Chữ Trung trong ca dao dân ca người Việt
Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ KIM PHƯỢNG
(Thạc sĩ. Nghiên cứu sinh chuyên ngành Văn học
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh)
TÓM TẮT
Chữ trung của Nho giáo đã đi vào đời sống người dân Việt Nam khá sớm, từng là một trong những chuẩn mực đạo đức quan trọng nhất của sĩ dân nước ta. Tuy nhiên, khi chữ trung thâm nhập vào đời sống của người bình dân, với vai trò là những chuẩn mực đạo đức chứ không phải chỉ là chính trị, chữ trung cũng có những thay đổi, khúc xạ sâu sắc. Khảo sát Kho tàng ca dao người Việt (Nguyễn Xuân Kính chủ biên, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin ấn hành 2001), chúng tôi tìm thấy khá nhiều bài ca dao đề cập đến chữ trung với các nội dung: một chữ trung với tinh thần tôn quân tuyệt đối; một chữ trung vì nước, vì dân, vì hai đấng sinh thành và phần lớn chữ trung là đối tượng được mang ra đối sánh với hiếu và tình.
1. Đặt vấn đề
Bắt đầu từ triều Hậu Lê, Nho giáo chính thức được các nhà cầm quyền phong kiến Việt Nam đưa lên vị trí chủ đạo của hệ tư tưởng dân tộc. Ở vị trí chủ đạo, học thuyết Nho giáo trở thành cơ sở lý luận chính trị, được vận dụng vào việc trị quốc, an dân, trong đó có cả việc dựa vào các học thuyết Nho giáo để lập ra luật định, giáo hóa dân chúng. Dựa vào học thuyết Nho giáo, nhà nước phong kiến Việt Nam đặt ra các luật định, các quy tắc, chuẩn hóa cách xử sự chung, hướng người dân hành xử theo cách mà nhà nước muốn. Đạo đức Nho giáo đã được thể chế hóa bằng luật định. Theo thời gian tạo ra nhiều tập quán, nhiều lề thói ăn sâu vào trong nhận thức của mỗi người, góp phần xây nên hệ thống giá trị đạo đức chung của cộng đồng.
Theo sau Nho giáo, nho sĩ là lớp người được xã hội kính trọng và có uy tín. Cách sống, lời nói của họ trở thành khuôn mẫu, phép tắc, người dân học theo để điều chỉnh hành vi, hoàn thiện nhân cách. Họ có ảnh hưởng rất lớn trong việc xây dựng nên ý thức chung của cộng đồng ở nơi họ sinh sống. Khi xã hội phong kiến ở vào thời điểm cực thịnh, nho sĩ vừa đại diện cho hệ tư tưởng thống trị vừa đại diện cho nguyện vọng của dân chúng. Họ trở thành chiếc cầu nối gắn kết hai luồng tư tưởng thống trị và bình dân. Thông qua họ triết lý sống do Nho giáo định hướng đã phổ biến trong dân chúng. Người dân bảo nhau:
… Sao chọn sự nghiệp ra người trượng phu
Làm sao nên tiếng danh nho
Thần trung, tử hiếu để cho khen cùng(1).
Đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến việc tìm hiểu Nho giáo trong ca dao dân ca người Việt. Song các công trình hầu hết dựa trên quan điểm tách bạch, một bên thuộc văn hóa bác học, sản phẩm tinh thần của những người có học, một bên là văn hóa dân gian, sản phẩm của tầng lớp bình dân. Đứng về phía người dân, mục đích đem lại sự công bằng cho người dân và thỏa mãn lòng tự tôn dân tộc, họ xem các khái niệm Nho giáo như là những giáo điều hủ bại. Nếu có nhìn thấy mặt tích cực, thì cũng xem đó là cách khái quát hóa các quan niệm đạo đức đã có sẵn trong dân gian. Nội dung Nho giáo đã mất đi, hay được Việt hóa khi thâm nhập vào đời sống người dân. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tìm hiểu về sự tiếp nhận khái niệm ”trung” trong Nho giáo của người dân, bước đầu cho thấy thái độ của người dân đối với đạo đức Nho giáo. Trong hệ thống triết lý đạo đức Nho giáo, có thể nói “trung” là một trong những triết lý sống còn mang đậm dấu ấn Nho giáo sau một thời gian dài thâm nhập vào đời sống người dân.
Khảo sát 12.487 bài ca dao trong tổng tập Kho tàng ca dao người Việt, Nguyễn Xuân Kính chủ biên, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2001, chúng tôi tìm thấy có ba mươi bài đề cập đến khái niệm “trung” của Nho giáo với các nội dung: Một chữ trung quân với tinh thần tôn quân tuyệt đối; một chữ trung biến chuyển theo phép quyền biến của Khổng Tử là vì nước, vì dân, vì hai đấng sinh thành và một chữ trung là đối tượng được mang ra đối sánh với hiếu và tình.
2. Nội dung
2.1. Trung quân
Chúng ta nghe người dân khuyên bảo nhau: “Làm tôi cứ ở cho trung/Đừng ở hai lòng sau hóa dở dang”. Với cách dùng từ “cứ”, câu thơ không chỉ thể hiện chủ ý khuyên bảo mà còn cho thấy một niềm tin tuyệt đối vào kết quả của hành động nếu được nghiêm túc thực hiện. Kết quả đó được đưa ra trong một thể mệnh lệnh cách phủ định ở câu thứ hai. Từ “đừng” ở đầu câu cùng với kết quả âm tính trong hàm ý giả định (nếu không thực hiện đúng thì kết quả xấu) đã khẳng định cho tính chân lý của câu thứ nhất. Ý nghĩa cuối cùng mà tác giả câu thơ muốn hướng đến là tính chính thống và hằng thường của triết lý trung quân. Trên hết, đó là đạo lý cơ bản mà phận làm tôi phải tuân theo, buông lỏng đạo lý ấy người dân sẽ mất phương hướng, mất đi sự tự tin, đồng nghĩa với việc họ bị rơi vào tâm trạng chơi vơi. Cơ hội để lập thân không còn và hậu quả là khó có thể “ra người trượng phu”.
Trong số 30 bài ca dao đề cập đến khái niệm Trung, chúng tôi tìm thấy có tám bài mang nội dung liên quan đến ý nghĩa trên. Mặc dù số lượng không lớn nhưng chúng có thể chứng minh một điều: một chữ trung thần tôn quân tuyệt đối đã được người dân tiếp nhận, lưu truyền cho đến ngày nay. Họ dường như chấp nhận thân phận kẻ dưới như lời của Đổng Trọng Thư, người đã đưa thuyết trung quân đến chỗ cực đoan duy tâm: “Trời là vua nên che phủ và ban ơn bầy tôi; đất là bầy tôi nên nâng đỡ và giúp vua” (Phùng Hữu Lan, 2007, tr. 42). Yếu tố này phù hợp với chế độ quân chủ chuyên chế nên nó được khai thác triệt để. Ở Việt Nam nó được vận dụng vào luật pháp để thể chế hoá các hành vi có liên quan đến ngôi thiên tử nhằm nâng ý thức trung thần lên mức “tín ngưỡng”. Xem Đại Việt sử ký toàn thư, chúng ta thấy bắt đầu từ đời vua Trần Thái Tôn, lòng trung quân đã được quy định trong điều lệ, thần dân phải thề: “Làm tôi hết trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết” (Cau Huy Giu dịch, 1971, tập 2, tr. 439). Đến đời Lê, trong Quốc triều chiếu lệnh thiện chính, vua Lê Huyền Tông (1662-1671) ra chỉ dụ: “Vi nhân hữu tam cương ngũ thường chi đạo” (làm người phải lấy tam cương ngũ thường làm đường lối mà theo) (Vũ Văn Mẫu, 1971, tr. 109). Theo Vũ Văn Mẫu, từ đời nhà Lý cho đến đời Nguyễn, luật hình xếp tội lật đổ nền cai trị của vua đứng đầu trong thập ác (Vũ Văn Mẫu, 1971, tr. 165). Điều đó cho thấy triều đình phong kiến đã đẩy ý nghĩa trung quân từ một cách hành xử trong hành đạo của người quân tử lên thành luật vua, phép nước, lấy hình phạt cao nhất để răn đe. Nó vừa làm tăng sự uy nghi của vua vừa làm cho đạo lý trung quân mang màu sắc thiêng liêng. Trung không còn đơn giản chỉ là một hành vi ứng xử với người trên mà còn là bổn phận cao nhất của một kẻ bề tôi với vị vua – Trung quân. Trung quân khắc ghi trong tâm thức của mỗi người và được lưu truyền bằng nhiều hình thức, trong đó có cả ca dao. Vẫn một văn phong khuyên dạy, bảo ban nhau: “Làm người phải biết cương thường/Xem trong ngũ đẳng, quân vương đứng đầu…”
Giản Chi đã nhận xét về tình thế tiếp nhận chữ trung quân từ phía nho sĩ của người dân: “Nhà Nho của ta hồi xưa khi giảng về Y Doãn, về vua Thuấn, không hiểu có ai dám đưa những hành động của hai ông đó lên làm quy tắc không; nếu có thì sao cái quan niệm về trung, về hiếu của các cụ thường hẹp hòi làm vậy” (Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, 2004, tập 2, tr. 482). Người dân đã được “nhồi đầu” triết lý trung trinh theo chủ đích của một số nho sĩ. Một khả năng khác cũng có thể xảy ra. Khái niệm trung quân được phổ biến vào dân chúng khi mà nhà nước phong kiến còn là đại diện về quyền lợi chung của dân tộc. Trung với vua là trung với dân vì thế khái niệm trung quân tuyệt đối đã được dân chúng đồng tình. Tuy nhiên, dù là được phổ biến trong thời điểm lịch sử nào, với mục đích gì thì qua văn bản ca dao chúng ta thấy khái niệm trung quân Nho giáo đã có một vị trí nhất định trong tâm thức người dân.
Khái niệm trung quân cực đoan trở thành một chuẩn mực luân lý, được hấp thu từ bé. Nó khắc ghi vào tâm khảm của người dân và trở thành lẽ sống, mục đích sống cao nhất của đời họ. Vì thế, khi đứng trước sự chọn lựa giữa tình, hiếu và trung họ đã đau xót chấp nhận bỏ lại chữ tình để làm tròn đạo hiếu trung.
Quân xử thần tử,
Thần bất tử bất trung.
Phụ xử tử vong,
Tử bất vong bất hiếu,
Phận em liễu yếu vưng (vâng) lịnh nghiêm đàng,
Em kết dươn (duyên) với khách, ngỡ ngàng nước non
(Huỳnh Ngọc Trảng, 1998, tr. 258).
Những biến động của xã hội Việt Nam và sự phân hóa mạnh mẽ diễn ra trong tầng lớp nho sĩ đã dẫn đến sự xuất hiện những quan niệm trung linh động. Xã hội phong kiến Việt Nam bước vào giai đoạn suy vi. Triều đình phong kiến thể hiện sự hèn kém không đảm đương nổi vai trò xã hội của mình thì cả nho sĩ lẫn người dân đã có những thay đổi về nhận thức. Chữ trung không còn cứng nhắc như trên. Nó đã mang một nét nghĩa mới. Đức trung song hành với đức hiếu hướng đến dân, đến nước và hai đấng sinh thành.
2.2. Trung đi với hiếu, hướng đến nước, dân và hai đấng sinh thành
Vào giai đoạn suy vi, triều đình phong kiến Việt Nam duy trì một bộ máy quan lại vô đạo, bất tài như người dân phản ánh:
… Những phường dốt nát lên ngồi làm quan…
Các quan trung nghĩa trong triều
Về nhà ngồi xó liệu chiều thủ thân
Những quân vô nghĩa nịnh thần
Tìm thầy, tìm cách lần lần thăng quan…
Người đứng đầu nhà nước thì được ví như lợn, quỷ, đẩy người dân rơi vào bi kịch, hiện thực cuộc sống mâu thuẫn với những gì được học từ sách thánh hiền. Chua chát hơn khi họ lại bị chính những lý tưởng mà xưa nay họ tôn thờ phản bội: “Người trung mắc nạn lao tù/Để cho người nịnh võng dù nghênh ngang”. Tình cảnh ấy đã đẩy người dân rơi vào tâm trạng thất vọng bất mãn, bất cần. Họ bảo rằng: “Khó thì hết thảo hết ngay/Công cha cũng bỏ, nghĩa thầy cũng quên”.
Các giềng mối xã hội đã dần trở nên lỏng lẻo. Người dân đã không thể giữ mãi lòng trung tuyệt đối với vua được. Phép quyền biến của Khổng Tử đã được vận vào để thích ứng với hoàn cảnh. Vua không còn vì dân, không còn đại diện cho quyền lợi của quốc gia dân tộc thì họ chọn việc lo cho vận nước, lo cho dân làm lý tưởng sống. Xưa kia Khổng Tử đã từng khuyên các học trò của mình: “Các ngươi hãy lắng nghe. Nước trong thì giặt dải mũ, nước đục thì rửa bàn chân. Đó là người tùy theo sự trong đục, xấu tốt mà dùng vậy” (Đoàn Trung Còn, 2006, tr. 19). Người dạy học trò phải biết tùy thời mà hành đạo mới là người nhân, trí. Ở Việt Nam, những nho sĩ am hiểu sâu sắc về Nho học đã hành xử theo lời dạy trên, tiêu biểu như Nguyễn Trãi, Lương Đắc Bằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Cư Trinh,… Sau này có Phan Bội Châu. Phan Bội Châu đã bộc lộ tâm, chí khi đối đáp với một phụ nữ trong một dịp tham gia hát phường vải: “Đêm xuân gặp gỡ giữa đường/Non sông một đội cương thường hai vai” (Ninh Viết Giao, 2002, tr. 145).
Ở đây không có hình ảnh của vua, không hô hào tinh thần trung quân cứng nhắc, chỉ còn một nỗi lòng lo cho nước, cho dân. Lý tưởng của ông hoàn toàn hướng về dân, trung với dân. Nhiệm vụ vì vận mệnh non sông, đất nước được đặt lên hàng đầu. Nỗi lòng đó được người dân chia sẻ, đồng cảm và khắc họa rõ nét hơn: “Hai vai gánh nặng trìu trìu/Vai mang chữ hiếu vai đèo chữ trung”.
Triều đình phong kiến dần tách bạch quyền lợi gia tộc ra khỏi quyền lợi quốc gia, đặt vấn đề phân biệt giữa cá nhân và tập thể, đẩy nho sĩ và người dân đứng trước tình cảnh phải chọn lựa. Chọn lựa bên nào là do cái đức hạnh nhân ái trong họ sẽ mách bảo. Lịch sử đã ghi lại nhiều gương trung thần như Lê Phụng Hiểu, Tô Hiến Thành, Nguyễn Trãi, sau này là Trương Định, Lê Văn Khôi,… Điều đó phần nào giúp người dân nhận ra đạo lý trung trinh không có sự cứng nhắc, ngu muội. Người trung là người phải vì quyền lợi của cộng đồng của dân tộc mà hành xử, đặt vận mệnh quốc gia dân tộc lên trên hết.
Trách nhiệm của một công dân thôi thúc họ tìm kiếm con đường giúp dân giúp nước. Khi vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương, thân là phụ nữ không thể thực hiện được ước muốn, người mẹ gửi ước nguyện ấy vào con, mong muốn con làm thay. Bằng lời ru người mẹ nhẹ nhàng nhắn gửi tâm nguyện của mình và định hướng lý tưởng cho đứa con:
Giấc hòe giấc quế êm êm
Chữ trung chữ hiếu mẹ tìm mẹ ru
Ru con ước những khang cù
Ru con tạc tỉnh hữu chu đạo thường
Ru con bất khải bất môn
Ru con ứng chiếu cầu hiền quốc gia…
Nhưng thực tế phong trào Cần Vương và nhiều cuộc khởi nghĩa khác đi đến chỗ thất bại. Sự hy sinh, mất mát quá lớn có lẽ đã làm họ co lại. Người dân một lần nữa phải đứng trước tình huống chọn lựa giữa trách nhiệm của một công dân và bổn phận của một người con. Họ nghiêng về gia đình, thực hiện bổn phận của người con. Họ tập trung vào việc đền ơn, đáp nghĩa sinh thành của cha mẹ. Vì thế, hàm nghĩa chữ trung của người dân có thêm một nét nghĩa mới:
Hữu bằng tự viễn phương lai
Lạc hồ quân tử lấy ai bạn cùng
Chữ hiếu, chữ trung là trung với mẹ
Chữ nhân, chữ nghĩa là ái với ân…
Tình cảm và niềm hy vọng của người dân tập trung vào gia đình với những người thân yêu nhất. Nơi đó ngoài tình thâm máu mủ, còn là nơi mà những chuẩn mực luân lý vẫn còn nguyên giá trị. Nơi đó bậc sinh thành là những hình mẫu thống nhất hài hòa giữa đạo lý và hành động. Với họ, cha mẹ không chỉ là người sinh dưỡng mà còn là bậc tín thật, đáng kính nhất. Lẽ sống, mục đích sống của người con trở nên đơn giản hơn. Họ dồn tâm sức vào việc đền công cha, ghi nhớ nghĩa mẹ. Hiếu trung với cha mẹ trở thành là lẽ sống, là niềm an ủi, là điểm đậu an toàn nhất khi sóng gió cuộc đời vây lấy họ. Họ tuyên bố:
Nên thì lập kiểng trồng hoa,
Chẳng nên đá kiểng, trồng cà dái dê.
Chẳng nên thiếp trở lộn về
Dưỡng nuôi từ mẫu trọn bề hiếu trung.
Hiếu trung với cha mẹ không chỉ là việc thực thi cái lễ đối với người trên mà trong đó bao gồm cả tình thâm, sự đền ơn đáp nghĩa đối với những bậc sinh thành. Đạo hạnh lớn nhất đối với người dân lúc bấy giờ là hiếu trung với cha mẹ. Thế rồi chính cái đại đạo ấy đã đẩy họ đến một bi kịch, mang tâm trạng dằn vặt khó xử khi tình yêu lứa đôi trỗi dậy. Chúng ta thấy bối cảnh bộc lộ lòng trung hiếu trong ca dao thường là do bi kịch tình yêu dẫn dắt. Tình thâm máu mủ, cùng với bóng cả nghĩa mẹ, ơn cha không thể làm dịu được tình yêu khi người con bước vào tuổi yêu đương. Vì thế, nhiều lần họ đã phải cân nhắc giữa trung, hiếu và tình.
2.3. Trung đặt đối sánh với hiếu và tình
Chữ trung, hiếu, được mang ra đối sánh, cân nhắc với chữ tình, cấu trúc đối sánh chúng ta thường thấy trong ca dao:
Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm lấy áo ta đề câu thơ
Câu thơ ba chữ rành rành,
Chữ “trung”, chữ “hiếu”, chữ “tình” là ba.
Trong đạo lý của những người con dân quê không chỉ có cái lý trí của đạo hiếu, lòng trung mà còn có cái tình. Chữ trung biểu hiện trách nhiệm công dân, vì nước; chữ hiếu là đạo làm con trong gia đình; chữ tình là nghĩa tào khang, sự đòi hỏi thỏa mãn tình cảm, ham muốn cá nhân. Đây là ba đạo lý mà Nho giáo đã từng đề cập. Tuy nhiên, chưa có sự cân bằng, thường vẫn thiên về trung hay hiếu. Còn tình, tình cảm lứa đôi được đặt trong giới hạn ràng buộc trách nhiệm, bổn phận giữa các thành viên trong gia đình biểu hiện qua mối quan hệ thứ ba trong ngũ luân (hay trong tam cương): Vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bằng hữu, thiếu cái xúc cảm ngọt ngào, say đắm của tình trai gái. Trong ca dao, cả ba đã được đặt cạnh nhau trong thế đối sánh, tạo nên một thế đứng kiềng ba chân, một thế đứng lý tưởng bởi sự vững chắc của nó. Đối với đời sống người dân lao động thế đứng đó giúp cho đời sống tâm hồn của họ cân bằng, thoải mái, giúp họ giải thoát được trạng thái ức chế đến nghẹt thở bởi sự áp đặt phi lý của những giáo điều. Đó cũng là một nét đẹp của ca dao và cũng là mục đích ra đời của nó. Ở khía cạnh đạo đức, chúng ta thấy ca dao Việt Nam đã chỉ ra và khỏa lấp điểm khiếm khuyết mà lâu nay chúng ta cho là một trong những mặt tiêu cực lớn nhất của Nho giáo.
Nho giáo luôn tin vào sự ảnh hưởng bên ngoài, sự lĩnh hội lý lẽ từ giáo dục giúp con người có đủ lý trí để kiềm nén, kiểm soát những dục vọng bản năng bên trong, trong đó có tình cảm lứa đôi. Chính sự tách bạch ham muốn bản năng và lý trí, tập trung vào trí xem nhẹ tình đã làm giảm ý nghĩa nhân văn của Nho giáo. Và nó đã gặp sự phản ứng, khi con người tìm về cái tôi cá nhân, thời điểm mà đời sống riêng tư của mỗi người được quan tâm hơn. Mặt khác, đạo lý trung hiếu đã trở thành giáo điều, khi người dân bị chính những người xưa nay họ tôn thờ phản bội. Triết lý đạo đức Nho giáo xuất xướng trở thành giáo điều, trói buộc người dân đến ngạt thở. Họ tìm cách vùng vẫy thoát khỏi sợi dây cột bắt đầu mục rữa, những chuẩn tắc đạo đức cứng nhắc của Nho giáo. Sự giằng co giữa cuộc sống vì người và vì mình cho thấy những giáo lý đạo đức Nho giáo đã bị nghi ngờ. Nó phải đối đầu với những ham muốn dục vọng bản năng. Trong thế đối đầu đó nhiều lần dục tình đã thắng. Nó đánh thức ham muốn cá nhân trong mỗi con người. Người con trai đã trăn trở, dằn vặt vì đã phụ tình vì trung hiếu:
Đêm nằm day mặt trở ra,
Ngày nay mới biết cô ta thương mình.
Mình giữ chữ trung, chữ hiếu
Còn thiếu chữ ân tình.
Đạo chồng nghĩa vợ sao mình vội vong.
Làm thơ giấy trắng cẩn phong,
Tình thương ngãi nhớ ở trong…
Chủ đề lớn nhất của ca dao là tình cảm lứa đôi, khỏa lấp các nội dung khác. Trong khi đó thì đạo lý Nho giáo lại có hướng ngược lại như chúng ta thấy. Sự tương phản này đôi khi chúng ta vẫn tưởng giữa ca dao và Nho giáo có sự đối kháng quyết liệt. Điều này có phải là bản chất của các hiện tượng trên hay không?
Khảo sát của chúng tôi cho thấy, người dân đã lĩnh hội chữ trung như là một đức hạnh quan trọng. Trung là một trong những thước đo phẩm giá của xã hội đối với nhân cách của một người. Đồng thời, với hình thức xuất hiện dưới lớp vỏ ngôn ngữ là “chữ trung” thường thấy, khái niệm trung phức tạp, thâm thúy của Nho giáo được cô đọng thành một dạng bài học đơn giản, thực tế để người dân dễ lĩnh hội. Người dân đã thu nhận và trân trọng lưu giữ, rồi truyền dạy cho nhau những đạo lý Nho giáo, trong đó có chữ trung, như những phẩm hạnh tốt đẹp nhất. Chữ trung của Nho giáo đã có những ảnh hưởng tích cực trong việc hình thành nên nhân phẩm, đạo đức của người dân Việt Nam, cương trực, ngay thẳng và nghĩa khí như hình ảnh của Tử Trực, Hớn Minh trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Tuy nhiên, cách biểu hiện quá thẳng thắn. Xưa kia Khổng Tử có nói: “Ngay thẳng quá lễ thành ra gắt gỏng, cấp bách” (Đoàn Trung Còn, 2006, tr.121), làm chúng ta hiểu rằng đây là một cách chống lại lễ giáo phong kiến của người dân.
Từ khảo sát cũng cho thấy một vấn đề, ngay cả khi vì mãi theo đuổi chữ trung, chữ hiếu mà đánh mất tình yêu, trong mỗi người dân vẫn tồn tại một tâm trạng day dứt, một ý thức cố gìn giữ đạo lý, khuôn phép mà Nho giáo đã đặt ra như bài ca dao trên: “Đạo chồng nghĩa vợ sao mình vội vong”. Người con trai, người chồng vẫn mang một tâm trạng hối hận, vì đã lỗi đạo phu phụ cho dù là phải nghe theo cha mẹ. Đạo lý Nho giáo vẫn như là kim chỉ nam, định hướng hành xử cho mọi người thì sao chúng ta có thể cho rằng người dân chống đối lại các lễ giáo phong kiến?
3. Kết luận
Việc nho sĩ tham gia sáng tác ca dao, tạo ra một mối quan hệ tương hỗ, biện chứng. Ca dao là nơi họ bộc bạch tâm, chí, tình, phần nào chia sẻ, giải tỏa những u uất đang chất chứa trong họ. Đồng thời, cũng chính họ là những nhân tố mang các triết lý Nho giáo, trong đó có chữ trung vào ca dao, từ đó nó được lan tỏa khắp nơi. Với phương tiện là ca dao về mặt văn bản, dân ca về hình thức truyền khẩu thì hiệu ứng của nó càng cao. Sự trân trọng của người dân đối với bậc túc Nho, lời của họ là khuôn vàng thước ngọc, luôn phải khắc ghi. Kết hợp với thể loại ca hát làm tăng khả năng thâm nhập vào bộ nhớ của người dân. Trong sự thâm nhập đó có lẫn những yếu tố tiêu cực khó kiểm soát được, nên trung vì vua, sống vì vua không phải chỉ tồn tại trong triết lý của một số nho sĩ ngu trung mà còn có cả trong một bộ phận dân chúng. Nội dung này có sự tiếp sức tích cực và quyết định của các luật định, xuất phát từ mục đích giáo hóa của triều đình phong kiến. Tuy nhiên, người dân không cứng nhắc bị động tiếp thu nghĩa tiêu cực đó. Chúng ta thấy trong hơn 12.000 lời ca dao dân ca, với ba mươi bài có đề cập đến chữ trung chỉ có tám bài đề cập đến nội dung này. Phần còn lại là ý nghĩa của chữ trung mới mẻ, thực tế là trung với nước, với dân và với cha mẹ. Họ phân định rõ ràng “Chữ trung thì để phần cha, chữ hiếu phần mẹ”. Ý nghĩa này phản ánh sự thay đổi trong nhận thức của người dân. Lẽ sống, mục đích sống của họ giờ là “dưỡng nuôi từ mẫu cho trọn bề hiếu trung”. Phần tâm trí khác họ hướng đến tình yêu. Cái mà luôn trào dâng trong họ nhưng nếu tuân theo những chuẩn tắc đạo đức cứng nhắc của Nho giáo, họ buộc phải đè nén. Đến một giới hạn thì sự đè nén phải được giải thoát, người dân chọn hướng giải thoát bằng cách bộc bạch thẳng nỗi lòng. Nỗi lòng đang dằn vặt giữa lý trí và dục vọng, giữa đạo lý và xúc cảm. Họ không ngần ngại tỏ rõ xu hướng họ ngả theo vế thứ hai. Đó là đời sống thật, là nhu cầu thật của mỗi con người, bất kể một học thuyết, lý luận hướng tới con người nào cũng cần phải quan tâm. Ý nghĩa này đã từng hiểu là sự đấu tranh chống lễ giáo phong kiến của ca dao dân ca. Trên phương diện đạo đức, tách hẳn ý nghĩa chính trị, đây có thực sự là một cuộc đấu tranh hay là một cách phản biện để hoàn thiện một hệ thống triết lý nhân văn chưa phù hợp với đời sống hiện thực?
Chú thích:
(1) Tất cả những câu ca dao không đánh số chú thích trong bài viết được trích từ Kho tàng ca dao người Việt, tập 1, 2. Nguyễn Xuân Kính (chủ biên), Phan Đăng Nhật, Phan Đăng Tài, Nguyễn Thúy Loan, Đặng Diệu Trang. Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 2001.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cau Huy Giu (dịch). 1971. Đại Việt sử ký toàn thư. Tập 2. Hà Nội: Nxb. Văn hóaThông tin.
2. Đoàn Trung Còn. 2006. Mạnh Tử. Huế: Nxb. Thuận Hóa.
3. Đoàn Trung Còn. 2006. Luận ngữ. Huế: Nxb. Thuận Hóa.
4. Giản Chi-Nguyễn Hiến Lê. 2004. Đại cương triết học Trung Quốc. Tập 2. Hà Nội: Nxb. Thanh Niên.
5. Huỳnh Ngọc Trảng. 1998. Ca dao dân ca Nam kỳ lục tỉnh. Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai.
6. Nguyễn Xuân Kính (Chủ biên), Phan Đăng Nhật, Phan Đăng Tài, Nguyễn Thúy Loan, Đặng Diệu Trang. 2001. Kho tàng ca dao người Việt. Tập 1, 2. Hà Nội: Nxb. Văn hóaThông tin.
7. Ninh Viết Giao. 2002. Hát phường vải. Hà Nội: Nxb. Văn hóa-Thông tin.
8. Phùng Hữu Lan. 2007. Lịch sử triết học Trung Quốc. Tập 2. Hà Nội: Nxb. Khoa học
Xã hội.
9. Vũ Văn Mẫu. 1971. Cổ luật Việt Nam thông khảo. Sài Gòn: Nxb. Sài Gòn.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, số 7 (179), năm 2013
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Chữ Trung trong ca dao dân ca người Việt (Tác giả: Nguyễn Thị Kim Phượng) |