 cá voi hiện chưa lấy cốt.

     Hàng năm, thường là sau khi ăn Tết xong, ngư dân các địa phương ven biển tỉnh ta thường tổ chức lễ tế Cá Ông, lồng ghép dưới hình thức Lễ hội Cầu ngư và lễ ra quân đánh bắt vụ cá Nam. Lễ hội Cầu ngư với nhiều hình thức, nghi thức tâm linh và nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian; hàm chứa nhiều giá trị quý báu có ý nghĩa quan trọng, có giá trị to lớn trong việc giáo dục tình yêu quê hương đất nước, sự cố kết cộng đồng, biểu dương sức mạnh của cư dân vùng biển, đồng thời nuôi dưỡng niềm tin, ý chí vượt qua bao thử thách, gian lao để làm chủ vùng biển quê hương, Tổ quốc và vươn lên làm giàu từ biển trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

     Lễ hội Cầu ngư hàng năm là dịp để ngư dân các làng biển và cộng đồng ngư dân ven biển có điều kiện gặp gỡ, giao lưu với nhau sau một năm bận rộn với việc đi biển cùng bao khó khăn, gian khổ vào lộng, ra khơi. Các sinh hoạt văn hóa trong lễ hội đem lại niềm vui, sự hưng phấn cho ngư dân, tạo tâm thế vững tin vào vụ mùa đánh bắt mới. Lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển tỉnh Quảng Bình được duy trì và đi vào đời sống đương đại, là một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, đậm đà bản sắc văn hóa biển.

     Lễ hội Cầu ngư là một hiện tượng văn hóa dân gian tiêu biểu của ngư dân miền biển tỉnh Quảng Bình. Qua thời gian, lễ hội càng được củng cố trong cộng đồng cư dân ven biển và trở thành lễ hội truyền thống của bà con ngư dân. Hằng năm, ngư dân Quảng Bình, theo phong tục của từng địa phương, chọn ngày tốt để tổ chức lễ hội cầu ngư.

     Ngày tổ chức lễ cầu ngư có nơi lấy theo ngày Ông lụy, có nơi lấy theo ngày vua ban sắc phong, có nơi theo phong tục làm ăn mà định ngày. Thời gian tổ chức lễ cầu ngư thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Ở các địa phương trong tỉnh Quảng Bình thời điểm tổ chức lễ cầu ngư có khác nhau. Thông thường được tổ chức hằng năm, gắn với lễ xuất quân đánh bắt hải sản của ngư dân địa phương hoặc 2 năm một lần. Ví như ở xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), xã Quang Phú (thành phố Đồng Hới), xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch), hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội Cầu ngư vào dịp rằm tháng giêng; tại thôn Thanh Danh (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch), thôn Xuân Lộc (phường Quảng Phúc – thị xã Ba Đồn), thôn Tân Xuân (phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn) luân phiên 03 năm tổ chức Lễ hội Cầu ngư một lần tại mỗi địa phương vào dịp rằm tháng giêng. Lễ cầu ngư Quy Đức (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) tổ chức cuối tháng ba, đầu tháng 4 âm lịch hàng năm. Tại xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới), Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy) tổ chức Lễ hội Cầu ngư vào dịp rằm tháng 4 âm lịch. Lễ cầu ngư làng Lý Hòa (xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch), xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) được tổ chức vào dịp rằm tháng sáu âm lịch.

     Lễ hội cầu ngư là một sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng – tâm linh mang tính cộng đồng rất đặc sắc. Thông qua lễ hội, những giá trị nhân văn mang nét đẹp về thuần phong mỹ tục được duy trì, các loại hình diễn xướng dân gian, nghệ thuật sân khấu truyền thống có điều kiện được bảo tồn và phát huy, tinh thần gắn kết cộng đồng được củng cố.

     Lễ hội cầu ngư là sự kiện văn hóa – tín ngưỡng lớn của ngư dân miền biển Quảng Bình nên được ngư dân chuẩn bị kỹ lưỡng. Lễ hội cầu ngư được chia thành hai phần chính. Phần lễ là những nghi thức mang ý nghĩa nhất định về sự sùng tín đối tượng thờ cúng là cá voi và bao giờ cũng là sự biểu hiện đã cách điệu hóa những nội dung làm niềm cộng cảm của ngư dân. Phần hội là sự tập hợp đông người trong đó có các thành viên của cộng đồng, cùng vui chơi, giải trí, cùng hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa. Qua phần hội gắn bó mọi ngư dân của vạn chài trong niềm cộng cảm, lòng tin vào điều thiện, vào cuộc sống ngày mai được ấm no, đủ đầy hơn.

     Theo truyền thống của ngư dân tại nhiều địa phương miền biển ở Quảng Bình, mở đầu lễ hội là lễ rước sắc, sau đó là lễ nghinh thủy hay lễ rước hồn ông Nam Hải.

     Sau phần nghi thức cầu cúng là phần hội. Theo các ngư dân, tính chất hội trong Lễ hội Cầu ngư có thể được xem như những yếu tố làm cân bằng nhiều nỗi lo âu, khắc khoải trong cuộc sống đời thường; thôi thúc hào hứng vui tươi và lôi kéo khách hành hương gần xa. Lễ hội Cầu ngư đã tích hợp nhiều hình thức nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian. Nếu như các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ phần hội phổ biến các hình thức hát bộ, hò bả trạo, múa siêu và các trò diễn tuồng tích dân gian thì ở Quảng Bình là 5 làn điệu mái hò: Hò mái dài, hò mái nện, hò mái ba, hò mái khoan, hò kéo lưới. Trong các loại hò khoan được tập hợp vào chèo cạn, hòa nhập thống nhất với nhau làm nên một khúc ca nhuần nhuyễn khó có nơi nào có được. Nghệ thuật truyền thống và dân gian trong hò khoan – chèo cạn – múa bông được các nghệ nhân dân gian và cộng đồng cư dân các làng biển bảo tồn giữ gìn và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến ngày nay.

     Lễ hội cầu ngư là dịp để ngư dân các làng biển và cộng đồng cư dân trong vùng có điều kiện gặp gỡ, giao lưu với nhau sau một năm bận rộn với việc đi biển cùng bao khó khăn, gian khổ vào lộng, ra khơi. Các sinh hoạt văn hóa trong lễ hội đem lại niềm vui, sự hưng phấn cho ngư dân, tạo tâm thế vững tin vào vụ mùa đánh bắt mới. Lễ hội Cầu ngư được duy trì và đi vào đời sống đương đại, được nhân dân cũng như du khách biết đến như một di sản đậm đà bản sắc văn hóa biển. Lễ hội Cầu ngư cũng là dịp mở đầu cho một vụ mùa, cho một năm đánh cá của ngư dân các làng, các thôn, xã, phường miền biển Quảng Bình.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Quảng Bình – số 3, 2018

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Cầu ngư – Lễ hội truyền thống đặc sắc của ngư dân miền biển Quảng Bình (Tác giả: Duy Anh)