Chợ Việt (chợ miền Bắc -Phần 2)

Tác giả bài viết: HUỲNH THỊ DUNG
(sưu tầm và biên soạn)

V. HÀ GIANG

1. Chợ Đông Văn

     Chợ vùng cao đặc trưng của đồng bào miền núi phía Bắc, nằm trên xã Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

     Nằm giữa những dãy núi ngút ngàn, trùng điệp ngước cổ lên nhìn hết tầm mắt, xen lẫn với chợ cổ mang đậm nét kiến trúc của hai dân tộc Việt – Hoa.

     Đồng Văn là huyện cực Bắc tỉnh Hà Giang, nằm trong khư vực đá tai mèo độc đáo bậc nhất nước ta. Phía bắc và tây huyện giáp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; phía đông giáp với huyện Mèo Vạc; phía nam giáp Yên Minh. Ở đây có rất nhiều dân tộc sinh sống như Mông, Dao, Kinh, Tày, Nùng, Pà Thẻn, Giáy, Ngái, Bố Y, Lô Lô, Pubéo, Phù Lá, Hoa, Hán. đông nhất là người Mông. Dân ở đây trồng lúa, ngô, chè trên núi đá, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm.

     Chợ cách thành phố Hà Giang theo quốc lộ 4C về phía đông bắc trên 150km. Chợ họp vào chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ hội, ngày tết hàng năm.

     Chợ nằm dưới chân núi Đồn Cao, ngay cạnh phố cổ Đồng Văn. Toàn bộ chợ có cấu trúc theo lối cổ Hoa – Việt và sự giao thoa tinh tế hợp với phong thổ của miền núi cao. Trong chợ có dãy cột đá to phải bốn người ôm mới xuể, đọt đẽo rất đẹp. Chợ Đồng Văn là chợ bề thế: xây theo hình chữ U, gối lên đá, được xây khoảng 1925 – 1928.

     Những ngày phiên chợ nhìn từ xa ta thấy từng đoàn người đủ các dân tộc, trẻ, già, trai, gái ăn mặc sặc sỡ, người đi bộ trên vai chiếc gùi nặng trĩu rau quả trồng được trong vườn nhà; kẻ sách lồng gà, lồng chim, tay dắt theo trâu bò; những người hiện đại hơn thì đi xe đạp, xe máy đằng sau là những sọt chứa các chú lợn béo tròn. Người người mặt mũi hớn hở, xúng xính trong trang phục dân tộc sặc sỡ, họ vừa xuống chợ vừa đi chơi. Họ rất phấn khởi, hồ hởi, vì sau những ngày làm việc mệt mỏi cuối tuần được tụ họp về đây để có dịp trao đổi, thưởng thức những sản vật của quê hương.

     Ngay từ ngoài cổng, người bán, người mua vui vẻ trao đổi với nhau bằng tiếng của dân tộc mình. Bến trong chợ hàng hóa đủ mặt sắp xếp ngăn nắp, sẵn sàng phục vụ mọi người. Hàng hóa ở chợ chủ yếu là rau quả, gia vị, lương thực, ngô khoai… hàng thổ cẩm nhiều màu sắc và các vật dụng gia đình cần thiết như dao, cuốc, lợn, gà, trâu, bò, chim thú. Hàng ăn uống đặc trưng cho đồng bào dân tộc, nổi tiếng và không thể thiếu được là món thắng cố khói bay nghi ngút, bên cạnh là bánh tam giác làm bằng ngô, rồi rượu ngô… Gian hàng ăn uống tập trung nhiều nam, nữ thanh niên nhất, họ vừa ăn, vừa uống rượu vừa trao đổi tâm tình.

     Chợ phiên Đồng Văn sôi động, vui vẻ, là chợ có đặc trưng ở miền núi phía Bắc, chắc chắn còn mãi trong lòng bất kỳ ai một lần ghé qua,

2. Chợ tình Khâu Vai

     Chợ hình thành từ câu chuyên tình của một chàng trai người Mông và cô con gái người Giáy. Họ yêu nhau thắm thiết. Không ngờ tình yêu của họ đã gây ra hiềm khích giữa hai dân tộc.

     Để tránh cuộc đụng độ đẫm máu, họ phải gạt nước mắt chia tay. Trước khi chia tay họ đã có lời nguyện ước: dù không lấy được nhau, phải lấy vợ lấy chổng thì mỗi năm vào đêm 26 tháng 3 âm lịch họ sẽ gặp lại nhau tại Khâu Vai. Có lẽ Khâu Vai là nơi họ gặp nhau lần dầu và có nhiều kỷ niệm sâu sắc. Từ đó chợ tình Khâu Vai hình thành.

     Chợ Khâu Vai nằm ở bản Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh miền núi Hà Giang. Mèo Vạc nằm phía đông bắc tỉnh, phía bắc giáp Đồng Văn, phía đông giáp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, phía nam giáp tỉnh Cao Bằng, phía tây giáp huyện Yên Minh, Đồng Văn. Ở đây có đến 14 dân tộc anh em sóng xen kẻ nhau, nhưng nhiều nhất là người Móng. Địa hình núi non hiểm trở cao 1.000 – 16OOm, vách đá dựng đứng, là điểm cuối của quốc lộ 4C .

     Chợ Khâu Vai nằm giữa làng người Nùng, trong thung lũng khá rộng, bằng phẳng, nơi hẹn hò rất lý tưởng của những người đã lỡ duyên nhau;

Đợi anh hết mùa lanh

Đợi anh qua mùa đào,

Vượt đỉnh Mã Pí Lèng

Ta tìm về chợ tình Khau Vai.

     Lúc đầu chỉ có người Mông đến chợ, sau dần được nhiều đôi nam, nữ các dân tộc khác hưởng ứng. Đến nay, chợ Khâu Vai đã trở thành chợ chung của nhiều dân tộc, nơi tìm lại tình yêu ban đầu của nam nữ, kể cả những người đã có gia đình, các ông bà cũng tìm đến.

     Đây là phiên chợ tình độc đáo của Việt Nam và thế giới. Chợ bắt dầu từ 3 giờ chiều, người các bản kéo nhau về Khâu Vai. Họ mặc đủ các sắc phục khác nhau, đặc trưng cho từng dân tộc Mông; Dao, Giáy, Tày, Nùng,… khiến cả chợ rực rỡ như đám hoa chuối rừng giữa thung lũng.

     Các chàng trai cô gái thậm chí cả người cao tuổi vẻ mặt hớn hở, phấn khởi, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất được cất kỹ chỉ đến phiên mới đưa ra mặc để khoe với người tình.

      Từ hôm 22 tháng 3 lều trại dược đựng khắp trong thung lũng, nhiều nhất là các quán rượu ngô, thắng cố. Những cặp tình nhân ở xa, ngay từ vài ngày trước đã xôi đùm, ngô nắm lên ngựa thong thả theo đường núi kịp xuống chợ trong tiếng khèn, tiếng đàn môi mơ mộng.

     Ai cũng biết vùng núi cao, nhà nọ cách nhà kia có khi đi cả nửa ngày mới tới, cuộc sống của họ là chuỗi ngày buồn tẻ, cả năm làm việc vất vả, họ chỉ mong đến phiên chợ. gặp lại người cũ, nghĩa xưa làm sao lại không hồi hộp, náo nức. Có gia đình cả bố mẹ con cái bỏ nhà bỏ cửa, dắt díu nhau đến chợ. Họ đi chợ như trẩy hội. Có những cập đã có vợ có chồng hàng chục năm, có với nhau ba, bốn mặt con họ cũng lặn lội đến Khâu Vai tìm niềm vui. Thế mới có câu;

Em bỏ bùa vào phiên chợ

Giá em là sợi lanh, sợi chỉ.

Anh cuốn vào người để sợi cùng theo

Ta bước về nhà, hồn còn ngủ lại thắt lưng em

     Bóng chiều chạng vạng bắt đầu đỗ xuống thung lũng trong tiếng cười nói vui vẻ, người qua kẻ lại gặp nhau xen với tiếng lục lạc, vó ngựa làm cảnh chợ nhộn nhịp. Đó đây trong các lều, các cặp đã tìm thấy nhau mừng mừng tui tủi họ chụm đầu vào nhau chuyện trò, nào chuyện vui, chuyện buồn cả năm tính lại không biết nói đến bao giờ mới thỏa sức, để chia xẻ cùng người yêu, cùng nhau nhấm nháp bát rượu ngô cay nồng… Rượu rót tràn bát như tình yêu của họ lúc nào cũng lai láng không bờ bến. Họ uống cho những ngày xa nhau đằng đẵng, nhớ nhung có đến khi không ăn, không uống được nữa.

     Chợ họp từ đầu hôm, càng về đêm càng sâu sắc lắng, chỉ nghe tiếng chuyện trò thì thầm, tiếng khèn, tiếng đàn môi réo rắc gọi bạn tình giữa đồi núi.

     Khi ánh mặt trời ló len ở chân núi họ bịn rịn chia tay nhau ai về nhà nấy.

     Thật là một phiên chợ có một không hai thể hiện bản chất của người miền núi rất hồn nhiên, đầy đủ bản năng. Có lẽ giây phút gặp nhau sau một năm đã đem lại cho họ sự hạnh phúc vô biêm để rồi chia tay với lời hẹn hò tốt đẹp năm sau.

Đêm nay đôi ta ngồi đã muộn

Gà gáy giục chín năm mười sáu tiếng

Đôi ta có lòng thì hãy mau cất tiếng 

Giờ đôi ta ngồi đã khuya

Ta hãy mở miệng cất lời người ơi.

3. Chợ Lùi Xà Phình

     Phiên chợ ở xã Xà Phình, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Người ta gọi là chợ Lùi vì đây là chợ phiên họp theo các thứ trong tuần nhưng lùi lại một ngày so với phiên chợ trước. Ví như tuần này họp vào chủ nhật thì tuần sau họp vào thứ bảy, phiên tới vào thứ sáu.

     Chợ họp ngay dưới chân bậc thang đá trước cổng nhà vua Mèo (còn gọi là Dinh họ Vương)

     Dinh họ Vương là một dinh kiến trúc đẹp, hiếm có, rất độc đáo. Đường dẫn vào dinh dốc thoai thoải lát bằng các phiến đá lớn, vuông vức, bằng phẳng. Bên ngoài bao bọc bởi hai tường thành xây bằng đá có chỗ dày 0.6n,  chỗ gần 1m, cao 2,5 – 3m. Vòng tường trong kiên cố hơn vòng ngoài. Cả hai vòng thành đều có lỗ châu mai. Khoảng trống giữa hai vòng rộng 50m, trồng cây. Trong dinh có 10 ngôi nhà, 6 ngôi cùng một hướng, 4 ngôi kia nằm theo hướng khác. Nhà chính quay ra cổng, các ngôi nhà đều làm bằng gỗ qúi, mái lợp bằng gói máng. Trên các bức tường vách chạm trổ tinh xảo. Vua mèo Vương Chí Sinh chọn nơi này xây dinh thự hoành trang nhất các tỉnh phía Bắc. Nơi đây hội tụ đủ các yếu tố: thiên, thời, địa lợi, nhân hòa.

     Xung quanh dinh họ Vương là núi cao, đa tai meo lổn nhổn chồng lên nhau rất hoang sơ, hùng vĩ. Ca thung lũng chỉ có vài nóc nhà của người Mông nằm khiêm tốn bên các gốc cây sao mộc cổ thụ. Có lẽ do nhu cầu của cha con Dinh nhà họ Vương, dân trong vùng mang những sản phẩm của mình đến đây trao đổi như váy ao, chỉ thêu, bán vàng mã, hạt dổi… lâu dần thành chợ. Trong chợ bán đủ các loại nhu yếu phẩm của rừng, sản phẩm của rừng. Chợ cũng đầy màu sắc sặc sỡ như các chợ miền núi phía Bắc khác.

Nguồn: Chợ Việt. Nxb Từ điển Bách khoa
Huỳnh Thị Dung (sưu tầm và biên soạn)

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Chợ Việt (chợ miền Bắc -Phần 2) -Tác giả: Huỳnh Thị Dung (sưu tầm và biên soạn)

     Kính mời Quý độc giả xem:

CHỢ VIỆT (chợ miền Bắc – Phần 1: BẮC KẠN)