Con rồng chẳng qua là con cá sấu lên đời
Tác giả bài viết: AN CHI
Đã từng có nhiều kiến giải về nguyên mẫu của con rồng. Kiến giải quen thuộc và phổ biến cho rằng đó là con rắn. Cũng có những kiến giải cho đó là con thăn lằn (rắn mối), là mây, là sét, là cầu vồng, là hóa thân của thần cây cối. Nhưng thuyết phục nhất, theo chúng tôi, vẫn là kiến giải cho rằng nguyên mẫu của con rồng chính là con cá sấu.
Một sự truy tầm ngữ nghĩa tường tận trên cơ sở động vật học và thần thoại đã cho phép đi đến kết luận trên đây.
1.
Những lời miêu tả con rồng trong sách xưa chính là dùng để miêu tả con cá sấu; nói một cách khác, “long” chính là một trong những tên gọi thời xưa của con vật này, biết rằng cho đến đời Hạ, đời Thương thì cá sấu vẫn còn sinh sống ở vùng trung lưu và hạ lưu sông Hoàng Hà. Tất cả các đặc điểm động vật học (được truyền tụng) của con rồng đều góp phần chứng minh cho luận điểm trên đây.
1.1.
Rồng là một loài bò sát lưỡng thê. Tả truyện, “Chiêu Công nhị thập cửu niên”, chép: “Rồng là giống vật ở dưới nước” (“Long, thủy vật dã”). Kinh Dịch, quẻ Càn, chép; “(Rồng) có khi lội nhảy nơi vực sâu” (“(Long) hoặc dược tại uyên”). Tống sử, “Ngũ hành chí” chép: “Thái Tổ theo Chu Thế Tông đánh Hoài Nam, lúc đánh nhau ở Giang Đình, có con rồng từ dưới nước hướng về phía Thái Tổ mà nhảy bổng lên.” (“… hữu long tự thủy trung hướng Thái Tổ phấn dược”). Tuy là giống động vật sống ở dưới nước nhưng con rồng cũng có thể bò ở trên cạn. Kinh Dịch, cũng quẻ Càn, chép: “Rồng hiện ở ruộng (…)” (“hiện long tại điền (…)”. Bắc mộng tỏa ngôn chép: “Ở phía bờ Nam của sông lớn, trong lau lách, vẫn thường đốt (cỏ mà bắt) được rồng. Vào niên hiệu Thiên Phúc nhà Đường, một nông dân họ Đặng thôn Diệp Nguyên ở Lễ Châu đốt rẫy, rồng bất ngờ xuất hiện, nhảy lên giữa trời rồi rơi phịch xuống đất mà chết”. (“… long đột xuất, đằng tại bán không, cánh dĩ phó địa tử tệ”). Tại Lễ Châu, đến năm Càn Long thứ 15 (1750) nhà Thanh, vẫn còn có cá sấu sinh sống. Rồng trong những đoạn văn trên đây chính là con cá sấu.
1.2.
Con rồng giống con thằn lằn mà to hơn nhiều. Hoài Nam Tử, “Tinh thần huấn”, chép chuyện vua Vũ đi thăm phương Nam, lúc qua sông, có con rồng màu vàng bơi cặp theo thuyền. Người trên thuyền thảy đều kinh dị; chỉ có vua Vũ khi nhìn thấy con rồng giống con thạch sùng (“thị long do yển đình”) thì sắc mặt không hề thay đổi. (Yển đình, thủ cung, bích hổ đều là tên của con thạch sùng trong tiếng Hán mà thạch sùng thì lại là bà con với thằn lằn về cả dòng họ lẫn hình dạng). Bắc mộng tỏa ngôn, “Diêm canh long”, chép rằng thời Hậu Thục, ở huyện Vân Nam có ao Trời (Thiên trì) sâu bảy, tám trượng. Trong ao có con vật giống con thằn lằn, có đủ năm sắc, nhảy trên mặt nước giống như con rồng nhỏ” (“… Kỳ trung hữu vật như tích dịch,… tượng tiểu long dã”). Biện hoặc thiên của Tạ Ứng Phương, quyển nhất, chép: “Có con rồng giống con thằn lằn mà ngũ sắc”. (“hữu long như tích dịch nhi ngũ sắc”). Tả rồng thì như thế mà tả cá sấu cũng không khác. Thuyết văn giải tự của Hứa Thận viết: “Con cá sấu giống như con thằn lằn nhưng mà to”. (“Đà tự tích dịch nhi đại”) v.v. Sở dĩ có sự miêu tả như thế chẳng qua vì con rồng chính là con… cá sấu chứ không phải là gì khác.
1.3.
Rồng có vuốt sắc, giỏi đào hang. Tư trị thông giám, “Lương kỷ”, có chép chuyện đời Lương Vũ Đế (502- 549), người ta tu sửa đập nước Phù Sơn vì sợ rồng đào hang mà làm hỏng đê (“… phạ long oát động hủy đê…”). Nghiêm Sơn ngoại tập thì chép rằng thời Minh sơ, bờ sông vùng phụ cận Nam Kinh bị sụt lở; dân địa phương cho rằng đó là do rồng heo nái (tạm dịch từ tổ “trư bà long” – đây là một tên gọi của giống cá sấu sông Dương Tử) đào hang mà gây ra (“… thị trư bà long quật động tạo thành…”). Vì vậy nên họ đã câu chúng lên mà đem giết sạch. Rồng có vuốt sắc và giỏi đào hang; đây thực ra chính là một đặc điểm của giống cá sấu.
1.4.
Rồng có một mùa ngủ trong năm. Kinh Dịch, “Hệ từ, hạ” có câu: “Rồng rắn ẩn nấp là để giữ mình vậy”. (Long xà chi trập, dĩ tồn thân dã”. Khổng Tử gia ngữ chép rằng rồng “mùa hạ thì kiếm ăn còn mùa đông thì nấp ngủ” (hạ thực nhi đông trập”). Bão Phác Tử, “Đối tục” chép rằng rồng “có thể trải qua suốt mùa đông, thời kỳ không ăn mà vẫn béo mập hơn thời kỳ kiếm ăn” (năng cánh đông, bất thực chi thời nãi phì thực chi thời”). Đặc tính này của rồng chính là tập tính ngủ mùa của cá sấu, nằm bất động trong hang và không ăn.
1.5.
Rồng chia làm hai loại: hiền lành và hung dữ. Tả truyện, “Chiêu Công nhị thập cửu niên”, có chép chuyện Thái Mặc nước Tấn từng giảng giải việc vua Thuấn đặt chức quan chuyên môn để nuôi rồng. Viên quan họ Đổng này dày dạn kinh nghiệm; rồng ở vùng hoang dã chung quanh đều đến tập trung ở chỗ ông mà người và vật đều an toàn. Giang Ninh phủ chí thì chép chuyện Đào Hoằng Cảnh nuôi rồng ở Mao Sơn, “có con rồng nhỏ màu đen bơi trong đám rong, đầu giống (đầu) con thằn lằn (“hữu tiểu hắc long du tảo gian, đầu loại tích dịch”). Trên đây là giống rồng hiền lành. Nhưng cũng có giống rồng hung dữ. Hàn Phi Tử có chỗ đã phân biệt rồng lành, rồng dữ. Ở trên có dẫn chuyện vua Vũ gặp rồng lúc đi thuyền, sở dĩ mọi người trong thuyền đều kinh sợ vì biết rằng đó là giống rồng dữ, có thể lật đổ thuyền mà nuốt người. Người xưa đã phân biệt rất rành hai loại rồng.Lễ ký, “Nguyệt lệnh”, chép: “Tháng cuối mùa thu, diệt trừ sấu dữ, bắt giữ sấu lành” (“Quý thu chi nguyệt, phạt giao thủ đà”). Tóm lại, chuyện rồng lành, rồng dữ chẳng qua cũng chỉ là chuyện cá sấu lành, cá sấu dữ mà thôi.
1.6.
Rồng đẻ trứng. Bi nhã, “Thích long”, chép: “Rồng cũng đẻ trứng, ấp từ xa” (Long diệc noãn sinh tư bão”). Hoài Nam Tử, “Thái tộc huấn”, chép: “Cá sấu nằm ấp dưới vực mà trứng nở trên gò”. (“Phù giao long phục tẩm ư uyên, nhi noãn phẫu ư lăng”). Mộng Khê bút đàm, “Dị sự”, chép rằng tại Triều Châu (Quảng Đông), “cá sấu to đẻ trứng rất nhiều” (“sinh noãn thậm đa”). Mao thi Lục sớ quảng yếu chép rằng “cá sấu đẻ trứng, to như trứng ngỗng” (“sinh noãn, đại như nga noãn”). Vậy chuyện rồng đẻ trứng chẳng qua cũng chỉ là chuyện cá sấu đẻ trứng mà thôi.
1.7.
Tóm lại, rồng hình dạng như thằn lằn nhưng to hơn rất nhiều, sống lưỡng thê trên cạn dưới nước, có vuốt nhọn, giỏi đào hang, có mùa ngủ hàng năm, là loài bò sát đẻ trứng, có giống lành, giống dữ. Cứ theo động vật học mà xét thì đó chính là đặc tính của loài cá sấu mà danh từ long chẳng qua chỉ là một cái tên rất xưa đó thôi.
2.
Những chứng cứ động vật học trên đây là những chứng cứ chủ yếu nhưng người ta còn có thể trưng ra thêm những chứng cứ bổ ích và lý thú về mặt thần thoại nữa.
2.1.
Thần thoại về đuôi rồng. Sở từ “Thiên vấn”, có câu “Ưng long hà hoạch? Hà hải hà lịch?” mà Vương Dật đã chú như sau: “Thời vua Vũ trị nạn hồng thủy, có con rồng thần lấy đuôi vạch đất (thành lối) dẫn nước chảy đi” (hữu long thần dĩ vĩ hoạch địa, đạo thủy sở chú”). Cho đến thời hiện đại, người Thái ở Vân Nam (Trung Quốc) vẫn còn truyền tụng
rằng xưa kia Thần Rồng đã từng giúp dân chúng bằng cách lấy đuôi quật ông vua hung tàn xuống đáy sông Lan Thương. Những chuyện này chẳng qua cũng bắt nguồn từ thực tế là con cá sấu có cái đuôi to khỏe chẳng những dùng để bơi lội mà còn dùng để lật đất, quật con mồi, đánh nhau với con khác, v.v., nghĩa là một cái đuôi “đa năng”!
2.2.
Thần thoại về ngọc rồng (long châu). Trang Tử, “Liệt Ngự Khấu”, có nhắc chuyện một gia đình nghèo sống về nghề đan cỏ. Người con trai lặn xuống vực sâu, được một hạt ngọc
đáng giá ngàn vàng. Người cha nói với con: “Hãy lấy đá mà đập ngọc đi! Hạt ngọc thiên kim này tất ở trong hàm một con rồng đen dưới vực sâu. Con mà lấy được là nhờ nó đang ngủ. Nó mà tỉnh giấc thì còn gì là đời con!”. Các tiểu thuyết chí quái đời Đường như Tuyên thất chí, Truyền kỳ, v.v., đều có kể chuyện rồng nhả ngọc, vờn châu. Nguồn gốc thật của những chuyện trên đây là ở chỗ rồng, tức cá sấu, thường “ăn tươi nuốt sống” sò, ốc, trai, v.v., lại ngốn thêm sỏi thô đá vụn để giúp cho dạ dày nghiền nát vỏ trai, vỏ sò, vỏ ốc. Vì vậy mà khi mổ dạ dày cá sấu ra có khi người ta thấy hạt trai hoặc đá lạ chứ cá sấu làm gì mà tạo ra được ngọc trai.
2.3.
Thần thoại về chuyện rồng ham ngủ. Thái bình quảng ký, quyển 311, dẫn thiên “Tiếu khoáng” trong Truyện ký, nói rằng rồng thích ngủ, giấc dài thì nghìn năm, giấc ngắn thì vài trăm năm, nằm ngửa trong hang huyệt, bùn cát nhét vào kẽ vảy. Nếu chim đánh rơi hạt lên trên thì có thể mọc thành cây. Chuyện rồng ngủ “dài hạn” như thế này cũng bắt nguồn từ thực tế: giống cá sấu sông Dương Tử (Trung Quốc) là quán quân về tập tính ham ngủ trong hơn 20 giống cá sấu toàn thế giới. Một năm nó ngủ sáu tháng; sáu tháng kia nó kiếm ăn nhưng ban ngày cũng ở trạng thái lừ đừ, lờ đờ (coi như ngủ) chỉ có ban đêm thì nó mới thật sự tích cực kiếm ăn trong vòng 3 tiếng đồng hồ mà thôi. Người không rành thì cứ tưởng nó ngủ “giấc dài ngàn năm, giấc ngắn trăm năm”.
2.4.
Thần thoại về việc rồng ăn thịt người. Thuật dị ký của Lương Nhậm Phưởng (Phỏng) có chép chuyện cung nữ của vua Kiệt nhà Hạ biến thành rồng và ăn thịt người. Bác vật chí có chép chuyện trong yến tiệc nơi long cung, rượu được pha với máu người mà thết đãi. Đời Chu, đời Thương có kiểu hoa văn “thao thiết”. Đây chính là một mô- típ bắt nguồn từ truyền thuyết rồng ăn thịt người. Nhưng tất cả những chuyện trên đây cũng đều bắt nguồn từ sự thật về việc ăn thịt người của các loài cá sấu hung dữ.
2.5.
Thần thoại về long cung. Liễu Nghị truyện, truyện “Tây Hồ chủ” trong Liêu Trai, truyện Na Tra quyết đấu với rồng trong Phong thần diễn nghĩa đều có hình ảnh long cung nguy nga, tráng lệ. Những truyện có tính chất thần thoại này cũng bắt nguồn từ thực tế. Số là cá sấu sông Dương Tử (Trung Quốc) là loại nổi danh về khả năng tạo mê cung trong lòng đất. Đặc biệt những con cá sấu già, có kinh nghiệm đã đào hang ở vùng mà mặt đất có nhiều bờ bụi, lau, trúc sát nơi ghềnh thác. Hang sâu đến 2,5m hoặc 3m; trong hang có chỗ nghỉ ngơi, có nơi để ngủ mùa, lại có hố khá sâu để chứa nước phòng khi hạn hán với nhiều ngõ ngách ngang dọc và ba bốn cửa hang cách nhau khá xa. Long cung chính là cái hang con cá sấu được thần thoại hóa vậy.
2.6.
Về việc rồng cỡi mây, rồng là thần sấm, thần làm mưa. Rồng ở đây thực chất là cá sấu như đã nói. Lúc trời sắp mưa, chớp giật sấm rền, cá sấu thường kêu rống. Bi nhã, quyển nhị, chép: “Lúc trời sắp mưa, cá sấu tất gào rống; do đó người Lái (tên một tộc người thiểu số) có tục dựa vào cá sấu (kêu) để đoán mưa”. Vậy cá sấu rống là điềm trời sắp mưa. Đây là thực tế mà người thời xưa đã dựa vào để tưởng tượng ra chuyện rồng là thần sấm, thần làm mưa. Đến như chuyện rồng cỡi mây thì đây chẳng qua là hiện tượng cá sấu bị những cơn lốc xoáy mãnh liệt thổi bay và cuốn hút lên không trung trong cơn vần vũ đó thôi.
3.
Từ những điểm trên đây, có thể thấy rõ rằng con rồng chẳng qua là con cá sấu nhưng là con cá sấu “lên đời” bằng trí tưởng tượng và tín ngưỡng dân gian thời xưa. Về mặt văn tự học, chữ long cũng vốn là hình của con cá sấu nhưng do khuôn khổ có hạn nên chúng tôi xin gác vấn đề này đến một kỳ khác.
…………..
1. Bài này viết theo thiên nghiên cứu rất đặc sắc của Vương Lập Thuyên nhan đề “Long thần chi mê” (Bí ẩn của thần rồng) đăng trên Trung quốc văn hóa, số 5, 12-1991, tr. 89-104.
Nguồn: Bản tin ĐHQG-HCM, số 142, Xuân 2012, Trang 26-27
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Con rồng chẳng qua là con cá sấu lên đời (Tác giả: An Chi) |