Chủ đề TÌNH YÊU và KHÁT VỌNG hạnh phúc gia đình trong HÁT VÍ phường Vải NGHỆ TĨNH

     Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng và hiệu quả nhất của con người, là công cụ của tư duy. Các nhà khoa học đều thừa nhận rằng, giữa ngôn ngữ và văn hoá, ngôn ngữ dân tộc và văn hoá dân tộc có mối quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Có thể nói, ngôn ngữ là một thành tố có vị trí rất quan trọng của nền văn hoá tinh thần. Nó thể hiện rõ nhất đặc trưng văn hoá của từng cộng đồng, dân tộc, vùng miền. Vì thế, nghiên cứu về ngôn ngữ của một vùng miền, cộng đồng, dân tộc nào đó, chúng ta sẽ giải mã được những nét đặc trưng văn hoá tinh thần riêng biệt của nơi đó.

     Nghệ Tĩnh là vùng đất cổ, có chung phương ngữ (tiếng Nghệ), phong tục, tập quán, tín ngưỡng và văn hoá dân gian. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, trong quá trình lao động, sản xuất, sinh hoạt cộng đồng và chống giặc cứu nước, người dân Nghệ Tĩnh đã sáng tạo và lưu giữ được một nguồn di sản văn hoá dân gian rất phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc của vùng đất Sông Lam – Núi Hồng. Trong mạch nguồn đó, nổi bật nhất là dân ca ví, giặm, đặc biệt là ví phường vải.

     Đối với người dân xứ Nghệ, ví phường vải nói riêng là món ăn tinh thần không thể thiếu, là dòng sữa ngọt ngào góp phần hình thành và nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn con người xứ Nghệ.

     Ví phường vải là thể hát ví của phường quay xa, dệt vải. Nói chính xác hơn, nó là của những người làm công đoạn kéo sợi. Nhưng không phải hễ nơi nào có nghề kéo sợi là có ví phường vải. Ở Thanh Hoá có một số vùng cũng có nghề kéo sợi và cũng có lối hát giao duyên nam nữ nhưng lại gọi là hát ghẹo. Ví phường vải chỉ tồn tại và phát triển ở một số nơi thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, phổ biến nhất là các vùng Nghi Xuân, Kì Anh, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà,… (Hà Tĩnh); Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Diễn Châu,… (Nghệ An).

     Nội dung căn bản của ví phường vải mang đậm tính trữ tình. Đề tài của nó thường xoay xung quanh chuyện tình yêu đôi lứa, khát vọng hạnh phúc gia đình. Vì thế, lớp từ ngữ thể hiện chủ đề tình yêu trong ví phường vải rất nhiều, cả từ thuần Việt lẫn Hán Việt, cả thành ngữ đến các điển tích điển cố bác học. Qua khảo sát của chúng tôi, có 405 từ ngữ với 3.190 lượt; 53 điển cố với 167 lượt và 105 thành ngữ với 177 lượt được sử dụng để biểu lộ, diễn tả chủ đề tình yêu đôi lứa.

     Tình yêu trong ví phường vải thường được các chàng trai cô gái bộc lộ một cách trực tiếp, khá công khai chứ không vòng vo, màu mè. Để thể hiện tình yêu, dân gian thường sử dụng hai từ yêu thương. Cả hai từ này đều được dùng với nghĩa “có tình cảm thắm thiết dành riêng cho một người khác giới nào đó, muốn chung sống và cùng nhau gắn bó cuộc đời” [10, tr. 1498]. Tuy nhiên, trong khi sử dụng, người xưa thường có thói quen dùng từ thương nhiều hơn, phổ biến hơn chữ yêu. Bởi từ thương mang sắc thái dân dã, mộc mạc, gần gũi, phù hợp với tâm lí của người dân lao động. Điều này thể hiện khá rõ trong ví phường vải Nghệ Tĩnh. Tỉ lệ sử dụng từ thương là 126 lượt, nhiều gần gấp 2,5 lần từ yêu: 50 lượt. Các cụm từ: thương anh, thương chàng, thương em, thương nàng được sử dụng với mật độ dày đặc trong phần hát yêu thương.

     Có những lời hát, từ thương, yêu được dùng với mật độ cao, biểu lộ tình cảm chân thật, sâu sắc của chàng trai đối với cô gái và được thể hiện bằng cấu trúc dùng số đếm để liệt kê. Đầu mỗi câu là cụm từ: một thương, hai thương, ba thương,… hay một yêu, hai yêu, ba yêu,…

     Đối với các chàng trai xứ Nghệ, có lúc thương, yêu chỉ bởi vì những nét đẹp về ngoại hình, khuôn mặt xinh tươi, duyên dáng như: bộ dạng tốt tươi, da ngà tóc phượng, răng đen má phấn, con mắt lá răm, lông mày lá liễu, đào thơ liễu yếu, lưng eo má phấn, tóc phượng xanh xanh, nhan sắc vẹn mười, răng trắng miệng cười nở nang, dáng dấp như hoa trên cành,… Có lúc thương, yêu bởi mến cái nết na, phẩm hạnh như: tấm lòng son, dạ còn trinh tiết, đi đứng đoan trang, ăn nói dịu dàng nết na, tính hạnh hiền hoà,… Nhưng để lựa chọn giữa hình thức bên ngoài và vẻ đẹp bên trong thì họ ưu tiên, coi trọng phẩm hạnh, nết na, sự siêng năng, đảm đang của người phụ nữ hơn:

Thương em cái tình nhu mì
Làng trên xã dưới thiếu chi người giòn.

(VVHDGXN, tr. 923)

hay

Yêu em không phải em giòn,
Yêu em chất phác việc làm siêng năng.

(VVHDGXN, tr. 948)

     Và có lúc cương quyết, thực tế hơn:

Một niềm chỉ quyết lấy o
Khéo bông khéo vải khéo lo việc nhà.

(VVHDGXN, tr. 890)

     Cũng có lúc từ thương diễn tả sự trào dâng lên đến đỉnh điểm của một tình cảm sâu sắc, mãnh liệt của chàng trai đối với cô gái:

Thương em rọt cắt làm ba,
Máu rơi từng giọt, thương đà nên thương.

(VVHDGXN, tr. 925)

     Lời hát mượn ý của câu thương đứt ruột để diễn tả tình yêu thương cháy bỏng đến quặn thắt, đớn đau không gì đo đếm, diễn tả nổi của chàng trai đối với cô gái.

     Đáp lại tình cảm sâu nặng đó, người con gái cũng chủ động bộc lộ nỗi lòng, tình cảm của mình đối với chàng trai:

Thương chàng mà thiếp lửng lơ,
Tay rời rơi kẹo, chân lơ lửng đường.

(VVHDGXN, tr. 925)

     Đối với người yêu, các cô gái có những tiêu chí, chuẩn mực lựa chọn riêng:

Không ham cái vẻ xinh trai
Ham dòng thi lễ, ham tài văn chương.

(VVHDGXN, tr. 877)

     hay

Em không tham chi bồ lúa quan tiền,
Tham anh cái bút, cái nghiên học trò.

(VVHDGXN, tr. 864)

     Qua đó ta thấy, con gái xứ Nghệ rất coi trọng nội dung bên trong chứ không ham vẻ đẹp hình thức hào nhoáng bên ngoài.

     Tình yêu của các chàng trai cô gái xứ Nghệ vô cùng say đắm, mãnh liệt. Nó không chỉ là tình cảm yêu đương trai gái bình thường nữa mà được đẩy lên ở mức độ cao hơn. Đó là tình, nghĩa, là say,… Đặc biệt, từ say được sử dụng đến 7 lần đã diễn tả một cách đắc địa tình yêu nồng nàn mãnh liệt của các chàng trai, cô gái như:

Anh say em như bướm say hoa,
Như ong say mật, như Bá Nha say cầm.

(VVHDGXN, tr. 909)

     Với việc dùng các cặp đôi: bướm – hoa; ong – mật và điển tích Bá Nha cầm đã diễn tả được sự gắn bó khăng khít, quấn quýt, vương vấn không thể tách rời, không thể thiếu nhau của trai gái yêu nhau. Nó gợi lên một tình yêu đầy hương vị ngọt ngào, say đắm. Và có lúc họ say nhau đến nỗi nghiện nhau:

Say em như điếu thuốc lào,
Như ăn ả phiện biết ngày nào quên em.

(VVHDGXN, tr. 910)

     Quả thật, tình yêu có sức mạnh và sự thu hút, quyến rũ ghê gớm đối với con người. Khi đã say nhau thì tình cảm đó thật sâu sắc, mãnh liệt, cháy bỏng và không thể nào phôi pha.

     Cách sử dụng từ ngữ xưng hô để biểu lộ tình yêu trong ví phường vải cũng hết sức trìu mến, thân mật, gẫn gũi và chan chứa yêu thương. Theo khảo sát của chúng tôi, có 35 danh từ thân tộc được sử dụng như đại từ nhân xưng với tần suất xuất hiện rất nhiều: 1.234 lần. Tiêu biểu nhất là các cặp từ: anh em; chàng nàng nường; chàng – thiếp; chồng vợ;… Ngoài ra còn một số từ ngữ nhân xưng khác như: khách tương phùng – tương tri, bạn – mình, người tình nhân, quân tử – thuyền quyên,…

     Đặc biệt, tình yêu, sự gắn bó khăng khít, sự quấn quýt, vấn vương của những chàng trai, cô gái được thể hiện bằng một loạt cụm từ đôi ta, hai ta. Kết quả khảo sát cho thấy từ đôi ta được sử dụng đến 95 lần; từ hai ta được sử dụng 12 lần và cùng với nó là 35 hình ảnh so sánh theo cấu trúc: đôi ta như… Trong đó, sử dụng các biểu tượng đơn như: chỉ xe tư, chỉ xe năm, chỉ xe mười, sợi chỉ giăng, con một nhà, đọi nước chè, bộ con cờ, thể con tằm, thể con ong,… hoặc các biểu tượng đôi như: bèo với nước; giường với chăn, rắn với rồng, cúc với khuy, bếp – lửa, cau – trầu, đá với dao, bấc với dầu, thuỷ với ngư, Dương Lễ – Lưu Bình, Phạm Tải – Ngọc Hoa, Kim Trọng với Thuý Kiều, lửa với hương, phấn với hồ, cặp chim non,… Dù sử dụng biểu tượng đơn hay biểu tượng đôi, các hình ảnh so sánh trên đều thể hiện được sự gắn bó mật thiết, keo sơn, tình cảm sâu đậm, thuỷ chung son sắt, luôn đi liền với nhau không thể tách rời một cách đầy tình tứ, gợi hình, gợi cảm và chan chứa yêu thương.

     Không những thế, trong ví phường vải, nhân dân xứ Nghệ còn sử dùng 53 điển tích, điển cố với 167 lượt sử dụng, tiêu biểu như: Thuý Kiều – Kim Trọng; Phạm Tải – Ngọc Hoa; Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga; Tần – Tấn; Phan – Trần, loan – phượng, Nguyệt Lão – Xích Thằng, Chú Cuội – Chị Hằng, trúc – mai, đào – liễu,… để biểu thị sự tương xứng, đẹp đôi giữa trai tài gái sắc; bộc lộ tình yêu sâu sắc, mãnh liệt; thể hiện niềm khát khao hạnh phúc, sum vầy và gắn bó keo sơn mật thiết với nhau.

     Từ ngữ biểu lộ tình yêu đôi lứa còn được sử dụng một cách phong phú, đa dạng nhằm diễn tả nhiều cung bậc tình cảm, sắc thái cảm xúc khác nhau trong tình yêu: nỗi nhớ nhung, chờ đợi; lời hẹn ước, thề nguyền; tình cảm mặn nồng gắn bó, nỗi buồn phiền, sầu muộn chia li; sự trách móc, giận hờn; niềm khát khao sum họp,…

      Có 11 từ và cụm từ với 185 lượt sử dụng trong ví phường vải để khắc hoạ nỗi nhớ da diết, nhiều chiều của các chàng trai cô gái, chủ yếu tập trung nhiều ở phần hát nhớ nhung như: nhớ, nhớ thương, nhớ em, nhớ anh, nhớ chàng, nhớ mình, nhớ thầm, nhớ trộm, nhớ tưởng, nhớ nhớ, nhớ mãi.

     Đây là nỗi nhớ của cô gái đối với người yêu:

Nhớ anh trong dạ bồi hồi,
Như đứng tổ kiến, như ngồi lửa rơm.

(VVHDGXN, tr. 958)

     Cùng chung tâm trạng bồi hồi như cô gái, chàng trai đang một mình đối diện với chính mình để hồi tưởng lại hình ảnh của người con gái mình yêu thương từ khuôn mặt, lời nói, việc làm. Nỗi nhớ da diết, cồn cào, mãnh liệt nhưng hết sức cụ thể và chân thực. Ví dụ:

Nửa đêm ra đứng bờ ao,
Để tơ tưởng mặt, dạ sao bồi hồi.
Nhớ nàng lắm lắm nàng ơi
Nhớ xa nàng kéo nhớ lời nàng than.

(VVHDGXN, tr. 955)

     Tình yêu luôn gắn liền với sự đợi chờ, trông ngóng. Trong ví phường vải, có 16 từ và cụm từ với 143 lượt sử dụng để khắc hoạ tình cảm sâu chắc, bền chặt của trai gái yêu nhau như: đợi, đợi chờ, chờ, chờ đợi, chờ anh, chờ em, chờ chàng, chờ duyên, trông, trông xuôi, trông ra, trông chừng, trông theo, ngong, ngong theo, ngóng trông, Khi đã yêu nhau, họ nhất tâm, nhất dạ hướng về nhau, sẵn sàng đợi chờ nhau bất chấp sự khắc nghiệt của thời gian:

Một niềm vàng đá khăng khăng,
Ba thu cũng đợi, chín trăng cũng chờ.

(VVHDGXN, tr. 887)

     Yêu nhau, họ thề nguyền, nguyện ước với nhau. Nội dung đó được biểu hiện qua 26 từ và cụm từ với 52 lượt sử dụng như: thề, lời thề thốt, lời nguyền, lời thệ hải, chén thề, chén thề son, nguyền, chữ minh sơn, một chữ đồng, kết nguyền, kết chung tình, lời vàng đá, vuông tròn, khăng khăng… Lớp từ ngữ này biểu lộ nguyện vọng, khát khao giữ trọn thuỷ chung, son sắt. Đây là tiêu chí quan trọng nhất trong tình yêu. Càng yêu nhau, họ càng muốn gắn bó lâu dài với nhau, trọn lòng bên nhau đến đầu bạc răng long. Những lời thề nguyền đó thường gắn với từ chỉ thời gian phiếm chỉ mang tính trăm năm để khẳng định thêm độ tin cậy, chắc chắn: Ví dụ:

Trăm năm nguyền với hoàng thiên,
Thề ghi ước cũ, ta bền lòng ta.

(VVHDGXN, tr. 933)

     Trong ví phường vải lớp từ ngữ thể hiện tình cảm mặn nồng sâu sắc, gắn bó khăng khít, sự giao hoà tình tứ cũng được sử dụng khá nhiều. Theo khảo sát của chúng tôi, có 110 từ và cụm từ với 414 lượt sử dụng với nhiều sắc thái khác nhau. Có lúc, đó là sự giao hoà, quấn quýt, tình tứ giữa hai tâm hồn, hai tấm lòng: dan díu, dập dìu, giao hoà, giao duyên, giao hoan, giao lai, gắn bó, giao kề, kết nghĩa giao hoà, giao hoan kết nguyền…

     Có lúc là tình cảm mặn nồng, sâu sắc, bền chặt, mãnh liệt của chủ thể trữ tình như: mê mẩn, mệt mà, tơ tưởng, khăng khít, thắm thiết, mặn nồng, da diết, tương tư, mặn mà, thuận hoà, ngơ ngẩn, gắn bó, đậm đà, mật thiết,… Ví dụ:

Thương nhau da diết diết da,
Áo em hai vạt trải ra anh nằm.

(VVHDGXN, tr. 926)

     Yêu nhau, họ khát khao, ước ao, mong muốn được ở gần nhau, được nên vợ thành chồng, được vui vầy, sum họp và hạnh phúc dài lâu. Qua khảo sát, chúng tôi thu được 8 từ với 81 lần sử dụng thể hiện nguyện vọng và niềm mong mỏi, cháy bỏng của các chàng trai cô gái như: ước, ước sao, ước gì, muốn, muốn cho, muốn vào, muốn đeo, mong ước. Ví dụ:

Ước sao cho hợp một nhà,
Chồng loan vợ phượng đôi ta chung tình.

(VVHDGXN, tr. 940)

     Tuy nhiên, yêu nhau say đắm là vậy nhưng có mấy đôi được thoả lòng mong ước. Trong ví phường vải có một lớp từ ngữ biểu hiện nỗi buồn, sự xa cách, li tán. Qua khảo sát, chúng tôi thu được 89 từ ngữ với 339 lượt sử dụng biểu thị nội dung này. Các từ ngữ này chủ yếu được dùng trong phần hát than trách.

     Tiêu biểu là lớp từ ngữ chỉ tâm trạng như: buồn, cơn buồn, buồn rầu buồn rĩ, buồn riêng, sầu, cơn sầu, sầu riêng, sầu sầu, rầu rầu, bẽ bàng, đắng cay, đau lòng,…

Buồn rầu buồn rĩ, nghĩ lại buồn riêng,
Hai tay bưng quả đào tiên,
Miệng cười hớn hở, dạ phiền tương tư.

(VVHDGXN, tr. 950)

     Lớp từ ngữ chỉ tính cách (nguyên nhân của sự xa cách, buồn đau): bạc tình, bạc nghĩa, lả lơi, buông thả, nghi ngờ, lửng lơ, một dạ hai lòng, tệ bạc, hững hờ, đa mang, đa nghi,… Ví dụ:

Không ai tệ bạc như chàng,
Đang con cả sóng chia vàng giữa sông.

(VVHDGXN, tr. 975)

     Các lớp từ chỉ thân phận khi tình yêu tan vỡ: đa đoan, dang dở, dở dang, lỡ làng, lẻ loi,… Ví dụ:

Đôi ta dan díu chửa xong,
Anh say bạn mới để tôi lỡ làng.

(VVHDGXN, tr. 971)

     Bất lực trước hoàn cảnh, họ thường oán trách, tiếc nuối, ngậm ngùi trước cảnh trái ngang. Trong ví phường vải, qua khảo sát, chúng tôi thu được 3 từ với 63 lượt sử dụng biểu thị nội dung đó như: trách, tiếc, công anh.

     Trước tiên, họ trách chính thái độ lửng lơ, nửa vời, không dứt khoát của chính bản thân mình để tuột mất cơ hội, mất đi người mình yêu thương:

Trách người dám trách ai đâu,
Trách ta lơ lửng để cá ai câu mất rồi.

(VVHDGXN, tr. 986)

     Sau đó, họ trách đối tượng của mình ăn ở hai lòng, bắt cá hai tay, không vẹn tròn chung thuỷ trong tình yêu:

Trách người ăn ở hai lòng,
Có quýt quýt ngọt, có bòng bòng ngon.

(VVHDGXN, tr. 987)

     Một trở ngại rất lớn ngăn cản tình yêu đôi lứa đó chính là cha mẹ của các chàng trai, cô gái. Có thể nói, nó là cái rào cản lớn nhất, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cảnh chia lìa, tan vỡ của tình yêu. Vì thế, họ:

Trách cha trách mẹ muôn phần,
Ngồi trên đống bạc mà cân lấy chì.

(VVHDGXN, tr. 987)

     Có lúc họ bất lực đổ thừa cho duyên số. Trong ví phường vải, từ duyên xuất hiện 159 lần. Duyên theo cách hiểu của Đạo Phật là nguyên nhân, nguyên do. Còn theo Từ điển tiếng Việt, duyên – “phần cho là trời định dành cho mỗi người, về khả năng có quan hệ tình cảm (thường là quan hệ nam nữ, vợ chồng) hoà hợp, gắn bó nào đó trong cuộc đời…” [10,tr. 357]. Trong ví phường vải, duyên được sử dụng chủ yếu để chỉ cơ duyên gắn kết và hạnh phúc trong tình yêu đôi lứa với 29 hình thức diễn đạt khác nhau: duyên, duyên anh, duyên chàng, duyên em, duyên nường, duyên ta, duyên trời, duyên số, duyên phận, duyên nợ,… Vì thế, khi không lấy được nhau, họ đâm ra oán trách duyên số đã khiến thân phận lỡ làng, đa đoan. Ví dụ:

Trách duyên trách số lỡ làng,
Cầm duyên duyên tối, cầm vàng vàng rơi.

(VVHDGXN, tr. 986)

     Họ còn trách cả ông Tơ bà Nguyệt không biết cách xe duyên nên mới gây nên tình cảnh chia lìa:

Trách ông Tơ bà Nguyệt đa đoan,
Xe duyên không chặt, xe càn xe xiên.

(VVHDGXN, tr. 988)

     Có lúc họ lại than trách những thế lực vô hình làm cho họ rơi vào tình cảnh chia lìa, cách trở. Trong ví phường vải, đại từ phiếm chỉ ai được sử dụng tới 80 lần. Trong đó, nhiều nhất là ở phần hát than trách. Ai là một thế lực vô hình, không hiện hữu một cách cụ thể nhưng lại là nhân tố gây nên rất nhiều cảnh trái ngang trong tình yêu. Ví dụ:

Ai làm cho vượn lìa cây,
Cho chim lìa tổ, cho mây lìa rồng.

(VVHDGXN, tr. 962)

     Tuy nhiên, cũng rất nhiều chàng trai, cô gái xứ Nghệ không đầu hàng trước số phận. Họ có thái độ rất dứt khoát, quyết liệt, sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn vất vả, mọi đắng cay, ngăn trở để bảo vệ tình yêu. Một loạt thành ngữ được sử dụng để diễn tả những khó khăn, trắc trở mà các chàng trai, cô gái phải đối mặt, phải vượt qua để đến với nhau.

     Họ sẵn sàng vượt qua mọi sự biến thiên, đổi thay, bất trắc của cuộc sống:

Mặc ai vật đổi sao dời,
Tâm giao ta cứ vững lời tâm giao.

(VVHDGXN, tr. 882)

     Kiên quyết hơn, mạnh mẽ, can đảm hơn, họ sẵn sàng chịu đựng mọi hình phạt nghiêm khắc, nặng nề, đau đớn của gia đình để được trọn đời bên nhau:

Tưởng là cha mẹ đập vài ba roi,
Ai ngờ đập đến chín chục, một trăm roi, Em bò
lăn, bò lóc, em khóc đứng khóc ngồi, Dù bầm
lưng chảy máu vẫn trọn đời theo anh.

(VVHDGXN, tr. 919)

     Thậm chí, họ sẵn sàng đối mặt với những rào cản, những luật lệ hà khắc, những hủ tục lạc hậu của xã hội, những khó khăn, trở ngại của cuộc sống để đến với nhau:

Sợ chi búa thánh gươm thần
Gãy tay không chịu nhụt,
Gãy chân không chịu chừa
Đã yêu nhau thì chín nắng mười mưa
Núi cao bể thẳm cũng tảng lờ mà đi.

(VVHDGXN, tr. 913)

     Qua đây có thể thấy, con người xứ Nghệ không chỉ can đảm, quyết liệt trong đấu tranh chống lại kẻ thù, chống lại thiên tai khắc nghiệt để bảo vệ quê hương, bảo tồn sự sống mà còn rất quyết liệt, dữ dội trong trong việc đấu tranh với những rào cản để bảo vệ tình yêu và hạnh phúc của mình.

     Tóm lại, từ ngữ biểu lộ chủ đề tình yêu được sử dụng đậm đặc, phong phú, đa dạng trong ví phường vải; diễn tả được nhiều màu sắc, nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Nó phản ánh được đời sống tinh thần phong phú, đa dạng, muôn hình, muôn vẻ của các chàng trai cô gái xứ Nghệ: họ yêu nhau say đắm, cháy bỏng; họ nhớ nhung da diết, mãnh liệt; họ khắc khoải trong đợi chờ; họ mơ ước thật bình dị, khiêm nhường nhưng hết sức cao cả; họ oán trách thật nhẹ nhàng nhưng đầy day dứt và ám ảnh. Qua chủ đề tình yêu, chúng ta cũng thấy được bản sắc của người dân xứ Nghệ: tình cảm chân thành, sâu sắc, có lúc hơi thực tế nhưng vô cùng thuỷ chung, son sắt. Đặc biệt là tính cách quyết liệt, mạnh mẽ, can đảm trong việc đấu tranh để bảo vệ tình yêu của mình.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Nguyễn Chung Anh, Hát ví Nghệ Tĩnh, NXB Văn Sử Địa, Hà Nội, 1958.

2. Nguyễn Nhã Bản, Bản sắc văn hoá của người Nghệ Tĩnh (Trên dẫn liệu ngôn ngữ), NXB Nghệ An, 2001.

3. Hoàng Trọng Canh, Từ địa phương Nghệ tĩnh: về một khía cạnh ngôn ngữ văn hoá, NXB Khoa học Xã hội, 2009.

4. Phan Mậu Cảnh, Suy nghĩ về mấy lới hát Ví, Ngôn ngữ và đời sống số 4 (tr. 8).

5. Ninh Viết Giao, Về văn học dân gian xứ Nghệ, NXB Chính trị Quốc gia, 2004.

6. Lê Hàm (chủ biên), Dân ca Nghệ Tĩnh, NXB Âm nhạc, 1991.

7. Phạm Văn Hảo, Từ điển phương ngữ tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2009.

8. Đinh Gia Khánh, Thử tìm hiểu cơ sở lịch sử, xã hội của vùng văn hoá dân gian Nghệ Tĩnh, Văn hoá truyền thống của vùng Bắc Trung Bộ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

9. Đinh Gia Khánh (chủ biên) – Nguyễn Thạch Giang – Kiều Thu Hoạch – Vương Lộc, Bùi Nguyên – Nguyễn Ngọc San – Đặng Đức Siêu – Chu Thiên – Hoàng Hữu Yên, Điển cố Văn học, NXB Khoa học Xã hội, 1977.

10. Hoàng Phê – Vũ Xuân Lương – Hoàng Thị Tuyền Linh – Phạm Thị Thuỷ – Đào Thị Minh Thu – Đặng Thanh Hoà, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2009.

11. Nguyễn Đức Tồn, Đặc trưng văn hoá – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, NXB Khoa học Xã hội, 2008.

NGUYỄN THỊ THUÝ HÀ 1

___________
1. Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội.