Chợ Việt (chợ miền Bắc -Phần 1)
Tác giả bài viết: HUỲNH THỊ DUNG
(sưu tầm và biên soạn)
I. BẮC KẠN
1. Chợ Khang Ninh
Phiên chợ miền núi thuộc huyện Ba Bể, cứ 5 ngày có một phiên. Chợ nằm trên đường đi hồ Ba Bể.
Chợ này chuyên bán các đặc sản của hồ Ba Bể, nhiều nhất là tôm chua. Tôm chua Ba Bể được làm từ con tôm tươi đang nhảy tách tách. Tôm nhặt sạch, cắt bỏ râu, rửa sạch, để ráo, xóc muối.
Nếp nương hạt tròn, đồ chín để nguội, đổ ra trộn với men lá, tỏi, ớt, riềng thái chỉ. Trộn tôm với xôi, trút vào vại, đậy kín 7-10 ngày tôm bắt đầu chua, để đến 30 ngày tôm bắt đầu chín bốc mùi thơm phức. Khi ăn, ăn cùng búp mây sâu (lá sâu sâu), thịt chân giò hay thịt ba chỉ thái mỏng, nem thính tai lợn.
Ngoài món mắm tôm chua chợ còn bán các loại bánh quẩy, bánh lá ngải, bánh nậm, bánh mật gói rất khéo, ăn rất ngon… và các loại măng rừng, rau rừng.
2. Chợ Nghiên Loan
Chợ chuyên bán trâu bò ở xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Cứ 5 ngày có một phiên vào ngày 3, 8 âm lịch.
Người cần mua bán trâu bò từ Thái Nguyên, Bắc Cạng, Bắc Ninh, Hà Nội kéo nhau lên chợ từ tối hôm trước.
Người dân địa phương mở quán ăn, quán trọ phục vụ người đến chợ. Họ còn chuẩn bị cỏ voi, lá ngô cho trâu bò ăn. Tổ quản lý chợ thì gia cố cọc buộc gia súc.
Chợ hình thành do nhu cầu mua bán trâu bò phục vụ sản xuất, ăn uống và là nơi giao tiếp gặp gỡ của người Mông, người Dao. Mùa đông trời rét buốt, người ta đốt lửa, ngồi quây quần bên nhau uống rượu cho đến sáng. Từ những buổi chuyện trò đó đã tạo điều kiện mua bán thuận lợi hơn.
Chợ được chia thành hai khu: khu bán trâu, khu bán bò.
Trâu bò được dân địa phương mưa về nuôi vỗ vài tháng mang bán kiếm lời. Trâu bò được mang từ Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng về.
Người ta mua bán rất chóng vánh. Người bán phát giá. Người mua tha hồ vỗ mông, vạch mồm con vật, nếu ưng ý thì trả giá, hai bên thỏa thuận 1, 2 lần thậm chí họ còn cong giá bán với giá mua rồi chia đôi với cái bắt tay thân thiện. Mỗi phiên chợ có từ 400 đến 600 con, bán hết hai phần ba. Những con còn lại, họ gửi ngay cho người trong làng nuôi hộ, đến phiên sau lại bán mà không mang về nhà. Còn người mua ưng ý, lại thuê người dắt lên ô tô. Nên ở chợ hình thành ra nhiều kiểu lao động khác nhau phục vụ chợ Nghiên Loan.
Dân ở xã Nghiên Loan cũng rất nhạy cảm với kinh tế thị trường. Trong xã có 1.017 hộ thì có hơn 100 hộ nuôi trâu bò dể phục vụ tiêu dùng, cho con cái đi học.
Chợ trâu bò còn là nơi chọn giống, bán con nhỏ mua con có tầm vóc cao hơn để thay thế, vì vậy phần nào góp phần phát triển chăn nuôi, nâng cao sức vóc trâu bò ở địa phương.
II. BẮC NINH
1. Chợ âm-dương
Chợ nằm ở làng Ó (tên gọi tắt của làng Xuân Ó), xã Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Xã Võ Cường là xã duy nhất của thành phố Bắc Ninh. Địa hình bằng phẳng, đường giao thông thuận tiện.
Mỗi năm chợ chỉ họp một lần vào đêm mùng 4 rạng mùng 5 tháng giêng âm lịch.
Theo truyền thuyết xưa kia nơi họp chợ là bãi chiến trường, có nhiều người chết. Chợ họp để tạo cơ hội cho người sống và người chết có dịp gặp nhau. Chợ bắt đẩu từ lúc lên đèn, ở ngôi miếu cổ, nổi tiếng linh thiêng. Chợ không lều, không quán, không đèn nến. Người đến chợ tay ôm con gà mái đen được chăm sóc cân thận làm vật tế Thành Hoàng làng. Theo người xưa thì con gà đen sẽ giúp họ len lỏi vào cõi âm để gặp người thân. Trong chợ còn có cả dãy vàng mã, hương, trầu cau.
Ở đầu chợ, người ta đặt một chậu nước để thử tiền âm hay tiền dương. Tiền để vào một cái túi cúng người chết, hôm sau chỉ thấy trong túi dựng toàn vỏ sò, vỏ hến, lá đa, thậm chí có cả yếm sồi. Mọi người rất vui coi đó là điềm phúc, điều thiện với người đã chết.
Chợ tan khi còn nửa đêm.
Với người dân nơi đây đi chợ Âm – Dương cũng không khác đi lễ hội câu mùa của các nơi khác, chợ tồn tại cách đây hàng nghìn năm mang đậm nét văn hóa dân gian vùng Kinh Bắc. Vào mùng 4 tết, đầu xuân mọi người đến chợ để cầu may, trút bo rủi ro, phiền muộn vào đêm hội chợ để năm mới làm ăn phát đạt thuận lợi, sức khỏe dồi dào.
Những người già trong làng Ó không biết chính xác chợ có từ bao giờ mà chi biết xưa kia nơi đây nghèo lắm, thiếu ăn, thiếu mặc triền miên nên con cháu phải kéo nhau đi kiếm ăn các tỉnh xa. Nhưng dù có đi nơi đâu, xa đến mấy thì ngày chợ Âm – Dương họ cũng kéo về để có cơ may gặp lại gia đình, bạn bè, bù lại nỗi nhớ thương, xa cách.
Trong đêm, chỉ thấy bóng lờ mờ, tiếng nói thì thào quen quen, họ mời nhau khi chợ tan về nhà ăn cơm cùng nhau hát quan họ. Trước khi chủ khách ra về, người ta hóa vàng tưởng nhớ dòng họ, Tổ tiên của cả chủ lẫn khách. Mỗi gia đình trong làng giàu sang hay nghèo hèn đều làm bốn năm mâm cỗ đãi khách. Cỗ được làm từ bốn giờ chiều, tối đi chợ về cỗ phải xong.
Ngày nay, dù làng xóm có nhiều đổi thay, nơi bán gà đen không còn nữa nhưng mỗi độ xuân về nam thanh, nữ tú cũng như người già lại xúng xính trong những bộ quần áo mới, đầu đội khăn xốp mới nhất, náo nức chờ đêm chợ. Con cháu đến chợ không nhất thiết phải mang gà đen chỉ cân con gà mái đẹp là được.
Chợ Âm – Dương huyền bí lan truyền cả trong Nam ngoài Bắc. Chợ tan khoảng canh ba, trong sương sớm khúc giã bạn của các liền anh, liền chị nghẹn ngào lưu luyến hẹn gặp lại trong phiên chợ năm sau vừa đẹp vừa có gì đó linh thiêng:
Ra về nhớ lắm em ơi!
Nhớ xa em kéo, nhớ lời em than
Yêu nhau chưa ráo mồ hôi
Chưa tan buổi chợ, đã rời nhau ra
Người về tôi đứng tôi trông
Ứơc gì tôi được khăn hồng trao tay
2. Chợ Chằm (còn gọi là chợ Âm – Dương)
Chợ dân sinh nhỏ, họp ở xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh phục vụ nhân dân trong xã. Là chợ phiên họp vào ngày 4, 9, 14, 18, 24, 28 âm lịch hàng tháng. Trong đó có phiên chợ vào ngày mùng 4 tháng Giêng âm lịch được gọi là chợ Âm – Dương.
Tương truyền, nơi họp chợ là mảnh đất trước đây đã diễn ra chiến tranh, người chết nhiều vô kể. Theo quan niệm duy tâm, các oan hồn người chết không được siêu thoát, họ đã lưu vong dưới địa giới, chỉ đến dịp tết mới được lên dương thế và quay trở lại nơi mình chết để tìm người thân. Người đi chợ vào mùng 4 tháng Giêng hay bị trả tiền giả, mang về nhà mới biết tiền toàn bằng đất sét, lá khô. Người ta nghi ngờ do oan hồn người chết về mua hàng, họ đã giả tiền âm phủ vì ở chợ âm khí quá nhiều nên người bán không nhận ra được.
Ban đầu, nhân dân trong vùng cũng thờ cúng đuổi tà ma, nhưng không có kết quả vì âm khí quá nặng.
Thầy cúng bèn bày cho dân, lúc đi chợ mang theo chậu nước thả tiền vào nước, tiền chìm là tiền thật (xưa kia ta chưa có tiền giấy mà dùng tiền kim loại). Do dó, đã phân biệt được tiền thật, tiền giả và mùng 4 Tết hàng năm chợ vẫn họp bình thường.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, dù không mua bán bằng tiền âm phủ nữa, người ta vẫn cảm thấy các oan hồn vẫn tranh thủ phiên chợ để ngắm cảnh, tìm người thân. Ngày nay, người ta nhường hẳn phiên chợ ngày mùng 4 tháng Giêng cho người âm, không họp chợ vào ngày này nữa.
3. Chợ Cũ
Tên đầy đủ là “chợ làng Chùa Cũ”, người ta hay gọi tắt thành chợ chùa Cũ rồi chợ Cũ. Sở dĩ có tên chợ Cũ vì làng xưa có tên làng Chùa Cũ chứ không có chợ mới.
Chợ họp mỗi tháng 6 phiên, gần đường Quan rất đông vui, chợ nằm trong thôn Cựu Tự. Cựu Tự xưa thuộc tổng Phù Lang, huyện Võ Giang. Từ Sơn xứ Kinh Bắc – nay thuộc thôn Cựu Tự, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tinh Bắc Ninh.
Làng này làm nghề nông pha buôn bán, có một hộ chuyên làm lợn thịt để bán, một chi làm vàng mã rất đẹp, một số làm nghề lưới gõ (đánh cá), đánh chim. Thợ xây, thợ mộc pha chút thủ công. Trai làng này nấu ăn rất giỏi. Ở chợ có bán đủ các loại giò chả, cua ốc. Đặc biệt vùng này có đồng trồng cà, giống cà quả trắng sai quả, ngắn ngày nhiều hạt, năng suất cao, bán rẻ dùng muối dưa. Cà Cựu Tự bán trong chợ làng, các bà các chị còn sáng tinh mơ gánh cà trắng đến bán ở chợ Thiên Ngái (Chí Linh, Hải Dương), Phả Lại. Bán xong cà, các bà, các chị lại mua những thứ sở tại về bán chợ cũ. Vào dịp nông nhàn, gái Cựu Tự thường chạy chợ thu nhập thêm nên cô nào cũng đảm đang tháo vát, đời sống của dân làng thuộc loại khá giả, thể hiện qua các món ăn rất cầu kỳ.
4. Chợ Gà (Chợ Sáu)
Ở làng Xuân Ó cổ kính, gần đến ngày Tết người ta lấy ra 2 sào ruộng làm nơi buôn bán gà mái đen đủ loại.
Chợ gà đen và tên làng Ó cũng xuất phất từ đây. Người bán gà có thể ôm trên tay hoặc để trong lồng. Người mua lần tay xuống ức gà xem gầy hay béo. Người bán không ra giá, người mua cũng không trả giá, trả bao nhiêu cũng được, ưng là bán, là mua. Mua xong gà họ lại mua vàng mã, trầu cau, nến, hương,..
Người mưa gà đen để 8/1 âm lịch đem ra hội Đình ở làng dự cỗ kén (cỡ chọn) giữa lục giáp (6 giáp, giáp là đơn vị dân cư xưa của các làng cổ xứ Bắc). Người các giáp mang xôi, trên có con gà mái đen, các già làng sẽ chọn con nào đẹp nhất, xôi nào dẻo ngon nhất để dâng lên bàn thờ. Các mâm xôi làng Ó được đồ bằng thứ gạo nếp được trai làng quây cót giã trước đó hằng tháng. Trai tráng muốn được giã nếp phải tắm rửa sạch sẽ, ãn mặc gọn gàng, vóc dáng khỏe mạnh và đặc biệt họ phải ăn thanh tịnh trong hai tuần.
Mỗi giáp mang ra hai lễ. các già chọn 3 lễ đẹp nhất dâng lên ban thờ chính, tả, hữu của Đình. Các món khác đặt xung quanh. Cỗ nào dược giải nhất, nhì, ba được thưởng miếng trầu têm cánh phượng.
Chợ Ó (chợ gà) và tục lệ cúng gà của làng Xuân Ó thật đặc biệt, có một không hai. Người ta không để lên mâm xôi gà màu khác mà để gà đen có lẽ do quan niệm: gà đen dẫn dường con cháu tìm đến với tổ tiên.
5. Chợ Giầu (Chợ Phù Lưu)
Chợ nằm trong làng cổ xứ Kinh Bắc, thuộc xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn nay thuộc thị trấn Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Làng Giàu (giầu cau) đã từng là một trong “ngũ Phù ” của vùng Kinh Bắc, nổi tiếng cùng bốn làng khác là Phù Đổng, Phù Châu, Phù Kê, Xuân Canh (chợ Dâu).
Từ những thế kỷ trước, làng Giàu nằm gần nhiều luồng giao thông, điểm giao thoa của nhiều trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước ta. Đến đầu thế kỷ XX làng Giàu có 180 hộ, trong đó 80% không có ruộng, dân làng chủ yếu sống dựa vào buôn bán, cả làng là một chợ lớn. Có chợ trung tâm bán đủ các mặt hàng cần thiết và các khu chợ bán tơ lụa, gia súc, … Các mặt hàng rất phong phú, đựơc đưa từ các nơi trong cả nước về đây, kể cả đặc sản rất đặc biệt như cò, trám.
Chợ Phù Lưu là làng chợ nhưng người Phù Lưu rất hiếu học, nhiều người học giỏi được coi là có nhiều người đỗ đạt nhất huyện.
Nguồn: Chợ Việt. Nxb Từ điển Bách khoa
Huỳnh Thị Dung (sưu tầm và biên soạn)
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Chợ miền Bắc (Phần 1) – Tác giả: Huỳnh Thị Dung |
Kính mời Quý độc giả xem thêm: