Con đường tạo nghĩa của các thành ngữ liên quan đến “văn hoá ăn” và “văn hoá mặc” trong tiếng Việt

MAKING MEANING OF THE WAY OF TERMS RELATING TO
“EAT CULTURE” AND “CULTURE CLOTHING” IN VIETNAMESE

Tác giả bài viết: NGUYỄN HỮU ĐẠT
(Khoa Ngôn ngữ học,
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,ĐHQGHN)

TÓM TẮT

     Cho đến nay, khái niệm “Văn hóa ăn” và “văn hóa mặc” đã trở thành khá phổ biến trong đời sống. Tuy nhiên, để giải thích cơ sở hình thành nên khái niệm này thì hầu như chưa có một công trình nào đề cập đến. Bài báo này tập trung vào tìm hiểu những cơ sở ngôn ngữ học liên quan đến bản chất ngữ nghĩa của “văn hóa ăn” và “văn hóa mặc” trong tiếng Việt.

    Sau khi đi sâu vào phân tích quá trình tạo ra nghĩa hình tượng liên quan đến các thành ngữ biểu thị nội hàm văn hóa ăn và văn hóa mặc, người viết đi đến các nhận xét về mối quan hệ khăng khít giữa văn hóa ăn và văn hóa mặc trong tiếng Việt, được xem là một trong các cơ sở hình thành nên nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam.

ABSTRACT

    So far, the concept of “food culture” and “default culture” has become quite common in life. However, to explain that form the basis of this concept, most works do not have a mention. This paper focuses on understanding the basis of linguistic nature relating to the semantics of “food culture” and “default culture” in Vietnamese. After going into the analysis process of creating that image of idioms related to indicate the cultural connotations and cultural eating default, the writer goes to comment on the close relationship between food and culture dressed in Vietnamese culture, is considered one of the base form o f the traditional beauty of Vietnam culture.

x
x x

    Trong vài chục năm trở lại đây, giới nghiên cứu văn hoá học ngày càng đi sâu vào tìm hiểu các vấn đề thuộc bản chất của văn hoá cũng như mối quan hệ của nó với các ngành khoa học khác. Chính vì thế, việc phân loại các hình thức và các kiểu dạng văn hoá cũng ngày càng phong phú thêm. Đến nay, hầu như không ai còn ngỡ ngàng trước những khái niệm như: Văn hoá ăn, văn hoá mặc, văn hoá giao thông, văn hoá giao tiếp, văn hoá tiêu dùng…

    Để có thể thấy được mối quan hệ chiều sâu giữa ngôn ngữ và văn hoá được phản ánh trong các sản phẩm ngôn ngữ với tư cách là lời ăn tiếng nói của nhân dân, trong bài này chúng tôi sẽ đi vào phân tích con đường hình thành ngữ nghĩa của các thành ngữ có nội dung liên quan đến “văn hoá ăn” và “văn hoá mặc” trong tiếng Việt.

1. Con đường tạo nghĩa của các thành ngữ liên quan đến nội dung ‘Văn hoá ăn”

     Xét các ví dụ

(1) Ăn ngon mặc đẹp

(2) Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như meo mửa

(3) Ăn trắng mặc trơn

(4) Ăn giả làm thật

(5) Ăn đấu làm khoán

(6) Ăn trên ngồi trốc

(7) Ăn cỗ đi trước lội nước theo sau

(8) Ăn nhờ ở đậu

(9) Ăn trông nồi ngồi trông hướng

(10) Một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp

(11) Miếng thịt giữa làng bằng một sàng giữa chợ

(12) Miếng ngon đánh ngã bát đầy

(13) Cá cả lợn lớn

(14) Đầu cá trôi môi cá mè

(15) Lời chào cao hơn mâm cỗ

(16) Há miệng chờ sung

(17) Rau già cá ươn

    Xét 17 ví dụ trên, ta thấy, để biểu thị các quan niệm khác nhau của việc ăn, người ta có thể sử dụng cấu trúc ngôn ngữ có chứa từ “ăn” hoặc không chứa từ “ăn”. Nhóm thứ nhất gồm các ví dụ từ (1) đến (9). Loại 2 là các ví dụ còn lại.

    1.1. Con đường tạo nghĩa của các thành ngữ nhóm I

     Đặc điểm nổi bật của nhóm này là nghĩa của thành ngữ đều hướng vào tình trạng, hành động hoặc tính chất “ăn”.Theo cách định nghĩa của Từ điền tiếng Việt, “ăn” có nghĩa là “Đưa thức ăn qua mồm vào cơ thể để nuôi dưỡng” [ 1, tr.24]. Do vậy, nhìn chung, nghĩa bóng của cả thành ngữ phần nhiều còn gắn với nghĩa đen, nghĩa trực tiếp của toàn tổ hợp khiến người ta có thể dễ dàng nhận diện chúng. . “Ăn” có khi hoạt động với tư cách là động từ, có khi hoạt động với tư cách là danh từ chỉ “sự ăn”. Cấu tạo chung của thành ngữ thuộc nhóm này là:

ĂN + X

    Như vậy, X trả lời cho câu hỏi “Ăn như thế nào?”, ứng với câu trả lời này, “ăn” sẽ hướng đến các nghĩa: sướng/khổ , xấu/đẹp, nhiều/ít. Ta có thể qui thành các tiểu nhóm dựa vào nghĩa khái quát của các thành ngữ như sau:

a) Ăn + sung sướng

     Ví dụ: Ăn trắng mặc trơn, ăn sung mặc sướng, ăn ngon mặc đẹp, …Nghĩa bóng của các thành ngữ này chỉ những người có đời sống khá giả, không phải lao động cực nhọc.

b) Ăn + khổ cực

     Ví dụ: Ăn đấu làm khoán, ăn giả làm thật, ăn đậu ở nhờ…Nghĩa bóng của các thành ngữ này chỉ những người có đời sống vất vả, phải lao động cực nhọc để kiếm ăn, thậm chí không có nhà để ở phải sống nhờ.

c) Ăn + vị trí

    Ví dụ; Ăn trên ngồi trốc, ăn cỗ đi trước lội nước theo sau, ăn trông nồi ngồi trông hướng… Nghĩa bóng của các thành ngữ này thường gắn với sắc thái chê bai hay răn dạy. “Ăn trên ngồi chốc” được giải thích như sau “ở địa vị cao sang, thuộc tầng lớp thống trị trong xã hội cũ” [2, tr.50]. Trong giao tiếp, cụm từ này thường được dùng để chỉ những người có địa vị cao trong xã hội với hàm ý không kính trọng. “Ăn cỗ đi trước lội nước theo sau” có ý chê những kẻ khôn lòi, chỉ biết chọn phần tốt về mình. Ngoài ra nó còn có ý nghĩa thứ hai: khuyên người ta nên tỉnh táo lựa chọn công việc. Còn thành ngữ “Ăn trông nồi ngồi trông hướng” lại có nội dung khuyên răn người ta cần có ý tứ trong khi ăn và trong khi ngồi vào mâm.

     Tưomg tự như vậy, các thành ngữ kiểu:

(18) Ăn xó mó niêu

(19) Ăn bốc ăn bà

     đều là các kiểu thành ngữ phê phán những kẻ ăn uống không đàng hoàng, làm mất đi vẻ đẹp của phong cách con người.

d) Ăn + cách thức

(20) Ăn tươi nuốt sống

(21) Ăn sống ăn xít

(22) Ăn lấy ăn để

(23) Phàm ăn tục uống

    Các thành ngừ thuộc nhóm d) đều có chung nét nghĩa phê phán lối ăn uống vội vàng, lấy việc ăn làm mục đích cao nhất. Nói một cách khác là chỉ thấy ăn là quan trọng mà không biết đến người khác.

    Từ sự phân tích trên có thể thấy, trong mô hình cấu tạo thành ngữ đã nêu, nếu X chỉ tính chất thì các thành ngữ đều có nghĩa bóng thoát ly khá xa với nghĩa của từ “ăn” (nhóm a) và b). Khi X chỉ cách thức, ý nghĩa của thành ngữ tuy có tính hình tượng nhưng vẫn liên quan trực tiếp đến ý nghĩa của các bộ phận. Còn khi X chỉ/hoặc có liên quan đến vị trí của chủ thể hành động thì các thành ngữ sẽ không có chung một nghĩa khái quát mà được thể hiện đa dạng, theo nhiều cách khác nhau.

   1.2. Con đường tạo nghĩa của các thành ngữ nhóm 2

     Đặc điểm chung của các thành ngữ của nhóm này là trong cấu tạo của thành ngữ không xuất hiện từ “ăn”. Tuy nhiên, nhờ có sụ xuất hiện của các từ ngữ liên quan đến thực phẩm hoặc các từ ngữ chi bộ phận của cơ thể (có chức năng thực hiện hành động “ăn”), người ta vẫn có khả năng liên tưởng đến sự ăn uống. Dựa vào dấu hiệu của các từ “nền” của thành ngữ, ta có thể qui chúng thành các tiểu nhóm như sau:

    1.2.1. Tạo nghĩa theo cách so sánh

     Mô hình cấu tạo : A X B

     Ví dụ:

(24) Lời chào cao hơn mâm cỗ

(25) Miếng ngon đánh ngã bát đầy

    Sự khác biệt giữa (24) và (25) là ở chỗ, ở (24) cấu trúc so sánh được biểu thị bằng từ so sánh, còn ở (25) cấu trúc so sánh lại được biểu hiện bằng một cụm động từ ghép “đánh ngã”. Nhưng nội dung ngữ nghĩa chung của cả hai kiểu cấu trúc trên là “A quan trọng hơnB”. Cụ thể là, trong (24), ta không thấy xuất hiện từ “ăn”, nhưng nội hàm văn hoá ăn được biểu thị rất đặc sắc: người Việt Nam không lấy ăn mang tính vật chất làm quan trọng mà lấy tinh thần làm quan trọng (ở đây là sự ứng xử với nhau khi có công có việc). Nói một cách khác, với người Việt Nam, ăn ngon là một nét đẹp tinh tế, nhưng cách thức chào mời- sự ứng xử tinh thần với nhau trong cộng đồng còn quan trọng hơn. Chính vì thế, ý nghĩa hình tượng của (24) không thể được giải thích theo con đường cộng nghĩa của các bộ phận. Đây là cách hiểu chung về thành ngữ; “ Thành ngữ là một cụm từ mà ý nghĩa của nó không được tạo thành từ các ý nghĩa của các từ cấu tạo nên nó”[ 3, tr.391].

     Tuy nhiên, ở (25) tính hình tượng của thành ngữ lại chưa thoát xa hiện tượng cộng nghĩa của các thành tố.

    Theo phương thức so sánh, các thành ngữ được tạo ra thường mang ý nghĩa giáo huấn người nghe cần chú ý đến cách thức ăn uống làm sao cho đàng hoàng, sang trọng. ở đây, ăn không đơn thuần chỉ là khái niệm cung cấp thức ăn nhằm nuôi sống cơ thể người và động vật. Nó là một cách thức hành xử của những người biết tôn trọng phẩm cách. Người hiểu biết thì phải lựa chọn cách ăn như thế nào cho xứng đáng với vị tri của mình. Cho nên, nghĩa của các thành ngữ (10) và (11) nhằm biểu dương tinh thần văn hoá cộng đồng. Theo nghĩa này, những ai khi ăn không chú ý đến cộng đồng thì mất đi cái vẻ sang trọng. Nếu ăn uống mà vụng trộm, hoặc xô bồ kiểu như (18), (19) đều bị coi là nét xấu trong sinh hoạt cần phải tránh.

     1.2.2. Tạo nghĩa bằng cách dùng từ nền chỉ thực phẩm kết hợp với từ chi tinh chất

     Mô hình chung: Ttp + Tính từ

    Ví dụ

(26) Cá cả lợn lớn

(27) Rau già cá ươn

     Đặc điểm của các thành ngữ này là ý nghĩa chung của thành ngữ thường mang tính đánh giá về các món ăn hay loại thức ăn theo hai hướng: ngon hay không ngon. Cụ thể là giữa (26) và (27) có sự đối lập nhau, ở (26), ý nghĩa khái quát của thành ngữ nhằm chỉ loại thức ăn ngon và sang (theo truyền thống) dùng để đãi khách. Ngược lại, ở (27), ý nghĩa khái quát của thành ngữ nhằm chỉ loại thức ăn kém chất lượng. Sự đối lập về nghĩa của hai thành ngữ này phản ánh sự tinh tế của người Việt không chỉ trong việc lựa chọn món ăn mà còn ngay cả trong việc đãi khách. Nếu ai trong lúc đãi khách mà dùng món rau già cá ươn thì bị phê phán, hoặc là do vụng về hoặc quá tiết kiệm đến mức thiếu lòng hiếu khách.

     Nếu xét quan hệ ý nghĩa giữa các thành tố ừong nội bộ và ý nghĩa chung của cả thành ngữ ta sẽ thấy, con đường tạo nghĩa của kiểu 1.2.2 không phức tạp. Ý nghĩa chung thường là ý nghĩa cộng lại giữa các bộ phận của tổ hợp và mang theo sự đánh giá của nói. Nhưng sự đánh giá ở đây là một quá trình đúc kết kinh nghiệm của cộng đồng, được nhận thức như là một thứ chuẩn mực nhất định. Tất nhiên, cần nói thêm, tính đúng đắn của nhận thức như vừa nêu chỉ phù hợp với truyền thống, đúng hơn là phù hợp với điều kiện chăn nuôi, sản xuất cũ. Trong thời buổi hiện đại, “cá cả, lợn lớn” thường là loại động vật được nuôi theo cách thức công nghiệp nên ăn không ngon. Ngược lại, loại lợn nhỏ, cá nhỏ là thứ được nuôi theo truyền thống lại là món ăn đặc sản dùng để đãi khách quí.

    1.2.3. Tạo nghĩa bằng cách kết hợp theo kiểu liệt kê

     Ví dụ:

(28) Đầu cá trôi, môi cá mè

(29) Nhất phao câu, nhì đầu cánh

(30) Thịt gà, cá chép, ba ba

(31) Nước mắm Vạn Vân, cá rô đồng Sét

    Các thành ngữ kiểu này có hai đặc điểm nổi bật:

    – Có sự đối ứng chặt chẽ

    – Trong nội bộ cấu trúc đôi khi còn có các âm tiết tham gia hiệp vần. Chẳng hạn, ở (28), hai yếu tố hiệp vần đi liền nhau “trôi” và “môi”. Còn ở (29), hai yếu tố tham gia hiệp vần lại có sự gián cách “câu” và “đầu”.

    Xét về ý nghĩa, các thành ngữ kiểu 1.2.3 thường không có tính hình hình tượng. Nói một cách khác, hiểu nghĩa thành ngữ trong các trường hợp này thường đơn giản vì nghĩa của cả tổ hợp chính là sự cộng lại nghĩa đen, nghĩa trực tiếp của mỗi thành tổ. Một khi, mỗi thành tố đứng riêng ra thì nó chỉ là các cụm từ mang tính định danh mà không còn ý nghĩa của thành ngữ nữa.

    Ví dụ, khi ta nói “đầu cá trôi”, “cá chép”, “ cá rô đồng Sét”…nghĩa của chúng chỉ còn là ý nghĩa chỉ sự vật.

2. Con đường tạo nghĩa của các thành ngữ liên quan đến “Văn hoá mặc”

    Đối với người Việt, mặc không chỉ đơn thuần là dùng quần áo để che kín các bộ phận trên cơ thể. Mặc còn là một biểu hiện của văn hoá. Điều này được phản ánh khá rõ trong kho tàng thành ngữ.

    Ví dụ

(32) Lành cho sạch, rách cho thơm

(33) Mớ ba mớ bảy

(34) Ăn chắc, mặc bền

(35) Ăn trắng mặc trơn

(36) Áo lành đùm áo rách { từ “lá lành đùm lá rách:}

(37) Quần lĩnh áo the

(38) Áo đơn áo kép

(39) Quần chùng áo dài

(40) Dài lưng tốn vải

(41) Nết ăn nết mặc

(42) Áo ngắn mặc ngoài áo dài mặc trong

(43) Cơm ba bát, áo ba manh

(44) Lôi thôi lếch thếch

(45) Người đẹp vi lụa, lúa tốt vì phân

     Cũng giống như thành ngữ có liên quan đến văn hoá ăn, thành ngữ có liên quan đến văn hoá mặc có hai kiểu chính: Kiểu thành ngữ có sự tham gia của từ “mặc” (như 34, 40, 41) và kiểu thành ngữ không có sự tham gia của từ “mặc” (như 20, 33, 35, 36, 37, 38, 39, 45). Con đường tạo nghĩa của các thành ngữ trong hai nhóm này có các đặc điểm khác nhau. 

     2.1. Kiểu thành ngữ có sự tham gia của từ “mặc”

    Nhìn chung, kiểu này thường có sự kết hợp giữa “mặc” và “ăn”. Nói một cách khác, thành ngữ dạng này thường được cấu tạo bằng cách dùng từ ghép “ăn mặc” làm cấu trúc nền rồi chêm và tách từ ghép này bằng cách điệp yếu tố phụ ( như 38) hoặc phối hợp với một từ ghép hay từ láy khác (như 31,32). Cách cấu tạo như vậy làm cho cấu trúc của thành ngữ có tính cân đối, hài hoà. Nhìn chung, đó là các thành ngữ loại 4 âm tiết. Tính cân đối, hài hoà về mặt ngữ âm kéo theo tính hô ứng về mặt ngữ nghĩa.

    Nếu ký hiệu “ăn” là A, “mặc” là B, các yếu tố xem chêm là c và D thì tổ hợp thành ngữ, tục ngữ sẽ có hình thức cấu tạo là: ABCD. Trong đó, c và D thường là các từ trong trong nhóm đồng nghĩa, hay gần nghĩa.

     Ví dụ:

(46) Ăn ngon mặc đẹp

(47) Ăn đói mặc rét…

    2.2. Kiểu thành ngữ không có sự tham gia cùa từ mặc

    Khi không có sự tham gia của từ “mặc”, ý nghĩa của thành ngữ bao giờ cũng trừu tượng hơn. đòi hòi người đọc phải có một vốn ngôn ngữ phong phú và có khả năng suy lý để giải nghĩa nó.

    Ví dụ

    “Cơm ba bát áo ba manh” có nghĩa chỉ mức độ trung bình, phổ biến của sự tồn tại của con người. Nó không mang ý nghĩa chê bai hay khen ngợi. Nhưng “Lôi thôi lếch thếch” thì lại có nghĩa chỉ một người không đạt được mức bình thường của văn hoá mặc. Xét về sắc thái ý nghĩa, kiểu 2.2 có các nhóm nhỏ sau đây

     2.2.1. Có ý nghĩa khen/chê

     Ví dụ các thành ngữ kiểu: 33, 38, 39, 44.

    2.2.2. Có ý nghĩa răn dạy

     Ví dụ các thành ngữ kiểu: 32, 36, 42, 45.

     Vài nhận xét thay kết luận:

    Qua khảo sát một số thành ngữ có liên quan đến văn hoá ăn và văn hoá mặc có thể thấy, cách tạo nghĩa của thành ngữ thường được hình thành bằng hai con đường:

    + Dùng “ăn” và “mặc” làm yếu tố nền tạo ra loại thành ngữ có tính cân xứng (loại thành ngữ có 4 âm tiết)

    + Dùng hình ảnh có liên quan đến hành động “ăn” và “mặc”

    + Dùng chất liệu có liên quan đến “ăn” và “mặc”

    + Dùng hình ảnh có liên quan đến hình thức bên ngoài của con người

    Cách tạo nghĩa thành ngữ như vừa nêu thể hiện tính linh hoạt, sáng tạo của tư duy người Việt Nam trong quá trình hình thành ra hai loại hình văn hoá có liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của con người là văn hoá ăn và văn hoá mặc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

    [1] Như Ý (chủ biên), Từ điển tiếng Việt thông dụng, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995.

     [2] Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 2000.

    [3] Nguyễn Thiện Giáp, 777 khái niệm ngôn ngữ,  Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2010.

Nguồn: Tạp chí Khoa học ĐHQCHN,
Khoa học Xã hội và Nhân văn 27 (2011) 9-14

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Con đường tạo nghĩa của các thành ngữ liên quan đến “văn hoá ăn” và
“văn hoá mặc” trong tiếng Việt (Tác giả: Nguyễn Hữu Đạt)