Con Trâu trong tín ngưỡng và lễ hội dân gian Việt Nam

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  LÊ ĐỨC LUẬN
(Đại học Sư Phạm; Đại học Đà Nẵng)

     Trâu là con vật hoang dã được thuần dưỡng với mục đích lấy thịt, lấy sức kéo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các hoạt động lao động sinh hoạt khác.

     Việt Nam là nước nông nghiệp điển hình thì trâu là con vật có vai trò quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của mọi người dân.

     Tín ngưỡng và lễ hội liên quan đến con trâu của các dân tộc ở Việt Nam có thể chia làm bốn loại hình: loại hình liên quan đến hoạt động săn bắt thú rừng, loại hình liên quan đến thuần dưỡng thú rừng, loại hình liên quan đến sử dụng thú rừng đã thuần dưỡng vào cuộc sống sinh hoạt và lao động sảh xuất và loại hình tôn vinh người chăn trâu và nghề nông gắn với trâu.

     1. Loại hình liên quan đến hoạt động săn bắt thú rừng là lễ hiến sinh

     Phần lớn các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn- Khmer đều có tục đâm trâu hay còn gọi là “ăn trâu” hay “chém trâu” để hiến tế thần linh trong các lễ hội lớn của cộng đồng. Lễ đâm trâu của người Tây Nguyên thường tổ chức vào dịp cúng cơm mới, khánh thành nhà rông… Trong khi đó, lễ chém trâu của người Chăm tế thần được tổ chức cố định vào tháng 4 Chăm lịch để dâng cúng cho Pô Rum Păn và các vị thần linh. Tùy theo từng dân tộc mà các nghi lễ cúng tế khác nhau nhưng nhìn chung đều lấy con trâu làm vật tế thần linh. Lễ hội này có thể chia ra ba nhóm. Nhóm thứ nhất là việc tổ chức các công việc trước khi tiến hành đâm trâu. Công việc đầu tiên quan trọng hơn cả là dựng cây nêu, trang trí cho cây nêu. Cây nêu càng cao, càng đẹp thì thần linh càng hài lòng và mùa màng năm đó sẽ bội thu, cuộc sống sẽ ấm no. Người ta thường làm hai cây nêu. Một cây nêu lớn dựng trước sân nhà rông- nơi sẽ buộc trâu để làm lễ hiến sinh. Cây còn lại nhỏ hơn dựng trong nhà rông. Công việc chọn trâu để hiến sinh cũng rất quan trọng. Trâu được chọn bao giờ cũng phải là con trâu to khoẻ, hông nở, sừng dài và bóng.

     Nhóm thứ hai là lễ đâm trâu, đây là nghi lễ chủ đạo được tiến hành vào ngày thứ hai. Nghi lễ này chính là mô phỏng các động tác phóng lao, đâm lao vào con thú rồi múa hát ăn mừng khi săn được thú rừng của tổ tiên. Nghi thức lễ ăn trâu của người Giẻ Triêng được tiến hành rất linh thiêng. Các thanh niên đầu chít khăn đỏ, tay cầm khiên, giáo nhảy múa quanh con trâu theo nhịp cồng chiêng. Tiếp đó, già làng đứng lên thực hành nghi thức múa quanh cây nêu trong nhà rông ba vòng rồi trở ra múa quanh cây nêu (nơi buộc trâu) ba vòng. Kết thúc điệu múa của mình, già làng và những người được phân công làm những thao tác cúng lễ sẽ xếp hàng theo đội hình với một người đánh trống đi đầu, theo đó là ba người đánh chiêng làng, kế đến già làng cùng một người bưng tô rượu cho trâu uống trước khi làm lễ hiến sinh và cuối cùng hai người phụ nữ trong làng có uy tín, được, mọi người yêu quý tham gia nghi lễ cúng tế. Hai phụ nữ, một người bưng một chén nước nghệ, một người cầm một chén gạo, vừa đi vừa rắc xung quanh con trâu với ý nghĩa cho trâu ăn và tẩy uế trâu trước khi dâng cúng thần linh. Người chủ trâu khóc một bài về con trâu với tình cảm thương tiếc, kể những kỷ niệm về nó và công lao chăm sóc của gia đình. Tốp người làm lễ đi quanh con trâu và cây nêu ba vòng ngược chiều kim đồng hồ. Người Giẻ Triêng quan niệm rằng, đó chính là hướng đi của thần linh và cũng là hướng của sự phát triển, sinh sôi. Người Cor thì đi 9 vòng quanh con trâu để hát và múa chiêng. Kết thúc các vòng đi quanh con trâu, già làng vừa cho trâu uống tô rượu đã được chuẩn bị sẵn, vừa đọc lời khấn mong thần linh chứng giám dân làng đã thực hiện nghi lễ hiến sinh trâu, cầu mong thần phù hộ cho dân làng có cuộc sống bình yên, hạnh phúc, ấm no. Dứt lời khấn của già làng, mọi người cùng hú vang một tiếng. Tiếp đó, một người đàn ông khoẻ mạnh được dân làng chỉ định sẽ cầm lao đâm vào con trâu, mỗi nhát đâm dân làng đều hò reo, khích lệ. Khi con trâu gục xuống, già làng cầm theo chiêng kleng nhỏ gõ vào đầu trâu ba lần, rồi cầm ống nứa hốt huyết trâu còn tụ lại trên những vết đâm rồi đem bôi lên các cột nhà rông với lời khấn cầu mong sức khoẻ, bình yên cho cộng đồng.

     Nhóm thứ ba là công việc chia thịt cho dân làng sau khi con trâu đã được làm lễ hiến sinh. Công việc này được thực hiện sau khi già làng tiến hành nghi thức bôi máu lên các cột nhà rông rồi lấy một chiếc chiêng úp lên đầu trâu, lấy một miếng lá chuối đặt lên bụng trâu, trên đó để một loại củ rừng rồi ông cầm một con dao xẻ một đường dưới bụng trâu bằng tay trái. Khi già làng làm phép xong những nghi thức trên thì giao lại cho mọi người trong làng. Lúc này trâu được xẻ thịt chia đều cho tất cả các thành viên trong cộng đồng, kể cả thai nhi hay một vị khách lỡ độ đường. Đầu trâu được cột trước cửa nhà rông, trên trán nó, người ta vẽ hình mặt trời bằng chính máu của con vật hiến sinh. Đây là các hoạt động bắt nguồn từ việc chia thịt thú rừng săn bắt được cho cộng đồng của người nguyên thủy.

     Lễ tế trâu hay lễ chém trâu là loại lễ lớn nhất trong hệ thống lễ nghi nông nghiệp của người Chăm. Ở thôn Như Ngọc, Ninh Phước, Ninh Thuận, lễ tiến hành tại núi Đá Trắng, vật cúng một con trâu trắng. Trước khi thực hiện nghi lễ chém trâu, thầy Bóng chính (Ka-lng) và hai thầy Bóng phụ làm nghi thức khấn báo, mời gọi Pô Rum Păn và 11 vị thần khác. Tiếp theo, thầy Bóng chính và 2 thầy Bóng phụ cùng choàng khăn đỏ vào cổ, riêng thầy Bóng chính choàng thêm lên đầu một chiếc khăn đỏ. Con trâu đã buộc sẵn bốn chân và miệng ngay phía trước cổng đền, được đặt nằm nghiêng, mặt và bụng quay về cửa đền, lưng quay về phía mặt trời mọc, cổ trâu đặt trên một lỗ đào sẵn sâu 40cm, đường kính 45cm. Thầy Bóng đi ba vòng theo chiều kim đồng hồ quanh con trâu, cứ mỗi vòng thầy Bóng chính dùng đầu ngón bàn chân phải làm phép vẽ bùa xuống đất 2 lần dưới 4 chân trâu và 1 lần chỗ đuôi trâu để mời gọi 3 vị thần về giữ. Kế đó ông lấy đất vẽ bùa làm phép trên cổ trâu, lấy nước rửa sạch cổ trâu 3 lần và kê miệng sát vào tai trâu cầu khấn: “Mày sẽ lên thiêng đàng, mày không có tội lỗi gì, mày là vật dân làng hiến tế cho thần linh, hãy mang những ước nguyện của dân làng đến với thần linh…”. Khấn xong, ông lấy thanh kiếm có kẹp một chùm lá làm động tác chém tượng trưng lên cổ trâu, sau đó thanh kiếm được trao lại cho ông Săm lé. Ông Săm lé kề miệng sát vào tai trâu đọc câu thần chú: “Cầu cho linh hồn mày được về cõi trên, nơi đó có nhiều cỏ để ăn và nước để uống cho mày béo mập, thịt trâu xin dâng lên cho Pô Rum Păn và các vị thần hưởng, xương trâu giao cho thần đất, cát; lông trâu giao cho thần lửa; máu trâu tế cho thần đất”. Sau đó, ông lấy nước rửa cổ trâu 3 lần, dùng ngón tay điểm chỉ lên lưỡi kiếm rồi chém vào cổ trâu. Trong lúc ông Săm lé chém trâu, thầy Bóng chính và hai thầy Bóng phụ phải rời xa con trâu và cùng nhìn về hướng Đông chứ không được nhìn vào con trâu đang bị chém. Tiếp đến, thầy Bóng chính lấy kiếm mổ tượng trưng lên bụng trâu rồi cùng trở vào đền. Vào đến cửa đền, thầy Bóng chính dùng mũi kiếm hất chùm lá chuối đậy sẵn trên một chai rượu để mời các vị thần dùng rượu với con gà nướng trước khi dân làng nấu chín các món thịt trâu dâng lên các vị thần. Thịt trâu dâng tế thần gồm các món: luộc, kho, xào, canh… Riêng 4 chân, đuôi và 2 cái tai trâu phải để sống nguyên lông và lưỡi, đôi mắt, óc trâu luộc chín để dành dâng tế thần.

     Lễ hội cầu an (xên bản, xên mường) của người Thái, người Mường ở Mai Châu, Thuận Châu, Mộc Châu,… được tổ chức vào cuối tháng Giêng, đầu tháng hai Âm lịch hàng năm (dịp tết Nguyên Đán). Lễ thường được tổ chức tại một bãi rộng, nơi có nguồn nước nước thiêng cũng gắn với tục giết trâu hiến sinh cầu và tạ thần linh, được biểu hiện qua tiếng sấm, tức lời phán quyết của vua trời, qua hình tượng thủy thần, thuồng luồng… Ở Mộc Châu, người ta hiến tế cặp trâu đen – trắng cỡ từ mười tuổi trở lên. Hai trâu, nhưng trâu trắng mới thực sự mang năng lượng thiêng để thành lễ vật tế thần. Trước khi thịt trâu, ông mo mường và ông mò phăn (ông thầy chém) làm lễ vái thần linh, tổ tiên rồi cầm dao nhọn làm động tác chém dứ vào cổ các con trâu dùng tế lễ, miệng thì thầm những lời kính báo với thần linh, tổ tiên: “trâu tế thần đã sẵn, dân bản, dân mường đã thịt trâu dâng các vị rồi đây nhé, xin các vị về mà nhận lấy”. Sau đó, các ông lui ra, dành chỗ cho các thanh niên khỏe mạnh vào chém trâu, thịt trâu…

     2. Loại hình liên quan đến thuần dưỡng thú rừng là lễ hội chọi trâu

     Lễ hội chọi trâu gắn với tín ngưỡng cầu an, cầu mùa. Hội chọi trâu hàng năm diễn ra tại Đồ Sơn, Kiến Thụy, Kiến An, Hải Phòng. Lễ hội bắt nguồn từ một sự tích có tính thiêng. Tương truyền, một hôm, trời trong sáng dưới ánh trăng tháng Tám, một số người trông thấy ngoài biển, dưới ánh trăng vàng, một lão nhân đầu tóc bạc phơ ngự trên một chiếc sập đá, tay cầm một chiếc gậy dài ngắm nhìn hai con trâu đang chọi nhau. Hình ảnh này hiện rồi biến, sau đó một trận mưa lớn đã tưới tắm mặt đất mát mẻ, đủ nước, qua khỏi cơn hạn khủng khiếp. Để làm hài lòng thần linh, họ tổ chức một cuộc chọi trâu và tục này được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một thuyết khác cho rằng, ngày xưa, có người con gái đẹp nhà nghèo, tên là Đế, có tiếng hát mê hồn vua Thuỷ Tề. Vua Thuỷ Tề nhập vào làm nàng có thai và bị tội hoang thai. Dân làng trừng phạt nàng bằng việc dìm nàng xuống nước. Hôm nàng bị dìm xuống nước, mây vần vũ, trời âm u và biển như thể nổi giận, từng đợt sóng chồm lên. Ba lần bọn hào lý ném nàng xuống biển là ba lần nàng nổi lên. Chúng lại dùng dây thừng buộc nàng vào cối đá, ném xuống. Vua Thuỷ Tể đón người vợ oan ức về cung. Nơi vua Thuỷ Tề đón nàng bỗng dưng có rất nhiều tôm cá. Vì thế, người ta bèn tổ chức chọi trâu, mỗi vạn chài được mang một con trâu ra thi đấu. Trâu của vạn chài nào thắng thì năm đó vạn chài được độc chiếm bãi cá. Con trâu thắng cuộc được dùng vào tế thần, cầu mong thuỷ thần phù hộ cho dân chài Đồ Sơn quanh năm được mùa tôm cá. Dân vùng này có câu ca truyền tụng: “Dù ai buôn đâu bán đâu/Nhớ ngày tháng Tám chọi trâu thì về/Dù ai buôn bán trăm nghề/Nhớ ngày tháng Tám thì về chọi trâu”.

     Lễ hội chọi trâu gắn với tín ngưỡng thờ Thành hoàng. Tương truyền, thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, lúc này nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của Triệu Đà, triều đình nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia lui quân về vùng núi rừng Hải Lựu, huyện Lập Thạch để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, ông tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ, trâu sau khi chọi được giết mổ khao quân. Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu tôn thờ làm Thành hoàng và lễ hội Chọi Trâu cũng bắt đầu có từ đó Lễ hội được mở hàng năm vào ngày 17 tháng Giêng, nhân dân trong vùng vẫn còn lưu truyền câu ca: “Dù ai đi đâu, ở đâu/Tháng Giêng mười bảy chọi trâu thì về/Dù ai buôn bán trăm nghề/Tháng Giêng mười bảy nhớ về chọi trâu”.

     Dấu ấn của việc chọi trâu là việc thi trâu khỏe, kết quả của quá trình thuần dưỡng trâu rừng thành trâu nhà. Trâu cày giỏi và chọi khỏe là giống trâu đã qua quá trình thuần dưỡng tốt. Trâu dự thi phải được kén chọn kỹ lưỡng và chăm sóc một cách chu đáo. Trâu chọi giỏi phải theo các tiêu chuẩn đặc biệt. Trâu chọi là trâu từ 8 – 10 tuổi. Trâu chọi đầu phải nhỏ, cổ dài, bờm tròn, lưng hơi nhô lên. Sừng trâu chọi phải cứng và kín, chân sừng vuông, mặt sừng mịn, sừng vươn thẳng lên khỏ đầu, hai sừng cân đối như nằm trên một mặt phẳng, hai đầu không quá xa nhau: cách nhau khoảng 12 tấc và cao cách trán tốt nhất là khoảng 6 tấc (20 cm). Mắt trâu phải tròn và lanh lợi. Hàm trâu phải loại hàm đen như nghiên mực. Tai trâu phải dính với sừng, xoáy trên đầu phải nhiều lông và trán dẹt. Trâu phải cao vây, sa ức, kín sườn, bụng cheo. Đuôi trâu tròn, chân ngắn, khớp dẻo dai, có hai khoáy đối nhau ở hai bên đùi.

     3. Loại hình liên quan đến việc sử dụng thú được thuần dưỡng vào cuộc sống sinh hoạt lao động sản xuất là lễ tạ ơn trâu và cúng vía cho trâu

     Trâu được người nông dân coi như người bạn, người thân thiết: “Trên đồng cạn dưới đồng sâu/Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”, hoặc “Trâu ơi ta bảo trâu này/Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/cấy cày vốn nghiệp nông gia/Ta đây trâu đấy ai mà quản công…”. Thậm chí, con trâu như một ân nhân mà con người chịu ơn. Ngưòi Thái (Tây Bắc) có lễ tạ ơn trâu vào ngày 14- 7 Âm lịch hằng năm vào ngày Tết Síp Sí. Trong lễ tạ ơn con trâu, có mâm cỗ gồm một con gà luộc, một đĩa xôi, một chai rượu, một đĩa trầu cau và một bó cỏ non. Thịt gà được chặt ra gói cùng với xôi trong mớ cỏ non, những gói cỏ xếp vào cái đĩa lớn, vẩy mấy giọt rượu vào đó… Mọi thứ chuẩn bị xong xuôi, ông thầy cúng khăn áo chỉnh tề bước ra thắp hương, làm lễ tạ ơn trâu. Lễ tạ ơn được tiến hành với từng con, bắt đầu từ con trâu đầu đàn, sau đó lần lượt theo thứ tự con nhiều tuổi trước, con ít tuổi sau. Người cúng cầm sẹo mũi con trâu và đọc bài cúng, mở đầu bằng những câu: “Ơ này trâu ơi. Mưa rơi trâu kéo cày, Trời sấm trâu kéo ruộng. Đeo ách khắp thửa trên, Kéo bừa khắp thửa dưới. Thương trâu hồn to vía lớn. Có gà lớn bằng con công. Gà to bằng con ngỗng, sắp mâm cỗ mời trâu ăn. Có chai rượu thơm. Rót ra mời trâu uống…” Và kết thúc ở mấy câu: “… Gom của về với chủ. Tận già trâu đừng chết. Trâu sinh sôi đầy đàn. Trâu sinh nở đầy gầm nhà!”… Toàn bộ bài cúng có 42 câu. Sau đó, chủ nhà tận tay đút cho trâu ăn những gói cỏ non bên trong có thịt gà và xôi, rồi thả trâu ra rừng. Mấy ngày sau lễ tạ ơn, người ta kiêng mắng mỏ trâu, đánh trâu và bắt trâu làm nặng.

     Tục cúng vía trâu “Tám khuôn quái” là một sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo của người Thái Mường Lò, Văn Chấn, Yên Bái. Lễ cúng vía trâu được tổ chức trọng thể vào sáng sớm Tết Síp Sí, tết rằm tháng Giêng. Sau một năm, con trâu đã giúp người hoàn thành một vụ cày bừa vất vả, nên cần được nghỉ ngơi và được gia chủ chăm bẵm. Sáng sớm trẻ em đưa trâu đi tắm rửa sạch sẽ. Mỗi nhà chuẩn bị một mâm lễ vật gồm có: một con gà nhỏ luộc chín, một bát cơm, một bát gạo, một đĩa muối, nến, hương, có bao nhiêu trâu thì rót bấy nhiêu chén rượu. Bà mo khấn: “Trời làm nên con trâu/Trâu cái đen đến trước/Trâu cái trắng đến sau/Trâu mộng trâu đực đen/Trâu quế, trâu cái trắng”. Tiếp theo, bà kể về nỗi vất vả của trâu: “Mưa rơi mày xuống cày ruộng mạ/sấm sét mày xuống bừa ruộng sâu”. Người chân thành mời trâu hưởng những thành quả lao động trâu đã giúp người làm nên: “Mời vía của trâu/Mời trâu ăn nhé/… Rượu cái ăn rất ngọt/Rượu nấu uống rất ngon/… Ăn cơm ruộng thơm dẻo trắng nõn/ Ăn cơm gạo sạch sẽ trắng ngần/… Nhờ có công mày đã cày bừa cho người được ăn cơm/ Mới được thóc ngàn gánh về kho/ Mới có lúa mang về đầy bịch/ Cả gia đình vợ chồng con cái đều được ăn nhờ vào đó/ Có miếng cơm trắng ngon no đủ gia đình mới được ấm cúng trâu ơi!’’. Khấn xong, bà mo đổ rượu, xoa muối vào mồm trâu, rồi bón cơm, thịt gà, cỏ non cho trâu cái trước rồi mới bón cho các con trâu khác. Lúc này mỗi người đều bón cho trâu cỏ, cơm, gà, vỗ về trâu, trẻ em trèo lên lưng trâu vuốt ve âu yếm.

     4. Loại hình tôn vinh người chăn trâu và nghề nông là lễ hội Mục đồng

     Lễ hội Mục đồng ở làng Phong Lệ, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, nay thuộc thành phố Đà Nẵng là lễ hội tôn vinh người chăn trâu và nghề nông. Làng mở hội 3 năm một lần, tổ chức ở đình Thần Nông. Mục đồng tham dự lễ đều trên dưới hai mươi tuổi. Trong đình Thần Nông, đèn đuốc sáng như ban ngày, hương trầm bốc khói nghi ngút. Phía trước điện thờ, một cỗ kiệu hai đòn khiêng, giăng hoa kết lá rất đẹp. Ba hồi chiêng trống vang lên. Vị Trùm Mục đứng trước điện thờ làm lễ, sau lưng có bốn mục đồng giữ phần khiêng kiệu khăn áo chỉnh tề trình diện với thần. Trùm Mục làm lễ xong đến lượt Trùm Chỉ, Trùm Phụ rồi các mục đồng khiêng kiệu làm lễ bái lạy. Lại một hồi chiêng trống, Trùm Mục tiến lên thỉnh bài vị tại điện thờ, cung kính nâng ngang mày, quỳ xuống đặt vào trong kiệu rước. Một hồi chiêng trống nổi lên, toàn thể mục đồng hướng vào điện thần, chắp tay xá ba cái. Một hồi sênh nổi lên, báo hiệu đám rước khởi hành. Toán mục đồng cầm đuốc và vác kỳ của làng đi trước, kế đến là kiệu thần và chiêng trống, sau nữa là phường bát âm và cờ xí của tư nhân. Đoàn rước kiệu băng qua đồng đến cồn Thần thì đến giờ sửu. Giữa cồn có phiến đá trắng, chiếc kiệu Thần hạ xuống bên tảng đá. Trên chiếc chiếu hoa, vị Trùm Mục làm lễ khấn vái. Một hồi sênh nổi lên, sau 3 hồi chiêng trống, tiếp theo là một loạt trống cơm, rồi đến phường bát âm trong khúc nhạc mừng báo hiệu giờ rước thần đã đến. Gõ ba tiếng sênh làm hiệu, vị Trùm Mục xướng: “Chúng mục đồng Phong lệ ta! Xin cho lúa tốt lúa gieo! Vũ thuận phong điều, đồng reo lên một tiếng”. Đám mục đồng hợp thanh reo to: “Giá hạ..! Giá …!’’ vang vọng nối dài. Cùng với tiếng reo, đoàn mục đồng cầm cờ nối đuôi nhau chạy theo vị Trùm Mục đi vòng quanh cồn thần. Qua khỏi cánh đồng, đoàn rước đi về đình. Đoàn rước dừng lại trong sân đình. Trùm Mục làm lễ rồi đến các mục đồng, xong các mâm cúng đều được đưa xuống cho mục đồng mặc sức hưởng.

     Như vậy, qua bốn loại hình lễ hội có liên quan đến con trâu, có thể thấy rằng, con trâu đã đi sâu vào tâm thức tín ngưỡng người Việt một cách đậm nét. Nó mang dấu ấn văn hóa nghề nghiệp, văn hóa tình nghĩa của người Việt Nam. Ngày nay, trong thời đại công nghiệp, máy móc đã dần sử dụng phổ biến trên cánh đồng thôn quê. Máy cày bừa, máy gặt và thóc được vận chuyển bằng xe. Hình ảnh con trâu dần vắng bóng ở làng quê. Tuy nhiên, hình ảnh đứa trẻ chăn trâu ngồi vắt vẻo trên lưng trâu đọc sách, thổi sáo vẫn còn và đó là hình ảnh thể hiện sự yên bình của làng quê. Đâu đó ở các đô thị, có các khoảng không gian làng quê và con trâu như là một nét chấm phá sinh động, tạo nên không gian xanh tươi êm đềm. Rồi mai đây, con trâu không còn kéo cày, không còn kéo xe lúa, không còn kéo gỗ… nhưng con trâu sẽ phục vụ cho những hoạt động du lịch và các sinh hoạt khác của đời sống con người. Những thế hệ người Việt Nam trưởng thành, đi ra thành phố từ làng quê sẽ luôn nhớ về cánh đồng làng với con trâu đã gắn bó với tuổi thơ của họ, với những kỷ niệm êm đềm./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Toan Ánh (2005), Nếp cũ Tín ngưỡng Việt Nam, quyển Thượng và Hạ, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

2. Toan Ánh (2005), Nếp cũ Làng xóm Việt Nam, Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

3. Toan Ánh (2005), Nếp cũ Hội hè đình đám, quyển Thượng và Hạ, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

4. Phan Kế Bính (2004), Việt Nam phong tục, TP. Hồ Chí Minh.

5. Bùi Thiết (1993), Từ điển Lễ hội Việt Nam, Văn hoá, H.

6. Lê Trung Vũ (Chủ biên- 1992), Lẽ hội cổ truyền của người Việt ở Bắc Bộ, Nxb. KHXH, H.

Nguồn: Di sản văn hóa phi vật thể, số1 (26) – 2009

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Con Trâu trong tín ngưỡng và lễ hội dân gian Việt Nam (Tác giả: TS. Lê Đức Luận)