Chùa Xuân Lũng – xã Xuân Lũng (xếp hạng năm 1980)
Chùa Xuân Lũng (tên chữ: Phổ Quang tự), tọa lạc trên một quả gò thuộc xóm Chùa, xã Xuân Lũng. Nhìn về hướng Tây, chùa Xuân Lũng được xây dựng vào khoảng đầu thời Trần, trải qua nhiều lần tu sửa, lần tu sửa lớn nhất vào đầu thế kỷ XVII – năm 1629.
Mặt bằng tổng thể kiến trúc chùa Xuân Lũng gồm: Tam quan – gác chuông, nhà bia, tòa Tam bảo. Tòa Tam bảo kiến trúc kiểu chữ Công, gồm: Bái đường, Thiêu hương và Chính điện. Bộ khung kết cấu gỗ với các bộ vì nóc làm theo kiểu “Thượng giá chiêng, chồng rường – hạ kẻ”. Chùa Xuân Lũng hiện lưu giữ được hơn 30 pho tượng chất liệu gỗ và thổ, được bài trí trên bệ xây.
Công trình kiến trúc tiêu biểu trong di tích chùa Xuân Lũng là Tam quan – Gác chuông, một trong số ít những Tam quan – Gác chuông còn bảo lưu được kiến trúc cổ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, với hệ mái chồng diêm 2 tầng 8 mái, đao cong thanh thoát, bờ nóc đắp hình Long cuốn thủy. Thượng lương khắc hàng chữ Hán: “Hoàng triệu Minh Mạng nhị thập niên” (tức Minh Mạng năm thứ 12 – năm 1839), các đầu được chạm khắc hình hoa sen. Trên gác chuông treo quả chuông đồng “Phổ Quang tự chung” và khánh đồng đều có niên đại đúc năm Minh Mạng nhị thập niên – năm 1839.
Chùa Xuân Lũng hiện còn lưu giữ bệ đá hoa sen – một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lý – Trần với niên đại tạo tác “Xương Phù thập niên – Tức Xương Phù năm thứ 10 – năm 1388, triều vua Trần Phế Đế”. Bệ đá hoa sen cấu tạo hình chữ nhật, kích thước: Cao 1,05m, rộng 1,25m, dài 3,30m, được kiến tạo bằng các phiến đá xanh ghép lại với nhau hết sức hoàn hảo, đỡ bộ tượng Tam thế. Bệ đá hoa sen gồm 5 tầng, điêu khắc trang trí ba mặt, mặt sau chỉ chạm cánh sen tầng trên cùng. Các hoa văn trang trí theo đề tài: Rồng và động vật, đều được thể hiện trong các ô hình chữ nhật. Tầng trên cùng được tạo bằng 9 phiến đá, bốn bề chạm khắc cánh sen với 3 lớp cánh, trong cánh sen ở hai lớp dưới có diềm khắc chìm với những chấm tròn nhỏ tượng trưng cho 4 phương 8 hướng của đạo Phật; phần giữa bệ hơi trũng tạo cho cả bệ đá hình dáng như con thuyền cổ với hai đầu hơi cong. Tầng thứ hai gồm 10 phiến đá ghép được trang trí cánh sen cách điệu xung quanh với 2 lớp cánh. Tầng thứ ba gồm 10 phiến đá ghép, mặt
trái chạm hình con hươu dáng đi thư thả, đầu ngoảnh lại, miệng cặp cành hoa hải đường to, phủ khắp thân hươu. Mặt trước bệ chia 5 ô to, nhỏ: Ô 1 và ô 5 chạm trang trí rồng đề tài “Độc Long” với đặc trưng rồng thời Trần; ô 2 khắc niên đại (niên hiệu Xương Phù thứ 10 – năm 1388, Đinh Mão) và tên người công đức bệ đá bằng chữ Hán (điền chủ tiểu học chi hầu Nguyễn Chiêu…); ô 3 ở trung tâm bệ đá, tất cả ô này được thể hiện trong hình lá đề cách điệu và chạm khắc 5 tia mặt trời chính giữa, hai bên là bông hoa sen và nụ sen…; ô 4 khắc chữ Hán tên người cùng cung tiến bệ đá tòa Tam bảo vào chùa (Sử đài điền ngự thư hà chính thư tên là Nguyễn Nạp), mặt trái khắc cành hoa; bốn góc bệ ở tầng này chạm 4 hình Linh điểu trên trán khắc chữ “Vương”, vững chãi đỡ tòa sen. Tầng thứ tư cấu tạo 13 phiến đá, có 8 ô chạm trang trí các họa tiết: Sư tử vờn hoa hải đường; hoa cúc sống động; đặc biệt là hình tượng con rồng với đặc điểm độc đáo của nghệ thuật thời Trần với đề tài “Cá hóa rồng”. Tầng thứ năm được cấu tạo thành chân bệ với 2 cấp: Cấp dưới gồm 13 phiến đá, cả 3 mặt đều chạm các hình hoa cúc chìm; cấp trên tạo dáng kiểu chân quỳ, bốn góc bệ chạm hình mây cụm.
Bệ đá hoa sen chùa Xuân Lũng là tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật đặc sắc, hiếm hoi còn lại của thời Trần, một thời đại hào hùng trong lịch sử dân tộc với hào khí Đông A lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông.
Nguồn: Kỷ yếu Di tích – Lễ hội văn hóa huyện Lâm Thao
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Chùa Xuân Lũng – xã Xuân Lũng (xếp hạng năm 1980) |