Chợ Hội An thế kỷ XVI – XIX

HOI AN MARKET IN CENTURY XVI – XIX

Tác giả bài viết: NGÔ THỊ HƯỜNG
(Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng)

TÓM TẮT

     Cùng với quá trình tụ cư, sản xuất ngày càng phát triển và dưới sự tác động của nền kinh tế hàng hóa, chợ Hội An đã ra đời. Chợ ở vị trí ven sông và chịu sự quản lí của chính quyền địa phương. Hàng hóa ở chợ phong phú, đa dạng mang tính đại diện cho những đặc trưng của vùng đất từ hàng nông sản, may mặc đến dụng cụ lao động sản xuất hay đồ mỹ nghệ. Chợ Hội An trong quá trình tồn tại đã đóng vai trò trung gian nối liền khai thác với sản xuất, sản xuất với tiêu dùng, tạo nên bước đột phá quan trọng vào nền kinh tế tiểu nông khép kín. Hoạt động của chợ đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, góp phần đưa nền kinh tế hàng hóa không chỉ riêng Hội An mà cả Quảng Nam phát triển.

Từ khóa: chợ truyền thống; chợ Hội An; Hội An; hàng hóa; thương nghiệp.

ABSTRACT

     Hoi An market was established based on many factors: the concentration of population and developing production under the impact of commodity economy. The market is riverside and is managed by local authorities. Goods in market were abundant and diversified, from agricultural products, garments to production toos or crafts. Hoi An Market in its existence process has played an intermediary role linking exploitation with production and production with consumption, creating an important breakthrough in closed agricultural economy. Activities of the market has contributed to boosting agricultural production, industry, contributing to the development of economy of goods not only in Hoi An but also in Quang Nam.

Key words: traditional market; Hoian market; Hoian; goods; commerce.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Qua những thăng trầm của thời gian, lịch sử, chợ Hội An gắn với sự thịnh suy của cảng thị và trở thành một yếu tố cấu thành nên giá trị của vùng đất di sản. Chợ đã có những đóng góp to lớn không chỉ trên lĩnh vực kinh tế – đời sống mà còn trên cả lĩnh vực chính trị – quân sự. Nghiên cứu chợ Hội An xưa (thế kỷ XVI – XIX) là cần thiết để thấy những giá trị đã góp phần khiến cho Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung trở thành nơi có hoạt động thương mại sầm uất nhất Đàng Trong và là chỗ dựa vững chắc về kinh tế – quân sự cho chính quyền của chúa Nguyễn trong nhiều thế kỷ.

2. Kết quả nghiên cứu và khảo sát

     2.1. Sự tác động của chính trị, xã hội và kinh tế đối với quá trình ra đời và phát triển của chợ Hội An

     Vua Lê Thánh Tông đã từng nói “Trong dân gian hễ có dân là có chợ” [13], theo đó chợ ra đời trước hết là đáp ứng nhu cầu trao đổi sản phẩm của người dân. Bên cạnh đó, chợ Hội An còn chịu tác động của yếu tố “thành” (sự ra đời của phần “thành” thường kéo theo sự phát triển của phần “thị”. Phố chợ Hội An ra đời đóng vai trò là trung tâm giao thương, điều tiết nguồn hàng. Một số chợ vùng ven với tư cách là những vệ tinh hút hàng hóa của thị trường địa phương về vùng thành thị, cung cấp cho nhu cầu đội ngũ quan lại, binh lính và cả tầng lớp dân cư sinh sống trong nội thành cũng như ở vùng ven.

     Chính trị – xã hội là những nhân tố đầu tiên nhưng kinh tế mới là nhân tố quan trọng nhất, chi phối sự ra đời và phát triển của chợ Hội An, bởi phải có hàng hóa thì mới có chợ, nguồn hàng càng nhiều thì số lượng chợ càng nhiều, quy mô chợ càng lớn. Hội An có thế mạnh lớn về kinh tế, không chỉ là nơi đô hội hàng hóa quốc tế, nội thân Hội An đã tiềm tàng những thế mạnh được tạo nên từ hệ thống đất đai bao quanh thành phố khá màu mỡ. Cộng thêm vào đó, ở Hội An hình thành một mạng lưới sông tương đối phát triển, đảm bảo nước cho canh tác lúa, trồng các cây lương thực khác. Trên các hải đảo lại nhiều yến sào. Biển với thềm lục địa khá sâu phong phú hải sản, tôm cá.

     Ngoài ra, thủ công nghiệp cũng đóng góp vai trò hết sức quan trọng. Hội An có những làng nghề với những sản phẩm nổi tiếng như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà… Các sản phẩm này theo thương nhân đến chợ để trao đổi buôn bán. Càng về sau, sản phẩm làng nghề không còn nằm trong quy mô của làng và cũng vượt ra khỏi cảng thị Hội An đến với nhiều nơi trên cả nước và thế giới. Lê Quý Đôn đã từng viết về sự phong phú hàng hóa ở cảng thị Hội An: “Phàm sản vật sản xuất ở phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang, dinh Nha Trang, đường thủy, đường bộ, đi thuyền, đi ngựa đều tấp nập ở phố Hội An…Hàng hóa nhiều lắm, dù trăm tàu to chở một lúc cũng không thể hết được” [3, tr.295].

     Như vậy có thể thấy sự hình thành và phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp đã tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, là nhân tố quan trọng cho sự ra đời và tồn tại của chợ Hội An. Mặc dù sự phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp là yếu tố kinh tế quan trọng, nhưng đối với việc phát triển và hình thành của chợ Hội An, không thể không luận về tác động của nền kinh tế hàng hóa trong các thế kỷ XVII – XVIII. Cuộc “Cách mạng thương mại” ở Đông Nam Á vào các thế kỷ XVII – XVIII đã tạo điều kiện để các thương cảng của khu vực phát triển mang tính quốc tế. Hội An trong bối cảnh đó đã vươn lên trở thành thương cảng mậu dịch với ngoại quốc và là nơi đô hội buôn bán lớn nhất, tấp nập nhất Đàng Trong. Các đoàn thuyền buôn nước ngoài đã cập bến ở Hội An để trao đổi hàng hóa, vì thế nhu cầu nguồn hàng cung cấp cho hoạt động thương mại ngày càng trở nên cấp thiết, đã tác động trực tiếp vào hoạt động sản xuất của từng thôn xóm, từng người dân nhằm đáp ứng cho sự phát triển của ngoại thương nói riêng và kinh tế hàng hóa nói chung. Dấu ấn về chợ Hội An được các học giả miêu tả: “Chợ Hội An ở xã Hội An về phía đông huyện Diên Phước, tục gọi là phố Hội An, phía Nam liền sông Cái, trên bờ hai bên phố nhà ngói liên tiếp chừng hai dặm, dưới sông thuyền ghe đi lại như mắc cửi, có nhiều khách buôn người Thanh trú ngụ…buôn bán tấp nập, làm nơi đô hội lớn xưa nay” hay “cửa Đại Chiêm thuyền bè sum họp, chợ phố Hội An hàng hóa nhóm đầy, thực là nơi đô hội lớn” [10;tr.105- 106]. Theo đó, không chỉ chợ Hội An mà mạng lưới chợ dọc ngang ở vùng nông thôn Quảng Nam dần hình thành và phát triển, hoạt động với vai trò là những chợ vệ tinh cung cấp nguồn hàng cho Hội An.

     Sang nửa đầu thế kỷ thứ XIX, ý thức được tầm quan trọng của vùng đất phên dậu phía Nam kinh đô, nên mặc dù hạn chế thông thương với phương Tây, triều Nguyễn trong một chừng mực nhất định vẫn cho phép thương nhân nước ngoài vào buôn bán ở thương cảng Đà Nẵng. Đây là thương cảng duy nhất được phép trao đổi buôn bán với bên ngoài. Vì vậy, trong bối cảnh chung cả nước thời bấy giờ là thương nghiệp bị hạn chế thì kinh tế Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng, đặc biệt là kinh tế ngoại thương nhờ gần cảng thị Đà Nẵng, ở khía cạnh nào đó vẫn có điều kiện phát triển. Điều này đã kéo theo sự hoạt động liên tục của hệ thống chợ làng, dù rằng không còn phát triển sôi động như các thế kỷ trước đó.

     2.2. Tổ chức quản lý chợ

     Theo sử liệu cho biết, năm 1403, Hồ Hán Thương cho “Đặt chức thị giám; ban ra cân thước thưng đấu; định giá tiền giấy cho trao đổi nhau” [5, tr.671]. Năm 1477, vua Lê Thánh Tông đã ban hành “Định lệ chia mở chợ mới: Sinh dân các huyện, châu, xã ở các xứ trong nước mỗi ngày một đông, nếu muốn mở thêm chợ mới để tiện buôn bán thì quan phủ huyện châu khám xét thực tế, nếu quả là tiện lợi mà họp chợ, không cứ là ngạch cũ hay không” [6, tr.17].

     Vào thời chúa Nguyễn, nhằm kiểm soát hoạt động mua bán và khoản định mức thuế, các chúa đã đặt hệ thống sơ tuần ty và quản lý các bến đò quan trọng, đây chính là những nút thắt của các tuyến giao thông trong hoạt động kinh tế thương nghiệp thời bấy giờ. Dưới triều Nguyễn, việc đánh thuế các sở tuần ty vẫn được duy trì ở mức 1/40 (tức 0,25%) so với giá hàng. Đồng thời nhà nước cũng ban hành thêm một số quy định về hoạt động buôn bán ở chợ, cửa hàng như: Cấm neo giá (nói thách) nơi cửa hàng, cấm người của vua, nội phủ, quan viên, đại thần cầm đầu việc buôn bán nội địa, bá chiếm các nơi quan trọng ở cửa ải, bến đò, xưng tên ỷ thế thâu lợi ở chợ, cấm làm riêng hộc, dấu, cân thước. Quy định nha môn lớn nhỏ, công tư cần mua hàng hóa thì phải nắm chiếu giá chợ cộng bình mua bán, không để bọn coi việc buôn bóc lột dân chúng, nắm chắc lẽ công bằng, không để sự bừa bộn xảy ra [11, tr.96-400]. Qua đó, cho thấy nhà nước đã có sự quan tâm nhất định đến hoạt động của chợ và thể hiện vai trò quản lý ở tầm vĩ mô thông qua các văn bản pháp luật và bộ phận văn bản thực thi các văn bản pháp luật đó chính là làng xã.

     2.3. Vị trí, cấu trúc và hàng hóa ở chợ

     Chọn đất làm nhà, người Việt chọn “nhất cận thị, nhị cận giang” tức là đất tốt nhất ở gần chợ, nơi đông đúc, tụ họp người, thứ nhì là ở gần sông, nơi có dòng chảy, tiện đường đi lại. Như vậy, chợ đặt ở ven sông vừa đạt được sự trao đổi dễ dàng, vừa phù hợp với đặc điểm sinh hoạt của nhân dân. Chợ ven sông không đơn thuần mang ý nghĩa về mặt định vị, địa điểm họp chợ, nó là hệ quả tất yếu của giao thông đường thủy chiếm ưu thế. Đây là loại hình vận chuyển thuận lợi nhất, tiết kiệm thời gian, công sức và vận chuyển được khối lượng hàng hóa lớn. Địa thế nằm bên cạnh sông tạo điều kiện cho chợ Hội An giao lưu buôn bán hết sức dễ dàng, đặc biệt đó là điều kiện để nối nhịp cầu thông thương với các chợ hạ nguồn và chợ thượng nguồn.

     Cấu trúc ban đầu của chợ phụ thuộc vào việc chợ mọc lên một cách tự phát hay được chính quyền làng xã quy hoạch xây dựng. Mặc dù khác về đặc điểm hình thành cũng như quy mô nhưng chợ Hội An, giống như những ngôi chợ khác, biến đổi qua hai giai đoạn: giai đoạn mới hình thành và giai đoạn phát triển. Các mặt hàng trong chợ được sắp xếp, bố trí theo cấu trúc của chợ.

     Ban đầu, diện mạo của các chợ Hội An cũng tương tự như ở chợ làng của miền Bắc qua mô tả của Bonde năm 1884: “Việc thiết lập một cái chợ không tốn kém gì cả, nó chỉ cần đến thời tiết tốt. Người nông dân ngồi ngay xuống đất, trên đường phố, hàng hóa để trong vuông vải hay trong một cái làn, thậm chí trên đất bụi nếu như họ không sợ làm hư hỏng hàng đó” [12, tr.64].

     Sau giai đoạn ổn định phát triển, diện mạo chợ gắn với các dãy chợ. Sự mở rộng quy mô chợ góp phần làm cho hàng hóa phong phú hơn, được sắp xếp theo cấu trúc khoa học và hợp lí.

     Hàng hóa được mang ra trao đổi ở chợ là những mặt hàng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu và sản xuất như lương thực, thực phẩm, các loại nông sản, công cụ sản xuất, đồ dùng gia đình… Tựu trung lại, có thể chia hàng hóa ở chợ Hội An thành những nhóm sau:

     * Nhóm mặt hàng phục vụ nhu cầu ăn uống

     – Gạo nếp: đối với cư dân nông nghiệp Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng thì lúa gạo luôn chiếm vị trí quan trọng, đó cũng là một trong những mặt hàng chủ đạo ở chợ. Với một vùng đất được coi là “phì nhiêu nhất thiên hạ”, từ thế kỷ XVI- XVII sản xuất nông nghiệp ở Quảng Nam và Hội An đã rất phát triển. Giáo sĩ Cristoforo Borri trong thời gian ở Đàng Trong đã nhận xét “nước lụt làm cho đất màu mỡ và phì nhiêu nên mỗi năm có 3 vụ lúa, đầy đủ và dồi dào đến nổi không ai phải lam lũ vất vả để sống, ai cũng sung túc” [2, tr.19]. Lúa gạo nhiều nên nguồn lương thực hàng đầu này chiếm tỷ lệ lớn trong các mặt hàng buôn bán ở chợ là điều hiển nhiên. Ngoài nguồn thóc gạo sản xuất tại chỗ, các chợ Quảng Nam còn bổ sung nguồn hàng từ Nam Bộ ra. Thực tế này cũng được phản ánh qua câu ca: “Hết gạo thì có Đồng Nai, hết củi thì có Tân Sài chở vô”.

     – Các loại hoa màu: Từ rất sớm người dân đã tận dụng đất đai trồng thêm các loại hoa màu để hỗ trợ cho bữa ăn. Ở vùng ven sông, đất bãi, đất bồi, vườn đồi ở mạn tây Hội An trồng được nhiều sắn, ngô; vùng đất cát ven biển trồng được nhiều khoai lang, mè, đậu phụng… Trong vườn mỗi gia đình đều có các khoảnh đất để trồng thêm các loại rau, đậu, cà… Trong số các loại nông phẩm này thì rau Trà quế và ngô trở thành mặt hàng nổi tiếng và thành thương hiệu của Hội An. Nguồn lương thực – thực phẩm mang lại từ việc trồng trọt này hết sức dồi dào và trở thành những mặt hàng chính được đem trao đổi ở chợ.

     – Các loại thủy, hải sản của Hội An rất phong phú bởi tự nhiên đã ban cho vùng đất này một bờ biển dài cùng với hệ thống sông ngòi khá dày đặc, đầy ắp cá tôm, đặc biệt là cá chuồn, cá trích, cá cơm, cá nục, cá mòi, cá ngừ, cá thu… cùng với nhiều loài giáp xác như tôm, cua, ghẹ… Khu vực bến sông – nơi bán cá của chợ luôn nhộn nhịp kẻ bán người mua, bởi cá là thành phần quan trọng trong bữa ăn của người Quảng nói chung và người Hội An nói riêng. Câu ca: “ăn cơm cá như má với con” của xứ Quảng đã ra đời từ đó.

     – Trầu cau, chè, thuốc lá: là những mặt hàng có mặt ở tất cả các chợ bởi tục ăn trầu, hút thuốc, uống nước chè xanh khá phổ biến ở xứ Quảng. Trầu cau không chỉ phục vụ cho các dịp lễ hội, đình đám cưới hỏi mà còn có mặt trong cuộc sống đời thường bởi với người Quảng, vốn vẫn lấy “miếng trầu là đầu câu chuyện”.

     – Mặt hàng gia súc, gia cầm gồm thịt lợn, thịt gà, thịt vịt, thịt bò. Trước đây, trong bữa ăn hàng ngày của người Quảng xưa thường chỉ có cá mắm, rau cà chứ hiếm khi có thịt, vì thế thịt bày bán ở chợ chủ yếu phục vụ cho dịp lễ hội, tiệc tùng, ma chay, cưới hỏi, đặc biệt là trong dịp tết cổ truyền.

     * Nhóm mặt hàng phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt

     Mặt hàng này chủ yếu bao gồm sản phẩm thủ công nghiệp nhằm phục vụ cho nhu cầu sản xuất và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân.

     – Nhóm hàng dụng cụ sinh hoạt, công cụ sản xuất, vật liệu xây dựng: Các mặt hàng mây, tre như nong, nia, giần, sàng, thúng, rổ, giò, gùi… là những dụng cụ không thể thiếu của mỗi gia đình. Với mây, tre người thợ thủ công đã tạo nên các mặt hàng trúm, nơm, đăng, nò, sa, sịa, nhũi, dậm… phục vụ cho hoạt động đánh bắt thủy, hải sản.

     – Nhóm hàng đồ gốm như nồi niêu, ấm trà, hũ, chum, tré, tũn, ông táo, bát hương, bình vôi, siêu, sâu… là những sản phẩm phổ biến trong các gia đình ở Hội An. Mặt hàng này không phải làng nào cũng sản xuất được do đặc trưng về nguồn nguyên liệu. Làng gốm Thanh Hà là làng nghề nổi tiếng cung cấp sản phẩm cho khắp các vùng trong và ngoài Quảng Nam. Do vị trí địa lý hội đủ các điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, làng gốm Thanh Hà phát triển mạnh từ thế kỷ XVII – XVIII với sự hưng khởi của đô thị Hội An. Sự nổi tiếng của làng gốm Thanh Hà được thể hiện qua hàng gốm xuất khẩu sang Nhật Bản vào nửa đầu thế kỷ XVII như ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục: “Từ thế kỷ XVII, Hội An đã xuất khẩu được một số hàng gốm, hàng mộc. Gốm Cochi (tức Giao Chỉ) mà người Nhật ưa chuộng có cả gốm Thanh Hà xứ Quảng” [7, tr.327].

     – Nhóm mặt hàng hương liệu, gia vị phổ biến như đường, quế, trầm hương, sa nhân, đậu khấu. Làm đường là nghề thủcông truyền thống rất lâu đời ở đất Quảng. Vào thế kỷ XVII – XVIII người dân đã dùng phần lớn đất đai để trồng mía: “Vào những năm 1630, người Việt ở Đàng Trong quá hăng say với việc sản xuất cho thị trường tơ và đường của Nhật Bản đến độ đã dành nhiều diện tích trồng trọt cho cây dâu tằm và mía thay cho cây lúa” [4, tr.133]. Có rất nhiều loại đường được bán ở chợ như đường bát (hay đường tán), loại đường này màu ngà, rất thông dụng trong ẩm thực nông thôn xứ Quảng. Nấu chè, xôi đường, làm bánh ít ngọt hay bánh nổ, bánh tổ trong các ngày giỗ, ngày tết, hầu hết đều dùng đường bát. Ngoài ra, quế và tiêu cũng là những hương liệu nổi tiếng của xứ Quảng được bán nhiều ở chợ Hội An.

     – Nhóm hàng vật liệu may mặc có lượng lưu thông lớn ở chợ với sự phong phú về chủng loại như lụa, đũi, lãnh, vải hoa, vải thô, vải sợi đôi, vải sợi ba…. Ngay từ thời vua Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành (1471) lấy lại vùng đất Chiêm Động, Cổ Lũy lưu dân từ vùng Thanh – Nghệ Tĩnh vào đây đã bắt đầu trồng bông, kéo sợi. Nghề dệt ở Quảng Nam tập trung ở một số làng như Thi Lai, Hà Mật, Phú Bông, Phú An tây, Xuân Đài, La Kham (Diên Phước), Mã Châu, Đông Yên, chợ Chùa (Duy Xuyên). Hiện nay vẫn còn nhiều câu ca liên quan đến những địa danh nổi tiếng này.

     2.4. Thành phần buôn bán ở chợ

     Thành phần buôn bán ở chợ chủ yếu là thương nhân chuyên nghề buôn bán. Phần lớn nguồn gốc xuất thân của họ là từ những người nông dân – thợ thủ công có thêm nghề buôn bán phụ trợ hoặc người không có ruộng khẩu phần phải lấy buôn bán làm nghiệp sống. Ban đầu họ cũng chỉ “buôn thúng bán mẹt”, qua thời gian nhờ khéo léo, nhanh nhẹn lại gặp thời vận, họ dần tích lũy được số vốn cùng với kinh nghiệm và trở thành những người buôn bán chuyên nghiệp. Ngoài những thương nhân buôn bán ở các sạp hàng cố định, một phần trong số họ trở thành những lái buôn, hoạt động buôn chuyến trên địa bàn rộng lớn. Việc buôn bán của họ ngoài đường bộ còn có đường thủy.

     Người tham gia hoạt động buôn bán ở chợ cũng rất đa dạng. Trong khi nam giới chuyên buôn chuyến thì việc buôn bán ở chợ chủ yếu là phụ nữ, bởi đặc tính lanh lợi, kiên nhẫn, khéo ăn, khéo nói phù hợp với đặc trưng của công việc là “cò kè bớt một thêm hai”. Ngoài đặc tính tự nhiên đó, do xuất phát dưới thời phong kiến, địa vị của người phụ nữ không được coi trọng; đồng thời trong “tứ dân” sĩ, nông, công, thương thì thương nghiệp vẫn bị xếp sau cùng, vì thế nghiệp buôn bán được coi là “nghề mạt” và thuộc về phụ nữ, điều đó được xem như điều hiển nhiên trong một xã hội lấy Nho giáo làm nền tảng. Dù vậy, việc buôn bán ở chợ lại là tiêu chuẩn để người ta đánh giá người phụ nữ với câu “Trai khôn chọn vợ chợ đông”, điều này phản ánh tính mâu thuẫn trong cách suy nghĩ của người Việt xưa kia.

     Một bộ phận buôn bán không nhỏ ở chợ là người Hoa. Với tài buôn bán giỏi, người Hoa chiếm lĩnh thị trường ở Hội An khá đông, thương nhân người Hoa chiếm đa số; họ cũng không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động của mình ra các chợ vùng ven và chợ lớn trong tỉnh.

3. Bàn luận

     Chợ Hội An mang nhiều đặc điểm của chợ làng cùng thời khắp cả nước. Theo quy luật chung, chợ làng thường chịu sự chi phối của chính trị, kinh tế, xã hội và chợ Hội An cũng không nằm ngoài quy luật đó. Về đặc điểm sinh hoạt của chợ trên các mặt tổ chức quản lí, cấu trúc chợ, thành phần tham gia, các mặt hàng buôn bán ở chợ Hội An về đại thể cũng giống với chợ làng ở những nơi khác. Đồng thời chợ Hội An là bức tranh phản ánh bộ mặt của cảng thị trên mọi phương diện và giữ vai trò nhất định đối với kinh tế – xã hội, phong tục – tập quán, văn hóa – đời sống của vùng đất.

     Tuy nhiên, bên cạnh những nét tương đồng, chợ Hội An thế kỷ XVI – XIX còn mang những nét riêng biệt. Chợ Hội An chịu sự chi phối của yếu tố kinh tế rõ nét hơn các chợ cùng thời. Bởi,với vai trò là thương cảng quốc tế nên kinh tế và chợ có mối quan hệ hữu cơ với nhau: Hoạt động của chợ góp phần duy trì, phát triển kinh tế và ngược lại. Theo đó, chợ Hội An vừa nằm trong guồng quay của phương thức sản xuất phong kiến, lại vừa có xu hướng bứt ra, phá vỡ tính tự cấp, tự túc – vốn là đặc trưng của nền kinh tế tiểu nông. Ngay cả khi nền kinh tế hàng hóa Việt Nam suy tàn, các vùng miền khác trở về với nền kinh tế tiểu nông cố hữu thì chợ Hội An trong hệ thống chợ Quảng Nam bấy giờ với những ưu đãi thiên nhiên sẵn có, sự phát triển của thủ công nghiệp cùng với thương cảng Đà Nẵng hình thành sau này đã có xu hướng thoát ra guồng quay tự nhiên ấy và định hướng phát triển theo nền kinh tế hàng hóa ngày càng rõ nét. Đó cũng là ưu điểm và nét khác biệt của chợ Hội An thời kì này.

     Chợ truyền thống Hội An, bất luận ở thời điểm nào, dù quá khứ hay hiện tại đều có vai trò và ảnh hưởng to lớn đến mọi mặt của thành phố. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, sự ảnh hưởng của chợ truyền thống đến du lịch thể hiện khá mạnh mẽ. Vì vậy, cần có những chính sách phù hợp để chợ truyền thống phát huy vai trò của mình. Ngoài việc nâng cấp về kết cấu hạ tầng để thuận lợi cho việc mua bán, phải chú trọng đến việc giữ gìn, không làm mất đi cái hồn của làng quê. Muốn làm được điều đó cần có sự quan tâm từ nhiều phía và sự chung sức từ nhiều đối tượng khác nhau.

4. Kết luận

     Chợ là một kiểu tổ chức hoạt động kinh tế, vừa là một dạng sinh hoạt văn hóa chứa đựng bản sắc của dân tộc. Ngoài phản ánh bộ mặt kinh tế qua số lượng hàng hóa, chủng loại vật phẩm, chợ còn là điểm nhìn để biết tình hình xã hội. Trong tâm thức người Việt, chợ còn là nơi gửi gắm những trăn trở, tình cảm bình dị, chân thành. Chợ Hội An cũng không nằm ngoài quy luật đó; là chợ lớn và lâu đời của phố cổ, sự thịnh suy của chợ gắn liền với lịch sử của cảng thị. Chợ có đóng góp lớn trên tất cả các mặt của đời sống dân cư. Về mặt kinh tế chợ góp phần tạo nên mối quan hệ qua lại giữa nông nghiệp, thủ công nghiệp với thương nghiệp. Trên lĩnh vực đời sống, chợ góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Ngoài ra, chợ còn là nơi sinh hoạt văn hóa của cư dân vùng đất. Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị của chợ trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay là vấn đề cần thiết và đáng được quan tâm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1] Dương Văn An (Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc dịch và hiệu đính), Ô châu cận lục, NXB Thuận Hóa, Huế, 2001.

     [2] Borri Cristofori, Xứ Đàng Trong năm 1621, NXB Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 1998.

     [3] Lê Quý Đôn (Viện Sử học dịch), Phủ biên tạp lục, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2007.

     [4] Hội văn nghệ dân gian Tp. Đà Nẵng, Nghề và làng nghề thủ công truyền thống đất Quảng, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2010.

     [5] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam dịch), Đại Việt sử kí toàn thư, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006.

     [6] Lê Thị Mai, Chợ quê trong quá trình chuyển đổi, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2004.

     [7] Li Tana, Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1999.

      [8] Nguyễn Đức Nghinh, “Chợ Chùa ở thế kỷ XVII”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, (4), 1979, tr 35-36.

     [9] Nguyễn Đức Nghinh, “Chợ làng, một nhân tố củng cố mối quan hệ dân tộc”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 1981.

     [10] Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Quảng Nam (2011), Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỉ yếu hội thảo khoa học, Tam Kỳ, 2011.

     [11] Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu (Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Văn Tài dịch), Hoàng Việt luật lệ, NXB Văn hóa Thông tin, TP Hồ Chí Minh, 1994.

     [12] Trương Thị Thu Thảo, Chợ làng ở Thừa Thiên Huế (Thế kỷ XVI – XIX), Luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ Sử học, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, 2010.

     [13] Http://www.wattpad.com/le-thanh-tong/page/5.

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng,
số 8(93),2015; ISSN 1859-1531

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Chợ Hội An thế kỷ XVI – XIX (Tác giả: Ngô Thị Hường)