Cơ sở lý luận và thực tiễn của nghiên cứu khoa học về gia đình hiện nay
Tác giả bài viết: Giáo sư, Tiến sĩ LÊ THỊ QUÝ
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và phát triển)
Gia đình là một thiết chế xã hội đặc biệt trong cơ cấu của xã hội. Sự ổn định và phát triển của gia đình có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự ổn định và phát triển xã hội. Giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam là một nước có truyền thống tôn trọng gia đình. Gia đình vừa là chỗ dựa về kinh tế, vừa là nơi nương tựa về tinh thần cho con người trong suốt cuộc đời nhiều khó khăn và trắc trở. Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng: Gia đình ở nước ta, bên cạnh những bước phát triển mới, tiến bộ, thuận lợi cũng đó phải đối diện với rất nhiều thách thức và bước đầu cũng đã có những dấu hiệu của sự khủng hoảng. Bởi vậy, nghiên cứu về gia đình nhằm xây dựng những luận cứ khoa học cho việc củng cố và phát triển gia đình là một trong những vấn đề quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Bài viết này sẽ đề cập tới cơ sở về lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu gia đình hiện nay ở Việt Nam.
1. Cơ sở lý luận của nghiên cứu khoa học về gia đình
1.1. Đóng góp về lý luận của các nghiên cứu gia đình trên thế giới
Các lý thuyết về gia đình đã ra đời trên cơ sở nghiên cứu gia đình của các nhà khoa học trên các lĩnh vực Triết học, Sử học, Khảo cố học, Kinh tế học, Dân tộc học, Xã hội học, Nhân loại học, Tâm lý học, Văn học, Sinh học, Giáo dục học, Văn hóa học, Giới… Có thể nói gia đình gắn với con người và xã hội là một đối tượng nghiên cứu khoa học của nhiều ngành khoa học khác nhau vô cùng hấp dẫn và phong phú. Chính điều này đẩy tới nhu cầu phải liên kết các ngành khoa học lại với nhau trong nghiên cứu gia đình và dẫn đến việc hình thành một chuyên ngành khoa học còn khá mới mẻ mà người ta gọi là Gia đình học (Family Study).
Trên thế giới, những nghiên cứu khoa học về gia đình một cách thực sự bài bản và có hệ thống được bắt đầu từ thế kỷ 19. Trước hết là lý luận của chủ nghĩa Marx – Lê Nin về gia đình về chế độ một vợ một chồng, bình đẳng giới, gia đình dựa trên tình yêu, con người sống có trách nhiệm với nhau. Ngoài ra, còn có rất nhiều nhà tư tưởng đã nghiên cứu về gia đình và có nhiều đóng góp về lý luận và phương pháp nghiên cứu Gia đình nói chung và Xã hội học Gia đình nói riêng. Những lý luận của họ đã soi đường cho chúng ta. Đó là các nhà triết học cổ Hy Lạp Arystoteles (384-322) trước Công nguyên; Platon, Hêghel, các nhà triết học duy tâm khách quan nổi tiếng của nước Đức; các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng, Thomas More, Charle Furier, Robert Owen, Saint-Simon; các triết gia cổ của Trung Quốc như Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, Trình Y Xuyên, Đổng Trọng Thư; các nhà Xã hội học kinh điển như Auguste Comte (1798-1857), nhà triết học Pháp, một trong những nhà sáng lập ra bộ môn Xã hội học, cha đẻ của Chủ nghĩa thực chứng thuộc phái Cấu trúc chức năng; Emile Durkheim (1858-1917) nhà xã hội học người Pháp gốc Do Thái, người đầu tiên viết về nạn tự tử và sai lệch chuẩn mực xã hội; Georg Simmel (1858-1918) nhà Xã hội học người Đức gốc Do Thái, đại biểu của thuyết Tương tác xã hội; Herbert Spencer (1820-1903), nhà sinh vật học xã hội Anh; Frederic Le Play (1800-1882), nhà xã hội học Pháp, người đề xướng nghiên cứu thực nghiệm về gia đình; Max Weber (1864-1920), nhà xã hội học người Đức; George Herbert Mead (1863- 1931), nhà xã hội học Mỹ, người sáng lập ra thuyết “Tương tác biểu trưng”; Robert K.Merton (1910-2003), Talcott Parsons (1902-1979), các nhà xã hội học Mỹ; các nhà Nữ quyền như Ann Oakley; Betty Fredan; Simone De Beauvoir và những người khác.
Về lịch sử nghiên cứu gia đình, chúng tôi có thể phân chia ra các hướng tiếp cận chính như sau:
Những tiếp cận gia đình từ góc độ Triết học, Chính trị học
Nhiều công trình khảo luận, phân tích lý luận và thực tiễn về sinh hoạt gia đình và vị trí của nó trong xã hội đã được đề cập đến ngay từ thời kỳ cổ đại. Nhờ có các công trình này mà chúng ta có thể biết được hình ảnh của các gia đình cổ đại từ quy mô đến cơ cấu, từ cách thức tổ chức gia đình đến việc xử lý các mối quan hệ gia đình. Các nhà triết học nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại ít nhiều đều có trình bày những quan điểm của mình về gia đình. Platon đã nói khá nhiều về gia đình và cá nhân trong mô hình quản lý của “Nhà nước lý tưởng” mà ông đưa ra. Tuy nhiên, chúng ta có thể coi nhà triết học Hy Lạp Aristoteles (384-322 trước Công nguyên) là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về gia đình một cách hệ thống. Ông đã dựa vào phương pháp phân tích thực nghiệm để nghiên cứu các hiện tượng xã hội và xác định hệ thống gia đình một cách tổng quát. Ông coi gia đình là một phạm trù biến đổi, vừa mang tính lịch sử vừa mang tính đặc thù của các xã hội.
Nói đến những công trình khoa học đầu tiên về gia đình chúng ta không thể không nhắc tới các nhà kinh điển của Nho giáo Trung Quốc. Cho đến nay, khó có một công trình nghiên cứu khoa học nào về gia đình lại có được tính toàn diện và hệ thống có thể sánh được với Nho giáo. Nho giáo đặt gia đình vào mối quan hệ với toàn bộ hệ thống xã hội của con người, coi Nhà là mắt xích quan trọng nhất nối kết Con người với Đất nước và Thế giới (Thân – Nhà – Nước – Thiên hạ). Các tác phẩm của Nho giáo với các đại biểu nổi tiếng như Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử (Nho giáo nguyên thuỷ) và Trình Y Xuyên, Đổng Trọng Thư (Hậu Nho) đã đặt nền móng cho toàn bộ các quan điểm nghiên cứu về gia đình ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên là những nuớc theo Nho giáo thời cổ.
Từ giữa thế kỷ 19, hướng tiếp cận vấn đề gia đình từ góc độ triết học cũng được quan tâm nhiều bởi các học giả lớn của triết học phương Tây như J.J.Rousseau, Vonter. Các ông đều phân tích vị trí, vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển tiến bộ của xã hội. Trước cuộc sống phức tạp của xã hội tư bản trong giai đoạn đầu tiên đang phá hoại các chuẩn mực văn hoá gia đình truyền thống, J.J.Rousseau, khuyên con người trở lại với mô hình gia đình truyền thống” (J.J.Roussau, 1964).
Các nhà triết học hiện sinh thì phân tích gia đình như là một sự hiện hữu chủ quan của chính con người. Nhà triết học hiện sinh nổi tiếng người Pháp Jan Paul Sarx ở nửa đầu thế kỷ 20, coi gia đình là một sản phẩm chủ quan của thiết chế xã hội và con người. Hướng nghiên cứu kết hợp giữa triết học với những phân tích tâm lý học về gia đình cũng được quan tâm đặc biệt mà đại biểu nổi tiếng nhất phải kể đến là bác sỹ Z.Freud (1856-1939). Xu hướng nghiên cứu này thường được tiến hành vừa mang tính sinh học vừa mang tính xã hội, tâm lý học về gia đình gắn liền với việc giải quyết những trường hợp bệnh lý tâm lý trong thực tiễn.
Những nghiên cứu về gia đình cũng được quan tâm nhiều bởi các nhà triết học ở các nước XHCN trước đây. Hầu hết các viện nghiên cứu triết học ở các nước Đông Âu và Liên Xô cũ đều có bộ phận nghiên cứu về gia đình đặt trong các Ban nghiên cứu về chủ nghĩa duy vật lịch sử hoặc Ban chủ nghĩa xã hội khoa học. Những nghiên cứu về gia đình của các ban này thường mạnh về lý thuyết của chủ nghĩa Marx – Lênin và chưa lý giải một cách sâu sắc những vận động và biến đổi phức tạp của gia đình trong hoàn cảnh xã hội biến đổi sâu sắc và nhanh chóng tại chính các nước nói trên.
Hướng tiếp cận gia đình từ góc độ Chính trị học thông qua các luật pháp, chính sách từ lịch sử đến hiện đại đã giúp cho chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về quản lý gia đình và chức năng chính trị của gia đình trong xã hội. Đó là một chức năng không thể thiếu được trong sinh hoạt của các gia đình và đôi khi nó còn phân hoá, chia rẽ các thành viên gia đình như trường hợp Việt Nam trong lịch sử chiến tranh, đặc biệt là trong kháng chiến chống Pháp, chống Nhật, chống Mỹ và ngay cả hiện nay khi các gia đình có người thân sống với các tư tưởng đối lập nhau.
Các hướng tiếp cận đa ngành về gia đình
Trong các hướng tiếp cận đa ngành về gia đình, điển hình là các công trình của Radcliff Brawn, Levi Strauss, Borinislav Malilowski và học trò của họ. Borinislav Malilowski một trong những nhà nhân chủng học xã hội nổi tiếng trong công trình khoa học mang tên “Đời sống tình dục của những thổ dân vùng Tây Bắc quần đảo Melanesia” (The Sexual Life of Savages in North-Western Melanesia), năm 1929, đã phân tích sâu sắc các mối quan hệ gia đình của nhóm thổ dân vùng Melanesia trong mối quan hệ với văn hoá và tập tục xã hội. Nghiên cứu gia đình trong dạng phôi thai của nó, Malinowski đã phát hiện ra những chức năng quan trọng gắn liền với sự tồn tại và phát triển của gia đình như chức năng kinh tế, chức năng giáo dục và xã hội hoá cá nhân. Những nghiên cứu của Malinowski đã chỉ ra được bản chất sự tồn tại tự nhiên của gia đình và điều đó đã tạo cơ sở để khắc phục sự tha hoá gia đình trong xã hội hiện đại.
Gia đình cũng trở thành một trong những mối quan tâm của các nhà Giáo dục học và Văn hoá học. GS. John Macionis, nhà giáo dục học người Mỹ, khi nói về các chức năng của gia đình đã coi giáo dục và xã hội hoá cá nhân là một trong những chức năng quan trọng nhất. Ông cho rằng sự coi nhẹ chức năng này là yếu tố làm cho đạo đức xã hội bị suy giảm.
Hướng tiếp cận gia đình từ góc độ Xã hội học (Socilogy)
Trong số những đóng góp nghiên cứu đáng kể nhất về gia đình, chúng ta không thể không nói đến sự tham gia tích cực của các nhà Xã hội học. Chính sự tham gia của xã hội học vào các nghiên cứu gia đình đã khiến cho nhận thức của nhân loại về gia đình tránh được sự tư biện và trở nên toàn diện, sâu sắc hơn.
Một trong những nhà nghiên cứu xã hội học đầu tiên về gia đình chính là August Comte. Trong khi phân tích xã hội dưới dạng cơ cấu của nó, A.Comte cố gắng xác định vị trí và chức năng của gia đình trong sự vận động của tổng thể xã hội. Chia xã hội thành hai phần cấu trúc cơ bản là tĩnh học xã hội (phần cơ cấu chức năng) và động học xã hội (phần lịch sử), A.Comte cho rằng gia đình vừa nằm trong phần cơ cấu tĩnh của xã hội tức là có vị trí vai trò chức năng quan trọng trong xã hội, lại vừa nằm trong phần động của xã hội (tức là vận động và biến đổi cùng với các sự kiện lịch sử). Chính vì vậy, ông cũng cho rằng gia đình là công cụ xã hội hoá cá nhân, chuẩn bị cho con người bước vào cuộc sống xã hội, là trường học đầu tiên của con người trước khi bước vào đời sống xã hội.
Cũng trong giai đoạn này, chúng ta cũng có thể coi nhà xã hội học Pháp Le Play (1806-1882), là một trong những người đầu tiên đề xướng việc nghiên cứu thực nghiệm về gia đình. Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ quan điểm thực chứng luận của A.Comte, Le play coi gia đình là một bộ phận của xã hội và do đó có thể thông qua việc phân tích, mổ xẻ những quan hệ gia đình mà tiến tới phân tích toàn bộ xã hội. Ông cũng là người đầu tiên đưa ra chủ trương nghiên cứu gia đình phải phân tích chức năng kinh tế và những quan hệ kinh tế xung quanh nó. Ông nhấn mạnh vào việc nghiên cứu ngân sách gia đình và cho rằng nó sẽ quyết định toàn bộ cuộc sống và các chức năng của gia đình.
Đặt gia đình trong bối cảnh chung của một cơ cấu xã hội tổng thể, nhà xã hội học Pháp E.Durkheim coi gia đình là một đơn vị xã hội quan trọng nhất tạo nên cái mà ông gọi là sự “đoàn kết xã hội”. Theo ông nếu xã hội hiện đại đang tiến dần từ sự đoàn kết cơ học sang sự đoàn kết hữu cơ dựa trên tính tự giác của con người. Gia đình cũng vậy, nó cũng vận động, phát triển trên cơ sở duy trì các vị thế và vai trò của nó. Là người đặt nền móng cho quan điểm chức năng luận trong Xã hội học, Durkhem nhấn mạnh tới các chức năng của gia đình trong sự vận hành của hệ thống xã hội. Trong tác phẩm nổi tiếng và mang tính kinh điển xã hội học của mình là “Nạn tự tử” (The Suicide), Durkheim đã phân tích gia đình trong điều kiện của những sai lệch chuẩn mực xã hội mà ông gọi chung là hiện tượng “Anomie”. Sự khủng hoảng của gia đình theo Durkheim chính là việc không duy trì được các chức năng của chính gia đình. Theo ông, nạn tự tử xuất hiện cũng là biểu hiện của chính sự phá vỡ các chức năng trên.
Nghiên cứu gia đình cũng gắn liền với sự xuất hiện của nhiều công trình nghiên cứu Xã hội học thực nghiệm ở Mỹ trong đó đáng kể nhất là nghiên cứu của các nhà xã hội học thuộc trường phái Chicago như Robert Park, Ch.H.Cooley, G.Maed… Trong những điều kiện phức tạp của một xã hội đa chủng tộc như nước Mỹ, vấn đề gia đình luôn trở thành một mối quan tâm lớn đối với các nhà quản lý xã hội và các nhà khoa học. Với Robert Park, người đặt nền móng cho môn Xã hội học đô thị thì nếu ổn định gia đình là nhân tố quan trọng để ổn định xã hội thì việc quản lý gia đình cũng góp phần quan trọng vào việc quản lý các đô thị lớn. Ông đòi hỏi sự tham gia của cộng đồng xã hội vào việc củng cố các mối quan hệ gia đình thông qua việc mở rộng không ngừng các hình thức dịch vụ gia đình.
Ch.H.Cooley, trong cuốn sách “Bản chất con người và trật tự xã hội” thì lại đưa ra quan điểm coi gia đình như là một thành tố cấu thành của trật tự xã hội. Ông chia xã hội thành nhiều nhóm nhỏ và coi gia đình là một trong những nhóm nhỏ có vai trò quan trọng nhất trong quá trình xã hội hoá của các cá nhân. Đưa hệ thống phương pháp luận có tính cơ cấu-chức năng vào việc phân tích gia đình, Cooley và những học trò của ông đã có điều kiện để mổ xẻ, phân tích các quan hệ gia đình một cách cụ thể, sát thực.
Giáo sư D.Newman, nhà Xã hội học Mỹ hiện đại trong cuốn sách Xã hội học về gia đình (Sociology of Families, 1999), khẳng định đã đến lúc những nghiên cứu về gia đình cần phải được chuyên môn hoá sâu sắc hơn, cần phải bắt đầu lại từ chính khái niệm thế nào là gia đình… Trong công trình nghiên cứu này, ông đã trình bày lại các định nghĩa khác nhau về gia đình, hình thức gia đình, vấn đề quyền cá nhân và trách nhiệm của gia đình, ảnh hưởng của vấn đề chủng tộc tới đời sống gia đình… Ông cho rằng gia đình là một nhóm xã hội đặc biệt, không thể định nghĩa một cách cứng nhắc, cũng không thể đồng nghĩa nó với một hộ gia đình.
Trong chương II của cuốn sách có tiêu đề là “Phạm vi xã hội của đời sống gia đình”, David M. Newman cũng đã trình bày về mối quan hệ giữa đời sống gia đình với xã hội, vấn đề giới, hôn nhân và lao động, quyền của cha mẹ và con cái. Tác giả cũng đặt ra và phân tích nhiều vấn đề mới mẻ nảy sinh trong những điều kiện của xã hội hiện đại như mối quan hệ giữa tình yêu và tình dục, bạo lực gia đình, đồng tính luyến ái…
Hướng tiếp cận Gia đình của các nghiên cứu liên ngành về Giới (Gender) và phụ nữ học (Feminism).
Do sự gần gũi về đối tượng nghiên cứu mà vấn đề gia đình luôn xuất hiện song hành cùng với những nghiên cứu đầu tiên dưới góc độ giới, ngay từ các giai đoạn mà các nhà phụ nữ học gọi là “Làn sóng Nữ quyền thứ nhất” (The First Wave of Feminism), “Làn sóng Nữ quyền thứ hai” (The Second Wave of Feminism) và hiện nay là “Làn sóng Nữ quyền thứ ba” (The Third Wave of Feminism). Trong giai đoạn đầu, chúng ta không thể không nhắc đến những quan điểm về bình đẳng giới trong gia đình được nhắc đến bởi một trong những nhà nghiên cứu Nữ quyền có tên tuổi nhất, đó là Mary Wollstonecraft trong cuốn sách “Một biện minh cho quyền phụ nữ”, nguyên bản là “A Vindication of the Right of Women” (xuất bản năm 1872). Chính Mary Wollstonecraft đó đưa ra quan điểm rằng các quyền của phụ nữ cần phải được thực hiện trước hết và ngay tại gia đình. Các tranh luận của thuyết Nữ quyền đã xoay quanh hai lĩnh vực hoạt động của phụ nữ là lĩnh vực “công cộng” và “riêng tư” được đặt ra theo các mức độ khác nhau.
Sự đa dạng của các học thuyết về nữ quyền như: nữ quyền Xã hội chủ nghĩa của Michele Barrett, nữ quyền Cấp tiến của Sylvia Walby, nữ quyền Tự do của Betty Friedan (bà là nhà khoa học đã có những tranh luận nổi tiếng với Tallcon Parsons trên bình diện quan điểm của thuyết Cấu trúc chức năng) đã mang đến cho những nghiên cứu về gia đình một làn gió mới không chỉ về nội dung nghiên cứu mà còn cả một hướng tiếp cận đặc biệt. Với tác phẩm “Sự huyền bí của nữ tính”, 1963 (Feminine Mystique) – Betty Friedan đã đưa ra một bức tranh về sự phân công lao động bất bình đẳng theo giới trong gia đình đã đưa đến cho phụ nữ tương lai mờ mịt và sự coi thường của nam giới.
Sự phối hợp giữa các nghiên cứu đa ngành về Gia đình với các lý thuyết về Giới đã mở ra những chủ đề nghiên cứu mới và chuyên sâu hơn về gia đình. Nó cũng làm xuất hiện những khái niệm mới trong nghiên cứu gia đình. Chẳng hạn như “Domestic Violence” (bạo lực gia đình), “Traficking in Women” (buôn bán phụ nữ). Bạo lực gia đình là một trong 8 vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong những nghiên cứu về gia đình trong khoảng 30 năm trở lại đây. Từ bạo lực gia đình, nơi đã hành hạ về thể xác và tình dục người tình của mình, các nhà nghiên cứu đã mở rộng đến những quan hệ khác trong gia đình, đến những đối tượng như những đứa trẻ bị phụ thuộc hoặc những người già trong gia đình và các chính sách phòng chống các sai lệch giá trị và chuẩn mực gia đình (xem Dobash và Dobash, 1992).
Trong cùng một thời kỳ, các nhà nghiên cứu Nữ quyền khác đã khai thác về các công việc nội trợ (Oakley 1974, Sullivan 1997) và rất nhiều khía cạnh gia đình như hôn nhân, ly dị, tái hôn có liên quan đến các vấn đề về thực phẩm, tiền, dịch vụ gia đình và lao động việc nhà.
Chúng ta có thể thấy các công trình nghiên cứu kể trên đã phân tích khá sâu sắc thực trạng của những vấn đề gia đình trong mäi xã hội. Nó phản ánh những lo lắng băn khoăn chung của nhân loại trước những biến đổi mạnh mẽ của gia đình dưới tác động của những điều kiện kinh tế-xã hội, khoa học và công nghệ mới.
1.2. Đóng góp lý luận của các nhà nghiên cứu Việt Nam về gia đình
Ngay từ thời phong kiến, nhiều nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ đã chú ý tới gia đình nhưng phải đến sau năm 1986, các nghiên cứu về gia đình ở Việt Nam mới được phát triển một cách có hệ thống. Cũng giống như nhiều nước trên thế giới, các nghiên cứu gia đình Việt Nam đó được đề cập tới từ nhiều gúc độ Triết học, Sử học, Dân tộc học, Văn học, Tâm lý học, Giáo dục học, Dân số học, Văn hóa học, Văn học, Nhân loại học, Phụ nữ học, Giới…
Có thể tạm chia ra ba mảng nghiên cứu lớn
a. Các vấn đề về gia đình truyền thống (giai đoạn trước năm 1945)
Bao gồm các vấn đề liên quan đến gia đình trong quá khứ, dòng họ và các tục lệ, tập quán ở làng xã trong thời kỳ phong kiến. Ngoài những tác phẩm của các nhà khoa học có tên tuổi là các đề tài cấp Nhà nước về gia đình, hàng trăm các nghiên cứu của của sinh viên dưới dạng luận án, luận văn, khoá luận ở các bậc học. Điều này chứng tỏ rằng vấn đề gia đình đang được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Các tác phẩm văn húa tiêu biểu cho hướng nghiên cứu này là:
“Gia huấn ca” của Nguyễn Trãi gồm 6 bài ca truyền dạy đạo lý làm người cho con cháu trong gia đình. Nguyễn Trãi mong muốn mọi người đều tôn trọng gia đình, tôn trọng phép tắc Nho giáo, cha ra cha, con ra con, chồng ra chồng, vợ ra vợ để gia đình được ổn định, làm nền tảng cho chế độ phong kiến. Tác phẩm “Cung oán ngâm khúc” của tác giả Nguyễn Gia Thiều đã tố cáo chế độ phong kiến dùng quyền lực bắt hàng triệu người phụ nữ làm cung nữ cho vua chúa, đẩy họ vào cuộc sống ngục tù trong các lồng son, tước đoạt quyền được yêu đương, xây dựng hạnh phúc gia đình của họ. Tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã chia sẻ nỗi đau của những người phụ nữ bị buôn bán thành gái mại dâm và những khao khát cuối đời của cụ về hạnh phúc gia đình. Các bài thơ nôm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã phê phán chế độ phụ quyền đã chà đạp lên người phụ nữ và khát vọng được giải phóng của họ trong gia đình và xã hội.
Tác phẩm “Khổng học đăng” của Phan Bội Châu cũng đã phân tích rất rõ về vị trí và vai trò của gia đình. Ông coi Nho giáo như ngọn đèn hải đăng soi sáng cho cho nhân dân. Ông cho rằng: “Tề, trị chỉ có một lẽ, gia, quốc chung nhau một gốc”. Nhà tức là cái nước nhỏ, nước tức là cái nhà to, nước phải có phép tắc, nhà phải có gia phong và chính cái gia phong nay cũng ràng buộc con người không kém gì phép nước.
Các sách hiện đại nói về truyền thống có thể kể đến “Nho giáo và văn hoá gia đình” của các tác giả Vũ Khiêu, Lê Thị Quý, Đặng Nhứ đã trích dẫn nhiều quan điểm của Nho giáo về gia đình và phân tích nó trong khung cảnh Việt Nam. Các tác giả đã chọn lọc những quan điểm quý giá của Nho giáo cho việc xây dựng văn hoá gia đình truyền thống. Đây cũng là những bài học kinh nghiệm cho gia đình hiện nay ở Việt Nam.
Cuốn “Gia đình và sự kế thừa các giá trị truyền thống” của tác giả Đặng Cảnh Khanh đã trình bày về giáo dục các giá trị văn hoá truyền thống cho trẻ em trong gia đình hiện nay, các phương thức giáo dục và ảnh hưởng của nó tới nhân cách của trẻ em. Từ đó tác giả rút ra các bài học về truyền thống dạy con của ông cha cho các bậc cha mẹ hiện đại.
Trong các nghiên cứu về dòng họ và sự phục hồi dòng họ có những tác phẩm của tác giả Phan Đại Doãn “Cơ sở kinh tế và thể chế tông pháp của dòng họ nguời Việt” (Tạp chí Dân tộc học, số 3, 1999); Vũ Ngọc Khánh “Dòng họ Việt Nam từ nguồn gốc đến vận mệnh” (Tạp chí Dân tộc học, số 3, 1996); Đặng Nghiêm Vạn “Dòng họ, gia đình các dân tộc ít người trước sự phát triển hiện nay” (Tạp chí Dân tộc học, số 2, 1991); Nguyễn Văn Minh. “Các nguyên tắc và hình thức kết hôn ở nông thôn Việt Nam hiện nay” (qua nghiên cứu điểm ở xã Cát Thịnh, Phú Đa và Phước Thạnh) đã phân tích rõ những quy tắc về Nội hôn tộc người; ngoại hôn và những kiêng kị loạn luân; hôn nhân khác biệt; hôn nhân anh em chồng và chị em vợ. Các bài viết của Vũ Thị Phụng về luật Hồng Đức và luật Gia Long trong lịch sử và ảnh hưởng của nó tới gia đình và người phụ nữ, tác giả Phạm Việt Long trong “Tìm hiểu quan hệ vợ chồng của người Việt qua tục ngữ xưa”… đã giúp vẽ nên bức tranh về các gia đình thời phong kiến ở Việt Nam.
b. Các vấn đề về gia đình hiện đại (từ 1945 đến nay):
Phần lớn các nghiên cứu ở mảng này dựa trên các kết quả điều tra xã hội học để phân tích các khía cạnh đa dạng và phong phú của gia đình Việt Nam trước những biến đổi to lớn của đất nước. Các nghiên cứu được tiến hành ở cả thành thị, nông thôn, miền núi, miền biển và nêu rõ những đặc trưng của gia đình ở từng miền và dự báo xu hướng biến đổi của gia đình trong tương lai. Gần đây nổi lên vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là hôn nhân giữa Việt Nam với các nước Châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và vấn đề gia đình đa văn hóa. Các tác phẩm tiêu biểu cho hướng nghiên cứu này là: “Gia đình học” của hai tác giả Đặng Cảnh Khanh và Lê Thị Quý. Tác phẩm này đã tổng kết các vấn đề cơ bản của gia đình Việt Nam dưới góc độ Văn hoá học, Xã hội học. Các tác giả đã phân tích cơ cấu, chức năng của gia đình; vị trí và vai trò của gia đình vừa là một đơn vị kinh tế, vừa là cái nôi đầu tiên và suốt đời nuôi dưỡng, giáo dục con người, duy trì và phát triển những quan hệ tình cảm đặc biệt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cùng với thiết chế giáo dục, gia đình có vai trò quan trọng trong việc xã hội hóa con người, đưa con người từ con người sinh vật sang con người xã hội; sự hình thành những chuẩn mực và định hướng giá trị tốt đẹp của gia đình sẽ không chỉ củng cố các mối quan hệ gia đình mà còn kiến tạo một môi trường xã hội thuận lợi cho mỗi cá nhân được phát triển hài hoà và toàn diện. Về phương diện này, gia đình là cơ sở đầu tiên cho việc tái sản xuất ra con người và xã hội.
Tác giả Đặng Thị Linh đã hướng vào việc hệ thống lại những quan điểm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx – Lênin trong bài viết “Những quan điểm lý luận và phương pháp luận cơ bản của triết học Marx-Lênin về gia đình” (trong sách “Quản lý nhà nước về gia đình – Lý luận và thực tiễn”, 2010) trong đó khẳng định những luận điểm tiến bộ về giải phóng con người, xây dựng gia đình dựa trên tình yêu và trách nhiệm của xã hội XHCN đối với gia đình. GS. Phạm Tất Dong đã phân tích về vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các nghiên cứu về gia đình và biến đổi gia đình ở nông thôn của Vũ Tuấn Huy, Nguyễn Từ Chi “Những nghiên cứu Xã hội học về gia đình Việt Nam’,“Gia đình trong tấm gương xã hội học” Mai Quỳnh Nam chủ biên, đã tập hợp nhiều nghiên cứu của các nhà Xã hội học trên nhiều góc độ khác nhau về gia đình.
GS. Nguyễn Đình Tấn trong “Sự thay đổi vai trò của người chồng, người cha trong gia đình từ truyền thống đến hiện đại” đã đặt một vấn đề rất mới về người đàn ông trong xã hội bình đẳng giới. Đây cũng là một nghiên cứu khẳng định sự thay đổi từ thời đại gia trưởng sang thời đại bình đẳng giới khi mà quyền lợi chính đáng của người phụ nữ trong gia đình và xã hội đang được Nhà nước và xã hội bảo vệ. Các nghiên cứu khác của GS. Nguyễn Đình Tấn và cộng sự về vấn đề giới trong các gia đình làm nghề đánh cá vùng biển đã phân tích phân công lao động về giới theo sức khoẻ, nghề nghiệp, giới tính trong các việc làm đặc thù phải dựa nhiều vào giới tính như đánh cá. Từ đó, các tác giả đã đưa ra nhiều kết luận thú vị.
Tác giả Vũ Mạnh Lợi đã có bài viết “Quan niệm về gia đình của người Việt Nam, nghiên cứu trường hợp tại Yên Bái, Tiền Giang và Thừa Thiên Huế” và “Chủ hộ ở gia đình Việt Nam là ai ?” Những nghiên cứu này đã đi vào những góc cạnh rất sâu của gia đình chứng tỏ một xu hướng nghiên cứu mới và toàn diện về vấn đề gia đình Việt Nam đang phát triển. Trong xu hướng này có nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hữu Minh với bài viết “Khuôn mẫu tuổi kết hôn lần đầu ở ba địa bàn khảo sát và các yếu tố tác động” đã so sánh tuổi kết hôn của người vợ và người chồng cho thấy tính trung bình người chồng cao hơn người vợ gần 3 tuổi. Họ chịu tác động của nhiều yếu tố như nghề nghiệp, học vấn, địa bàn, dân tộc, chính sách, mức sống.
Tác giả Đặng Vũ Cảnh Linh đi sâu vào nghiên cứu các vấn đề về vị thanh niên trong tác phẩm “Một số vấn đề từ những khảo sát Xã hội học về vị thành niên trong môi trường gia đình” và người cao tuổi trong tác phẩm “Người cao tuổi và các mô hình dịch vụ chăm sốc người cao tuổi ở Việt Nam”. Thông qua hai cuốn sách này, tác giả đã phân tích hai thế hệ khác biệt về tuổi tác, lối sống, điều kiện sống, nhu cầu, sở thích. Nghiên cứu vấn đề thế hệ trong gia đình, tác giả đã đưa ra những khuyến nghị cho Nhà nước và thông điệp cho xã hội cần phải có các chính sách khác biệt cho mỗi thế hệ trong gia đình.
Tác giả Lê Thị Quý lại đặt một vấn đề rất hiện đại là phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài trong bài viết “Hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam với một số nước Châu Á hiện nay – vấn đề gia đình đa văn hoá”. Tác giả đã phân tích hiện tượng lấy chồng ồ ạt của phụ nữ Việt Nam trong những năm gần đây với hệ quả của nó và việc cần thiết phải xây dựng những gia đình đa văn hoá để hạn chế tiêu cực, phát huy tính tích cực trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay.
Tác giả Nguyễn Thanh Tâm với tác phẩm “Ly hôn – Trường hợp Hà Nội” đã đưa ra nhiều quan điểm mới về ly hôn khá tích cực. Những quan điểm này góp phần tạo ra một cái nhìn mới không quá bi quan về ly hôn bởi vì ly hôn chỉ kết thúc một cuộc hôn nhân mà không kết thúc gia đình. Tác giả Lê Trung Trấn đã đi sâu vào nghiên cứu công tác và bộ máy quản lý nhà nước về gia đình trong một loạt bài viết thể hiện thực trạng, những thuận lợi, những thách thức trên vấn đề quản lý gia đình ở nước ta hiện nay. Trong tác phẩm “Xu hướng gia đình ngày nay” (Vũ Tuấn Huy chủ biên), các tác giả đã phân tích sự chuyển đổi của hôn nhân và gia đình ở Việt Nam và đưa ra các chỉ báo thú vị về gia đình trong hiện tại và tương lai. Năm 2007, cuốn sách “Bạo lực gia đình ở Việt Nam, một sự sai lệch giá trị” của các tác giả Lê Thị Quý và Đặng Vũ Cảnh Linh đã đặt vấn đề về những sai lệch giá trị trong gia đình trong đó có bạo lực gia đình đang tấn công các chức năng của gia đình ở những thời điểm nhất định.
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 của Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương đã công bố kết quả cơ bản về phân bố dân số và nhà ở của thành thị, nông thôn và tỷ lệ tăng dân số theo vùng kinh tế-xã hội, tỷ lệ giới tính. Đây là các số liệu rất quý cho các nghiên cứu về gia đình.
Tổng cục thống kê đã đưa ra kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2008 trong đó nêu rõ các kết quả về đặc điểm nhân khẩu học liên quan đến mức sống; Giáo dục; Y tế và chăm sóc sức khoẻ; Việc làm và thu nhập; Chi tiêu; Nhà ở, phương tiện, tài sản; Giảm nghèo; Đây là một cuộc điều tra toàn diện mức độ quốc gia về gia đình rất có giá trị và đáng tin cậy.
2. Cơ sở thực tiễn của nghiên cứu gia đình
Trong lịch sử phát triển của mình, gia đình vừa là một đơn vị kinh tế, vừa là cái nôi đầu tiên và suốt đời nuôi dưỡng, giáo dục con người, duy trì và phát triển ở họ những quan hệ tình cảm đặc biệt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự tồn tại của gia đình với các hoạt động phong phú của nó và sự phát triển gia đình qua các thời đại lịch sử đó là cơ sở thực tiễn để nghiên cứu gia đình. Song hành cùng với thiết chế giáo dục, gia đình có vai trò quan trọng trong việc xã hội hóa con người, đưa con người từ con người sinh vật sang con người xã hội. Sự hình thành những chuẩn mực và định hướng giá trị tốt đẹp của gia đình sẽ không chỉ củng cố các mối quan hệ gia đình mà còn kiến tạo một môi trường xã hội thuận lợi cho mỗi cá nhân được phát triển hài hoà và toàn diện. Về phương diện này, gia đình là cơ sở đầu tiên cho việc tái sản xuất ra con người và xã hội.
Mặt khác, gia đình cũng là nguồn cung cấp lực lượng lao động, của cải cho xã hội và tham gia vào các quá trình kinh tế của xã hội từ sản xuất, phân phối, đến trao đổi và tiêu dùng. Mọi nhân tài của đất nước, từ các cán bộ công quyền, những người lính cũng như các tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức đều xuất thân từ gia đình. Bước qua ngưỡng cửa của gia đình, họ có mặt trên tất cả các vị trí của xã hội, điều tiết và vận hành bộ máy của xã hội.
Do những chức năng xã hội đặc thù của mình, gia đình còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng các chuẩn mực và giá trị đạo đức, phong tục tập quán, lối sống văn hoá, giáo dục. Gia đình cũng là một mắt xích quan trọng trong mối quan hệ xã hội giữa con người với con người, con người với làng xóm, cộng đồng, đất nước. Đây chính là những nhân tố “phi kinh tế” không thể thiếu được để thúc đẩy và dẫn đường cho những phát triển về kinh tế, phát triển đất nước. Từ tình thương yêu đối với gia đình dẫn tới tình thương yêu đối với cộng đồng, xã hội, tổ quốc. Chính tình thương yêu đó đã là chỗ dựa vững chắc cho sự tồn tại, phát triển của đất nước trước những biến động dữ dội của lịch sử. Người Việt Nam giải quyết tất cả các mối quan hệ không phải chỉ theo giáo lý và luật pháp mà trên cơ sở của tình nghĩa.
Trong gia đình Việt Nam truyền thống, “hiếu đễ” được coi là cái gốc của đạo lý. Kẻ nào bất hiếu với cha mẹ, tàn nhẫn với anh chị em mình thì không thể là người tốt và đáng tin cậy trong xã hội được. Bên cạnh đó, mối quan hệ trên dưới trong gia đình được quy định rất rõ ràng. Con người, trước hết là một bộ phận của gia đình, là một mắt xích của một sâu chuỗi dài bắt nguồn từ tổ tiên đến con cháu sau này. Ở những vị trí cụ thể của mình là cha, con, chồng, vợ đều phải ứng xử theo phận sự của mình, “cha từ, con hiếu”, vợ chồng hoà thuận, thuỷ chung, anh nhường nhịn em, em kính trọng anh… Nếu tất cả các thành viên đều giữ đúng lễ nghĩa của mình như vậy thì xã hội mới ổn định, thái bình.
Kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc về gia đình, Đảng và Nhà nước đã đề cao vị trí và vai trò của gia đình, phát huy sức mạnh của gia đình trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Những mục tiêu của cuộc đấu tranh cách mạng, xây dựng xã hội công bằng văn minh cũng gắn liền với cuộc đấu tranh nhằm xây dựng những chuẩn mực và giá trị mới trong gia đình. Cuộc cách mạng tháng 8 là cuộc cách mạng đầu tiên trong lịch sử Việt nam đã không chỉ là cuộc cách mạng xã hội mà còn là cuộc cách mạng về gia đình. Thành quả to lớn của nó là tạo ra sự biến đổi lớn lao cho gia đình và xã hội theo hướng phát triển và văn minh, tạo điều kiện để giải quyết các vấn đề bất công trong gia đình như bất bình đẳng giới và giải phóng con người. Việc đấu tranh nhằm xoá bỏ những tập quán lỗi thời, những hiện tượng phản nhân văn trong đời sống gia đình đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Vấn đề đặt ra là phải tạo ra một đời sống lành mạnh ở các cơ sở mà cơ sở đầu tiên là gia đình.
Ngày nay, quá trình chuyển từ nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta đang tạo ra những biến đổi sâu sắc cho cả xã hội và gia đình. Trước hết cơ sở kinh tế của xã hội và của nhiều gia đình đã phát triển nhanh chóng làm thay đổi hẳn bộ mặt đất nước và nâng cao mức sống của gia đình, đặc biệt là ở thành thị. Đất nước đang chuyển mình từ một xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp. Mô hình gia đình cũ không còn phù hợp nữa. Các chuẩn mực và hệ giá trị, vì vậy cũng thay đổi theo.
Chẳng hạn như mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không chỉ dựa trên tình yêu thương mà còn trên cơ sở của pháp luật về quyền tự do cá nhân. Các chức năng của gia đình như chức năng kinh tế, giáo dục, duy trì và phát triển nòi giống, chức năng thoả mãn tình cảm cũng rõ ràng và khoa học hơn. Trách nhiệm và quyền lợi của các thành viên trong gia đình đang tiến dần tới sự công bằng, mối quan hệ giới cũng được cải thiện rõ rệt. Nếu như trước đây, gia đình Việt Nam coi giá trị đạo đức là cơ bản (trọng nghĩa, khinh tài) thì ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, giá trị của đồng tiền đã và đang len lỏi vào các mối quan hệ gia đình. Hiện tượng này mang lại cả hiệu quả tích cực lẫn tiêu cực. Sự bận rộn của các thành viên gia đình trong các hoạt động kinh tế và xã hội đã làm giảm sút thời gian của gia đình. Vấn đề chăm sóc và giáo dục con cái, phụng dưỡng cha mẹ già cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, lối sống tự do của các xã hội công nghiệp phát triển cũng đã xâm nhập vào nước ta và thực sự chưa phù hợp với trình độ phát triển cũng như truyền thống của xã hội ta. Trong khi đó, những nếp nghĩ và thói quen lạc hậu, cổ hủ, phong kiến cũng đang có xu hướng được phục hồi. Những quan niệm của chủ nghĩa gia trưởng, thói coi thường phụ nữ, nạn bạo lực và xung đột trong gia đình đã phát triển ở cả thành thị lẫn nông thôn. Ở nhiều nơi và nhiều lúc, các mối quan hệ gia đình đã bị đổ vỡ, con cái bất hiếu, bỏ rơi thậm chí hỗn xược, đánh đập, giết hại cha mẹ già. Người lớn không quan tâm hoặc buông trôi trách nhiệm trong việc chăm nom dạy dỗ con trẻ. Gia đình ở nước ta, bên cạnh những bước phát triển mới, tiến bộ, thuận lợi cũng đã có những thách thức và dấu hiệu của sự khủng hoảng.
3. Một số đề xuất của nhà nghiên cứu
– Các nhà nghiên cứu và lập chính sách về gia đình cần dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn về gia đình. Lý luận soi sáng đường cho chúng ta, đem đến những kinh nghiệm quý báu, những bài học sâu sắc còn thực tiễn là các đề tài vĩnh cửu để chúng ta nghiên cứu. Chúng ta cần nhận dạng gia đình, mổ xẻ, lý giải tìm ra các mặt tích cực và các thách thức của gia đình, đồng thời dự báo hướng phát triển của gia đình trong hiện tại và tương lai.
– Từ kết quả nghiên cứu, cần tham mưu cho Đảng và Nhà nước đưa ra các chính sách sát hợp với gia đình để quản lý sự phát triển gia đình đúng hướng tạo sự hài hòa giữa gia đình và xã hội, giữa Việt Nam và thế giới.
– Đảng và Nhà nước cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học được tham gia tư vấn vào việc hoạch định và thực hiện các chính sách về gia đình, hoạt động cùng cộng đồng trong việc xây dựng các mô hình gia đình mới.
– Xây dựng môn ”Gia đình học” ngang tầm với môn ”Xã hội học” ở Việt Nam, trên cơ sở đó phối hợp nghiên cứu hai mảng quan trong này của đời sống xã hội. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về gia đình phong phú, khai thác nguồn tư liệu quý của Việt Nam và thé giới về gia đình.
– Tăng cường truyền thông, giáo dục về gia đình, cho các gia đình trên cả nước để phát huy tính tích cực, giảm thiểu tiêu cực về gia đình hiện nay. Cải tiến các mô hình ”Gia đình văn hóa” cho phù hợp với tình hình mới.
– Hợp tác giao lưu với các nước đặc biệt trong việc xây dựng các gia đình đa văn hóa đang là trào lưu mạnh mẽ hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo kết quả dự báo dân số Việt Nam năm 1999-2004. NXB Thống kê. H. 2000.
2. Đặng Cảnh Khanh – Lê Thị Quý , Gia đình học, NXB Lý luận chính trị, Hà Nội, 2007.
3. David M. Newman. Sociology of Families . Pine Forge Press. Thousand Oaks, California. 1999.
4. Dee L.R. Graham with EDna I. Rawlings and Roberta K. Rigsby, Loving to Survive, New York University Press, 1994.
5. John Macionis. Sociology. Eigth edition. Prentice hall, 2001.
6. Hồ Chí Minh tuyển tập – tập II, NXB Sự thật, Hà Nội, 1980.
7. Kết quả 10 cuộc điều tra qui mô lớn 1998-2000. NXB Thống kê. H.2001.
8. K. Max – F Engels, Lê Nin, Hôn nhân và gia đình, NXB Sự thật Hà Nội, 1959.
9. Lê Thị Quý, Đặng Vũ Cảnh Linh, Bạo lực gia đình, một sự sai lệch giá trị, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.
10. Lê Thị Quý, Giáo trình Xã hội học Gia đỡnh, NXB Chính trị – Hành chính, Hà Nội, 2011.
12. Nhiều tác giả – Quản lý nhà nước về gia đình – lý luận và thực tiễn, NXB Dân Trí, Hà Nội, 2010.
13. Stephen Sanderson. Macrosociology. Fourth Edition. Indiana University of Pennsylvania. 1998.
14. T. Parsons. The Evolution of Societies. Edited by Jackson Toby. Englewood Cliffs, Prentice Hall, 1977.
15. T. Parsons & R. F. Bales. Family socialization and Interaction process, Glencoe, Il, Free Press, 1955.
Nguồn: Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
“Hội nghị – Hội thảo tập huấn về công tác nghiên cứu khoa học năm 2013″
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Cơ sở lý luận và thực tiễn của nghiên cứu khoa học về gia đình hiện nay (Tác giả: GS.TS Lê Thị Quý) |